Skip to main content

Cách xử lý các đồng nghiệp độc hại (và không tự làm xấu bản thân)

16 Tháng Chín, 2023

Nhiều lần phản ánh bị đồng nghiệp độc hại gây rối nhưng sếp thờ ơ là lúc bạn cần có phương thức tiếp cận bài bản, tránh kiểu trả đũa.

đồng nghiệp độc hại
Cách xử lý các đồng nghiệp độc hại

Tại nơi làm việc, đôi khi sẽ có những đồng nghiệp độc hại, những người luôn tìm cách độc chiếm các cuộc họp để ngăn bạn đóng góp ý tưởng, phớt lờ các câu hỏi hoặc đề xuất của bạn trừ khi cấp trên có mặt, nói dối về bạn ngay trước mặt sếp, hay đánh cắp ý tưởng, công lao của bạn.

Nhìn chung, ở công việc văn phòng, thường mọi người đều phải cạnh tranh nhau để được thăng chức, tăng lương, nhận được dự án hấp dẫn và được ban giám đốc điều hành cao cấp chú ý. Nhưng đôi khi sẽ có đồng nghiệp ưu tiên sự nghiệp bản thân họ hơn tất cả những thứ khác và làm mất uy tín của bạn trong quá trình này.

Vì vậy, bạn cần những cách ứng phó phù hợp, nhất là khi bạn đề cập nhiều lần mà cấp trên không quan tâm, cho rằng đó chỉ là sự khác biệt trong phong cách làm việc của từng nhân viên.

Advertisement

Chỉ rõ tác động kinh doanh bất lợi.

Sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể chỉ cụ thể các hành vi gây rối của đồng nghiệp ảnh hưởng vào kết quả kinh doanh. Cho thấy cách họ đang làm tổn hại hiệu suất của nhóm, cung cấp nhiều bằng chứng hỗ trợ cho lời khẳng định của bạn.

Cụ thể, bạn cần trả lời các câu hỏi sau: Người này tạo ra mối đe dọa cho công ty, nhóm, hoặc sự nghiệp của bạn ra sao? Tác động tiêu cực do hành động của họ gây ra là gì? Sẽ thuyết phục hơn nếu các vấn đề bạn phản ánh được xác thực, có thể qua sự chứng kiến bởi thành viên khác trong tập thể.

Nancy Halpern, nhà tư vấn quản trị có một khuyến nghị nhỏ về tần suất. “Nếu họ làm điều gì đó một lần, hãy quên đi và để nó trôi qua. Nếu họ làm điều đó hai lần, hãy lưu ý. Và khi họ làm điều đó đến lần thứ ba thì chính là có kế hoạch”, chuyên gia nói.

Ví dụ, nếu bạn bắt gặp đồng nghiệp nói dối một lỗi nhỏ không gây hậu quả nghiêm trọng, bạn có thể bỏ qua. Nhưng nếu điều đó lặp lại hoặc gây hại thì đã đến lúc phải hành động.

Advertisement

Tránh phàn nàn, hãy đề xuất giải pháp.

Khi trình bày với người quản lý, hãy tránh bản thân trở thành một người phàn nàn. Nói rõ với sếp rằng bạn không hành động do ganh tị hay thù hận. Cần tiếp cận như một nỗ lực tạo mối quan hệ làm việc tốt với đồng nghiệp, không phải tìm cách vạch lỗi họ.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người có kinh nghiệm trong ganh đua ở văn phòng, vì có thể sếp bạn đang nghe một câu chuyện hoàn toàn khác từ họ. Ngoài ra, hãy sẵn sàng giải thích những gì bạn đã làm cho đến hiện tại.

Nhiều quản lý không muốn nhân viên gây rắc rối vì họ có quá nhiều việc phải giải quyết. Nếu nhận thấy điều này, hãy mô tả vấn đề bạn gặp phải, đề xuất giải pháp hoặc cách tiếp cận khả thi, giải thích ý nghĩa hoặc tác động của giải pháp đó.

Ví dụ, nếu bạn muốn giải quyết việc đồng nghiệp đang giành hết công trạng, bạn có thể đề xuất về phân công vai trò. Theo đó, chỉ định ai sẽ trình bày ý tưởng cho lãnh đạo, người nào sẽ giải đáp các câu hỏi và thành viên phụ trách gửi email cho các đơn vị liên quan trong công ty.

Advertisement

Để tăng độ thuyết phục, bạn có thể dùng chiến thuật “nếu như” khi sếp từ chối hoặc không hưởng ứng. Trong trường hợp nêu trên, bạn có thể trả lời họ bằng mệnh đề “điều gì sẽ xảy ra nếu”, kiểu: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đặt ra các tiêu chuẩn cho nhóm về cách chúng ta giao tiếp và chia sẻ công lao?” hoặc “Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi chia sẻ 3 ví dụ về hành vi đang cản trở nhóm chúng ta?”.

Giải quyết nói dối và đánh cắp công lao.

Đối mặt với đồng nghiệp bóp méo sự thật có thể là trải nghiệm khó chịu, bởi vì nó thường biến thành cuộc chiến xem ai trung thực và ai không. Nếu có thể chỉ ra những điều sai sự thật và đưa ra bằng chứng trái ngược, hãy thẳng tiến và tiếp tục thực hiện. Lúc đầu, hãy âm thầm làm như vậy.

Ví dụ, bạn có thể gửi email thiện chí có nội dung như: “Tôi không hiểu tại sao bạn lại nói không biết về việc triển khai tính năng mới, khi nào, vì bạn có thể biết thông qua luồng email bên dưới, chúng ta đã thảo luận về nó vào tháng 9”. Điều này có thể nhẹ nhàng vạch trần sự lừa dối và làm rõ bạn sẽ không để họ thoát tội.

Còn khi đồng nghiệp chiếm công, hãy bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi như: “Tôi nhận thấy khi bạn nói về dự án, bạn đã nói ‘tôi’ thay vì ‘chúng tôi’. Đó có phải là cố ý không? Tại sao bạn lại trình bày nó theo cách đó?”. Câu hỏi dạng này chuyển nhiệm vụ giải thích lý do họ cảm thấy chính đáng khi nhận công. Ngoài ra, hãy xác lập thỏa thuận phân công từ trước, viết ra và chia sẻ với mọi người tham gia dự án.

Advertisement

Lưu giữ bằng chứng vi phạm và thành công.

Để bảo vệ bản thân và sự nghiệp nếu mọi chuyện đi quá xa, bạn cần có bằng chứng. Đối với mọi hành vi vi phạm, hãy ghi lại thời gian, địa điểm, những gì đã được nói hoặc làm, bởi ai và ai có mặt vào thời điểm đó. Điều này có thể tốn nhiều công sức, nhưng sẽ giúp chứng minh bạn bị phá hoại là nhất quán và kéo dài.

Đồng thời, lưu lại những thành công bản thân để chúng không bị lu mờ bởi đồng nghiệp. Thường xuyên báo cáo với sếp, có thể qua một email ngắn hàng tuần. Đừng nghĩ đây là khoe khoang mà nhằm xây dựng giá trị của bạn tại công ty.

Tìm cách để những người khác trong công ty biết đến công việc chính đáng của bạn. Giới thiệu bản thân với nhân viên ở các bộ phận khác hoặc cấp cao hơn, có thể bằng cách tình nguyện tham gia dự án liên chức năng hoặc của các lãnh đạo có quyền lực. Vun đắp các kết nối mới sẽ cho bạn cơ hội thể hiện tài năng rộng rãi và bác bỏ mọi thông tin sai lệch mà đồng nghiệp đang lan truyền về bạn.

Cân nhắc đến phòng nhân sự khi tìm cách xử lý các đồng nghiệp độc hại.

Nếu sếp bạn từ chối can thiệp sau mọi nỗ lực, hãy cân nhắc đến phòng nhân sự. Nhưng hiệu quả của lựa chọn này phụ thuộc vào bộ phận nhân sự từng công ty. Theo Bob Sutton, tác giả cuốn “The No Asshole Rule” thì ở hầu hết công ty, phòng nhân sự không hiện diện để trở thành bạn của bạn mà để bảo vệ công ty.

Advertisement

Hầu như hiếm trường hợp ai đó khiếu nại với bộ phận nhân sự để giải quyết bất hòa với đồng nghiệp và nhận được sự giúp đỡ có ý nghĩa. Vì vậy, bạn cần tính trước khả năng thành công bằng việc thu thập một số thông tin về cách phòng nhân sự từng xử lý các tình huống tương tự trong quá khứ.

Bạn cũng phải cân nhắc sự đánh đổi cẩn thận. Việc leo thang vấn đề có khiến bạn trở nên tồi tệ không? Bạn có nguy cơ làm tổn hại thêm mối quan hệ với đồng nghiệp nếu họ phát hiện bạn đi tố cáo họ hoặc tìm thêm người giúp đỡ?

Huấn luyện viên nghề nghiệp Octavia Goredema nêu vài khuyến nghị khi cân nhắc ưu và nhược điểm của việc tìm đến phòng nhân sự.

Bà gợi ý tự vấn 3 câu sau: Tôi có ghi lại những gì đã xảy ra chưa? (bằng chứng để phản ánh); Mục tiêu của tôi là gì? (làm rõ mục tiêu giúp bạn xem xét tác động của các kết quả có thể xảy ra); Những gì tôi đang gặp phải là bất hợp pháp? Nếu bạn chứng minh được nó vi phạm các quy định của công ty thì phòng nhân sự mới có nghĩa vụ xem xét giải quyết.

Advertisement

Đừng biến mình thành người xấu khi đối phó với những đồng nghiệp độc hại.

Bạn không thể ép buộc đồng nghiệp xấu trở nên tốt hơn, và thực tế thì sếp của bạn cũng không thể. Hạn chế tự giải quyết mâu thuẫn với đồng nghiệp, và lý tưởng là ai đó có thẩm quyền – sếp của bạn, bộ phận nhân sự hoặc một bên liên quan khác – phản hồi phản ánh của bạn.

Với các đồng nghiệp độc hại, thích gây rối hoặc toan tính về công việc thì tìm cách đánh bại họ tưởng chừng như là phương thức hấp dẫn.

Ví dụ, khi họ nói dối trước mặt sếp, bạn có thể muốn làm điều tương tự. Nhưng đừng làm thế. Tham gia vào cuộc cạnh tranh không khoa học sẽ chỉ gây ảnh hưởng xấu đến bạn. Bạn không nên nhỏ nhen hoặc làm điều gì đó không phù hợp với giá trị bản thân.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Advertisement

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement