Nhà tuyển dụng đau đầu vì CV được viết bằng ChatGPT
Nhờ các ứng dụng như ChatGPT, đơn xin việc hay CV do AI viết hoàn hảo đến mức bất thường. AI còn biết viết hộ thư giới thiệu từ công ty cũ, soạn sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn có thể xảy ra.
Đầu năm nay, Christina Qi, CEO của công ty dữ liệu thị trường Databento, đột nhiên nhận được những đơn ứng tuyển công việc hoàn hảo đến kỳ lạ.
Cụ thể, trong quy trình xét tuyển, công ty Databento yêu cầu các ứng viên phải viết một tweet và một thông cáo báo báo chí, yêu cầu nghiên cứu và đào sâu thông tin rất kỹ.
Thông thường, hầu hết ứng viên đều trượt vòng này. Tuy nhiên, 5 đơn ứng tuyển mới nhất CEO Christina Qi đều vượt qua trót lọt. Điều bất thường là cả 5 đơn xin việc (CV) này đều rất giống nhau, “như thể được viết bởi cùng một người”, Christina Qi nói.
“Tôi nhận được các câu trả lời giống nhau đến kỳ lạ”, cô nói thêm. Giữ mối nghi ngờ này, nữ CEO đã nhập câu hỏi vào ChatGPT, công cụ AI “toàn năng” gây sốt trong thời gian gần đây, để xem câu trả lời của nó.
ChatGPT viết hộ đơn xin việc, sơ yếu lý lịch.
Trên thực tế, kể từ khi được ra mắt đến nay và với lượng người dùng đăng ký ChatGPT liên tục tăng trưởng, chatbot AI này đã trở thành một chủ đề nóng, được mọi lĩnh vực quan tâm. Microsoft và Google là những ông lớn tiên phong tích hợp trí tuệ nhân tạo vào sản phẩm của mình.
Nhờ đó, nhiều người đã được trải nghiệm ChatGPT trong chính công việc của mình. Thậm chí, có người còn sử dụng chatbot AI của OpenAI để viết hộ thư xin việc, kiểm tra hồ sơ lý lịch và soạn sẵn câu trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn có thể xảy ra.
Về phía những nhà tuyển dụng, họ khẳng định sẽ không loại thẳng những CV (Curriculum Vitae) bằng ChatGPT nhưng đang nỗ lực tìm cách phát hiện những ứng viên dùng công cụ AI này và đánh giá bằng những tiêu chuẩn khác.
Cũng như hàng nghìn nhân sự công nghệ bị đuổi việc trong cuộc “bão sa thải”, Kyle Mickey (38 tuổi) đã bắt đầu rải đơn xin việc để tìm việc mới ở vị trí kỹ sư phần mềm.
Anh đã nhờ đến sự trợ giúp của ChatGPT để chỉnh sửa lý lịch cá nhân và bản trình bày kinh nghiệm, kỹ năng mình đã viết. Anh còn bảo AI viết hộ thư giới thiệu từ công ty cũ của mình. Kết quả cho ra rất bất ngờ khi CV do AI viết rất hoàn hảo, mọi kỹ năng đều khớp với yêu cầu công việc của công ty.
Mickey đã gửi đơn xin việc đến nhà tuyển dụng, nói rằng tờ đơn là do ChatGPT viết và nó đã chứng thực những kỹ năng của anh. “Nhà tuyển dụng đã rất bất ngờ và trả lời rằng ‘Chúng ta nói chuyện một chút đi, tôi thích sự sáng tạo của anh đấy’”, Mickey nhớ lại.
Tương tự, một nhân viên mảng quản lý sản phẩm Ryan Stringham (31 tuổi) cũng từng dùng AI để viết 2 CV, trong đó một lần lá thư đã lọt vào vòng phỏng vấn, lần còn lại giúp anh có được công việc hiện tại.
Cụ thể, ChatGPT đã thay đổi toàn bộ cấu trúc bức thư xin việc Stringham đã viết, cắt bớt những phần thừa thãi và chia nó thành 4 đoạn văn rành mạch. Stringham cho biết chatbot AI còn đề xuất anh hãy hỏi về văn hóa công ty và trình bày những kỳ vọng trong công việc.
Thay vì hỏi những câu hỏi mơ hồ về những việc cần làm để hoàn thành tốt công việc, ChatGPT khuyên anh nên hỏi cụ thể hơn về lịch trình làm việc và những tiêu chuẩn đạt hiệu quả cao trong công việc.
Do đó, Stringham khuyến khích những người thân xung quanh mình dùng chatbot để tìm việc. Anh thậm chí còn chia sẻ câu chuyện của mình trên LinkedIn và tư vấn cho những người đang có nhu cầu tìm việc. “Nó đã giúp tôi vượt qua trót lọt giai đoạn nộp đơn xin việc và chẳng có nhà tuyển dụng nào phát hiện ra”, Stringham chia sẻ.
Gian lận bằng ChatGPT.
Theo Wall Street Journal, chương trình, website và những công cụ chỉnh sửa CV và lý lịch cá nhân không phải là điều gì mới. Microsoft Office và Google Docs còn cung cấp những mẫu đơn có sẵn trong khi những công ty như Jobscan còn có dịch vụ cá nhân hóa đơn xin việc để thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.
Song, các ứng viên không nên quá phụ thuộc vào AI mà cần kết hợp ChatGPT với lối viết của mình và tự chỉnh sửa lại, CEO Baker Andrus của công ty tư vấn xin việc Avarah Careers chia sẻ. “Nếu quyết định sử dụng ChatGPT, bạn cần tự hỏi rằng liệu nó có nói đúng về con người mình như cách mình muốn thể hiện hay không”, bà Andrus nói.
Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng đang tìm cách để “nắm thóp” những ứng viên gian lận bằng AI. Những kỹ sư nộp đơn vào công ty Cobalt Robotics phải tham gia vào một bài kiểm tra lập trình từ xa dài một tiếng đồng hồ.
Vòng thi này yêu cầu họ phải hợp tác với một nhân viên trong công ty để kiểm tra khả năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Mọi quá trình và công việc của họ đều sẽ bị chương trình theo dõi CoderPad ghi lại.
Mới đây, một ứng viên đã hoàn thành vòng thi nhưng lại CoderPad lại không ghi lại được bất cứ quá trình làm nào của anh. Đồng sáng lập Erik Schluntz của Cobalt Robotics đã nghi ngờ người này gian lận bằng AI và sao chép câu trả lời của nó. Ông đã thử nhập câu hỏi vào ChatGPT và câu trả lời giống hệt kết quả mà lập trình viên đã nộp.
Với Christina Qi, CEO của Databento, cô cũng cho rằng các nhà tuyển dụng nên chấp nhận thực tế này và tìm ra những cách thức tuyển dụng mới, hiệu quả hơn. Qi đã đồng ý tuyển dụng những người nộp đơn ứng tuyển bằng AI nhưng có một điều kiện kèm theo.
Những người này phải trải qua một bài kiểm tra yêu cầu nghiên cứu và chỉnh sửa những nội dung do AI tạo lập. “Chúng ta cần là người đi trước và chấp nhận một hiện thực rằng mọi người đang ngày càng dùng AI nhiều hơn, thay vì cố gắng phủ nhận nó”, CEO Christina Qi chia sẻ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | Theo ZingNews