Skip to main content

Thẻ: kinh tế

Những nghịch lý đáng báo động của nền kinh tế Việt Nam

Doanh nghiệp tư nhân Việt giỏi chống chịu nhưng lại chậm lớn, khó vay vốn dù nền kinh tế ‘thừa tiền’, là những nghịch lý cho thấy các nguồn lực không thể chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế.

Những nghịch lý đáng báo động của nền kinh tế Việt Nam
Những nghịch lý đáng báo động của nền kinh tế Việt Nam

2 nghịch lý phát triển của Việt Nam

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mới đây nhận định, thực tế phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy những nghịch lý.

Trước hết, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai, nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.

Một trong những bằng chứng rõ ràng cho thấy khả năng “sống còn” của doanh nghiệp Việt là có thể chịu đựng mức lãi suất cao kéo dài hàng chục năm, đồng nghĩa với việc chi phí vốn rất cao.

Cùng với đó, lực lượng này còn phải chịu nhiều chi phí bôi trơn, thời gian dự án kéo dài hơn rất nhiều so với dự án của nước ngoài.

Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, trình độ còn thấp và thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”.

Thế nhưng, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.

“Tuy nhiên, năng lực này lại được tận dụng quá, dẫn đến doanh nghiệp không đủ sức mạnh để lớn lên. Năng lực tốt, nhưng vì sao cứ mãi li ti, mãi không lớn”, ông Thiên trăn trở tại Diễn đàn Kinh tế – xã hội Việt Nam 2023 mới đây.

Bên cạnh nghịch lý phát triển doanh nghiệp, một nghịch cảnh khác là nền kinh tế ‘thừa tiền’ nhưng doanh nghiệp vẫn ‘khát vốn’.

Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực bơm vốn cho nền kinh tế của Chính phủ – được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn chậm, khi mới đạt gần 40% kế hoạch.

Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5%, trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.

“Nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp ‘đói vốn’ nhưng lâm vào tình thế ‘không thể, không dám và không cần’ vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, ông Thiên nhấn mạnh.

Hai nghịch lý trên là bằng chứng cho thấy tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Khơi thông nguồn lực kinh tế bằng cách nào?

Ông Thiên khẳng định, bảo đảm để các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Theo đó, cần xác lập các điều kiện cần thiết, bao gồm hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường (market), đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh).

Cùng với đó, cần bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, bao gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế, thông minh vận hành.

Theo ông Thiên, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển.

Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên cần nhắm vào là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.

Ba bài học kinh nghiệm về phát huy nội lực

Theo ông Thiên, thực tiễn đổi mới – phát triển kinh tế thị trường của chính Việt Nam cung cấp nhiều bài học đặc sắc về phát huy nội lực nhờ biết cách khơi thông các mạch nguồn và tạo kết nối.

Thứ nhất là bài học về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Quá trình đổi mới thực sự diễn ra nhờ áp dụng một công thức phát triển đơn giản hiếm thấy, là từ bỏ việc cấm đoán kinh tế tư nhân và các thị trường, chính thức thừa nhận và cho phép vận hành nền kinh tế nhiều thành phần, và các thị trường đầu vào được hoạt động công khai.

Nền kinh tế bao cấp phi thị trường đang khủng hoảng nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ, ngay lập tức hồi sinh và trỗi dậy một cách thần kỳ.

Cần bảo đảm “tam thông” trong quá trình vận hành hệ thống, bao gồm thông suốt hạ tầng, thông thoáng cơ chế, thông minh vận hành”

PGS. TS. TRẦN ĐÌNH THIÊN

Bài học thành công ở đây là khai thông các thể chế thị trường, khai thông càng triệt để, thành tích phát triển càng lớn. Mấu chốt chính là thể chế, cách kênh khơi thông nguồn lực (các thị trường) và cơ chế phân bổ phù hợp (cạnh tranh thị trường).

Bài học thứ hai là về bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo.

Ông Thiên đánh giá, việc duy trì giá điện thấp theo kiểu bao cấp là nguyên nhân chính gây căng thẳng cung – cầu, thậm chí xung đột trong đời sống. Khuyến khích tiêu dùng điện giá rẻ đồng nghĩa với khuyến khích nền sản xuất công nghệ thấp, trong khi không khuyến khích đầu tư phát triển nguồn điện.

Sự căng thẳng này chỉ được giải quyết khi tiềm năng điện gió – điện mặt trời được phát huy, nhờ Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế giá điện năng lượng tái tạo có tính khuyến khích cao.

Nền kinh tế, về nguyên tắc, thoát khỏi tình trạng khan hiếm điện. Logic giá điện thị trường được áp dụng, trong bối cảnh thế giới chuyển sang thời đại năng lượng mới chứa đựng xu thế đưa Việt Nam thành một quốc gia có vị thế năng lượng toàn cầu.

Bài học thứ ba là thiên lệch trong phát triển các thị trường tài chính – tiền tệ.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế.

Thị trường tín dụng đang phải đóng vai là kênh cung cấp vốn chính, cả vốn ngắn hạn lẫn dài hạn, cho nền kinh tế. Trong khi đó, những thị trường và kênh có chức năng chính là cung cấp vốn dài hạn, như thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, kênh đầu tư công, chưa được quan tâm phát triển đúng tầm và đúng cách, dẫn tới chỗ phát triển chưa đến tầm và thiếu đồng bộ.

Đây là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo The Leader

Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt

Trái ngược với Nhật Bản, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm. Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 5 tăng 3,3% và là tháng thứ tư liên tiếp tăng nhưng đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu cho thấy lạm phát của nước này đã qua đỉnh.

Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt
Kinh tế Hàn Quốc tiếp tục suy giảm mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt

Bộ  Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc vừa cho biết, nền kinh tế thứ tư châu Á này gần đây đã giảm bớt áp lực lạm phát, mặc dù tiếp tục suy giảm. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết: “Gần đây, nền kinh tế Hàn Quốc chứng kiến các đợt tăng giá tiếp tục bị mất đà. Suy thoái kinh tế kéo dài do xuất khẩu và lĩnh vực sản xuất sụt giảm”.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong tháng 5/2023 tăng 3,3% và là tháng thứ tư liên tiếp tăng nhưng đã chậm lại so với cùng kỳ năm trước, tín hiệu cho thấy lạm phát  của nước này đã qua đỉnh.

Xuất khẩu của nước này đã giảm tháng thứ tám liên tiếp trong tháng 5/2023, và giảm 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do xuất khẩu chất bán dẫn, mặt hàng xuất khẩu chính của đất nước, giảm 36,2% do nhu cầu giảm.

“Tuy nhiên, sau sự phục hồi tiêu dùng trong nước dần dần, lòng tin kinh tế được cải thiện và thị trường việc làm mạnh mẽ cho thấy những rủi ro đã giảm bớt ở một mức độ nào đó”, Bộ trên cho biết.

Số lượng việc làm mới của Hàn Quốc đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 5/2023 sau khi phục hồi trong thời gian ngắn vào tháng 3/2023 trong bối cảnh những bất ổn kinh tế kéo dài, nhưng tỷ lệ việc làm vẫn đạt mức cao mới.

Về các yếu tố bên ngoài, nền kinh tế Hàn Quốc đang phải chật vật đối phó với những bất ổn do các yếu tố bên ngoài gây ra, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ toàn cầu và cuộc khủng hoảng Ukraine (U-crai-na) kéo dài.

Tuy nhiên, Bộ trên cho biết, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại và sự lạc quan về ngành công nghệ thông tin toàn cầu ngày càng đi lên dự kiến sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Tuần trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2023 của Hàn Quốc xuống 1,5% do xuất khẩu yếu và đầu tư tư nhân trì trệ.

Vào tháng 5/2023, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng của nước này xuống 1,4% so với mức 1,6% được dự đoán ba tháng trước đó.

BoK đã giữ lãi suất cơ bản ổn định ở mức 3,5% lần thứ ba liên tiếp vào tháng 5/2022. Việc đóng băng lãi suất được đưa ra sau khi BoK thực hiện 7 lần tăng chi phí đi vay liên tiếp kể từ tháng 4/2022.

BoK cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm nay của nền kinh tế xuống 1,4% so với mức 1,6% trước đó do xuất khẩu dự kiến vẫn yếu. Trong báo cáo, BoK đã đưa ra những rủi ro tiềm ẩn – bất ổn lạm phát, nợ hộ gia đình tăng và tỷ giá tiền tệ biến động – cho chính sách tiền tệ trong tương lai của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Xu hướng số hóa đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng

Theo nhận định của trang eastspring.com, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đang tăng trưởng ở mức hai chữ số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Xu hướng số hóa đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng
Source: Unsplash

Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

 Dù sẽ có những thách thức cần vượt qua, song hành trình phát triển này cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho đầu tư trên các lĩnh vực.

Đây là nhận định của trang eastspring.com trong bài đăng ngày 10/2/2022. Bài viết khẳng định Việt Nam được biết đến với dân số “vàng,” trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ cao nhất so với các nước có mức thu nhập tương tự trong khu vực.

Với việc thế hệ X và thế hệ Y đang hình thành hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi Gen Z nhanh chóng nổi lên như một làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030.

Ước tính tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700 USD/tháng tại Việt Nam sẽ chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030.

Sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp thu nhập trung bình tại Việt Nam sẽ tạo cơ sở cho tiêu dùng nội địa đối với dịch vụ và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Hơn nữa, tầng lớp trung lưu trẻ luôn sẵn sàng đón nhận các xu hướng mới như số hóa và tính bền vững. Điều này có thể sẽ mang lại cơ hội đầu tư mới vào các dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, hàng tiêu dùng và các sản phẩm “xanh.”

Theo bài viết, số hóa đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số và tổng giá trị thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ về thương mại điện tử, tài chính số và giáo dục.

Thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất. Với mức độ thâm nhập Internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến sẽ tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có giá trị thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Trong khi đó, là lĩnh vực quan trọng của đất nước, dịch vụ tài chính đang tận dụng xu hướng số hóa.

Theo kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành dịch vụ tài chính đã được chỉ định đóng vai trò tiên phong trong việc thiết lập một hệ thống số hóa hoàn toàn, lấy con người làm trung tâm.

Do đó, các ngân hàng Việt Nam đang theo đuổi các chiến lược phát triển kỹ thuật số. Cũng giống như thương mại điện tử, sự dễ dàng và thuận tiện của ngân hàng số sẽ thay đổi cách mọi người thực hiện các giao dịch tài chính.

Số lượng người dùng ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 73% trong 9 tháng đầu năm 2020, mức cao nhất trong toàn khu vực.

Tuy nhiên, mức độ thâm nhập của ngân hàng số vẫn ở mức vừa phải và dịch vụ tài chính số của Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển trong những năm tới.

Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% tiêu dùng của Việt Nam sẽ do thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức là sinh ra vào những năm 1980 đến 2012, thúc đẩy.

Nhóm này có xu hướng sử dụng Internet nhiều và sử dụng điện thoại thông minh. Sở thích và nhu cầu mua hàng của họ được quyết định bởi các yếu tố khác nhau.

Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng độ hài lòng của khách hàng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Những rủi ro của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022

Làn sóng siêu lây nhiễm của biến chủng mới Omicron, lạm phát, các chính sách nới lỏng của FED… được cho là những tác nhân chính gây áp lực lên chính phủ của các quốc gia.

Source: Bloomberg

COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều nền kinh tế bằng những kịch bản khó đoán. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu thậm chí sẽ còn đứng trước nhiều rủi ro hơn nữa.

Trong đó, làn sóng siêu lây nhiễm của biến chủng mới Omicron, lạm phát, các chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, bất ổn ngành địa ốc Trung Quốc cùng cuộc khủng hoảng giá lương thực thực phẩm… được cho là những tác nhân chính gây áp lực lên chính phủ.

Biến chủng Omicron và làn sóng những đợt phong toả mới.

Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về biến chủng mới Omicron, song những cảnh báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng biến thể này dễ lây lan hơn chủng Delta và có thể giảm hiệu quả vaccine ngừa COVID-19 đã khiến không ít người quan ngại.

Nếu biến chủng Omicron thực sự nguy hiểm như dự báo, nhiều đợt phong toả mới sẽ diễn ra. Khi đó, theo nhiều chuyên gia, chỉ cần 3 tháng phong tỏa cực nghiêm ngặt, tăng trưởng kinh tế 2022 sẽ tụt về mức 4,2%.

Anh, quốc gia chuẩn bị tái áp đặt các lệnh phong toả, có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho quy mô lây nhiễm trong cộng đồng của Omicron.

Cảnh báo COVID-19 hiện tại từ mức 3 đã được quan chức phụ trách y tế của 4 vùng, bao gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland nâng lên mức 4 trong thang cảnh báo 5 cấp do số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng đột biến.

Trong ngày 12/12, Anh ghi nhận thêm 1.239 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên con số 3.137, tăng tới 65% so với ngày trước đó.

Hôm nay, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron tại nước này, qua đó càng đánh lên hồi chuông cảnh báo hệ thống chăm sóc y tế bị gia tăng áp lực.

Tuy nhiên, nếu nhìn trên phương diện tích cực, các đợt phong tỏa mới sẽ “giữ chân” người dân ở trong nhà và khiến họ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hoá và các đồ dùng thiết yếu. Điều này có thể kéo đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mức 5,1%.

Lạm phát.

Đầu năm nay, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) dự báo, lạm phát Mỹ có thể sẽ đạt mục tiêu 2% trong dài hạn.

Tuy nhiên, theo dữ liệu mới đây được Bộ Lao động Mỹ công bố, lạm phát nước này trong tháng 11 đã tăng lên mức 6,8%, ngưỡng cao nhất kể từ năm 1982.

Điều này khiến mục tiêu lạm phát 2% cho năm 2022 càng trở nên xa vời, khi mà nhiều chuyên gia cho rằng, trước khi phục hồi về mức ổn định, lạm phát Mỹ sẽ tiếp tục tăng leo thang hơn nữa.

Khi đó, người tiêu dùng, đặc biệt là những hộ gia đình thu nhập thấp, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các nhu cầu hàng ngày. Kế hoạch tăng lương cho người lao động và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng sẽ bị cản trở.

Để ngăn kịch bản này xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED tuyên bố có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm nỗ lực hỗ trợ kinh tế. Điều này đồng nghĩa với việc chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng có thể kết thúc sớm hơn dự kiến ban đầu và việc nâng lãi suất trở lại có thể sẽ được triển khai sớm ngay trong quý I hoặc quý II/2022.

Ngay cả những quan chức trước đây nhấn mạnh ưu tiên tạo công ăn việc làm giờ đây cũng phát đi tín hiệu rằng FED nên cẩn trọng với nguy cơ lạm phát bởi đây không còn được coi là vấn đề “tạm thời”.

Tuy nhiên, việc FED nâng lãi suất và chuyển sang chính sách kinh tế thắt chặt lại có thể châm ngòi làn sóng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển. Hồi năm 2013 và 2018, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất là Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 4,9%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý 3/2020, đồng thời giảm mạnh so với mức 7,9% của quý 2/2021. Nguyên nhân chủ yếu được cho là đến từ

Những nút thắt trong chuỗi cung ứng, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19 cũng như tình trạng thiếu điện mới đây.

Những bất ổn trong lĩnh vực bất động sản vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng từ “cơn bão” Evergrande cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người khổng lồ châu Á “hắt hơi”. Bên cạnh đó, việc theo đuổi chính sách “Zero COVID” cũng khiến Trung Quốc hạn chế tiềm năng phục hồi của chính mình khi nhiều quốc gia bắt đầu tái mở cửa.

Đối với các đối tác thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sự giảm tốc này sẽ làm chậm đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dự báo tăng trưởng các quốc gia khu vực như Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Việt Nam ngay lập tức bị kéo hạ do có mối quan hệ mật thiết với kinh tế đại lục.

Theo phân tích, Hàn Quốc hiện là quốc gia nhạy cảm nhất với những biến động của kinh tế Trung Quốc. Ước tính nếu GDP Trung Quốc tăng thêm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của “xứ sở kim chi” cũng sẽ tăng thêm khoảng 0,7 điểm phần trăm.

Bloomberg dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu con số này lùi về mức 3%, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn khi các quốc gia xuất khẩu mất đi thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Bất ổn hậu Brexit.

Các rắc rối hậu Brexit được nhiều chuyên gia nhận định là “câu chuyện không hồi kết”. Hơn 5 năm trôi qua kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, nước này và EU vẫn tiếp tục nhiều cuộc đàm phán về các điều khoản “ly hôn” đầy khó khăn và trắc trở. Vì vậy, 2022 sẽ lại là một năm chứng kiến không ít những khó khăn kéo dài.

Mới đây, sau khi Anh lên tiếng cảnh báo kích hoạt Điều 16, một điều khoản tự vệ trong Nghị định thư Bắc Ireland hậu Brexit, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố dừng đàm phán với Anh về nới lỏng thuế quan đối với nhôm và thép.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Anh tiếp tục có thêm nhiều cuộc đàm phán bị hoãn huỷ như vậy, hoạt động đầu tư kinh doanh của nước này sẽ bị ảnh hưởng. Đồng bảng Anh bị phá giá, kéo theo lạm phát và đà lao dốc của thu nhập người lao động.

Các cuộc khủng hoảng tại Anh hậu Brexit, chẳng hạn như thiếu hụt tài xế xe tải, cũng được cảnh báo sẽ lan sang phần còn lại của châu Âu.

Theo ông Frank Huster, Tổng Giám đốc Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Liên bang Đức, Brexit chắc chắn sẽ tác động tiêu cực lên Vương quốc Anh cũng như ngành giao thông vận tải châu Âu nói chung.

Chính sách tài khóa thắt chặt.

Chính phủ nhiều nước cho đến nay đã chi rất mạnh tay cho các gói kích thích lớn nhỏ nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19. Chính vì vậy, sau khi dịch bệnh dần đi vào kiểm soát, những nước này sẽ có xu hướng “thắt lưng buộc bụng”.

Mức giảm chi tiêu công trong năm 2022 theo đó có thể sẽ tương đương 2,5% GDP toàn cầu, gấp 5 lần các chính sách “thắt lưng buộc bụng” vốn đã làm chậm đà phục hồi toàn cầu sau cuộc khủng hoảng hồi năm 2008.

Dĩ nhiên cũng một vài quốc gia ngoại lệ, chẳng hạn như Nhật Bản. Ngày 19/11, nước này đã thông qua gói kích thích kinh tế với giá trị kỷ lục 55.700 yen, tương đương 490 tỷ USD trích từ chi tiêu tài khóa để đối phó với những tác động kinh tế kéo dài hậu đại dịch.

Theo Thủ tướng Nhật Bản ông Fumio Kishida, ước tính các biện pháp kích thích này sẽ giúp Nhật Bản tăng khoảng 5,6% GDP.

Khủng hoảng giá lương thực thực phẩm.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực thế giới trong tháng 9 vừa qua đã chạm mức kỷ lục trong 10 năm, chủ yếu do đà tăng của giá ngũ cốc và dầu thực vật.

Năm nay, thời tiết xấu ảnh hưởng không hề nhỏ đến hoạt động thu hoạch nông sản trên khắp thế giới. Chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và tình trạng thiếu hụt lao động hậu COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực lên chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, từ trang trại đến siêu thị.

Điều này tạo áp lực lớn lên hóa đơn chi tiêu của nhiều hộ gia đình vốn đã rất chật vật do COVID-19. Nỗi lo lạm phát của các ngân hàng trung ương cùng nguy cơ trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu theo đó được đẩy lên một nấc trong năm 2022.

Huệ Anh (Nguồn: Bloomberg)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo VTV