Skip to main content

Top các xu hướng tiêu dùng nổi bật năm 2024 Marketers cần biết

8 Tháng Một, 2024

Báo cáo xu hướng tiêu dùng 2024 (Consumer Trends 2024) là báo cáo phân tích các xu hướng và hành vi tiêu dùng chính của hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu. Dữ liệu từ báo cáo có thể cung cấp cho marketer các ý tưởng xây dựng chiến lược marketing, quảng cáo, xây dựng thương hiệu và hơn thế nữa.

Top các xu hướng tiêu dùng nổi bật năm 2024 Marketers cần biết
Top các xu hướng tiêu dùng nổi bật năm 2024 Marketers cần biết

Cụ thể, trong báo cáo xu hướng tiêu dùng 2024 (Consumer Trends 2024), có 04 xu hướng tiêu dùng chính sẽ được MarketingTrips phân tích bao gồm:

  1. Tầm quan trọng của yếu tố chất lượng: Theo đuổi yếu tố giá trị trong suốt những thời điểm khủng hoảng.
  2. Chi tiêu có đạo đức: Tính bền vững tiếp tục là yêu cầu hàng đầu.
  3. Zenthusiasts: Một chủ nghĩa mới được hình thành bởi Gen Z và Gen Y.
  4. Xu hướng sử dụng dữ liệu có trách nhiệm: Niềm tin của người tiêu dùng trong việc chia sẻ dữ liệu là chìa khoá thành công cho thương hiệu.

Báo cáo xu hướng tiêu dùng là gì?

Như đã phân tích ở trên, báo cáo xu hướng tiêu dùng (Consumer Trends) là báo cáo định kỳ trong đó tập trung phân tích các xu hướng và hành vi tiêu dùng mới của người tiêu dùng (thường gắn liền với bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô). Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu từ hàng tỷ người tiêu dùng trên toàn cầu.

Về tổng thể, lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với đó là những diễn biến khó lường trong nhu cầu của người tiêu dùng đang định hình lại thói quen và cách người tiêu dùng chi tiêu.

Với tư cách là người làm Marketing, để có thể xây dựng các chiến lược tiếp cận phù hợp, bạn cần biết chính xác người tiêu dùng của mình đang muốn điều gì, họ chi tiêu dựa trên điều gì và ra quyết định ra sao.

Báo cáo xu hướng tiêu dùng theo đó đóng vai trò như là một kim chỉ nam mang tính định hướng, giúp doanh nghiệp hay thương hiệu có thể kết nối một cách hiệu quả với khách hàng, thúc đẩy sự tăng trưởng và hơn thế nữa.

Báo cáo xu hướng tiêu dùng mới năm 2024.

Dưới đây là phân tích chi tiết các xu hướng có trong báo cáo.

1. Xu hướng tiêu dùng số 1 năm 2024: Tầm quan trọng của yếu tố chất lượng – Theo đuổi yếu tố giá trị trong suốt những thời điểm khủng hoảng.

Trong khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã làm ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng, người tiêu dùng vẫn ưu tiên chất lượng hơn là số lượng, nói không với các sản phẩm kém chất lượng và thời trang nhanh (fast fashion).

Người tiêu dùng đang đánh giá lại thói quen chi tiêu và ưu tiên lâu dài của họ, ưu tiên các mặt hàng có giá trị. Từ góc nhìn này, doanh nghiệp hay thương hiệu nên đầu tư nhiều hơn vào chất lượng và các dịch vụ (cao cấp), điều này không chỉ là để lôi kéo người tiêu dùng mà còn thúc đẩy lòng trung thành của họ với thương hiệu.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Gần 20% người tiêu dùng bày tỏ quan ngại về khả năng trang trải các hóa đơn thiết yếu của họ. Những lo lắng này không chỉ đơn thuần có thể hạn chế về ngân sách chi tiêu, mà còn bao gồm cả thái độ của họ tới nền kinh tế nói chung.

Nhiều người tiêu dùng tin rằng các doanh nghiệp không nên thu lợi nhuận quá mức trong thời gian khi nền kinh tế bị khủng hoảng, các thương hiệu đang cố gắng để bán hàng quá mức có thể không chỉ không thể thúc đẩy doanh số bán hàng mà còn có tác dụng ngược.

Sự trỗi dậy của sản phẩm cao cấp (Premium).

Bất chấp những lo ngại về kinh tế ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm cao cấp vẫn rất tích cực trong thời kỳ suy thoái. Trên nhiều danh mục sản phẩm FMCG khác nhau, các sản phẩm cao cấp đang có xu hướng tăng trưởng trở lại.

Khi người tiêu dùng chi tiêu, họ ưu tiên yếu tố chất lượng cao và sản phẩm mang lại giá trị lâu dài. Ngoại trừ các sản phẩm như túi xách và phụ kiện, giá rẻ không còn là yếu tố chính ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Các thương hiệu theo đó nên tập trung vào việc nâng cao chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ thay vì chỉ tập trung vào giá (rẻ).

Cuộc cách mạng tiết kiệm.

Người tiêu dùng đang cố gắng tìm kiếm điểm cân bằng lâu dài giữa chất lượng và giá cả. Họ có xu hướng khám phá những địa điểm mới và độc đáo, hơn là chỉ qua lại ở các địa điểm quen thuộc.

Các cửa hàng nhỏ, chợ trời hay thậm chí là các thương hiệu cung cấp đồ cũ sẽ là bên hưởng lợi vì người tiêu dùng sẽ tìm kiếm những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng trên thị trường đồ cũ. Điều này phù hợp với một sự thay đổi mang tính toàn cầu hướng tới việc đánh giá lại yếu tố chất lượng và tiêu dùng có ý thức bền vững.

Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) là từ khoá xa xỉ trong bức tranh tiêu dùng này.

Các chiến lược mà thương hiệu có thể thực hiện.

Để có thể trở nên phù hợp hơn với các xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2024, dưới đây là một số chiến lược mà thương hiệu có thể thực hiện:

  • Ưu tiên các dịch vụ cao cấp: Đầu tư vào việc phát triển sản phẩm (R&D) đồng thời chạy các khuyến mãi nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng và tuổi thọ.
  • Chiến lược định giá nhạy cảm: Doanh nghiệp nên thận trọng khi thực hiện tăng giá, vì người tiêu dùng có thể phản ứng tiêu cực với điều này đặc biệt là trong các thời điểm khi nền kinh tế bất ổn.
  • Coi trọng yếu tố thế hệ: Khác biệt hóa chiến lược Marketing để trở nên phù hợp hơn với những thói quen riêng biệt của từng thế hệ nên là ưu tiên hàng đầu của thương hiệu trong năm mới 2024.
  • Tận dụng việc tái chế: Nếu có thể, thương hiệu nên kết hợp cung cấp các sản phẩm cũ có chất lượng thay vì cố gắng bán các sản phẩm giá rẻ và có chất lượng thấp.

2. Xu hướng tiêu dùng số 2 năm 2024: Chi tiêu có đạo đức – Tính bền vững tiếp tục là yêu cầu hàng đầu.

Tính bền vững (Sustainability) từ lâu đã là một trong những ưu tiên hàng đầu của một nhóm (mặc dù chưa lớn nhưng đang tăng dần) người tiêu dùng khi ra quyết định mua sắm. Vào năm 2024, tính bền vững và đạo đức mua sắm tiếp tục là xu hướng dẫn dắt người tiêu dùng.

Người chi tiêu có đạo đức sẽ ưu tiên mua hàng từ các thương hiệu thân thiện với môi trường. Thương hiệu từ đó phải đầu tư vào tính bền vững bằng cách sử dụng các thông điệp có liên quan, xây dựng thương hiệu bền vững và chiến lược giá cạnh tranh. Tiêu dùng có ý thức hay tiêu dùng hiện đại cũng là các cách thức mà thương hiệu có thể tận dụng.

Người tiêu dùng sẽ chuyển từ vai trò “khán giả” sang “nhà hoạt động”.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng đơn giản là tiếp nhận thông điệp một chiều từ thương hiệu, họ thụ động trong việc tìm kiếm và đánh giá sản phẩm, điều này sẽ ngày càng thay đổi.

Người tiêu dùng có đạo đức hay người tiêu dùng có ý thức là người chủ động tìm hiểu và thậm chí là có các hành động cụ thể để thể hiện sức mạnh tiêu dùng của họ.

Thương hiệu phải nhận ra rằng người tiêu dùng không còn là khán giả hay người xem đơn thuần nữa; họ đang tìm cách thể hiện quan điểm của họ tới thương hiệu thông qua thói quen mua hàng hàng ngày của họ. Trên phạm vi toàn cầu, người tiêu dùng đang chấp nhận yếu tố đạo đức hoặc lựa chọn mua sắm bền vững (Sustainable Shopping).

Ngành FMCG được đặt lên hàng đầu khi nói đến yếu tố bền vững.

Việc theo đuổi giá trị đạo đức và tính bền vững đang định hình lại cách người tiêu dùng ưu tiên trong quá trình mua sắm của họ, họ đặt chất lượng và sức khoẻ lên hàng đầu, đặc biệt là trong ngành hàng FMCG. Các sản phẩm tốt hơn cho môi trường và tự nhiên theo đó là động lực thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm.

Tuy nhiên, yếu tố sức khỏe cũng được đặc biệt quan tâm trong ngành F&B và thị trường làm đẹp. Thương hiệu theo đó nên suy nghĩ về việc phát triển các thông điệp đề cao khía cạnh sức khoẻ, tính bền vững để thu hút người tiêu dùng, những người tiêu dùng có ý thức (Conscious Consumer).

Sức mạnh của xây dựng thương hiệu bền vững.

Để được người tiêu dùng công nhận về ý thức của doanh nghiệp đối với tính bền vững hay trách nhiệm với xã hội (CSR), thương hiệu phải đầu tư vào tính bền vững khi xây dựng thương hiệu. Người tiêu dùng có nhiều khả năng sẽ xác định các sản phẩm liên quan đến yếu tố bền vững khi chúng được giới thiệu trong suốt quá trình doanh nghiệp làm thương hiệu.

Chiến lược doanh nghiệp có thể thực hiện để đáp ứng với xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2024.

Để có thể đáp ứng được các nhu cầu mới của người tiêu dùng trong năm 2024 và xa hơn thế nữa, dưới đây là một số chiến lược gọi ý mà thương hiệu có thể tham khảo.

  • Phát triển các thông điệp chính (Key Messages): Thương hiệu cần xây dựng một thông điệp chiến lược có thể gây được tiếng vang với khách hàng mục tiêu, nhấn mạnh vào sự đáng tin cậy và tính xác thực trong các cam kết thực hành tới tính bền vững.
  • Ưu tiên xây dựng thương hiệu bền vững: Hình ảnh thương hiệu bền vững được thực hiện tốt có thể là một công cụ mạnh mẽ để thu hút những người tiêu dùng có ý thức (người tiêu dùng hiện đại).
  • Xây dựng chiến lược giá bán phù hợp: Thương hiệu cần cân đối khoảng cách giữa tính bền vững và khả năng chi trả. Trong khi người tiêu dùng đang sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, mức giá cao không nên được xem là tiêu chuẩn.

3. Xu hướng tiêu dùng số 3 năm 2024: Zenthusiasts: Một chủ nghĩa mới được hình thành bởi Gen Z và Gen Y.

Xu hướng tiêu dùng tiếp theo của năm 2024 (Consumer Trends 2024) đó chính là một chủ nghĩa mới được hình thành chủ yếu từ Gen Y và Gen Z.

Chủ nghĩa mới được hình thành: Zenthusiasts.

Với những khó khăn chồng chất do đại dịch và sau đó là suy thoái kinh tế, nhiều người hơn đang tích cực tìm kiếm những khoảng thời gian được nghỉ ngơi và thoát khỏi những căng thẳng và lo lắng thường nhật.

Được dẫn dắt chủ yếu bởi Gen Z và Millennials (Gen Y), các thế hệ trẻ này thừa nhận rằng hiện có nhiều yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống của họ.

Những người theo chủ nghĩa Zenthusiast là những người đang tích cực tìm kiếm niềm an ủi thông qua các chuyên gia sức khỏe trực tuyến, những người có thể giúp họ tự chăm sóc bản thân bằng các liệu pháp thay thế đơn giản.

Từ góc nhìn này, thương hiệu có thể phát triển các dịch vụ giúp những người theo chủ nghĩa Zenthusiast thư giãn khi hợp tác với những người có ảnh hưởng (Influencer).

Sức ảnh hưởng của sự căng thẳng và lo lắng.

Căng thẳng và lo lắng đang bao phủ nhiều người tiêu dùng ngày nay. Theo số liệu nghiên cứu từ Statista, hơn 1/4 dân số thế giới cho biết rằng họ đang phải đối diện với các vấn đề như căng thẳng và lo lắng trong suốt 12 tháng qua. Điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi các thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z.

Sức mạnh của những người có ảnh hưởng trực tuyến (Online Influencer).

Năm 2024, hầu hết người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến để được tiếp xúc và truyền cảm hứng từ những người có ảnh hưởng mà họ yêu thích, xu hướng này một lần nữa chủ yếu được thúc đẩy bởi các thế hệ trẻ như Gen Z và Gen Y.

Những người tiêu dùng trẻ này là những người theo dõi nhiệt tình của những người có ảnh hưởng (Influencer) và nhà sáng tạo nội dung số.

Từ người theo dõi đến người mua.

Những người có ảnh hưởng có mức độ ảnh hưởng chưa từng có đối với sự tin tưởng từ những người theo dõi họ, điều này khiến người có ảnh hưởng trở thành một động lực thúc đẩy các quyết định của người tiêu dùng.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng hơn có xu hướng mua sắm các mặt hàng được xác nhận bởi những nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) mà họ yêu thích.

Sự dịch chuyển về mô hình trong ngành làm đẹp.

Người tiêu dùng dưới 40 tuổi đang ủng hộ tầm quan trọng của việc tự chăm sóc bản thân hàng ngày. Nhiều người đang chọn cách trang điểm tối thiểu hoặc thậm chí là không trang điểm để làm nổi bật sự tự nhiên đặc trưng của họ.

Họ coi thói quen làm đẹp là một phương tiện để thư giãn và thoát khỏi những căng thẳng hàng ngày. Họ coi việc đến các trung tâm chăm sóc sức khoẻ như spa là một phần của thói quen tự chăm sóc của họ, họ tin rằng điều này góp phần vào tổng thể hạnh phúc và an lạc.

Trẻ hóa làn da và thói quen.

Chu kỳ hay quá trình tái tạo làn da là thuật ngữ đang trở nên phổ biến trên toàn cầu và phản ánh sự dịch chuyển xã hội rộng lớn hơn theo hướng hạnh phúc toàn diện. Phổ biến trên các nền tảng như TikTok và Douyin, xu hướng này được Gen Z và Gen Y đón nhận nhiều hơn Gen X và Baby Boomers.

Một số chiến lược tiếp cận mà thương hiệu có thể tận dụng để đạt được thành công.

Để có thể đáp ứng được các xu hướng tiêu dùng mới này trong năm 2024, dưới đây là một số chiến lược marketing mà thương hiệu có thể áp dụng:

  • Tiếp thị người có ảnh hưởng (Influencer Marketing) theo hướng cộng tác: Hợp tác với những người có ảnh hưởng về sức khỏe, những người thường xuyên chia sẻ các nội dung phù hợp với việc giảm bớt sự căng thẳng và lo lắng.
  • Nội dung được nhắm mục tiêu: Xây dựng nhiều nội dung có thể gây được tiếng vang với Gen Y và Gen Z, tập trung vào việc giảm căng thẳng (Stress).
  • Phát triển sản phẩm: Tạo ra các sản phẩm dành cho việc tự chăm sóc toàn diện, nhấn mạnh thông điệp giảm căng thẳng. Chia sẻ những câu chuyện thành công (Storytelling) từ các khách hàng thực cũng là chiến lược hiệu quả trong việc xây dựng niềm tin và lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu.

4. Xu hướng tiêu dùng số 4 năm 2024: Xu hướng sử dụng dữ liệu có trách nhiệm – Niềm tin của người tiêu dùng trong việc chia sẻ dữ liệu là chìa khoá thành công cho thương hiệu.

Đã xa rồi cái thời mà một mẫu quảng cáo có thể phù hợp với nhiều khách hàng hay nhóm đối tượng mục tiêu (Target Audience) khác nhau.

Người tiêu dùng về cơ bản là sẽ không quan tâm nhiều đến dữ liệu quyền riêng tư nếu điều đó có nghĩa là họ sẽ được cung cấp những nội dung phù hợp với sở thích của họ.

Những người ủng hộ dữ liệu quảng cáo (Advertising) là những người muốn các quảng cáo từ thương hiệu tập trung phục vụ cho nhu cầu, sở thích và lối sống của họ. Điều này cũng có nghĩa là nếu thương hiệu không thể sử dụng dữ liệu để quảng cáo một cách phù hợp, các chiến dịch từ thương hiệu có thể bị “skip ad’ ngay lập tức.

Từ khó chịu và phản kháng đến chấp nhận.

Người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao sự phù hợp của các mẫu quảng cáo có liên quan. Nếu như trước đây, việc bị thu thập dữ liệu là nỗi ám ảnh, người tiêu dùng ngày nay coi đó như là cách để họ có thể được “phục vụ và chiều chuộng” bởi các nội dung có liên quan, giúp họ sống tốt hơn.

Minh bạch về cách thu thập dữ liệu nên là ưu tiên hàng đầu của thương hiệu.

Sự sụt giảm về nhu cầu sử dụng trình chặn quảng cáo (Adblocker).

Trình chặn quảng cáo là cách mà người tiêu dùng sử dụng để hạn chế việc bị “tấn công” bởi các quảng cáo. Trình chặn quảng cáo từ lâu vốn là mối lo của hầu hết các nhà quảng cáo trực tuyến.

Trong khi vào năm 2023, YouTube phải đối mặt với một làn sóng chỉ trích gay gắt khi cố tình hạn chế việc người dùng sử dụng trình chặn quảng cáo bằng cách hạn chế việc xem nội dung, về phạm vi toàn cầu, nếu vào năm 2020 có đến 1/3 người dùng sử dụng thì đến năm 2023 con số này đã giảm đi đáng kể. Thậm chí với không ít người dùng Mỹ, họ chấp nhận xem quảng cáo vì họ đánh giá cao lợi ích của các quảng cáo được cá nhân hóa.

Một số chiến lược tiếp cận mà thương hiệu có thể tận dụng.

Để có thể đáp ứng được các xu hướng tiêu dùng mới trong năm 2024, dưới đây là một số chiến lược mà thương hiệu có thể tận dụng.

  • Tận dụng việc cá nhân hoá quảng cáo: Tập trung xây dựng các mẫu quảng cáo và nội dung được cá nhân hoá theo sở thích của từng nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau. Phân khúc khách hàng (Segmentation) thành các nhóm nhỏ hơn và sau đó xây dựng các bản kế hoạch marketing riêng biệt cho các nhóm này.
  • Xây dựng niềm tin thông qua sự minh bạch: Thương hiệu nên cởi mở về việc thu thập dữ liệu và cách thức thông tin của khách hàng được sử dụng. Nhấn mạnh yếu tố bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư. Điều này có thể thúc đẩy đáng kể niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu.
  • Tận dụng UGC: UGC là từ viết tắt của User-generated Content, khái niệm mô tả các nội dung (Content) do người dùng tạo ra. Vì được chính những người sử dụng sản phẩm tạo ra, nó thường đáng tin hơn ít nhất là so với các tuyên bố một chiều thiếu căn cứ từ thương hiệu. Nếu khách hàng của thương hiệu là Gen Z và khi tính xác thực từ khoá gắn liền với thế hệ này (Tính xác thực cũng được bình chọn là từ khoá của năm 2023), UGC càng trở nên quan trọng hơn.

Tổng kết.

Trên đây là toàn bộ các phân tích về Báo cáo xu hướng tiêu dùng năm 2024 (Consumer Trends 2024). Như MarketingTrips đã đề cập, khi hành vi và sở thích mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, thay đổi chiến lược tiếp cận là chìa khoá thành công cho người làm Marketing và doanh nghiệp.

Bằng cách sớm xem xét và xây dựng chiến lược sát với khách hàng của mình, thương hiệu sẽ có nhiều cách hơn để đáp ứng nhu cầu và xây dựng kết nối với khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng và hơn thế nữa.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Tài sản của ông chủ Meta tăng hơn 84 tỷ USD năm 2024

3 Tháng Một, 2025
Năm 2024 là một năm bận rộn của Mark Zuckerberg. Vị CEO của Meta (Facebook) này đã phân bổ hàng t…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …