Skip to main content

LinkedIn là gì? Tìm hiểu toàn diện về mạng xã hội LinkedIn

9 Tháng Mười, 2022

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tất cả các thông tin cơ bản về mạng xã hội chuyên nghiệp lớn nhất thế giới với hơn 800 triệu người dùng đó là mạng xã hội LinkedIn: LinkedIn là gì, lịch sử hình thành của mạng xã hội việc làm LinkedIn, những tính năng chính của LinkedIn là gì, vai trò quan trọng của LinkedIn trong việc phát triển bản thân, tìm kiếm cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp, cùng nhiều nội dung khác.

linkedin là gì
LinkedIn là gì? Tìm hiểu toàn diện về mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn

Cùng với các nền tảng mạng xã hội lớn khác như Facebook, Instagram, TikTok hay Twitter, LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp và việc làm lớn nhất thế giới với khoảng 800 triệu người dùng tính đến năm 2022. 

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • LinkedIn là gì?
  • Mạng xã hội chuyên nghiệp là gì?
  • Lịch sử hình thành của mạng xã hội LinkedIn.
  • Những tính năng chính hiện có trên LinkedIn là gì?
  • LinkedIn hoạt động như thế nào hay cách sử dụng LinkedIn ra sao.
  • Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn.
  • LinkedIn phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
  • Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.
  • LinkedIn for Business là gì?
  • LinkedIn Ads là gì?
  • Những chiến lược chính để tối ưu tài khoản LinkedIn.
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng LinkedIn là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

LinkedIn là gì?

LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp tập trung vào các kết nối chuyên nghiệp và việc làm lớn nhất toàn cầu tính đến năm 2022 với hơn 800 triệu người dùng.

Mạng xã hội LinkedIn ban đầu là một công ty khởi nghiệp và sau đó được gã khổng lồ công nghệ Microsoft mua lại vào năm 2016 với giá hơn 26 tỷ USD.

Theo số liệu từ Statista, tính đến quý 2 năm 2022, Instagram có khoảng gần 1.5 tỷ người dùng (MAU) toàn cầu và ước tính đạt khoảng 1.6 tỷ người dùng trong năm 2022.

Cuối cùng, LinkedIn là một phần của không gian mạng xã hội (Social Network) bao gồm nhiều nền tảng khác nhau. Để có thể tìm hiểu toàn diện về khái niệm mạng xã hội cũng như các nội dung liên quan, bạn có thể xem tại: mạng xã hội là gì

Mạng xã hội chuyên nghiệp là gì?

Như đã phân tích ở trên, LinkedIn là mạng xã hội chuyên nghiệp đầu tiên và cũng lớn nhất thế giới với khoảng 800 triệu người dùng toàn cầu tính đến 2022, vậy mạng xã hội chuyên nghiệp là gì?

Mạng xã hội chuyên nghiệp trong tiếng Anh có nghĩa là Professional Social Network (Professional Social Media Platforms), khái niệm đề cập đến các nền tảng tập trung vào các kết nối chuyên nghiệp, là các chuyên gia, những người làm nghề chuyên nghiệp từ các lĩnh vực khác hau hay các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp.

Khác với các mạng xã hội như Instagram vốn dĩ dành cho việc chia sẻ hình ảnh, mạng xã hội video ngắn TikTok tập trung vào giải trí cho giới trẻ (Gen Z), hay Facebook là mạng xã hội kết nối rộng (mass connections) nói chung, người dùng LinkedIn hầu hết là các chuyên gia, họ là những nhân viên, nhà quản lý, nhà lãnh đạo từ các doanh nghiệp muốn kết nối với nhau vì mục đích công việc, mở rộng cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến và hơn thế nữa.

Trong vô số các nền tảng mạng xã hội, LinkedIn là nền tảng hiếm hoi tập trung vào các kết nối chuyên nghiệp khi phần lớn các nền tảng khác coi trọng yếu tố giải trí.

Lịch sử hình thành của mạng xã hội LinkedIn.

Lịch sử hình thành của mạng xã hội LinkedIn có thể được chia làm thành 2 giai đoạn chính: Giai đoạn 1 là kể từ khi thành lập, gọi vốn (Funding) và phát triển nền tảng. Và giai đoạn 2 là khi nền tảng bắt đầu hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ.

  • Giai đoạn 1: Thành lập, gọi vốn và vượt qua khó khăn.

LinkedIn ban đầu là một công ty khởi nghiệp được thành lập vào tháng 12 năm 2002 tại Mỹ bởi nhà sáng lập Reid Hoffman và một số thành viên sáng lập khác đến từ PayPal và Socialnet.com (bao gồm Allen Blue, Eric Ly, Jean-Luc Vaillant, Lee Hower, Konstantin Guericke, Stephen Beitzel, David Eves, Ian McNish, Yan Pujante, Chris Saccheri).

Kể từ lúc được thành lập, tốc độ đăng ký thành viên của LinkedIn tương đối chậm chạp do mọi người không thể hiểu nổi giá trị của LinkedIn nằm ở đâu. Đến cuối năm 2004, startup chỉ có 150.000 người dùng, tăng trưởng dưới chuẩn của một công ty Internet.

Không nản lòng, các nhà sáng lập tiếp tục nỗ lực cải thiện và bổ sung tính năng vào nền tảng để xây dựng cộng đồng, gia tăng sức hấp dẫn.

Vào tháng 4 năm 2007, LinkedIn đạt 10 triệu người dùng. Vào tháng 2 năm 2008, LinkedIn đã ra mắt phiên bản web cho thiết bị di động.

Vào tháng 6 năm 2008, Sequoia Capital, Greylock Partners và một số quỹ đầu tư mạo hiểm khác đã mua 5% cổ phần của LinkedIn với giá 53 triệu USD, định giá (post-money valuation) mạng xã hội này khoảng 1 tỷ USD.

Vào tháng 11 năm 2009, LinkedIn đã mở văn phòng của mình tại Mumbai (Ấn Độ) và ngay sau đó là ở Sydney, trước khi bắt đầu mở rộng tại Châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Năm 2010, LinkedIn mở Trụ sở Quốc tế tại Dublin, Ireland và nhận được khoản đầu tư trị giá 20 triệu USD từ Tiger Global Management LLC với mức định giá khi này là khoảng 2 tỷ USD.

Vào tháng 10 năm đó, Silicon Valley Insider đã xếp LinkedIn ở vị trí thứ 10 trong danh sách 100 công ty khởi nghiệp có giá trị nhất. Đến tháng 12, công ty được định giá 1,575 tỷ USD tại các thị trường tư nhân (private market).

LinkedIn bắt đầu hoạt động tại Ấn Độ vào năm 2009 và như bản chất vốn có của nền tảng, phần lớn khoảng thời gian đầu mới thâm nhập, LinkedIn tập trung tìm hiểu các chuyên gia ở Ấn Độ, hướng dẫn các thành viên cách tận dụng mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn để phát triển sự nghiệp của họ và hơn thế nữa.

  • Giai đoạn 2: IPO, được Microsoft mua lại và hơn thế nữa.

LinkedIn đã nộp đơn đăng ký để có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 1 năm 2011. Công ty đã giao dịch cổ phiếu đầu tiên vào ngày 19 tháng 5 năm 2011, dưới mã cổ phiếu là LNKD tại sàn giao dịch New York (NYSE), với giá 45 USD/cổ phiếu.

Cổ phiếu của LinkedIn đã tăng tới 171% trong ngày giao dịch đầu tiên trên Sàn giao dịch chứng khoán New York và đóng cửa ở mức 94,25 USD, cao hơn 109% so với giá IPO.

Trong năm 2011, LinkedIn đã kiếm được 154,6 triệu USD doanh thu chỉ tính riêng quảng cáo, vượt qua cả mạng xã hội Twitter lúc này chỉ kiếm được 139,5 triệu USD.

Đến hết năm 2011, LinkedIn có khoảng 2.100 nhân viên toàn thời gian so với con số 500 trước đó 1 năm, vào năm 2010.

Vào tháng 4 năm 2014, LinkedIn thuê một tòa nhà 26 tầng ở San Francisco để tập hợp hơn 2.500 nhân viên của mình, tất cả các nhân viên bán hàng và Marketing cùng với nhóm nghiên cứu và phát triển đều ngồi ở đây.

Vào tháng 6 năm 2016, Microsoft thông báo rằng họ sẽ mua lại LinkedIn với giá 196 USD/cổ phiếu, tổng giá trị thương vụ là 26,2 tỷ USD và là thương vụ mua lại (M&A) lớn thứ hai trong lịch sử của Microsoft.

Sau khi được mua lại, Microsoft sẽ cho phép LinkedIn giữ nguyên tên thương hiệu, văn hóa làm việc và nhiều thứ khác, CEO LinkedIn sẽ báo cáo cho CEO của Microsoft là Satya Nadella.

Vào cuối năm 2016, LinkedIn đã công bố kế hoạch tuyển thêm 200 vị trí mới tại văn phòng Dublin, nâng tổng số nhân viên lên 1.200 người.

Kể từ năm 2017, 94% B2B Marketer sử dụng LinkedIn để phân phối nội dung (Content Distribution).

Vào tháng 9 năm 2021, LinkedIn thông báo ra mắt Sales Navigator nhằm mục tiêu giúp các nhân viên bán hàng tối đa hoá khả năng hiện diện của họ tới các khách hàng tiềm năng. Microsoft đã dừng tất cả các hoạt động của LinkedIn tại Trung Quốc vào tháng 10 năm 2021.

Vào tháng 1 năm 2022, LinkedIn thông báo vượt mốc 800 triệu người dùng và hơn 1 tỷ USD doanh số với mảng giải pháp bán hàng.

Gần đây nhất, vào tháng 6 năm 2022, LinkedIn thông báo ra mắt LinkedIn for Business nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quản lý quảng cáo và tối ưu nội dung trên nền tảng.

Những tính năng chính hiện có trên LinkedIn là gì?

Những tính năng chính hiện có trên LinkedIn là gì?
Những tính năng chính hiện có trên LinkedIn là gì?

Cũng là mạng xã hội, tuy nhiên vì là mạng xã hội chuyên nghiệp (Professional Networks), cách thức tương tác và xây dựng kết nối trên LinkedIn về cơ bản là rất khác so với các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, Instagram hay Twitter. Vậy sự khác biệt của LinkedIn là gì? Dưới đây là một số tính năng chính hiện có trên LinkedIn.

  • Connect.

Với hầu hết các nền tảng mạng xã hội, ngay cả với LinkedIn cũng không là ngoại lệ, “kết nối” là một trong những tính năng quan trọng nhất và cũng là bản chất của mạng xã hội.

Khác với “Add” trên Facebook hay “Follow” trên Twitter để bắt đầu kết nối với một ai đó, người dùng sẽ chọn “Connect” trên LinkedIn.

Ngoài Connect, bạn cũng có thể chọn Follow để theo dõi các Trang doanh nghiệp, thương hiêu (Page) hay những tài khoản mà bạn không thể Connect.

Thay vì là số lượng Friends trên Facebook, bạn có số lượng Connections trên LinkedIn.

  • Post.

Post là tính năng đăng bài trên LinkedIn, người dùng có thể đăng văn bản (text), hình ảnh (photo), video hoặc các liên kết (link) tuỳ ý.

Ngoài ra người dùng cũng có thể thêm các thẻ hashtag vào nội dung bài đăng để có thể giúp bài đăng được dễ dàng khám phá và tìm kiếm hơn.

  • Hashtag.

Cũng giống các mạng xã hội khác, LinkedIn cũng cung cấp tính năng gắn thẻ hashtag, một cách đơn giản để tối ưu hoá bài đăng. Người dùng có thể thêm ví dụ #marketingtrips để tìm kiếm tất cả các nội dung có gắn hashtag đó trên nền tảng LinkedIn.

  • Write Article (Viết bài).

Là tính năng cho phép người dùng đăng bài viết như cách mà họ đăng bài trên Website của họ bao gồm hình ảnh đại diện, tiêu đề và nội dung bài viết.

Bên dưới là giao diện mà người dùng có thể thấy.

Tính năng viết bài trên mạng xã hội LinkedIn.
Tính năng viết bài trên mạng xã hội LinkedIn.
  • Jobs.

Một tính năng nổi bật khác và cũng là tính năng giúp phân biệt LinkedIn với các nền tảng mạng xã hội khác đó là tính năng tìm kiếm việc làm.

Tính năng tìm kiếm việc làm trên LinkedIn.
Tính năng tìm kiếm việc làm trên LinkedIn.

Bằng cách xây dựng cho mình một “profile đủ ngầu”, bạn có thể tìm kiếm vô số cơ hội việc làm và thăng tiến trên LinkedIn.

  • LinkedIn Learning.

Là nơi cho phép người dùng tìm kiếm và học trực tuyến nhiều khoá học với các chủ đề khác nhau, từ công nghệ, marketing, thương hiệu đến tuyển dụng, tất cả đều xuất hiện ở đây.

Mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn hoạt động như thế nào hay cách sử dụng LinkedIn ra sao.

Cách hoạt động của LinkedIn khá đơn giản.

Sau khi đăng ký tài khoản (sẽ được đề cập trong các phần tiếp theo bên dưới) và thêm các thông tin cho tài khoản của mình, người dùng có thể bắt đầu đăng bài, kết nối, tương tác với các thương hiệu hay người dùng khác trên nền tảng và hơn thế nữa.

Về bản chất, vì là mạng xã hội, LinkedIn hoạt động tương tự các nền tảng khác như Facebook hay Twitter, tuỳ vào từng sở thích hay hành vi của người dùng mà thuật toán của LinkedIn sẽ đề xuất những nội dung khác nhau, từ những người phù hợp để kết nối hay theo dõi đến các thương hiệu mà người dùng có thể thích.

Tuỳ vào từng mục đích khác nhau, người dùng có thể sử dụng mạng xã hội LinkedIn để kết nối với bạn bè, đồng nghiệp, để tìm kiếm thông tin, để tìm kiếm việc làm, để theo dõi các thương hiệu mình yêu thích, để kinh doanh và hơn thế nữa.

Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn.

Một khi bạn đã có thể thấu hiểu LinkedIn là gì và nhận thấy nó phù hợp với bạn, bạn có thể bắt đầu đăng ký và sử dụng mạng xã hội với hơn 800 triệu người dùng toàn cầu này để mở rộng các cơ hội và phát triển sự nghiệp của mình.

Bên dưới là các bước bạn có thể sử dụng để bắt đầu.

  • Bước 1: Truy cập https://www.linkedin.com/signup/ để bắt đầu điền thông tin đăng ký hoặc tải xuống ứng dụng trên iOS và Android.
  • Bước 2: Điền email và mật khẩu.
  • Bước 3: Bấm chọn Đồng ý và tham gia.
  • Bước 4: Xác nhận hoàn tất đăng ký qua email.
  • Bước 5: Hoàn thành việc đăng ký.

Ngoài việc đăng ký tài khoản mới, LinkedIn cũng cho phép người dùng có tuỳ chọn khác là truy cập bằng tài khoản Google.

LinkedIn phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?

LinkedIn phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
LinkedIn phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?

Với bất cứ nền tảng mạng xã hội nào khác, thuật toán phân phối và xếp hạng nội dung là điểm nhấn mang tính cốt lõi giúp nền tảng tồn tại và phát triển. LinkedIn cũng vậy.

Dưới đây là một số tín hiệu chính mà LinkedIn sử dụng để phân phối nội dung trên nền tảng.

LinkedIn quyết định xem liệu bài đăng của người dùng là spam hay nội dung xác thực chính thống.

Thuật toán của LinkedIn sử dụng một loạt các yếu tố để dự đoán mức độ liên quan của bất kỳ bài đăng cụ thể nào đối với các nhóm đối tượng mục tiêu.

Sau đó, nền tảng sẽ sắp xếp nội dung thành 1 trong 3 loại: spam, chất lượng thấp và chất lượng cao.

  • Spam: Người dùng có thể bị gắn cờ là spam nếu họ sử dụng các từ ngữ “không phù hợp” (tương tự như các mạng xã hội khác), bao gồm việc lạm dụng liên kết (link) trong bài đăng. Việc sử dụng quá nhiều thẻ hashtag (thường là quá 10), đặc biệt là các thẻ như #comment, #like, #share hoặc #follow cũng rất dễ bị gắn cờ là vi phạm.
  • Chất lượng thấp: Những bài đăng này không phải là spam tuy nhiên nó không tuân theo các phương pháp hay nhất về xây dựng nội dung của LinkedIn. Nếu bạn không thể làm cho bài đăng của mình hấp dẫn trở nên hấp dẫn hơn với đối tượng mục tiêu, thuật toán LinkedIn sẽ coi đó là chất lượng thấp.
  • Chất lượng cao: Đây là những bài đăng tuân theo tất cả các đề xuất xây dựng nội dung của LinkedIn như: Bài đăng rất dễ đọc, khuyến khích người dùng phản hồi, sử dụng tối đa 3 thẻ hashtag, sử dụng các từ khóa mạnh nhằm tập trung vào chủ đề chính đang đề cập, và một số nguyên tắc khác.
LinkedIn đưa bài đăng vào thử nghiệm.

Sau khi thuật toán LinkedIn xác định rằng các nội dung là phù hợp, nó sẽ đẩy bài đăng của người dùng đến với một số ít người theo dõi (kết nối).

Nếu bài đăng chất lượng cao, tức có những tín hiệu tốt, bài đăng sẽ được đẩy đi nhanh và nhiều hơn, và ngược lại với các bài đăng chất lượng thấp.

Cũng tương tự như các nền tảng mạng xã hội khác, LinkedIn ưu tiên “đẩy” với các bài đăng mới (thường là trong vòng 1h đầu tiên từ khi đăng), do đó, để có thể thúc đẩy lượng tiếp cận, người dùng có thể cân nhắc các chiến thuật sau:

  • Đăng bài vào thời điểm những người có trong vòng kết nối “Active” nhiều nhất.
  • Trả lời bất kỳ bình luận (comment) hoặc câu hỏi nào từ phía người đặt câu hỏi.
  • Thúc đẩy khả năng tương tác bằng một câu hỏi hoặc lời nhắc.
  • Đăng bài thường xuyên và đều đặn theo ngày, tuần, tháng, năm.
  • Chủ động tương tác nhiều hơn với những người dùng khác.
LinkedIn muốn đưa những nội dung hấp dẫn tới nhiều người hơn.

Nếu bài đăng của người dùng nhận được nhiều tương tác, thì thuật toán của LinkedIn sẽ bắt đầu “chuyển” nội dung đó đến nhiều đối tượng hơn.

Những đối tượng có khả năng xem được bài đăng này sẽ dựa trên 3 tín hiệu chính:

  • Mức độ kết nối với người đăng.

Bạn càng có mối quan hệ chặt chẽ với người theo dõi, thì khả năng họ xem nội dung của bạn càng cao.

Điều này có nghĩa là những người bạn làm việc cùng hoặc đã từng làm việc cùng hoặc những người mà bạn đã từng tương tác trong quá khứ trên LinkedIn.

  • Các chủ đề quan tâm.

Thuật toán LinkedIn xác định sở thích của người dùng dựa trên các nhóm (groups), trang (page), thẻ hashtag và những người mà bạn theo dõi.

Nếu bài đăng của bạn đề cập đến các chủ đề hoặc doanh nghiệp phù hợp với sở thích của người dùng, thì… đó là tin rất tốt!

  • Khả năng tương tác.

Cũng giống Facebook, LinkedIn sử dụng thuật toán dự báo để xác định xem cách mà người dùng sẽ tương tác với bài đăng cụ thể.

Đầu tiên là khả năng mà người dùng sẽ tương tác với bài đăng, tức bao nhiêu phần trăm, thứ hai là tổng mức độ tương tác mà bài đăng có thể có được, nếu đó là một bài đăng hấp dẫn, nóng hổi, có nhiều cuộc trò chuyện, thì nhiều người khác cũng có khả năng muốn tham gia tương tác.

Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.

  • LinkedIn – khoảng 800 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 rơi vào khoảng 10 tỷ USD.
  • Instagram – khoảng 1.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 50 tỷ USD.
  • Facebook – khoảng gần 3 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng 120 tỷ USD.
  • YouTube – khoảng hơn 2.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 30 tỷ USD.
  • TikTok – hơn 1 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là hơn 5 tỷ USD.
  • Twitter – hơn 350 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 là gần 5 tỷ USD.

LinkedIn for Business hay LinkedIn Business Manager là gì?

LinkedIn Business Manager là một nền tảng tập trung được thiết kế để giúp các doanh nghiệp và agency lớn quản lý con người, tài khoản quảng cáo và các trang doanh nghiệp (Business Page) một cách dễ dàng hơn.

LinkedIn Business Manager được xây dựng với mục tiêu là đơn giản hóa cách các marketer theo dõi tài khoản của họ bằng cách cung cấp các tùy chọn Trình quản lý chiến dịch quảng cáo (Campaign Manager) và Trang (Pages) từ một nơi duy nhất.

LinkedIn Ads là gì?

LinkedIn Ads hay LinkedIn Advertising là giải pháp quảng cáo trên nền tảng LinkedIn.

Các thương hiệu hay doanh nghiệp có thể sử dụng LinkedIn Ads hay trình quản lý quảng cáo của LinkedIn để tạo, tối ưu quảng cáo và tiếp cận hơn 800 triệu người dùng LinkedIn với nhiều mục tiêu khác nhau như lượng tương tác với bài viết, lượt xem video, thúc đẩy khách hàng tiềm năng (Lead Generation) và hơn thế nữa.

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng LinkedIn là gì?

  • LinkedIn là mạng xã hội của nước nào?

LinkedIn được thành lập và xây dựng ở Mỹ.

  • Điểm khác biệt lớn nhất của LinkedIn là gì?

Chính là “tính chuyên nghiệp” của nền tảng, thứ giúp cho người dùng có thể có thêm được các kết nối chất lượng, có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp và thăng tiến.

  • Profile LinkedIn là gì?

Là tài khoản cá nhân trên mạng xã hội LinkedIn, ngược lại với Profile là các Page, tức là Trang doanh nghiệp hay tài khoản doanh nghiệp.

  • LinkedIn Learning là gì?

Là nền tảng học trực tuyến của LinkedIn. Tại đây, người dùng có thể học vô số các chủ đề khác nhau từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đa số các khoá học ở đây là có trả phí.

  • LinkedIn Premium là gì?

Là tài khoản cá nhân có trả phí của LinkedIn. Bằng cách trả phí, người dùng sử dụng kiểu tài khoản này có thể truy cập vào một số tính năng nâng cao trên LinkedIn. LinkedIn Premium hoạt động tương tự YouTube Premium và Twitter Blue.

  • LinkedIn URL là gì?

LinkedIn URL chính là đường dẫn (link) tới một tài khoản cá nhân (Profile) hay trang doanh nghiệp (Page) nào đó, ví dụ, bên dưới (phần khoanh đỏ) là LinkedIn URL của MarketingTrips.

LinkedIn URL là gì?
LinkedIn URL là gì?
  • Ứng dụng LinkedIn là gì?

Ngoài phiên bản web, mạng xã hội chuyên nghiệp và việc làm LinkedIn còn có bản ứng dụng (app) trên cả iOS và Android. Người dùng có thể tải xuống và sử dụng nó miễn phí.

  • LinkedIn đọc là gì?

Mặc dù là mạng xã hội rất phổ biến trên cả toàn cầu và tại Việt Nam, đa số người dùng Việt Nam đọc là “link kịt in” hoặc “Lin kin”.

Theo phát âm chuẩn, LinkedIn sẽ được đọc là “lin tin” (phiên âm chuẩn là /ˌliŋkt.ˈɪn/).

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên, với mạng xã hội chuyên nghiệp LinkedIn, cơ hội cho bạn là rất lớn, dù bạn là người làm marketing, sinh viên, nhân viên kinh doanh hay nhà lãnh đạo, bạn đều hưởng lợi từ các tính năng mà LinkedIn cung cấp.

Bằng cách thấu hiểu cách thức hoạt động của LinkedIn, những tính năng chính hiện có trên LinkedIn là gì, bạn có thể bắt đầu sử dụng nền tảng một cách tối ưu nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

NguồnMarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …