Skip to main content

Thẻ: EV

CEO Honda Motor: Honda sẽ chiến đấu để tồn tại bất chấp khó khăn tại thị trường Trung Quốc

Giám đốc điều hành Honda Motor trong một bài phát biểu mới đây khẳng định chắc nịch công ty sẽ “chiến đấu để tồn tại”, bất chấp khó khăn trong chiến lược xe điện tại thị trường Trung Quốc. Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cũng cam kết đưa xe điện trở thành phân khúc tạo ra 100% doanh số bán ô tô mới vào năm 2040 dù cho vẫn đang chậm chân trong việc ra mắt các mẫu xe cạnh tranh.

Theo Nikkei, Honda đã và đang phát triển các dòng xe điện phù hợp với từng khu vực, chẳng hạn như dòng e:N ở Trung Quốc, Prologue và ZDX ở Bắc Mỹ. Toshihiro Mibe, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Honda giải thích lý do đằng sau chiến lược này.

“Đầu những năm 2020, chúng tôi vẫn nghĩ rằng đây vẫn là buổi bình minh của xe điện thôi. Tuy nhiên hiện tại, với tốc độ mở rộng thị trường, công ty cần có một “chiến lược toàn cầu”, ông Toshihiro Mibe nói.

Chiến lược chuyển sang sản xuất các mẫu xe điện toàn cầu diễn ra trong bối cảnh Honda đang gặp khó khăn tại các thị trường như Trung Quốc – nơi cuộc chiến về giá đang làm giảm doanh thu toàn ngành. Trong 6 tháng tính đến tháng 9/2023, tổng doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm 12% so với cùng kỳ một năm trước đó.

“Đúng là liên doanh của chúng tôi ở Trung Quốc đang gặp khó khăn. Với việc Bắc Kinh hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện bằng nhiều chính sách khác nhau, xe hybrid và động cơ thông thường của Honda đã mất thị phần”, ông Mibe nói và cho biết Honda cũng “khá tụt hậu về hệ thống thông minh so với các nhà sản xuất Trung Quốc như BYD”.

Honda kỳ vọng lợi nhuận hoạt động tăng 53% lên 1,2 nghìn tỷ yên (8,2 tỷ USD) nhờ hiệu quả hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ và đồng yên giá rẻ, song theo ông Seiji Sugiura thuộc Viện nghiên cứu Tokai Tokyo, “đây có thể là công cuộc vô cùng khó”. Ông nhận thấy môi trường kinh doanh tại Mỹ có khả năng trở nên tồi tệ hơn khi nhu cầu sau đại dịch suy yếu, trong bối cảnh lạm phát ngày càng gia tăng.

Honda sản xuất cả xe máy và máy bay thương mại song ô tô vẫn chiếm hơn 60% tổng doanh thu công ty. Một nhà phân tích cho biết cam kết chỉ bán ô tô điện vào năm 2040 của Honda là “khó tin” do nhà sản xuất này thiếu các mẫu xe điện bán chạy.

0 Series là một nỗ lực nhằm tạo ra một dòng sản phẩm hàng đầu. Honda cho biết các mẫu xe này tạo sự khác biệt ở chỗ tương đối nhẹ và nhanh. Hãng đã giảm trọng lượng ô tô bằng cách làm nhẹ pin, từ đó khiến không gian bên trong cabin trở nên thoải mái.

“Thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn”, Shinji Aoyama, phó chủ tịch điều hành của Honda, nói. “Chúng tôi hoạt động không tốt thì điều đó cũng không thay đổi được sự thật rằng đây là một thị trường quan trọng”.

Honda hiện đang liên minh với các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp để bắt kịp cuộc chơi xe điện. Hãng từng phát triển Prologue và ZDX với General Motors và hợp tác với LG Energy Solution của Hàn Quốc, CATL của Trung Quốc để mua pin – một trong những thành phần cốt lõi của xe điện.

Theo Masashi Go, đối tác tại công ty tư vấn Roland Berger của Đức, các nhà sản xuất ô tô hạng trung theo đuổi liên minh xe điện nhằm mục đích tiết kiệm chi phí – một thách thức khó khăn trong quá trình chế tạo những chiếc xe đắt tiền.

“Một giải pháp khả thi là các công ty này từ bỏ việc tự phát triển xe điện và sử dụng nền tảng được phát triển chung”, Masashi Go nói dù thừa nhận quyết định này có thể dẫn đến sự thiếu khả năng cạnh tranh về sau.

Honda hiện đang mong muốn tiếp tục phát triển công nghệ pin thể rắn. Công ty có kế hoạch thiết lập một dây chuyền sản xuất thử nghiệm tại quận Tochigi của Nhật Bản trong năm nay. Pin thể rắn hứa hẹn mật độ năng lượng dày và an toàn hơn so với pin lithium-ion hiện tại. Nếu thành công, chúng có thể giúp Honda tung ra nhiều mẫu xe điện cạnh tranh hơn ra thị trường.

Theo ông Mibe, điện khí hóa đã “thay đổi đáng kể hệ thống phân cấp của nhà sản xuất ô tô”. Khi được hỏi liệu 0 Series có đảm bảo chiến thắng cho Honda hay không, ông nói: “Chúng tôi sẽ chiến đấu hết sức để tồn tại. Chúng tôi không thể ngủ quên trên ánh hào quang của mình”.

Được biết mới đây, Honda Motor đã từ bỏ kế hoạch cùng General Motors phát triển dòng xe điện giá rẻ. Nguyên nhân được cho là do bối cảnh kinh doanh thay đổi.

“Sau khi nghiên cứu kỹ vấn đề, chúng tôi thấy đây là một lĩnh vực kinh doanh khó khăn và quyết định dừng việc phát triển dòng xe điện giá rẻ. GM và Honda sẽ tìm kiếm giải pháp riêng biệt. Bản thân dự án sẽ chấm dứt”, ông Mibe cho biết, sau đó viện dẫn những thách thức về chi phí.

Trước đó, hồi năm 2020, General Motors và Honda Motor đồng ý cùng nhau phát triển những chiếc xe điện hoàn toàn mới, dự kiến ra mắt vào năm 2024. Các mẫu xe này được trang bị công nghệ pin “Ultium” độc quyền của GM, trong khi thiết kế do phía Honda phụ trách.

“Sự hợp tác này kết hợp sức mạnh của cả 2 công ty. Hiệu quả sản xuất và quy mô sẽ đem lại những giá trị to lớn cho khách hàng. Mối quan hệ đối tác cũng sẽ giúp thúc đẩy lộ trình điện khí hóa cũng như nỗ lực của ngành trong việc giảm hiệu ứng nhà kính”, ông Doug Parks, phó Chủ tịch chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu GM nói.

Thông qua hợp tác, GM và Honda đặt cược vào việc phát triển những mẫu xe điện giá cả cạnh tranh so với các đối thủ dẫn đầu thị trường là Tesla và BYD.

GM trước đây đã cho biết, những phương tiện của hãng khi sử dụng pin Ultium với 10 phút sạc đã có thể di chuyển quãng đường hơn 160,93 km. Xe cũng có thể tăng tốc từ 0 – 96 km/h trong vòng chưa đến 3 giây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo An ninh Tiền tệ

VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng ở mức 12.535 tỷ đồng trong quý II/2023

Ngày 21/9, VinFast Auto Ltd. (Nasdaq: VFS) – công ty thành viên của Vingroup, công bố kết quả báo cáo tài chính tự lập của quý II/2023 kết thúc vào ngày 30/6/2023. Theo đó, VinFast ghi nhận tổng doanh thu quý II/2023 lên tới 334,1 triệu USD, tăng 303,3% so với quý I/2023.

VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng ở mức 12.535 tỷ đồng trong quý II/2023
VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng ở mức 12.535 tỷ đồng trong quý II/2023

Theo công bố, số lượng xe ô tô điện được VinFast bàn giao trong quý II/2023 là 9.535 xe, tăng khoảng 436% so với quý I/2023. Còn số lượng xe máy điện đã bàn giao đạt 10.182 xe, tăng 4% so với quý I/2023.

Tính đến ngày 30/6/2023, VinFast có 122 showroom cho ô tô điện trên toàn cầu và 245 showroom và xưởng dịch vụ cho xe máy điện.

Báo cáo tài chính của VinFast cho biết, trong quý II/2023 vừa qua, doanh thu bán xe của VinFast đạt 7.488 tỷ đồng (314,6 triệu USD), tăng 147,0% so với quý II/2022 và tăng 387,3% so với quý I/2023.

Tổng doanh thu quý II/2023 đạt 7.953 tỷ đồng (334,1 triệu USD), tăng 131,2% so với quý II/2022 và tăng 303,3% so với quý I/2023. Tổng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu bán ô tô điện.

Mặc dù doanh thu quý II/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ và quý đầu tiên của năm 2023 nhưng VinFast vẫn ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh là 2.715 tỷ đồng (114,1 triệu USD), tăng 7,5% so với quý II/2022 và giảm 28,7% so với quý I/2023.

Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên mức -34,1% trong quý II/2023, so với mức -73,4% trong quý II/2022 và -193,2% trong quý I/2023.

Lỗ từ hoạt động kinh doanh ở mức 9.230 tỷ đồng (387,8 triệu USD), giảm 20,0% so với quý II/2022 và giảm 17,2% so với quý I/2023. Mức lỗ giảm chủ yếu nhờ doanh thu tăng mạnh và biên lợi nhuận cải thiện so với các quý trước.

Trong quý II/2023, VinFast ghi nhận lỗ ròng ở mức 12.535 tỷ đồng (526,7 triệu USD), giảm 8,2% so với quý II/2022 và giảm 11,2% so với quý I/2023.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VinFast ở mức 116.828 tỷ đồng (4.909 triệu USD).

Ông David Mansfield, Giám đốc Tài chính của VinFast, cho biết: “Chúng tôi rất vui khi thông báo về kết quả kinh doanh quý 2 được đánh dấu bằng mức tăng trưởng cao và lợi nhuận được cải thiện.

Số lượng xe điện bàn giao của VinFast đã tăng 436% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời sự tăng trưởng về doanh số cũng như hiệu quả hoạt động đã giúp tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện khi chúng tôi tiếp tục thực hiện các sáng kiến kiểm soát chi phí”.

Còn theo bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám Đốc toàn cầu của VinFast, kể từ khi thành lập vào năm 2017, VinFast đã có một hành trình đáng chú ý, từ một hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam đến việc trở thành công ty niêm yết trên sàn Nasdaq.

“Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ nắm bắt được cơ hội to lớn trên toàn cầu trong lĩnh vực di chuyển xanh và tin rằng chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm hoàn thành sứ mệnh tạo ra một tương lai bền vững cho mọi người”, bà Lê Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, VinFast đã đạt được nhiều dấu mốc ấn tượng. Vào ngày 28/7, dưới sự chứng kiến của Thống đốc bang Bắc Carolina – Roy Cooper, VinFast đã chính thức động thổ nhà máy sản xuất tại Bắc Carolina với công suất lên đến 150.000 xe/năm.

Tiếp đó, VinFast cũng công bố EPA chứng nhận quãng đường di chuyển của mẫu xe điện VF 9 là 330 dặm (phiên bản Eco) và 291 dặm (phiên bản Plus). Đây là thông số vượt công bố ban đầu của VinFast.

Về hoạt động kinh doanh, VinFast công bố chiến lược mở rộng sang các thị trường Indonesia, Malaysia, Ấn Độ và các quốc gia Trung Đông. Hiện VinFast đang hoạt động chính tại ba thị trường: Việt Nam, Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) và châu Âu (Pháp, Hà Lan, Đức).

Việc mở rộng hoạt động sang các nước châu Á khác sẽ là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh toàn cầu của hãng.

VinFast hiện là nhà sản xuất xe điện có dải sản phẩm với 7 mẫu ô tô điện từ minicar cho đến SUV cỡ lớn, 9 mẫu xe máy điện từ phổ thông đến cao cấp, xe buýt điện, xe đạp điện, trạm sạc và các giải pháp năng lượng tiên tiến từ hệ sinh thái Vingroup.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Forbes: VinFast sẽ gặp khó khăn tại Mỹ vì độ nhận diện yếu về tên tuổi và thương hiệu

Theo dự báo của Allied Market Research, vào hai năm trước, thị trường xe điện toàn cầu có giá trị khoảng 162 tỷ USD và dự kiến đạt 803 tỷ USD vào năm 2027. VinFast sẽ gặp khó khăn tại Mỹ vì độ nhận diện yếu về tên tuổi và thương hiệu

Forbes: VinFast sẽ gặp khó khăn tại Mỹ vì độ nhận diện yếu về tên tuổi và thương hiệu
Forbes: VinFast sẽ gặp khó khăn tại Mỹ vì độ nhận diện yếu về tên tuổi và thương hiệu. Source: Guide Auto

VinFast, đơn vị sản xuất ô tô của một trong những tập đoàn lớn nhất Việt Nam, đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ nhằm mục tiêu gia tăng doanh số bán xe điện (EV), tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng xe điện của VinFast sẽ gặp khó khăn khi bán ra bên ngoài thị trường nội địa (Việt Nam) do sự nhận diện kém về tên tuổi và thương hiệu.

Hội đồng quản trị của công ty mẹ Vingroup đã chuẩn bị cho đợt IPO vào cuối năm tới bằng cách chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Hải Phòng, VinFast Vietnam sang VinFast Singapore, một công ty nước ngoài có quyền truy cập hợp pháp vào các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ, một người phát ngôn của Vingroup cho biết.

Theo Reuters, VinFast đang đặt mục tiêu huy động ít nhất 3 tỷ USD và đạt được mức định giá (valuation) khoảng 60 tỷ USD.

Theo một phát biểu từ Vingroup:

“Đợt IPO sẽ đánh dấu ‘một bước quan trọng trong chiến lược trở thành một thương hiệu toàn cầu của công ty’. Nếu việc niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có cổ phiếu được giao dịch trên sàn chứng khoán lớn nhất thế giới.

Điều này sẽ góp phần củng cố lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu đồng thời mở đường cho công ty tiếp tục tiếp thị, mở rộng, và đưa sản phẩm của mình đến với thị trường rộng lớn này.”

Ông Ryan Citron, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của công ty nghiên cứu thị trường Guidehouse Insights cho biết:

“Các đợt IPO của các công ty xe điện thường là thành công. Hiệu suất và chi phí được cải thiện của xe điện đã thúc đẩy yếu tố công nghệ từ sự thích ứng với các dòng xe hiện có của các nhà sản xuất ô tô và công ty liên doanh khởi nghiệp thành các tiêu chuẩn của tương lai — các nhà đầu tư đã chấp nhận xu hướng này và đang đặt cược vào quỹ đạo của thị trường ô tô theo hướng điện khí hóa.”

VinFast cho biết họ đã để mắt đến thị trường Mỹ khi khai trương trụ sở chính ở Mỹ tại Los Angeles vào tháng 11 vừa qua, đồng thời ra mắt hai mẫu ô tô điện là VF e35 và VF e36 tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 (Los Angeles Auto Show) vào tháng trước. VinFast hiện cũng có các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức và Hà Lan.

Các nhà phân tích tin rằng, những nhà sản xuất ô tô trong nước vốn được biết đến với tư cách là đơn vị sản xuất xe không chạy bằng điện (xe ô tô chạy bằng xăng, dầu bình thường) sẽ rất khó có thể thâm nhập thị trường nước ngoài, bao gồm cả Mỹ.

Ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Infocus Mekong Research tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thiếu độ nhận diện về tên tuổi (mặc dù VinFast chi rất mạnh cho Paid Media) và VinFast chỉ đang làm những hoạt động Marketing “mờ nhạt” tại Mỹ.

Ông Chris Robinson, nhà phân tích cấp cao của công ty phân tích thị trường Lux Research, cho biết, thị trường ô tô của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện, thua xa các cường quốc sản xuất như Trung Quốc. Nhiều mẫu xe điện hàng đầu của Trung Quốc sẽ được tung ra thị trường Mỹ trong năm nay.

Theo dự báo của Allied Market Research, vào hai năm trước, thị trường xe điện toàn cầu có giá trị khoảng 162 tỷ USD và dự kiến đạt 803 tỷ USD vào năm 2027.

VinFast đã tuyển dụng các giám đốc điều hành từ Tesla, BMW, Porsche, Toyota và Nissan nhằm mục tiêu hướng tới một công ty ô tô điện thông minh toàn cầu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo Forbes