Đừng để công việc là cả cuộc sống của bạn (và cũng đừng theo đuổi công việc mơ ước)
Trong thế giới công việc thực tế, vốn không có cái gọi là “công việc mơ ước”. Thay vì coi đây là mục tiêu, bạn hãy theo đuổi một “sự nghiệp bền vững và có mục đích”. Nói cách khác, đó là một nghề nghiệp sẽ giúp bạn tiếp tục phát triển vì nó phù hợp với hệ thống giá trị và mục tiêu dài hạn của bạn.
Ở tuổi 30, tôi có được một công việc gọi là “công việc mơ ước”. Tôi là Giảng viên Marketing tại một trường có tiếng với mức lương vượt mức kỳ vọng.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm với vai trò này, tôi đã sẵn sàng từ bỏ nó.
Bên ngoài cái danh tiếng, tôi bắt đầu cảm thấy trống rỗng. Chỉ trong vài tháng, công việc hay vị trí của tôi đã trở thành chính cái gọi là danh tính cá nhân của mình theo đúng nghĩa đen và điều này khiến tôi mất đi nhiều điều khác vốn khiến tôi hài lòng với cuộc sống và con người của mình.
Tôi không có thời gian và sức lực cho gia đình, bạn bè, và cá nhân tôi. Những hoạt động vốn mang lại cho tôi niềm vui, như chạy bộ hay bơi lội cũng chỉ còn là “mơ ước”. Cũng từ đây, tôi dường như không có thời gian để cống hiến cho cộng đồng của mình.
Mặc dù bên ngoài, tôi vẫn được xem là người thành công, nhưng thực sự bên trong tôi là cả một bầu trời của sự rối bời, tôi không sao hạnh phúc được với những gì đang diễn ra.
Sau nhiều thời gian suy nghĩ, tôi cuối cùng đã nhận ra vấn đề: Ngay sau khi có được cái gọi là công việc mơ ước, tôi đã làm mọi thứ cần thiết để giữ được công việc của mình nhưng tôi đã không thể phát huy được những kỹ năng, niềm đam mê hoặc kiến thức nền tảng riêng biệt của mình theo cách mang lại cho tôi mục đích và ý nghĩa.
Tôi đã không thể thể hiện con người thật của mình hoặc xây dựng vai trò của mình theo cách phù hợp với các giá trị của tôi. Rõ ràng là, ngoài tiền lương hay chức danh, tôi rất cần những thứ khác để tiếp tục sống và làm việc một cách có ý nghĩa.
Giờ đây sau nhiều năm hài lòng với vị trí mới, một công việc có nhiều mục đích và ý nghĩa hơn, phù hợp với giá trị cá nhân hơn, tôi khuyến khích những sinh viên mới tốt nghiệp – đặc biệt là những người hiện đang không hài lòng với công việc của mình hoặc không ngừng tìm kiếm những điều tốt đẹp hơn – hãy thay thế ý tưởng về “công việc mơ ước” bằng “nghề nghiệp bền vững, có mục đích và giàu ý nghĩa”.
Nói cách khác, hãy theo đuổi một công việc hay sự nghiệp mà ở đó bạn luôn không ngừng phát triển bản thân vì nó phù hợp với hệ giá trị và các mục tiêu dài hạn của bạn.
Nếu bạn đang không cảm thấy hài lòng với vai trò hiện tại của mình và chia sẻ trên là con đường mà bạn muốn đi, dưới đây là những gì bạn có thể bắt đầu:
1. Hãy suy nghĩ xem liệu bạn đang bị mắc kẹt hay đang tự mãn.
Trong khi bạn có thể đang có những dấu hiệu của sự thành công – một chức danh tuyệt vời, mức lương cao và cả sự tôn trọng của đồng nghiệp – nhưng nếu bạn vẫn không thỏa mãn và không có cảm hứng với những gì mình đang làm, bạn có thể đã bị mắc vào cái gọi là bẫy nghề nghiệp.
Bẫy nghề nghiệp (career trap) thường xảy ra khi bạn bị cuốn vào việc đáp ứng kỳ vọng của người khác (doanh nghiệp) thay vì đáp ứng kỳ vọng của chính mình (cả về khía cạnh công việc lẫn đời sống cá nhân); khi bạn làm việc quá sức đến mức không thể kết nối được với chính mình, cả về cơ thể lẫn tâm trí; hoặc khi bạn không thể có đủ thời gian cho những thú vui khác ngoài công việc.
Đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần tạm dừng, đánh giá lại vị trí của mình và suy ngẫm xem những thay đổi nào sẽ thực sự mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn.
Trước khi quyết định tìm kiếm cơ hội mới, hãy xem xét liệu công việc hiện tại có phù hợp với mục đích và giá trị của bạn hay không và nếu không, liệu đó có phải là điều bạn có thể và muốn thay đổi hay không.
Bạn cũng cần thoát khỏi cái bẫy liên tục cố gắng để gây ấn tượng với người khác, nếu vai trò của bạn về cơ bản không phù hợp với mục đích của bạn, bạn có thể cần phải thực hiện một sự thay đổi lớn hơn.
2. Hãy nhớ rằng bạn chính là “kiến trúc sư” cho sự nghiệp của mình.
Dù cho sếp của bạn nghĩ về bạn như thế nào hay đồng nghiệp của bạn nhìn nhận bạn ra sao, bạn vẫn là “kiến trúc sư” trưởng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình.
Để có thể có được một công việc vừa mang lại cho bạn niềm vui vừa phù hợp với giá trị của bạn, bạn có thể sẽ phải tự vấn chính mình bằng những câu hỏi dưới đây:
- Bạn có thể làm gì tốt nhất với nỗ lực tối thiểu và làm thế nào bạn có thể sử dụng tài năng đó để trở nên xuất sắc hơn?
- Bạn không quan tâm hay không ưu tiên ở những lĩnh vực nào?
- Những loại môi trường nào có thể tiếp thêm năng lượng cho bạn và bạn có thể tạo ra chúng như thế nào?
- Điểm mạnh, nền tảng và kỹ năng riêng biệt của bạn là gì? (SWOT bản thân).
- Giá trị cốt lõi của bạn (các nguyên tắc cá nhân hướng dẫn bạn) là gì?
- Điều gì mang lại cho bạn ý thức về cái gọi là mục đích và ý nghĩa trong công việc (lý do bạn theo đuổi công việc hiện tại là gì)?
3. Theo đuổi một vị trí phù hợp với các giá trị cá nhân của bản thân.
Theo đuổi một công việc có mục đích và giàu ý nghĩa có nghĩa là bạn cần thiết kế lại trách nhiệm công việc của bạn để làm cho vai trò hay vị trí của bạn trở nên có ý nghĩa và thú vị hơn. Mặc dù bạn có thể không có quyền tự chủ về những gì bạn phải làm (ví dụ những gì có trong bản mô tả công việc), thứ bạn có thể thay đổi đó là cách để tận dụng tốt hơn những kinh nghiệm, nền tảng, tài năng và khả năng riêng biệt của mình.
Đó là quá trình khiến cho vị trí hay công việc của bạn trở nên lý tưởng đối với bạn thay vì là thay đổi bản thân để trở nên lý tưởng với công việc tương ứng.
Khi bạn thực hiện công việc hay phát triển sự nghiệp của mình, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn cần làm nhiều hơn những gì bạn thích và ít hơn những gì bạn không thích. Bạn không thể tránh mọi việc bạn không thích làm, nhưng bạn có thể làm mọi thứ theo cách riêng của bạn nhưng vẫn đảm bảo kết quả.
4. Đừng để công việc trở thành cả cuộc đời của bạn – cho dù nó có đáng mơ ước đến mức nào.
Với hầu hết những người lao động thông thường, thời gian làm việc là khoảng thời gian dài và chiếm nhiều công sức nhất. Như một lẽ thường tình, sự nghiệp của bạn chắc chắn sẽ trở thành một phần bản sắc của cá nhân bạn.
Mặc dù đó là chuyện khá bình thường (vì hầu hết mọi người đều như vậy), nhưng nó có thể khiến bạn dễ gặp khủng hoảng hơn nếu bạn bị kiệt sức hoặc mất việc.
Cho dù bạn coi trọng điều gì và bạn đang thành công đến mức nào trong công việc hiện tại, lời khuyên cho bạn là: Đừng để công việc trở thành tất cả những gì được coi là cuộc sống và bản thân của bạn.
Thay vào đó, bạn cần phân bổ thời gian cho những thứ khác, tìm kiếm những niềm vui và mục đích khác bên ngoài công việc, dành thời gian để nuôi dưỡng bản thân, các mối quan hệ của bạn và hơn thế nữa. Sự cân bằng cuối cùng sẽ mang đến cho bạn một cuộc sống viên mãn mà sự nghiệp của bạn cũng chỉ là một phần trong đó.
Cách tốt nhất để tìm được sự cân bằng trong công việc là tìm kiếm những doanh nghiệp biết, hiểu và coi trọng nó. Nếu tổ chức quan tâm đến sức khỏe của bạn, hỗ trợ cuộc sống trọn vẹn của bạn và cho bạn nhiều cơ hội để phát huy vai trò của mình, thì rất có thể, bạn sẽ làm tốt nhất công việc của mình ở đó – ngay cả khi đó không phải là công việc mơ ước mà bạn đã hình dung trước đó.
. . .
Hãy nhớ rằng, thời điểm bạn tìm được công việc mơ ước của mình thường cũng là thời điểm bạn ngừng phát triển và “ngại” tìm kiếm những cách mới để trải nghiệm niềm vui trong vai trò của mình. Bạn cũng đừng quên, bạn vốn được tuyển dụng vì bạn đang có những thứ mà tổ chức đang thiếu, một khi tổ chức thay đổi, bạn cũng cần thay đổi tương ứng.
Thay vì theo đuổi một công việc đáng mơ ước, bạn cần một công việc có thể truyền cảm hứng cho bạn và mang lại cho bạn nhiều không gian cần thiết để là chính mình và hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips