Skip to main content

Thẻ: đông nam á

Suy yếu kinh tế ở Trung Quốc không thể cản đà tăng trưởng ở Đông Nam Á

Trong gần 4 thập kỷ qua, các quốc gia Đông Nam Á đã được hưởng lợi đáng kể từ mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Giao dịch thương mại và quan hệ đầu tư với đất nước tỷ dân đã giúp ích cho tăng trưởng và nâng cao mức sống trong khu vực.

Bây giờ, trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc dần xấu đi, giới chuyên gia và công chúng lại lần nữa đặt câu hỏi về tương lai của khối kinh tế gồm 10 nước thành viên này.

Sự chững lại khó tránh của nền kinh tế Trung Quốc

Kể từ khi Bắc Kinh quyết định điều chỉnh mô hình kinh tế theo hướng phụ thuộc vào tiêu dùng thay vì đầu tư vào năm 2007, giới phân tích đã nhiều lần nghi ngại rằng liệu Trung Quốc có thể thành công mà không khiến tăng trưởng không chững lại đột ngột.

Nguyên nhân là do hoạt động đầu tư của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi nợ vay. Tổng nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện tương đương 300% GDP và lỗ hổng tài chính xuất hiện ngày càng nhiều.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa để khủng hoảng xảy ra và hệ thống tài chính của nước này đủ mạnh để ngăn ngừa khả năng này. Tuy nhiên, không có nhiều dấu hiệu chứng tỏ mô hình kinh tế đã cân bằng theo hướng chính phủ mong muốn.

Tỷ trọng của tiêu dùng trong GDP hầu như không thay đổi trong 15 năm qua. Đầu tư tiếp tục chiếm hơn 40% sản lượng kinh tế, bất chấp tình trạng dư thừa công suất trong các lĩnh vực công nghiệp có liên quan.

Song, mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc đã đạt đến giới hạn. Theo nhận định của Nikkei, đây chính là nguồn gốc của những vấn đề hiện tại trong nền kinh tế tỷ dân.

Cùng với những rạn nứt trong mối quan hệ với các đối tác xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và châu Âu, cũng như do sự thay đổi trong ưu tiên chính sách của Bắc Kinh từ tăng trưởng sang an ninh, triển vọng kinh tế của Trung Quốc đã bị che mờ.

Mặc dù các nhà phân tích có thể tranh luận về tiềm năng phục hồi trong ngăn hạn, không thể phủ nhận rằng về mặt cấu trúc, nền kinh tế tỷ dân đang chững lại.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa trong giai đoạn 2007 – 2009 và có khả năng sẽ tụt xuống còn 3,5% vào cuối thập kỷ này.

Các nền kinh tế Đông Nam Á có cần lo lắng?

Mối quan hệ thương mại của Đông Nam Á với Trung Quốc đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Kim ngạch thương mại hàng hoá song phương đã vượt 500 tỷ USD vào năm 2019.

Tuy nhiên, Nikkei nhận thấy mối quan hệ đang ngày càng mất cân bằng khi Đông Nam Á phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc và ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu yếu hơn.

Ngoại trừ Indonesia, tỷ trọng của Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các nền kinh tế lớn trong khối ASEAN hầu như không biến động mấy trong suốt thập kỷ qua.

Trong khi đó, Indonesia được hưởng lợi từ nhu cầu nguyên liệu thô lớn từ các ngành đang phát triển nhanh của Trung Quốc như xe điện và tấm pin mặt trời.

Xu hướng trên xảy ra là vì kể từ giữa những năm 2000, Trung Quốc ngày càng giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Hoạt động sản xuất trong nước phát triển một cách mạnh mẽ đã giúp Trung Quốc bớt lệ thuộc vào các đối tác.

Có khả năng khi Trung Quốc chuyển trọng tâm sang sản xuất công nghệ cao, nước này có thể bắt đầu nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng từ các nền kinh tế ASEAN. Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 9, Bắc Kinh cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu hàng hoá từ Đông Nam Á.

Chi tiêu cho dịch vụ của người Trung Quốc ngày càng tăng cũng mang lại cơ hội tốt cho các nước láng giềng ở phía nam.

Thái Lan, Malaysia, Singapore và các nước khác từng được hưởng lợi đáng kể từ lượng khách du lịch Trung Quốc trước đại dịch.

Ngoài việc nâng tỷ lệ đóng góp của du lịch vào tăng trưởng GDP của các quốc gia này, du khách Trung Quốc còn tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và thúc đẩy nhu cầu nội địa.

Xu hướng trên có thể sẽ quay trở lại và tăng tốc hơn nữa khi bất ổn địa chính trị khiến người Trung Quốc tránh xa các địa điểm được ưa chuộng trước đây như Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, yếu tố làm giảm bớt lo lắng cho các nền kinh tế Đông Nam Á là tiềm năng thu hút chuỗi cung ứng trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp cố gắng đưa dây chuyền ra khỏi Trung Quốc.

Điều này có thể bù đắp tác động tiêu cực từ sự chững lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bằng cách giúp Đông Nam Á xuất khẩu thêm nhiều hàng hoá ra phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng các nền kinh tế ASEAN quả thực sẽ phải đối mặt với một số thách thức. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Washington không chỉ lo ngại về hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc mà còn bất an rằng Bắc Kinh đang sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của phương Tây để đi trước trong một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Một số đồng minh của Mỹ, có cả Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng lo ngại như vậy. Họ đã thúc đẩy một sáng kiến nhằm xây dựng chuỗi cung ứng không bao gồm quốc gia tỷ dân.

Đây là một vấn đề với các nền kinh tế ASEAN. Các nước này phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về nguyên vật liệu trung gian, đồng thời là những nền kinh tế nhận nhiều vốn FDI của Trung Quốc.

Ngoài ra, ASEAN không phải là khu vực duy nhất đang nỗ lực phát triển chuỗi cung ứng. Trên thực tế, khu vực này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nền kinh tế như Mexico và Ấn Độ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Nikkei | Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

80% dân số tại 6 quốc gia Đông Nam Á mua sắm trực tuyến

80% trong số 440 triệu người dùng Internet tại Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã mua sắm trực tuyến năm 2021, theo Google, Temasek Holdings và Bain & Company.

80% dân số tại 6 quốc gia Đông Nam Á mua sắm trực tuyến
Source: Pexels

Khoảng 40 triệu người dùng Internet tại 6 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã tham gia mua sắm trực tuyến lần đầu trong năm nay. Điều này thúc đẩy tỷ lệ thâm nhập của Internet tại khu vực Đông Nam Á đạt con số đáng kể là 75%.

Nền kinh tế số Đông Nam Á tăng trưởng hai con số.

Báo cáo của Google, Temasek Holding và Bain & Company công bố hồi đầu tháng 11, cũng dự đoán rằng, nền kinh tế số của sáu quốc gia trên có thể đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) ở mức 174 tỷ USD vào cuối năm 2021, tăng 49% so với 2020. Tương lai của nền kinh tế số khu vực này trong 4 năm tới tiếp tục duy trì sự khả quan.

Theo đó, GMV nền kinh tế Internet Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số và cán mốc 363 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng, chiếm hơn phân nửa tổng giá trị GMV.

Theo ông Stephanie Davis, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Google, thương mại điện tử sẽ vẫn là phân khúc lớn nhất của nền kinh tế Internet cho đến năm 2025 và hơn thế nữa.

Tiềm năng thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Với quy mô 13 tỷ USD trong năm 2021, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, Google, Temasek và Bain & Co dự báo rằng, chỉ cần 4 năm nữa, tức vào năm 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị “á vương” tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.

Báo cáo này cũng xác nhận “vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh” vào Việt Nam, đặc biệt ở các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Trong tính toán của mình, Google và Temasek cho rằng, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2021-2025 là nhanh nhất khu vực, với 35%.

Có thể thấy, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng ngày càng tăng.

Covid-19 cũng góp phần thúc đẩy hình thức này diễn ra mạnh mẽ hơn. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.

Lazada tăng trưởng bền vững với những dự đoán về xu hướng mua sắm.

Không nằm ngoài vòng tăng tưởng này, báo cáo quý III năm 2021 của Lazada Việt Nam, cho thấy, người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thương mại điện tử để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày trong giai đoạn giãn cách xã hội của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4.

Cụ thể, lượng khách hàng truy cập hàng ngày, số lượng đơn hàng và số lượng khách mua hàng trên Lazada đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, số lượng nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử này cũng tăng hơn gấp 1,5 so với cùng kỳ. “Thói quen mua sắm trực tuyến được hình thành và phát huy trong giai đoạn giãn cách sẽ tiếp tục được duy trì trong trạng thái bình thường mới”, báo cáo này nhận định.

Là đơn vị trực thuộc, Lazada Việt Nam cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng của Lazada Đông Nam Á thời gian qua.

Đơn đặt hàng tại Lazada Đông Nam Á trong quý II đã tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu của Lazada Group là 34%, người tiêu dùng tích cực hàng năm là 285 triệu người.

Bên cạnh đó, nền tảng thương mại điện tử này cũng ghi nhận và đưa ra những dự đoán về xu hướng mua sắm mới của người dân Việt Nam sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư.

Theo đó, sau khoảng thời gian trở nên quen thuộc với mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng ngày càng trở nên thuần thục và hướng đến việc chi tiêu hiệu quả, thông minh thông qua việc lựa chọn mua hàng vào các dịp Lễ hội mua sắm lớn.

Các ngành hàng bách hóa, điện tử, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt và người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết truyền thống sớm hơn thường lệ.

Sự phát triển về số lượng người dùng thương mại điện tử cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ở Việt Nam nói riêng và các nước khu vực nói chung ngày càng gia tăng.

Nền tảng thương mại điện tử đã góp phần mở ra cơ hội mua sắm phong phú, đa dạng cho những người sống ở các thành phố nhỏ, phụ cận và cả khu vực nông thôn; kết nối người tiêu dùng trẻ và sống tại những vùng ven đô đến với nhiều thương hiệu quốc tế.

Đây chính là cơ hội, lợi thế để nhà bán hàng, doanh nghiệp bán lẻ tập trung vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn