Skip to main content

Thẻ: Charlie Munger

Charlie Munger: Đừng bán bất cứ thứ gì mà bạn sẽ không mua nó

Charlie Munger, nhà đầu tư lão luyện và cũng là “bạn đời” của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett mất vào tháng 11 mới đây, trước khi mất, ông đã chia sẻ lại những suy ngẫm của mình về cuộc đời và sự nghiệp, đó cũng là bài viết cuối cùng của ông.

Dưới đây là toàn bộ câu chuyện.

Hành trình đến với sự hài lòng trong nghề nghiệp của một người không phải lúc nào cũng theo đường thẳng. Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard, tôi làm việc cho một công ty có uy tín ở California. Tôi đã xây dựng một ngôi nhà và một gia đình, và tôi đã làm việc chăm chỉ trong nhiều năm.

Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn kiếm được nhiều hơn mức mà một nhân viên luật cấp cao có thể mong đợi. Tôi bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu, kinh doanh và phát triển bất động sản trước khi thành lập công ty luật cùng với một số đồng nghiệp của mình.

Tôi đã trải qua nhiều năm thành công ở công ty nhưng tôi lại không hài lòng với việc hành nghề luật. Tôi thích sự độc lập của một nhà tư bản. Tôi thích tìm hiểu mọi thứ và cả những ván cược. Tôi cũng thích đưa ra quyết định và thực hiện nhiều “trò chơi” với số tiền của mình nhiều hơn.

Một buổi tối, tại một bữa tiệc tối ở Omaha, tôi được giới thiệu với một người tên là Warren Buffett. Warren và tôi đã chia sẻ nhiều ý tưởng về kinh doanh, tài chính, lịch sử và tất nhiên là cả đầu tư.

Warren thuyết phục tôi rời công ty luật vào thời điểm sớm nhất mà tôi có đủ khả năng để làm điều đó. Cuối cùng chúng tôi đã đồng ý hợp tác kinh doanh cùng nhau, và hóa ra đó lại là một quyết định cực kỳ đúng đắn.

Tôi có 3 quy tắc cơ bản để hài lòng với nghề nghiệp và tôi tin rằng chúng có thể giúp bất kỳ người trẻ nào đánh giá các quyết định nghề nghiệp của họ. Mặc dù việc đáp ứng được cả 3 điều này là rất khó nhưng bạn vẫn nên thử.

1. Đừng bán bất cứ thứ gì mà bạn sẽ không mua nó.

Cách an toàn nhất để đạt được điều bạn muốn đó là cố gắng để xứng đáng với những gì bạn muốn. Đó là một ý tưởng đơn giản. Đó là nguyên tắc vàng. Bạn muốn cung cấp cho thế giới những gì bạn sẽ mua nếu bạn là người mua.

Nhìn chung, những người có đặc tính này sẽ giành chiến thắng trong cuộc sống và họ không chỉ giành được tiền bạc và danh dự – họ còn giành được cả sự tôn trọng và sự tin tưởng của những người mà họ giao tiếp.

Thêm vào đó, họ cũng có được những niềm vui to lớn trong cuộc sống khi họ nhận được sự tin tưởng xứng đáng. Danh tiếng và tính chính trực là tài sản quý giá nhất của bạn — và nó cũng có thể mất đi trong tích tắc.

2. Đừng làm việc cho những người mà bạn không tôn trọng và ngưỡng mộ.

Tất cả chúng ta đều chịu sự kiểm soát ở một mức độ nào đó bởi những nhân vật có thẩm quyền, đặc biệt là những nhân vật có thẩm quyền đang trực tiếp trả lương hay khen thưởng cho chúng ta. Đối phó với điều này vốn đòi hỏi cả tài năng và ý chí.

Tôi đối phó bằng cách xác định những người mà tôi ngưỡng mộ và làm việc dưới quyền của những kiểu người phù hợp. Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ cho phép điều đó nếu bạn đủ khôn ngoan để giải quyết vấn đề một cách khéo léo.

Nhìn chung, kết quả cuộc sống của bạn sẽ khả quan hơn nếu bạn làm việc dưới sự chỉ đạo của những người mà bạn thực sự ngưỡng mộ.

3. Chỉ làm việc với những người bạn thích.

Tôi nhận thấy rằng sự quan tâm sâu sắc đến bất kỳ môn học nào là điều không thể thiếu nếu bạn thực sự muốn xuất sắc. Tôi có thể buộc mình phải khá giỏi ở khá nhiều thứ, nhưng tôi không thể xuất sắc ở bất cứ thứ gì mà tôi không có hứng thú hoặc hứng thú một cách mãnh liệt.

Nếu có thể, bạn hãy tự mình làm điều gì đó mà bạn thực sự quan tâm cùng với những người mà bạn yêu thích.

Một điều nữa bạn phải làm đó là phải có rất nhiều sự kiên trì. Tôi thích từ đó vì với tôi nó có nghĩa là: “Hãy ngồi xuống cho đến khi bạn làm được điều đó.” Tôi đã có những người bạn đời tuyệt vời, đầy sự kiên trì trong suốt cuộc đời mình.

Tôi nghĩ tôi có được chúng một phần vì tôi đã cố gắng xứng đáng với chúng, một phần vì tôi đủ khôn ngoan để lựa chọn chúng, và một phần vì có chút may mắn. Tôi đã vô cùng may mắn trong đời khi áp dụng được những quy tắc cơ bản này.

Với Warren Buffett, tôi có cả 3 điều đó.”

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước

Ly dị vợ, bị mù mắt, con trai 9 tuổi qua đời vì ung thư…Cuộc đời của tỷ phú Munger là một tấn bi kịch nhưng ông vẫn không ngừng vươn lên và trở thành nhà đầu tư đại tài của nước Mỹ.

Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước
Cuộc đời bi kịch của Charlie Munger: Mỗi bất hạnh là một cơ hội để tiến lên phía trước

Tỷ phú Charlie Munger sinh năm 1924, ông được biết đến là đối tác làm ăn lâu năm, người bạn thân nhất và là cánh tay phải của tỷ phú Warren Buffett tại Berkshire Hathaway Inc. Ngoài ra, tỷ phú Charlie Munger từng là Chủ tịch tập đoàn tài chính Wesco từ 1984 đến 2011, cựu Chủ tịch hãng tin Daily Journal và là một trong những giám đốc của Tập đoàn bán lẻ Costco.

Câu chuyện cuộc đời ông là biểu tượng cho sự kiên cường và kiên trì khi đối mặt với những trở ngại, mất mát cùng cực. Bất chấp những khó khăn này, ông vẫn tiếp tục trở thành một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong thời đại của mình.

Theo đó, bước ngoặt đầy kịch tính đầu tiên là khi ông bỏ học đại học vào năm 1943 để tham gia Quân đoàn Không quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai. Mặc dù không có bằng đại học nhưng quyết tâm của Munger đã giúp ông trở thành một sĩ quan và được đào tạo thành một nhà khí tượng học.

Ông sau đó hoàn thành các khóa học và được nhận vào Trường luật Harvard. Chàng trai trẻ bắt đầu sự nghiệp luật sư tại công ty Wright & Garrett với thu nhập 3.300 USD một năm.

Năm 1953, ở tuổi 29, cuộc đời Munger có một biến động lớn. Cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm của ông kết thúc bằng ly hôn, một sự kỳ thị đáng kể của xã hội vào thời điểm đó, đánh dấu trở ngại đầu tiên trong số nhiều rào cản mà Munger sẽ phải đối mặt.

Cuộc ly hôn khiến ông rơi vào tình trạng tài chính tồi tệ, bởi vợ ông nhận phần lớn tài sản, bao gồm cả ngôi nhà. Theo bạn bè, ông Munger đã sống trong tình cảnh rất nghèo khó sau khi chia tay.

Quyết tâm lấy lại sự ổn định tài chính của mình, Munger đắm mình vào công việc để phục hồi sau tổn thất. Nhưng cuộc đời còn nhiều thử thách chờ đợi ông.

Một năm sau ly dị, con trai 8 tuổi Teddy của Charlie Munger bị ung thư máu. Trong thời đại không có bảo hiểm y tế và phương pháp điều trị hiệu quả, ông Munger gồng gánh các chi phí y tế trong khi vật lộn chứng rối loạn cảm xúc về căn bệnh của con trai. Ông chứng kiến sức khỏe của Teddy suy giảm trong khi vẫn phải có trách nhiệm làm cha với những đứa con khác và điều hành công việc luật sư. Teddy qua đời một năm sau đó.

Bạn của Munger – Rick Guerin nhớ lại những khoảnh khắc đau lòng mà Munger đã trải qua tại bệnh viện cùng Teddy và những chuyến đi một mình qua Pasadena, California, tràn ngập đau buồn. Cái chết của Teddy khiến Munger tan vỡ.

Ở tuổi 31, ông Munger đối mặt sự bất ổn về kinh tế, nỗi đau sâu sắc của việc mất con và hệ lụy sau ly hôn. Nhưng ông không đầu hàng số phận mà chọn cách tiến về phía trước.

Tỷ phú 99 tuổi từng nói: “Sự ghen tị, oán hận, trả thù và tự than vãn là lối suy nghĩ tai hại. Lòng thương hại bản thân gần giống với chứng hoang tưởng. Mỗi bất hạnh trong cuộc đời là một cơ hội để học hỏi và ứng xử tốt hơn. Đừng chìm đắm vào sự tủi thân mà hãy tận dụng những rủi ro ấy”.

Những lời này thậm chí còn có sức nặng hơn đối với những trải nghiệm cá nhân của Munger, bao gồm cả việc mất con trai.

Những thách thức của Munger vẫn tiếp tục. Ở tuổi 52, ông bị đục thủy tinh thể và một cuộc phẫu thuật thất bại khiến ông bị mù một mắt. Dù đau đớn và mất thị lực nhưng tinh thần bất khuất của ông vẫn không ngừng dừng lại. Ông đã học chữ nổi, thể hiện quyết tâm thích nghi và học hỏi trong bất kể hoàn cảnh nào.

Có thể nói, hành trình của Munger được đánh dấu bằng những bi kịch cá nhân và thất bại nghề nghiệp. Điều này là minh chứng cho câu nói thành công không bao giờ là điều dễ dàng. Ở đó luôn ẩn chứa nỗi đau, mất mát, thách thức khả năng chịu đựng của con người.

Khi giải quyết các thách thức trong đầu tư và cuộc sống, tỷ phú người Mỹ áp dụng câu nói nổi tiếng coi chiến thắng và thảm họa như nhau của nhà báo, tiểu thuyết gia Anh Rudyard Kipling. Cách tiếp cận chấp nhận thất bại như một phần bình thường của cuộc sống và học hỏi từ nó thay vì đắm chìm vào đó thể hiện tư duy thực dụng và kiên cường của ông.

Yahoo nhận xét: “Cuộc đời Munger, bên cạnh sự nhạy bén về đầu tư kinh doanh, còn là bài học sâu sắc về việc vượt qua nghịch cảnh. Hành trình của ông là minh chứng cho khả năng kiên trì, học hỏi và phát triển của tinh thần con người, biến ngay cả những trải nghiệm khó khăn và thách thức nhất thành cơ hội để phát triển bản thân cũng như trí tuệ”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Một vài bài học đầu tư mà Charlie Munger muốn dành cho người trẻ

Charlie Munger chỉ ra hai chướng ngại lớn nhất đối với nỗ lực làm giàu của thế hệ trẻ là giá bất động sản đắt đỏ và bản chất ngày càng phức tạp của việc đầu tư.

Một vài bài học đầu tư mà Charlie Munger dành cho người trẻ
Một vài bài học đầu tư mà Charlie Munger dành cho người trẻ

Charlie Munger là một nhà đầu tư xuất chúng, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau, từ Giám đốc của công ty xuất bản Daily Journal cho đến Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway. Ông có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực đầu tư và tài chính. Do đóm những lời khuyên của ông thường có giá trị lớn.

Munger có một số lời khuyên dành cho những nhà đầu tư trẻ tuổi muốn tạo dựng dấu ấn trong thế giới tài chính. Tại cuộc họp thường niên của Daily Journal năm 2022, ông cảnh báo lứa sinh viên mới tốt nghiệp rằng việc làm giàu và duy trì sự giàu có sẽ “khó khăn hơn hẳn” so với trước đây.

Ông chỉ ra hai vật cản lớn đối với mục tiêu làm giàu của giới trẻ là lạm phát, giá bất động sản phi mã và bản chất ngày càng phức tạp của công việc đầu tư.

Bất động sản: Theo Munger, thời đại “một chiến lược đầu tư phù hợp cho tất cả mọi người” đã lùi vào dĩ vãng. Nguyên do là giá bất động sản đã tăng vọt trong vài thập kỷ qua.

Năm 1980, hai năm sau khi Munger nhận chức Phó Chủ tịch tại Berkshire, giá nhà trung vị tại California là 80.055 USD. Sau khi điều chỉnh cho lạm phát, số tiền đó tương đương khoảng 292.000 USD vào năm 2021.

Nhưng trong năm này, giá nhà trung vị thực tế tại California đã vọt lên khoảng 800.000 USD, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản California.

Munger cảnh báo rằng việc sở hữu một danh mục cổ phiếu được đa dạng hóa có thể không còn đáng tin như trước nữa. Ông dự đoán môi trường đầu tư sẽ trở nên thách thức hơn nhiều so với những gì các thế hệ trước phải đối mặt.

Đầu tư phức tạp: Munger gợi ý người trẻ nên tìm kiếm những lời khuyên đầu tư đã được cá nhân hóa (personalized) để hỗ trợ bản thân trong môi trường đầu tư phức tạp hiện nay.

Ông lưu ý rằng nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ năng của bản thân hoặc của cố vấn tài chính trước khi ra quyết định lớn. Đối với những người thấy việc đầu tư phức tạp và khó hiểu, Munger nói: “Chào mừng đến với cuộc sống của người trưởng thành!”.

Trước đây, Munger thường nói rằng một danh mục gồm các cổ phiếu phổ thông được đa dạng hóa có thể đem về cho các nhà đầu tư thông minh tỷ suất lợi nhuận mỗi năm khoảng 10%. Nhưng giờ ông thừa nhận rằng chiến lược này không còn chắc chắn nữa.

Tờ Benzinga dẫn lời Munger cho hay: “Tôi không nghĩ rằng tương lai sẽ đem đến cho những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học cơ hội đầu tư dễ dàng như thế”.

Nhưng những lời Munger nói không có nghĩa là các nhà đầu tư trẻ tuổi không còn cơ hội làm giàu. Warren Buffett, người bạn lâu năm của Munger và là Chủ tịch Berkshire Hathaway, từng chỉ ra một cánh cổng đến với thế giới đầu tư: quỹ chỉ số.

Buffett khuyến nghị nhà đầu tư để tiền vào các quỹ mô phỏng biến động của chỉ số S&P 500 và nắm giữ nó trong khoảng thời gian dài. Chiến lược này đơn giản nhưng đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 17%. Nhưng thành công của Munger và Buffett đã được xây dựng dựa trên sự kiên nhẫn, do đó việc học theo tấm gương của hai người và đầu tư trong dài hạn có thể là chiến lược tốt nhất.

Ngay cả những nhà đầu tư giỏi nhất cũng có lúc sai lầm. Nhưng những lời khuyên khôn ngoan của Munger đặc biệt đáng chú ý đối với các nhà đầu tư trẻ tuổi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Những bài học đầu tư đáng nhớ của huyền thoại Charlie Munger

Charlie Munger đã tạo dựng sự nghiệp thành công từ trước khi gặp Warren Buffett và trở thành Phó Chủ tịch Berkshire Hathaway. Sau hàng chục năm trên thương trường, ông đã để lại cho các nhà đầu tư nhiều câu nói hay, đáng suy ngẫm.

Những bài học đầu tư đáng nhớ của huyền thoại Charlie Munger
Những bài học đầu tư đáng nhớ của huyền thoại Charlie Munger

Tỷ phú Charlie Munger, người khổng lồ trong thế giới đầu tư, đã qua đời ở tuổi 99. Munger không chỉ là cánh tay phải của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, bản thân ông cũng là một nhà đầu tư tài giỏi, đạt được nhiều thành công trong hàng thập kỷ qua.

Munger là người có công giúp Buffett hoàn thiện phong cách đầu tư. Ông đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra mức lợi nhuận 3.787.464% cho các cổ đông của Berkshire từ năm 1964 đến cuối năm 2022.

Sự nghiệp đầu tư 

Munger xuất thân là một luật sư. Ông theo đuổi toán học khi còn là sinh viên và sau đó theo học tại Trường Luật Harvard. Munger còn từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ hai.

Ông đồng sáng lập một công ty luật chuyên về bất động sản nhưng cuối cùng Munger quyết định dồn sự tập trung vào lĩnh vực quản lý đầu tư.

Munger nổi tiếng nhất với vai trò Phó Chủ tịch Berkshire, nhưng sự nghiệp đầu tư của ông còn nhiều phần ấn tượng hơn. Trên thực tế, phải đến năm 1978 – khi Munger đã 54 tuổi – ông mới đảm nhận trọng trách tại Berkshire, tờ The Motley Fool cho biết.

Từ năm 1962 đến 1975, Munger điều hành công ty đầu tư hợp danh có tên Wheeler, Munger & Co. Công ty có thành tích đáng nể, tạo ra tỷ suất sinh lời chuẩn hóa hàng năm 19,8% (trước phí). Trong khoảng thời gian này, tỷ suất sinh lời của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ là 5%.

Một điều thú vị là con số của Wheeler, Munger & Co. gần bằng với tỷ suất lợi nhuận kép dài hạn mà Berkshire tạo ra trong kỷ nguyên của Warren Buffett.

Charlie Munger gặp Warren Buffet vào năm 1959 thông qua sự giới thiệu của một người bạn chung. Trong những năm qua, Munger có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến phong cách đầu tư của Buffett, trừ người thầy của ông là Benjamin Graham.

Câu “một doanh nghiệp tuyệt vời có mức giá hợp lý sẽ vượt trội hơn một doanh nghiệp hợp lý có mức giá tuyệt vời” thường được cho là của Buffett, nhưng thực ra chính Munger mới là người đã đưa ra nhận xét đó.

Những câu nói đáng suy ngẫm

“Một người phải có cá tính thì mới có thể ngồi trên một đống tiền và không làm gì. Tôi không tiến lên đỉnh cao bằng cách theo đuổi những cơ hội tầm thường”.

Berkshire Hathaway kết thúc quý III năm nay với lượng tiền mặt kỷ lục hơn 157 tỷ USD. Lý do khối tiền mặt tăng cao đến vậy là cả Munger lẫn Buffett đều sẵn lòng chờ đợi cho đến khi cơ hội đáng chú ý xuất hiện.

Nhiều người sẽ không thể chịu đựng được khi để nhiều tiền đến vậy ngoài thị trường trong lúc chờ cơ hội, nhưng Munger coi đây là lợi thế lớn của Berkshire so với những nhà đầu tư khác.

“Bạn không cần trở nên xuất sắc mà chỉ cần khôn ngoan hơn những người khác một chút trong khoảng thời gian rất, rất dài”.

Munger không cố gắng làm điều không tưởng. Ông không mua cổ phiếu rẻ nhất hay doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất với hy vọng sẽ tạo ra thành công vượt bậc. Ông hoàn toàn hài lòng với việc trở thành một nhà đầu tư trên trung bình trong thời gian dài.

Tại công ty hợp danh của Munger và tại Berkshire, tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm của các nhà đầu tư vào khoảng 20% – cao hơn thị trường, nhưng không giúp họ nhân đôi hay nhân ba số vốn.

Theo Munger thì đó là tất cả những gì nhà đầu tư cần làm, miễn là họ có thể duy trì thành tích cao hơn mặt bằng chung trong dài hạn. Con số 20% trong một năm nghe không quá ấn tượng, nhưng hãy lưu ý rằng khoản đầu tư 1.000 USD vào Berkshire trong năm 1964 sẽ đáng giá 38 triệu USD ngày hôm nay.

“Chúng tôi chia các cơ hội đầu tư thành ba nhóm: có, không và quá khó hiểu”.

Munger không phải người hâm mộ chiến lược đầu tư đa dạng hóa, một phần là bởi ông không bao giờ để tiền vào những doanh nghiệp ông không hiểu. Munger và Bufffett đã bỏ lỡ rất nhiều khoản đầu tư tuyệt vời trong 60 năm qua vì nguyên tắc này, nhưng họ cũng tránh được nhiều khoản lỗ.

“Lợi nhuận lớn không nằm ở việc mua hay bán mà đến từ sự chờ đợi”.

Một trong những bài học quan trọng nhất của Munger là 99% công việc của một nhà đầu tư vĩ đại là không làm gì. Mục tiêu của Munger là đặt tiền vào những công ty vĩ đại và để nó nằm yên miễn là những doanh nghiệp đó vẫn vĩ đại – ngay cả khi điều đó có nghĩa là ông không thực hiện bất kỳ động thái nào khác đối với danh mục.

“Nhiều người chỉ số IQ cao là những nhà đầu tư tệ hại vì họ có tính khí thất thường”.

Những người thông minh cũng thường xuyên để mất tiền trên thị trường chứng khoán bởi họ không kiểm soát tốt cảm xúc của bản thân. Ai cũng biết rằng mục tiêu quan trọng của việc đầu tư là mua thấp và bán cao, nhưng trên thực tế rất nhiều người làm điều ngược lại. Khi cổ phiếu tăng đến mức không bền vững và tâm lý phấn khích bùng nổ thì họ đổ tiền vào. Còn khi thị trường lao dốc, họ hoảng sợ và bán tháo.

“Cả hai chúng tôi dành rất nhiều thời gian mỗi ngày chỉ để ngồi và suy nghĩ. Đó là điều rất khác thường trong giới kinh doanh Mỹ”.

Các nhà đầu tư thường rất ngạc nhiên khi biết rằng Munger và Buffett dành phần lớn thời gian trong ngày làm việc để ngồi trong văn phòng và đọc, chứ không phải họp hành, kiểm tra giá cổ phiếu, phân tích báo cáo tài chính hoặc những việc mà các nhà quản lý đầu tư khác thường làm. Munger tin rằng tích lũy kiến ​​thức là cách tốt nhất để đạt được lợi thế cạnh tranh trong đầu tư và cuộc sống.

“Khi tôi còn học ở Trường Luật Harvard, chúng ta hiếm khi giao dịch một triệu cổ phiếu mỗi ngày còn bây giờ chúng ta giao dịch hàng tỷ cổ phiếu. Chúng ta không cần một thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao như vậy”.

Munger có cái nhìn tiêu cực đối sự bùng nổ của việc mua bán cổ phiếu quá thường xuyên, đặc biệt là đối với các ứng dụng miễn phí giao dịch như Robinhood. Ông thấy rằng điều này đánh vào bản năng cờ bạc của công chúng và trái ngược với cách đầu tư đúng đắn: dài hạn, mua và nắm giữ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh