Skip to main content

Thẻ: Symbian

Thất bại của Nokia và bài học về sự chuyển mình của thương hiệu

Symbian từng là hệ điều hành thống trị thế giới smartphone, nhưng sự ra đời của iPhone và sự xuất hiện của Android đã đặt dấu chấm hết cho nền tảng này. Tuy nhiên, từng đứng trên đỉnh vinh quang, Symbian sẽ không chịu thua trong lặng lẽ mà không có sự phản kháng.

Thất bại của Nokia và bài học về sự chuyển mình của thương hiệu
Thất bại của Nokia và bài học về sự chuyển mình của thương hiệu

Symbian là nền tảng cốt lõi của hệ điều hành và có các giao diện người dùng được phát triển dựa trên đó. Series 60 có lẽ là nổi tiếng nhất trong số đó. Xuất hiện lần đầu với Nokia 7650, đây không chỉ là điện thoại có khả năng chụp ảnh đầu tiên của Nokia mà còn là điện thoại Symbian đầu tiên dành cho thị trường đại chúng, trước đó chỉ có một số sản phẩm dành cho thị trường ngách, không được phổ biến rộng rãi.

Phần lớn, Series 60 chạy trên điện thoại có màn hình từ 2 đến 3 inch. Giao diện người dùng được xây dựng dựa trên nút D-pad, được sử dụng để điều hướng giữa các thành phần trên màn hình và một số nút tính năng, kích hoạt các hành động tùy theo ngữ cảnh.

Ngoài ra còn có Series 80, được sử dụng trong điện thoại Communicator có bàn phím QWERTY của Nokia, nhưng công ty Phần Lan chủ yếu sử dụng S60. Nokia 9210 Communicator cũng là chiếc điện thoại đầu tiên chạy Symbian, nhưng như đã nói ở trên, đây không phải sản phẩm dành cho đại chúng. Không có chiếc Communicator nào có màn hình cảm ứng.

Ngoài ra còn có Symbian UIQ, được xây dựng cho các thiết bị kiểu PDA. UIQ được thiết kế cho màn hình cảm ứng. Màn hình cảm ứng điện trở lúc bấy giờ được thiết kế để sử dụng bằng bút cảm ứng nhọn thay vì ngón tay. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dùng ngón tay, đặc biệt là móng tay, kèm theo một chút lực để sử dụng.

Đến năm 2008, chúng ta có phiên bản thứ 5 của Symbian Series 60 hay sau này được gọi là Symbian^1 (thật may mắn vì hệ điều hành ngày nay đã có cách đặt tên phiên bản nhất quán hơn). Đây là giao diện người dùng Symbian được xây dựng hỗ trợ cảm ứng, nhưng thay vì lấy cảm hứng từ những chiếc PDA như UIQ đã làm, nó lại lấy cảm hứng từ iPhone và thực hiện theo một cách tồi tệ.

Cho đến thời điểm đó, Symbian Series 60 được thiết kế để điều khiển bằng D-pad và bàn phím. Phiên bản thứ 5 chỉ là làm cho giao diện phản ứng với thao tác chạm, dẫn đến trải nghiệm sử dụng rất kém.

Lần này, chúng ta sẽ tập trung vào sản phẩm tiếp theo, Symbian Anna, ra mắt một năm sau Symbian^3 (Symbian^2 chỉ ra mắt ở Nhật Bản). Anna được ra mắt vào đầu năm 2011 cùng với Nokia X7 và Nokia E6. E6 là một chiếc điện thoại dạng thanh có bàn phím QWERTY và màn hình cảm ứng 2.45 inch, nhưng X7 hoàn toàn là cảm ứng (màn hình 4.0 inch).

Điều tuyệt vời hơn nữa là chủ sở hữu của một số máy Nokia cũ hơn sẽ nhận được bản cập nhật Anna, ví dụ như Nokia N8 và E7. Nokia C7 và C6-01 cũng được cập nhật.

Có lẽ hai nâng cấp lớn nhất trên Anna so với ^3 là bàn phím mới và trình duyệt mới. Nghe có vẻ quá nhỏ, nhưng thật sự điều này mang lại khác biệt rất lớn. Bạn có thể thấy bàn phím dọc của Symbian^3 ở bên trái, bàn phím của Anna bên phải.

Thứ bạn đang thấy ở bên trái không phải là ứng dụng đang chia sẻ màn hình với bàn phím. Không, đây là giao diện nhập văn bản, nó bao phủ toàn bộ màn hình và hiển thị một khung dành cho văn bản và bàn phím nằm bên dưới.

Ngược lại, bàn phím của Anna giống như bất kỳ hệ điều hành nào hiện nay, chỉ xuất hiện ở nửa dưới màn hình, che khuất một phần ứng dụng nhưng cũng chừa không gian khá thoải mái cho phần nội dung.

Và nếu bạn muốn dùng bàn phím ảo QWERTY trên ^3, bạn phải xoay ngang điện thoại, chỉ có bàn phím T9 khi dùng điện thoại chiều dọc.

Tệ hơn nữa, vì cảm ứng đa điểm không được hỗ trợ, bạn không thể nhấn nhiều phím ngay cả trên bàn phím QWERTY đầy đủ chế độ nằm ngang, do đó không thể tăng tốc độ nhập dữ liệu của mình. Anna cũng không có cảm ứng đa điểm.

Như đã đề cập trước đó, nâng cấp lớn khác là trình duyệt. Trong những ngày đầu của Internet di động có một thứ gọi là WAP, hoạt động rất hạn chế. Cuối cùng, khi màn hình trở nên tốt hơn, CPU nhanh hơn, RAM tăng lên và dữ liệu di động nhanh hơn, điện thoại đã tham gia vào World Wide Web thực sự, nơi mà các máy tính tiếp xúc với thế giới mạng. Nhưng điều này đòi hỏi một thế hệ trình duyệt mới để có được trải nghiệm đầy đủ.

Giao diện trình duyệt được thiết kế lại để dành phần lớn màn hình hiển thị trang web, thanh trạng thái/URL ở trên cùng, có nút quay lại ở góc dưới bên trái và nút menu ở dưới bên phải.

Các tab cũng được hỗ trợ các công nghệ web mới như HTML5. Flash vẫn chưa hoàn thiện – trình duyệt Symbian chỉ hỗ trợ Flash Lite 4. Điều này gần như loại trừ việc chơi game Flash và xem video YouTube trong trình duyệt (bạn phải sử dụng ứng dụng).

Anna còn mang đến một số cải tiến khác nữa. Ví dụ: Symbian đã hỗ trợ các widget màn hình chính một thời gian, thậm chí có thể tạo nhiều màn hình chính. Tuy nhiên, việc điều hướng giữa chúng không trôi chảy như trên Android – bạn sẽ vuốt sang một bên, sau đó hoạt ảnh trượt sẽ diễn ra. Với Anna, giống như trên Android, màn hình chính sẽ ngay lập tức di chuyển theo ngón tay của bạn.

Nokia cũng cải tiến ứng dụng email, ứng dụng lịch và ứng dụng Ovi Maps. Công ty cũng thay đổi các biểu tượng thành hình tròn, mà vẫn phổ biến đến tận ngày nay.

Nhưng dù sao, Anna vẫn kém xa Android. Những công ty dùng Symbian trước đây như Sony Ericsson và Motorola đã chuyển sang Android, chỉ có Nokia là giữ cho hệ điều hành cũ tiếp tục hoạt động, như một động thái vùng vẫy trước thời đại mới. Nokia sau này cũng đã từ bỏ Symbian và đi theo Windows Mobile, nhưng cuối cùng cả hai đều có kết cuộc tồi tệ. Windows Mobile bị khai tử, còn Nokia phải bán bộ phận điện thoại cho công ty khác, sản xuất điện thoại Android tầm trung.

Có thể nói Nokia đã quá tự tin vào Symbian mà không kịp thay đổi để phù hợp thời đại cảm ứng mà iPhone và Android mang đến. Có lẽ nếu hãng chịu bỏ “cái tôi” của mình đi mà tiếp nhận Android sớm hơn, có khả năng lúc này Nokia vẫn còn là một tên tuổi lớn trong thị trường smartphone.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Tuấn Nguyễn | Markettimes