Skip to main content

Thẻ: Người hướng nội

Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)

Trong khi người hướng nội (introvert) thường được gắn liền với các cụm từ như ngại giao tiếp, suy nghĩ nhiều, ít năng động với thế giới bên ngoài, sự thật là gì?

Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)
Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)

Khi nhắc đến những “Người hướng nội”, nhiều người cho rằng người hướng nội thường gặp khó khăn trong công việc, trong giao tiếp, trong tương tác với thế giới bên ngoài.

Người hướng nội hay Hướng nội cũng là nguyên nhân bị gán cho việc không hội nhập với môi trường làm việc, không được thăng tiến hay không thành công trong cuộc sống.

Thật ra, những người thành công trên thế giới này đa số là người hướng nội đó mọi người.

Vì là người hướng nội nên họ suy nghĩ sâu sắc, tận cùng của vấn đề, sự bình tâm trong quan sát và có được góc nhìn đa diện nhờ quan sát, điều này giúp họ nhìn nhận và hiểu rõ hơn nguồn căn của vấn đề.

Người hướng nội theo đó đang được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn chưa đúng đắn, dưới đây là một số hiểu lầm thường thấy về người hướng nội.

(Bài viết được sử dụng theo phong cách ngôn ngữ đời thường và cá nhân).

Người hướng nội hay bị rối.

Trong cái thế giới ồn ào, quấy nhiễu đa diện sức khoẻ tinh thần này bằng overload thông tin và ý kiến nhân loại, việc lèo lái quan hệ của bản thân với thế giới bên ngoài trở nên quá khó. Hồi xưa, mình chưa biết mình là ai đã đành.

Mình từ từ đi tìm, từ từ chiêm nghiệm, không đụng chạm gì tới ai. Bây giờ, cái sự quá nhanh quá nguy hiểm của ảo ảo thực thực nó đẩy con người ta vô nhiều đoạn khó đỡ.

Mình chưa biết mình là ai mà cả thiên hạ họ xúm vào còm như đúng rồi, tự họ quyết định mình là ai, mình cần phải làm gì, mình cần phải sống ra sao, mình tệ bạc, ngu ngốc, thất bại thế nào theo tiêu chuẩn của họ, vv. Và mặc dù họ cũng không biết họ là ai nhưng có vẻ họ có quyền năng phán lung tung người khác là ai.

Thế là, bạn rối, và càng sợ hãi hơn nữa vì không biết đã đành, giờ lại biến thành hoang mang. Mình là như thế thiệt sao, như họ nói thiệt sao, không ra gì vậy sao…?

Bạn sợ quá, rối quá, sợ quá, rút vào cái vỏ ốc của đời mình rồi dán cho mình cái nhãn “người hướng nội” vì chưa biết phải giải quyết sao với đời, với người, với cái thế giới ồn ào và ác mồm ở ngoài kia.

Đừng có dán nhãn “hướng nội” như thế tội cho chính mình và người khác. Mình chưa xử lý được thì phải tìm cách, bắt đầu bằng chuyện quay về và kết nối với bản thân, hiểu rõ bản thân, biết mình là ai, mục đích và giá trị là gì.

Khi mình đã trong veo về bản thân thì tự nhiên mọi sự lu xu bu ngoài kia cũng sẽ biến mất.

Thế là mình hết hướng nội, mà trở nên kết nối.

Không có kỹ năng giao tiếp không có nghĩa là người hướng nội.

Nhiều khi, do mình không biết phải giao tiếp sao với đời, gặp người khác không biết nói gì, gặp sếp thì sợ không dám nói sợ nói sai, gặp đồng nghiệp thì tránh vì sợ nói xong người ta đánh giá mình, lỡ có gì không đúng thì đỡ ngại, vv.

Thế là mình dán nhãn “người hướng nội” để khỏi phải nói, khỏi phải giải thích tại sao mình không mở miệng, để làm bình phong che đậy cho cái việc mình thiếu kỹ năng giao tiếp.

Nhưng cách này xài lâu không được, vì không lẽ cả đời mình không giao tiếp, tương tác với thế giới bên ngoài?

Cứ như vậy thì làm sao phát triển bản thân, làm sao làm việc, làm sao tham gia các hoạt động xã hội, vv? Mà không tương tác gì hết, không kết nối gì hết thì làm sao thành công?

Chẳng lẽ cứ mãi đổ thừa vì mình là người hướng nội (introverts)?

Lười phát triển bản thân nên “hướng nội”.

Ngồi một mình quẹt quẹt điện thoại, lướt lướt mạng, bấm nút theo sự tiện lợi của các loại app, nền tảng, website có sẵn quen rồi, cần gì thì hỏi ChatGPT, Google, nên không có nhu cầu phải tương tác gì với ai. Ngồi kế bên cũng nhắn tin chớ không thèm nhìn vào mặt nhau.

Ngồi ăn chung bàn cũng mỗi người một cái máy quẹt quẹt, cười cười tương tác ảo chớ không thèm để ý tới người thịt người xương đang ngồi trước mặt.

Cứ như vậy, riết rồi cả xã hội chẳng ai cần kết nối hay tương tác với ai, riết rồi đâm ra lười biếng, không muốn phát triển các kỹ năng xã hội vì cũng chẳng cần chúng để tương tác với ai làm gì. Vậy, thì dán nhãn là “người hướng nội” nghe cho nó sang. Chớ không lẽ gọi là thiếu kỹ năng xã hội thì nghe nó củ chuối quá, không hợp với dáng em?

OK, thời này mình không cách nào phủi chuyện không sử dụng mạng xã hội và sống ảo.

Này nó đã là một phần của cuộc sống. Nhưng chuyện gì ra chuyện đó.

Đời nó vẫn rất thật ở ngoài kia. Người vẫn sinh lão bệnh tử chứ không sống mãi trong máy tính. Cho nên, nếu sống thật mà mơ ảo thì tỉnh dậy đi. Bạn cần kết nối cả hai cuộc đời ảo thật đang đứt gãy kia của mình nếu bạn thật sự muốn sống hạnh phúc và vui vẻ.

Bằng không thì, bạn sẽ chỉ trốn vào thế giới ảo, và co rút trong cái vỏ “người hướng nội” ngoài đời thật để trốn tránh thực tế, trốn tránh trách nhiệm làm người, trốn tránh cái job phải phát triển bản thân để thành công trong đời thật. Mình chỉ có một đời để sống thật rạng rỡ. Đừng phí nó vào sự trốn tránh chớ!

Hướng nội thật sự là người có nhiều nội lực để thành công.

Tôi là người cực hướng nội, và hay nói với mọi người là nhốt tôi trong nhà 6 tháng không gặp ai tôi cũng OK. Nhưng khi ra public thì ai cũng tưởng tôi là người hướng ngoại vì học được kỹ năng giao tiếp.

Thế thôi! Chính khả năng có thể quay về với bản thân, an yên trong thực tại, quan sát cuộc sống và bình tĩnh nhìn đời đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Nếu hỏi hướng nội có lợi không thì chắc tôi sẽ trả lời là lợi thế rất lớn của bất kỳ ai, nhất là trong thời đoạn này, khi thế giới và loài người đang rối lên với sự hỗn độn.

Người đời nông cạn, mình sâu sắc. Người đời lướt qua nhau trên bề mặt, mình kết nối sâu.

Người đời xài ChatGPT, mình vẫn giữ khả năng tư duy và suy nghĩ. I think, therefore I am –

Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại.

Chớ cái gì tôi cũng hỏi ông AI hết thì tôi thành con lười, thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo, thành công dân hạng hai. Không còn biết suy nghĩ sâu, suy ngẫm về sự tồn tại và chữ why trong đời thì còn gì là con người nữa.

Cho nên, các bạn ạ, đời này thời này hướng nội nó lợi hại lắm, nó trở thành lợi thế cạnh tranh á. Cho nên, đừng xài nó một cách tiêu cực nữa. Hãy xem đó là lợi thế nếu bạn thật sự hướng nội. Còn nếu bạn đang là “người hướng nội fake” thì thôi đi nha.

Làm ơn đừng có dán nhãn lung tung để biện minh cho những sự không ổn của chính bản thân mình. Lo mà đi phát triển bản thân và sống một cuộc đời rực rỡ đi kìa.

Vậy mới gọi là sống chớ!

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Introvert là gì? Các kiểu người hướng nội chính

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu các khái niệm xoay quanh thuật ngữ Introvert (tiếng Việt có nghĩa là Người hướng nội) như: introvert là gì, có những kiểu người introvert nào, introvert (người hướng nội) khác với extrovert (người hướng ngoại) ra sao, các tính cách chủ đạo của những người hướng nội là gì và nhiều nội dung khác.

introvert là gì
Introvert là gì? Các kiểu người Introvert (hướng nội) chính

Người hướng nội (Introvert) và người hướng ngoại (Extrovert) thực sự được nhìn nhận theo hai thái cực khá đối lập, tuy nhiên trong thực tế phần lớn mọi người thường nằm đâu đó ở giữa 2 thái cực này.

Các nội dung sẽ được phân tích trong bài:

  • Introvert là gì?
  • Điểm khác biệt lớn nhất giữa những Introvert và Extrovert là gì?
  • Các kiểu người Introvert chính.
  • Tính cách chủ đạo của những người hướng nội.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Introvert là gì?

Introvert hay người hướng nội được định nghĩa là những người có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến những cảm xúc và suy nghĩ của chính họ hơn là những gì người khác nghĩ (Theo Dictionary).

Mặc dù người hướng nội chiếm khoảng khoảng 25 đến 40% dân số (tức chỉ chiếm phần ít dân số nói chung), nhưng vẫn còn nhiều quan niệm sai sót về kiểu tính cách này.

Cũng cần lưu ý rằng người hướng nội không có nghĩa là những người hay lo lắng hoặc nhút nhát. Hướng nội là một trong những đặc điểm tính cách chính được xác định trong nhiều lý thuyết về tính cách.

Hướng nội thường được xem như là một phần của chuỗi liên tục cùng với hướng ngoại.

Các thuật ngữ hướng nội và hướng ngoại (cũng thường được gọi là extraversion) đã được phổ biến thông qua công trình nghiên cứu của Ông Carl Jung, một nhà tâm lý học và phân tâm học của Thuỵ Sĩ và sau đó trở thành phần một phần nội dung quan trọng của các lý thuyết về tính cách của con người.

Theo nhiều lý thuyết về tính cách, mọi người đều có một mức độ nào đó ở cả hướng nội và hướng ngoại. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ đại diện cho một xu hướng hay thái cực tính cách nhất định.

Những introvert hay người hướng nội có xu hướng trầm lặng, dè dặt và nội tâm hơn.

Một số nhân vật như thiên tài Albert Einstein, nhà đầu tư lỗi lạc Warren Buffett hay nhà sáng lập Microsoft Bill Gates là những người đại diện cho người hướng nội.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những Introvert và Extrovert là gì?

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những Introvert và Extrovert là gì?
Điểm khác biệt lớn nhất giữa những Introvert và Extrovert là gì?

Không giống như những người hướng ngoại (extrovert) thường năng động và thích giao tiếp hơn với xã hội, những người hướng nội thường phải tiêu hao năng lượng trong các mối quan hệ xã hội.

Khi tham dự một bữa tiệc hoặc dành thời gian cho một nhóm đông người, những người hướng nội thường cảm thấy cần phải “nạp năng lượng” bằng cách dành một khoảng thời gian ở một mình. Trong khi với người hướng ngoại thì làm điều ngược lại.

Các kiểu người Introvert chính.

Hiện tại, sau nhiều nghiên cứu, người hướng nội được phân chia thành 4 nhóm chính bao gồm: Social Introversion (hướng nội xã hội), Thinking Introversion (hướng nội trong suy nghĩ), Anxious Introversion (hướng nội lo lắng) và Restrained Introversion (hướng nội hạn chế).

1. Social Introversion  – Hướng nội xã hội.

Dưới đây là 10 dấu hiệu chính của những introvert theo hướng “hướng nội xã hội”.

  • Tôi thích chia sẻ những dịp đặc biệt với chỉ một người hoặc một vài người bạn thân, hơn là những lễ kỷ niệm lớn.
  • Tôi nghĩ sẽ thật hài lòng nếu tôi có thể có tình bạn rất thân với nhiều người.
  • Tôi cố gắng sắp xếp thời gian trong ngày của mình để luôn có thời gian dành cho bản thân.
  • Tôi thích đi nghỉ ở những nơi có nhiều người xung quanh và có nhiều hoạt động diễn ra.
  • Sau khi trải qua một vài giờ được bao quanh bởi rất nhiều người, tôi thường háo hức được tự mình đi ra ngoài và ở một mình.
  • Tôi không có nhu cầu cao về việc ở bên người khác.
  • Chỉ ở gần những người khác và tìm hiểu về họ là một trong những điều thú vị nhất mà tôi có thể nghĩ đến.
  • Tôi thường thích làm mọi việc một mình.
  • Những người khác có xu hướng hiểu lầm tôi – hình thành ấn tượng sai lầm về kiểu người của tôi bởi vì tôi không nói nhiều về bản thân mình.
  • Tôi cảm thấy kiệt sức sau những giao tiếp xã hội, ngay cả khi tôi rất vui.

2. Thinking Introversion – Hướng nội trong suy nghĩ.

Dưới đây là 10 dấu hiệu chính của những introvert theo hướng “hướng nội trong suy nghĩ”.

  • Tôi thích phân tích những suy nghĩ và ý tưởng của riêng mình về bản thân.
  • Tôi có một đời sống nội tâm phong phú và phức tạp.
  • Tôi thường xuyên nghĩ xem mình là người như thế nào.
  • Khi tôi đang đọc một câu chuyện hoặc cuốn tiểu thuyết thú vị hoặc khi tôi đang xem một bộ phim hay, tôi tưởng tượng mình sẽ cảm thấy thế nào nếu những sự kiện trong câu chuyện đó xảy ra với tôi.
  • Tôi hiếm khi suy nghĩ cho bản thân.
  • Tôi thường chú ý đến cảm xúc bên trong của mình.
  • Tôi coi trọng sự tự đánh giá của cá nhân tôi, tức là ý kiến cá nhân mà tôi có về bản thân.
  • Đôi khi tôi lùi lại (trong tâm trí) để kiểm tra bản thân.
  • Tôi mơ mộng và mơ mộng, thường xuyên, về những điều có thể xảy ra với tôi.
  • Tôi thiên về nội tâm, tức là phân tích bản thân.

3. Anxious Introversion – Hướng nội lo lắng.

Dưới đây là 10 dấu hiệu chính của những introvert theo hướng “hướng nội lo lắng”.

  • Khi bước vào một khán phòng, tôi thường trở nên tự ý thức và cảm thấy rằng ánh mắt của người khác đang nhìn vào mình.
  • Suy nghĩ của tôi thường tập trung vào những giai đoạn trong cuộc đời mà tôi ước gì mình sẽ ngừng suy nghĩ về nó.
  • Hệ thống thần kinh của tôi đôi khi cảm thấy yếu ớt đến mức tôi chỉ có thể tự mình thoát ra.
  • Tôi tự tin về các kỹ năng xã hội của mình.
  • Thất bại hoặc thất vọng thường khiến tôi xấu hổ hoặc tức giận, nhưng tôi cố gắng không thể hiện chúng ra bên ngoài.
  • Tôi không mất nhiều thời gian để vượt qua sự nhút nhát của mình trong những tình huống mới.
  • Tôi cảm thấy thoải mái ngay cả trong những tình huống xã hội không quen thuộc.
  • Ngay cả khi ở trong một nhóm bạn, tôi thường cảm thấy rất cô đơn và bất an.
  • Những suy nghĩ, cảm xúc và hành động bí mật của tôi có thể khiến một số bạn bè của tôi kinh hoàng.
  • Tôi cảm thấy tủi thân một cách đau đớn khi ở cạnh những người xa lạ.

4. Restrained Introversion – Hướng nội giới hạn.

Dưới đây là 10 dấu hiệu chính của những introvert theo hướng “hướng nội giới hạn”.

  • Tôi thích đi và chạy ngay ra ngoài khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Tôi sẽ thử mọi thứ ít nhất là một lần.
  • Để thư giãn, tôi thích sống chậm lại và làm mọi thứ dễ dàng.
  • Tôi thích cố gắng hết sức.
  • Tôi thường nói điều đầu tiên xuất hiện trong đầu.
  • Tôi thường tìm kiếm những trải nghiệm và cảm giác mới mẻ và thú vị.
  • Tôi thích bận rộn mọi lúc.
  • Tôi thường hành động theo ý muốn.
  • Đôi khi tôi làm những điều “điên rồ” chỉ để trở nên khác biệt.
  • Tôi thường cảm thấy uể oải.

Kết luận.

Như đã phân tích ở trên, trong khi introvert và extrovert vốn được xem là 2 kiểu người đối lập nhau, trong thực tế họ cũng có không ít những điểm tương đồng nhau, hay thậm chí là hoà lẫn vào nhau.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa họ là, thay vì những gì introvert hướng tới là thế giới nội tâm bên trong của chính họ thì với extrovert. Họ lại cảm thấy thoải mái khi được hoà lẫn vào thế giới cảm xúc bên ngoài của mọi người.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Tại sao 70% người thành công là người hướng nội

Những người thành công đều là những người biết ăn nói,có thể diễn thuyết một cách đầy tự tin trước mặt mọi người. Trong mắt nhiều người, người hướng ngoại dễ dàng thành công hơn người hướng nội, nhưng thực tế cho thấy, trong số những người thành công, tỉ lệ người hướng nội lại nhiều hơn người hướng ngoại.

Einstein, Bill Gates, Warren Buffett, Steven A. Spielberg, Murakami Haruki… có tới 70% số người thành công trên thế giới là người hướng nội (introvert).

Vì sao vậy? Bài viết này sẽ cho bạn biết, trên con đường thành công, dù những người hướng ngoại có nhiều cơ hội hơn nhưng những người hướng nội cũng hoàn toàn có thể thành công theo cách riêng của họ. “Như vậy không được, bạn phải bước ra khỏi thế giới của bản thân”

“Sao chẳng nói gì thế, làm gì mà lạnh lùng thế!”
“Hướng nội như thế, sau này làm sao đi kết bạn? Đi làm thì phải làm sao, người như vậy không làm lãnh đạo được đâu.”

Đã bao giờ bạn phải nghe những câu nói như vậy chưa? Ai ai cũng khuyên bạn nên bỏ tính cách hướng nội của mình đi. Người hướng nội như bạn dường như luôn bị người khác dán cho cái mác sợ người, tự ti, không vui vẻ, không hài hước…

Nhưng, bạn có thực sự hiểu thế nào là hướng nội không? Bạn thực sự hiểu những người hướng nội ư?

Trong một môi trường xã hội như hiện nay, mọi người hầu hết đều yêu thích những người hướng ngoại, là một người hướng nội, họ luôn cảm thấy áp lực, cảm thấy mình không được yêu mến.

Tuy nhiên, trong bài diễn giảng tại TED của Susan Cain, chúng ta có thể thấy được người hướng nội hoàn toàn có thể tạo ra giá trị cho thế giới bằng những khả năng vô hạn của mình.

Hướng nội không phải khuyết điểm, nó cũng xứng đáng được đánh giá cao và khen ngợi.

Năng lượng tinh thần của người hướng ngoại luôn hướng ra bên ngoài, vì vậy họ năng động và thân thiện với xã hội, còn năng lượng tinh thần của người hướng nội lại hướng vào bên trong, vì vậy họ quan tâm đến thế giới nội tâm hơn, yên tĩnh hơn, thích ở một mình và suy nghĩ hơn.

12 điều sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về người hướng nội và lý do vì sao họ thành công.

1. Thích ở một mình là lựa chọn của tôi.

Phần lớn mọi người đều sợ cảm giác không có ai ở bên, bởi ở một mình rất dễ suy nghĩ lung tung, còn người hướng nội, họ lại luôn tận hưởng khoảng thời gian ở một mình đó. Người hướng nội không sợ giao tiếp xã hội, không tham gia vào các hoạt động xã giao chỉ đơn giản là lựa chọn của họ thôi.

2. Biết cách lắng nghe, biết đồng cảm với người khác.

Người hướng nội rất yên tĩnh, không thích nói nhiều, nhưng lại rất biết cách lắng nghe và đồng cảm với người khác. Lúc bạn buồn, người hướng ngoại sẽ nghe bạn kể rồi đưa bạn ra ngoài vui chơi, còn người hướng nội lại lắng nghe và cùng bạn buồn.

Lúc khó khăn, cần nhất một người hiểu được mình, có được một người bạn tâm giao như vậy là điều hạnh phúc nhất trên thế giới này.

3. Rất chuyên tâm và có chiều sâu.

Người hướng nội, phần lớn đều có sở thích mà có thể làm một mình như đọc sách hay viết bài, nhiều năm tôi luyện khiến họ trở nên rất chuyên tâm, và suy nghĩ cũng rất có chiều sâu.

4. Vui vẻ thực ra rất đơn giản, sự đơn giản chính là vui vẻ.

Người hướng nội không phải không vui vẻ, họ chỉ là đang tận hưởng một kiểu vui vẻ khác thôi, ví dụ như đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, nghe một bản nhạc… mà không ai quấy rầy, họ không cần gì quá nhiều.

5. Nghĩ kĩ trước khi nói, nói gì cũng đều có minh chứng.

Đây là một phẩm chất rất hiếm có, nhưng nó lại thường bị hiểu lầm là ngại ngùng, không thích biểu đạt. Người hướng nội chỉ là cẩn trọng hơn một chút, những chuyện mà mình không biết rõ sẽ không nói ra để tránh làm người khác hoang mang.

6. Im lặng là bản năng, đáng tin cậy.

Người hướng nội vô cùng đáng tin cậy, rất biết giữ bí mật. Mọi người đều biết bạn không phải là người ăn nói tùy tiện, cũng không phải là người gặp đâu buôn đó.

7. Tiết kiệm nhưng không bạc đãi bản thân.

Người hướng nội có thể vui vẻ ở lì trong nhà, không ra ngoài không có nghĩa là khả năng xã giao của họ kém, mà là đôi khi họ thấy việc đó không cần thiết.

Ở nhà cũng có thể sống một cách rất thú vị, họ không vì buồn chán mà tiêu tiền linh tinh, lúc muốn chơi thì nhất định sẽ không ngược đãi bản thân.

8. Không thường mở mồm, nhưng mở mồm ra câu nào là đáng giá câu ấy.

Nói cho cùng thì bạn nói gì không quan trọng, quan trọng là nói như nào. Người hướng nội chỉ không thích nói những chuyện vô bổ, không phải vì họ “không thể”, mà là họ “không muốn”. Nói chuyện phải có trọng điểm, không thích hùa theo người khác.

9. Những nhà lãnh đạo tài ba, phong cách không giống ai.

Ngược hoàn toàn so với những gì bạn nghĩ, người hướng nội có thể trở thành một nhà lãnh đạo rất tài ba.

Họ có thể không thích nói chuyện, nhưng họ biết cách tôn trọng nhu cầu của người khác, biết làm sao để có những suy nghĩ mang tính chiến lược, làm sao để đưa ra những ý tưởng có giá trị. Người hướng nội khi quản lý những người hướng ngoại trong đoàn đội của mình cũng rất có phong cách riêng.

10. Hiểu rất rõ bản thân muốn gì.

Rất nhiều người không hiểu bản thân mình, nghĩ mãi không ra vì sao mình lại trở thành như vậy. Nhưng người hướng nội thì không, họ luôn hiểu rõ bản thân mình, biết mình muốn gì, luôn nghe theo tiếng nói nội tâm của mình.

11. Khả năng sáng tạo đáng kinh ngạc

Người hướng nội có một phẩm chất mà không phải người hướng ngoại nào cũng có được. Thế giới của họ phong phú ra sao chỉ có mình họ biết, rất nhiều nghệ thuật gia, triết học gia vĩ đại đều là những người “không giỏi giao tiếp cho lắm”.

12. Ít bạn bè nhưng đều là những người bạn chất lượng.

Có thể bạn bè họ không nhiều nhưng một khi đã là bạn thì sẽ là bạn cả đời. Họ không kết bạn để cho nhiều, mà kết bạn vì họ đáng tin cậy, và hiểu mình.

Hướng nội không phải là khuyết điểm. Tính tình hướng nội cũng có thể có một cuộc sống phong phú và tuyệt vời bởi bạn chính là phiên bản tốt nhất của chính mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips