Skip to main content

Project S của TikTok trở thành mối lo mới của Indonesia

21 Tháng Tám, 2023

Tranh cãi xung quanh tính năng Project S của TikTok có thể dẫn đến những thay đổi trong quy định bảo vệ lợi ích các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ở Indonesia…

Project S của TikTok trở thành mối lo mới của Indonesia
Project S của TikTok trở thành mối lo mới của Indonesia

Theo KrAsia, làn sóng dư luận ở Indonesia đang xôn xao với các cuộc thảo luận xung quanh sáng kiến mới của TikTok có tên là Project S.

Project S là tính năng thương mại xã hội, mở ra đường dẫn tới một phần mới trên ứng dụng TikTok, có tiêu đề là Trendy Beat. Theo Financial Times, với Project S, các mặt hàng sản phẩm xuất hiện trên video TikTok có thể được chọn theo thuật toán và giao bán tới người dùng.

Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, đang làm việc với một mạng lưới nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc để thực hiện đơn đặt hàng. Tính năng này hiện được phát triển và thử nghiệm tại thị trường Vương Quốc Anh.

Ông Teten Masduki, Bộ trưởng Hợp tác xã và Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia, nhấn mạnh rằng Project S, nếu được giới thiệu ở đất nước vạn đảo, có thể khiến các MSME địa phương chịu áp lực lớn trong một thị trường đã bão hòa.

Các tính năng thương mại xã hội như Project S có thể nâng cao lợi thế công nghệ của những gã khổng lồ truyền thông như TikTok, cho phép công ty vượt qua nhiều đối thủ tại địa phương một cách dễ dàng hơn.

Theo Bộ trưởng Masduki, sáng kiến mới của TikTok bị nghi ngờ thu thập dữ liệu về sản phẩm phổ biến ở Indonesia, sau đó sản xuất sản phẩm tương tự ở Trung Quốc và bán với giá rẻ hơn.

Để bảo vệ lợi ích của các MSME địa phương, ông Masduki đã kêu gọi Bộ Thương mại Indonesia sửa đổi Quy định số 50 năm 2020 (Reg 50/2020), từ quy định về thương mại điện tử tiến tới áp dụng cho cả thương mại xã hội.

QUY ĐỊNH NGHIÊM NGẶT VỀ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI INDONESIA TRƯỚC PROJECT S CỦA TIKTOK.

Vào tháng 5/2020, Bộ Thương mại đã ban hành Reg 50/2020 để làm rõ và điều chỉnh các quy định trong lĩnh vực thương mại điện tử tại thị trường Indonesia. Theo Reg 50/2020, người bán, tổ chức thương mại điện tử và công ty trung gian (bên thứ ba) cho phép mua hoặc bán hàng hóa trên nền tảng đều phải tuân theo luật thuế và quy định cấp phép kinh doanh.

Ngoài ra, các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài đã hoàn thành ít nhất 1.000 giao dịch hoặc giao hơn 1.000 đơn hàng cho người tiêu dùng Indonesia mỗi năm cũng có nghĩa vụ thành lập văn phòng đại diện tại Indonesia.

Bà Hermawati Setyorinni, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp MSMEs Indonesia (AKUMANDIRI), cho biết sản phẩm được bán qua các thị trường xuyên biên giới, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại xã hội, có thể được miễn thuế do giá thấp hơn và khối lượng nhỏ hơn. Tình trạng này “khuếch đại” nỗi lo ngại của hầu hết MSME địa phương về tác động mà các sáng kiến thương mại xã hội như Project S có thể gây ra cho doanh nghiệp.

TẠO RA MỘT SÂN CHƠI CÔNG BẰNG HƠN.

Theo Reuters, ông Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, tuyên bố nước này sẽ hạn chế bán trực tuyến hàng hóa nhập khẩu có giá dưới 100 USD. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu sẽ được yêu cầu phải có giấy phép Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia (SNI).

Nhiều cơ quan khác ở Indonesia dự kiến sẽ chỉnh sửa các quy định hiện hành theo thay đổi này trước quý IV năm 2023. Đáng chú ý, bộ quy tắc sẽ áp dụng cho cả nền tảng thương mại điện tử (eCommerce) và thương mại mạng xã hội (Social Commerce). Hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện vẫn chưa chính thức ban hành.

Đáp lại tranh cãi, Tổng thống Joko Widodo đã giao cho Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi và Thứ trưởng Nezar Patria giám sát các vấn đề truyền thông xã hội và thương mại điện tử tiềm ẩn, bao gồm cả tính năng mới Project S của TikTok.

Tổng thống Widodo cũng đã triệu tập một lực lượng đặc nhiệm nhằm giải quyết những vấn đề thương mại điện tử, cùng một số vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông, trạm thu phát cơ sở và vệ tinh.

“ƯU TIÊN HÀNG TRONG NƯỚC, HẠN CHẾ HÀNG NGOẠI”.

Lo ngại về tình trạng “ế ẩm” dài ngày của ngành sản xuất nội địa, Tổng thống Widodo đã kêu gọi người tiêu dùng Indonesia hạn chế mua các sản phẩm nhập khẩu và ủng hộ thương hiệu địa phương.

Khi được thăm dò về Project S, đại diện văn phòng TikTok chia sẻ với Tech in Asia rằng tính năng mới này không có sẵn ở Indonesia, nhấn mạnh công ty không hoạt động kinh doanh xuyên biên giới.

Trong bối cảnh thị trường phát triển, các bên liên quan háo hức chờ đợi kết quả của nỗ lực điều tiết từ chính phủ. Những năm gần đây, một số quốc gia như Ấn Độ đã ban hành luật và quy định nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, bộ quy định này vẫn là một chủ đề thảo luận quan trọng, khi những tác động tiềm tàng của các doanh nghiệp xuyên biên giới đối với nền kinh tế chưa hoàn toàn rõ ràng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Bảo Ngọc | Markettimes

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

VinVentures công bố báo cáo xu hướng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2024

2 Tháng Một, 2025
Quỹ VinVentures cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30%…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …