Skip to main content

Thẻ: Cloud Computing

Amazon, Microsoft và Google tạm ngừng bán dịch vụ đám mây tại Nga

Khi phần lớn các thương hiệu lớn toàn cầu đều dừng các hoạt động kinh doanh tại Nga, Amazon, Microsoft và Google cũng vừa thông báo tạm ngừng kinh doanh các dịch vụ đám mây của họ tại đây.

Amazon Microsoft và Google tạm ngừng bán dịch vụ đám mây tại Nga

Theo tờ TechCrunch, khi cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng, hầu hết các công ty lớn toàn cầu như Exxon, Visa, McDonald’s, Coca-Cola đều đã ngừng các hoạt động kinh doanh ở Nga.

Chỉ trong vòng vài tuần qua, các công ty công nghệ như Adobe, Apple và PayPal, Amazon, Microsoft cũng không nằm ngoài phong trào hàng loạt này.

Trong một bài đăng trên Blog của doanh nghiệp, dịch vụ đám mây của Amazon, AWS cho biết rằng họ không có bất cứ trung tâm dữ liệu (data center) nào ở Nga và về mặt chính sách, nền tảng này cũng không có bất cứ hoạt động kinh doanh nào với chính phủ Nga.

Microsoft cũng vừa thông báo rằng họ đã ngừng bán hàng cho Nga. Ông Brad Smith, phó chủ tịch phụ trách mảng công nghệ của Microsoft cho biết trên một bài đăng:

“Hôm nay, chúng tôi muốn thông báo rằng chúng tôi sẽ tạm ngừng tất cả các hoạt động bán sản phẩm và dịch vụ mới của Microsoft tại Nga.”

Google Cloud tiếp đó cũng cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ khách hàng mới nào ở Nga vào thời điểm này.”

IBM cũng có quan điểm tương tự, trong một thông báo do Giám đốc điều hành Arvind Krishna viết, công ty này cũng cho biết họ đã dừng bán hàng tại Nga.

Trước đó Cloudflare cũng được kêu gọi chấp dứt cung cấp dịch vụ tại Nga và Ukraine, tuy nhiên phía nền tảng này cho biết họ không đơn thuần là kinh doanh dịch vụ đám mây, họ cung cấp các dịch vụ internet và ở những thời điểm bất ổn như hiện tại thì internet là thành phần không thể thiếu.

Cloudflare cho biết thêm rằng, họ cũng sẽ tiếp tục cân nhắc việc có nên cung cấp các dịch vụ tại Nga hay không.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Alibaba ra mắt chip máy chủ mới nhằm cạnh tranh với Amazon và Microsoft

Chip mới được thiết kế cho các máy chủ nhằm mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh trong mảng điện toán đám mây của Alibaba.

Alibaba ra mắt chip máy chủ mới nhằm cạnh tranh với Amazon và Microsoft
Source: CNBC

Bộ vi xử lý mới Yitian 710, sẽ được sử dụng ở các máy chủ mới có tên là Panjiu.

Chip và máy chủ này sẽ không được bán trực tiếp cho khách hàng. Thay vào đó, khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của Alibaba sẽ mua các dịch vụ dựa trên công nghệ mới nhất này.

Các máy chủ sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lưu trữ và chạy các ứng dụng.

Alibaba hiện không cho biết khi nào các dịch vụ dựa trên chip và máy chủ mới nhất này sẽ có sẵn cho khách hàng.

Alibaba sẽ không sản xuất chất bán dẫn mà thay vào đó sẽ thiết kế ra nó. Đây cũng là xu hướng của các công ty Trung Quốc.

Huawei đã thiết kế chip điện thoại thông minh của riêng mình và Baidu cũng sẽ huy động vốn trong năm nay để kinh doanh chất bán dẫn độc lập. Các đối thủ điện toán đám mây của Mỹ bao gồm Google và Amazon cũng đã làm tương tự.

Alibaba luôn coi điện toán đám mây là một phần quan trọng của sự tăng trưởng trong tương lai nhưng nó hiện chỉ chiếm 8% tổng doanh thu của công ty.

Mảng kinh doanh điện toán đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử này đã tăng trưởng chậm hơn trong những quý gần đây khi để mất đi một số khách hàng lớn đang sử dụng dịch vụ đám mây của mình ở nước ngoài.

Theo công ty phân tích thị trường Canalys, mặc dù hiện Alibaba vẫn là công ty điện toán đám mây lớn nhất Trung Quốc, nhưng các đối thủ cũng đang đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh với Alibaba.

Alibaba đã cố gắng mở rộng hoạt động kinh doanh đám mây của mình ra thị trường quốc tế nhưng vẫn kém xa so với các đối thủ như Amazon và Microsoft về thị phần toàn cầu.

Ông Jeff Zhang, chủ tịch của Alibaba Cloud Intelligence cho biết trong một thông cáo báo chí: “Việc tùy chỉnh chip máy chủ của riêng của chúng tôi phù hợp với những nỗ lực không ngừng của mình nhằm thúc đẩy khả năng tính toán với hiệu suất tốt hơn và hiệu quả năng lượng được cải thiện nhiều hơn.”

Chip Yitian 710 của Alibaba dựa trên cấu ​​trúc của hãng chuyên về chất bán dẫn Arm của Vương Quốc Anh, cũng như ứng dụng một số quy trình sản xuất mới nhất. Người phát ngôn của Alibaba hiện từ chối bình luận về việc hãng nào sẽ sản xuất ra những con chip này.

Yitian 710 thực chất không phải là bước đột phá đầu tiên của Alibaba về các chất bán dẫn được thiết kế riêng. Vào năm 2019, Alibaba từng đã ra mắt chip AI đầu tiên của mình với tên gọi Hanguang 800.

Chip máy chủ mới xuất hiện vào thời điểm những gã khổng lồ internet của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý trong nước, những đơn vị đang tìm đủ mọi cách để kiềm chế quyền lực của họ cũng như việc thắt chặt các quy tắc từ chống độc quyền cho đến thu thập dữ liệu.

Vào tháng 4, Alibaba đã bị phạt 2,8 tỷ USD sau kết quả của một cuộc điều tra chống độc quyền đối với công ty.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyen

Thị trường điện toán đám mây đạt quy mô 133 triệu USD, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20% thị phần

Quy mô thị trường điện toán đám mây (cloud) của Việt Nam hiện đạt khoảng 3.200 tỷ đồng.

Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 500 triệu USD vào năm 2025

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến thời điểm này, quy mô thị trường điện toán đám mây (cloud) của Việt Nam đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD).

Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối trong cả nước.

Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới chiếm được khoảng 20% tổng thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước, 80% thị phần còn lại đang do các công ty nước ngoài cung cấp.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 đến 10 năm tới.

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới.

Theo dự báo, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 500 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh.

Năm 2020, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó thị trường này đã tăng trưởng tới 40%.

“Sự tăng trưởng này cho thấy về mặt thị trường, lĩnh vực điện toán đám mây trong nước là một mảnh đất tương đối lớn và còn nhiều khoảng trống đang đợi các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhận định.

“Miếng bánh to nhưng doanh nghiệp Việt chỉ chiếm một góc nhỏ”

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC, các doanh nghiệp Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.

Lý giải cho thực tế thị trường điện toán đám mây là miếng bánh to, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm được một góc nhỏ, ông Nam cho rằng nhu cầu điện toán đám mây xét theo đối tượng khách hàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như nhiều tập đoàn lớn cung cấp nền tảng lớn trên thế giới. Do vậy doanh nghiệp Việt lựa chọn nền tảng dịch vụ của nước ngoài để nhanh chóng, thuận tiện và tránh được nhiều rào cản về đường truyền, chí phí, hỗ trợ kỹ thuật.

Với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam.

Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng thường dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo VietnamFinance