Tôi đang đọc cuốn Big Little Break-throughs – Những phát minh bình thường vĩ đại của tác giả Josh Linkner. Sách đưa ra nhiều bài học thực tế về việc những người thành công khắp nơi trên thế giới đã thành công nhờ tư duy sáng tạo như thế nào.
Nhưng điểm đặc biệt là, sáng tạo của họ không có gì ghê gớm, mang tính phòng lab, với đội ngũ tech cool ngầu hay rầm rộ kiểu thay đổi thế giới hết.
Họ thành công là nhờ ứng dụng sáng tạo vào tất cả những việc tưởng chừng như nhỏ bé mỗi ngày, trong đời sống và công việc, như cách chúng ta đang sống và làm việc.
Trong đó, tác giả sau khi nghiên cứu thành công đến từ những phát minh bình thường vĩ đại của thế giới, đã đưa ra 8 bài học là 8 cách người phát minh thành công đã sử dụng để sáng tạo ra những phát minh bình thường vĩ đại.
Chia sẻ lại cho mọi người cùng phản tư và ứng dụng nhé.
Fall in love with the problem – Say nắng với vấn đề.
Tình yêu nó có một ma lực và động lực cực kỳ ghê gớm khiến cho người ta quên ăn quên ngủ, tập trung cực độ và sống, thở, bước đi trên mây mỗi ngày với đối tượng được yêu. Cho nên, người phát minh thành công là người say vấn đề của mình như điếu đổ.
Họ dành hết thời gian nghĩ về vấn đề. Họ ăn ngủ với vấn đề. Họ chung sống với vấn đề và dành hết thời gian cho nó.
Không gì có thể ngăn cản họ tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm, không sợ thất bại mà chỉ tập trung vào để tìm ra 1001 cách giải quyết tốt hơn. Trong trạng thái “say như điếu đổ” đó, con người luôn tạo ra những kết quả xuất sắc nhất.
Start before you’re ready – Bắt đầu khi còn chưa sẵn sàng.
Đã là yêu thì làm sao có thể chờ, dù là chờ ý kiến, mentor, đội ngũ hay bất cứ thứ gì. Khi bắt gặp vấn đề, họ như bị hớp hồn, chỉ lao vào, xông vào, quên hết tất cả, mặc kệ hoàn cảnh hay giới hạn gì về nguồn lực.
Họ cứ bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, tìm giải pháp, rồi tới đâu giải quyết tới đó. Họ đẩy mọi thứ ào ào về phía trước, không sợ bất kỳ chướng ngại nào, không cho phép bất cứ điều gì ngăn họ lại.
Họ đâm đầu vào tường, lui ra và tìm đường khác chứ không bao giờ ngồi đó suy nghĩ quá nhiều chỉ để không làm gì. Không có khái niệm về sự sẵn sàng. Sẵn sàng là ngay bây giờ, ngay lúc này, no matter what – dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa.
Open a test kitchen – Thử nghiệm.
Người sáng tạo thành công có đặc điểm là không ngồi không suy nghĩ, vì họ biết từ lý thuyết tới thực tế nó cách xa nhau nửa vòng trái đất. Có nhiều thứ nghĩ vậy làm không cách nào ra. Có nhiều chuyện nghĩ như mơ nhưng làm mới biết nó tào lao hết sức.
Cho nên, nghĩ ra ý tưởng gì là họ thử nghiệm ngay để kiểm tra mức độ thực tế của ý tưởng. Nhờ thử nghiệm, ý tưởng được hiện thực hoá và cải tiến một cách khách quan và gần với thực tế hơn.
Cứ nghĩ, cứ thử, cứ hiệu chỉnh như một vòng lặp không bao giờ chấm dứt như thế. Nhờ vậy mà khi phát minh hiện nguyên hình, nó mang tính ứng dụng thực tế cao và rộng rãi. Thành công là nhờ vậy.
Break it to fix it – Đập để xây.
Ngạn ngữ tiếng Anh có câu “If it ain’t broke, don’t fix it – nếu không hư đừng có sửa”, vì đụng vô cái là bao nhiêu vấn đề hiện hữu đang có nó sẽ phơi ra và build lại hết nổi. Nhưng đó là cách nghĩ cù sì.
Người sáng tạo là người cần phải hiểu tường tận từng đơn vị, hiểu logic và cách vận hành của đơn vị, nên họ có thói quen tháo ra xây lại, tư duy cách xây và kết hợp từ những đơn vị cơ bản lại với nhau.
Đầu óc của nhà phát minh khiến họ luôn đam mê, không ngại tháo ra xây lại bao nhiêu lần, cho bằng được mới thôi.
Reach for weird – Khoái chuyện lạ.
Người có đầu óc sáng tạo không đi tìm những thứ đương nhiên, rõ ràng ngay trước mắt. Họ yêu sự xuất hiện của cái gì đó bất ngờ, lạ lẫm, không giống ai, kỳ cục….
Chính vì đầu óc mở, luôn tiếp nhận những cái mới, không phán xét bất kỳ điều gì bất thường, chấp nhận dễ dàng những thứ không giống ai nên họ mới có thể tìm ra những giải pháp không giống ai.
Vậy, gọi là sáng tạo. Người đầu óc bị đóng khung, thấy cái gì khác chút là cau mày nhăn mặt thì sáng tạo nào nó dám gõ cửa. Cho nên, cứ phải mở não mở tim ra thì mới có thể sáng tạo được.
Use every drop of toothpaste – Xài đến giọt cuối cùng.
Đây là tư duy less is more – ít là nhiều. Khi bị giới hạn về nguồn lực, kiểu cái khó ló cái khôn, người ta phát minh xuất sắc nhất.
Giới hạn nguồn lực là một áp lực khiến cho sáng tạo đạt đỉnh cao nhất, vì não phải làm việc gấp một vạn lần để tìm ra ba vạn tám ngàn cách khác nhau để giải quyết một vấn đề.
Người thành công không chỉ lo đi tìm nguồn lực. Họ tạo ra sự xuất sắc trong hoàn cảnh giới hạn của nguồn lực.
Don’t forget the dinner mint – Đừng quên những bất ngờ nho nhỏ.
Vô khách sạn 5 sao, buổi tối trước khi đi ngủ bỗng nhìn thấy ra giường đã được mở góc sẵn và trên đó là một thanh sô cô la bạc hà nho nhỏ chúc bạn một giấc mơ ngọt ngào.
Và bạn mỉm cười vì nó làm cho đời cảm thấy nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Đôi khi, chỉ có 1 chút gì đó thay đổi nho nhỏ cũng có thể mang lại những niềm vui và sự hài lòng to lớn.
Vì vậy, người sáng tạo sẽ luôn nghĩ về cảm giác và trải nghiệm của người sử dụng và không bao giờ bỏ qua những chi tiết bất ngờ dù cực nhỏ nhưng mang tính khuếch đại âm thanh khi chạm người nghe.
Sáng tạo có khi chỉ thế, những điều cực nhỏ mang lại những niềm vui cực lớn.
Fall seven times, stand up eight – Vấp ngã thì đứng dậy thôi.
người sáng tạo là người không bao giờ sợ sai, sợ thất bại, sợ mất mặt. Với họ, mọi thứ trong đời là sự thử nghiệm.
Họ say mê thử nghiệm, không được thử lại, không ra thử tiếp, chưa hài lòng thử nữa. Cứ như thế mà họ làm hoài làm hoài không biết mệt, không để ý tới chuyện mình đã ngã bao lần. Mỗi lần ngã xuống, với họ, là một bước tiến gần hơn tới thành công. Cho nên, cứ ngã thôi, chỉ là một bước tiến gần hơn đến thành công thôi mà. Có gì đâu mà sợ?
Những bài học sáng tạo này, rất gần thực tế, là tư duy và cách tiếp cận mang tính đời thường, có thể ứng dụng hàng ngày cho những người đời thường như chúng ta. Chúc các bạn ứng dụng thành công nhé.
-
Sáng tạo là gì? Cách phát triển tư duy sáng tạo
Advertisement
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips