Skip to main content

Thẻ: sự đồng cảm

Cách đưa sự đồng cảm vào chiến lược trải nghiệm khách hàng

Sự đồng cảm có liên quan gì đến những trải nghiệm của khách hàng và thương hiệu có thể đưa nó vào chiến lược marketing như thế nào.

Cách đưa sự đồng cảm vào chiến lược trải nghiệm khách hàng
Source: Adobe Stock

Bà Natalie Petouhoff, một chuyên gia về trải nghiệm khách hàng từng nói: “Bạn có hai tài sản mà nếu thiếu nó bạn không thể có một doanh nghiệp, đó là nhân viên và khách hàng.”

Mặc dù họ là những tài sản quý giá, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng coi trọng và có cách đầu tư đúng mức.

Bà Petouhoff cho rằng sự đồng cảm là chìa khóa để giải quyết các thách thức về trải nghiệm khách hàng (CX) và trải nghiệm của nhân viên (EX) trong doanh nghiệp.

Quay trở lại lịch sử.

Trải qua nhiều giai đoạn kinh tế khác nhau, nhiều cuộc cách mạng công nghiệp khác nhau, mục tiêu của doanh nghiệp cũng liên tục thay đổi, từ tập trung vào sản phẩm, tập trung vào nhân viên đến tập trung vào khách hàng.

Trong khi mọi người đang ngày càng nói nhiều hơn về CX (và cả EX), thì lời hứa vẫn chỉ là các lời hứa, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tạo ra những tác động đáng kể đến cả nhân viên lẫn khách hàng của họ thông qua các trải nghiệm trọn vẹn.

Hầu hết các doanh nghiệp hay thương hiệu đều lấy quan điểm kinh doanh là trọng tâm (business-centric) khi xây dựng các trải nghiệm, cho dù đó là cho khách hàng hay nhân viên của họ. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ (thường là hàng hóa – Commodity), hơn là những trải nghiệm tuyệt vời.

Ý nghĩa thực sự của sự đồng cảm.

Để có thể hiểu được khái niệm hay tư duy về trải nghiệm đồng cảm, trước tiên, bản thân doanh nghiệp hay người làm marketing cần phải hiểu về sự đồng cảm.

Đừng nhầm lẫn đồng cảm (empathy) với cảm thông (sympathy). Trong khi cảm thông là việc bạn cảm thấy tiếc nuối cho sự bất hạnh hay không may mắn của người khác.

Đồng cảm chỉ xảy ra khi bạn thực sự đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để sau đó hoà nhập cùng cung bậc cảm xúc của chính họ.

Bạn có thể dễ dàng thông cảm hay cảm thông với một ai đó nhưng rất khó để thực sự đồng cảm (Tôi rất tiếc vì những gì bạn đang trải qua – Tôi không thể tưởng tượng được bạn đã trải qua nó như thế nào – Tôi không thể nào cảm nhận hay hiểu được).

Bạn chỉ có thể có được sự đồng cảm khi bạn thực sự suy nghĩ hay hành động theo góc nhìn hay quan điểm của người khác thay vì từ chính bạn.

Đối với một doanh nghiệp hay từ góc nhìn kinh doanh, đồng cảm có nghĩa là tất cả yếu tố như con người, quy trình, chiến lược, khả năng lãnh đạo hay công nghệ đều cần phù hợp với quan điểm của khách hàng và nhân viên thay vì chỉ là doanh nghiệp.

Sẵn sàng gia nhập vào nền kinh tế dựa trên sự đồng cảm.

Một trong những chiến lược khôn ngoan mà các thương hiệu cần phải thích ứng đó là chuyển trọng tâm của họ từ cắt giảm chi phí sang tăng doanh thu.

Mặc dù cả hai con đường đều hướng đến mục tiêu là tăng lợi nhuận, tuy nhiên, trong khi con đường thứ nhất làm hao mòn sự kỳ vọng của khách hàng và thậm chí là của nhân viên, con đường thứ hai dường như trọn vẹn hơn.

Một trong những mô hình kinh doanh mà các doanh nghiệp có thể tham khảo để vừa tăng doanh thu vừa cải thiện các trải nghiệm của khách hàng đó là mô hình Flywheel.

Các giai đoạn của mô hình này gắn liền với các chiến lược như Lắng nghe, Hiểu và Dự báo, Hành độngHọc hỏi không ngừng.

Đầu vào (input) là việc lắng nghe có nghĩa là doanh nghiệp đang đầu tư vào các hoạt động kinh doanh dựa trên sự đồng cảm – giá trị của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sự đồng cảm, văn hóa dựa trên sự đồng cảm, lãnh đạo dựa trên sự đồng cảm và công nghệ dựa trên sự đồng cảm.

Dựa trên các yếu tố đầu vào đó, ở đầu ra (output), doanh nghiệp cũng cần đưa ra các chiến lược hành động dựa trên sự đồng cảm.

Một thành phần quan trọng khác của quá trình xây dựng các trải nghiệm khách hàng dựa trên sự đồng cảm là ý thức cộng đồng, thứ mà mọi thương hiệu B2C đều nên quan tâm và xây dựng.

Ở thế giới ngày nay, khi khách hàng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến khía cạnh ý thức tiêu dùng, sức ảnh hưởng của thương hiệu đến cộng đồng cũng là yếu tố quyết định việc liệu khách hàng có muốn mua hàng và kết nối với doanh nghiệp hay không.

Đại dịch là bối cảnh thuận lợi cho sự đồng cảm.

Trong vô số các thứ mà đại dịch đã làm thay đổi, sự cần thiết của khả năng đồng cảm là một trong số đó. Khách hàng tin rằng, khi thương hiệu có thể hiểu được những cảm xúc của họ, chia sẻ với họ thì giữa họ với thương hiệu cũng có thể hình thành một mối quan hệ sâu sắc nào đó.

Khi khách hàng tìm kiếm các sản phẩm hay thương hiệu, họ không đơn giản là tìm kiếm các giải pháp có thể giải quyết các vấn đề cá nhân của họ, họ tìm kiếm sự đồng cảm hay tính liên quan giữa sản phẩm và hệ giá trị riêng của chính họ.

Sự đồng cảm – cho dù đó là giữa các mối quan hệ bạn bè, hay giữa khách hàng với doanh nghiệp – nó giúp tạo ra niềm tin và sự trung thành, đây là những yếu tố cốt lõi để bắt đầu một mối quan hệ lâu dài và bền vững.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu của các doanh nhân

Bằng cách thể hiện và rèn luyện sự đồng cảm, bạn sẽ thấu hiểu được cảm xúc của nhân viên và có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để tạo ra lực lượng lao động hạnh phúc và năng suất hơn.

Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu của các doanh nhân

Từ “làn sóng bỏ việc” đang gia tăng trên phạm vi toàn cầu đến các cuộc xung đột giữa các cá nhân tại nơi làm việc, cũng như sự chia rẽ chính trị ngày một dâng cao, rõ ràng sự đồng cảm đang trở nên “khan hiếm” hơn bao giờ hết.

Sự đồng cảm là một đặc điểm, một dấu hiệu quan trọng trong không gian kinh doanh, do tính gần gũi và hợp tác của nó. Khi bạn làm việc lâu dài với một người, khả năng đồng cảm của bạn với họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của cả bạn lẫn họ.

Bằng cách thể hiện và thực hành sự đồng cảm, bạn thực sự cảm nhận được những gì người khác đang cảm nhận đồng thời hiểu được những cảm xúc đó ở mức độ trí tuệ cao nhất.

Sự đồng cảm là gì và… không phải là gì.

Đồng cảm (Empathy) là khả năng xác định, thấu hiểu và chia sẻ những cảm xúc hay suy nghĩ của người khác một cách gần gũi nhất. Nó không giống như sự cảm thông (sympathy), khi bạn cảm thấy lo lắng hoặc thương hại người khác.

Sự đồng cảm đòi hỏi việc chia sẻ một quan điểm chung và thực sự thấu hiểu về các phản ứng cảm xúc cụ thể của một người nào đó.

Các nhà tâm lý học đã xác định 3 kiểu đồng cảm khác nhau gồm:

  • Đồng cảm về nhận thức là khả năng phân biệt các trạng thái cảm xúc khác nhau ở người khác.
  • Đồng cảm về cảm xúc là cảm nhận một số điều mà người khác đang cảm thấy; và
  • Đồng cảm động lòng trắc ẩn là khi bạn biết người kia đang cảm thấy gì, tự mình trải qua cảm xúc đó và mong muốn được thực hiện một số hành động cụ thể để giúp người đó cảm thấy tốt hơn.

Mặc dù mỗi hình thức đồng cảm đều có thể giúp bạn trở thành chủ doanh nghiệp, doanh nhân hay những người nhân viên tốt hơn, sự đồng cảm động lòng trắc ẩn nói riêng là sự đồng cảm ở mức độ kết nối sâu sắc nhất.

Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu cho các doanh nhân.

Nhân viên đang ngày càng cảm thấy áp lực và căng thẳng hơn với mọi thứ, họ bị đánh giá thấp và thậm chí là bị coi thường. Đây cũng là một phần lý do dẫn đến làn sóng từ chức vĩ đại trên toàn cầu trong thời gian gần đây.

Sự đồng cảm xuất phát từ các cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp giúp giảm bớt những vấn đề này, từ đó nhân viên sẽ ít có khả năng bỏ việc hơn, gắn bó hơn và có thể thực hiện công việc tốt hơn.

Đồng cảm giúp quá trình tương tác giữa cá cá nhân trong đội nhóm trở nên gẫn gũi và hiệu quả hơn, cải thiện sự gắn bó của nhân viên đồng thời phát triển lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp.

Cuối cùng, sự đồng cảm cũng có thể giúp bạn đánh giá các phản ứng cảm xúc của người khác đối với một vấn đề liên quan đến công việc một cách khách quan hơn, để từ đó bạn xử lý tình huống nhạy bén hơn.

Phát triển sự đồng cảm tại nơi làm việc.

Nếu sự đồng cảm hiện không có sẵn trong tổ chức hay doanh nghiệp của bạn, hãy bắt đầu thử xây dụng và thực hành nó. Cũng giống như việc phát triển bất cứ kỹ năng nào khác, sự đồng cảm cũng cần được phát triển thông qua một loạt các bước thực hành thường xuyên.

Để thực hành sự đồng cảm, hãy thử các bước sau từ tạp chí Psychology Today:

  • Hãy xem xét một người mà bạn biết khá rõ và đã trò chuyện với họ trong thời gian gần đây. Đây có thể là một nhân viên, một thành viên trong gia đình của bạn, một giám đốc điều hành hoặc chỉ đơn thuần là một người bạn.
  • Bạn mô tả tính khí hay tâm trạng của họ đã thể hiện như thế nào trong vài ngày qua?
  • Tiếp theo, bạn nên suy nghĩ về những nguyên nhân (tiềm ẩn) dẫn đến các trạng thái tâm trạng đó. Điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của họ, điều có thể khiến họ rơi vào những trạng thái cảm xúc (tích cực hoặc tiêu cực) đó?
  • Bạn có thể đang đóng vai trò gì trong những diễn biến cảm xúc của họ?
  • Bạn có thể đặt mình vào vị trí của họ và thử cảm nhận hiện tại họ đang cảm thấy như thế nào không?
  • Cuối cùng, hãy cân nhắc xem bạn có thể làm gì để giúp họ cải thiện?

Bằng cách dành một chút nhỏ thời gian cho những câu hỏi hay bài tập đơn giản này hàng ngày, bạn cảm thấy sự đồng cảm trong mình sẽ bắt đầu phát triển một cách tự nhiên.

Bày tỏ sự đồng cảm.

Tại sao sự đồng cảm là kỹ năng quan trọng hàng đầu của các doanh nhân

Về cơ bản, chúng ta có thể thể hiện và thực hành sự đồng cảm trong bất kỳ bối cảnh nào, dù cho trong bối cảnh kinh doanh hay cuộc sống, tuy nhiên tại nơi làm việc, việc bạn thể hiện phải thực sự tinh tế.

Đặt một câu hỏi mở là một trong những cách hay để khiến người khác cảm thấy được lắng nghe và có giá trị, đặc biệt khi người đang hỏi là các nhà lãnh đạo.

Những câu hỏi đầy sự quan tâm của bạn cho biết bạn đang tham gia vào cuộc thảo luận, rằng bạn đang lắng nghe và rằng bạn quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề một cách công bằng.

Bày tỏ sự đồng cảm giúp bạn thể hiện ý định và nỗ lực của mình, để từ đó bạn có thể hiểu người khác một cách đầy đủ hơn. Một số câu bạn có thể sử dụng để thực hành điều này:

  • “Bạn cảm thấy thế nào…về những gì vừa xảy ra?”
  • “Tôi rất tiếc khi phải nghe điều đó….”
  • “Tôi nghĩ rằng tôi cũng sẽ cảm thấy như vậy trong tình huống đó…”
  • “Tôi có thể làm gì để giúp giúp bạn không…”
  • “Bạn có muốn chia sẻ rõ hơn về điều này không? Tôi rất muốn nghe…”

Một vài cách đơn giản khác để bạn có thể thực hành sự đồng cảm.

Ngoài việc sử dụng những câu hỏi mở, bày tỏ lòng biết ơn và sự quan tâm, bạn cũng có thể thử các cách sau:

  • Lắng nghe tích cực: Đặt câu hỏi mở chỉ là bước đầu tiên. Bạn cũng cần phải hoà nhập với người đối diện bằng cách tích cực lắng nghe họ khi họ trả lời. Hạn chế ngắt lời khi họ đang nói. Thay vào đó, hãy để họ thoải mái thể hiện quan điểm của mình.
  • Ưu tiên sức khỏe của nhân viên: Không có gì tốt hơn việc thể hiện sự đồng cảm của bạn với các thành viên bằng cách coi sức khoẻ của họ là sự ưu tiên hàng đầu của bạn. Hãy thường xuyên tổ chức các chương trình giúp nhân viên của bạn duy trì sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Hạn chế sự vội vàng khi phát xét: Là một doanh nhân, bạn thường bị áp lực khi phải đưa ra các quyết định một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong những tình huống cá nhân hơn, sự đồng cảm yêu cầu bạn tiếp cận vấn đề một cách chậm rãi và sâu sắc hơn.
  • Nhận phản hồi từ người khác: Các nhà lãnh đạo thường e ngại việc nhận phản hồi từ các nhân viên của họ, nhưng trên thực tế, việc lắng nghe phản hồi là một trong những cách hiệu quả nhất để hiểu những gì đang diễn ra. Hãy tiếp nhận ý kiến ​​phản hồi từ đồng nghiệp hoặc các thành viên đáng tin cậy khác về mức độ bạn đang thể hiện sự đồng cảm.

Đặt bản thân bạn vào tình cảnh của người khác.

Trong nhiều trường hợp, chỉ cần một chút đồng cảm cũng có thể giúp bạn tạo ra một nơi làm việc tích cực, hiệu quả và gắn kết hơn. Hãy thực hành lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi mở và thực hành sự thấu cảm với mọi người.

Bạn sẽ sớm nhận thấy rằng, lực lượng lao động của mình sẽ ngày một hạnh phúc hơn, hoà nhập hơn và đóng góp nhiều hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Nghiên cứu: Sự đồng cảm là kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất

Sự đồng cảm luôn là một kỹ năng quan trọng đối với các nhà lãnh đạo. Bên cạnh việc kỹ năng này mang nhiều ý nghĩa trong cách giao tiếp, nó cũng có thể thúc đẩy kết quả kinh doanh tốt hơn đáng kể.

Bạn luôn biết rằng việc chứng minh sự đồng cảm là điều tích cực đối với hầu hết mọi người, nhưng nghiên cứu mới cho thấy nó có tầm quan trọng trên rất nhiều khía cạnh, từ sự đổi mới đến duy trì lòng trung thành của nhân viên.

Khả năng lãnh đạo tuyệt vời đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả các loại kỹ năng để tạo điều kiện cho sự gắn bó, hạnh phúc và hiệu suất, sự đồng cảm đứng đầu trong danh sách những điều mà các nhà lãnh đạo cần phải làm đúng.

Sức ảnh hưởng của sự căng thẳng.

Lý do khiến sự đồng cảm đang trở nên cần thiết hơn là vì mọi người đang trải qua nhiều sự căng thẳng và dữ liệu cho thấy điều này bị ảnh hưởng bởi đại dịch và cách cuộc sống cũng như công việc của chúng ta đã bị đảo lộn.

  • Sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu toàn cầu của Qualtrics cho thấy 42% số người đã bị suy giảm sức khỏe tinh thần. Cụ thể, 67% số người đang trải qua sự gia tăng căng thẳng, 57% cho sự lo lắng và 54% bị kiệt sức về mặt cảm xúc. 53% số người đang rất buồn, 50% khó chịu, 28% khó tập trung, 20% mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, 15% gặp khó khăn trong suy nghĩ và 12% gặp thử thách khi phải gánh vác các trách nhiệm mới của họ.
  • Cuộc sống cá nhân. Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học sức khỏe nghề nghiệp cho thấy giấc ngủ của chúng ta bị ảnh hưởng khi chúng ta cảm thấy căng thẳng trong công việc. Nghiên cứu tại Đại học Illinois cho thấy khi nhân viên nhận được những email khiếm nhã tại nơi làm việc, họ có xu hướng cảm thấy tiêu cực và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ. Ngoài ra, một nghiên cứu tại Đại học Carleton cho thấy khi mọi người trải qua sự bất lực trong công việc, họ có xu hướng cảm thấy mình có ít khả năng hơn và kém cỏi hơn (kể cả trong các khía cạnh khác ngoài công việc).
  • Hiệu suất, Doanh thu và Trải nghiệm Khách hàng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Học viện Quản lý cho thấy khi mọi người đang dần nhận ra sự thô lỗ hay khiếm nhã trong công việc, hiệu suất của họ bị giảm sút và họ ít có khả năng giúp đỡ người khác hơn. Và một nghiên cứu mới tại Đại học Georgetown cho thấy tình trạng bất lực tại nơi làm việc đang gia tăng và có sức ảnh hưởng rất lớn, bao gồm cả việc giảm hiệu suất và sự cộng tác, từ đó làm giảm trải nghiệm của khách hàng và doanh thu.

Sự đồng cảm mang đến những kết quả tích cực.

Nhưng khi chúng ta trải qua những giai đoạn khó khăn, phải đấu tranh hoặc cảm thấy khó khăn trong việc tìm thấy sự hạnh phúc trong công việc, sự đồng cảm có thể là liều thuốc mạnh mẽ nhất, nó đóng góp vào những trải nghiệm tích cực cho cả các cá nhân và tập thể.

Một nghiên cứu mới trên 889 nhân viên của Catalyst cho thấy sự đồng cảm có một số sức ảnh hưởng mang tính xây dựng đáng kể:

  • Sự đổi mới. Khi mọi người biết lãnh đạo của họ là người đồng cảm, họ có nhiều khả năng hơn cho sự đổi mới. 61% nhân viên làm việc với các nhà lãnh đạo có sự đồng cảm có khả năng đổi mới so với chỉ 13% nhân viên làm việc với các nhà lãnh đạo ít có sự đồng cảm hơn.
  • Sự gắn bó. 76% những người nhận được sự đồng cảm từ lãnh đạo của họ cho biết họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp so với mức chỉ 32% từ những người có ít sự đồng cảm hơn.
  • Khả năng giữ chân nhân viên. 57% phụ nữ da trắng và 62% phụ nữ da màu cho biết họ khó có thể nghĩ đến việc rời bỏ doanh nghiệp nếu họ cảm thấy mình được tôn trọng và có giá trị. Tuy nhiên, trong một điều kiện ngược lại, chỉ có 14% phụ nữ da trắng và 30% phụ nữ da màu cho biết họ không nghĩ đến việc nghỉ việc.
  • Tính toàn diện. 50% những người làm việc với các nhà lãnh đạo có sự đồng cảm cho biết nơi làm việc của họ có tính toàn diện và đa dạng, so với mức chỉ 17% ở các doanh nghiệp mà lãnh đạo của họ thiếu đi sự đồng cảm.
  • Công việc và Cuộc sống. Khi mọi người cảm thấy các nhà lãnh đạo của họ có nhiều sự đồng cảm hơn, 86% cho biết họ có thể điều hướng các yêu cầu của công việc và cuộc sống một cách hiệu quả hơn so với mức 60% ở những nhà lãnh đạo có ít đồng cảm.

Hợp tác cũng là một yếu tố quan trọng khác. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Evolution Biology, khi sự đồng cảm được đưa vào quá trình ra quyết định, nó sẽ làm tăng sự hợp tác và thậm chí sẽ khiến mọi người trở nên đồng cảm hơn.

Kết nối cho sự đồng cảm.

Ngoài ra, sự đồng cảm dường như là bẩm sinh. Trong một nghiên cứu của Đại học Lund, trẻ em dưới hai tuổi đã thể hiện một sự đánh giá cao rằng những người khác có quan điểm khác với quan điểm của chúng.

Và nghiên cứu tại Đại học Virginia cho thấy khi mọi người nhìn thấy bạn bè của họ bị đe dọa, họ cũng có những trải nghiệm tương tự trong não bộ như khi họ bị đe dọa. Mọi người dành tình cảm cho bạn bè và đồng đội của họ sâu sắc như họ cảm thấy cho chính mình.

Tất cả những điều này làm cho sự đồng cảm trở thành một phần quan trọng tại nơi làm việc và cả trong cuộc sống cá nhân của chúng ta.

Dẫn dắt bằng sự đồng cảm.

Các nhà lãnh đạo có thể thể hiện sự đồng cảm theo hai cách. Đầu tiên, họ có thể xem xét suy nghĩ của người khác thông qua sự đồng cảm trong nhận thức của chính mình (Nếu tôi ở vị trí của anh ấy/cô ấy… tôi sẽ nghĩ gì?).

Các nhà lãnh đạo cũng có thể tập trung vào cảm xúc của một người bằng cách sử dụng sự đồng cảm về cảm xúc (Ở vị trí của anh ấy/cô ấy, tôi có cảm thấy tương tự không).

Nhưng các nhà lãnh đạo sẽ thành công nhất không chỉ khi họ xem xét hay cân nhắc quan điểm của người khác, mà khi họ bày tỏ mối quan tâm và thắc mắc về những thách thức một cách trực tiếp, sau đó lắng nghe phản hồi của nhân viên.

Các nhà lãnh đạo không cần phải là chuyên gia về sức khỏe tinh thần để chứng tỏ họ đang quan tâm và chú ý đến mọi người. Họ chỉ cần kiểm tra, đặt câu hỏi và nhận các gợi ý từ nhân viên về mức độ mà họ muốn chia sẻ là đủ.

Các nhà lãnh đạo tuyệt vời cũng đòi hỏi sự hành động. Mọi người sẽ tin tưởng những nhà lãnh đạo, cảm thấy gắn bó và cam kết hơn khi có sự phù hợp giữa những gì mà nhà lãnh đạo nói và làm.

Tất cả những hiểu biết về hoàn cảnh của người khác sẽ biến thành lòng trắc ẩn và hành động. Đồng cảm trong hành động là khi bạn hiểu được những khó khăn của nhân viên và đề nghị giúp đỡ. Đó là khi bạn đánh giá cao quan điểm của một người và tranh luận một cánh lành mạnh nhằm tạo ra những giải pháp tốt hơn.

Sự đồng cảm góp phần vào các mối quan hệ tích cực, văn hóa tổ chức và nó cũng có khả năng thúc đẩy các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng cảm có thể không phải là một kỹ năng hoàn toàn mới, nhưng nó có những tầm quan trọng mới và những nghiên cứu mới này đặc biệt làm rõ ràng rằng sự đồng cảm là năng lực lãnh đạo cần phát triển nhiều nhất ở hiện tại và cả trong tương lai của công việc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen