Skip to main content

Thẻ: Creative

Creative là gì? Creative trong ngành Marketing và Sáng tạo

Cùng tìm hiểu các thông tin xoay quanh thuật ngữ Creative (Sáng tạo) như: Creative là gì, khái niệm Creative trong ngành Marketing, quy trình làm Creative để tìm kiếm ý tưởng mới, các phương pháp để rèn luyện năng lực Creative là gì và nhiều nội dung khác.

Creative là gì
Creative là gì? Khái niệm Creative trong ngành Marketing và Sáng tạo

Creative trong tiếng Việt có nghĩa là Sáng tạo, khái niệm đề cập tất cả những gì liên quan đến việc tạo ra những cái mới hoàn toàn hoặc sắp xếp những cái cũ theo một cách thức mới. Trong khi Creative không phải là thuật ngữ mới, nó vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ và chính xác nhất.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Creative là gì?
  • Creative Thinking là gì?
  • Quy trình triển khai Creative.
  • Các phương pháp chính để rèn luyện và phát triển năng lực làm Creative là gì?
  • Những câu hỏi thường gặp với thuật ngữ Creative (FAQs).

Bên dưới là nội dung chi tiết.

I. Creative là gì?

Creative (Creativity) trong tiếng Việt có nghĩa là Sáng tạo.

Creative hay Sáng tạo là khái niệm mô tả quá trình tạo ra những cái mới hoàn toàn hoặc sắp xếp những cái cũ theo một cách thức mới (để tạo ra những cái mới).

Sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau xoay quanh thuật ngữ creative khi bạn tìm hiểu chúng thực sự có ý nghĩa là gì, nhưng chung quy lại chúng ta có thể hiểu đơn giản đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc tìm tòi, phát minh ra một phương pháp, sáng chế ra một cái mới.

Hay việc đó tuy vẫn thực hiện những công việc cũ nhưng không theo lối mòn cũ mà áp dụng những phương thức, tư duy mới để đem lại hiệu quả công việc cao hơn.

Hay creative cũng có thể được hiểu là đem lại sự mới mẻ, nhiều lợi ích tốt hơn cho con người về năng suất, công sức hay tiền bạc,…

Hãy thử nghĩ xem tuy cũng cùng một công việc đó, nếu thực hiện theo cách cũ sẽ mất cả ngày trời nhưng khi biết tư duy, phát triển những phương thức làm creative có thể rút gọn thời gian hoàn thành chỉ còn nửa ngày mà chất lượng không hề giảm nhiều thậm chí là còn được nâng cao hơn thì rất tốt đúng không nào.

II. Creative Thinking là gì?

Creative Thinking là việc mà não bộ chúng ta phải liên tục hoạt động, suy nghĩ, các giác quan hoạt động nhạy bén để có thể nhìn nhận ra những điểm thiếu sót hoặc chưa hiệu quả trong một vấn đề hay công việc nào đó.

Từ đó đúc kết, phân tích và tìm ra phương thức giải quyết các nhược điểm đó một cách hiệu quả, giúp mọi thứ trở nên đơn giản và năng suất hơn.

Để có một tư duy tốt trước tiên chúng ta cần rèn luyện các kỹ năng mềm trong cuộc sống như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhìn nhận giải quyết vấn đề,… Qua những quá trình đó dần dần não bộ sẽ có khả năng phản ứng với công việc, cuộc sống nhạy bén hơn, năng lực tư duy cũng nhờ vậy mà có cơ hội phát triển.

III. Quy trình 5 bước làm Creative để khai phá ý tưởng mới.

Để bạn có thể làm creative hay sáng tạo ra những ý tưởng mới và đóng góp nhiều hơn vào hiệu suất của công việc, dưới đây là những gì bạn cần làm.

1. Bắt đầu từ việc thu thập thông tin và học hỏi kiến thức.

Nhiều người cho rằng năng lực Creative là bản năng của mỗi người, ý kiến này cũng có phần đúng nhưng không phải chính xác hoàn toàn. Trong xã hội, đúng là có những thiên tài bẩm sinh họ đã có những tư duy, trí tuệ hơn người.

Nhưng bạn nên nhớ rằng dù là vậy đi nữa thì tất cả đều cần trải qua sự học tập và trải nghiệm thì mới có thể phát huy tối đa được sự sáng tạo.

Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể cố gắng tiếp thu, rèn luyện để có thể sở hữu sự sáng tạo cho riêng mình theo một góc độ, chừng mực nào đó.

Không cần phải sáng tạo ra những điều to lớn, mà chỉ đơn giản là khi bạn sáng tạo những điều nhỏ bé, hữu ích cho riêng mình, cho gia đình để giúp cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn.

2. Làm Creative là sắp xếp những gì cũ kỹ nhưng dưới góc nhìn mới.

Đôi khi việc sáng tạo ra những thứ mới là việc cực kỳ khó khăn, do vậy bạn có thể tiếp cận và rèn luyện tư duy sáng tạo thông qua việc làm mới những kiến thức cũ theo hướng hiệu quả hơn.

Đối với nhiều công việc khi bạn đã cạn kiệt ý tưởng thì đừng ngại ngần dừng hẳn công việc đó để thử thách trong một lĩnh vực mới.

Sau một khoảng thời gian khi đã làm quen với môi trường mới dần dần bạn sẽ tìm lại được cho mình niềm cảm hứng sáng tạo riêng và khác biệt.

3. Thả lỏng đồng nghĩa với việc tạo ra năng lực cho bản thân.

Sáng tạo khi bị gò bó vào những khuôn khổ, những áp lực thì không thể nào phát triển một cách hiệu quả.

Đừng cố gắng tạo áp lực cho bản thân, những lúc mệt mỏi hãy thả lỏng bản thân, làm một điều gì đó mới mẻ, tận hưởng ly cà phê buổi sớm, xem bộ phim bạn thích, ghé thăm những địa điểm yên bình mà bạn yêu thích, lúc đó đầu óc thư giãn biết đâu sẽ bừng lên những ý tưởng thú vị.

4. Để ý tưởng tự nhiên tìm đến bạn.

Nghe có vẻ hơi nực cười và khó tin nhưng điều này rất thực tế. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua và cảm thấy thú vị với sự ra đời của định luật nổi tiếng “Luật hấp dẫn của Newton” được phát hiện trong giây phút vô cùng tình cờ khi quả táo rơi xuống đầu.

Với sự việc tình cờ đó cùng bộ óc thiên tài của mình ông đã suy nghĩ, tìm tòi và cho ra đời định luật vạn vật hấp dẫn. Một ví dụ điển hình cho việc hãy để ý tưởng (Big Idea) tự nhiên tìm đến.

5. Phát triển năng lực Creative từ những ý kiến phản hồi.

Phát triển tư duy sáng tạo từ những ý kiến phản hồi là một phương thức hiệu quả hiện nay.

Điều này thường được áp dụng trong lĩnh vực Nhà hàng – Khách sạn, Marketing, đặc biệt là nghiên cứu thị trường. Đôi khi bạn nghĩ sản phẩm, điều mình nghĩ ra đã là hoàn hảo rồi nhưng với rất nhiều cá nhân, khách hàng họ nhìn thấy được những thiếu sót.

Họ đưa ra những ý kiến góp ý, phàn nàn hay cũng có thể là chê trách, nhưng dù là gì thì bạn hãy liên tục tiếp thu để phát huy những điểm mạnh, những điểm được mọi người yêu thích và tìm giải pháp khắc phục những nhược điểm qua lời phê bình để đem lại cho mọi người những trải nghiệm tốt nhất.

IV. Các phương pháp chính để rèn luyện năng lực Creative là gì?

Các phương pháp chính để rèn luyện năng lực Creative là gì
Các phương pháp chính để rèn luyện năng lực Creative là gì

1. Bắt tay vào hành động.

Không chỉ riêng Creative Thinking hay tư duy sáng tạo mà hầu như bất kì kỹ năng nào cũng đều có những phương pháp rèn luyện hiệu quả và phổ biến nhất chính là bắt tay vào hành động.

Nếu bạn cứ suy nghĩ và để nó trong đầu thì dần dần ý tưởng đó sẽ bị mai một, bạn cuống cuồng với vòng xoay cuộc sống dẫn đến chúng sẽ ngủ quên mãi mãi.

Khi có một ý tưởng nào mà bạn cảm thấy khả thi, có thể thực hiện được lóe lên thì đừng chần chừ mà hãy bắt tay vào việc tìm cách tiến hành ý tưởng đó ngay.

Việc tiến hành hành động ngay lúc đó sẽ khích lệ, bớt đi những lo sợ khi bạn suy nghĩ quá lâu và giúp mỗi người có nhiều thời gian để thử nghiệm, hành động hơn.

2. Cân bằng giữa thực tế và lý tưởng.

Nên nhớ rằng cho dù sáng tạo là điều tốt, là việc đem lại cho bạn những hứng thú, cảm giác mới mẻ nhưng không có nghĩa là chúng có thể quá viển vông, vô lý.

Đừng vì quá vội vàng hay vì muốn làm những điều khác biệt với mọi người mà đưa ra những ý tưởng phi thực tế.

Nhưng cũng đừng để nỗi sợ đó làm bạn bỏ mất những ý tưởng táo bạo, tuyệt vời mà bạn suy nghĩ ra. Nói chung bản thân bạn sẽ là người quyết định, hãy đưa ra những lựa chọn chính xác tùy theo môi trường, hoàn cảnh và cả những điều kiện mà bản thân mình có.

3. Trở nên thoải mái và cởi mở.

Hãy trở nên thoải mái và cởi mở hơn vì những ý tưởng có thể bừng sáng, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra những ý tưởng tuyệt vời hơn khi tâm trạng tốt.

Khi tâm trạng bạn tốt, cơ thể thoải mái và cởi mở khiến não bộ ở trạng thái tích cực, chúng sẽ dễ dàng nhận biết, tiếp cận những thông tin mới. Bên cạnh đó, quá trình xử lý thông tin trong não bộ diễn ra cũng nhanh và hiệu quả hơn.

4. Đừng lo lắng quá nhiều về những vướng mắc.

Bạn nên nhớ rằng mọi thành công lớn đều gặp phải những vướng mắc, đều phải đương đầu với những khó khăn, thử thách thì mới có thể đạt được.

Khi gặp những vấn đề khó giải quyết, những điều bạn cảm thấy áp lực thì đừng nản chí, đừng quá lo lắng vì nó hoàn toàn không tốt cho việc phát triển Creative Thinking.

Thay vào đó hãy thật bình tĩnh, nhìn nhận một cách chuyên sâu vấn đề và tìm ra những biện pháp giải quyết sáng suốt nhất.

5. Phá bỏ những nguyên tắc và giới hạn.

Những nguyên tắc gò bó, những giới hạn do chính chúng ta dựng lên như một hàng rào gai vững chắc kìm hãm sự phát triển của tư duy sáng tạo.

Hãy cởi bỏ tấm vỏ bọc an toàn nặng nề để thỏa sức vùng vẫy, thực hiện những ý tưởng táo bạo của mình. Sẵn sàng bỏ lại các nguyên tắc, làm những điều khác biệt và phá bỏ những giới hạn của bản thân, lúc đó tư duy sáng tạo của bạn cũng dần trở nên tốt hơn.

6. Dám dấn thân và không phụ thuộc.

Để có thể làm được điều mình nghĩ trước tiên bạn phải tin tưởng vào bản thân mình trước, tin tưởng rằng ý tưởng của mình là có thể thực hiện được lúc đó bạn mới có thế dùng hết tâm huyết, dấn thân vì điều đó.

Đừng vì sợ hãi mà không dám bắt tay thực hiện, đừng để ý quá nhiều đến sự dèm pha của người đời, tiếp thu những góp ý chân thành để từng bước tiến về phía trước.

Chắc chắn trên con đường chinh phục ý tưởng mới sẽ gặp không ít khó khăn thậm chí là thất bại. Mỗi khi như vậy hãy nghĩ đến nhà bác học vĩ đại Thomas Edison đã phát minh ra dây tóc bóng đèn điện sau sự thất bại của hàng nghìn thí nghiệm khác nhau.

Hãy coi từng thất bại là bài học để rút ra kinh nghiệm cho bản thân và tiến đến những mục tiêu, thành công mà mình đặt ra.

Những câu hỏi thường gặp với thuật ngữ Creative (FAQs).

  • Creative là gì trong Triết học?

Theo quan điểm của Triết học, Creative hay sáng tạo là phương tiện thể hiện bản thân, và là một phần tạo nên con người. Sáng tạo là sự tương tác cả về thể chất và xã hội, thái độ và thuộc tính, và là một quy trình giải quyết một vấn đề nào đó để tạo ra một sản phẩm hay ý tưởng mới.

  • Creative Idea là gì?

Creative Idea là những ý kiến, quan điểm, khái niệm (concept) hay đề xuất mới mang tính khác biệt, tức chưa từng xuất hiện trước đó.

Các Creative Idea có được là do quá trình rèn luyện và không ngừng “tự vấn” về bản thân, những người có Creative Idea luôn tìm cách suy nghĩ theo kiểu vượt ra ngoài những khuôn khổ hiện tại (out of box).

  • Creative Agency là gì?

Creative Agency là các doanh nghiệp hay tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động sáng tạo ví dụ như sáng tạo nội dung, sáng tạo hình ảnh, sáng tạo quảng cáo, sáng tạo video và nhiều hạng mục khác.

  • Art Creative là gì?

Là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong ngành truyền thông và sáng tạo, Art Creative có nghĩa là sáng tạo theo hướng nghệ thuật (đẹp, tinh tế và hợp xu thế).

  • Creative Assistant là gì?

Creative Assistant trong tiếng Việt có nghĩa là trợ lý sáng tạo, người đóng vai trò trợ giúp cho các hoạt động sáng tạo và dưới sự quản lý của một người thường được gọi là Creative Director.

Kết luận.

Trong bối cảnh khi mà mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng, khi mà nhiều tư duy kiểu cũ đã không còn phù hợp với điều kiện mới, làm Creative hay Sáng tạo được xem là chìa khoá chính, là những gì thương hiệu cần làm để xây dựng lợi thế cạnh tranh và phát triển.

Bằng cách hiểu bản chất của creative là gì cũng như các bước để rèn luyện Creative Thinking (Tư duy Sáng tạo), bạn có nhiều cách hơn để xây dựng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

“20% time” – Quy tắc thúc đẩy sự sáng tạo của Google

Một trong những lý thuyết quản trị nổi tiếng nhất mọi thời đại của Google đó là thứ mà họ gọi là quy tắc “20% time.”

quy tắc 20% time của google
“20% time” – quy tắc thúc đẩy sự sáng tạo của Google

Các nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã nêu bật ý tưởng này của họ trong lá thư trước IPO của Google năm 2004:

Họ viết: “Chúng tôi khuyến khích nhân viên của mình, ngoài các dự án hay công việc thông thường của họ, nên dành 20% thời gian để làm những việc mà họ cho rằng sẽ mang lại lợi ích nhiều nhất cho Google.”

“Điều này cho phép họ sáng tạo và đổi mới nhiều hơn. Nhiều tiến bộ quan trọng của chúng tôi đã xảy ra theo cách này.”

20% thời gian đó được sử dụng để làm việc trên nhiều sản phẩm khác nhau của Google như Google News, Gmail và thậm chí cả Google AdSense.

Theo một số cách, ý tưởng về 20% thời gian quan trọng hơn nhiều so với những gì nó được thể hiện qua tên gọi thông thường.

Nó là việc thoát ra khỏi sự giám sát và thúc ép, bởi vì những người tài năng và sáng tạo nhất không thể bị ép buộc phải làm việc hoặc làm việc theo những cách định sẵn.

Một phát ngôn viên của Google từng chia sẻ “‘20% time’ là một sáng kiến ​​lâu đời của Google … và hiện nó vẫn đang được áp dụng trong tổ chức.”

Page và Brin viết năm 2004: “Hầu hết các dự án rủi ro thất bại thường dạy chúng ta một điều gì đó. Một số ít dự án khác thành công và trở thành những doanh nghiệp hấp dẫn. ”

Hãy thử một lần đi. Hãy để 80% những gì bạn làm bây giờ là để giữ cho bạn đứng vững, mang lại doanh thu và dành 20% kia cho bản thân và tương lai của bạn. Bạn có thể tìm thấy một phần thưởng thực sự đáng giá nếu bạn kiên trì theo đuổi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

“Bật công tắc” để tất cả các thành viên trong đội nhóm đều trở nên sáng tạo

Một trong những lầm tưởng tai hại nhất về sự sáng tạo đó là có một “tính cách sáng tạo” cụ thể mà chỉ một số người mới có và những người khác thì không. Thực tế là, trong nhiều nghiên cứu về tính sáng tạo, không có bất cứ một đặc điểm nhận dạng cá nhân cụ thể nào.

Hãy xây dựng những điều kiện để tất cả các thành viên trong đội nhóm đều trở nên sáng tạo

Hầu hết mọi người trong chúng ta, ai ai cũng có ít nhất một niềm đam mê thầm kín nào đó, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiều người chọn cách theo đuổi nó ngoài giờ làm việc, họ đổ hết năng lượng của sự sáng tạo vào đó. Bạn không thấy được nó vì họ chỉ đang không áp dụng những năng lượng đó vào công việc hàng ngày của mình.

Bí quyết để mở ra khả năng sáng tạo không phải là tìm kiếm những người sáng tạo hơn, mà là tạo nhiều điều kiện cho nó được phát triển hơn từ những người đang làm việc cho bạn hay doanh nghiệp của bạn.

Trong khi các nhà nghiên cứu về sự sáng tạo không tìm thấy bất cứ “tính cách sáng tạo” cụ thể nào của một người, nhưng lại khá rõ ràng về những gì dẫn đến sự sáng tạo và chúng là tất cả những thứ bạn có thể thực hiện trong đội nhóm của mình.

Trau dồi kiến ​​thức chuyên môn.

Một trong những điều mà các nhà nghiên cứu về sự sáng tạo đã liên tục tìm thấy trong nhiều thập kỷ đó là chuyên môn là yếu tố hoàn toàn cần thiết để tạo ra các tác phẩm sáng tạo đỉnh cao – và chuyên môn cần phải cụ thể cho một lĩnh vực nhất định.

Vì vậy, bước đầu tiên để bạn hoặc các thành viên trong nhóm của bạn trở nên sáng tạo là hãy trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Marketing chẳng hạn.

Lý do khiến chuyên môn trở nên rất quan trọng là vì bạn cần phải là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể bạn mới có thể hiểu những vấn đề quan trọng là gì và điều gì sẽ tạo nên một giải pháp mới quan trọng và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, Einstein đã không ngừng nghiên cứu vật lý trong nhiều năm để hiểu mô hình vật lý cơ bản cho thời gian và không gian trước khi ông hiểu rằng có một lỗ hổng cố hữu trong mô hình đó.

Vậy làm thế nào để bạn trau dồi chuyên môn? Chuyên gia về hiệu suất Anders Ericsson đã nghiên cứu vấn đề đó trong nhiều thập kỷ và nhận thấy rằng yếu tố quan trọng nhất để trau dồi chuyên môn đó là luyện tập có chủ ý.

Bạn cần xác định các thành phần của một kỹ năng, đưa ra phương pháp huấn luyện và khuyến khích nhân viên làm việc trên những mặt còn hạn chế. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với các hình thức đào tạo mà hầu hết các doanh nghiệp đang làm.

Ví dụ, kỹ năng viết là kỹ năng mà Amazon đã xác định là quan trọng đối với hiệu suất công việc. Nhân viên cần liên tục viết các bản ghi nhớ dài sáu trang, hoặc các bản giới thiệu các tính năng nhỏ của sản phẩm trong suốt sự nghiệp của họ tại công ty này.

Họ thường xuyên nhận được sự huấn luyện và phản hồi cần thiết, và việc viết những bản ghi nhớ tốt là một trong những điều kiện để thăng tiến trong công ty.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể sao chép chính sách ghi nhớ này của Amazon.

Khuyến khích sự khám phá.

Mặc dù có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực nhất định là hoàn toàn cần thiết cho những sự sáng tạo thực sự, nhưng điều đó là chưa đủ.

Hãy xem bất kỳ tác phẩm sáng tạo tuyệt vời nào mà bạn biết và bạn sẽ tìm thấy các thông tin chi tiết quan trọng khác.

Nó thường là một cái nhìn sâu sắc dường như ngẫu nhiên nhưng lại có thể biến các công việc bình thường thành một thứ gì đó rất khác. Ví dụ, đó là một chuyến thăm ngẫu nhiên đến một viện bảo tàng, điều đã truyền cảm hứng cho thiên tài Picasso.

Charles Darwin đã dành nhiều năm để nghiên cứu hóa thạch và suy nghĩ về sự tiến hóa cho đến khi ông bắt gặp một bài luận kinh tế học 40 năm tuổi của Thomas Malthus và dẫn đến lý thuyết chọn lọc tự nhiên (theory of natural selection) của ông. Hay triết lý của David Hume đã giúp đưa Einstein đến với thuyết tương đối hẹp.

Gần đây hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích 17,9 triệu bài báo khoa học và đã phát hiện ra rằng những công trình được trích dẫn nhiều nhất có nhiều khả năng đến từ một nhóm chuyên gia trong một lĩnh vực nhưng họ đã làm việc với các chuyên gia trong một lĩnh vực rất khác.

Chính sự kết hợp giữa chuyên môn, sự tìm tòi và sự cộng tác mới mẻ đó đã dẫn đến những ý tưởng thực sự đột phá và sáng tạo.

Đó cũng là cách chính sách “20% time” của Google hiện có thể hoạt động như một ‘công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi con người’ cho những ý tưởng mới.

Bằng cách cho phép nhân viên làm việc trong các dự án không liên quan đến mô tả công việc chính thức của họ trong 20% ​​thời gian làm việc, những người có kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau có thể kết hợp sự nỗ lực của họ theo những cách rất khác với những gì mà công ty đang vận hành. Đây chính là lúc để ‘những cái mới’ ra đời.

Trao quyền cho mọi người bằng cách tận dụng yếu tố công nghệ.

Trong cuốn tiểu sử gần đây của Walter Isaacson về Leonardo da Vinci, ông kể lại cách bậc thầy thời Trung cổ đã nghiên cứu về tự nhiên, từ giải phẫu đến các thành tạo địa chất, để hướng dẫn các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Leonardo rõ ràng đã là một thiên tài trong lịch sử, nhưng hãy nghĩ xem ông sẽ hiệu quả hơn bao nhiêu nếu so sánh với một công cụ tìm kiếm tối ưu.

Một trong những khía cạnh bị bỏ qua nhiều nhất của sự đổi mới là cách các công nghệ có thể được ứng dụng để nâng cao năng suất trong công việc.

Thứ nhất, với công nghệ, hai thành phần cốt lõi để dẫn đến sự sáng tạo nói trên (kiến ​​thức chuyên môn và khám phá những thứ mới) trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Thứ hai, công nghệ có thể giúp con người giải phóng thời gian và do đó nó cho phép thử nghiệm được nhiều hơn.

Bạn có thể thấy điều này khi làm việc tại Pixar, vốn là một công ty công nghệ đã bắt đầu quay các bộ phim ngắn để chứng minh khả năng sản xuất các sản phẩm gốc của nó, là các phần mềm hoạt hình.

Tuy nhiên, khi họ đang thử nghiệm công nghệ này, họ ‘vô tình’ nhận thấy là họ cũng đang trải nghiệm với các thuật kể chuyện (storytelling), và những thử nghiệm này sau đó đã đưa họ trở thành một trong những studio được đánh giá cao nhất trong lịch sử.

Phần thưởng thường dành cho sự bền bỉ.

Trong cuốn sách của mình, nhà sáng lập Pixar gọi những ý tưởng ban đầu của mọi sự sáng tạo là “những đứa trẻ xấu xí” và nhấn mạnh sự cần thiết của việc đừng để chúng bị đánh giá quá nhanh.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hay thương hiệu lại đang làm điều ngược lại. Bất kỳ ý tưởng nào không thể hiện được lời hứa ban đầu hay không có giá trị đều ngay lập tức bị xoá bỏ mà không cần lý do.

Một doanh nghiệp đã có thể đi ngược với xu hướng này là IBM. Bộ phận nghiên cứu của nó thường xuyên theo đuổi những ý tưởng có vẻ kỳ lạ trong một thời gian rất lâu trước khi chúng khả thi về mặt thương mại.

Đó cũng là lý do tại sao IBM, bất chấp những thăng trầm khác nhau, nó vẫn là một doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong khi rất nhiều đối thủ cũ của nó đã ra đi từ lâu.

Chuyên gia công nghệ Kevin Ashton, người đầu tiên nảy ra ý tưởng về chips RFID đã từng chia sẻ: “Sáng tạo là một hành trình dài, nơi mà hầu hết các ngã rẽ đều sai và hầu hết các kết thúc đều chết. Điều quan trọng nhất mà những người sáng tạo cần làm là làm việc. Điều quan trọng nhất mà họ không được làm đó là từ bỏ”.

Bạn nên coi việc sáng tạo là một quá trình hơn là một sự kiện. Nếu bạn không đầu tư vào chuyên môn, sự khám phá và từ chối việc chấp nhận những ngã rẽ hay ngõ cụt. Bạn không thể tạo ra bất cứ thứ gì thực sự mới và khác biệt.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Giang Nguyễn | MarketingTrips

Tại sao các thương hiệu cần tập trung vào hiệu quả của sự sáng tạo

Với sự thu hút ngày càng lớn trong việc xác định sức ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đối với hiệu quả marketing, sự sáng tạo dường như đang suy giảm, tuy nhiên, các phương pháp và số liệu mới có thể đưa sự sáng tạo ‘come back’.

Tại sao các thương hiệu cần tập trung vào hiệu quả của sự sáng tạo

Đo lường sự sáng tạo có thể nghe giống như một thứ gì đó ‘sai sai’. Khả năng nhận thức thế giới theo một cách khác và tạo ra các kết nối mới vẫn được xem là ‘khó chấp nhận’.

Tuy nhiên, sự thật đã được chứng minh rằng các thương hiệu sáng tạo nhiều hơn có thể mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn.

Chẳng hạn, theo một chương trình của McKinsey về điểm sáng tạo, Award Creativity Score, thông qua số lượng các đơn vị thắng giải tại Cannes Lions (Liên hoan sáng tạo quốc tế), độ rộng của các hạng mục và tính nhất quán theo thời gian, cho thấy rằng 67% các công ty đạt điểm cao nhất có mức tăng trưởng doanh thu tự nhiên trên mức trung bình.

Nó cũng cho thấy 70% doanh nghiệp trong số đó có tổng lợi nhuận trên trung bình và 74% giá trị doanh nghiệp ròng trên mức trung bình.

Trong cuốn sách The Case for Creativity, James Hermann đã chỉ ra rằng các nhà quảng cáo tham dự Cannes Lions từ năm 1999 đến 2015 đã vượt S & P 500 (S&P 500 là một chỉ số cổ phiếu dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ) với hệ số 3.5 lần.

Và cũng dữ liệu từ Nielsen, đã phân tích 500 chiến dịch trong ngành hàng FMCG trong năm 2016 và 2017, cho thấy sự sáng tạo giúp mang lại đến 47% doanh số bán hàng trong khi yếu tố thương hiệu chỉ chiếm 15% và khả năng nhắm theo mục tiêu chỉ chiếm 9%.

Tại sao các thương hiệu cần tập trung vào hiệu quả của sự sáng tạo
Ảnh: AdvertisingWeek

Bà Cheryl Calverley, Giám đốc Marketing (CMO) của Eve chia sẻ: “Công việc của tôi là sáng tạo và biến nó thành Tiền. Kiếm tiền từ sự sáng tạo là những gì chúng tôi làm với tư cách là những nhà marketers”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips