Skip to main content

Marketing Channels: Đại dịch đã làm thay đổi bối cảnh kênh Marketing và Bán hàng như thế nào

31 Tháng Tám, 2023

Đại dịch và vô số sự thay đổi của yếu tố công nghệ đã khiến chiến lược tiếp cận kênh của những người làm marketing cũng phải thay đổi theo. Khi các kênh làm marketing ngày càng đa dạng và phân mảnh, marketer buộc phải tìm kiếm các giải pháp mới nếu muốn thành công.

Marketing Channels: Đại dịch đã làm thay đổi bối cảnh kênh Marketing như thế nào
Marketing Channels: Đại dịch đã làm thay đổi bối cảnh kênh Marketing như thế nào

Đại dịch Covid-19, cùng với đó là vô số sự thay đổi của yếu tố công nghệ ví dụ như tính ứng dụng ngày càng rộng rãi của AI (trí tuệ nhân tạo), đã buộc các doanh nghiệp hay người làm marketing nói chung phải nhanh chóng thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng.

Một trong những tác động rõ ràng nhất đó là thông qua các kênh làm marketing mà doanh nghiệp áp dụng để tương tác và bán hàng cho khách hàng.

Các kênh làm Marketing đang ngày càng được mở rộng.

Theo số liệu khảo sát từ CMOSurvey, gần 2/3 (khoảng 61%) số doanh nghiệp cho biết họ đã tăng số lượng kênh sử dụng. Trong khi mức tăng áp dụng ở cả các doanh nghiệp B2B lẫn B2C, doanh nghiệp B2C có mức tăng rõ nét hơn với 77%.

Mặc dù một trong những ưu điểm lớn nhất của việc gia tăng số lượng kênh đó là giờ đây người tiêu dùng có thể có nhiều phương án lựa chọn hơn về cách thức họ muốn tương tác với thương hiệu, việc mở rộng kênh lại phức tạp hơn những gì mà doanh nghiệp có thể hình dung.

Trước khi bắt tay vào việc mở rộng kênh marketing và bán hàng, các marketer nên tự hỏi:

  • Các kênh mới sẽ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mới, giành khách hàng hiện tại từ đối thủ cạnh tranh hay đơn giản là gia tăng chi tiêu của chính các khách hàng hiện tại?
  • Các kênh mới có được kết nối từ góc độ thương hiệu và trải nghiệm của khách hàng không?
  • Các điểm tiếp xúc (Brand Touchpoint) mới trên các kênh mới có cùng hướng đến những lợi ích và hình ảnh thương hiệu giống nhau không?
  • Các kênh có được kết nối liền mạch với nhau không?
  • Khách hàng có hiểu giá trị họ có được khi sử dụng các kênh khác nhau không và làm cách nào họ có thể di chuyển một cách dễ dàng giữa các kênh đó?

Các kênh tương tác trực tiếp (F2F) vẫn đang thể hiện mức độ hiệu quả của nó.

Theo khảo sát, chỉ 6,7% doanh nghiệp báo cáo rằng các kênh F2F (Face-to-face) của họ đã được chuyển hoàn toàn thành kênh kỹ thuật số (Digital Channel) – điều này có nghĩa là hầu hết các kênh mà doanh nghiệp sử dụng vẫn là tương tác trực tiếp. Bên cạnh đó, có đến 28% số doanh nghiệp đang tìm cách mở rộng sang các kênh F2F mới.

Mặc dù, với tốc độ chuyển đổi số ngày càng nhanh và rộng hơn, nhiều người kỳ vọng rằng các kênh tương tác và bán hàng trực tiếp này sẽ giảm dần đi hay thậm chí là bị triệt tiêu, tuy nhiên, sự thật có lẽ là sẽ không diễn ra theo cách đó.

Một số lý do chính bao gồm:

Đầu tiên, theo số liệu nghiên cứu, một người tiêu dùng trung bình chỉ tiếp xúc (và ghi nhớ) với một số lượng các mẫu quảng cáo nhất định mỗi ngày (có giới hạn). Dù cho cho công nghệ có phát triển đến đâu thì sự thật này vẫn khó có thể thay đổi. Từ góc nhìn này, việc duy trì các kênh F2F phù hợp có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả và thậm chí là tạo ra những bước đột phá.

Thứ hai, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy quá mệt mỏi với các nền tảng kỹ thuật số do số lượng ứng dụng được sử dụng và số lần tương tác trên màn hình mà họ sử dụng trong một ngày – con số này đã tăng hơn 100% trong thời kỳ đại dịch.

Trong một thế giới kỹ thuật số rõ ràng là khách hàng phải “hoạt động” nhiều hơn, hơn bao giờ hết họ khao khát những tương tác thực và trực tiếp với thương hiệu. Người tiêu dùng cũng muốn tính xác thực cao hơn (Authentic Marketing) trong một thế giới bấp bênh, nhiều rủi ro và không chắc chắn (Thế giới VUCA).

Thứ ba, khi công nghệ ngày càng phát triển và có tính ứng dụng cao hơn, nhiều doanh nghiệp xem các kênh F2F, chẳng hạn như các cửa hàng bán lẻ truyền thống, là “phòng thí nghiệm” để tìm hiểu về hành vi và sở thích của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp mạnh về công nghệ đang tận dụng nó để phân tích các dữ liệu liên quan đến chuyển động của khách hàng (Footfalls Analysis), tận dụng IoT để kết nối mọi thứ, để tìm hiểu thêm về mong muốn của khách hàng và hơn thế nữa.

Theo số liệu, các công ty sản xuất (sản phẩm) ít có khả năng chuyển sang kỹ thuật số hoàn toàn hơn và có nhiều khả năng hơn trong việc mở thêm các kênh F2F mới (31%) so với các công ty dịch vụ (22%). Chỉ các công ty internet thuần túy mới không có nhu cầu mở thêm kênh F2F.

Nhu cầu mở rộng các kênh F2F mới phổ biến nhất trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ (retail) và truyền thông. Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, công nghệ sinh học hay công nghệ thì ít phổ biến hơn.

Các thương hiệu ngày càng ưu tiên nhiều hơn cho các nền tảng mạng xã hội.

Theo số liệu, gần một nửa (45%) doanh nghiệp hiện đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để bán hàng.

Các doanh nghiệp bất động sản (100%), công ty truyền thông (82%) và nhà bán lẻ lẫn bán buôn (70%) nằm ở nhóm dẫn đầu.

Như một điều tất yếu, hàng loạt các nền tảng như Snapchat, Facebook hay Instagram đã đạt mức doanh số thương mại điện tử (e-commerce) cao kỷ lục trong suốt những năm đầu tiên xảy ra đại dịch.

Theo số liệu khảo sát từ Sprout Social (một nền tảng Social Listening), vào năm 2022, hơn 1/2 số người trưởng thành ở Mỹ đã mua ít nhất một thứ gì đó thông qua kênh truyền thông mạng xã hội và có đến 98% người tiêu dùng dự kiến sẽ tiếp tục sử dụng kênh này để mua hàng trong tương lai.

Về khía cạnh loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp B2C có nhiều khả năng bán sản phẩm và dịch vụ của họ trên các nền tảng mạng xã hội hơn (58%) so với các doanh nghiệp B2B (37%).

Bên cạnh đó, LinkedIn là mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất bởi các B2B Marketer.

Cuộc cách mạng D2C đã chính thức được bắt đầu.

Marketing Channels: Đại dịch đã làm thay đổi bối cảnh kênh Marketing và Bán hàng như thế nào
Marketing Channels: Đại dịch đã làm thay đổi bối cảnh kênh Marketing và Bán hàng như thế nào

D2C (direct-to-consumer) hay mô hình bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng có lẽ không còn là thuật ngữ mới của cả người làm marketing và kinh doanh.

Theo số liệu nghiên cứu, gần 1/4 (24%) số doanh nghiệp đã thêm D2C vào kênh bán hàng của họ vào năm 2023. Các doanh nghiệp B2C dẫn đầu với 41% số doanh nghiệp đã áp dụng (và đang thích ứng).

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các doanh nghiệp lại chuyển sang kênh D2C?

Dưới đây là một vài lý do chính.

Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, D2C cho phép các doanh nghiệp thu thập trực tiếp các dữ liệu hay thông tin có giá trị (Insights) về hành vi và nhu cầu trực tuyến của khách hàng – một trong những điểm chạm mà các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) hay hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đã thiếu trước đây.

Trong thế giới mới (cookieless), khi các dữ liệu cá nhân ngày càng khó thu thập hơn, đặc biệt là qua các nền tảng của bên thứ 3, các dữ liệu của bên thứ nhất (First Party Data) này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thứ hai, các mô hình bán hàng D2C cho phép doanh nghiệp hay người làm marketing thử nghiệm các chiến lược mới và thu thập những phản hồi có giá trị một cách thuận tiện và dễ dàng hơn nhiều.

Thứ ba, D2C có nghĩa là các doanh nghiệp có thể kiểm soát được các trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các thương hiệu cao cấp và có tính độc đáo cao, những thương hiệu mà cái yếu tố tinh thần và trải nghiệm vốn đóng vai trò quan trọng hơn cả giá cả hay thậm chí là chất lượng.

Gamification hiện đang không được sử dụng đúng mức.

Việc mua sắm theo trò chơi và các tương tác khác của khách hàng thông qua yếu tố phần thưởng, điểm tích luỹ, cuộc thi hoặc các tương tác thú vị tương tự khác (Gamification hay Gamifying shopping) dự kiến sẽ tăng từ 9,1 tỷ USD vào năm 2020 lên 30,7 tỷ USD vào năm 2025 – tăng 237%.

Trong khi tiềm năng của Gamification là vô cùng lớn, chỉ có 4,8% marketer hiện đã tích hợp gamification vào các kênh kỹ thuật số của doanh nghiệp để phục vụ cho việc bán hàng.

Theo nghiên cứu của McKinsey về những tác động hay sức ảnh hưởng của gamification đến kết quả thương hiệu, các chương trình khách hàng thân thiết có thể làm tăng khả năng khách hàng sẽ lựa chọn thương hiệu đó hơn so với đối thủ cạnh tranh, sẵn sằng trả giá cao hơn và tăng mức chi tiêu nhiều hơn.

Chìa khóa để khiến gamification trở nên hiệu quả hơn đó là kết nối nó với thương hiệu – trò chơi phải có ý nghĩa dựa trên vị trí và sự liên tưởng của thương hiệu (Brand Associations).

Về tổng thể, gamification hiện đang được sử dụng rộng rãi với các doanh nghiệp B2C nhưng lại khá khó khăn với doanh nghiệp B2B. Số liệu cho thấy chỉ có 1% doanh nghiệp B2B hiện đang sử dụng chiến lược này, so với 13% của các doanh nghiệp B2C.

Doanh nghiệp hay người làm Marketing cần đánh giá và triển khai các kênh mới một cách có chiến lược.

Trong bối cảnh mới, khi đa kênh hay nhiều kênh không còn là một lựa chọn mà là bắt buộc, các marketer hay doanh nghiệp cần xác định rõ kênh nào có thể giúp mang lại các giá trị thực sự (có thể đo lường được) và kênh nào thì không, hay kênh nào hiện có ít giá trị nhưng giá trị đó sẽ dần tăng theo thời gian (trong tương lai).

Trong khi việc áp dụng một kênh mới mà ngay cả đối thủ cũng đang ở đó, tuỳ vào từng nguồn lực cụ thể mà doanh nghiệp cần phải xác định liệu có nên dịch chuyển hay thêm mới hay không, việc đánh giá các tác động tiềm ẩn dường như là không thể thiếu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Funding Societies của Singapore vừa huy động được 25 triệu USD

22 Tháng Mười Hai, 2024
Funding Societies, công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore, vừa huy động…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …