Skip to main content

Thẻ: Netflix

Nền tảng streaming Quibi thất bại và bài học rút ra cho ứng dụng mới nổi

Với Quibi, câu chuyện thú vị nhất mà nền tảng này tạo ra lại chính là câu chuyện về thất bại của chính mình.

Quibi – về lý thuyết đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành một nền tảng streaming mạnh nhất thế giới, có thể cạnh tranh với những tên tuổi lớn như Netflix hay Disney+. Thế nhưng, thiên không thời, địa không lợi, nhân không hòa, Quibi đã nhanh chóng biến mất khỏi thị trường chỉ sau khoảng 6 tháng ra mắt.

Theo đó, ngày 22/10, Quibi tuyên bố đóng cửa vì số lượng khán giả và số lượng tải xuống ứng dụng không như kỳ vọng. Thời gian tồn tại của Quibi quá ngắn ngủi, đến mức tưởng chừng như cái tên này chưa từng tồn tại trên thị trường.

Tuy nhiên nếu điểm lại về tiềm năng (trước khi thất bại) của Quibi, nhiều người sẽ bất ngờ. Quibi sở hữu đội ngũ điều hành là những chuyên gia sừng sỏ trong ngành giải trí và lão luyện trên thương trường: Người sáng lập Jeffery Katzenberg vốn là giám đốc hãng phim hoạt hình Dreamworks. CEO Meg Whitman là cựu CEO của Hewlett Packard.

Công ty này vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Tiếp đó, Quibi còn có sẵn mối quan hệ với rất nhiều diễn viên Hollywood nổi tiếng và tích hợp trên nhiều thiết bị (iOS, Android, Chromecast và AirPlay).

Cũng giống như Netflix, Disney + và Amazon Prime Video, Quibi cũng tự sản xuất các nội dung riêng. Giá thuê bao cũng khá rẻ, 5 USD/tháng. Điểm khác biệt là họ hướng đến các dạng video ngắn gọn, chỉ dài khoảng 10 phút để cho khán giả chủ yếu xem trên điện thoại.

Định hướng nghe có vẻ rất đúng đắn và khả quan. Vậy điều gì đã khiến Quibi đi đến thất bại quá nhanh chóng như vậy?

Quibi thất bại vì thời điểm

Quibi hướng đến người dùng là học sinh, sinh viên, người đi làm. Theo đó, các lãnh đạo của công ty nghĩ rằng, những đối tượng này sẽ sử dụng Quibi để xem những video ngắn và đa dạng nội dung trong những khoảng thời gian như di chuyển trên xe bus/tàu điện hay ăn trưa tại văn phòng.

Tuy nhiên, đáng tiếc Quibi đã ra đời sai thời điểm, khi mọi người – bao gồm các đối tượng khách hàng tiềm năng của Quibi – phải ở nhà lâu hơn vì đại dịch COVID-19. Trong thời kỳ cách ly nhàm chán ở nhà, khán giả sẽ thích xem những bộ phim/chương trình dài tập trên các nền tảng như Netflix, Amazon Prime Video, Disney + hoặc Hulu hơn.

Ngoài thời gian, các chiến dịch truyền thông xã hội của Quibi cũng tồn tại những vấn đề. Và những vấn đề này cực kỳ sai lầm đối với một nền tảng hướng đến người dùng trẻ tuổi và sử dụng trên điện thoại như Quibi.

Thứ nhất, thời điểm Quibi ra mắt, thị trường nội dung streaming đã bão hòa. Điểm khác biệt của Quibi – các nội dung ngắn – lại không thể hấp dẫn bằng những nội dung trên các nền tảng khác, chẳng hạn TikTok.

Thứ hai, mô hình kinh doanh của Quibi đặt cược quá lớn vào số lượng người dùng trả phí sau 90 ngày dùng thử miễn phí. Quibi ước tính sẽ có 7 triệu người dùng đăng ký, thế nhưng cuối cùng, nền tảng này chỉ thu về 2 triệu lượt đăng ký.

Cuối cùng, thay vì đầu tư vào chiến lược thu hút khách hàng mới trong thời gian dài, Quibi lại vung tiền vào các chiến dịch quảng cáo lúc ra mắt, bao gồm cả đoạn quảng cáo cực kỳ đắt đỏ tại Super Bowl.

Có lẽ với Quibi, câu chuyện thú vị nhất mà nền tảng này tạo ra lại chính là câu chuyện về thất bại của chính mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Siết quản lý thuế dòng tiền giao dịch với Facebook, YouTube, Netflix

Ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại để quản lý thuế đối với dòng tiền chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.

Chiều 1-12, trao đổi với báo giới tại buổi họp báo về nghị định 126 hướng dẫn Luật quản lý thuế, ông Đặng Ngọc Minh – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế – cho hay tới đây Bộ Tài chính sắp có thông tư hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới vào Việt Nam thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế.

Phải nộp thuế cho Việt Nam

Trước hết, ông Minh nói rõ cơ quan thuế sẽ hướng dẫn nghĩa vụ thuế mới và biện pháp quản lý. Tinh thần chung, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế là nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ xuyên biên giới khi cung cấp cho khách hàng ở Việt Nam.

Riêng với Netflix, Tổng cục Thuế đã có một số buổi làm việc với doanh nghiệp này. Theo quy định, Netflix phải nộp thuế tại Việt Nam, theo khẳng định của ông Minh.

Sắp tới, cơ quan thuế sẽ kiểm tra và tính toán lại việc thực hiện nghĩa vụ thuế của Netflix cho phù hợp. Căn cứ tính thuế cho Netflix cơ bản dựa vào kê khai của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ phối hợp với ngân hàng để thống kê dòng tiền thanh toán cho Netflix thời gian qua là bao nhiêu.

Về quản lý thuế nói chung đối với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Minh thông tin số tiền mà doanh nghiệp thanh toán cho Google, Facebook, YouTube… thì cơ quan thuế quản lý tốt.

Số thuế thu được, như năm 2018 là 700-800 tỉ đồng, năm 2019 đạt trên 1.000 tỉ đồng và 11 tháng đầu năm nay đạt gần 1.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp này đang thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tuy nhiên, đối với doanh thu mà cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tổ chức nước ngoài thì số thu chưa phản ánh đúng thực tế như dòng tiền mà cá nhân thanh toán dịch vụ cho Netflix. Do đó, trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát và phối hợp với ngân hàng để quản lý dòng tiền và thu thuế kịp thời vào ngân sách.

Ngân hàng chỉ cung cấp tài khoản của cá nhân có 2 nguồn thu nhập

Về quy định ngân hàng thương mại có phải cung cấp tên chủ tài khoản, số tài khoản của tất cả người nộp thuế cho cơ quan thuế, trả lời báo giới, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định trước mắt cơ quan thuế chưa yêu cầu ngân hàng thông tin tài khoản của từng người nộp thuế.

Với thực tế quản lý, cơ quan thuế chỉ phối hợp với ngân hàng để quản lý thu nhập của những cá nhân nhận được từ hoạt động thương mại điện tử như từ Facebook, YouTube… và từ nhiều nguồn.

Đặc biệt, khi phát hiện cá nhân, tổ chức có rủi ro về thuế và để phục vụ mục đích thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế sẽ yêu cầu ngân hàng cung cấp cả giao dịch, số dư tài khoản của người nộp thuế nữa.

“Khi phát hiện các dòng tiền bên ngoài chi trả cho các cá nhân, tổ chức trong nước, cơ quan thuế có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp giao dịch của các tổ chức nước ngoài cho các cá nhân này”, ông Minh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm ngày 4-12, cơ quan này sẽ họp với Ngân hàng Nhà nước để làm rõ quy định này.

Theo hướng trước mắt, ngân hàng sẽ cung cấp cho cơ quan thuế tên chủ tài khoản, số tài khoản của người nộp thuế có hai nguồn thu nhập trở lên, tức là những người tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Thêm nữa, những nội dung như việc lưu trữ dữ liệu, bảo mật thông tin… sẽ được phía cơ quan thuế và ngân hàng bàn thảo để cùng thống nhất áp dụng. Hướng dẫn thực hiện quy định này sẽ được Bộ Tài chính ban hành thông tư trong thời gian tới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips 

Theo Tuổi Trẻ

Netflix ủng hộ việc nộp thuế tại Việt Nam

Khẳng định sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng Netflix cho biết Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ chế để các doanh nghiệp như họ có thể đóng thuế.

Ngày 11/11, đại diện Netflix phát đi thông cáo cho biết, Chính phủ Việt Nam có toàn quyền quyết định về chính sách thuế và nền tảng truyền hình trả tiền này luôn tuân thủ các luật pháp hiện hành có thể áp dụng.

“Chúng tôi ủng hộ việc triển khai những cơ chế cần thiết để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài, như Netflix, có thể hoàn thành nghĩa vụ thuế tại Việt Nam nhưng cơ chế như thế vẫn chưa có. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm quyền thuế để xây dựng cơ chế như vậy”, đại diện hãng cho biết.

Trước đó, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 10/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập chuyện “bảo hộ ngược” trong việc quản lý các nền tảng cung cấp dịch vụ thuê bao truyền hình trả tiền.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới như Netflix, Apple TV… là khoảng 1 triệu, với doanh thu ước tính gần 1.000 tỷ đồng, nhưng theo ông, chưa đóng thuế.

“Trong khi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, từ thuế đến luật pháp, một số nền tảng không biên giới không nộp thuế, không luật pháp, dẫn tới cạnh tranh không công bằng”, Bộ trưởng Hùng nói.

Các nền tảng này còn vi phạm nhiều quy định về nội dung, báo chí, điện ảnh và trẻ em. Có những nội dung phản ánh sai trái lịch sử, xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam hoặc có nội dung bạo lực, ma túy, khiêu dâm.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết các giải pháp xử lý vấn đề này sẽ “làm sớm và nhanh”. Theo đó, Nghị định sửa đổi về quản lý, cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên Internet đã được soạn thảo xong và đang trình Chính phủ xem xét.

Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật trong lĩnh vực thuế, tài chính gắn với trách nhiệm của các đơn vị cung cấp nền tảng.

Tại cuộc họp cuối tháng 10, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cũng cho biết, Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để đặt văn phòng đại diện, máy chủ ở Việt Nam để phục vụ công tác kê khai thuế.

Cơ quan thuế cũng đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.

Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.

Liên quan thông tin vi phạm về nội dung, Netflix cho biết “trong một số trường hợp rất ít” trên toàn cầu, hãng sẽ gỡ nội dung, hoặc các tập phim được chiếu tại một số quốc gia cụ thể khi nhận được văn bản chính thức từ chính phủ, bao gồm cả Việt Nam.

“Chúng tôi không thay đổi chính sách này kể từ khi ra mắt tại Việt Nam và sẽ tiếp tục thực hiện như vậy trong tương lai”, đại diện Netflix phản hồi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo VnExpress

Tại sao nhân viên Netflix có mức lương cao ngất ngưởng?

Bài viết dưới đây là những chia sẻ của Reed Hastings (ông chủ Netflix) về việc tại sao những nhân viên của ông lại được trả lương vô cùng hậu hĩnh.

“Trong những năm đầu tiên của Netflix, công ty đã phát triển vô cùng nhanh chóng và cần tuyển thêm nhiều kỹ sư phần mềm để hỗ trợ ứng dụng. Netflix tập trung vào việc tìm kiếm và chiêu mộ nhân tài vì đối với tôi, nhân viên chất lượng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ thành công của công ty.

Nhiều người đến từ Thung Lũng Silicon đã làm việc cho Google, Apple và Facebook với mức lương rất hậu hĩnh. Netflix không có tiền để dụ họ đi dù chỉ là số lượng nhỏ. Tuy nhiên, là một kỹ sư, tôi đã quen với một khái niệm đã được hiểu trong phần mềm từ năm 1968, được gọi là “nguyên tắc ngôi sao nhạc rock”.

Nguyên tắc ngôi sao nhạc rock bắt nguồn từ một nghiên cứu nổi tiếng diễn ra tại một tầng hầm ở Santa Monica, California. Lúc 6:30 sáng, chín lập trình viên tập sự được dẫn vào một căn phòng với hàng chục máy tính. Mỗi người được trao một phong bì giải thích một loạt các nhiệm vụ mã hóa và gỡ lỗi mà họ sẽ cần hoàn thành với khả năng tốt nhất của mình trong 120 phút tới.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng rằng lập trình viên giỏi nhất sẽ làm tốt hơn đối tác trung bình gấp hai tới ba lần. Thế nhưng, con số đó hoá ra lại lớn hơn nhiều. Người giỏi nhất (có điểm số cao nhất) có thể viết mã nhanh hơn 20 lần, gỡ lỗi nhanh hơn 25 lần và thực thi chương trình nhanh hơn 10 lần so với lập trình viên kém nhất (có điểm số thấp nhất).

Nghiên cứu này đã gây ra những làn sóng trong ngành công nghiệp phần mềm kể từ khi nó được xuất bản. Tại thời điểm đó, các nhà quản lý vẫn còn đang vật lộn với việc một số lập trình viên có thể đáng giá hơn nhiều so với các đồng nghiệp khác.

Với một số tiền cố định để trả lương và một dự án cần được hoàn thành, tôi có thể chọn một trong hai điều này: thuê 10 đến 25 kỹ sư trung bình hoặc thuê một “ngôi sao nhạc rock” và trả nhiều hơn đáng kể so với những gì tôi sẽ trả cho những người khác.

Qua nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, tôi đã rút ra cho mình được một bài học: một lập trình viên giỏi nhất không tăng gấp 10 lần giá trị, mà là 100 lần.

Bill Gates, người mà tôi đã làm việc cùng trong hội đồng quản trị Microsoft, đã đưa ra con số còn lớn hơn thế. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Một người vận hành máy giỏi có mức lương gấp vài lần lương của một người vận hành máy trung bình, nhưng một người viết mã phần mềm giỏi có giá trị gấp 10.000 lần một người viết phần mềm trung bình.”

Trong ngành công nghiệp phần mềm, đây là một nguyên tắc được nhiều người biết đến (mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi).

Tôi bắt đầu nghĩ về nơi mà mô hình này được áp dụng bên ngoài ngành công nghiệp phần mềm. Lý do khiến những kỹ sư “ngôi sao nhạc rock” có giá trị hơn nhiều so với những người đồng nghiệp của họ không phải duy nhất ở lĩnh vực lập trình.

Kỹ sư phần mềm tuyệt vời này cực kỳ sáng tạo và có thể nhìn thấy các mẫu khái niệm mà những người khác không thể. Họ sẽ có một quan điểm có thể điều chỉnh được, vì vậy khi bị mắc kẹt trong một cách suy nghĩ cụ thể, họ sẽ có cách để thúc đẩy bản thân nhìn xa hơn.

Đây là những kỹ năng tương tự cần thiết trong bất kỳ công việc sáng tạo nào. Patty McCord, người vào thời điểm đó là giám đốc tài năng của Netflix và cũng chính là một trong những “ngôi sao nhạc rock” mà tôi muốn hướng tới.

Ở Netflix, chúng tôi chia công việc thành vai trò vận hành và vai trò sáng tạo.

Nếu bạn đang thuê một người nào đó cho vị trí vận hành, chẳng hạn như một người múc kem, nhân viên giỏi nhất có thể mang lại gấp đôi giá trị so với mức trung bình.

Một người xúc thực sự tốt có thể làm nhiều hơn gấp hai hoặc ba lần số lượng một người bình thường có thể.

Thế nhưng, điều đáng cân nhắc ở đây là giá trị mà một muỗng kem có thể mang lại. Theo tôi, đối với các vai trò vận hành, bạn có thể trả một mức lương trung bình và công ty của bạn vẫn có thể hoạt động rất tốt.

Tại Netflix, chúng tôi không có nhiều công việc như vậy. Hầu hết các chức vụ của chúng tôi đều dựa vào khả năng đổi mới và thực thi sáng tạo của nhân viên. Trong tất cả các vai trò sáng tạo, người giỏi nhất có thể làm tốt hơn mức trung bình gấp 10 lần.

Năm 2003, Netflix không có nhiều tiền nhưng chúng tôi lại có rất nhiều thứ cần phải hoàn thành. Chúng tôi đã phải suy nghĩ cẩn thận về cách công ty sẽ chi tiêu số tiền ít ỏi mà mình có. Chúng tôi xác định rằng đối với bất kỳ vị trí nào, khi có giới hạn rõ ràng về mức độ của công việc, chúng tôi sẽ trả mức lương trung bình so với thị trường.

Tuy nhiên, đối với tất cả các công việc sáng tạo, chúng tôi sẽ trả lương cho nhân viên đứng đầu vô cùng hậu hình, thay vì sử dụng chính số tiền đó để thuê một tá người thực hiện điều này. Nhờ vào việc làm đó, Netflix đã có một lực lượng lao động tinh gọn.

Chúng tôi dựa vào một người vĩ đại để thực hiện công việc của nhiều người, nhưng chúng tôi sẽ trả cho họ rất nhiều.

Đây là cách mà công ty tìm kiếm và tuyển dụng đa số các nhân viên. Cách tiếp cận này cũng cho thấy những sự thành công đáng kể. Netflix đã tăng tốc độ đổi mới và số lượng sản phẩm của mình theo cấp số nhân.

Tôi cũng nhận thấy rằng việc có một lực lượng lao động tinh gọn còn có nhiều lợi thế phụ. Quản lý tốt con người là vô cùng khó và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Việc quản lý những nhân viên làm việc tầm thường thậm chí còn khó hơn và tốn nhiều thời gian hơn.

Bằng cách duy trì một tổ chức nhỏ gồm các nhóm tinh gọn, mỗi người quản lý sẽ phải để mắt tới ít người hơn và do đó có thể làm tốt công việc của mình hơn. Đồng thời, khi chúng tôi duy trì các nhóm tinh gọn này bao gồm các nhân viên xuất sắc, việc quản lý thậm chí còn diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều lần.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo enternews

Netflix bước vào cuộc chiến giành thị phần ở Đông Nam Á

Hơn 1 triệu người trong số gần 200 triệu khách hàng đăng ký sử dụng nền tảng của Netflix trên toàn thế giới đến từ Đông Nam Á.

Ngay khi “kỳ phùng địch thủ” Disney “đặt chân” vào thị trường Đông Nam Á, Netflix – nền tảng xem video trực tuyến lớn nhất thế giới đang thúc đẩy các kế hoạch đăng ký thuê bao chỉ dành cho di động cũng như mở rộng phần nội dung địa phương tại thị trường được đánh giá là có sức tăng trưởng nhanh của thế giới này.

Theo “gã khổng lồ” Netflix của Mỹ, hơn 1 triệu người trong số gần 200 triệu khách hàng đăng ký sử dụng nền tảng này trên toàn thế giới đến từ Đông Nam Á – nơi có dân số khoảng 655 triệu người.

Giới phân tích thị trường cho rằng Đông Nam Á đã “chín muồi” để tăng trưởng nhanh chóng, với sự ra mắt của Disney+ Hotstar tại Indonesia vào tháng sau. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Đông Nam Á sẽ trở thành thương trường của các “ông lớn” trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ.

Theo nghiên cứu do Google, Temasek Holdings và Bain & Co tiến hành, Đông Nam Á được cho là đóng góp tới 600 triệu USD trong tổng doanh thu từ thuê bao âm nhạc và video trong năm 2019 và đến năm 2025, con số này có thể đạt tới 3 tỷ USD mỗi năm.

Việc các nước Đông Nam Á tiến hành phong tỏa và tái áp đặt lệnh phong tỏa một phần nhằm “chặn đà” lây lan của virus SARS-CoV-2 đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hãng kinh doanh công nghệ “ăn nên làm ra” khi nhu cầu xem các nội dung phát trực tuyến tại nhà trên khắp khu vực tăng vọt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, Giám đốc phụ trách việc đổi mới sản phẩm của Netflix Ajay Arora khẳng định với việc nhìn nhận Đông Nam Á là một thị trường rất phát triển xu hướng lấy thiết bị di động làm trung tâm, Netflix đã quyết định đẩy mạnh các dự án di động rẻ hơn, cũng như điều chỉnh các sản phẩm của mình sao cho phù hợp với điện thoại thông minh dòng thấp hơn.

Netflix bắt đầu khởi động các dự án của mình tại Ấn Độ vào tháng 8/2019 và hiện công ty này đã tung ra các gói thuê bao chỉ dành cho điện thoại di động tại Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia, với mức giá chỉ vọn vẹn chưa đến 5 USD/tháng.

Trong bối cảnh công ty tư vấn Media Partners Asia ước tính lượng thuê bao dịch vụ phát trực tuyến video tại thị trường đầy tiềm năng này có thể đạt tới 14,7 triệu vào cuối năm 2020.

Netflix đang nỗ lực mở rộng các loại hình thanh toán ở những nước có tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ thấp. Tại những thị trường như Philippines, người dùng có thể thanh toán phí thuê bao Netflix thông qua điện thoại di động hoặc mua thẻ trả trước Netflix tại các cửa hàng tiện lợi.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành thị phần của Netflix tại Đông Nam Á không chỉ có đối thủ duy nhất là Disney+, hiện đang đứng thứ 2 trong ngành này.

Netflix cũng đang đối mặt với sự “tranh giành” của các đối thủ trong khu vực, trong đó có dịch vụ video Viu của Hong Kong (Trung Quốc), chuyên phát sóng các bộ phim của Hàn Quốc, hay WeTV của Tập đoàn công nghệ Tencent (Trung Quốc), vừa mua lại nền tảng phát trực tuyến Iflix của Malaysia hồi tháng Sáu vừa qua.

Để đối phó với những thách thức trên, người đứng đầu mảng nội dung của Netflix tại Đông Nam Á Myleeta Aga cho biết sẽ tiếp tục tăng cường cung cấp các nội dung địa phương, theo đó sẽ sớm đưa vào phần nội dung các dự án phim tại Indonesia và Thái Lan.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo TTXVN

Co-Founder Netflix: Muốn xây dựng kỹ năng kinh doanh thì đừng đọc sách mà hãy làm điều này

Ông Marc Randolph, đồng sáng lập Netflix, đưa ra lời khuyên cho người muốn xây dựng kỹ năng kinh doanh: Đừng tốn thời gian vào những cuốn sách và các khóa học. 

“Đừng đọc sách”, Randolph, 62 tuổi, nói với CNBC Make It. “Đừng tham gia bất kỳ khóa học trực tuyến nào”.

Thay vào đó, “nếu bạn thực sự muốn học kỹ năng [kinh doanh], hãy tìm cách chủ động thực hành thông qua việc thực hiện chúng”, Randolph, CEO đầu tiên của Netflix nói.

Ví dụ, hãy thử thuyết phục bạn bè hoặc gia đình làm gì đó cho bạn. Để làm được điều này, bạn sẽ cần những kỹ năng tương tự để đưa công ty trở thành doanh nghiệp thu hút vốn hàng đầu, Randolph nói.

“Bạn sẽ phải suy nghĩ thấu đáo. Đâu là lợi thế bán hàng thực sự của mình? Khách hàng đã thấy những gì? Họ sẽ phản ứng như thế nào?”

Bản thân Randolph và nhà đồng sáng lập, Reed Hastings, đều không hề biết gì về kinh doanh băng đĩa hay ngành công nghiệp điện ảnh khi hai người sáng lập ra Netflix vào năm 1997.

Mặc dù đã từng kinh doanh trước đó, nhưng Netflix chỉ đơn giản là một ý tưởng mà họ theo đuổi. (Một vài ý tưởng kinh doanh khác mà họ đã không thực hiện bao gồm bán dầu gội và gậy bóng chày tùy chỉnh)

“Tôi muốn mọi người biết rằng tôi không làm điều gì đặc biệt cả, rằng bất kỳ ai cũng có thể làm những điều tương tự”, Randolph chia sẻ với CNBC Make It.

Randolph cũng nói những người mong muốn khởi nghiệp sẽ không thể tìm thấy câu trả lời trong cuốn sách “Sẽ không bao giờ thành công đâu” (“That will never work”) của ông.

“Cũng như việc bạn muốn trở thành cầu thủ trong Liên đoàn bóng chày Mỹ bằng việc đọc một cuốn sách hay vậy”, ông nói. “Không, điều bạn cần làm là ra ngoài và bắt đầu tập đánh bóng. Hành động. Tìm ai đó ném bóng cho bạn tại sân sau”.

“Đó là cách bạn trở nên tốt hơn”.

Randolph chia sẻ rằng ông đã thấy quá nhiều doanh nhân mắc kẹt, khi cố gắn kết mọi thứ lại với nhau bằng một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo, hay bằng một cú ăn điểm hoàn hảo.

“Không phân biệt đó là một ý tưởng hay hay một ý tưởng tồi – điều quan trọng là bắt đầu. Lúc bạn bắt đầu cũng là lúc bạn nhận ra đó là ý tưởng hay ý tưởng tồi”, Randolph nói. “Nó báo hiệu cho bạn”.

Sau khi từ chức CEO tại Netflix năm 1999, Randolph trở thành nhà điều hành sản xuất của hãng cho đến năm 2003 và nằm trong hội đồng quản trị cho đến năm 2004.

Netflix hiện có mức vốn hóa thị trường khoảng 217 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips via NDH

TikTok lần đầu tiên trong lịch sử lọt Top 100 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu

Nền tảng mạng xã hôi TikTok là một trong những thương hiệu có sự thay đổi mới nhất năm nay, tuy nhiên, liệu TikTok có lặp lại được thành công như đối thủ Instagram không?

Theo bảng xếp hạng Top 100 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu do BrandZ bình chọn năm 2020, TikTok được xếp ở vị trí 79 với giá trị thương hiệu là 16.9 tỷ USD.

Với vị trí này, TikTok hiện đang đứng trước các ứng dụng như Uber với thứ hạng số 85 và 16 tỷ USD, Adidas với thứ hạng 92 và 15 tỷ USD, Pepsi với thứ hạng 99 và 13 tỷ USD. TikTok cũng có tên trong danh sách Top 10 thương hiệu giải trí và truyền thông do BrandZ bình chọn.

Thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance, TikTok đã trở thành một trong những thương hiệu truyền thông mạng xã hội dành cho Gen Z với hơn 1.5 tỷ lần được tải xuống thông qua App Store và Google Play. Hiện TikTok đã có hơn 800 triệu người dùng hoạt động trên toàn thế giới.

Ông Martin Guerrieria, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu toàn cầu của BrandZ cho biết: “TikTok không phải là môt thương hiệu ra đời quá lâu, tuy nhiên nó được xem như là một thương hiệu với khả năng sáng tạo ‘tột đỉnh’.

Nếu một thương hiệu của bạn được coi là sáng tạo hơn so với đối thủ cạnh tranh, thì đó là một động lực rất lớn về giá trị”.

Đối thủ Instagram là một trong những cái tên có mức tăng trưởng cao nhất trong top 100, tăng 15 bậc lên xếp hạng thứ 29 với 41.5 tỷ USD. Theo sau là YouTube xếp hạng 37 với 37 tỷ USD và LinkedIn xếp ở mức 43 với 29.9 tỉ USD.

Trong bảng xếp hạng cụ thể cho lĩnh vực truyền thông và giải trí, Instagram có mức tăng trưởng cao nhất về giá trị thương hiệu, đứng ở vị trí thứ 24 với giá trị thương hiệu tăng 47% lên 41.5 tỷ USD, đứng trước cả Netflix ở thứ hạng 26 với 45.9 tỷ USD nhưng mức tăng trưởng chỉ là 34%.

Các thương hiệu mạng xã hội lần đầu tiên xuất hiện trên BrandZ vào năm 2010. Vào thời điểm đó, Facebook cũng không nằm trong top 100, chỉ đứng ở vị trí cuối cùng trong top 20 thương hiệu công nghệ với trị giá khiêm tốn ở mức 5.5 tỷ USD.

Những chỉ trong năm sau, gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội này đạt vị trí 35 trong bảng xếp hạng tổng thể, với mức định giá 19.1 tỷ USD – mức tăng đáng kinh ngạc tới 246%.

Đến năm 2014, Facebook đã cố gắng thiết lập một chỗ đứng vững chắc trong top 20, một nền tảng mạng xã hội khác đã lọt vào top 100 là LinkedIn ở vị trí 78, cao hơn một bậc so với vị trí hiện tại của TikTok năm 2020 là 79.

Instagram chỉ lọt vào top 100 của BrandZ ở mức 91, tức trở lại mức vào năm 2018, với mức định giá 14.5 tỷ USD.

Facebook đã mất đi một số sức hấp dẫn trong những năm gần đây, đặc biệt là trong một thế hệ những người dùng trẻ tuổi, cùng với sự sụp đổ từ vụ bê bối thu thập dữ liệu Cambridge Analytica và nạn tẩy chay quảng cáo hiện tại từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Unilever, Coca-Cola và Starbucks.

Trong khi các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác đang ngày càng ‘sa lầy’ vào các cuộc tranh luận chính trị và văn hóa thì TikTok đang hướng tới việc duy trì cảm giác mới mẻ và vui vẻ. Tuy nhiên, nền tảng này cần thu hút sự quan tâm của thương hiệu lớn hơn, chẳng hạn vừa ra mắt dịch vụ TikTok for Business.

Tương lai có vẻ tươi sáng nếu TikTok có thể duy trì sự sáng tạo của mình đồng thời các thương hiệu lớn muốn mở rộng phạm vi người dùng đến nền tảng này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via BrandZ

Những ứng dụng online phổ biến nhất thế giới ‘phiên bản’ thập niên 80

Chắc chắn những ứng dụng này sẽ mang phong cách cổ điển 1 chút, retro 1 chút chứ không còn tối giản, tinh tế như hiện nay nữa.

Ngày nay, các ứng dụng di động đã trở thành 1 phần không thể thiếu trong đời sống của con người, giúp họ có được những trải nghiệm giải trí hoàn toàn mới và đôi khi còn lại trợ thủ đắc lực trong quá trình học tập và làm việc của họ.

Mặc dù mới chỉ xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây theo sự phát triển bùng nổ của smartphone, nhưng những ứng dụng như Facebook, YouTube hay Spotify giờ đã phổ biến tới nỗi ai cũng có thể nhận ra dù chỉ cần nhìn thoáng qua logo hay giao diện của chúng.

Tuy nhiên, loạt ứng dụng này sẽ có diện mạo thế nào nếu chúng tồn tại trong những năm 80, thời điểm mà công nghệ chưa thực sự tiến bộ như bây giờ?

Nhà thiết kế đồ hoạ Luli Kibudi, 28 tuổi đến từ Argentina, đã vận dụng sự sáng tạo của mình để đưa ra lời giải đáp cho vấn đề này, trong 1 dự án có tên “Once Upon A Time” (Ngày xửa ngày xưa).

Không chỉ thay áo mới cho những app nổi tiếng nhất hiện nay, cô còn tạo ra 1 phong cách restro cổ xưa, khá phù hợp với những năm 80 khiến ai xem xong cũng phải trầm trồ.

Nhắc đến phong cách retro thì không thể thiếu được hình ảnh chiếc băng cát-xét, “tổ tiên” của Spotify cũng như nhiều nền tảng phát nhạc trực tuyến nổi tiếng nhất hiện nay.
Microsoft Word chẳng qua chỉ là phiên bản cao cấp hơn của chiếc máy đánh chữ thôi mà.
Còn đây là WhatsApp phiên bản có dây.
Tuổi thơ của 8x, 9x chắc cũng từng nhiều lần phải ra tiệm bán băng ghi hình để cày những bộ phim yêu thích, giờ thì chỉ cần đóng tiền hàng tháng cho Netflix là xong.

Chia sẻ với Bored Panda, Luli cho biết: “Ý tưởng này đến với tôi khá tình cờ, khi tôi có dịp nhìn thấy hình ảnh của Diskette trên Internet và thấy nó khá giống với iCloud, nhưng là của những ngày xa xưa. Vì phải dành phần lớn thời gian ở nhà bởi đại dịch Covid-19 nên tôi đã quyết định triển luôn dự án này cho nó vui.

Sau khi thống nhất concept chung, tôi bắt đầu nghiên cứu đến những hình ảnh, những đặc điểm mỹ thuật mà tôi thường sử dụng ngày còn bé và tìm cách liên kết chúng với logo của những ứng dụng phổ biến ngày nay. Ngoài ra, tôi còn mất khoảng 3 ngày để nghĩ tên cho dự án, và cuối cùng chốt lại với “Once Upon A Time“.

Ngày xưa muốn tìm việc, hay tìm nhà cho thuê thì chỉ biết dựa vào những bài đăng trên báo giấy mà thôi.
Pinterest của những năm 80 là 1 kho ảnh thực tế chứ không phải trực tuyến như hiện nay.
Gmail đơn giản vẫn là gmail, nhưng được làm bằng giấy và muốn “soạn thảo thư” thì phải viết bằng tay.
Bách khoa toàn thư trước khi được số hoá.

Chia sẻ về thời gian cô dành cho mỗi bức minh hoạ trong dự án của mình, Luli cho biết: “Nó còn phục thuộc vào mức độ đơn giản của từng ứng dụng.

Với những ứng dụng đơn giản như Spotify hay Netflix thì tôi làm khá nhanh, chỉ tốn khoảng 30 phút. Những cái phức tạp hơn như LinkedIn, Pinterest hay Gmail thì phải mất đến vài giờ đồng hồ, ít cũng phải 3 tiếng”.

Cô chia sẻ rằng dự án này rất thú vị và cô muốn dành nhiều thời gian để thực hiện nó chỉn chu nhất có thể. Luli chia sẻ: “Tôi thực sự yêu thích mọi công đoạn, từ việc nghiên cứu các ứng dụng này, kết hợp với những yếu tố retro cho đến khâu chỉnh sửa chi tiết hình ảnh để cho ra sản phẩm cuối cùng“.

Bây giờ xem YouTube trên smart TV thì quá đơn giản, nhưng trên TV đen trắng thì gần như là không thể.
Dịch vụ lưu trữ iCloud nhưng không còn sử dụng điện toán đám mây nữa.
Facebook – Cuốn sách hình ảnh.

Luli là 1 nhà thiết kế đồ hoạ với 10 năm kinh nghiệm, với thế mạnh trong lĩnh vực quảng cáo và marketing. Cô chia sẻ: “Chuyên ngành tôi học là graphic design và cũng từng kinh qua 1 số khoá học ngắn về marketing cũng như lập trình.

Tôi có thể thiết kế trong lĩnh vực báo chí (dàn trang), các công ty quảng cáo, truyền thông. Đây đều là những kinh nghiệm quý báu giúp tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều vấn đề cũng như đưa ra nhiều phương án giải quyết hơn”. Bạn có thể theo dõi thêm các tác phẩm của Luli tại Instagram hoặc Behance cá nhân của cô.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Trí Thức Trẻ

  • 1
  • 2