Skip to main content

Thẻ: Corporate Branding

Corporate Branding vs Personal Branding: Đâu là sự khác biệt?

Các thương hiệu có tư duy tiến bộ thường tìm cách nắm lấy sức mạnh của việc kết nối giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp, giao tiếp một cách cởi mở giữa thương hiệu và nhân viên. Suy cho cùng, mỗi nhân viên chính là một đại sứ thương hiệu.

Corporate Branding vs Personal Branding: Đâu là sự khác biệt?. Source: Forbes

Xây dựng thương hiệu thành công là một trong những chìa khóa chính để thu hút khách hàng và phát triển doanh nghiệp một cách nhất quán.

Hầu hết các nhà marketer giỏi hoặc hay chuyên nghiệp sẽ nói rằng chiến lược thương hiệu của họ là phần cốt lõi của chiến lược marketing của họ.

Tuy nhiên, khi nói đến khái niệm chiến lược, vẫn có không ít các nhầm lẫn giữa chiến lược xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và nỗ lực xây dựng thương hiệu cá nhân?

Dưới đây là một số nội dung giúp bạn hiểu rõ hơn về các chủ đề này.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (Corporate Branding) và thương hiệu cá nhân (Personal Branding).

Theo truyền thống, thuật ngữ Branding (xây dựng thương hiệu hoặc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu) gắn liền với các doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Apple hay Nike.

Đây là những thương hiệu doanh nghiệp dễ nhận biết nhất tại thị trường Mỹ (cũng như toàn cầu), thương hiệu của họ đại diện cho mọi bản sắc doanh nghiệp của họ.

Về bản chất, một thương hiệu không chỉ đơn thuần là một logo hay slogan, nó là “một tập hợp các thuộc tính vật lý lẫn phi vật lý (tinh thần, cảm xúc) về một sản phẩm, dịch vụ hay thậm chí là tổ chức nào đó mà người tiêu dùng có được”.

Nói một cách đơn giản, thương hiệu doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến tâm trí của đối tượng mục tiêu và đại diện cho các giá trị hay bản sắc của doanh nghiệp.

Ngược lại so với thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu cá nhân gắn liền với một cá nhân nào đó bao gồm các kỹ năng của họ, trình độ của họ cũng như những niềm tin và kỳ vọng mà công chúng có được từ họ.

Kết nối thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp.

Chỉ vài thập kỷ trước, có rất ít CEO của các thương hiệu hay doanh nghiệp hàng đầu được công chúng biết đến rộng rãi.

Tuy nhiên, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các nền tảng truyền thông mạng xã hội và tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing), ngày càng có nhiều cá nhân trở nên có sức ảnh hưởng và lan toả hơn, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể tận dụng sức mạnh cộng hưởng giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là, trong khi với cách thức kinh doanh truyền thống, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp không nhất thiết phải xây dựng thương hiệu cá nhân, trong bối cảnh mới, thương hiệu cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu doanh nghiệp.

Bạn cứ thử nhìn vào Elon Musk, Bill Gates hay Steve Jobs bạn sẽ hiểu điều này.

Về cơ bản, thương hiệu cá nhân của các nhà lãnh đạo chính là thương hiệu doanh nghiệp của họ, là công việc kinh doanh của họ.

Từ góc nhìn này, sự kết hợp giữa thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp có thể tạo ra một sức mạnh tổng hợp giúp thúc đẩy khả năng phát triển và uy tín của một doanh nghiệp.

Thay vì tạo ra nhiều khoảng cách, doanh nghiệp nên phá bỏ các rào cản giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Về lâu dài, doanh nghiệp có thể sử dụng các kết nối cá nhân để xây dựng lòng tin và bán hàng.

Quản lý thương hiệu cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp.

Cách đây nhiều năm về trước, nếu quan sát bạn sẽ thấy rằng các tập đoàn lớn cũng hầu như không mấy quan tâm đến thương hiệu của nhân viên hoặc cách nhân viên tương tác với thương hiệu của chính họ.

Tuy nhiên, kể từ khi tiếp thị kỹ thuật số và đặc biệt là tiếp thị truyền thông mạng xã hội (Social Media Marketing) ra đời, khi các nền tảng như LinkedIn hay Facebook có sức ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của doanh nghiệp, bối cảnh xây dựng thương hiệu đã thay đổi.

Bạn cứ thử hình dung rằng, điều gì sẽ xảy ra khi những nhân viên không hài lòng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để trút bỏ nỗi thất vọng của họ về doanh nghiệp?

Hiểu được điều này, ngày càng nhiều doanh nghiệp không ngừng tích cực xây dựng hình ảnh thương hiệu của nhân viên (Employee Branding), những hình ảnh đại diện cho thương hiệu doanh nghiệp.

Lợi ích của việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và nhân viên.

Là một nhà tuyển dụng hay người đóng vai trò là doanh nghiệp, bạn hiểu rằng việc cấm sử dụng mạng xã hội tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm là điều không thực tế.

Thay vì tập trung nguồn lực vào những thứ không thể kiểm soát này, doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên trung thực hơn về công việc của họ, tập trung vào các chủ đề tích cực trên mạng xã hội và không nói xấu đối thủ.

Thương hiệu cá nhân của nhân viên và thương hiệu doanh nghiệp vốn có mối quan hệ tương hỗ, trong khi các hình ảnh nhân viên tốt giúp thương hiệu doanh nghiệp cũng trở nên tốt hơn, thương hiệu cá nhân của nhân viên cũng có thể được hưởng lợi từ các liên kết tích cực với doanh nghiệp.

Khi một nhân viên nhận được nhiều sự tin tưởng và công nhận từ doanh nghiệp, rõ ràng là họ sẽ có nhiều cơ hội hơn trong suốt sự nghiệp của họ.

Đây cũng là lý do tại sao các thương hiệu có tư duy tiến bộ đang tìm cách kết nối và thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa nhân viên và doanh nghiệp. Suy cho cùng, mỗi nhân viên cũng là một đại sứ thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips