Skip to main content

Cần làm gì khi bạn làm việc chăm chỉ nhưng không mang lại kết quả

9 Tháng Mười, 2023

Nếu bạn cảm thấy mình đang bỏ ra quá nhiều thời gian nhưng lại không đạt được các kết quả mong muốn thì việc tăng cường sự nỗ lực có thể không phải là câu trả lời. Khi mọi người thất bại, thiếu nỗ lực chỉ là một trong số các lý do, nỗ lực sai hướng hoặc không phù hợp với sở thích của họ cũng có thể là đáp án.

Cần làm gì khi bạn làm việc chăm chỉ nhưng không mang lại kết quả
Cần làm gì khi bạn làm việc chăm chỉ nhưng không mang lại kết quả

Làm việc chăm chỉ (Hard work) từ lâu đã được xem là một trong những yêu cầu hàng đầu với những ai muốn đạt được thành công, dù là thành công riêng của cá nhân hay là thành công cá nhân được đóng góp vào tổ chức.

Trong thế giới kinh doanh (và tuyển dụng), các lý thuyết mô tả sức mạnh của sự chăm chỉ đối với sự thăng tiến cũng được đề cập theo cách tương tự, thuật ngữ “nhân tài” thậm chí còn được đem lên bàn cân để so sánh với sự chăm chỉ, và sự chăm chỉ thường được xem là “nặng ký” hơn.

Trong khi giá trị của sự chăm chỉ hay nỗ lực là không thể phủ nhận, sự thật là hầu hết mọi người thất bại không phải vì họ thiếu nỗ lực mà là vì nỗ lực của họ bị định hướng sai hoặc không phù hợp với sở thích của họ.

Thông qua các nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là các phân tích từ những người thành công và người có hiệu suất cao, phát hiện được đưa ra là những người có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt về những thứ họ cần tập trung vào sẽ đạt được thành công nhanh hơn.

Làm việc chăm chỉ đã giúp họ đạt được các thành công nhưng sự chăm chỉ đó lại dựa trên việc chọn cách tập trung vào các nhiệm vụ, dự án và vai trò phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của họ.

Rõ ràng là nếu bạn là người mới gia nhập một tổ chức nào đó hay đang trên đường xây dựng sự nghiệp riêng, nỗ lực hay chăm chỉ đơn thuần là chưa đủ.

Dưới đây là các chiến lược mà bạn có thể làm để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho mình.

Khám phá, sau đó khai thác.

Là một người mới bắt đầu sự nghiệp, bạn có thể không phải lúc nào cũng biết mình cần chăm chỉ như thế nào hay dồn lực vào đâu, và đây cũng là điều hết sức bình thường. Một khi bạn vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, khám phá những giá trị và sở thích của bản thân vẫn là thứ quan trọng hơn cả.

Hãy chắc chắn rằng bạn dành cho mình đủ thời gian và không gian để khám phá. Tìm ra điều gì khiến bạn hứng thú – thay vì là lao đầu vào “tất cả mọi thứ” và vắt kiệt sức của bản thân với mục tiêu là làm việc chăm chỉ.

Trong hành trình sự nghiệp của riêng bạn, hãy nghĩ đến việc tham gia vào các dự án khác trong những lĩnh vực mà bạn quan tâm.

Nếu bạn muốn khám phá năng lực trong một ngành nghề hay lĩnh vực khác, hãy kết nối với những người đang làm việc liên quan đến những thứ mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn muốn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình, hãy bắt đầu xây dựng một nguyên mẫu (prototype) hoặc một sản phẩm khả dụng tối thiểu (minimum viable product – MVP).

Trong quá trình trải nghiệm, dưới đây là một số câu hỏi hữu ích bạn có thể tự vấn bản thân:

  • Tôi có thực sự thích thú với điều này không?
  • Tôi có muốn làm điều này mỗi ngày không và nó có mang lại cho tôi niềm vui gì?
  • Tôi có giỏi việc đó không và nó có giúp tôi kiếm được tiền không?
  • Các công việc này có giúp tôi đến gần hơn với mục tiêu của mình không?

Nếu câu trả lời là không cho bất kỳ câu hỏi nào trong số này, có thể bạn vẫn chưa tìm thấy vị trí thích hợp của mình và có thể cần phải khám phá thêm.

Sử dụng quy tắc 80-20.

Nhà tư vấn Richard Koch từng kể lại trải nghiệm của ông khi được làm việc với Bill Bain, nhà sáng lập của Bain and Company, một công ty tư vấn toàn cầu làm việc trực tiếp với phần lớn các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.

Ông cho biết Bain thường đi cùng các chuyên gia tư vấn của mình đến các cuộc gặp gỡ với các khách hàng hàng đầu (Key Client) của công ty.

Bain thường trao đổi những câu chuyện mang tính vui vẻ, nói chuyện về thể thao hay các chủ đề “ngoài luồng” khác, rồi sau đó rời đi và để nhân viên của mình tiếp tục công việc với khách hàng.

Một câu nói phổ biến mà ông thường nói trước khi rời đi hàm ý là các khách hàng có thể tiếp tục trò chuyện với nhân viên của mình, họ là những chuyên gia thực sự và họ giỏi hơn ông.

Đây là một ví dụ kinh điển về nguyên tắc Pareto hay quy tắc 80-20, gợi ý rằng 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân chính.

Trong ví dụ trên, 20% là khoảng thời gian ngắn đầu tiên của cuộc gặp mặt, 80% là mối quan hệ thành công và lâu dài giữa khách hàng và nhà tư vấn thường xảy ra sau đó.

Để áp dụng điều này vào sự nghiệp của bạn, bạn có thể nghĩ theo cách này: Đừng tập trung vào mọi thứ mà hãy làm việc chăm chỉ với những nhiệm vụ, dự án hoặc vai trò quan trọng, những thứ thực sự sẽ mang lại cho bạn kết quả tốt nhất.

Hãy xem xét kỹ đến mọi việc bạn làm. Những nhiệm vụ và dự án nào có tác động lớn nhất đến mục tiêu của mình? Một khi bạn nhận ra rằng không phải mọi việc bạn làm đều quan trọng như nhau, bạn có thể rèn luyện bản thân để ưu tiên những hành động có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Hãy bắt đầu ngày mới bằng cách thực hiện một vài hoạt động quan trọng. Khi bạn đã hoàn thành chúng, hãy chuyển sang các nhiệm vụ (đơn giản hơn, ít quan trọng hơn) cần làm để đáp ứng những mong đợi cơ bản trong công việc. Khi vai trò của bạn ở cấp cao hơn, bạn có thể tuyển ngoài hoặc phân bổ lại các hành động ít có tác động hơn cho người khác.

Ưu tiên hệ thống hơn là mục tiêu.

Bạn hình dung rằng cả người thành công và người không thành công đều có mục tiêu giống nhau – tất cả đều muốn giành chiến thắng. Sự khác biệt đến từ việc họ có các hệ thống giúp cho sự chăm chỉ của họ trở nên có ý nghĩa.

Một trong những giá trị lớn nhất của các hệ thống này đó là bạn có thể đạt được mục tiêu của mình với ít nỗ lực hơn, hệ thống đóng vai trò như những đòn bẫy, chúng có khả năng thúc đẩy, tích luỹ và hợp lực từ các nhiệm vụ khác nhau.

Về cơ bản, các hệ thống được xây dựng nhằm mục đích hình thành nên những thói quen hàng ngày giúp bạn đạt được nhiệm vụ của mình theo những cách hiệu quả hơn. Điều này đòi hỏi sự cam kết cá nhân trong việc phát triển các quy trình giúp bạn liên tục cải thiện hiệu suất công việc.

Ví dụ: giả sử mục tiêu của bạn là trở thành nhân viên bán hàng xuất sắc của năm tại doanh nghiệp mà bạn đang làm. Mặc dù điều đó có thể có nghĩa là bạn cần phải mang về những khoản doanh số cao nhất, nhưng nó sẽ ít có giá trị hơn nếu bạn chỉ tập trung vào giá trị của mỗi đơn hàng được giao dịch (mỗi hợp đồng được ký).

Một cách tiếp cận thông minh hơn mà bạn có thể thử đó là tập trung vào các hệ thống: Xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với một số khách hàng quan trọng, cung cấp cho họ những dịch vụ tốt nhất, giải quyết kịp thời các thắc mắc của họ hay hướng tới việc giảm thiểu tối đa các phàn nàn nếu có.

Tất cả những gì bạn làm trong hệ thống này có thể dẫn đến việc khách hàng sẽ chọn gia hạn hợp đồng vào những lần tiếp theo hay thậm chí là chủ động giới thiệu cho bạn những khách hàng khác mà họ biết là có nhu cầu.

Tuỳ thuộc vào từng ngành nghề và mục tiêu kinh doanh khác nhau, bạn cần xây dựng các hệ thống làm việc và hỗ trợ khác nhau. Điều quan trọng là bạn cần lùi lại một bước, nhìn vào một bức tranh toàn cảnh hơn, hiểu các bước bạn cần thực hiện để có thể có những tác động lâu dài thay vì chỉ là giành được những chiến thắng trước mắt (ngắn hạn).

. . .
Rõ ràng là nếu bạn cảm thấy mình đang bỏ ra quá nhiều thời gian và không đạt được các kết quả mong muốn thì việc tăng thêm sự nỗ lực có thể không phải là câu trả lời.

Thay vào đó, tất cả những chiến lược nói trên là giải pháp dành cho bạn (và rất đáng để bạn bắt đầu thử nghiệm).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …