Học được gì từ những thất bại gần đây của Facebook
Doanh số và lượng người dùng sụt giảm chưa từng có, hàng loạt vụ tẩy chay và rơi khỏi top 10 doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất toàn cầu, thất bại của Facebook là bài học cho tất cả các nhà lãnh đạo khác.
Từ đầu tháng 2, giá cổ phiếu của Meta Platforms Inc (sở hữu Facebook) đã giảm mạnh 26% chỉ trong một ngày, sự kiện đã cuốn trôi 230 tỷ USD vốn hóa thị trường của nền tảng.
Bản thân nhà sáng lập Mark Zuckerberg cũng đã mất gần 29 tỷ USD tài sản cá nhân của mình đồng thời chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay của đế chế mạng xã hội lớn nhất toàn cầu này.
Thất bại của Facebook thì đã quá rõ, tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là, liệu sau thất bại đó, các doanh nhân hay nhà lãnh đạo khác có thể học hỏi được gì cho riêng mình.
Dưới đây là một số bài học được rút ra bạn có thể tham khảo.
1. Đừng “ngủ quên trên chiến thắng”.
Với gần 3 tỷ người dùng đang hoạt động hàng tháng (MAU), Facebook là nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu và bỏ xa các đối thủ còn lại như TikTok hay Twitter.
Vậy điều gì đang khiến Facebook phải đối mặt với hàng loạt khủng hoảng trong thời gian gần đây?
Trong khi là nền tảng số 1 toàn cầu, các vấn đề như thuật toán, tính bảo mật hay quyền riêng tư của người dùng và cả nhiều vấn nạn khác liên quan đến quảng cáo lại là những rào cản lớn có thể kéo ngược Facebook bất cứ khi nào.
Ngoài ra trong bối cảnh hành vi và cách tiêu thụ nội dung của người dùng đang thay đổi nhanh chóng, những áp lực từ Apple hay sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh cũng là những lý do khiến Facebook phải lung lay vị thế.
Thất bại của Facebook dạy tất cả các nhà lãnh đạo khác là “đừng bao giờ ngủ quên trên chiến thắng” vì tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi (và thậm chí là bị thay thế).
2. Đừng “bỏ trứng vào một giỏ”.
Ngày Facebook đổi tên công ty mẹ thành Meta, mọi thứ tưởng chừng như là lý tưởng, Facebook không chỉ thoát khỏi các bê bối hiện có mà còn chạm gần hơn với Metaverse, một thế giới ảo được cho là tương lai của thế giới Internet.
Tuy nhiên với những gì đang diễn ra, việc Facebook đặt cược mọi thứ vào thế giới ảo này lại khiến Facebook gặp nhiều khó khăn hơn.
Facebook có thể không chỉ không giữ được vị thế số 1 trong không gian mạng xã hội mà còn thất bại trong cả Metaverse khi đứng trước Microsoft, Apple và nhiều tên tuổi khác.
3. Đừng bao giờ coi thường những đối thủ “nhẹ cân” hơn.
Xem thường đối thủ, ngay cả những đối thủ được cho là “không xứng tầm” chưa bao giờ tâm thế có lợi cho các nhà lãnh đạo. Steve Balmer, một cựu CEO của Microsoft đã từng chế nhạo iPhone khi nó mới được phát hành, ông nói rằng Apple không thể sản xuất điện thoại và sẽ không ai sẵn sàng mua từ nó.
Cũng tương tự như câu chuyện của Google, ngày nó ra mắt năm 1998 cũng ít ai có thể ngờ được có một ngày nó sẽ là công cụ tìm kiếm lớn nhất toàn cầu thay thế cho đế chế Yahoo (ra mắt 1995) hay Bing (của Microsoft).
Quay lại câu chuyện của Facebook, ngày TikTok ra đời và chỉ có một lượng rất nhỏ người dùng, nếu Facebook “quan tâm” đến nó nhiều hơn đồng thời hoàn thiện sản phẩm của mình tốt lên thì câu chuyện cạnh tranh có thể đã khác.
4. Sức mạnh của niềm tin.
Cho dù đó là cuộc khủng hoảng với Cambridge Analytica (CA) hay hàng loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư của người dùng, mọi người chắc chắn không tin tưởng Facebook như cách họ từng có, họ thậm chí còn nghi ngờ tương lai của chính đế chế này.
Về bản chất, khi người dùng tin tưởng về bạn hay thương hiệu của bạn, họ hết mình ủng hộ tương lai của bạn, và câu chuyện này hiện không đúng với Facebook.
5. Đổi mới là chìa khoá để giữ vững vị thế.
Nếu bạn xem xét đến chiến lược của Facebook trong những năm qua, nó khá đơn giản. Mỗi khi một đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện, Facebook mua lại nó.
Facebook đã làm điều này với WhatsApp, với Instagram và họ thực sự cũng muốn làm điều đó với TikTok. Tuy nhiên, khi Facebook nhận ra rằng họ không thể mua được TikTok, Reels là “sản phẩm cứu thế” của Facebook trong không gian video dạng ngắn.
Trong khi sao chép hay bắt chước tính năng khộng phải là chuyện quá xa lạ với các nền tảng hay ứng dụng công nghệ (cả Snapchat, Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok…đều “học hỏi” và bắt chước lẫn nhau), đổi mới và sáng tạo là câu chuyện khác.
Một khi các ứng dụng nhỏ đã được hiểu được “luật chơi” và chọn cách vươn lên thay vì bán lại, các nền tảng lớn như Facebook hay thậm chí là Google cũng cần học cách sáng tạo nhiều hơn với các sản phẩm hay hệ sinh thái của mình.
Rõ ràng là nếu Facebook vẫn di chuyển theo cách cũ, bỏ qua người dùng, ung dung với vị thế thống trị hay chỉ tập trung toàn lực vào metaverse, thất bại là con đường khộng thể tránh khỏi.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen