Bước đột phá của Ant Group vào lĩnh vực LLM nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các Big Tech của Trung Quốc nhằm giúp đất nước thu hẹp khoảng cách với phương Tây trong việc xây dựng các dịch vụ AI.
Ant Group ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn AI riêng
Ant Group đã ra mắt mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của riêng mình – công nghệ được sử dụng để đào tạo các chatbot như ChatGPT – và thương hiệu Web3 mới nhắm đến thị trường Hồng Kông và nước ngoài, khi gã khổng lồ công nghệ tài chính Trung Quốc tăng cường khả năng về trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AI) cho ngành dịch vụ tài chính.
Cuối tuần trước, Ant Group, công ty do Jack Ma hậu thuẫn, đã tiết lộ mô hình AI “the Financial LLM” tự phát triển tại sự kiện “Hội nghị hòa nhập trên Bến Thượng Hải”, cùng hai ứng dụng mới có tên Zhixiaobao 2.0, trợ lý tài chính thông minh cho người tiêu dùng và Zhixiaozhu 1.0, trợ lý kinh doanh thông minh phục vụ các chuyên gia trong ngành tài chính.
Phó chủ tịch Ant Wang Xiaohang chia sẻ tại hội nghị: “Chúng tôi đã xây dựng năng lực tính toán (computing power) ở mức 10.000 đơn vị xử lý đồ họa GPU. Trên cơ sở này, toàn bộ hoạt động kinh doanh tài chính của Ant đã nhanh chóng chuyển sang mô hình LLM”.
HAI ỨNG DỤNG MỚI: ZHIXIAOBAO 2.0 VÀ ZHIXIAOZHU 1.0
Mô hình ngôn ngữ lớn của tập đoàn Ant Group hiện đang trong quá trình thử nghiệm khép kín trên nền tảng quản lý tài sản và bảo hiểm, đồng thời đã được tích hợp vào các dịch vụ thông minh khác nhau.
Với việc tích hợp công nghệ LLM, trợ lý tài chính thông minh Zhixiaobao 2.0 có thể cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người tiêu dùng, bao gồm phân tích thị trường, chẩn đoán danh mục đầu tư, đề xuất phân bổ tài sản và giáo dục nhà đầu tư.
Trong khi đó, trợ lý kinh doanh thông minh, Zhixiaozhu 1.0, có thể được điều chỉnh để trợ giúp nhiều chuyên gia tài chính khác nhau như cố vấn đầu tư, cung cấp hỗ trợ toàn diện cho các nhiệm vụ như phân tích đầu tư, trích xuất thông tin, tạo nội dung và sử dụng các công cụ tài chính.
Theo công ty, Zhixiaobao đã nâng cấp sẽ có sẵn cho người dùng khi nhận được sự chấp thuận theo quy định, trong khi Zhixiaozhu đang trải qua các thử nghiệm kín bổ sung của Ant và các đối tác trong ngành.
Sự thâm nhập của Ant vào lĩnh vực LLM nhấn mạnh sự gia tăng cạnh tranh giữa các công ty Big Tech của Trung Quốc nhằm giúp nước này thu hẹp khoảng cách với phương Tây trong việc phát triển các dịch vụ đổi mới giống như ChatGPT.
Ant Group đã tích hợp AI một cách nhất quán vào bộ dịch vụ của họ, đảm bảo người dùng Alipay nhận được các đề xuất riêng. Mô hình AI mới nhất của tập đoàn thể hiện tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, nhắm đến phạm vi rộng hơn là các tổ chức tài chính và bảo hiểm.
Khi tầm quan trọng của AI trong lĩnh vực tài chính tăng lên, những đổi mới của Ant Group có thể dẫn đến các tiêu chuẩn mới. Khát vọng “thiết lập một nền tảng AI toàn diện” của họ cho thấy tầm nhìn xa về một bối cảnh tài chính được tối ưu hóa và tích hợp liền mạch.
Bất chấp chi phí khổng lồ phát sinh từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán quy mô lớn cần thiết để đào tạo và phát triển các ứng dụng AI mới, các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Baidu, Huawei Technologies, Tencent Holdings và Alibaba đã triển khai LLM tương ứng của họ để thúc đẩy việc áp dụng trên nhiều ngành khác nhau.
Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ant Group, Eric Jing Xiandong phát biểu tại hội nghị cuối tuần trước rằng sự trỗi dậy của LLM “sẽ định hình lại nhiều hoạt động kinh doanh”.
THƯƠNG HIỆU WEB3 MỚI.
Cũng tại hội nghị ở Thượng Hải, Ant ra mắt thương hiệu Web3 mới có tên ZAN, nhắm đến Hồng Kông và các thị trường nước ngoài khác.
Hoạt động mới này do Zhang Hui, cựu giám đốc công nghệ của AntChain đứng đầu, sẽ cung cấp một bộ dịch vụ phát triển ứng dụng blockchain đầy đủ cho cả nhà phát triển Web3 và cá nhân. Zhang cho biết ZAN sẽ nhắm đến các nhà phát triển cần các sản phẩm bảo mật.
Ant, tập đoàn vốn đã chuyển hướng sang công nghệ cứng sau khi chịu sự giám sát của cơ quan quản lý vào cuối năm 2020, đã tăng gấp đôi công nghệ Web3 thông qua AntChain, một đơn vị tập trung vào blockchain, Internet of Things (IoT), phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro thông minh.
Vào tháng 4, AntChain đã công bố một loạt sáng kiến Web3 mới, bao gồm một dự án nguồn mở sử dụng công nghệ chuỗi chéo của công ty và một dự án nghiên cứu Web3 có tên AntChain OpenLab.
Zhang của Ant cho biết: “Ant tin tưởng chắc chắn rằng các dịch vụ kỹ thuật là chỗ đứng vững chắc của chúng tôi trong ngành Web3. Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác của mình để giải quyết các vấn đề cốt lõi trong quá trình phát triển ngành Web3”.
Trong khi Trung Quốc đại lục đã cấm tiền điện tử và thực hiện cách tiếp cận thận trọng với Web3, thì Hồng Kông lại tích cực thúc đẩy khái niệm này để đánh bóng ngành fintech của mình. Đầu năm nay, Paul Chan Mo-po, Bộ trưởng Tài chính thành phố, đã dành 50 triệu đô la Hồng Kông trong ngân sách 2023-24 để tăng tốc độ phát triển hệ sinh thái Web3.
Vào tháng 4, Hồng Kông đã đồng ý hợp tác với chính quyền thành phố Hàng Châu trong các lĩnh vực từ đổi mới công nghệ đến Web3.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Các nhà đầu tư đang bán tháo cổ phiếu Tencent do lo ngại gã khổng lồ Internet của Trung Quốc sẽ bị kiềm tỏa tương tự Ant Group.
Trong phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu của Tencent đã có ngày thứ hai liên tiếp mất giá. Những phiên mất giá liên tiếp khiến cho đế chế Internet và game của Trung Quốc mất 62 tỷ USD giá trị chỉ trong vài ngày.
Theo Bloomberg, Tencent là một trong 2 công ty bị đưa vào tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc khi kinh doanh dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ. Công ty còn lại, Ant Group, đã chịu thiệt hại nặng nề sau khi không thể IPO vào tháng 11/2020.
Tính toán của các nhà phân tích tại Bernstein cho thấy mảng tài chính và thanh toán của Tencent có giá trị 105-120 tỷ USD. Giống như Ant, Tencent sẽ buộc phải cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, cho vay và bảo hiểm trong các dịch vụ của mình.
“Chúng tôi cho rằng mảng tài chính của Tencent giờ đây có thể coi là giá trị đã về không”, bài phân tích của Bernstein về đà mất giá của cổ phiếu Tencent ghi rõ.
Mối lo ngại đối với các nhà đầu tư là những đòn hạn chế của Trung Quốc sẽ không chỉ nhắm đến mảng tài chính của Tencent.
Ở cuộc họp Quốc hội Trung Quốc đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định sẽ điều chỉnh các công ty tài chính trên nền tảng công nghệ và kiểm soát tình trạng độc quyền.
Cũng tại kỳ họp này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về mối lo ngại thế hệ trẻ Trung Quốc nghiện game. Tencent là nhà phát hành game lớn nhất nước này.
Vào ngày 12/3 vừa qua, Tencent cũng nhận hình phạt vì quá trình gọi vốn và mua lại công ty trong quá khứ.
Tuy nhiên, theo phân tích của Bernstein, Tencent sẽ không phải nhận mức độ trừng phạt đã xảy ra với Alibaba và Ant Group, 2 công ty gắn liền với hình ảnh của tỷ phú Jack Ma.
“Chúng tôi cho rằng nguy cơ Tencent đối mặt với các hình phạt là khác hẳn so với Alibaba. Việc những lãnh đạo công ty này không có hình ảnh quá nổi bật trong mắt công chúng lại là điểm hay.
Quan trọng hơn, chúng tôi cho rằng khả năng cạnh tranh của Tencent trong lĩnh vực kinh doanh chính của họ vẫn rất tốt, không có nhiều đối thủ mạnh”, các chuyên gia của Bernstein nhận định trong báo cáo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Từ một công ty thương mại điện tử có trụ sở tại căn hộ của Jack Ma năm 1999, Alibaba hiện trở thành một đế chế có giá trị vốn hóa hơn 460 tỷ USD.
Ảnh: The Information’s 411
2019 là năm đánh dấu nhiều sự kiện lớn của Alibaba. Đây là năm hãng thương mại điện tử khổng lồ này kỷ niệm 20 năm thành lập và cũng là năm người đồng sáng lập Jack Ma nghỉ hưu.
Kể từ khi ra đời vào năm 1999, Alibaba đã từ một công ty thương mại điện tử truyền thống trở thành một đế chế hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ logistics cho tới giao đồ ăn, điện toán đám mây. Alibaba hiện niêm yết trên sàn chứng khoán New York và có vốn hóa hơn 460 tỷ USD, theo CNBC.
Dưới đây là những dấu mốc lớn trong lịch sử của Alibaba dưới sự dẫn dắt của Jack Ma.
Tháng 4/1999: Hành trình bắt đầu
Alibaba được thành lập bởi một nhóm 18 người, dẫn đầu là Jack Ma. Nhóm nhà sáng lập này lấy căn hộ của Jack Ma tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc làm trụ sở của công ty. Trang web đầu tiên của công ty là Alibaba.com, nền tảng bán buôn giữa các doanh nghiệp (B2B) bằng tiếng Anh.
Tháng 1/2000: Nhận đầu tư từ SoftBank
Năm 2000, Alibaba nhận được 20 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư do SoftBank dẫn đầu.
“Chúng tôi không nói về doanh thu, thậm chí không đề cập tới mô hình kinh doanh”, Wall Street Journal dẫn lời kể của Jack ma về cuộc gặp với CEO SoftBank Masayoshi Son khi đó. “Chúng tôi chỉ chia sẻ về tầm nhìn tương lai.
Cả hai đều đưa ra quyết định nhanh chóng”. Khoản đầu tư từ đại gia Nhật Bản giúp Alibaba mở rộng nhanh chóng.
Tháng 5/2003: Taobao ra đời
Taobao là nền tảng mua sắm trực tuyến cho phép người dùng cá nhân giao dịch hàng hóa. Trong năm tài chính 2015, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn Taobao đạt 1.590 tỷ Nhân dân tệ (223,9 tỷ USD).
Từ đầu năm 2019, con số này đạt 3.110 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2019. Doanh thu từ Taobao hiện góp phần quan trọng vào mảng thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba.
Tháng 12/2004: Ra mắt Alipay
Alipay là một trong 2 nền tảng thanh toán điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, bên cạnh đối thủ WeChat Pay – thuộc sở hữu của Tencent. Alipay cho phép người dùng thanh toán trên cả các nền tảng thương mại điện tử lẫn tại cửa hàng truyền thống.
Tháng 8/2005: Yahoo trở thành cổ đông lớn nhất
Năm 2005, hãng công nghệ Mỹ Yahoo rót 1 tỷ USD vào Alibaba, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này với 40% cổ phần. Nằm trong thỏa thuận thương vụ này, Alibaba nắm quyền kiểm soát hoạt động của Yahoo tại Trung Quốc.
“Cùng với nhau, chúng tôi sẽ tạo ra một trong những công ty Internet lớn nhất tại Trung Quốc.
Tài sản chung sẽ giúp chúng tôi trở thành công ty dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực đang thúc đẩy tăng trưởng Internet tại Trung Quốc, bao gồm công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử, truyền thông”, Terry Semel, CEO của Yahoo khi đó, nói trong thông cáo báo chí.
Tháng 11/2007: IPO tại Hồng Kông
Trước khi niêm yết tại Mỹ vào năm 2014, Alibaba đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông vào năm 2007. IPO này mang về cho Alibaba 13,1 tỷ USD. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu Alibaba đã tăng từ 13,5 Đôla Hồng Kông lên 39,5 Đôla Hồng Kông.
Tháng 4/2008: Tmall ra đời
Năm 2008, Alibaba ra mắt nền tảng Taobao Mall và sau đó đổi tên thành Tmall. Cùng với Taobao, Tmall hiện là một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc tính theo doanh thu.
Tmall định vị là nền tảng trực tuyến dành cho các thương hiệu quốc tế muốn bán hàng tại Trung Quốc. Nền tảng này gồm các thương hiệu thời trang xa xỉ, thương hiệu hàng điện tử và thậm chí cả Starbucks.
Tháng 9/2009: Gia nhập mảng điện toán đám mây
Alibaba bắt đầu gia nhập mảng điện toán đám mây vào năm 2009 và hiện trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực này tại Trung Quốc.
Điện toán đám mây hiện đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Alibaba và là mảng tăng trưởng nhanh nhất của công ty này. Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, CEO Daniel Zhang của Alibaba nói rằng điện toán đám mây sẽ là chiến lược dài hạn của công ty.
Tháng 11/2009: Bùng nổ mua sắm ngày Độc Thân
Ngày Độc thân (11/11), là ngày hội mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc. Đây là sáng kiến của CEO Daniel Zhang của Alibaba. Vào sự kiện 11/11/2009, tổng giá trị giao dịch trên các nền tảng của Alibaba đạt 7,8 triệu USD. Con số này tăng lên 30,8 tỷ USD trong sự kiện năm 2018.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi có thể biến ngày này trở thành một ngày hội mua sắm cho cả cộng đồng”, Zhang nói với CNBC vào năm ngoái.
Tháng 6/2012: Hủy niêm yết tại Hồng Kông
Chỉ 5 năm sau IPO, Alibaba.com hủy niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Công ty này chi 2,45 tỷ USD để mua lại 27% cổ phần do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, tương đương 13,5 Đôla Hồng Kông/cổ phiếu, bằng với mức giá IPO vào năm 2007.
“Hủy niêm yết Alibaba.com cho phép chúng tôi đưa ra các quyết định dài hạn tốt nhất vì lợi ích của khách hàng và không phải chịu những áp lực của một công ty niêm yết”, Jack Ma cho biết khi đó.
Tháng 9/2012: Mua lại cổ phần từ Yahoo
Cùng năm hủy niêm yết tại Hồng Kông, Alibaba mua lại 40% cổ phần từ tay Yahoo với giá 7,6 tỷ USD. Theo đó, Yahoo thu được lợi nhuận lớn từ khoản đầu tư 1 tỷ USD năm 2005.
Tháng 9/2014: IPO tại New York
Năm 2014 đánh dấu sự kiện lịch sử của Alibaba với IPO lớn nhất thế giới trên sàn chứng khoán New York, huy động được khoảng 25 tỷ USD. Từ đó đến nay, cổ phiếu Alibaba hiện đã tăng hơn 150%.
Tháng 10/2014: Ant Financial ra đời
Sau một số tranh cãi xoay quanh Alipay, Ant Financial được thành lập vào năm 2014 với mục tiêu không chỉ cung cấp nền tảng thanh toán mà còn cả các dịch vụ tài chính.
Việc thành lập Ant Financial cho thấy tham vọng của Alibaba trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Hiện Ant Financial là hãng công nghệ tài chính lớn nhất tại Trung Quốc với định giá được cho là 150 tỷ USD. Alibaba hiện nắm giữ 33% cổ phần của công ty này.
Tháng 8/2015: Thương vụ Suning
Năm 2015, Alibaba đầu tư 28,3 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 4,56 tỷ USD, vào hãng bán lẻ hàng điện tử truyền thống Suning.
Trước đó, Alibaba cũng đầu tư vào hãng bán lẻ Intime. Loạt thương vụ này cho thấy tham vọng thúc đẩy chiến lược “bán lẻ kiểu mới” – theo cách gọi của Alibaba, trong đó kết hợp bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Chiến lược này hiện vẫn được Alibaba duy trì.
Tháng 4/2016: Bước ra toàn cầu
Kể từ khi thành lập 20 năm trước, Alibaba chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, giúp các thương hiệu trong nước và quốc tế bán hàng tại Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 4/2016, công ty này đầu tư ra nước ngoài với thương vụ thâu tóm cổ phần kiểm soát tại hãng thương mại điện tử Lazada của Singapore – nền tảng phủ sóng tại một số thị trường ở Đông Nam Á. Thương vụ này đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong lĩnh vực thương mại điện tử ở nước ngoài của Alibaba.
Tháng 9/2019: Jack Ma rời vị trí chủ tịch
Tháng 9/2018, Jack Ma tuyên bố sẽ chính thức thôi giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị vào ngày 10/9 năm sau và giao lại cho CEO Zhang. Ông sẽ tiếp tục ở lại hội đồng quản trị của công ty tới cuộc họp cổ đông thường niên năm 2020.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link