Skip to main content

Nghịch lý từ doanh thu của McDonald’s, Starbucks hay PepsiCo

24 Tháng Chín, 2023

Trong khi doanh thu của các thương hiệu như McDonald’s, Starbucks hay PepsiCo đều tăng qua các năm, các cam kết của thương hiệu với môi trường thì đang đi theo chiều ngược lại.

Nghịch lý từ doanh thu của McDonald’s, Starbucks hay PepsiCo
Nghịch lý từ doanh thu của McDonald’s, Starbucks hay PepsiCo

Tờ New York Times (NYT) cho hay McDonald’s cách đây 5 năm đã lên kế hoạch giảm 1/3 khí thải nhà kính trong chuỗi hoạt động của mình đến năm 2030.

Thế rồi vài năm sau, thương hiệu này tiếp tục tuyên bố kế hoạch “Net Zero”, đưa tỷ lệ khí thải nhà kính về gần 0 nhất có thể vào năm 2050.

Trớ trêu thay trong báo cáo gần nhất của McDonald’s, lượng khí thải nhà kính từ hoạt động kinh doanh trong chuỗi đồ ăn nhanh này đã tăng 12% năm 2021 so với năm 2015.

Thậm chí McDonald’s không phải duy nhất khi một báo cáo về 20 chuỗi nhà hàng ăn nhanh lớn nhất thế giới cho thấy hơn một nửa thương hiệu chẳng có tiến bộ nào về mục tiêu xanh mà họ đã cam kết. Một số công ty còn tăng lượng khí thải nhà kính hơn trước như McDonald’s.

Xin được nhắc ngành nông nghiệp, mà cụ thể là mảng chăn nuôi đóng góp rất lớn vào lượng khí thải nhà kính ra môi trường. Tuy nhiên những cánh đồng chăn bò và lúa mỳ lại đang là nguồn nguyên liệu chính cho các chuỗi đồ ăn nhanh.

Theo NYT, mặc dù nhiều thương hiệu đã cố gắng giảm dùng đồ nhựa cũng như tiết kiệm nước sử dụng trong kinh doanh nhưng các tập đoàn này vẫn gặp khó để cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.

Đại dịch Covid-19 và giai đoạn hậu đại dịch mở cửa thị trường đã thúc đẩy nhu cầu đồ ăn nhanh và tạo nên sự tăng trưởng đáng kể.

Thế rồi những biến động của chuỗi cung ứng lương thực cũng khiến các tập đoàn đồ ăn nhanh phải tìm các nguồn nguyên liệu khác, làm gia tăng lượng khí thải nhà kính nhiều hơn.

Báo cáo năm 2022 của PepsiCo, gã khổng lồ ngành F&B đã đặt mục tiêu giảm khí thải nhà kính từ năm 2015, cho thấy lượng khí thải nhà kính trong hoạt động kinh doanh của mình đã tăng 7%.

Tương tự Chipotle, hãng đặt mục tiêu trung hòa lượng khí thải nhà kính vào năm 2030, đã tăng 26% số khí thải nhà kính trong báo cáo năm 2022.

“Câu chuyện ở đây là phải hành động thực tế chứ không phải những lời hứa hão huyền. Chúng ta đã có 5 năm ăn mừng những lời cam kết của các doanh nghiệp chứ chẳng để ý đến thành quả thực sự mà họ đạt được”, giám đốc phát triển bền vững Barry Parkin của Mars thừa nhận.

Tập đoàn bánh kẹo Mars là một trong số ít những doanh nghiệp lớn ghi nhận việc giảm khí thải nhà kính như đã cam kết.

Trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội (CSR) dường như vẫn còn bị bỏ ngõ.

Tiêu chuẩn kép.

Tờ NYT cho hay ngành thực phẩm đóng góp đến 1/3 lượng khí thải nhà kính toàn cầu đang đau đầu vì tiêu chuẩn kép của nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng.

Một mặt, các doanh nghiệp này bị đòi hỏi phải giảm khí thải nhà kính.

Mặt khác, những công ty này cũng bị nhà đầu tư yêu cầu đảm bảo lợi nhuận và tăng trưởng, trong khi người tiêu dùng muốn đáp ứng được nhu cầu của họ.

Ví dụ như Starbucks ăn mừng với doanh thu tăng 23%, tương đương 6 tỷ USD trong khoảng 2019-2022. Thế nhưng đi cùng với đó là lượng khí thải nhà kính cũng tăng 12% khi chuỗi cà phê này mở thêm hơn 5.000 chi nhánh.

Việc gia tăng lợi nhuận và mở rộng kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng lẫn cổ đông hầu như đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều tài nguyên nước hơn, thải khí thải nhà kính nhiều hơn.

Tuy nhiên vì không muốn ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu và hạn chế sự chỉ trích từ xã hội lẫn nhà đầu tư, các tập đoàn từ McDonald’s đến PepsiCo vẫn phải cam kết rằng đang tiếp tục làm việc với chuỗi cung ứng để giảm khí thải nhà kính.

Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ như Mars khi hãng vừa giữ được đà tăng trưởng nhưng cũng giảm lượng khí thải nhà kính.

Dù doanh thu của Mars tăng 60% từ năm 2015 đến nay nhưng lượng khí thải nhà kính cũng giảm 8%.

Hiện Mars đang đặt mục tiêu cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính của năm 2015 vào năm 2030 và hoàn toàn đạt “Net Zero” vào năm 2050.

Thậm chí, Mars còn dự định chi 1 tỷ USD trong 3 năm tới để tiếp tục dự án phát triển xanh và ưu tiên tính bền vững của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Băng Băng | Markettimes

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …