Skip to main content

3 bước đơn giản để yêu thích công việc của mình hơn

2 Tháng Sáu, 2022

Bài viết của David G. Allan – Trưởng phòng Travel, Style, Science và Wellness của hãng tin CNN (Hoa Kỳ) đầu tháng 9/2021, chia sẻ 3 bước thực hành để mọi người yêu thích công việc trong giai đoạn giãn cách.

Dịch Covid-19 khiến nhiều người phải thích nghi với làm việc tại nhà, điều chỉnh và bố trí chỗ ở, hoặc tạm nghỉ việc, hoặc bắt đầu những điều mới mẻ. Ngay cả khi giữ được công việc thì bản thân công việc cũng khác trước, dù thay đổi không phải lúc nào cũng tốt hơn.

Những người không thích công việc của họ có thể đau khổ và càu nhàu hằng ngày. Theo một phân tích tổng hợp các nghiên cứu của trường Kinh doanh Stanford và trường Kinh doanh Harvard, những người đau khổ vì công việc thậm chí bị căng thẳng mãn tính, tăng huyết áp, có vấn đề về tim mạch, tuyến giáp dẫn đến đến suy giảm sức khỏe tâm thần.

Một trong những yếu tố liên quan đến hạnh phúc trong công việc là sếp trực tiếp. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, khoảng 50% số người bỏ việc để “tránh xa người quản lý trực tiếp của họ”. Tiền lương cũng là yếu tố quan trọng tác động đến hạnh phúc.

Tuy nhiên, chúng ta thường không quyết định được sếp của mình là ai, còn đối với tiền bạc, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiền chỉ tác động ngắn hạn đến hạnh phúc.

Vì vậy, hãy tự mình giải quyết vấn đề. Dưới đây là 3 lời khuyên dựa trên nghiên cứu của Wrzesniewski và Dutton – hai giáo sư người Mỹ về quản trị và tâm lý học để tìm được hạnh phúc trong công việc.

1. Mổ xẻ công việc của bạn.

Viết ra giấy 3 danh sách. Danh sách 1 gồm tất cả những điều bạn thích về công việc dù lớn hay nhỏ. Danh sách 2 liệt kê tất cả điều phức tạp khiến bạn đau đầu và không hài lòng trong công việc.

Danh sách 3 liệt kê những điều bạn muốn làm mà hiện tại chưa thực hiện- ngay cả khi điều muốn làm không liên quan gì đến việc bạn đang được trả tiền.

Sau đó, xem xét danh sách 2 và loại bỏ những việc khiến bạn đau đầu, bằng cách thương lượng lại với sếp trực tiếp, tìm cách dung hòa để giảm căng thẳng.

Với danh sách 3, sáng tạo là một yếu tố thúc đẩy hạnh phúc. Cố gắng tập thể dục trong ngày làm việc để giảm căng thẳng, tăng cường năng lượng.

Theo thời gian, 3 danh sách của bạn sẽ thay đổi. Hãy bảo đảm rằng khi xóa một mục khỏi danh sách thứ 2 (những thứ bạn không thích) và danh sách thứ ba (những thứ bạn muốn thêm), bạn sẽ thêm điều đó vào danh sách đầu tiên (những điều bạn thích về công việc của mình).

Mỗi một điều thêm vào danh sách đầu tiên là một nấc thang hạnh phúc trong công việc.

2. Tận hưởng mối quan hệ với đồng nghiệp.

Bạn không thể thay đổi/ chọn đồng nghiệp nhưng có thể cải thiện mối quan hệ với mọi người.

Tìm hiểu những gì đồng nghiệp đang mong muốn và giúp họ đạt được điều đó, ngay cả khi bạn không phải là sếp của họ. Hoặc bằng sự hài hước, bạn có thể làm cho các cuộc họp chung trở nên thú vị hoặc hấp dẫn hơn.

Chỉ cần hiểu rõ hơn về đồng nghiệp thì mối quan hệ giữa bạn với họ sẽ trở nên sâu sắc. Khi sự kết nối càng nhiều, bạn càng mong được làm việc với họ mỗi ngày, kết quả là bạn sẽ yêu thích công việc hơn.

Lợi ích bổ sung của nỗ lực thứ hai này đồng thời làm tăng hạnh phúc cho đồng nghiệp, thúc đẩy họ sẵn sàng giúp đỡ hoặc chia sẻ sự khó khăn trong công việc khi bạn cần.

3. Thay đổi suy nghĩ khác đi.

Wrzesniewski và Dutton nghiên cứu một nhóm nhân viên vệ sinh bệnh viện. Làm sạch giường và tiếp xúc với người bệnh và sắp chết là việc hầu hết không ai muốn làm.

Thế nhưng, nghiên cứu phát hiện có một số nhỏ trong nhóm nhân viên đó rất yêu thích công việc của họ.

Công việc dọn dẹp tưởng chừng giống nhau đối với tất cả mọi người, nhưng trong khi đa số cho rằng việc đó không sáng tạo, thì số ít thích công việc lại nghĩ họ đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Họ thậm chí còn xem bản thân là “đại sứ”.

Cách suy nghĩ khác đi thay đổi hành vi thực hiện. Bạn có thể làm điều tương tư với công việc bạn đang theo đuổi.

Hãy tìm ý nghĩa trong công việc bạn đang làm. Công việc này có ảnh hưởng tích cực đến người khác, đến văn hóa xã hội hay môi trường xung quanh?

Bạn có thể chỉ là nhân viên nhập liệu, nhưng dữ liệu đó được sử dụng để làm gì? Và cam kết của bạn về độ chính xác của dữ liệu đó sẽ đem đến hiệu quả cho người sử dụng dữ liệu.

Hoặc bạn có thể đang lặp đi lặp lại một công việc quen thuộc đến nhàm chán trong nhà máy, nhưng nếu không có công đoan đó, liệu sản phẩm cuối cùng có hoàn chỉnh hay không? Rõ ràng, việc bạn đang làm rất quan trọng và có thể dẫn đến một kết quả tốt đẹp nào đó.

Hành động có thể thay đổi khi nhận thức của bạn về công việc thay đổi.

Điều quan trọng – đặc biệt là khi bạn căng thẳng, kiệt sức hoặc không vui, phải nhắc nhở bản thân về kết quả của công việc là bạn đang có cơ hội kiếm được tiền lương nuôi sống bản thân và gia đình.

Chỉ điều đó thôi cũng có thể tiếp thêm sức mạnh trong những khoảnh khắc mệt mỏi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh (Theo DNSG)

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Meta ra mắt Edits và muốn thay thế CapCut của TikTok

20 Tháng Một, 2025
Meta vừa chính thức trình làng công cụ chỉnh sửa video mới Edits trong bối cảnh mạng xã hội TikTo…

Đọc nhiều

Top 10+ xu hướng Marketing sẽ thống trị trong năm 2025 (từ Kantar)

18 Tháng Một, 2025
Theo báo cáo từ Kantar Media (một công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường,…