Skip to main content

10 thương vụ đắt đỏ nhất lịch sử ‘làng’ công nghệ

15 Tháng Tám, 2020

Việc Dell mua lại EMC với giá 67 tỷ USD vào năm 2015, đến nay, vẫn là thương vụ đắt đỏ nhất lịch sử ngành công nghệ.

Salesforce mua Tableau (giá: 15,7 tỷ USD)

Thương vụ giữa công ty phần mềm điện toán đám mây Salesforce với hãng phần mềm Tableau diễn ra vào tháng 8/2019. Việc mua bán này nhằm đa dạng hóa danh mục kinh doanh và bán hàng. Trước khi thương vụ diễn ra, Tableau đã sở hữu nền tảng phân tích dữ liệu và trực quan hóa với hơn 86.000 khách hàng, trong đó, có các “ông lớn” công nghệ như Verizon hay Netflit. Ảnh: Reuters.

Walmart mua Flipkart (giá: 16 tỷ USD)

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart mua lại nhà bán lẻ trực tuyến Flipkart vào năm 2018 với mục đích mở rộng ra thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Ấn Độ. Vụ thâu tóm đã giúp Walmart có chỗ đứng vững chắc tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới này.

Advertisement

Nokia mua Alcatel-Lucent (giá: 16,6 tỷ USD)

Hãng điện tử Phần Lan, Nokia, đã mua lại công ty viễn thông có trụ sở tại Pháp, Alcatel-Lucent, năm 2015, sau thời điểm mảng di động của Nokia bị bán cho Microsoft. Vụ mua bán này nhằm mở rộng mảng kinh doanh công nghệ mạng và thực tế góp phần rất lớn trong việc tiến lên 5G của hãng.

Facebook mua WhatsApp (giá: 22 tỷ USD)

CEO Facebook, Mark Zuckerberg, đã mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp vào năm 2014. Dù đây là thương vụ được đánh giá là tốn kém, Zuckerberg cho thấy quyết định của mình không hề sai lầm. Hiện WhatsApp là một trong những phần mềm có lượng người dùng đông đảo nhất thế giới.

Hewlett-Packard mua Compaq (giá: 25 tỷ USD)

Hewlett-Packard đã mua lại Compaq vào năm 2001. Năm 2016, Zdnet bình chọn đây là “những vụ mua bán và sáp nhập công nghệ tệ nhất lịch sử”. Cả hai công ty đã “kéo” nhau cùng đi xuống thay vì phát triển. Trong hình là Carly Fiorina (trái), chủ tịch và CEO của Hewlett-Packard, chạm tay với Michael Capellas, chủ tịch và CEO của Compaq, khi cả hai đạt thỏa thuận mua lại năm 2001.

Microsoft mua LinkedIn (giá: 26,2 tỷ USD)

Advertisement

Microsoft đã thâu tóm LinkedIn từ năm 2016. Cho đến nay, mạng xã hội nghề nghiệp này vẫn hoạt động khá độc lập. Đây cũng là vụ mua lại đắt nhất mọi thời đại của “gã khổng lồ phần mềm”.

Sắp tới Microsoft có thể mua lại TikTok với giá ước tính tới 50 tỷ USD. Nếu việc mua bán thành công, thương vụ LinkedIn sẽ bị đẩy xuống vị trí thứ hai, đồng thời Microsoft – TikTok cũng là vụ thâu tóm lớn thứ hai trong lịch sử ngành công nghệ. Ảnh: Reuters.

SoftBank mua ARM (giá: 31 tỷ USD)

Tập đoàn viễn thông đa quốc gia SoftBank đã mua lại hãng chip ARM vào năm 2016 với tham vọng phát triển mảng chip xử lý dựa trên kiến trúc độc quyền của hãng này. Tuy vậy, ARM dưới thời SoftBank đã không phát triển mạnh mẽ.

Doanh thu chỉ tăng từ 1,2 tỷ USD lên 1,9 tỷ USD. Gần đây, do khó khăn tài chính, SoftBank bắt đầu rao bán ARM. Nvidia, nhà sản xuất GPU lớn nhất thế giới, được cho là đã đưa ra lời đề nghị bằng tiền mặt kèm cổ phiếu trị giá 32 tỷ USD.

Advertisement

IBM mua Red Hat (giá: 34 tỷ USD)

Công ty máy tính IBM đã công bố việc mua lại hãng phần mềm mã nguồn mở Red Hat năm 2018 và hoàn tất việc sáp nhập năm 2019.

Sự kết hợp này giúp IBM tăng cường các giải pháp điện toán đám mây dành cho các doanh nghiệp. Red Hat Enterprise Linux và Red Hat Virtualization – hai dịch vụ chủ đạo của Red Hat hiện là một phần của nền tảng đám mây IBM Cloud.

Avago mua Broadcom (giá: 37 tỷ USD)

Có thể nhiều người xa lạ với Avago. Tuy nhiên, đây chính là công ty đang sở hữu Broadcom. Thương vụ được thực hiện năm 2015 và cả hai sáp nhập sau đó, lấy tên là Broadcom. Hiện các công nghệ lõi mà hãng sở hữu gồm modem băng thông rộng, CPU SDP và ARM tùy chỉnh, Wi-Fi, Bluetooth, GPS, cảm biến quang…

Dell mua EMC Corporation (giá: 67 tỷ USD)

Advertisement

Hãng máy tính Dell đã thâu tóm công ty lưu trữ dữ liệu EMC Corporation với tham vọng thúc đẩy cạnh tranh ở mảng điện toán đám mây, cũng như thúc đẩy tăng trưởng trong các lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu phần mềm, hạ tầng liên kết, điện toán đám mây hỗn hợp, di động và bảo mật.

Các chuyên gia đánh giá thương vụ mua lại EMC mang đến nhiều thành công cho Dell.

Trong ảnh là CEO EMC Joe Tucci (trái) bắt tay với CEO người sáng lập Dell, Michael Dell (bên phải). Ảnh: Dell.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Advertisement

Hà Anh | MarketingTrips 

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement