Skip to main content

Vị Hương – Thương hiệu mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam với nhiều thăng trầm

26 Tháng Tám, 2023

Vị Hương là một thương hiệu mì ăn liền của công ty Thiên Hương, sản xuất và ra mắt lần đầu trên thị trường vào năm 1972. Đây được xem là thương hiệu mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam.

Vị Hương - Thương hiệu mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam với nhiều thăng trầm
Vị Hương – Thương hiệu mì ăn liền đầu tiên của Việt Nam với nhiều thăng trầm

Năm 1964, Trần Thành, một doanh nhân người Hoa đã thành lập công ty Thiên Hương (Thiên Hương Công ty S.A.R.L), đặt trụ sở chính tại số 118 đường Hải Thượng Lãn Ông ở khu Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Thành cho xây dựng nhà máy sản xuất bột ngọt hiệu Vị Hương Tố, với dây chuyền hiện đại nhập từ Nhật Bản về.

Trong suốt những năm cuối 1960 tới đầu 1970, Thiên Hương trở thành doanh nghiệp bột ngọt lớn nhất cả vùng Nam Bộ Việt Nam, cung cấp sản phẩm bột ngọt cho toàn khu vực và thậm chí ra ngoài Việt Nam đến các nước Đông Nam Á.

Advertisement

Sau 8 năm hình thành và hoạt động, Thiên Hương công ty S.A.R.L đã trở thành một trong những công ty Thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam, và là công ty đầu tiên chính thức sản xuất mì ăn liền với thương hiệu mì Vị Hương, theo công bố thông tin trên website thienhuongfood.com.

Năm 2000, công ty thực phẩm Thiên Hương chính thức được cổ phần hóa, trở thành CTCP Thực phẩm Thiên Hương ngày nay.

Sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ hiện tại của công ty theo đăng ký là 64,18 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là Chủ tịch HĐQT ông Nguyễn Văn Hà (SN 1958).

Theo giới thiệu, Thiên Hương có 2 công ty thành viên đặt trụ sở tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và tại khu phố 2, phường Tân Thới Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Advertisement

Thập niên 70 – 80, Vị Hương và Colusa – Miliket là 2 thương hiệu phổ biến trên thị trường, được khách hàng tin dùng. Thậm chí, từ hình ảnh con tôm trên bao bì sản phẩm, mì gói ăn liền đã được gọi là “mì tôm”. Tuy nhiên, sau này với sự gia nhập của các doanh nghiệp nước ngoài, miếng bánh thị phần ngành mì ăn liền đã được chia lại.

Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ ba thế giới, sau Indonesia (14,26 tỷ gói) và Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói).

Trước đó, trong 2 năm đại dịch Covid-19, tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tăng vọt. Vượt qua Ấn Độ và Nhật Bản, trong năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 về tiêu thụ sản lượng mì gói với 7 tỷ gói (tăng 29%). Đến năm 2021, Việt Nam tiêu thụ hơn 8,5 tỷ gói mì (tăng 22%).

Ở Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Advertisement

Trong nhiều năm, thị trường nằm trong thế ‘chân vạc’, dẫn đầu là Acecook với thương hiệu mì Hảo Hảo, xếp thứ hai là Masan Consumer (thành viên của CTCP Tập đoàn Masan) với các thương hiệu Omachi, Kokomi và thứ 3 là Asia Food với thương hiệu mì Gấu đỏ.

Vài năm gần đây, Uniben với thương hiệu mì 3 Miền đổ bộ vào thị trường rất mạnh mẽ và trở thành thế lực thứ 4 đáng gờm.

Ngoài ra, những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất mì của Hàn Quốc cũng tích cực đổ bộ vào thị trường Việt Nam và đều có kết quả kinh doanh khả quan như Paldo Vina (mì Koreno) và Nongshim (mì Shin).

Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, mặc dù không chiếm thị phần lớn nhưng các sản phẩm mì Vị Hương vẫn có một chỗ đứng tại các kênh siêu thị, cửa hàng và các trang thương mại điện tử như shopee, lazada, tiki,… với chất lượng, hương vị ổn định và giá cả phù hợp.

Advertisement

Ngoài mì tôm, Thiên Hương cũng phát triển đa dạng các dòng sản phẩm như cháo ăn liền, gia vị như bột canh, tương ớt,… Các sản phẩm của Thiên Hương đã được xuất khẩu qua 10 quốc gia trên thế giới.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Trọng Nghĩa | Markettimes

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement

Advertisement