Skip to main content

Thẻ: backlink

Google: Outbound links sẽ không giúp website xếp hạng tốt hơn

Trong suy nghĩ của phần lớn những người làm SEO nói riêng và Marketing nói chung, việc liên kết website của họ tới các website khác uy tín hơn có thể giúp nâng cao thứ hạng của nội dung trên công cụ tìm kiếm, tuy nhiên, Google mới đây xác nhận rằng điều này hiện không khả dụng.

Google: Outbound links sẽ không giúp website xếp hạng tốt hơn
Google: Outbound links sẽ không giúp website xếp hạng tốt hơn

Từ lâu, backlink luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp website có được thứ hạng tốt hơn trên các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo, tuy nhiên, Google dường như đang ngày càng loại bỏ điều này.

Theo một xác nhận mới đây từ phía Google, việc liên kết website tới các website uy tín khác (Outbound links) ví dụ như Wikipedia sẽ không giúp cho nội dung của website được xếp hạng cao hơn.

Cũng như yếu tố chất lượng của nội dung, các liên kết ra bên ngoài website chỉ có vai trò cung cấp những giá trị bổ sung và có liên quan cho người dùng (không sử dụng để xếp hạng).

Trong khi các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng, một website có nhiều liên kết ra bên ngoài có được thứ hạng cao hơn so với các website không có hoặc có ít hơn các liên kết, tuy nhiên trong những năm trở lại đây Google ngày càng thay đổi điều này, giảm hoặc xoá yếu tố thứ hạng có được từ các liên kết kiểu này.

Mặc dù là không giúp thúc đẩy thứ hạng tuy nhiên các liên kết ra bên ngoài nếu được thực hiện đúng có thể giúp tăng trải nghiệm của người dùng với nội dung, điều này cuối cùng sẽ mang lại những giá trị thực sự cho thương hiệu. Tự nhiên và có liên quan là 2 nguyên tắc hàng đầu của các liên kết ra bên ngoài.

Google cũng khuyến nghị các website không nhất thiết phải xoá các liên kết ra bên ngoài hay chèn thẻ “nofollow” (từ chối cung cấp sự tín nhiệm tới các website được liên kết đến) nếu các liên kết đó thực sự có liên quan và cung cấp thêm ngữ cảnh cho người dùng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Google: Liên kết đến các website uy tín không giúp SEO tốt hơn

Google vừa xác nhận rằng, việc liên kết bài viết hay website đến các website khác có tính thầm quyền cao (DA, PA…) hay uy tín không giúp cải thiện thứ hạng của website trên trang kết quả tìm kiếm (SEO).

Google: Liên kết đến các website uy tín không giúp SEO tốt hơn
Google: Liên kết đến các website uy tín không giúp SEO tốt hơn

Đối với nhiều người làm SEO hay tối ưu hoá thứ hạng trên công cụ tìm kiếm, có một quan niệm tồn tại bấy lâu rằng, việc xây dựng các liên kết (backlink) tới các website có mức độ thẩm quyền cao, uy tín hay có lượng truy cập (traffic) lớn sẽ giúp cho website của họ được đánh giá cao hơn trên công cụ tìm kiếm.

Tuy nhiên, đại diện của Google mới đây đã xác nhận rằng, việc liên kết này sẽ không ảnh hưởng đến thứ hạng tìm kiếm hay nói cách khác là sẽ không giúp cho website có được thứ hạng cao hơn các website không có các liên kết đó.

Khi được cộng đồng làm SEO hỏi là liệu việc liên kết từ một website nhỏ hơn đến một website phổ biến có thẩm quyền cao như Wikipedia hoặc CNN có thể giúp ích cho việc xếp hạng tìm kiếm của website nhỏ đó hay không.
Câu trả lời được đưa ra là “sẽ không có điều gì xảy ra cả”, đây là một niềm tin sai lầm của các chuyên gia SEO trong nhiều thập kỷ.

Các liên kết chỉ có giá trị cho trải nghiệm người dùng chứ không phải là giúp SEO.

Phía Google cho biết, các liên kết (link) đóng vai trò như “nội dung” (content), tức là thứ mà người dùng cần tìm và mang lại giá trị cho người dùng.

Các liên kết này có chức năng cung cấp những giá trị bổ sung cho người dùng về một từ khoá hay chủ đề nào đó.

Trong khi có không ít người lầm tưởng rằng việc liên kết đến các website có thẩm quyền cao sẽ tự động cải thiện thứ hạng cho website của họ, sự thật là các công cụ tìm kiếm chỉ quan tâm đến trải nghiệm và giá trị của người dùng thông qua các nội dung có liên quan và giá trị. Điều cần làm là, nên tập trung vào việc liên kết đến các website thực sự có giá trị cho người dùng.

Tóm lại, nếu các liên kết không mang lại giá trị bổ sung cho người dùng, nó dường như vô nghĩa với cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm và ngược lại.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Backlink trong SEO: Cập nhật hướng dẫn mới nhất từ Google

Google vừa chia sẻ một số hướng dẫn mới về cách những người làm SEO và Digital Marketing có thể tối ưu hoá các liên kết trên website, tối ưu hoá backlink trong SEO và hơn thế nữa.

Backlink trong SEO: Cập nhật hướng dẫn mới nhất từ Google
Backlink trong SEO: Cập nhật hướng dẫn mới nhất từ Google

Cũng tương tự như việc hiểu cách thuật toán của Google hoạt động, các hướng dẫn sử dụng liên kết là kim chỉ nam cho những ai làm SEO và Marketing, những người muốn tối ưu hoá sự hiện diện của họ trên công cụ tìm kiếm.

Dưới đây là 4 chia sẻ mới nhất của Google.

1. Thuộc tính Title có thể hoạt động giống như Anchor Text.

Google có thể sử dụng thuộc tính thẻ Tiêu đề (Title) nếu các văn bản neo tức Anchor Text bị thiếu.

Ví dụ: Google sẽ sử dụng thuộc tính tiêu đề trong liên kết dưới đây làm Anchor Text:

Đây là một liên kết bình thường với một anchor text:

<a href=”https://www.example.com/”> anchor text ví dụ</a>

Đây là một liên kết thiếu anchor text nhưng lại có thuộc tính title:

<a href=”https://www.example.com/” title=”anchor text ví dụ”></a>

Trong ví dụ trên, phần tử tiêu đề sẽ được Google sử dụng như là một anchor text. Để có thể tìm hiểu toàn diện về anchor text, bạn có thể xem chi tiết tại: anchor text là gì

2. Tại sao Anchor Text quá dài lại không tốt.

Hướng dẫn mới của Google về cách sử dụng các liên kết cho biết rằng các anchor text hay văn bản neo dài thường không mang lại hiệu quả và khuyến nghị nên rút gọn (hoặc sử dụng chính xác với từ khoá).

Theo W3C (tổ chức quốc tế chính thức của World Wide Web), mục đích chính của anchor text là để mô tả nội dung của trang (website, webpage) mà liên kết đang trỏ tới.

Nội dung mô tả của anchor text cho phép người dùng phân biệt liên kết này với các liên kết khác và giúp họ xác định rằng liệu họ có nên nhấp vào liên kết hay không.

URL hay các đường dẫn của trang đích đến cũng là một phần của quá trình cung cấp thông tin này tuy nhiên nó không đủ ngữ cảnh như anchor text.

3. Ngữ cảnh và ngôn ngữ tự nhiên rất quan trọng đối với các anchor text.

Ngoài nội dung được thể hiện trong anchor text, các công cụ tìm kiếm còn căn cứ vào yếu tố ngữ cảnh (nội dung của trang và các văn bản xung quanh) để đảm bảo rằng người dùng sẽ được liên kết tới các trang phù hợp với mục đích tìm kiếm.

Ngày nay, mọi thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ máy học (machine learning) của Google đều tập trung vào việc hiểu ngôn ngữ tự nhiên (natural language).

Nói một cách dễ hiểu hơn là thay vì như trước đây, Google dựa vào các từ khoá (keyword) có trong nội dung (bài viết) để đánh giá nội dung (những người làm SEO đã từng tận dụng điều này để spam từ khoá), thì giờ đây Google sử dụng các thuật toán để hiểu ngôn ngữ tự nhiên, tức những giá trị và mức độ liên quan thực sự của nội dung với mục đích tìm kiếm của người dùng.

Trình bày nội dung một cách mạch lạc và có logic theo đó là chìa khoá để tối ưu hoá công cụ tìm kiếm trong bối cảnh mới.

Theo hướng dẫn mới nhất của Google về các liên kết. Ngữ cảnh và sử dụng ngôn ngữ tự nhiên là phương thức tiếp cận tốt nhất đối với các liên kết anchor text.

Theo Google:

“Hãy viết một cách tự nhiên nhất có thể và đừng bao giờ cố gắng nhồi nhét mọi từ khóa có liên quan đến trang mà bạn đang liên kết đến (hãy nhớ rằng nhồi nhét từ khóa là vi phạm chính sách spam của chúng tôi).”

Bởi vì Google đang sử dụng các thuật toán như BERT (Bidirectional Encoder Representations from Transformers) để hiểu ý nghĩa thực sự của các câu và cụm từ, việc lạm dụng từ khoá gần như không có mấy ý nghĩa, thậm chí là còn phản tác dụng khi website bị phạt.

4. Đừng xâu chuỗi liên kết.

Xâu chuỗi liên kết (chuyền link) hay Liên kết chuỗi (Chaining links) có nghĩa là khi bạn thêm các liên kết gần nhau để mỗi từ được liên kết không truyền đạt đầy đủ nội dung của trang mà liên kết sẽ dẫn đến.

Ngoài ra, các văn bản bao quanh anchor text và yếu tố ngữ cảnh cho liên kết cũng sẽ bị mất tác dụng khi bạn xâu chuỗi liên kết.

Hướng dẫn mới của Google giải thích:

“Đừng để các liên kết (link) cạnh nhau vì người đọc của bạn sẽ rất khó để phân biệt giữa các liên kết và các văn bản xung quanh sẽ bị vô hiệu hoá cho mỗi liên kết.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen  | MarketingTrips   

Anchor Text là gì? Chiến thuật tối ưu Anchor Text trong SEO

Cùng tìm hiểu các nội dung xoanh quanh thuật ngữ Anchor Text trong SEO và Content như Anchor Text là gì, các kiểu Anchor Text phổ biến nhất hiện nay, chiến thuật tối ưu Anchor Text trên website và hơn thế nữa.

Anchor Text là gì? Khái niệm và cách tối ưu Anchor Text
Anchor Text là gì? Khái niệm và cách tối ưu Anchor Text

Khi nói đến các hoạt động SEO hay thậm chí là xây dựng và phát triển nội dung cho website, việc tối ưu các nội dung trên trang (onpage) cũng như các trải nghiệm của người dùng với trang là một trong những yêu cầu hàng đầu. Các Anchor Text vừa đóng vai trò điều hướng công cụ tìm kiếm vừa giúp người dùng có những trải nghiệm tốt hơn.

Các nội dung sẽ được phân tích trong bài viết về chủ đề Anchor Text bao gồm:

  • Anchor Text là gì?
  • Ví dụ về Anchor Text.
  • Các loại Anchor Text chính hiện có là gì?
  • Những chiến thuật tối ưu cho Anchor Text.
  • Lời khuyên của Google với Anchor Text.
  • Những điều mà SEOer không nên làm với Anchor Text.
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp với khái niệm Anchor Text là gì?

Anchor Text là gì?

Anchor Text (thường ít được sử dụng mà sẽ giữ nguyên thuật ngữ gốc), là các văn bản có thể nhấp được (Clickable Text) giúp người dùng lẫn bộ máy tìm kiếm điều hướng đến các nội dung liên quan.

Đối với các hoạt động SEO, mà cụ thể là Onpage SEO, Anchor Text đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vừa giúp các công cụ tìm kiếm hiểu về nội dung của một website hay webpage nhất định, vừa giúp người dùng có được trải nghiệm tốt hơn bằng cách điều hướng mở rộng đến các nội dung liên quan khác (thường là trên cùng một website hay domain).

Anchor Text trong tiếng Việt có nghĩa là Văn bản neo.

Ví dụ về Anchor Text.

Đây là ví dụ về đoạn code của một Anchor Text:

 <a href="http://www.example.com">Example Anchor Text</a>

Trước đây, khi Google chưa cập nhật thuật toán mới cho Penguin (một kiểu thuật toán xếp hạng của Google được ra mắt vào năm 2012), các liên kết (links) có chứa Anchor Text là các từ khoá (chính xác hoặc gần chính xác) đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy thứ hạng tìm kiếm trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs).

Ví dụ: Nếu bạn đang phụ trách công việc về SEO tại MarketingTrips.com và bạn muốn xếp hạng cho từ khoá “SEO là gì”, bằng cách liên kết với các website khác (backlink) và sử dụng các từ khoá liên quan đến SEO làm Anchor Text, bạn sẽ nhanh có được thứ hạng tốt hơn với các từ khoá này trên trang tìm kiếm.

Các liên kết sử dụng Anchor Text chính xác với từ khoá thậm chí còn giúp đẩy thứ hạng tốt hơn nhiều. Tuy nhiên mọi thứ giờ đây đã thay đổi.

Các loại Anchor Text chính hiện có là gì?

Các loại Anchor Text chính hiện có là gì?
Các loại Anchor Text chính hiện có là gì?

Cũng tương tự như các chiến thuật SEO, có rất nhiều cách khác nhau mà bạn có thể sử dụng Anchor Text, dưới đây là một số loại Anchor Text phổ biến nhất.

  • Anchor Text chính xác: Một Anchor Text được xem là chính xác hay đối sánh chính xác là văn bản chứa chính xác các từ đúng với từ khoá mà bạn đang muốn xếp hạng. Ví dụ một Anchor Text có tên là “marketing là gì” được liên kết đến Trang (webpage) muốn xếp hạng cho từ khoá này.
  • Anchor Text từng phần: Là Anchor Text chứa các văn bản gần chính xác với từ khoá, ví dụ Anchor Text có tên là “Dịch vụ Content Marketing” được liên kết đến một Trang về Content Marketing.
  • Anchor Text thương hiệu: Là khi người làm SEO sử dụng tên thương hiệu chẳng hạn như LinkedIn làm Anchor Text và được liên kết đến một trang nào đó trên LinkedIn.
  • Anchor Text sử dụng các văn bản chung chung: Ví dụ như bạn sử dụng “Tại đây”, hay “Xem ngay” và khi người dùng nhấp vào đó sẽ được chuyển đến một Trang khác.
  • Anchor Text hình ảnh: Thay vì sử dụng các văn bản (Text) thông thường, bạn sử dụng các hình ảnh có thể nhấp vào được, khi này, Google sử dụng thẻ alt làm Anchor Text.
  • Anchor Text sử dụng liên kết trực tiếp: Ví dụ bạn sử dụng https://marketingtrips.com/content làm Anchor Text và dẫn người dùng đến toàn bộ các bài viết hiện có trên chuyên mục Content.

Một số chiến thuật tối ưu Anchor Text.

Một khi bạn đã hiểu Anchor Text là gì, bạn cũng cần biết cách làm thế nào để có thể tối ưu các Anchor Text đó cho cả bộ máy tìm kiếm lẫn người dùng truy cập website.

Trước tiên, bạn hãy đảm bảo rằng các Anchor Text của bạn có liên quan đến Trang mà bạn đang liên kết đến. Sử dụng các Anchor Text không liên quan vừa gây nhầm lẫn cho người dùng lẫn các công cụ tìm kiếm.

Thứ hai, hãy thay đổi cách sử dụng Anchor Text của bạn.

Thay vì sử dụng thường xuyên cùng một Anchor Text, điều có thể khiến các công cụ tìm kiếm đánh giá là spam, bạn nên thay đổi các văn bản khác nhau cho Anchor Text.

Trong khi bạn không thể kiểm soát cách các website khác đang sử dụng Anchor Text gì khi liên kết đến bạn, bạn nên chủ động trên các website hay nền tảng do mình sở hữu hoặc có quyền kiểm soát.

Các văn bản của Anchor Text nên gắn gọn và dễ hiểu, phải mô tả nơi mà người dùng sẽ đến sau khi nhấp vào, đồng thời nên sử dụng các câu từ có khả năng thúc đẩy người dùng nhấp vào (CTA).

Cuối cùng, bạn cũng nên giữ cho Anchor Text được tự nhiên, không nhồi nhét hay lạm dụng các từ khóa vào Anchor Text để đánh lừa hệ thống, đây được coi là lời cảnh báo từ các công cụ tìm kiếm như Google.

Dưới đây là những gì mà Google khuyên bạn khi sử dụng Anchor Text:

“Liên quan đến các liên kết nội bộ (Internal Links), bạn đang cho chúng tôi các tín hiệu về ngữ cảnh (Context). Vì vậy, về cơ bản khi bạn đang sử dụng Anchor Text, bạn thông báo với chúng tôi rằng Trang mà bạn đang liên kết đến có chứa các nội dung liên quan đến văn bản có trong Anchor Text.”

Loại liên kết nội bộ mà bạn sẽ sử dụng cho người dùng cũng thường phù hợp với những gì bạn sẽ sử dụng cho SEO, tức tối ưu hoá từ khoá trên trang kết quả tìm kiếm.”

Lời khuyên của Google với Anchor Text.

Cũng như bất cứ thuật toán hay bản cập nhật nào khác của Google, nền tảng này sẽ không tiết lộ chính xác những gì mà bộ máy tìm kiếm “hiểu” và “hành động” để tránh việc thuật toán bị lạm dụng.

Tuy nhiên, Google cũng đưa ra một số gợi ý về cách bạn có thể sử dụng để tối ưu các Ancho Text trên website của mình.

Cụ thể, Google cho biết rằng Anchor Text phải cung cấp được yếu tố ngữ cảnh cho người dùng và giúp họ hiểu họ đang được đưa đến đâu sau khi nhấp vào liên kết.

Về mặt lý tưởng, Anchor Text thông báo cho người dùng rằng họ có thể tìm thấy những gì họ đang tìm kiếm nếu nhấp vào liên kết.

Những điều mà các SEOer không nên làm với Anchor Text.

Đến đây, về cơ bản là bạn đã có thể hiểu rõ khái niệm về Anchor Text cũng như cách bạn có thể sử dụng nó trong thực tế liên quan đến việc tối ưu nội dung.

Ngoài các thông tin này, bạn cũng nên biết đâu là những điều “cấm kỵ” khi sử dụng Anchor Text, dưới đây là những gì bạn có thể tham khảo:

Đầu tiên, không sử dụng quá nhiều các ký tự chính xác với từ khoá làm Anchor Text, Google xem điều này như là một tín hiệu spam, rằng bạn đang cố tình (lạm dụng) để có được thứ hạng trên trang tìm kiếm.

Thứ hai, bạn không nên sử dụng các ký tự liên kết chung chung như “nhấp vào đây”, “xem thêm” hay những Anchor Text tương tự, v.v. Những ký tự này không cung cấp ngữ cảnh hoặc thông tin về nơi mà người dùng sẽ đến sau khi nhấp chuột.

Cuối cùng, không lạm dụng các liên kết chéo (cross-linking), tức sử dụng quá nhiều liên kết đến và đi từ cùng một Trang, các công tìm kiếm không thích điều này.

Theo hướng dẫn trực tiếp từ Google:

“Khi nói đến cách sử dụng Anchor Text, bạn nên định dạng các liên kết (links) sao cho chúng dễ được phát hiện. Bạn cần giúp người dùng phân biệt giữa một văn bản thông thường và Anchor Text (có gắn liên kết).

Nội dung của bạn sẽ trở nên kém hữu ích hơn nếu người dùng bỏ lỡ các liên kết có trong Anchor Text hoặc vô tình nhấp vào chúng.”

Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các hành động sau khi sử dụng Anchor Text:

  • Sử dụng CSS hoặc tạo kiểu văn bản để làm cho các liên kết trông giống như văn bản thông thường (đánh lừa người dùng).
  • Một điểm khác bạn cũng cần lưu ý đó là hãy cân nhắc kỹ nơi bạn sẽ liên kết đến (backlinks). Danh tiếng của website bạn đang liên kết đến cũng là danh tiếng của chính website của bạn.

Nếu bạn không muốn chuyển bất kỳ giá trị (DA và PA) nào đến website mà bạn đang liên kết, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang sử dụng thuộc tính “nofollow”.

Một backlink kiểu nofollow sẽ có định dạng như này:

<a href="https://www.domain.com/" rel="nofollow">this is a nofollow link</a>
Vì các No Follow Backlink không chuyển giao quyền hạn hay giá trị từ một Trang đến các Trang khác, chúng về cơ bản là không giúp bạn cải thiện thứ hạng trên các trang kết quả tìm kiếm (SERPs).

FAQs – Những câu hỏi thường gặp với khái niệm Anchor Text là gì?

  • Anchor Text link là gì?

Là đoạn văn bản (Anchor Text) có thể nhấp vào được vì chúng có chứa một liên kết ngầm (hyperlink) giúp dẫn người dùng đến một website hay webpage nào đó.

  • Internal Link là gì?

Là các liên kết hay link nội bộ, khi người dùng nhấp vào đường dẫn này, điểm đến của họ sẽ là một Trang khác nhưng vẫn trên cùng một website.

  • Backlink là gì?

Là các liên kết từ các website khác trỏ về website của bạn. Để có thể hiểu chi tiết về thuật ngữ backlink, bạn có thể xem tại: backlink là gì

  • Branded Anchor Text là gì?

Là những Anchor Text sử dụng tên thương hiệu (Brand Name) làm văn bản có chứa liên kết (Links).

  • Generic Anchor Text là gì?

Là các Anchor Text sử dụng văn bản là những ký tự hay cụm từ chung chung, ví dụ như “xem ngay” hay “Tại đây”.

  • Nakedlink Anchor Text là gì?

Một Anchor Text được xem là Nakedlink khi văn bản được sử dụng chính là đường dẫn của liên kết ví dụ www.abc.com/marketing.

Kết luận.

Như MarketingTrips đã phân tích tương đối kỹ qua các phần ở trên, bạn thấy rằng Anchor Text là một phần quan trọng của bất kỳ chiến lược SEO hay Content thành công nào. Khi được sử dụng đúng cách, nó có thể giúp cải thiện cả thứ hạng tìm kiếm lẫn khả năng tương tác trên trang của người dùng với website và hơn thế nữa.

Bằng cách hiểu rõ Anchor Text là gì cũng như việc lựa chọn các kiểu Anchor Text sao cho phù hợp, cả người dùng lẫn công cụ tìm kiếm đều đánh giá cao website của thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Backlink là gì? Mọi thông tin cần biết về Backlinks trong SEO

Cùng tìm hiểu các nội dung xoay quanh chủ đề Backlinks như: Backlink là gì, tại sao backlink lại quan trọng trong SEO, cách tạo backlink như thế nào, backlink hoạt động ra sao và hơn thế nữa.

backlink là gì
Backlink là gì?

Khi nói đến các hoạt động SEO, phát triển thứ hạng của các từ khoá mục tiêu hay tối ưu website (app) trên công cụ tìm kiếm, backlink là một trong những chủ để chính các SEOer cần tìm hiểu, vậy thực chất backlink là gì và tại sao Backlink ảnh hưởng rất lớn đến SEO.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích bao gồm:

  • Backlink là gì?
  • Backlink là gì trong SEO.
  • Tầm quan trọng của Backlink hay Vai trò của Backlinks trong SEO là gì?
  • Điều gì tạo nên một Backlink tốt (và xấu).
  • Sự khác biệt cơ bản nhất giữa Link và Backlink là gì?
  • Tìm hiểu về khái niệm Inbound Link và Outbound Link trong Backlink.
  • Backlink được phân loại như thế nào hay những kiểu Backlinks chính hiện có là gì?
  • Các công cụ phổ biến được sử dụng để đo lường và kiểm tra Backlink là gì?
  • Cách đánh giá Backlinks.
  • Những mặt trái khi các công cụ tìm kiếm coi Backlink là một yếu tố quan trọng để đánh giá xếp hạng.
  • Cách xây dựng Backlink (chất lượng).

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Backlink là gì?

Backlink hay Backlinks trong tiếng Việt có nghĩa là liên kết ngược, khái niệm đề cập đến các liên kết (Link) được trỏ từ một trang (webpage) tới các trang hay website khác nhau.

Backlink được coi là một trong số các chỉ số quan trọng được sử dụng để đánh giá mức độ phổ biến của một website nhất định.

Các công việc như xây dựng, đo lường, quản lý và phân tích hiệu suất của các backlink là một khía cạnh quan trọng trong chiến lược tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, tức là SEO.

Để tăng lưu lượng truy cập tự nhiên (organic traffic) và được các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo chú ý đến, người làm SEO tiến hành tối ưu SEO trên trang (On-page SEO) và ngoài trang (Off-page SEO).

Trong khi tối ưu hóa trên trang là quá trình tối ưu hướng tới mục tiêu giúp công cụ tìm kiếm (và người dùng) hiểu về nội dung của website.

Tối ưu hóa ngoài trang là con đường chứng minh cho các công cụ tìm kiếm thấy rằng nội dung của website mang lại giá trị cho các bên thứ ba (các website khác).

Backlink là một phần quan trọng của công việc tối ưu hoá ngoài trang.

Backlink là gì trong SEO.

Như đã phân tích ở trên, trong ngành SEO hay các hoạt động làm SEO nói chung, xây dựng và tối ưu backlink là một trong những công việc quan trọng nhất.

Khi nhắc đến khái niệm backlink trong SEO, mặc dù sẽ có rất nhiều thứ cần phân tích và cũng cần được hiểu đúng (sẽ được đề cập trong các phần bên dưới), backlink thường được hiểu là quá trình xây dựng các liên kết (links) từ các website khác tới website của mình.

Những cụm từ mà bạn thường thấy như “đi backlink” hay “tạo backlink” chính là các thuật ngữ thể hiện cho điều này.

Tìm hiểu về khái niệm Inbound Link và Outbound Link trong Backlink (và SEO).

Khi tìm hiểu về backlink hay SEO, bạn có thể gặp phải những thuật ngữ như inbound link, outbound link, internal link hay external link, vậy nó là gì?

  • Inbound Link: Inbound Link hay còn được gọi là In-coming Link, là các liên kết (Link) từ các website khác trỏ đến website của bạn. Inbound Link chính là Backlink.
  • Outbound Link: Là các liên kết từ website của bạn trỏ ra ngoài, tức đến các website khác (website sẽ nhận được backlink).
  • Internal Link: Là các liên kết nội bộ, tức các liên kết đó trỏ về các trang (webpage) khác trong cùng một website (domain).
  • External Link: Là các liên kết trỏ ra bên ngoài và đến các website khác (domain khác). External Link còn được gọi là Outbound Link (như đã đề cập ở trên).

Sự khác biệt cơ bản nhất giữa Link và Backlink là gì?

Với tư cách là những marketer hay SEOer chuyên nghiệp, trước khi nói đến việc bạn sẽ thực thi công việc như thế nào và mang lại hiệu suất ra sao, điều quan trọng là bạn cần phân biệt hay hiểu được bản chất của các thuật ngữ khác nhau.

Điểm mấu chốt ở đây không phải là về chuyện “câu từ” mà là hiểu các nhiệm vụ đằng sau các thuật ngữ được nêu ra.

Trong khi Link hay Liên kết đề cập đến tất cả các liên kết nói chung, dù là giữa các trang khác nhau trên cùng một website hay với các trang của các website khác.

Backlink, ngược lại như đã phân tích ở trên chỉ bao gồm các liên kết được trỏ từ các website khác đến website của bạn. Backlink chỉ có giá trị (nhiều) cho bên nhận link.

Điều gì tạo nên một Backlink tốt (và xấu).

Khi biết được backlink là gì, bạn hiểu rằng backlink là thứ vô cùng quan trọng với bất kỳ website nào, tuy nhiên, không phải backlink nào cũng có giá trị như nhau.

Điều này có nghĩa là khi tiến hành xây dựng backlink, điều quan trọng không phải là bạn cứ thoải mái “kiếm” các liên kết về cho website của mình, tuỳ thuộc vào các yếu tố khác nhau, backlink mang những giá trị khác nhau, tức sẽ có backlink tốt và backlink xấu.

Dưới đây là những yếu tố chính giúp bạn nhận diện chất lượng của các backlink:

  • Tính có liên quan (Relevance).

Trong khi backlink là quan trọng, các công cụ tìm kiếm như Google đặt nhiều giá trị hơn vào các backlinks có liên quan vì mọi người có nhiều khả năng nhấp vào chúng hơn.

Điều này có nghĩa là gì? Nếu website của bạn thuộc ngành marketing, và bạn có 2 backlinks, một là từ một website về thời trang và hai là từ một website về kinh doanh, backlink từ website về kinh doanh sẽ có giá trị cao hơn.

Ý tưởng này cũng diễn ra ở cấp độ tên miền (domain).

Các độc giả của MarketingTrips.com sẽ có nhiều khả năng hơn khi nhấp vào liên kết đến ContentMarketing.com (tên miền ví dụ) hơn là Fashion.com (tên miền ví dụ).

  • Tính có thẩm quyền hay Quyền hạn (Authority).

Các backlink từ các website (webpage) mạnh thường có khả năng chuyển giao nhiều “quyền hạn” hơn so với các liên kết từ các trang yếu hơn.

Quyền hạn cấp Trang hay còn được gọi là PA (Page-level Authority), là thứ thực sự có thể giúp thúc đẩy các lưu lượng truy cập tự nhiên (organic search traffic) cho website.

Tuy nhiên, có một điều khác mà bạn cần lưu ý đó là, không phải các Trang mạnh là các Trang có thể chuyển giao (hay cho) nhiều quyền hạn hơn.

Theo tuyên bố của Google, Quyền hạn hay Authority được chia đều cho tất cả các liên kết ra bên ngoài (Outbound Link) trên một Trang (webpage) cụ thể.

Vì vậy, nếu website của bạn có các backlink từ hai Trang và trong đó có một Trang có nhiều liên kết ra bên ngoài hơn trang kia, trong điều kiện tất cả các chỉ số khác là như nhau, backlink từ Trang có ít liên kết ra ngoài hơn sẽ “cho đi” nhiều quyền hạn hơn.

Ngoài ra, các liên kết nội bộ (Internal Links) cũng góp phần xây dựng nên PA.

  • Lưu lượng truy cập (Traffic).

Backlink từ các webpage hay website có lưu lượng truy cập cao thường sẽ giúp cho website của bạn, với tư cách là bên nhận backlink, có nhiều lưu lượng truy cập giới thiệu (Referral Traffic) hơn so với các backlink từ các Trang có lưu lượng truy cập thấp hơn.

Điều này là quá hiển nhiên.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu các backlink từ các Trang có lưu lượng truy cập cao hơn sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực đến thứ hạng (Ranking) nhiều hơn so với các liên kết từ các Trang có lưu lượng truy cập thấp hơn hay không?

Các nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng, có một mối tương quan nhỏ nhưng khá rõ ràng giữa thứ hạng và backlink từ các Trang có lưu lượng truy cập tìm kiếm tự nhiên.

Backlink từ các Trang có traffic cao hơn sẽ giúp mang lại nhiều dấu hiệu tích cực hơn và bên cạnh đó, số lượng backlink từ các website (domain) khác nhau và có PA cao cũng góp phần giá trị không nhỏ tới điều này.

  • Vị trí đặt backlink.

Bởi vì mọi người (người đọc) có nhiều khả năng nhấp vào các liên kết được đặt ở nơi dễ nhìn thấy và nổi bật hơn, các backlink được đặt ở các vị trí khác nhau cũng mang lại các giá trị khác nhau.

Để có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về điều này, bên dưới là nhận định có được từ các phân tích từ công cụ tìm kiếm Google:

“Nếu một liên kết (links) nằm trong vùng nội dung chính của một trang (webpage), sử dụng phông chữ và màu sắc có thể làm cho nó nổi bật, và sử dụng văn bản (text) có thể khiến người khác nhấp vào nhiều hơn, nó mang lại nhiều giá trị hơn, tức giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm cao hơn.

Mặt khác, vì một lý do nào đó, các liên kết được đặt ở những nơi khó thấy hơn hay có các dấu hiệu khiến chúng ít hấp dẫn hơn, nó mang lại ít giá trị hơn, tức các backlink này không giúp cải thiện thứ hạng của các website nhận backlink.”

  • Followed (Do Followed) và No Followed Backlinks.

Mặc dù cũng là các backlink, tuỳ vào việc nó là Followed hay No Followed Backlinks mà những gì nó mang đến là khác nhau.

Trong khi Followed Backlink mang lại các giá trị thực sự, No Followed Backlink thường không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng của các Trang được liên kết.

Nếu bạn là người đang đi xây dựng backlink, tốt nhất bạn nên ưu tiên nhận các Followed hay Do Followed Backlink. Tuy nhiên, No Followed Backlink cũng có giá trị mặc dù ít hơn.

  • Văn bản neo (Anchor Text).

Anchor Text là khái niệm đề cập đến các từ hay cụm từ có thể nhấp được chẳng hạn như MarketingTrips và tạo thành một liên kết (Link hoặc Backlink).

Theo thông tin từ Google, Anchor Text ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng hay giá trị của các backlink.

“Google sử dụng một số kỹ thuật để cải thiện chất lượng tìm kiếm bao gồm xếp hạng trang (page rank), văn bản liên kết (Anchor Text) và nội dung các vùng lân cận.”

Trong khi Anchor Text cũng quan trọng nhưng nó không quan trọng bằng những chỉ số khác đã được phân tích ở trên.

  • Số lượng Backlink.

Trước tiên, hãy kiểm tra xem số lượng các liên kết hiện đang trỏ về website và đến từng trang riêng lẻ (webpage) trên website.

Về cơ bản, bạn càng có nhiều liên kết thì càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần kiểm tra xem liệu có các trang cụ thể nào đó rất quan trọng trên website của mình cần có thêm nhiều liên kết mới hay không. Ngoài ra, nếu các liên kết trỏ về website của bạn có chất lượng thấp hay bị đánh giá là spam, bạn cần phải xem xét lại.

  • Đa dạng hoá các tên miền (domain).

Sẽ là một ý tưởng tồi nếu bạn chỉ sử dụng một số ít các tên miền cụ thể để xây dựng các liên kết ngược tới website của mình. Khi bạn càng đa dạng hoá các nhóm tên miền khác nhau, bạn càng có nhiều lợi thế xếp hạng và kinh doanh hơn.

  • Các chỉ số báo hiệu Spam.

Các liên kết spam luôn là một vấn đề lớn đối với các chiến dịch SEO. Cho dù bạn có cố ý tạo ra các liên kết đó hay không, chỉ cần một liên kết nào đó có vẻ không tự nhiên, chất lượng thấp hoặc spam – một vài hình phạt sẽ có thể được áp dụng cho website của bạn.

  • Các mô hình liên kết.

Số lượng các backlink của bạn đang không ngừng tăng lên, nhưng nó phát triển nhanh đến mức nào và liệu có phải bạn đang nhận được quá nhiều liên kết từ cùng một website hay không.

Nhiều liên kết là cần thiết nhưng bạn cần tránh việc lặp lại các liên kết từ cùng một website, tốt nhất, ít nhất mỗi tuần một lần bạn cần kiểm tra tất cả các chỉ số nói trên để tránh phạm phải những sai lầm không mong muốn.

Để các hoat động SEO trở nên hiệu quả hơn, ngoài việc liên tục cải thiện cả số lượng lẫn chất lượng của các backlink, bạn cũng cần chú trọng đến chất lượng của nội dung, trải nghiệm của người dùng trên trang hay thân thiện với các thiết bị di động.

Tầm quan trọng của Backlink hay Vai trò của Backlinks trong SEO và Marketing là gì?

Tầm quan trọng của Backlink hay Vai trò của Backlinks trong SEO và Marketing là gì?
Tầm quan trọng của Backlink hay Vai trò của Backlinks trong SEO và Marketing là gì?

Về cơ bản, các thuật toán xếp hạng từ khoá hay website của các công cụ tìm kiếm như Google vốn rất phức tạp và không ai có thể hiểu hết cách nó tính toán.

Tuy nhiên có một số chỉ số quan trọng nhất mà bạn có thể kiểm tra được, chẳng hạn như việc chúng ưu tiên cho các website có tên miền lâu năm uy tín hay mức độ tín nhiệm cao.

Một trang (webpage) hay website có mức độ tín nhiệm hay tính có thẩm quyền càng cao thì nó sẽ càng được ưu tiên xếp hạng so với các website khác.

Để một website được đánh giá là có thẩm quyền cao, backlink hay các liên kết ngược từ các website uy tín khác là dấu hiệu quan trọng nhất.

Các liên kết này đóng vai trò như một phiếu bầu cho mức độ tin tưởng rằng một website cụ thể nào đó là có giá trị cho độc giả của họ.

Nếu Website của bạn càng kiếm được nhiều liên kết ngược và các liên kết ngược đó càng mạnh (từ các website uy tín hơn) thì bạn càng có nhiều cơ hội được xếp hạng cao hơn.

Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý là, nếu các công cụ tìm kiếm phát hiện bạn đang thao túng thứ hạng của mình bằng cách xây dựng các liên kết ngược không tự nhiên hoặc spam, bạn có nguy cơ phải đối mặt với các hình phạt đáng kể.

Ở góc độ Marketing, backlink có thể giúp thương hiệu hay website của bạn được khám phá nhiều hơn trên các công cụ và nền tảng trực tuyến, điều cuối cùng sẽ giúp website có được nhiều lưu lượng truy cập (tự nhiên) hơn và từ đó có nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

Backlink được phân loại như thế nào.

Như đã phân tích ở trên, không phải các backlink đều có giá trị như nhau, tuỳ vào từng kiểu backlink khác nhau, chúng tác động đến website theo những cách khác nhau.

Dưới đây là một số kiểu backlink trong SEO bạn có thể tham khảo.

  • No Follow Links.

Bạn cứ hình dung thế này, các liên kết hay backlink đóng vai trò giống như các phiếu bầu cho các nguồn hay tài nguyên (website) đáng tin cậy, nhưng nếu bạn không muốn “ủng hộ” cho một website nào đó nhưng vẫn cần liên kết đến nó thì sao?

Các liên kết nofollow sử dụng thuộc tính rel = “nofollow” để thông báo cho Google và các công cụ tìm kiếm khác biết rằng chúng không nên sử dụng liên kết đó để xếp hạng tìm kiếm cho các Trang (PageRank).

Một backlink kiểu nofollow sẽ có định dạng như này:

<a href="https://www.domain.com/" rel="nofollow">this is a nofollow link</a>
Vì các No Follow Backlink không chuyển giao quyền hạn hay giá trị từ một Trang đến các Trang khác, chúng về cơ bản là không giúp bạn cải thiện thứ hạng trên các trang kết quả tìm kiếm (SERPs).
  • Follow Links.

Ngược lại với No Follow Links, các Follow Links lại có khả năng giúp cải thiện thứ hạng tìm kiếm của các Trang nhận backlink khi nó thông báo cho các thông cụ tìm kiếm biết rằng nó tin tưởng nơi đến và sẵn sàng chuyển giao quyền hạn trang (PA) cho website đó.

Một follow backlink sẽ có định dạng như thế này:

<a href="https://www.domain.com/">this is a follow link</a>

 

  • Sponsored hoặc Paid Links.

Trong quá trình xây dựng backlink, bạn có thể trả tiền cho một đơn vị liên kết hoặc một người có ảnh hưởng (Influencer) nào đó để quảng cáo một phần nội dung của bạn hoặc là để đăng một đánh giá về một sản phẩm.

Nếu các liên kết đó được trả bằng tiền, thì thuộc tính rel = “Sponsored” sẽ được thêm vào để thông báo cho Google.

Thuộc tính rel = “Sponsored” giúp website của bạn không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các liên kết kiểu này. Vì vậy, nếu bạn đang hợp tác với một đơn vị liên kết (affiliate) nào đó, bạn nên sử dụng thuộc tính này cho các backlink của mình.

Một sponsored backlink sẽ có định dạng kiểu như thế này:

<a href="https://www.example.com/" rel="sponsored">this is a sponsored link</a>

 

  • UGC Backlink.

UGC backlink là từ viết tắt của User-generated Content Backlink, là những backlink do người dùng tạo ra. Các liên kết UGC đến từ các lượt thích của các diễn đàn hoặc các bình luận trên blog.

Thuộc tính này thông báo cho Google biết rằng liên kết đã được đặt bởi một người dùng chứ không phải là quản trị viên web.

Một UGC backlink sẽ có định dạng như bên dưới:

<a href="https://www.example.com/" rel="ugc">this is a UGC link</a>

 

  • Backlink có tính thẩm quyền cao.

Như đã phân tích ở trên, thứ mà bạn cần từ các backlink là nó có chất lượng hay có nhiều quyền hạn (tính có thẩm quyền).

Bằng cách sử dụng các công cụ phân tích backlink (sẽ được đề cập ở các phần nội dung tiếp theo trong bài), bạn hoàn toàn có thể có được những chỉ số đánh giá này.

Dưới đây là một số yếu tố có thể giúp bạn xác định xem bạn có đang nhận được các backlink chất lượng hay có tính thầm quyền cao hay không:

  1. Số lượng tên miền giới thiệu (referring domains) cao.
  2. Vị trí của backlink trên trang (càng nằm ở trên cao càng tốt).
  3. Liệu chúng có phải là backlink theo ngữ cảnh hay không. (các backlink được bao quanh bởi những nội dung liên quan đến trang).
  4. Backlink có chứa văn bản liên kết (Anchor Text) có liên quan.
  • Backlink độc hại.

Backlink độc hại là các liên kết có thể gây hại cho khả năng xếp hạng của website hoặc tác động tiêu cực đến bất kỳ thứ hạng nào mà một website đã có. Các backlink độc hại cũng thường được gọi là backlink xấu hoặc backlink không tự nhiên.

Các backlink độc hại thường đến từ các website chất lượng thấp hoặc có dấu hiệu gian lận, những website tiềm ẩn vi phạm nguyên tắc quản trị website của Google và chỉ tồn tại với mục tiêu là thao túng thứ hạng của công cụ tìm kiếm.

Đây có thể là các backlink có trả phí nhưng không được đánh dấu bằng thuộc tính nofollow hoặc được tài trợ (như đã đề cập ở trên), những backlink từ các website chất lượng thấp hoặc nhiều các backlink sử dụng Anchor Text với văn bản đối sánh chính xác.

  • Editorially Backlink.

Là các backlink mà bạn không yêu cầu. Thay vào đó, một website sẽ tự nhiên liên kết đến bạn như là một nguồn nội dung mà họ đã sử dụng lại

Google đánh giá cao các backlink này vì chúng là dấu hiệu cho thấy một website nào đó là có nội dung chất lượng và không hề có ý định thao túng kết quả tìm kiếm.

Các công cụ phổ biến được sử dụng để đo lường và kiểm tra Backlink là gì?

Khi nói đến việc kiểm tra backlinks, bạn có 2 cách để thực hiện, cách thứ nhất là kiểm tra backlink của chính mình dành cho chủ sở hữu các website và cách thứ hai là kiểm tra backlink của các website hay webpage khác.

  • Kiểm tra backlink dành cho chủ sở hữu website.

Nếu bạn đang là chủ sở hữu website hay là quản trị viên của website đó, bạn có thể sử dụng Google Search Console để kiểm tra hay đo lường backlink của mình.

Vào khi đăng nhập vào giao diện chính, bạn chọn Links (như hình bên dưới) để xem chi tiết báo cáo.

Kiểm tra backlink bằng Google Search Console
  • Kiểm tra backlink của các website hay webpage khác thông qua công cụ của bên thứ ba.

Hiện nay, có khá nhiều công cụ của bên thứ ba (có trả phí) cho phép người làm SEO hay xây dựng backlink kiểm tra và đo lường backlink từ các website hay webpage cụ thể.

Bạn có thể tham khảo các công cụ như: Ahrefs, Moz hay Semrush.

Backlink hoạt động như thế nào.

Các backlink hay liên kết ngược hoạt động khá đơn giản.

Bạn cứ hình dung thế này, giữa con người với con người sẽ tồn tại các cách thức giao tiếp nào đó, dù là qua lời nói hay cử chỉ.

Các website cũng hoạt động theo cách tương tự, các backlink chính là một cách thể hiện việc các website đang trò chuyện với nhau.

Khi một website nào đó trỏ backlink về website của bạn, điều này có nghĩa là website đó đang trò chuyện với website của bạn.

Vì các công cụ tìm kiếm tin rằng, khi một webiste nào đó được nhiều website khác biết đến và trò chuyện với họ, website đó là đáng tin cậy. (cũng như việc bạn là người có ảnh hưởng và được nhiều người khác biết đến).

Những mặt trái khi các công cụ tìm kiếm coi Backlink là một yếu tố quan trọng để đánh giá xếp hạng.

Theo những cập nhật mới đây về xu hướng ưu tiên của thuật toán tìm kiếm của Google, giá trị của các backlink đối với việc xếp hạng tìm kiếm tổng thể dường như sẽ thay đổi, cụ thể, backlink sẽ có ít tác động hơn và thay vào đó là tập trung vào chất lượng nội dung và trải nghiệm của người dùng đối với các website nhất định.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều này vẫn chưa thực sự diễn ra, tức các công cụ tìm kiếm như Google vẫn coi backlinks là một dấu hiệu quan trọng trong thuật toán xếp hạng, và cũng từ đây, nhiều mặt trái đã nảy sinh.

Nếu bạn thử tìm kiếm với vài từ khoá đơn giản như “mua backlink” hay “trao đổi backlink” hoặc các cụm từ tương tự, bạn dẽ dàng bắt gặp vô số các website cung cấp dịch vụ này.

Trong khi như đã phân tích ở trên, backlink đóng vai trò là dấu hiệu thông báo với các bộ máy tìm kiếm rằng một webiste hay webpage nào đó là “có quyền hạn”, tức có giá trị với người dùng hay các backlink được xây dựng một các tự nhiên, điều này trong thực tế lại không diễn ra đúng như vậy.

Bằng cách mua bán hay trao đổi backlink (vi phạm chính sách của Google), nhiều website đang tìm cách gian lận hay thao túng thứ hạng trên các trang kết quả tìm kiếm (SERPs).

Rõ ràng điều này không có giá trị cho người dùng và đi ngược lại với chính sách của các công cụ tìm kiếm, nhưng vì một lý do nào đó, nhiều website vẫn cố tình thực hiện hành vi này. Kết quả là, “thứ hạng cao không đồng nghĩa với nội dung hay website có giá trị”.

Một số câu hỏi thường gặp xoay quanh chủ đề về Backlink trong SEO.

  • Backlink hay Backlinks trong tiếng Việt có nghĩa là gì?

Trong tiếng Việt, backlink có thể được hiểu là các liên kết ngược, tức là một liên kết (link) từ một nơi nào đó được trỏ ngược về một nơi khác.

  • Contextual Backlink là gì?

Là các backlink được bao quanh bởi các nội dung có liên quan đến Trang (bài viết). Các công cụ tìm kiếm sử dụng dấu hiệu này để kiểm tra xem liệu backlink có đang bị lạm dụng hay không?

  • Backlink tốt là gì?

Như đã phân tích ở trên, backlink tốt là backlink nhận được từ các website không vi phạm chính sách của các công cụ tìm kiếm (như Google), các website có traffic hợp lệ cao, có PA cao và hơn thế nữa.

  • Backlink xấu là gì?

Ngược lại với các backlink tốt, các backlink xấu đến từ các website vi phạm chính sách nội dung của công cụ tìm kiếm, các website được sinh ra với mục tiêu gian lận, các website sử dụng các thủ thuật để đánh lừa công cụ tìm kiếm và thao túng trang kết quả tìm kiếm (SERPs ) và một số lý do khác.

  • Unique Backlink là gì?

Là backlink từ các website duy nhất (domain). Ví dụ việc bạn có 2 backlinks từ một domain abc.com duy nhất thì Unique Backlink vẫn là 1, và 2 backlinks từ hai domain khác nhau (ví dụ abc.com và def.com) thì Unique Backlink là 2.

  • Backlink Facebook là gì?

Đơn giản đó là các backlink bạn nhận được từ mạng xã hội Facebook. Khi bạn chia sẻ một liên kết (link) nào đó lên Facebook và có người nhấp vào đó rồi đến website của bạn.

  • YouTube Backlink là gì?

YouTube Backlink là các liên kết trỏ về website của bạn từ nền tảng YouTube và có thể là liên kết kiểu dofollow hoặc nofollow. YouTube Backlink có thể được tạo ra trên hồ sơ người dùng, từ các liên kết tùy chỉnh, đoạn mô tả video hay ở phần bình luận (Comments).

  • Backlink Checker là gì?

Là các công cụ được sử dụng để kiểm tra và đo lường backlink. Google Search Console, Ahrefs, Moz hay Semrush là những cái tên phổ biến bạn nên biết.

  • Dịch vụ backlink là gì?

Khái niệm đề cập đến các cá nhân hay tổ chức cung cấp, mua bán hay trao đổi backlink. Về bản chất, đây là một hình thức spam hay gian lận trong SEO, đi ngược lại với chính sách của các công cụ tìm kiếm.

Kết luận.

Dù bạn có đang làm việc trong lĩnh vực SEO hay không hay bạn là một Marketer hoặc đơn giản là bạn muốn tìm hiểu về các chủ đề trong SEO, backlink nên là một trong số đó. Bằng cách hiểu bản chất thực sự của backlink là gì, nó đóng vai trò ra sao trong SEO, như thế nào là backlinks tốt và hơn thế nữa, bạn đang chuẩn bị cho mình những tư duy căn bản nhất để có thể bắt đầu các công việc liên quan đến ngành SEO.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips