Skip to main content

Thẻ: EBITDA

Vua Nệm: Từ thua lỗ triền miên tới cột mốc EBITDA cửa hàng cao nhất lịch sử doanh nghiệp

Cân đối tài chính luôn là bài toán nan giải mà mỗi công ty phải đối mặt khi vận hành hệ thống. Đặt trong bối cảnh doanh số liên tục sụt giảm trong nhiều năm, chi vượt quá thu và chậm trả nợ trái phiếu, Vua Nệm chính là trường hợp điển hình cho vấn đề trên. Đứng trước thực trạng đó, tân CEO và đội ngũ đã thực hiện một loạt biện pháp quản lý chi phí đồng bộ và quyết liệt, đưa Vua Nệm từ một doanh nghiệp gần như “không thể vực dậy” tới mức EBITDA (Lợi nhuận trước Lãi vay, Thuế và Khấu hao) tăng theo cấp số nhân.

Bức tranh tài chính xám xịt

Trong 6 năm hoạt động kể từ khi quỹ Mekong Capital rót vốn, doanh thu của Vua Nệm chỉ báo lãi duy nhất trong năm 2021 với vỏn vẹn 5,2 tỷ đồng. Mức lãi này chưa “thấm” vào đâu so với mức doanh thu âm 91 tỷ đồng trong năm 2023. Kể từ sau năm lãi, Vua Nệm thậm chí còn ghi nhận các mức tăng trưởng doanh thu âm sâu chưa từng thấy.

Chưa dừng ở đó, hai khoản trái phiếu dư nợ lên tới 180 tỷ đồng sắp đáo hạn tiếp tục đè nặng lên tình hình tài chính của công ty. Trong đó, lô trái phiếu VUNCH2224001 có giá trị 150 tỷ đồng, sắp đáo hạn 26/5/2024 với lãi suất 12,5%/năm đã đặt Vua Nệm đứng trước nguy cơ không đủ khả năng trả nợ.

Các chỉ số tài chính khác cũng cho thấy hiện trạng không mấy khả quan. Trong bản báo cáo tài chính Vua Nệm gửi Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) theo đó tăng mạnh từ 4,1 lần lên 11,36 lần; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) từ âm 0,52% năm trước đó xuống âm 2,9%.

Nợ phải trả tăng, lợi nhuận âm khiến công ty lâm vào cảnh “lao đao”, trong khi vẫn phải gồng gánh không ít chi phí vận hành. Các loại chi phí như chi phí nhân sự, chi phí cố định và không cố định, mức đầu tư trên mỗi cửa hàng… duy trì ở mức cao, khiến doanh thu làm ra không đủ để bù lại chi phí, dẫn tới mức lợi nhuận âm hàng năm.

Trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Vua Nệm thực hiện việc thay cả Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc cùng lúc. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền tiếp quản ghế nóng Tổng Giám đốc Vua Nệm từ ông Hoàng Tuấn Anh.

Nói thêm về các nhân vật đứng đầu chuỗi nệm này. Hai người cũ là ông Hoàng Tuấn Anh cùng ông Nguyễn Vũ Nghĩa thành lập Vua Nệm từ năm 2007. Đến năm 2018, Mekong Capital rót vốn khi Vua Nệm đang có 40 cửa hàng tại 23 tỉnh thành. Bà Huyền chỉ mới gia nhập Vua Nệm từ cuối năm 2016, từng giữ vị trí Giám đốc trải nghiệm khách hàng, Giám đốc bán lẻ miền Bắc, và Giám đốc Kinh doanh.

Tiết kiệm chi phí

Trong rất nhiều những giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp được tân CEO Vua Nệm thực thi, các quyết sách đưa ra để kiểm soát chi phí ở Vua Nệm đã nhanh chóng phát huy tác dụng.

Trong giai đoạn tái cấu trúc, Vua Nệm cũng đã quyết liệt tối ưu 35% nhân sự, đồng thời đóng 25 trên tổng số 35 cửa hàng hoạt động thiếu hiệu quả và tái cấu trúc những cửa hàng còn lại.

Bên cạnh việc đóng cửa 25/35 cửa hàng hoạt động thiếu hiệu quả, bà Huyền còn chú trọng vào tối ưu danh mục sản phẩm để cải thiện hàng tồn kho và giảm thiểu đơn vị lưu kho (SKU).

Đồng thời, Vua Nệm còn tăng cường trưng bày sản phẩm bán chạy để giảm chi phí trưng bày hàng hóa.

Về cách thức vận hành cửa hàng, công ty áp dụng bộ tiêu chí hoạt động tinh gọn để tối ưu hóa chi phí. Ưu tiên tập trung khuyến khích chi tiêu hợp lý để tích lũy dòng tiền khỏe mạnh và thanh toán khoản nợ trái phiếu.

Sau khi cải thiện được dòng tiền, Vua Nệm đã tiến hành nhiều đợt trả nợ lô trái phiếu sắp đáo hạn. Gần đây, Vua Nệm đã mua lại gần 60 tỷ đồng trái phiếu trước hạn vào cuối tháng 2 vừa qua, và là lần thứ ba liên tiếp công ty mua lại trái phiếu trước hạn chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024.

Công ty đã thực hiện quản lý chi tiêu đồng nhất, bài bản xuyên suốt năm hoạt động vừa qua. Với sự quyết liệt, dứt khoát, Vua Nệm đặt quyết tâm cao độ sẽ cải thiện được tài chính, đánh dấu khởi đầu cho sự phát triển trong tương lai.

Những thành quả đầu tiên nhờ tối ưu chi phí

Cuối năm 2023, tổng chi phí hoạt động công ty tối ưu khoảng 10%, trong đó chi phí quản lý giảm hơn 20% so với nửa đầu năm và giảm gần 30% so với cùng kỳ 2022 (chủ yếu đến từ việc tối ưu cơ cấu nhân sự).

Việc tái cấu trúc tài chính bằng cách thanh toán dư nợ trái phiếu trước hạn đã giúp giảm chi phí tài chính xấp xỉ một tỷ đồng mỗi tháng. Đến hết tháng 2/2024, lũy kế chi phí lãi vay tiết kiệm được hơn 4 tỷ đồng.

Việc tối ưu chi phí hoạt động cũng giúp EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) công ty bắt đầu dương kể từ quý III/2023 và lũy kế cả năm dương so với con số âm của cả năm 2022.

Công ty cũng cải thiện tỷ lệ % EBITDA ở cấp độ cửa hàng lên mức 15% vào năm 2023, vượt xa con số 10,6% của năm 2022 và đạt giá trị EBITDA tuyệt đối ở cấp độ cửa hàng cao nhất kể từ khi hoạt động, gấp đôi so với EBITDA cùng kỳ năm ngoái.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, công ty đều đã vượt mục tiêu liên quan đến chỉ số tài chính như doanh số, lãi hoạt động, dòng tiền. EBITDA cửa hàng tăng tương đương 75% so với cùng kỳ 2023 và tăng khoảng 13% so với kế hoạch đề ra.

Tỷ lệ EBITDA/doanh thu chuyển từ âm 6% năm 2023 sang dương 7% cùng kỳ năm 2024 nhờ việc tối ưu tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu được hơn 10% và tăng trưởng tỷ lệ lãi gộp xấp xỉ 10%.

Dòng tiền tiếp tục có dấu hiệu cải thiện tích cực khi mới đây, Vua Nệm đã chủ động thông báo trả nợ gốc và lãi còn lại cho lô trái phiếu VUNCH2224001, chốt danh sách vào 16/5 sắp tới.

Những thành tích nêu trên cho thấy Vua Nệm đã dần tự đưa mình ra khỏi khó khăn, vượt qua cơn bão và dần lấy lại vị thế chủ động trên thị trường. Thành công của Vua Nệm càng cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý chi phí hiệu quả đối với sức khỏe tài chính doanh nghiệp. Để bộ máy vận hành tốt và đi được đường dài, tối ưu chi phí sẽ là chiến lược sống còn giúp doanh nghiệp xoay chuyển tình thế.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Just Eat: Đơn đặt hàng giảm vì người tiêu dùng giảm nhu cầu giao hàng

Just Eat vừa công bố báo cáo số lượng đơn đặt hàng (Order), số liệu cho thấy đơn hàng giảm mạnh hơn so với dự đoán của các nhà phân tích khi khách hàng tiếp tục cắt giảm việc giao hàng (thực phẩm).

Just Eat: Đơn đặt hàng giảm vì người tiêu dùng giảm nhu cầu giao hàng
Just Eat: Đơn đặt hàng giảm vì người tiêu dùng giảm nhu cầu giao hàng

Cụ thể, lượng đơn đặt hàng đã giảm 7% xuống còn 223,1 triệu trong quý. Công ty có trụ sở tại Amsterdam này cho biết trong một tuyên bố rằng con số này thấp hơn so với dự báo trung bình là 226,1 triệu từ các nhà phân tích.

Just Eat cho biết thu nhập được điều chỉnh trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) trong cả năm dự kiến sẽ vào khoảng 320 triệu euro (347 triệu USD), cao hơn mức 310 triệu euro mà công ty đã dự báo.

Just Eat, cũng giống như các công ty giao hàng khác, đã và đang phải vật lộn để quay trở lại mức tăng trưởng vượt bậc mà nền tảng đã chứng kiến trong thời gian phong tỏa vì Covid-19 khi các nhà hàng đóng cửa và nhiều người dùng bị mắc kẹt ở nhà hơn.

Giám đốc điều hành Jitse Groen của Just Eat cho biết trong một cuộc gọi với các nhà báo rằng mức tăng trưởng tổng giao dịch ở Bắc Âu, Anh và Ireland chủ yếu là do lạm phát giá thực phẩm và có nhiều khách hàng hơn tham gia vào mạng lưới giao hàng.

Tổng giá trị đơn đặt hàng trên nền tảng Just Eat trong quý trước đã giảm 5% xuống còn 6,75 tỷ euro (hơn 7 tỷ USD). Theo các nhà phân tích được khảo sát bởi Bloomberg, con số này thấp hơn so với ước tính trung bình là 6,86 tỷ euro.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

EBITDA là gì? Tất cả những gì cần biết về chỉ số EBITDA

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu các kiến thức cơ bản về thuật ngữ EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) như: EBITDA là gì, Công thức tính chỉ số EBITDA, Thấu hiểu khái niệm EBITDA, Phân biệt chỉ số EBITDA với EBIT và EBT, và hơn thế nữa.

EBITDA là gì
EBITDA là gì? Công thức tính chỉ số EBITDA

EBITDA là gì?

EBITDA là từ viết tắt từ cụm từ tiếng Anh Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation, và Amortization, có nghĩa theo tiếng Việt là mức thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản cố định và khấu trừ dần (tài sản vô hình).

EBITDA là thước đo thay thế cho chỉ số lợi nhuận trên thu nhập ròng. Bằng cách đưa vào các chỉ số như khấu hao cũng như thuế và chi phí thanh toán nợ, EBITDA cố gắng thể hiện lợi nhuận bằng tiền do các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tạo ra.

Khi tìm hiểu về khái niệm EBITDA, bạn cần hiểu rằng EBITDA không phải là số liệu được công nhận theo nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP).

Như bạn có thể thấy, vì chỉ số EBITDA được tính toán không bao gồm các khoản phải trả như lãi vay hay thuế, chỉ số này cũng được cho là thiếu tính xác thực ở góc độ mức độ hiệu quả thực sự của doanh nghiệp, cũng vì điều này mà các tổ chức như Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cấm doanh nghiệp báo cáo EBITDA trên mức giá của mỗi cổ phiếu.

Những thông tin cơ bản cần biết khi tìm hiểu về chỉ số EBITDA.

  • EBITDA hay mức thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần là một trong các thước đo mức độ hiệu quả chính của doanh nghiệp.
  • EBITDA được tính bằng cách cộng cả chi phí lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần vào thu nhập ròng (net income).
  • Một số nhà phê bình, bao gồm cả “nhà đầu tư huyền thoại” Warren Buffett, gọi chỉ số EBITDA là vô nghĩa vì nó bỏ qua chi phí khấu hao và vốn.
  • Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) yêu cầu các công ty niêm yết phải đối chiếu mọi số liệu EBITDA mà họ báo cáo với thu nhập ròng và cấm doanh nghiệp báo cáo EBITDA trên mỗi cổ phiếu.

Công thức và cách tính chỉ số EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần).

Ngay cả khi doanh nghiệp không báo cáo trực tiếp chỉ số EBITDA, nó có thể được tính toán dễ dàng từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Các số liệu như thu nhập (thu nhập ròng), thuế và lãi vay được tìm thấy trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, trong khi các số liệu khác như khấu hao tài sản cố định và khấu trừ dần thường được thể hiện trong báo cáo chi tiết về lợi nhuận hoạt động hoặc trên báo cáo dòng tiền (cash flow).

Có 2 công thức tính EBITDA phổ biến, một là dựa trên thu nhập ròng (net income) và một là dựa trên thu nhập hoạt động (operating income), cả hai công thức này về cơ bản đều cho ra kết quả giống nhau.

Công thức tính chỉ số EBITDA theo thu nhập rồng:

EBITDA = Thu nhập ròng + Thuế + Chi phí lãi vay + Khấu hao + Khấu trừ dần

Công thức tính chỉ số EBITDA theo thu nhập hoạt động:

EBITDA = Thu nhập hoạt động + Khấu hao + Khấu trừ dần

Thấu hiểu khái niệm EBITDA (Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần).

Như đã đề cập ở trên, bằng cách cộng cả lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần vào thu nhập ròng. EBITDA có thể được sử dụng để theo dõi và so sánh lợi nhuận cơ bản của các doanh nghiệp.

Cũng giống như chỉ số thu nhập, EBITDA thường được sử dụng để định giá, đặc biệt là khi kết hợp với yếu tố giá trị doanh nghiệp (EV), một khái niệm mới được sinh ra gọi là bội số doanh nghiệp (EV/EBITDA).

EBITDA được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động phân tích ở các ngành sử dụng nhiều tài sản, nhà xưởng và trang thiết bị, khi mức chi phí khấu hao không dùng tiền mặt thường rất cao.

Vì luôn sẽ có những thay đổi đáng kể hàng năm về nợ thuế và tài sản, trong khi chi phí lãi vay lại phụ thuộc vào mức nợ và lãi suất, việc loại trừ tất cả các khoản mục này sẽ giúp doanh nghiệp (và cả nhà đầu tư) tập trung vào lợi nhuận tiền mặt do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tạo ra nhiều hơn. Đây cũng là điểm hạn chế khi tính toán chỉ số EBITDA.

Ví dụ về cách tính chỉ số EBITDA.

Giả sử một doanh nghiệp tạo ra khoản doanh thu 100 triệu USD và phải chịu 40 triệu USD giá vốn hàng bán và 20 triệu USD chi phí chung. Tổng chi phí khấu hao và khấu trừ là 10 triệu USD, mang lại lợi nhuận hoạt động (operating profit) là 30 triệu USD.

Chi phí lãi vay là 5 triệu USD và mức thu nhập trước thuế là 25 triệu USD. Với thuế suất 20%, thu nhập ròng bằng 20 triệu USD sau khi trừ 5 triệu USD vào thu nhập trước thuế.

Nếu các chỉ số như khấu hao, khấu trừ dần, lãi vay và thuế được cộng lại vào thu nhập ròng, EBITDA sẽ là 40 triệu USD.

Lịch sử hình thành khái niệm EBITDA.

EBITDA là khái niệm lần đầu được đưa ra bởi Chủ tịch Liberty Media John Malone.

Ông đưa ra thước đo này vào những năm 1970 với mục tiêu giúp những người cho vay và nhà đầu tư có được chiến lược tăng trưởng dựa trên đòn bẫy, trong đó áp dụng khoản nợ và lợi nhuận tái đầu tư để giảm thiểu thuế.

Trong những năm 1980, các nhà đầu tư và người cho vay liên quan đến hoạt động mua lại bằng đòn bẩy (LBO) nhận thấy EBITDA hữu ích trong việc ước tính rằng liệu các doanh nghiệp mục tiêu có khả năng sinh lời để trả các khoản nợ dự kiến ​​sẽ phát sinh trong việc mua lại hay không.

EBITDA cũng trở nên nổi tiếng trong thời kỳ bong bóng dotcom, khi một số doanh nghiệp sử dụng chỉ số này để phóng đại hiệu quả tài chính của họ (không dựa trên mức lợi nhuận ròng có thật),

Số liệu này nhận được nhiều ý kiến trái chiều hơn vào năm 2018 sau khi kỳ lân khởi nghiệp WeWork Companies Inc., nộp hồ sơ cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), EBITDA khi này được xác định là “được điều chỉnh bởi cộng đồng và không bao gồm các hoạt động như bán hàng, marketing và cả chi phí.”

Phân biệt chỉ số EBITDA với EBIT và EBT.

Trong khi EBITDA đại diện cho mức Thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần, EBIT (Thu nhập trước thuế) là thu nhập ròng của doanh nghiệp cộng với thuế thu nhập và chi phí lãi vay. EBIT được sử dụng để phân tích lợi nhuận của các hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp.

Chỉ số EBIT theo đó được tính toán theo công thức sau:

EBIT = Thu nhập ròng + Chi phí lãi vay+ Chi phí thuế

Thu nhập trước thuế (EBT) phản ánh mức lợi nhuận hoạt động đã được ghi nhận trước khi tính thuế, trong khi EBIT không bao gồm cả thuế và các khoản thanh toán lãi vay khác. EBT được tính bằng cách chỉ cộng chi phí thuế vào thu nhập ròng của doanh nghiệp.

Bằng cách loại trừ nghĩa vụ thuế, nhà đầu tư có thể sử dụng chỉ số EBT để đánh giá hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi loại bỏ một biến số thường không nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Phân biệt EBITDA với dòng tiền hoạt động.

Dòng tiền hoạt động là thước đo phù hợp hơn về số tiền mà một doanh nghiệp tạo ra vì nó cộng các chi phí không dùng tiền mặt (khấu hao và khấu trừ) vào thu nhập ròng đồng thời bao gồm những thay đổi về vốn lưu động, bao gồm các khoản phải thu, phải trả và hàng tồn kho vốn sử dụng hoặc cung cấp tiền mặt.

Làm thế nào để bạn tính toán chỉ số thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu hao (EBITDA)?

Bạn có thể tính toán chỉ số thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ (EBITDA) bằng cách sử dụng thông tin từ báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Công thức tính chỉ số EBITDA như sau:

EBITDA = Thu nhập ròng + Tiền lãi + Thuế + Khấu hao & khấu trừ

EBITDA tốt là gì?

EBITDA là thước đo lợi nhuận của công ty, vì vậy nhìn chung chỉ số này càng cao thì càng tốt. Theo quan điểm của nhà đầu tư, EBITDA “tốt” là chỉ số cung cấp góc nhìn bổ sung về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà không khiến mọi người quên rằng số liệu này không bao gồm chi phí tiền mặt cho lãi vay và thuế cũng như chi phí cuối cùng để thay thế các tài sản hữu hình của doanh nghiệp.

Khấu trừ dần (Amortization) trong EBITDA là gì?

Vì nó liên quan đến EBITDA, khấu trừ dần (Amortization) là việc chiết khấu dần dần giá trị sổ sách của tài sản vô hình của doanh nghiệp. Chỉ số khấu trừ dần được báo cáo trên báo cáo thu nhập của doanh nghiệp. Tài sản vô hình bao gồm tài sản trí tuệ, chẳng hạn như bằng sáng chế hoặc nhãn hiệu.

Khấu hao tài sản cố định (Depreciation) trong EBITDA là gì?

Cũng là chỉ số mang ý nghĩa khấu hao, khấu hao tài sản cố định là việc định giá, tính toán, phân bổ một cách có hệ thống giá trị của tài sản do sự hao mòn tài sản sau một khoảng thời gian sử dụng. Khấu hao tài sản cố định được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh trong suốt thời gian sử dụng tài sản cố định.

Kết luận.

Trên đây là tất cả các kiến thức nền tảng bạn cần biết khi tìm hiểu về chỉ số EBITDA như EBITDA là gì, cách tính chỉ số EBITDA hay ý nghĩa của nó đối với các nhà đầu tư.

EBITDA có thể là một công cụ hữu ích để so sánh các doanh nghiệp trước các khoản như lãi vay hay thuế. Nó cũng bỏ qua các chi phí khấu hao không dùng tiền mặt có thể không thể hiện chính xác các yêu cầu chi tiêu vốn trong tương lai.

Như đã phân tích, vì chỉ số EBITDA cũng đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn, cách bảo vệ tốt nhất cho các nhà đầu tư là đối chiếu báo cáo EBITDA với báo cáo thu nhập rồng để xác định chính xác tình kinh doanh thực của doanh nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips