Skip to main content

Nghịch lý khó hiểu về doanh thu và mức định giá của OpenAI

14 Tháng Mười Hai, 2023

OpenAI, startup trí tuệ nhân tạo đang nhận được sự quan tâm với công cụ trí tuệ nhân tạo ChatGPT, được giới đầu tư định giá lên tới 86 tỷ USD.

Nghịch lý khó hiểu về doanh thu của OpenAI
Nghịch lý khó hiểu về doanh thu của OpenAI

Nhưng nếu tìm kiếm con số doanh thu cho công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo này thì số liệu chính thức mới nhất tìm thấy là số tiền rất nhỏ, gần 45.000 USD vào năm ngoái.

Con số gần 45.000 USD được tiết lộ trong hồ sơ 990 của OpenAI nộp cho Sở Thuế IRS. Đây là một biểu mẫu bắt buộc đối với các tổ chức muốn duy trì trạng thái miễn thuế. Quy định liên bang không yêu cầu các tổ chức phi lợi nhuận phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán.

Tại California, nơi OpenAI đặt trụ sở, công ty đã tránh được việc nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 do doanh thu khai báo dưới ngưỡng 2 triệu USD. Lần cuối cùng OpenAI nộp báo cáo tài chính tại bang này là vào năm 2017, khi doanh thu đạt 33,2 triệu USD, cao hơn 700 lần so với con số năm ngoái.

Advertisement

Mặc dù luôn nhấn mạnh vào tính cởi mở, tài chính của OpenAI vẫn là một ẩn số.

Được thành lập vào năm 2015, tổ chức phi lợi nhuận của OpenAI cho phép công ty huy động hàng tỷ USD nguồn tài trợ từ bên ngoài dù vẫn hoạt động như một startup. Trong khi đó, một nhánh khác của OpenAI sẽ phụ trách mảng thương mại, phát triển ChatGPT và thu phí người dùng.

Hồi tháng 8, tờ The Information đưa tin rằng OpenAI đạt 28 triệu USD doanh thu vào năm ngoái và có thể đạt gần 1 tỷ USD trong năm nay. Con số được đưa ra dựa trên gia tăng về mức độ phổ biến của ChatGPT và những cải tiến cho các mô hình của OpenAI.

Hồ sơ IRS mới nhất càng làm tăng thêm sự phức tạp đối với cơ cấu tổ chức của OpenAI.

Advertisement

Tháng trước, hội đồng quản trị đã đột ngột sa thải Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Sam Altman. Hội đồng giải thích trong một bài đăng trên blog rằng họ “không còn tin tưởng” vào khả năng lãnh đạo của vị CEO vì những quyết định thúc đẩy thương mại hoá quá nhanh.

Giới truyền thông cho rằng hội đồng quản trị đã tức giận về việc Altman hối thúc đưa sản phẩm thương mại ra thị trường bất chấp những lo ngại về an toàn tại một tổ chức phi lợi nhuận như OpenAI, vốn được phát triển “với mục tiêu xây dựng trí tuệ nhân tạo chung an toàn và có lợi vì lợi ích của nhân loại”.

Chỉ chưa đầy một tuần, Sam Altman đã được phục chức. Những thành viên cũ trong hội đồng quản trị gồm Helen Toner, Tasha McCauley và đồng sáng lập Ilya Sutskever đã bị loại bỏ.

Sự hỗn loạn đã đặt ra câu hỏi liệu OpenAI có thể hoặc nên tiếp tục hoạt động dưới sự bảo trợ của một tổ chức phi lợi nhuận hay không?

Advertisement

Ông Thad Calabrese, Giáo sư quản lý tài chính công và phi lợi nhuận tại Đại học New York, cho biết trạng thái hiện tại của OpenAI khá phức tạp và không giống bất cứ điều gì ông từng thấy trong thế giới phi lợi nhuận.

Ông cho rằng OpenAI có thể từ bỏ tư cách phi lợi nhuận. “Không thực sự cần thiết phải có một tổ chức phi lợi nhuận. Nếu bạn muốn là một startup, hãy trở thành một startup”, ông Calabrese nói.

Nhận xét về báo cáo của OpenAI với IRS, ông nói “về cơ bản, bạn không thể thực sự hiểu được toàn diện về các tổ chức này khi không có báo cáo tài chính hợp nhất”.

Người phát ngôn của OpenAI cho biết OpenAI luôn tuân thủ các yêu cầu nộp hồ sơ của California và người này không trả lời về tính phi lợi nhuận của công ty.

Advertisement

Mô hình phi lợi nhuận không hoàn toàn xa lạ với ngành công nghệ. Đơn cử, quỹ Mozilla là tổ chức mẹ của Tập đoàn Mozilla với trình duyệt Firefox. Không giống như OpenAI, Mozilla chưa bao giờ huy động tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm – những người mong đợi lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ.

Công ty dùng phần lớn doanh thu của mình để tái đầu tư vào phát triển sản phẩm và dành một phần cho các chương trình của tổ chức phi lợi nhuận.

Mỗi năm, quỹ Mozilla đăng một tài liệu 990 cập nhật lên trang web của mình, cùng với báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo thường niên kỹ lưỡng hơn.

Mark Surman, Chủ tịch của Mozilla Foundation, cho biết OpenAI cần tìm ra hướng đi mà công ty muốn đi.

Advertisement

“Tại thời điểm này, tôi không biết đây có phải là vấn đề giám sát theo quy định hay không. Tôi nghĩ đây là vấn đề về niềm tin của công chúng”, Surman nói.

“Nếu họ muốn được coi là tổ chức công đảm bảo AI phục vụ nhân loại, công chúng cần minh bạch hơn rất nhiều. Họ cần biết chuyện gì đang xảy ra”, nhà lãnh đạo Mozilla nói thêm.

Trong khi đó, thoả thuận cho phép nhân viên OpenAI bán cổ phần của họ sẽ định giá công ty khởi nghiệp ở mức 86 tỷ USD. Công ty đã huy động được hàng tỷ đô la từ các nhà đầu tư, chủ yếu là Microsoft. Nguồn vốn này dùng để trả tiền cho các dịch vụ đám mây và thuê nhân tài cần thiết, giúp phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn cần nhiều vốn.

Đó là một bức tranh rất khác so với hồ sơ 990 của OpenAI.

Advertisement

Năm ngoái, nhánh phi lợi nhuận của OpenAI đã chi 1,3 triệu USD, bao gồm khoảng 400.000 USD tiền tài trợ, chủ yếu để hỗ trợ cho nghiên cứu của Đại học Duke.

Sau sự trở lại của Sam Altman vào tháng trước, OpenAI đã cam kết tăng cường cơ cấu quản trị của mình, mặc dù công ty chưa đưa ra những thay đổi cụ thể sắp tới. Chủ tịch hội đồng quản trị hiện tại, Bret Taylor cho biết:

“Hội đồng sẽ tiếp tục thực hiện các bước để tăng cường quản trị doanh nghiệp của OpenAI, xây dựng một hội đồng có trình độ và đa dạng gồm các cá nhân xuất sắc, đồng thời giám sát sứ mệnh quan trọng của OpenAI trong việc đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo nói chung mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Advertisement

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement