Skip to main content

Thẻ: Mobile Money

Việt Nam có hơn 3.4 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 28/2/2023, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam đạt hơn 3,4 triệu khách hàng, tăng 5,89 % so với tháng 1/2023, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ tháng 2/2022. 

Việt Nam có hơn 3,4 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money
Việt Nam có hơn 3,4 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money

Trong báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tổng số hơn 3,4 triệu khách hàng Mobile Money trên cả nước, số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 2,37 triệu khách hàng, chiếm gần 70%. Tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 22 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.465 tỷ đồng.

Dịch vụ Mobile Money được chấp thuận cấp phép thí điểm cho một số nhà mạng triển khai hồi tháng 11/2021. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt, cung cấp các dịch vụ mới tới người dân trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số, công dân số.

Việc cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money được xem là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, nhất là trong giai đoạn triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ và nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc triển khai Mobile Money cũng sẽ giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Việt Nam đang bước vào tăng tốc chuyển đổi số. Một trong những vấn đề tiên quyết để chuyển đổi số thành công chính là thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai, ứng dụng dịch vụ Mobile Money sẽ giúp thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ước tính tháng 3/2023, số thuê bao băng rộng di động đạt 84,36 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 84,8 thuê bao/100 dân), tăng 12,12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.

Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP ước đạt 100 triệu thuê bao tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 8 triệu thuê bao. Thuê bao Feature phone 23,65 triệu, giảm 2,85 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.

Mobile Money là một hình thức thanh toán cho phép khách hàng dùng tài khoản viễn thông thanh toán với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Dịch vụ cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ, hàng hóa không cần tiền mặt bất kỳ nơi nào kể cả mua sắm trực tiếp và mua sắm online. 

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Mobile Money: Thị trường thanh toán đang hết sức sôi động

Xoay quanh việc cấp phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), vẫn còn có ý kiến băn khoăn về sự tồn tại, phát triển cũng như cạnh tranh của loại hình dịch vụ mới này với các ví điện tử cũng như các dịch vụ ngân hàng đang có mặt trên thị trường.

Để cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi cùng Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

 Thưa ông, mối bận tâm lớn nhất khi triển khai Mobile Money hiện nay là vấn đề quản lý dòng tiền. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

– Quản lý dòng tiền đúng là vấn đề trọng tâm trong việc triển khai Mobile Money (tiền di động). Theo tôi, Mobile Money ra đời lúc này là rất hợp thời.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile Money và chúng ta cần đẩy mạnh việc triển khai hơn nữa bởi xã hội đang chờ đón dịch vụ thanh toán mới này.

Trở lại vấn đề quản lý dòng tiền, nếu tôi có tiền, tôi đóng vào các hãng viễn thông, mặc dù số tiền nhỏ thôi nhưng chúng ta có gần 100 triệu dân, nếu đa số đều dùng Mobile Money và nạp tiền vào tài khoản viễn thông thì tổng số tiền sẽ rất lớn.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao các cơ quan quản lý, các hãng viễn thông có thể quản lý được dòng tiền đó theo đúng mục đích phục vụ đời sống nhân dân, tránh được tiêu cực như rửa tiền, đánh bạc, tránh nguy cơ các hãng viễn thông đem tiền đó đi đầu tư vào các hoạt động rủi ro và vấn đề về bảo mật tài khoản.

Trong đó, đáng chú ý là các công ty viễn thông sẽ phải bảo đảm rằng tiền nằm trong tài khoản Mobile Money an toàn, không bị thất thoát, không thể bị mất đi do tin tặc xâm nhập. Bên cạnh đó, bảo mật thông tin cũng là vấn đề đáng lưu tâm.

Bởi để sử dụng Mobile Money, tôi sẽ phải cung cấp tất cả thông tin cá nhân bao gồm: số chứng minh nhân dân, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại, email… cho các hãng viễn thông.

Nếu những thông tin này bị rò rỉ ra bên ngoài có thể bị sử dụng một cách bất hợp pháp, gây bất lợi cho người dân.

– Như ông vừa chia sẻ, bên cạnh những lo ngại về gian lận, rửa tiền hay đánh bạc, vấn đề về an toàn, bảo mật cũng rất đáng lưu tâm. Vậy theo ông, trách nhiệm của các cơ quan quản lý ra sao nhằm đảm bảo an toàn cho người dùng và các giao dịch thanh toán này?

– Trước hết, một mặt Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải đưa ra các chính sách, cơ chế để bảo vệ an toàn thông tin cho người dân trong cung cấp thông tin cá nhân cho các hãng viễn thông khi phát hành Mobile Money.

Mặt khác, các công ty viễn thông cũng phải có hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm hiện đại nhất để bảo vệ tất cả những thông tin lưu trữ về người dùng, đồng thời có thể ứng dụng hệ thống blockchain (chuỗi khối) – một hệ thống bảo mật hiện đại nhất hiện nay.

Ngoài ra, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đều phải phối hợp quản lý sao cho dòng tiền vào Mobile Money chỉ sử dụng cho mục đích thanh toán.

Điều đáng lo lắng là khi các hãng viễn thông sở hữu một số tiền rất lớn từ người dùng nạp vào, họ phải bảo đảm với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính rằng họ chỉ sử dụng số tiền đó để chờ thanh toán mà không phải dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.

Với số tiền có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng trong tương lai, có nguy cơ các công ty sẽ đem số tiền đó đi đầu tư vào một tài sản nào đó.

Trên hệ thống tài chính thế giới, tôi có thể bỏ tiền ra đầu tư vào tài sản qua đêm để sinh lời như trái phiếu chính phủ, cổ phiếu, vàng… Qua đêm, tiền đó lại trở lại tài khoản.

Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư, có thể tôi đầu tư vào các khoản rủi ro gây mất tiền, khi đó chắc chắn tiền sẽ không thể trở lại tài khoản nữa. Bên cạnh đó, có những công cụ tài chính hỗ trợ việc đầu tư ngày trong ngày.

Chắc chắn rằng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng như các ban ngành quản lý đã có những công cụ để bảo đảm tiền người dân đóng vào các công ty viễn thông được sử dụng đúng mục đích.

– Ngoài vấn đề về quản lý dòng tiền hay những rủi ro trong giao dịch, điều gì còn khiến người dùng băn khoăn nếu triển khai Mobile Money thưa ông?

– Hiện tại trong nền kinh tế chỉ có Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại có khả năng tạo tiền. Khi Mobile Money ra đời đồng nghĩa với việc các hãng viễn thông có thể tạo tiền.

Nếu người dùng đóng tiền vào, nhà mạng chỉ cho một số tiền tương đương để thanh toán thì không bàn tới.

Nhưng nếu tôi đóng 10 triệu đồng, nhà mạng cho 20-30 triệu đồng thì đây hoàn toàn nằm trong khả năng của họ nếu ta không kiểm soát.

Trong trường hợp này, dòng tiền sẽ đi vào cung tiền của nền kinh tế, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy vậy, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã có những kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn việc Mobile Money tác động đến cung tiền.

– Bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ mới nào ra mắt thị trường cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh nhất định. Vậy sự cạnh tranh giữa Mobile money, ví điện tử và cả các ngân hàng cần được hiểu ra sao, thưa ông?

– Sự cạnh tranh sẽ đến. Hiện nay chỉ có 2 thành phần kinh tế có khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán cho người tiêu dùng là ngân hàng và ví điện tử.

Thì nay, lại có thêm 3 công ty viễn thông khả năng phát hành ra tiền di động. Khoản tiền này sẽ nằm ngoài số tiền ở ví điện tử và ngân hàng.

Với khả năng như thế, các hãng viễn thông sẽ là đối thủ cạnh tranh cho các ngân hàng bởi nếu muốn sử dụng Mobile Money một cách dễ dàng, tôi sẽ tới hãng viễn thông đóng tiền vào đó.

Như vậy, số tiền lẽ ra nằm ở ngân hàng hay ví điện tử thì nay lại nằm ở các hãng viễn thông. Điều đó tạo ra sự cạnh tranh giữa ngân hàng, các ví điện tử và các hãng viễn thông trong tương lai.

Đây là sự cạnh tranh lành mạnh. Bởi người dân sẽ có thêm nhiều lựa chọn giữa ngân hàng, ví điện tử hay Mobile Money làm tăng chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, điều này còn có lợi cho Chính phủ trong quản lý thuế và chống rửa tiền.

Như chúng ta đã biết, thất thu thuế phần nhiều là do người dân sử dụng tiền mặt mà giao dịch tiền mặt lại không để lại dấu vết gì.

Nhiều giao dịch không được người bán hàng kê khai thuế nên Chính phủ không thể thu thuế. Nhưng nay, những giao dịch đó nếu thực hiện qua Mobile Money sẽ để lại những dấu vết nhất định như thanh toán cho ai, ở đâu? Đây là cơ sở để các cơ quan thuế có thể rà soát, truy thu, tránh thất thoát thuế cho Nhà nước.

Về chống rửa tiền, nếu dùng tiền mặt, tiền của tôi có thể có nguồn gốc từ mại dâm, buôn lậu, trốn thuế. Tôi đem tiền đó đi mua nhà rồi bán đi và gửi tiền đó vào ngân hàng. Như vậy, tiền bẩn đã được “rửa” sang tiền sạch.

Nhưng với Mobile Money, việc rửa tiền sẽ hạn chế hơn mặc dù số tiền đóng cho Mobile Money nhỏ thôi nhưng gom nhiều lần sẽ thành số tiền lớn. Các giao dịch này đều để lại dấu vết góp phần chống rửa tiền.

– Theo ông, việc mở cửa thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do có tác động ra sao đến các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam và cụ thể là với dịch vụ Mobile?

– Theo tôi tác động trực tiếp từ các hiệp định này thì không. Bởi lẽ trong các Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp có hiệu lực từ 1/8 tới đây không có quy định cụ thể về ví điện tử, tiền điện tử hay Mobile Money.

Nhưng nó sẽ tác động gián tiếp đến các nhà cung cấp dịch vụ tài chính tại Việt Nam do trong tương lai, ta phải mở cửa thị trường tài chính cho các đối tác nước ngoài. Khi ấy, các công ty viễn thông của nước ngoài sẽ gia nhập vào thị trường Việt Nam.

Họ cũng có khả năng phát hành tiền di động như các hãng viễn thông Việt Nam hiện nay. Khi đó, sự cạnh tranh chắc chắn sẽ lớn hơn nữa nhưng nó cũng là cạnh tranh lành mạnh.

– Mobile Money đã được triển khai thành công tại nhiều quốc gia. Theo ông, bài học kinh nghiệm nào có thể áp dụng cho Việt Nam hiện nay?

– Tại một số quốc gia châu phi hay Myanmar, Mobile Money đã được triển khai rất thành công và cung cấp cho người dân một phương tiện thanh toán phi tiền mặt dễ dàng, giản dị… và đặc biệt hiệu quả trong đại dịch Covid-19.

Thanh toán không dùng tiền mặt qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử… tăng đột biến trong thời gian qua và chúng ta đi theo đúng xu hướng phát triển của thế giới.

Việc học hỏi, rút kinh nghiệm, từ các nước đã triển khai thành công Mobile Money là rất quan trọng vì chúng ta chưa có sản phẩm đó trên thực tế.

Tính đến thời điểm này, Mobile Money mới chỉ dừng lại ở những quyết định của Chính phủ mà ta đang trong giai đoạn triển khai. Tôi hi vọng trong vài tuần tới, chúng ta sẽ có thể thấy sản phẩm đó ra mắt người dùng.

(Sửa tiêu để bởi: MarketingTrips)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thái Tú | MarketingTrips 

‘Mobile Money’ và những rủi ro không lường trước

Dịch vụ “tiền di động” (Mobile Money) được kỳ vọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại rủi ro từ loại hình này.

mobile-money-marketingtrips

Nhà mạng sẽ trở thành ngân hàng ?

Theo thống kê, hiện nay hơn 50% dân số VN chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, trong khi mật độ thuê bao di động đạt trên 100%. Dịch vụ này sẽ chỉ được cấp phép cho các nhà mạng. Không chỉ các thuê bao di động smartphone 3G/4G, ngay cả các điện thoại “cục gạch” sử dụng sóng 2G cũng có thể sử dụng.

Vì thế, Mobile Money hướng tới giao dịch giá trị nhỏ sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đề án, hạn mức thanh toán được đưa ra cho một tài khoản Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng và sau khi triển khai chính thức sẽ xem xét để nâng dần lên…

Theo báo cáo mới đây về Mobile Money của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, về bản chất, dịch vụ này tương tự như Ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e-money), nhưng khác so với ví điện tử hay Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) là các tài khoản đều phải kết nối với tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch.

Trong khi đó, Mobile Money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng. Vì vậy, báo cáo này cho rằng bên cạnh những ưu điểm của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như sự thuận tiện; giảm thiểu chi phí giao dịch, chi phí quản lý và rủi ro dùng tiền mặt; thúc đẩy kinh tế số…, thì Mobile Money cũng tiềm ẩn rủi ro.

Đó là dữ liệu của khách hàng có thể bị xâm phạm, dùng cho mục đích riêng hoặc gian lận; đại lý cung cấp dịch vụ có thể thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng; thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền; giao dịch có thể không thực hiện được khi sự cố xảy ra trong chuỗi giao dịch của hệ thống thanh toán.

Khách hàng có thể chia nhỏ giá trị để lách quy định, tiến hành rửa tiền, đánh bạc hoặc tiền của khách hàng có thể bị mất nếu thiếu phương án quản lý phù hợp.

Từ bài học thẻ cào…

Một trong những nghi ngại lớn nhất dành cho dịch vụ này là nhiều đối tượng có thể lợi dụng để rửa tiền, đánh bạc qua mạng hay thực hiện các hành vi bất hợp pháp khác. Đầu tháng 5, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã triệt phá thành công đường dây đánh bạc trên mạng.

Để tham gia cá cược, người chơi phải đăng ký lập tài khoản thành viên trên game và nạp tiền trực tiếp bằng cách chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng do các đại lý cung cấp hoặc nạp thẻ điện thoại… Cục Cảnh sát hình sự xác định tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng giữa các con bạc với game từ tháng 1.2019 đến nay là trên 20.000 tỉ đồng.

Hay trước đó, vụ phá đường dây đánh bạc qua mạng Rikvip vào cuối năm 2017, cơ quan chức năng xác định trong gần 10.000 tỉ đồng nạp tiền chơi bạc vào sòng bài trực tuyến này có đến 97% nạp từ thẻ cào do các nhà mạng phát hành. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng khi cho phép nhà mạng triển khai Mobile Money, cần có quy định chặt chẽ.

Theo TS Cấn Văn Lực: Để giảm thiểu giao dịch rửa tiền, đánh bạc, tài trợ khủng bố phải có quy định về giới hạn số tài khoản khách hàng có thể nắm giữ, số dư tối đa trên tài khoản; có hệ thống giám sát các luồng giao dịch, có khả năng cảnh báo cho nhà cung cấp dịch vụ các giao dịch đáng ngờ…

Ngoài ra, làm rõ quy trình phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và vận hành dịch vụ Mobile Money từ Ngân hàng Nhà nước với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính…

TS Trần Hùng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng – ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích ngoài việc đưa ra hạn mức sử dụng cho mỗi tài khoản Mobile Money, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định chặt chẽ về điều kiện cho phép đại lý của các nhà mạng được phép nộp và rút tiền từ tài khoản viễn thông.

Chẳng hạn tại một số nước châu Phi, các đại lý viễn thông chỉ được thực hiện dịch vụ này sau khi đã tham gia các khóa huấn luyện về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố hay liên quan đến tội phạm… Đồng thời, các nhà mạng phải tăng cường đầu tư và đạt các chứng chỉ về bảo mật thanh toán chuẩn quốc tế như các ngân hàng.

“Việc định danh các chủ thuê bao điện thoại sử dụng Mobile Money khá quan trọng, để nhà mạng cùng Ngân hàng Nhà nước theo dõi các giao dịch bất thường. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước phải có những tuyên bố rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của người dùng tài khoản Mobile Money như khi khách hàng đăng ký tài khoản ngân hàng để tránh các rủi ro phát sinh”, TS Trần Hùng Sơn chia sẻ thêm.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cũng nhận định để giảm thiểu những rủi ro trong việc triển khai tiền di động, cần có quy định về chia sẻ thông tin – dữ liệu giữa các cơ quan quản lý với nhà mạng.

Hay cơ quan quản lý cần ban hành các khung tiêu chuẩn hệ thống đại lý (về đối tượng, trình độ, năng lực, vốn tối thiểu…) để định hướng các nhà mạng có thể thiết lập các tiêu chí trong lựa chọn đại lý. Đồng thời, phải quy định luôn có mã xác thực, mã pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Enternews

Cơ hội bùng nổ với Mobile Money

Tiền di động hay Mobile Money đang được Chính phủ thúc đẩy đưa vào hoạt động nhằm giảm tiếp xúc xã hội và lưu thông tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

mobile money

Từ sau khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện và diễn biến phức tạp, Chính phủ có nhiều động thái thúc đẩy để đưa tiền di động (mobile money), một loại phương thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ.

Tại cuộc họp thường trực chính phủ ngày 13/4, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm đưa dịch vụ tiền di động đi vào hoạt động nhằm giảm giao tiếp xã hội. Đầu tháng 3, trong chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN trình ngay việc thí điểm cá biệt tiền di động.

Phổ biến trên thế giới và tiềm năng tại Việt Nam

Theo Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), năm 2018, tiền di động hiện diện tại 90 quốc gia thì đến cuối năm 2019 tăng lên 95 quốc gia; 1,04 tỷ tài khoản đăng ký, tăng 10% so với năm trước. Trong đó số lượng tài khoản duy trì hoạt động 372 triệu đơn vị, tăng gần 14%.

Số lượng giao dịch bình quân trong cả năm 2019 qua kênh này đạt đạt 37,1 tỷ giao dịch, cao hơn 22% so với năm trước với giá trị 690,1 tỷ USD, tăng 26%.

Đông Á và Thái Bình Dương là khu vực tăng trưởng hoạt động tiền di động cao nhất thế giới năm qua, với 158 triệu tài khoản tăng gần 24% gồm 60 triệu tài khoản dùng duy trì thường xuyên, cao hơn hơn 29% so với năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch qua phương thức này tăng lần lượt 53% và 41,5% so với năm 2018.

Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu của Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo BIDV nhận định tiền di động có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2019, Việt Nam có 129,5 triệu thuê bao, trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao. Mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm 45% dân số năm 2019, Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan, báo cáo đánh giá.

Mobile Money

Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ người dùng mạng internet cao với 70,3%, tương ứng 68,5 triệu người dùng năm 2019.

Mặt khác, ở phía người dùng, còn rất nhiều dư địa để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng, theo NHNN, tháng 11/2019, thấp hơn so Trung Quốc 80% và Châu Á Thái Bình Dương 70%. Đây cũng là đối tượng mà tiền di động hướng tới. Mạng lưới của các doanh nghiệp viễn thông sẽ vươn tới các vùng sâu, vùng xa và đưa các dịch vụ tài chính tiếp cận người dân.

Công cụ giảm lưu thông tiền mặt nhưng cần thận trọng

Đến cuối năm 2020, Chính phủ định hướng giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán xuống 10% từ mức 11,33% của năm trước. Trong bối cảnh, tỷ lệ tiền mặt lưu thông/ GDP của Việt Nam lên tới 20%, cao hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, tiền di động được xem là một trong những hướng đi để phố biển thanh toán không dùng tiền mặt.

Mobile Money

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp với nhiều nguồn lây lan khác nhau, việc giảm lưu thông tiền mặt càng trở nên cấp thiết và là mục tiêu của Chính phủ. Với gói hỗ trợ an sinh xã hội khoảng 61.500 tỷ đồng hướng đến khoảng trên 10 triệu người lao động yếu thế, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhu cầu dùng tiền di động ngày càng hiện hữu, theo đánh giá của nhóm tác giả viện đạo tạo BIDV.

Với tình trạng dịch bệnh, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online nhiều hơn, với nhiều ưu điểm như thuận tiện, minh bạch, tiết kiệm chi phí giao dịch, giảm thiểu rủi ro tiền mặt, triển khai tiền di động thời điểm này sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Trong 2 năm gần đây, NHNN đã xây dựng và lấy ý kiến Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt thay thế Nghị định 101/2012, làm tiền đề đưa loại hình mới thanh toán mới vào hoạt động. Dự thảo nghị định định nghĩa tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động.

Đồng thời, nghị định cũng đưa vào điểm mới quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Các ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ… Nói cách khác, các doanh nghiệp viễn thông như Vietel, MobiFone, VNPT… sẽ gia nhập thị trường thanh toán.

Dù có nhiều ưu điểm, việc triển khai tiền di động tại Việt Nam được cho là vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức. Báo cáo của Viện Nghiên cứu BIDV đề cập, tài khoản tiền di động được định danh qua số thuê bao khách hàng tại công ty viễn thông, trong khi tình trạng sim rác vẫn tồn tại có thể khiến loại hình này trở thành kênh rửa tiền, nếu không được quản lý chặt chẽ.

Bên cạnh đó, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý tiền di động cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an… Các phương án quản lý và bảo mật cũng cần được xây dựng phù hợp, đề đối phó với tội phạm công nghệ thông tin hoặc các đối tượng khác.

Mặt khác, mạng lưới đại lý phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro về trình độ nhận thức, phát sinh trường hợp thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng, thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền…  Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiền di động.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo NDH