Skip to main content

Thẻ: Design Thinking

Đừng chỉ trở thành người giỏi – Hãy xuất sắc

Cùng tìm hiểu xem khái niệm “người giỏi” nên được hiểu như thế nào, “người xuất sắc” là ai và con đường hình thành nên họ như thế nào.

Có lẽ do đã tiếp xúc và làm việc với quá nhiều người từ đủ mọi chức danh, chuyên môn, và cả văn hoá khác nhau trên thế giới, nên mình có một sự nhạy cảm nhất định về con người. Đầu tiên, phải công nhận là có rất nhiều người giỏi.

Giỏi ở đây là ý nói giỏi về chuyên môn, có khả năng tư duy tốt, có tinh thần làm việc chuyên nghiệp, và luôn trong tâm thế hoàn thành tốt việc được giao trong khuôn khổ mô tả công việc của mình.

Cũng giống như người ta đặt ra một cái tiêu chuẩn, một cái mốc chung cần hướng tới, và bạn sắp hay vừa chạm vào cái mốc ấy. Người thoả mãn tiêu chuẩn chung kiểu vậy là người giỏi.

Và người giỏi, thế giới thật ra có rất nhiều. Họ cũng biết rất rõ tiêu chuẩn và mục tiêu cần hướng đến là gì, rồi tự thân vận động để đạt được những kết quả, thành quả tương ứng. Nhưng đó, là khi những ngôi sao chúng xếp thẳng hàng….

Có người may mắn, và những ngôi sao chúng xếp thẳng hàng. Và thế là họ chỉ cần vung tay theo kế hoạch để đạt được điều mình mong muốn.

Tuy nhiên, trong thế kỷ bất định và trong sự chuyển động ngày càng phức tạp của môi trường kinh tế hiện nay, đặc biệt là sau đại dịch, thì ít khi những ngôi sao chúng xếp thẳng hàng.

Người giỏi, vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn trong hành trình sự nghiệp của mình. Giờ đây, những nguồn lực, đòi hỏi về điều kiện đầu vào trong bài toán của họ đều có thể gặp khó khăn, thách thức, chứa nhiều ẩn số, thay đổi quá nhanh hoặc quá bất ngờ.

Trong môi trường mà sự lạ lẫm, không ngờ, thậm chí là đảo ngược về tình trạng có thể diễn ra bất cứ lúc nào, không theo bất kỳ sự tính toán, sắp xếp ngay ngắn nào đó trước, người giỏi sẽ rất dễ nản, dễ bị bực mình, dễ bị over về cảm xúc và bỏ cuộc.

Khi mọi thứ nó không diễn ra theo ý mình muốn thì chuyện nổi cơn là hết sức bình thường. Có điều, nếu bỏ cuộc để đi tìm một môi trường mới, thì kết cuộc bạn cũng sẽ phải đối diện với môi trường mang tính chất tương tự. Vì giờ đây, bất định là hằng số chung.

Cho nên, thế kỷ này cần nhiều hơn là giỏi. Thế kỷ này cần người xuất sắc, có thể lèo lái qua mọi khúc quanh nghiệt ngã một cách tài tình và bình thản nhất, trong bất kỳ tình huống hay môi trường nào.

Cho nên, nếu bạn là người giỏi, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên đưa mình lên level xuất sắc. Còn nếu bạn nghĩ mình chưa giỏi, thì nên bỏ qua luôn, trực chỉ đến thẳng level xuất sắc.

Vậy người xuất sắc, họ là ai?

Zen Master

Muốn khắc động, cần phải tĩnh. Muốn đối diện với hỗn độn, cần phải lắng trong. Muốn tìm ra đường đi giữa bất định, mơ hồ, cần phải nhìn thấu vào bản chất.

Người xuất sắc không bao giờ để cho bản thân bị cuốn theo và cuốn vào sự hỗn độn, cuốn vào sự quay cuồng của những cơn bão giả thật bất minh. Mặc cho ngoài kia có chơi game kiểu gì, trong này họ vẫn bình tâm như vại.

Mặc cho ngoài kia nhân gian có sân si và đường trần trải bằng hoang mang, sợ hãi, họ vẫn thong dong từng bước về phía trước trong trí tuệ của gạn đục khơi trong. Họ tìm thấy con đường khi nhắm mắt, thở sâu.

Họ hiểu bản chất vấn đề khi quay về với với những điều cơ bản nhất. Họ để mặc cho đời thoải mái chơi game các kiểu, vì hiểu rằng game nào rồi cũng có hồi kết thúc và vấn đề nào rồi cũng có giải pháp liên quan.

Chính sự zen của họ làm cho mọi thứ lu xu bu nó tự biến mất và sự thật hiển hiện rõ ràng trong mọi sự trong veo. Họ quản trị được bản thân, quản trị được cảm xúc, và hiểu rõ về cách vận hành của thứ gọi là đời.

Hỗn độn ngoài kia là giả. Hỗn độn trong này mới là thật. Khi bạn không cho phép bản thân mình hỗn độn, thì ngoài kia mọi thứ rất rõ ràng. Người xuất sắc, họ nhìn mọi thứ rất rõ ràng, vì bản thân họ không bao giờ hỗn độn.

Design Thinker (Người có tư duy Design Thinking)

Trong tâm thế thật bình thản đó, người xuất sắc mỉm cười và giải quyết vấn đề. Không phải chỉ là giải quyết, mà là thiết kế giải pháp một cách sáng tạo, linh hoạt, nhân văn, phù hợp với từng tình huống, với từng môi trường, theo nguồn lực cho phép.

Tâm thế của họ khi đối diện vấn đề là “Bring it on – Chơi tới! Chuyện nhỏ!”. Mọi thử thách đối với họ chỉ là thêm một bài toán, một vấn đề cần được giải quyết.

Và họ hiểu rằng, đối diện là học, giải quyết là rèn luyện, ứng dụng, là trải nghiệm tất yếu cần có để trở nên xuất sắc hơn. Họ say mê vấn đề.

Họ đam mê sáng tạo. Họ sống bằng sự hưng phấn khi mang vấn đề ra nghiên cứu và giải quyết. Họ thử nghiệm không ngừng vì đó là hơi thở. Họ thích thú khi thử nghiệm thất bại vì vỡ ra hàng tá những thứ hay ho mới lạ để có thể làm cho giải pháp xịn sò hơn.

Họ giải quyết vấn đề quên cả thời gian, như hơi thở ra vào rất nhẹ nhàng, tự nhiên, tươi tắn. Họ không còn phân biệt phe ta phe họ, vì không có phe nào cả, tất cả đều là những element – thành tố quan trọng để chở vấn đề về với kết quả sau cùng.

Vì thế, họ trở nên selfless – không ích kỷ, chỉ nghĩ tới bản thân và lợi ích của bản thân mình mà ngược lại cực kỳ bao dung, vị tha, công tâm, từ bi bác ái.

Sau cùng, tư duy thiết kế lấy con người làm trọng tâm, và họ, là những nhà thiết kế lấy con người làm trọng tâm.

Magician.

Người xuất sắc hiểu rằng, muốn giải quyết vấn đề cần phải có nguồn lực. Nhưng họ cũng hiểu rằng, trong sự hỗn độn và bất định kia, nguồn lực cũng mang bản chất không lường trước được. Có đó, có thể mất đó. Hứa đó, có thể đổi ý đó.

Ậm ừ đó, có thể lắc đầu ngay sau đó. Nói chung, khi giải quyết vấn đề bất định với nguồn lực cũng bất định, thì nguồn lực trở thành vấn đề cần giải quyết và cần tìm ra giải pháp sáng tạo khác nhau cho mỗi vấn đề.

Người xuất sắc hiểu rất rõ điều này, nên họ không bị phụ thuộc vào bất kỳ sự ứng nhắc nào, vào điều kiện bất di bất dịch nào.

Có thì quá tốt, không có thì phải đi tìm bằng nhiều cách khác nhau. Có thì đương nhiên ai cũng làm được. Không có thì chỉ có thể là người xuất sắc tìm ra cách trong khi người khác thì nổi cơn, phàn nàn, bỏ cuộc.

Người xuất sắc cuối cùng khác người như thế. Họ là magician – ảo thuật gia. Họ có thể biến không thành có hoặc biến có thành rất wow bằng khả năng và network của chính mình.

Sao cũng có cách. Sao cũng làm được. Game nào cũng chơi. Nhạc nào cũng nhảy. Và họ thoải mái, vui vẻ, hứng thú diễn như không diễn, biến gác trọ thời gian thành sân khấu của chính mình.

Tất cả, nghe rất khó mà rất dễ.Nó chỉ là tư duy, tâm thế, bản lĩnh đối diện với cuộc sống của mỗi người. Bất định là chuyện của mọi thời.

Hỗn độn là bản chất của cuộc đời. Còn xuất sắc hay không đơn giản là lựa chọn của mỗi người trên hành trình nhân thế.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Theo Blog Nguyễn Phi Vân

Design Thinking là gì? Ví dụ và Quy trình rèn luyện Design Thinking

Design Thinking là gì? Tại sao Design Thinking (Tư duy thiết kế) lại quan trọng? Design Thinking hoạt động như thế nào? Chi tiết quy trình rèn luyện Design Thinking? và một số nội dung khác.

design thinking là gì
Design Thinking là gì? Quy trình thực hiện Design Thinking

Trong khi Design Thinking xuất phát điểm là khái niệm mô tả quy trình tạo ra các sản phẩm hay công nghệ mới, thuật ngữ này ngày nay được sử dụng tương đối rộng rãi trong phạm vi kinh doanh nói chung và marketing nói riêng. Vậy Design Thinking là gì và quy trình thực thi Design Thinking như thế nào.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài:

  • Design Thinking là gì?
  • Design Thinker là ai?
  • Vai trò của Design Thinking.
  • 4 quy luật bất biến của Design Thinking là gì?
  • Quy trình diễn ra của Design Thinking là gì?
  • Ứng dụng Design Thinking vào lĩnh vực quảng cáo và Marketing như thế nào.
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với thuật ngữ Design Thinking.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Design Thinking là gì?

Design Thinking trong tiếng Việt có nghĩa là Tư duy thiết kế, khái niệm được sử dụng để mô tả một quá trình giải quyết vấn đề bằng cách đặt nhu cầu của người tiêu dùng lên tất cả.

Design Thinking dựa trên sự quan sát, sự đồng cảm, cách mọi người tương tác với môi trường của họ để tạo ra các giải pháp sáng tạo hơn thông qua quá trình thực hành lặp lại.

Design Thinking hoạt động theo phương thức “lấy con người làm trọng tâm”, coi cách thức một người tiêu dùng (con người) tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ là cốt lõi thay vì dự đoán mọi thứ theo cảm tính hay góc nhìn của cá nhân.

Bởi vì xem con người là trung tâm của mọi quyết định, các nhà thiết kế (designer) không ngừng theo dõi cách mọi người sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ và sau đó tinh chỉnh lại với mục tiêu cuối cùng là cải thiện trải nghiệm tổng thể của người tiêu dùng.

Một trong những phần quan trọng nhất của Design Thinking là tư duy “lặp đi lặp lại” với ý nghĩa cốt lõi đằng sau là thay vì cứ mãi nghiên cứu, suy nghẫm và dự báo, hãy nhanh chóng thử nghiệm các giải pháp mới và tìm ra kết quả tối ưu nhất.

Trái ngược lại với những gì mà cách thức tư duy giải quyết vấn đề theo kiểu truyền thống diễn ra, tức mọi người sẽ chỉ ra vấn đề và sau đó động não để tìm ra các giải pháp xử lý, Design Thinking chỉ hoạt động khi quá trình này được lặp đi lặp lại không ngừng.

Design Thinker là ai?

Những người áp dụng tư duy thiết kế hay Design Thinking vào thực tế để xử lý các vấn của cá nhân hay tổ chức của họ được gọi là Design Thinker, các nhà tư duy thiết kế.

Vai trò của Design Thinking đối với tổ chức là gì?

Như đã phân tích ở trên, vì bản chất cốt lõi của Design Thinking là liên tục thử nghiệm, nó cho phép các tổ chức tạo ra các giá trị lâu dài cho người tiêu dùng.

Dưới đây là một số vai trò chính của Design Thinking.

  • Design Thinking giúp giải quyết các nhu cầu mới.

Bằng cách sử dụng phương pháp quan sát và lấy con người làm trọng tâm, các đội nhóm phụ trách có thể phát hiện ra những nỗi đau của người tiêu dùng, thứ mà có thể trước đây ngay chính bản thân họ cũng không nghĩ đến.

Những gì mà Design Thinking có thể cung cấp sau đó là các giải pháp dựa trên từng nỗi đau cụ thể.

  • Design Thinking giúp giải quyết các vấn đề không rõ ràng hoặc khó xác định.

Trong thực tế thế giới kinh doanh và marketing, người tiêu dùng không phải khi nào cũng có thể tự phát hiện ra các vấn đề hay nỗi đau của chính họ.

Tuy nhiên bằng cách liên tục quan sát, các Design Thinker có thể xác định tương đối chính xác các vấn đề dựa trên những gì họ nhìn thấy từ hành vi của người tiêu dùng.

Chính vì điều này, Design Thinking có thể phát hiện ra các vấn đề khi chúng còn rất mơ hồ.

  • Design Thinking tạo ra các giải pháp sáng tạo hơn.

Vì bản chất là phần lớn mọi người không có khả năng tưởng tượng ra những điều mà họ nghĩ là chúng lại có thể trở thành hiện thực, họ không thể yêu cầu những thứ chưa tồn tại hay họ chưa nhìn thấy.

Design Thinking có thể chỉ ra những nỗi đau mà người tiêu dùng chưa từng cảm nhận trước đó, sử dụng cách tiếp cận lặp đi lặp lại để giải quyết vấn đề và điều này thường sẽ giúp tạo ra những giải pháp mới sáng tạo và đổi mới hơn.

  • Design Thinking giúp các tổ chức “chạy” nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Thay vì phải nghiên cứu một vấn đề trong một khoảng thời gian dài mà có thể không đưa ra được kết quả, Design Thinking ủng hộ việc tạo ra các bản thử nghiệm và sau đó kiểm tra tính hiệu quả thực tế của chúng.

4 quy luật bất biến của Design Thinking là gì?

  • Quy luật con người: Bất kể được sử dụng trong cảnh nào hay với mục tiêu là gì, Design Thinking đều lấy quan điểm “con người là trọng tâm” của mọi thay đổi.
  • Quy luật mơ hồ: Khi áp dụng Design Thinking, sự mơ hồ trước những dự báo hay giải pháp mới là không thể tránh khỏi. Bằng cách thử nghiệm trong giới hạn hiểu biết của doanh nghiệp, bạn có thể kiểm soát những gì đang và sẽ diễn ra.
  • Quy luật thiết kế lại: Trong khi các yếu tố công nghệ và hoàn cảnh xã hội có thể thay đổi và phát triển, các nhu cầu cơ bản của con người vẫn không hoặc rất ít thay đổi. Về cơ bản, bạn chỉ đang thiết kế lại để đáp ứng các nhu cầu mới của người dùng.
  • Quy luật hữu hình: Làm cho các ý tưởng mơ hồ trở nên hữu hình hơn là nhiệm vụ của các Design Thinker khi áp dụng Design Thinking.

Quy trình áp dụng Design Thinking.

Thông thường, quy trình áp dụng Design Thinking vào thực tế sẽ trải qua 5 giai đoạn chính.

design thinking là gì
Quy trình diễn ra của Design Thinking là gì?

1. Đồng cảm với người tiêu dùng.

Trong giai đoạn đầu tiên này của Design Thinking, các nhà thiết kế sẽ tiến hành quan sát người tiêu dùng của họ để hiểu sâu hơn về cách họ tương tác hoặc bị ảnh hưởng bởi một sản phẩm hay vấn đề cụ thể.

Để có thể đảm rằng các nhận định hay ý kiến được đưa ra là khách quan, các nhà tư duy thiết kế cần khả năng đồng cảm với người tiêu dùng, xem nhu cầu hay vấn đề của họ là gì để từ đó đưa ra các giải pháp hay dự báo chính xác.

Quan sát bằng sự đồng cảm cũng có tác dụng rất mạnh mẽ bởi vì nó có thể giúp khám phá ra những vấn đề mà người tiêu dùng thậm chí còn không biết họ đã gặp phải hoặc đã gặp phải nhưng họ không biết phải mô tả như thế nào.

2. Xác định vấn đề.

Trong giai đoạn thứ hai này, các Design Thinker sẽ thu thập các quan sát hay nhận định của mình từ giai đoạn đầu tiên để xác định các vấn đề cần phải giải quyết.

Hãy liên tục nghĩ về những khó khăn mà người tiêu dùng của bạn đang phải đối mặt, những gì mà họ liên tục phải đấu tranh và những gì bạn thu thập được.

Khi bạn càng tổng hợp nhiều và toàn diện các phát hiện của mình, bạn càng có thể xác định các vấn đề mà họ phải đối mặt.

3. “Những buổi động não”.

Bước tiếp theo trong quy trình Design Thinking là thảo luận (brainstorm) các ý tưởng về cách giải quyết những vấn đề mà bạn đã xác định trước đó.

Bằng cách tập hợp những người có liên quan lại với nhau, khuyến khích sự sáng tạo và cộng tác, mọi người sẽ thảo luận và đề xuất các phương án tối ưu nhất.

Một trong những điểm quan trọng của giải đoạn này là bạn cần đưa ra càng nhiều ý tưởng thì càng tốt, khi bạn có càng nhiều ý tưởng, bạn có nhiều cơ hội hơn để thử nghiệm.

4. Đưa ra các giải pháp.

Những gì bạn cần làm ở giai đoạn này của Design Thinking là biến các ý tưởng nói trên thành một giải pháp thực tế.

Với những giải pháp gốc đầu tiên, mục tiêu của bạn không nên là một điều gì đó quá hoàn hảo, thay vào đó bạn cần phải nhanh chóng đưa các giải pháp này vào thực tế để xem liệu người tiêu dùng sẽ “đối xử” hay phản ứng với nó như thế nào.

Chẳng hạn như để có thể xem cách người tiêu dùng tương tác (tỷ lệ xem trang, thời gian ở lại, tỷ lệ chuyển đổi…) với một Landing Page bán hàng mới, bạn cần nhanh chóng phát triển các tính năng trên Landing Page và sau đó chạy thử nghiệm nó.

5. Thử nghiệm.

Một khi bạn đã cung cấp giải pháp cho người tiêu dùng, bạn phải quan sát cách họ tương tác lại với nó. Giai đoạn thử nghiệm này là giai đoạn bạn thu thập các phản hồi của người tiêu dùng về những giải pháp của mình.

Như đã phân tích ở trên, vì Design Thinking là quá trình lặp đi lặp lại liên tục, bạn cần liên tục lặp lại quy trình 5 bước này trong suốt quá trình làm việc.

Dù cho mục tiêu của bạn khi áp dụng Design Thinking là gì, một khi bạn đã xác định sai nhu cầu của người tiêu dùng, bạn phải nhanh chóng xoay vòng.

Ứng dụng Design Thinking vào lĩnh vực quảng cáo và Marketing như thế nào.

design thinking là gì
Design Thinking là gì? Ứng dụng Design Thinking vào Marketing như thế nào.

Mặc dù Design Thinking xuất phát từ góc nhìn của những người làm thiết kế, cụ thể là thiết các sản phẩm và dịch vụ mới cho người tiêu dùng, tư duy này có thể ứng dụng cho nhiều các lĩnh vực khác nhau bao gồm cả marketing nói chung.

Hãy giả sử rằng bạn là một Content Creator mới gia nhập ngành, và bạn được giao nhiệm vụ viết nội dung quảng cáo cho các nền tảng mạng xã hội (Social Media) như Facebook, YouTube hay Instagram.

Nếu như với cách tiếp cận tư duy truyền thống, có thể bạn sẽ bắt đầu bằng cách tự đưa ra các chiến lược hay định hướng nội dung theo góc nhìn của bản thân vì bạn nghĩ rằng khách hàng sẽ thích nó.

Tuy nhiên nếu áp dụng Design Thinking vào quá trình sản xuất nội dung này, có thể quá trình thực hiện của bạn sẽ có nhiều phần khác.

Thứ nhất, trước khi bạn đưa ra bất cứ nhận định hay giải pháp nào, bạn sẽ cần tiến hành nghiên cứu khách hàng của mình. Nghiên cứu ở đây không chỉ dừng lại ở việc bạn tìm kiếm và tổng hợp các thông tin cần thiết về khách hàng.

Vì bạn đang áp dụng theo cách thức Design Thinking, bạn cần tương tác, gặp gỡ, quan sát dựa trên số liệu và thậm chí là đặt mình vào bối cảnh của khách hàng để hiểu đâu mới là kiểu nội dung (Content) khách hàng cần.

Thứ hai, trước khi quyết định đưa ra các định hướng hay kiểu nội dung, bạn cần hiểu các vấn đề hay nỗi đau mà khách hàng đăng gặp phải là gì, khách hàng trên từng nền tảng tương tác với những kiểu nội dung ra sao, đó là video hay hình ảnh, video hay hình ảnh đó nói về chủ đề hay nội dung gì.

Sau khi đã quan sát và thu thập đủ các dữ liệu cần thiết, bạn mới tiến hành xây dựng các nội dung để đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của họ.

Cuối cùng, vì bạn biết rằng, mọi giả định hay thử nghiệm cũng chỉ là tương đối và bạn cần chạy liên tục các thử nghiệm, bạn lên một bản kế hoạch rõ ràng về thời gian thử nghiệm cho từng ý tưởng hay giải pháp tương ứng.

Bạn lặp lại quá trình này trong suốt quá trình làm việc của mình.

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với thuật ngữ Design Thinking.

  • Design Thinking Process là gì?

Design Thinking Process có nghĩa là Quy trình xây dựng tư duy thiết kế, khái niệm đề cập đến cách thức một người hay tổ chức xây dựng tư duy thiết kế cho riêng họ.

Kết luận.

Nếu bạn đang làm việc trong các lĩnh vực như sáng tạo, thiết kế sản phẩm, UX và UI, kinh doanh hay marketing, Design Thinking là một trong những tư duy và cách thức tiếp cận hiệu quả để tạo ra những giải pháp mới hiệu quả hơn.

Bằng cách hiểu rõ bản chất của design thinking là gì và cách thức nó hoạt động trong thực tế, bạn có thể đảm bảo rằng khách hàng hay người dùng của bạn luôn có những trải nghiệm tốt nhất với thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Design Thinking – Lối tư duy thành công cho nhà lãnh đạo

Design Thinking là lối tư duy tiếp cận đang dần trở nên phổ biến và được nhiều lãnh đạo toàn cầu sử dụng.

Design Thinking
Design Thinking – Lối tư duy thành công cho nhà lãnh đạo

Cùng tìm hiểu về khái niệm Design Thinking là gì, Design Thinking nên được hiểu như thế nào, các chiến lược phát triển Design Thinking và hơn thế nữa.

Làm sao một người lãnh đạo có thể kiểm soát được những sự thay đổi liên tục, đi cùng kỳ vọng cao từ khách hàng, trong bối cảnh tương lai không thể đoán được?

Có một phương pháp được nhiều doanh nghiệp toàn cầu, như Pepsi, Nike, Apple và Google áp dụng để phát triển năng lực lãnh đạo cho nhân sự.

Đó chính là Design Thinking (tạm dịch: Tư duy thiết kế).

Design Thinking là gì?

Design Thinking khởi đầu là những biểu tượng thị giác dẫn đến giải pháp mong muốn. Nói cách khác, đó là lối tư duy theo hướng liên kết các mảnh ý tưởng để tạo thành một giải pháp khả thi cho các vấn đề cần giải quyết.

Design Thinking là lối tư duy tiếp cận đang dần trở nên phổ biến và được nhiều lãnh đạo toàn cầu sử dụng.

Dưới đây, Apoorve Dubey sẽ phân tích 10 bài học lãnh đạo mà các doanh nghiệp có thể tích lũy được từ Design Thinking.

Apoorve Dubey là nhà sáng lập và CEO của Kreyon Systems, một công ty phần mềm đang tăng trưởng nhanh với số lượng khách hàng hiện diện tại 10 quốc gia.

Ông tốt nghiệp Đại học IIT Madras, và là tác giả của quyển sách bán chạy The Flight of Ambition (tạm dịch: Chuyến bay tham vọng), đồng tác giả quyển Successful organisations in action (tạm dịch: Thực tế từ các tổ chức thành công).

10 chiến lược phát triển Design Thinking.

1. Tư duy tập trung vào giải pháp.

Design Thinking giúp các lãnh đạo phát triển tư duy lấy giải pháp làm trung tâm. Lối tư duy này nhấn mạnh vào việc xác định và phân tích vấn đề cốt lõi, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất. Các doanh nghiệp lẫn đội nhóm hiện tại đều đang tìm kiếm những vị lãnh đạo có tư duy theo hướng này.

Những lãnh đạo xuất sắc nhất hiểu rằng họ sẽ tạo ra uy tín của bản thân bằng cách liên tục đưa ra những giải pháp cho các vấn đề phức tạp. Họ sẽ giải quyết các mâu thuẫn, xử lý các vấn đề và ủng hộ các ý tưởng tạo ra khác biệt.

2. Kết nối những dấu chấm.

Các nhà lãnh đạo cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh để kết nối những ý tưởng rời rạc và cân nhắc vấn đề trong tương quan với bối cảnh rộng lớn hơn.

Design Thinking sẽ giúp bạn phác thảo ra bức tranh toàn cảnh của vấn đề, thử thách cũng như các giải pháp mong đợi. Đây là một cách tốt để các nhà lãnh đạo có thể nắm bắt được toàn cảnh những vấn đề trừu tượng.

Ngoài ra, người lãnh đạo còn có thể phác thảo ra sơ đồ liên kết giữa những dự đoán, các thử thách, tình trạng hiện tại của vấn đề và cả mục tiêu muốn đạt đến. Từ sơ đồ này, họ có thể điều chỉnh để đội ngũ của mình đi theo đúng hướng.

3. Đồng cảm và gắn kết.

Lãnh đạo bắt đầu bằng sự đồng cảm. Để có được sự tín nhiệm từ các nhân viên, khách hàng hay đối tác, người lãnh đạo cần phải cho thấy sự đồng cảm và thấu hiểu về nhu cầu của đối phương.

Khi bạn chăm sóc cho nhân viên, khách hàng và các đối tác liên quan, họ cũng sẽ quan tâm đến bạn.

Design Thinking bắt đầu tìm giải pháp từ chính tư duy của người trực tiếp dùng sản phẩm. Hướng tiếp cận này tạo ra xu hướng tư duy bằng sự đồng cảm và gắn kết mọi người.

4. Thường xuyên nhận phản hồi để không ngừng cải tiến.

Phương pháp Design Thinking bao gồm sự thử nghiệm và thu thập liên tục phản hồi từ người dùng để tiếp tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ.

Các phản hồi là yếu tố quan trọng để phát triển và hoàn thiện giải pháp. Vì giải pháp có thể phù hợp hôm nay nhưng lại trở nên vô dụng vào hôm sau. Vì vậy, người lãnh đạo cần bám sát thực tế và đảm bảo có những thay đổi phù hợp.

Tương tự, người lãnh đạo cần dành thời gian phản hồi thường xuyên để cải tiến sản phẩm, dịch vụ lẫn nhân viên của mình. Tư duy cải tiến không ngừng và nuôi dưỡng sự phát triển là yếu tố cần thiết để thành công.

5. Tư duy cởi mở.

Design Thinking khuyến khích thử nghiệm, sáng tạo và cách tân. Khi làm việc với nhiều concept, ý tưởng khác biệt, người lãnh đạo cần có một tư duy cởi mở để tạo ra môi trường khuyến khích thử nghiệm và học hỏi. Họ sẽ tạo nên những nhân tố lẫn đội nhóm tự hào về công việc đang làm.

Những lãnh đạo có tư duy mở cũng sẽ không ngừng tìm kiếm các cách thức cải thiện công việc, vì họ chào đón mọi ý tưởng khác biệt có khả năng thách thức, mở rộng tư duy của họ nhiều hơn.

6. Trao quyền và cùng sáng tạo.

Design Thinking trao quyền để mọi thành viên đều có thể góp sức hiệu quả cho công việc chung. Phương pháp này khuyến khích cả nhóm hợp tác và tạo ra hiệu ứng đoàn kết trong nội bộ nhân viên.

Khi mọi người đều có quyền bày tỏ ý kiến trong quá trình phát triển sản phẩm / dịch vụ, toàn nhóm sẽ cảm nhận được sự trao quyền từ người lãnh đạo. Khi đó, toàn đội sẽ có trách nhiệm với kết quả và cảm thấy bản thân từng người đều đang sở hữu dự án này.

Các nhà lãnh đạo có thể dùng Design Thinking để lắng nghe nhân viên, tạo cảm hứng để họ đóng góp ý tưởng, và trao quyền lẫn cơ hội để họ tạo ra khác biệt từ ý tưởng đó.

7. Cảm quan về mục tiêu.

Trong kỷ nguyên của sự xao nhãng hiện tại, giữ cho toàn đội tập trung là điều khá thử thách cho người lãnh đạo. Mọi người sẽ tập trung và làm việc năng suất hơn khi mỗi người biết được họ đang làm điều gì, và vì sao họ phải làm điều đó.

Người lãnh đạo có thể áp dụng Design Thinking để làm sáng tỏ cũng như kết nối hình dung của cá nhân vào bức tranh chung của tập thể.

Một lãnh đạo xuất sắc có khả năng truyền thông hiệu quả mục đích lẫn sứ mệnh của công việc hiện tại, nhằm kết nối mọi người thành một khối. Đội ngũ nhân viên sẽ đạt được mục tiêu khi họ nhận được các thông điệp rõ ràng và đồng nhất từ cấp quản lý.

8. Xử lý bất ổn.

Xử lý những thay đổi không dễ thực hiện. Và câu chuyện càng trở nên khó khăn hơn khi bạn không biết được mọi chuyện sẽ thay đổi như thế nào.

Trong thế giới dẫn dắt bởi công nghệ, các công ty cần chuẩn bị kỹ để đối diện với đối thủ kinh doanh lẫn những cải tiến kỹ thuật số chưa từng có trước đó.

Với Design Thinking, người lãnh đạo có thể đánh giá các lựa chọn, nhìn thấy bức tranh lớn và đưa ra quyết định tốt nhất.

Design Thinking là một chiến lược dựa trên thử nghiệm, phản hồi và không ngừng cải tiến để xử lý sự thay đổi của hoàn cảnh thực tế.

9. Quyết đoán.

Người lãnh đạo cần ra quyết định cho mọi tình huống. Trong một số trường hợp, các quyết định đưa ra sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân viên hoặc toàn tổ chức.

Design Thinking giúp lãnh đạo cải thiện khả năng ra quyết định bằng cách cung cấp những lựa chọn thay thế, đi cùng bức tranh toàn cảnh của vấn đế.

Nhà lãnh đạo có thể dễ dàng vượt qua định kiến của bản thân và đưa ra các quyết định phù hợp khi họ có trong tay đa dạng lựa chọn.

Design Thinking hiện đang được áp dụng trong nhiều mảng khác nhau của một công ty nhằm giúp đội ngũ quản lý đưa ra các quyết định chiến lược.

10. Kiên định.

Nhà lãnh đạo xuất sắc là người kiên định. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ cho đến khi đạt được mục tiêu. Design Thinking là một hành trình đòi hỏi người áp dụng phải kiên định. Đó là quá trình cải tiến để hoàn hảo giải pháp.

Quá trình này sẽ tôi luyện người lãnh đạo khả năng quan sát những yếu tố bổ sung, thử nghiệm và kiên nhẫn cho đến khi đạt được kết quả như ý.

Tóm lại, lãnh đạo là quá trình học hỏi. Người lãnh đạo học từ quá khứ, quan sát hiện tại và chấp nhận mọi sự thay đổi trong tương lai. Design Thinking đóng vai trò thiết yếu trong việc tạo ra những nhà lãnh đạo sáng tạo của tương lai.

Nhà lãnh đạo xuất sắc là người có khả năng xây dựng đội ngũ vững mạnh, xử lý các vấn đề phức tạp, có khả năng thấu hiểu và không ngừng giải phóng tư duy để tạo ra giá trị cho mọi người.

Design Thinking là một trong những phương pháp tư duy hiệu quả, kết hợp trí tuệ của từng cá nhân tạo nên trí tuệ tập thể.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Tự tay phân khúc thị trường bằng Design Thinking

Trước khi ra bất kỳ chiến lược quan trọng nào của doanh nghiệp như định vị, phát triển sản phẩm mới, kênh phân phối, v.v… chúng ta phải hiểu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu là ai, sau đó mới có thể lên kế hoạch triển khai chiến lược.

Tự tay phân khúc thị trường bằng Design Thinking
Tự tay phân khúc thị trường bằng Design Thinking

Tuy nhiên, có một thực tế rằng không ít chủ doanh nghiệp nhỏ, brand team & agency thường xác định đối tượng khách hàng mục tiêu bằng phương pháp cảm tính. Họ đóng cửa phòng họp lại, ngồi với nhau và tưởng tượng ra rằng:

“Chúng ta sẽ bán loại dầu ăn này cho phụ nữ nội trợ, tuổi từ 25 đến 40, thu nhập A+, quan tâm đến sức khỏe, yêu thương gia đình, thích chăm sóc con cái và các yếu tố ABCDEF”.

Hay:

“Tôi nghĩ rằng, mẫu quần jeans mới này sẽ phù hợp với nam giới trẻ, 18-24 tuổi, lịch lãm, năng động, thu nhập A+”.

Bạn hoàn toàn có thể may mắn bán được hàng dù trong tình trạng ngồi tưởng tượng ra khách hàng mục tiêu.

Đó là trong trường hợp bạn kinh doanh ở các lĩnh vực, dịch vụ đại trà: như nước rửa chén, kem đánh răng, snack, dầu ăn, nước trái cây đóng chai, gạo đóng túi…

Vì ở những thị trường hàng nhu yếu phẩm, việc phân khúc (Segmentation) các nhóm khách hàng khá đơn giản, không quá phức tạp về hành vi tiêu dùng hay nhu cầu, không sâu sắc đến mức liên quan đến cá tính, phong cách ăn mặc, sở thích, sự thể hiện cái tôi cá nhân của khách hàng.

Rõ ràng, một hoa hậu cũng có thể mua bột giặt OMO, mẹ của chúng ta cũng có thể mua bột giặt OMO, phụ nữ ở khu vực xã, ngoại tỉnh cũng có thể mua OMO, và bản thân chúng ta cũng có thể mua OMO; một lon Coca Cola thì già trẻ lớn bé ai cũng có thể uống được; quán cafe thoáng mát với không gian mở cũng thu hút đa dạng nhóm khách hàng.

Nhưng nếu kinh doanh trong thị trường rất phức tạp, vì liên quan đến phong cách thể hiện cá nhân, gu, sở thích, lối sống như hàng thời trang áo quần, giày dép, mắt kính, đồng hồ, phụ kiện, dịch vụ phòng tập gym, spa làm đẹp thẩm mỹ thì sẽ không có chuyện một cô hoa hậu mặc bộ đồ giống mẹ của chúng ta.

Chắc chắn khả năng cao là một bạn học sinh cấp 3 sẽ đeo chiếc đồng hồ khác với đồng hồ mà sau này khi bạn ấy đi làm công việc văn phòng; hoặc đôi giày đi làm dạng freestyle của “dân sáng tạo” sẽ khác với đôi giày tây chuẩn mực của các trưởng phòng làm ở những công ty đòi hỏi tính trang trọng cao.

Để xác định đúng đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn phải hiểu thị trường đang có các nhóm khách hàng nào, chân dung toàn cảnh về họ, và quan trọng nhất là thương hiệu được sử dụng vì những lí do chính yếu gì.

Ngày nay lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu (Brand Loyalty) đã trở nên tương đối, chúng ta không dùng mãi một thương hiệu cố định.

Sự thay đổi đơn giản chỉ để thoả mãn đa dạng các nhu cầu khác nhau và bản chất cạnh tranh thương hiệu là mỗi Brand cố hiện diện và sở hữu một vài nhu cầu quan trọng trong tâm trí khách hàng.

Trong thị trường hàng thời trang, khi muốn mua đôi giày đi tiệc sang trọng là các chị em văn phòng nghĩ đến Charles & Keith, còn đi chơi dạo phố với giá bình dân hơn thì Vascara, còn nếu mới ra trường chưa có nhiều tiền thì mua Juno để đi chơi, còn muốn đi làm hàng ngày theo phong cách sportwear thì có Biti’s Hunter hay Adidas Neo (nếu sẵn lòng trả cao hơn).

Các nhóm dân văn phòng có thể ghé The Coffee House vì tiện lợi (yếu tố cửa hàng khắp nơi), vì thức uống cafe truyền thống hay trà đào cam sả (yếu tố Signature Drink) hay đơn giản hơn là không gian phù hợp khi nói chuyện với bạn bè (yếu tố ít trang trọng, thoải mái).

Cũng là nhóm này, họ có thể ghé Guta chủ yếu vì cafe take-away (yếu tố nhanh & tiện), nghỉ giải lao trong 15-20’ (yếu tố tạt qua ngồi nhanh thay vì ngồi lâu như The Coffee House), được phép mang đồ ăn như bánh mì, bún thịt nướng vào để dùng chung với thức uống (yếu tố thoải mái vì không gian không có máy lạnh nên không gây mùi ảnh hưởng đến mọi người xung quanh).

Điều quan trọng là các nhóm khách hàng khác nhau sẽ có những cảm nhận khác nhau về nhu cầu cũng như là khả năng chi trả để thỏa mãn bản thân.

Vì thế chúng ta cần hiểu rõ một cách sâu sắc các nhóm khách hàng trên cả 5 tiêu chí (Nhân Khẩu, Hành Vi, Tâm Lý Tính Cách, Địa Lý & Nhu Cầu cho từng brand), để xác định đâu là nhóm tiềm năng nhất cần nhắm vào và xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp. Từ đó, công cụ để hiểu các nhóm khách hàng đó là phân khúc thị trường (Market Segmentation).

Khi nói đến phân khúc thị trường, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến việc tốn tiền cho nghiên cứu thị trường, vì thế, họ nhanh chóng lắc đầu bỏ qua và bắt đầu xây dựng chiến lược một cách cảm tính, thiếu cơ sở về sự am hiểu sâu sắc các nhóm khách hàng đang tồn tại ngoài thị trường.

Hôm nay tôi xin giới thiệu cho các bạn phương pháp Design Thinking, phương pháp này sẽ giúp định hướng cách tư duy để chủ doanh nghiệp, brand team & agency có khả năng tự đi khảo sát thị trường, quan sát, cảm nhận các nhóm khách hàng & tự tay làm phân khúc thị trường một cách thủ công, ít tốn kém nhất.

Design Thinking giúp định hướng cách tư duy để doanh nghiệp, brand team & agency có thể tự tay làm phân khúc thị trường một cách thủ công, ít tốn kém nhất.

Design Thinking là phương pháp bóc tách cách làm, chia nhỏ vấn để thành từng bước, và giải quyết cực kỳ gãy gọn. Ưu điểm của Design Thinking là giúp khả năng tư duy mạnh về cách làm, từ đó ứng dụng cho các trường hợp của mọi doanh nghiệp hoặc cá nhân.

Ví dụ: để làm Consumer Segmentation, có các bước lớn căn bản như sau:

  • Bước 1: Đi các cửa hàng của thương hiệu chính, quan sát các nhóm khách hàng thực tế lui tới mua hàng và quan sát các yếu tố tạo ra giá trị mà thương hiệu đó mang lại (phân tích 6P & 7P).
  • Bước 2: Phác họa chân dung (5 tiêu chí phân khúc) của các nhóm khách hàng. Quan trọng nhất là giả định nhu cầu (Need), lí do tại sao họ tới và mua Brand đó (mapping phân tích 6P/ 7P với giả định về nhu cầu).
  • Bước 3: Nhóm tất cả các nhóm khách hàng quan sát được thành các tập khách hàng lớn thành mô hình Consumer Segmentation hay Market Segmentation, loại trừ các nhóm trùng lặp.

Dĩ nhiên đây là các bước lớn, để thực hiện chúng thì trong mỗi bước sẽ có những bước nhỏ hơn, cụ thể hơn và có các framework, toolkit hỗ trợ tư duy cho đến triển khai thực hiện.

Điều đó có nghĩa là, bạn hoàn toàn có thể thực hiện Consumer Segmentation một cách thủ công, ít tốn kém nhất để hiểu thị trường, và với cách làm như vậy thì mọi doanh nghiệp & brand team đều có thể làm được trong 1-2 tuần trong một khu vực địa lý như một thành phố, một huyện (thị trường đơn giản); và 3-4 tuần cho thị trường phức tạp như thời trang, giày dép, phòng tập gym.

Design Thinking cũng sẽ hữu ích để làm Product Segmentation & Category Segmentation bằng cách quan sát xu hướng dịch chuyển về nhu cầu của các nhóm khách hàng lớn trên thị trường.

Hiện nay phương pháp ưu việt này được các tập đoàn lớn như Apple, Uber, Google huấn luyện cho nhân viên để họ có khả năng tư duy để giải quyết vấn đề vì điểm ưu việt nhất của Design Thinking là tư duy cách làm (How) chứ không dừng lại ở mức hiểu kiến thức (What & Why).

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips