Skip to main content

Thẻ: Intel

Liệu Intel có đang bỏ kế hoạch tỷ đô mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam

Hãng Intel đã hủy bỏ khoản đầu tư vào Việt Nam, nguồn vốn được cho là có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip của Mỹ.

Theo Reuters, Việt Nam là quốc gia đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến viếng thăm vào tháng 9 đã công bố các thỏa thuận hỗ trợ ngành công nghiệp chip Việt Nam.

Nhưng ngay sau chuyến thăm, các quan chức Mỹ đã thông báo cho một nhóm doanh nhân và chuyên gia chọn lọc của Mỹ rằng Intel đã gác lại kế hoạch mở rộng, nguồn tin được Reuters cho biết từ một trong những người tham gia cuộc họp. Nguồn tin giấu tên cho biết Intel đã đưa ra quyết định đó vào khoảng tháng 7.

Intel đã từ chối bình luận nhưng nói với Reuters rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của mình khi nhu cầu về chất bán dẫn tăng.

Quyết định của Intel được đưa ra sau khi hãng công bố các khoản đầu tư lớn vào châu Âu hồi tháng 6 qua. Intel cũng đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực đóng gói chip tại Malaysia.

Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden, Nhà Trắng đã công bố các sáng kiến và khoản đầu tư mới của các công ty chip bao gồm Amkor, Synopsys và Marvell, nhưng đã không đề cập về Intel.

Trong khi đó, Tuổi Trẻ Online đặt vấn đề với đại diện của Intel Việt Nam vào chiều muộn 7-11 về việc có hay không việc Intel gác lại kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam như truyền thông quốc tế đưa tin, phía đại diện Intel Việt Nam đã từ chối bình luận về tính chính xác của các thông tin trên.

Thay vào đó, đại diện của Intel Việt Nam khẳng định Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của Intel.

“Chúng tôi rất vui được hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái ngành công nghệ rộng lớn và lực lượng lao động của Việt Nam trong gần hai thập kỷ hoạt động tại đây, và chúng tôi rất mong muốn tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới”, đại diện Intel Việt Nam khẳng định với Tuổi Trẻ Online.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nhà thiết kế chip Arm muốn Intel trở thành nhà đầu tư chiến lược

Tờ Bloomberg đưa tin Arm, nhà thiết kế chip được hậu thuẫn bởi SoftBank Group, đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược tiềm năng bao gồm Intel Corp.

Nhà thiết kế chip Arm muốn Intel trở thành nhà đầu tư chiến lược
CEO Arm.

Theo thông tin mới đây, Arm (Vương quốc Anh) đã tổ chức các cuộc đàm phán với các công ty khác về việc tham gia IPO. Nguồn tin nói rằng các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu và vẫn có thể thất bại trước khi niêm yết. Chưa rõ số tiền sẽ được đầu tư vào Arm hay cấu trúc sẽ như thế nào.

Đại diện của Intel và Arm từ chối bình luận.

Cổ phiếu của SoftBank đã tăng tới 7,7% tại Tokyo vào ngày 13/6.

Arm đang tìm cách huy động tới 10 tỷ USD khi niêm yết ở New York vào cuối năm nay, sau khi đã nhiều lần từ chối lời kêu gọi từ các thủ tướng Anh nhằm lôi kéo gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại London.

Nguyên nhân đến từ sự hấp dẫn khi niêm yết tại Mỹ, Arm sẽ được định giá cao hơn và tiếp cận số lượng nhà đầu tư lớn hơn. Công ty dự kiến sẽ niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq.

Tranh thủ được một số nhà đầu tư lâu dài có thể giúp Arm thu hút được sự quan tâm và động lực trong đợt IPO sắp tới, đặc biệt là bối cảnh thị trường đang khó khăn cho các công ty mới niêm yết.

Nếu các cuộc đàm phán thành công, Intel có thể sẽ trở thành nhà đầu tư vào Arm trước khi công ty này niêm yết.

Các nhà đầu tư lâu dài mua 100 triệu USD – 200 triệu USD cổ phiếu trước các đợt IPO đã trở nên phổ biến trong ngành chất bán dẫn những năm gần đây.

Công ty General Atlantic đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào đợt IPO của Mobileye Global do Intel hậu thuẫn vào năm ngoái trong khi Qualcomm ủng hộ việc niêm yết của GlobalFoundries vào năm 2021.

Với Intel, mở các nhà máy sản xuất theo hợp đồng cho các công ty khác thuê, thậm chí là với đối thủ là một phần quan trọng trong nỗ lực của CEO Pat Gelsinger để đưa công ty trở lại đỉnh cao của ngành công nghiệp bán dẫn.

Nếu Intel muốn thành công trong việc cạnh tranh trên lĩnh vực sản xuất thuê ngoài với công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), Intel sẽ phải giành được hợp đồng sản xuất chip chứa công nghệ được sử dụng rộng rãi của Arm.

Trước đó, cả Intel và Arm đã công bố hợp tác kỹ thuật.

Các thiết kế của Arm và bộ hướng dẫn tiêu chuẩn ngành được sử dụng trong mọi thứ, từ chip mạng của Broadcom đến bộ xử lý Apple trong iPhone và máy Mac cho đến chip phổ biến của Qualcomm dành cho điện thoại di động.

Bằng cách nhận hợp đồng gia công cho Arm, có thể nói Intel đã cho phép đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các bộ vi xử lý của mình. Và CEO Gelsinger có thể đang tìm cách thể hiện cam kết của mình với sự cởi mở đó.

Trong suốt lịch sử hơn 50 năm của mình, các nhà máy của Intel hầu như chỉ sản xuất thiết kế chip của riêng họ.

Người sáng lập SoftBank, tỷ phú Masayoshi Son, cho biết ông hy vọng đợt IPO của Arm có thể là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay của một công ty sản xuất chip. Định giá của Arm vẫn chưa được thiết lập và công ty có thể được định giá từ 30 tỷ USD đến 70 tỷ USD, theo Bloomberg News.

Arm được ví như một viên ngọc quý của ngành công nghệ Vương quốc Anh. Công nghệ của nó được tìm thấy trong hầu hết các điện thoại thông minh trên thế giới và có sức lan tỏa khắp ngành công nghiệp điện tử.

Hiện tại, Arm đang có trụ sở chính tại Cambridge, Anh và không loại trừ khả năng niêm yết thứ cấp ở London trong tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Những CEO công nghệ được trả lương cao nhất 2020

Sáu trong 25 CEO được trả lương cao nhất năm 2020 làm trong ngành công nghệ với mức lương gấp nhiều lần những CEO thông thường.

Ảnh: BusinessWire.

Trang thống kê tài chính 24/7 Wall Street tuần trước tổng hợp dữ liệu tài chính được 100 công ty đại chúng lớn nhất nước Mỹ nộp lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán (SEC).

Ngoài doanh thu tập đoàn và mức lương CEO, tỷ lệ tiền lương giữa CEO và nhân viên bình thường cũng được thống kê với SEC.

Mức lương trung bình hàng năm của các CEO hàng đầu Mỹ trong năm qua vào khoảng 14,5 triệu USD, phần lớn làm việc trong ngành công nghệ hoặc dịch vụ tài chính.

CEO không nhận tiền lương như người bình thường mà được trả công bằng những gói thu nhập với lựa chọn cổ phần trong tập đoàn và nhiều phương án tặng thưởng dựa trên thành tích điều hành.

Mức lương cơ bản của những người trong danh sách này không vượt quá 1,5 triệu USD.

6 trong 25 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ năm 2020 làm trong ngành công nghệ, trong đó, ba người nắm giữ vị trí cao nhất danh sách.

1. Mark Zuckerberg (Facebook)

Thu nhập: 23.415.973 USD
Doanh thu công ty: 70,7 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 94 lần nhân viên

Mức lương chính thức của Mark Zuckerberg tại Facebook chỉ là một USD. Tuy nhiên, ông được trả hơn 23,4 triệu USD trong năm qua thông qua nhiều hình thức đền bù.

Hiện tại, tiền lương của Zuckerberg chỉ cao gấp 94 lần nhân viên bình thường trong Facebook, trong khi các CEO khác trong danh sách của 24/7 Wall Street cao gấp hàng trăm lần nhân viên của họ.

Zuckerberg đồng sáng lập Facebook năm 2004 và đã lãnh đạo tập đoàn từ đó, biến nó từ nền tảng liên lạc với bạn học ở Harvard thành mạng xã hội khổng lồ toàn cầu với trị giá nhiều tỷ USD.

Facebook đang đối mặt với những đơn kiện độc quyền do Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và tổng chưởng lý tại 48 bang, vùng lãnh thổ đưa ra.

ơn kiện đặt mục tiêu là chia tách Facebook, cho rằng tập đoàn này đã lợi dụng vị trí thống trị trong lĩnh vực mạng xã hội và thực hiện những động thái chống cạnh tranh, gây hại cho người dùng.

2. Charles Robbins (Cisco Systems)

Thu nhập: 25.829.833 USD
Doanh thu công ty: 49,3 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 182 lần nhân viên

Robbins đã gắn bó với Cisco System từ tháng 7/2015. Mức lương của ông tăng trong năm 2020, nhưng lại giảm hơn 50% về tiền thưởng trong bối cảnh doanh thu Cisco giảm 5% so với một năm trước đó.

3. Brian Roberts (Comcast)

Thu nhập: 28.809.952 USD
Doanh thu công ty: 108,9 tỷ USD
Tỷ lệ lương: gấp 461 lần nhân viên

Comcast được sáng lập bởi cha của Roberts. Bản thân ông bắt đầu thực tập tại đây từ năm 15 tuổi. Tập đoàn này đã lớn mạnh đáng kể dưới thời Brian L. Roberts thông qua các thương vụ mua lại NBCUniversal, DreamWorks và Sky.

3. Satya Nadella (Microsoft)

Thu nhập: 42.910.215 USD
Doanh thu công ty: 143 tỷ USD
Tỷ lệ lương: Gấp 249 lần nhân viên

Nadella gia nhập Microsoft năm 1992 và được bổ nhiệm làm CEO năm 2014. Mức lương của ông đã tăng 66% so với năm trước và xếp thứ 3 trong số 100 CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn con số này nằm ở cổ phần, cổ phiếu Microsoft đã tăng giá gấp đôi trong vòng hai năm qua.

2. Robert Swan (Intel)

– Thu nhập: 66.935.100 USD
– Doanh thu công ty: 72 tỷ USD
– Tỷ lệ lương: Gấp 695 lần nhân viên

Robert Swan là CEO được trả lương cao thứ hai tại Mỹ. Ngoài mức lương cơ bản 1,2 triệu USD, ông còn được trả cổ phần trị giá 62 triệu USD và 3,7 triệu USD thưởng.

Swan trở thành giám đốc điều hành Intel vào tháng 1/2019, sau 7 tháng làm CEO lâm thời và trước đó là giám đốc tài chính tập đoàn.

Giá cổ phiếu của Intel dưới thời Swan khá biến động, dù giá trị công ty đã tăng 4% và liên tục đạt hoặc vượt dự báo về doanh thu.

1. Sundar Pichai (Alphabet)
– Thu nhập: 280.621.552 USD
– Doanh thu công ty: 161,9 tỷ USD
– Tỷ lệ lương: Gấp 1.085 lần nhân viên

Với tư cách là CEO tập đoàn mẹ của Google, Sundar Pichai là CEO được trả lương cao nhất nước Mỹ. Phần lớn số tiền này nằm ở cổ phiếu liên quan tới đợt thăng chức gần đây của ông.

Pichai giữ chức CEO Google từ năm 2015 và được bổ nhiệm làm CEO Alphabet vào tháng 12/2019. Mức lương cơ bản của ông là 650.000 USD, so với mức một USD của Larry Page, CEO tiền nhiệm và cũng là người sáng lập tập đoàn.

Google cũng đang đối mặt hàng loạt vụ kiện chống độc quyền, trong đó một vụ kiện đến từ hơn 40 bang và vùng lãnh thổ, cáo buộc tập đoàn này chiếm thế độc quyền trái phép về tìm kiếm trên mạng Internet.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo VnExpress

Nguồn gốc tên thương hiệu của một số ‘ông lớn’: Nokia, Apple, Intel, Adobe

Các công ty thường được đặt tên theo nhà sáng lập hoặc viết tắt, nhưng cũng có trường hợp đó là món ăn ưa thích.

Được thành lập năm 1976 bởi Steve Jobs và Steve Wozniak, Apple đang là một trong những công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Trong cuốn sách về tiểu sử Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson ghi: “Về việc đặt tên cho Apple, ông ấy (Jobs) nói rằng ‘táo là một trong những trái cây giảm cân của tôi’.

Lúc ấy, Jobs vừa trở về từ một nông trại táo, quyết định chọn tên Apple bởi nó ‘vui vẻ, khí thế và không đáng sợ’”

Thành lập tại Mỹ vào năm 1982, Adobe là hãng phần mềm nổi tiếng với các công cụ sáng tạo. Tên gọi này xuất phát từ con suối Adobe Creek chảy sau nhà đồng sáng lập John Warnock. Adobe cũng là tên loại gạch bùn dùng trong xây dựng, ám chỉ cảm hứng sáng tạo trong các phần mềm của công ty. Ảnh: Time.

Atari là công ty về game, được Nolan Bushnell và Ted Dabney thành lập năm 1972. Năm 2017, Bushnell chia sẻ tên gọi Atari được đặt dựa trên trò chơi cờ vây (Go) của châu Á. Trong trò chơi này, atari nghĩa là nước đi có thể khiến đối thủ bị ăn quân.

Trong tiếng Đức, hãng xe BMW là viết tắt của Bayerische Motoren Werke (Công ty Động cơ Bavaria), bắt nguồn từ trụ sở BMW đặt tại Munich, bang Bavaria (Đức).

Cisco là nhà sản xuất thiết bị mạng được thành lập tại Mỹ năm 1984. Tên gọi này được rút gọn từ San Francisco, thành phố mà công ty được thành lập. Logo của Cisco cũng được lấy ý tưởng từ cầu Cổng Vàng, biểu tượng của thành phố.

Website mua sắm trực tuyến eBay được phát triển bởi lập trình viên Pierre Omidyar. Ban đầu có tên AuctionWeb, trang web được đổi thành eBay vào năm 1997 theo tên của Echo Bay, hãng tư vấn thuộc sở hữu của Omidyar.

Do tên miền Echo Bay đã được một công ty khai thác vàng sử dụng, Omidyar quyết định rút ngắn thành eBay.

Hãng công nghệ Garmin được thành lập năm 1989, chuyên sản xuất máy định vị GPS và thiết bị đeo thông minh. Chữ Garmin được đặt theo tên 2 nhà sáng lập, Gary Burrell và Min Kao.

Năm 1939, hãng công nghệ Hewlett-Packard (gọi tắt là HP) thành lập tại Palo Alto, California, được đặt theo tên 2 nhà sáng lập là Bill Hewlett và Dave Packard.

Đến năm 2015, Hewlett-Packard tách thành 2 mảng gồm Hewlett Packard Enterprise cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp, còn mảng máy tính và máy in đổi thành HP Inc.

IBM là tập đoàn công nghệ máy tính lâu đời, được thành lập tại Mỹ vào năm 1911 với tên Computing Tabulating Recording. Năm 1924, công ty được đổi tên thành International Business Machines, viết tắt là IBM.

Intel được thành lập năm 1968 tại New York (Mỹ) bởi 2 nhà tiên phong trong lĩnh vực bán dẫn là Robert Noyce và Gordon Moore. Ban đầu, công ty có tên NM Electronics (viết tắt của Noyce và Moore), nhưng sau này đổi tên thành Intel (Integrated Electronics).

LG là công ty điện tử nổi tiếng của Hàn Quốc. Năm 1958, LG được thành lập dưới tên Goldstar (ngôi sao vàng) cùng “người anh em” là tập đoàn dược Lak-Hui (phát âm là lucky – may mắn).

Năm 1995, Goldstar hợp nhất với Lucky Chemical và LG Cable, đổi tên thành Lucky-Goldstar (ngôi sao vàng may mắn), sau đó đổi thành LG.

Microsoft được thành lập năm 1975 bởi Bill Gates và Paul Allen. Tên gọi này được ghép từ microcomputer (vi máy tính) và software (phần mềm), lúc đầu được ghi là Micro-Soft nhưng sau này đổi thành Microsoft.

Hãng máy ảnh Nikon được thành lập năm 1917 tại Tokyo (Nhật Bản) bởi Koyata Iwasaki. Thời gian đầu, Nikon có tên Nippon Kogaku (Japan Optical trong tiếng Anh). Đến năm 1988, công ty đổi tên thành Nikon Corporation.

Nokia là tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị viễn thông, điện thoại di động. Tên gọi công ty được lấy từ thành phố Nokia, nơi nó được thành lập vào năm 1865.

Qualcomm được thành lập năm 1985 với mục đích hỗ trợ nghiên cứu, phát triển hợp đồng cho các dự án của chính phủ Mỹ. Tên gọi công ty được rút ngắn từ Quality Communication.

Sau khi hợp nhất với Omninet vào năm 1988, Qualcomm chuyển hướng sang nghiên cứu công nghệ mạng, sau đó tái cơ cấu để tập trung kinh doanh chip bán dẫn và bằng sáng chế.

Samsung là công ty công nghệ Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn, Samsung có nghĩa đen là “3 ngôi sao”, tượng trưng cho sức mạnh của đoàn kết, thanh cao và trường tồn như sao trên bầu trời.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo Zing

Intel ra mắt logo mới sau 14 năm

Intel vừa công bố bộ vi xử lý thế hệ thứ 11 mới của mình và cùng với sự công bố đó, công ty này cũng cho ra mắt logo tối giản mới – đây là logo thứ ba mà công ty từng sử dụng. Logo thứ hai ra đời cách đây 14 năm.

Thiết kế mới thay thế logo trước đây vốn được bao quanh trong một vòng tròn đã được công ty sử dụng dưới nhiều hình thức kể từ năm 2006.

Logo mới cũng sẽ đi kèm với sự làm mới toàn thương hiệu cho Intel, với thiết kế tối giản hơn cho mọi thứ, từ máy chủ Xeon của Intel đến chip nhớ Optane.

Mặc dù logo mới là một cái nhìn mới mẻ cho thương hiệu, với phông chữ hình hộp hơn so với nét cong được cắt bớt của năm 2006, nhưng nó vẫn duy trì nhiều yếu tố từ cả hai thiết kế trước đó, bao gồm cả chữ “i” có nắp vuông.

Intel cũng đang giới thiệu một số khía cạnh mới cho logo. Mặc dù màu xanh lam cổ điển được sử dụng trong nhiều thập kỷ vẫn sẽ là một phần mạnh của thương hiệu, nhưng công ty cũng đang mở rộng sang các biến thể mới với nhiều màu sắc hơn, giống như màu phụ cho dấu chấm của chữ “i” trong một số trường hợp.

Logo trái giới thiệu năm 1968 và logo phải giới thiệu năm 2006
Logo mới hiện tại 2020

 

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Zoom ‘bị đe doạ’ bởi JioMeet – Ứng dụng được ‘chống lưng’ bởi Facebook và Intel

Zoom, một trong số ít trường hợp thành công nhờ đại dịch Covid-19, giờ phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh mới từ tỉ phú vừa lọt Top 10 người giàu nhất hành tinh Ông Mukesh Ambani.

Zoom 'bị đe doạ' bởi JioMeet - Ứng dụng được 'chống lưng' bởi Facebook và Intel

Theo Bloomberg, Reliance Industries của ông Ambani, tập đoàn được Facebook và Intel Corp rót hàng tỷ USD đầu tư vào mảng kỹ thuật số, mới ra mắt ứng dụng họp trực tuyến JioMeet sau khi thử nghiệm beta.

Ứng dụng đã có đến hơn 100.000 lượt tải sau khi có mặt trên Google Play Store tối 2/7.

Tương tự Google Meet, Microsoft Teams và những ứng dụng khác, JioMeet cung cấp các cuộc gọi có độ phân giải cao không giới hạn. Nhưng JioMeet không giới hạn thời gian 40 phút như Zoom. Các cuộc gọi có thể diễn ra trong vòng 24 giờ và được mã hóa, bảo vệ bằng mật khẩu, theo công ty.

JioMeet được ra mắt trong bối cảnh Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng phổ biến từ các đại gia công nghệ Trung Quốc, bao gồm TikTok của ByteDance và UC Web của Alibaba, với lý do rủi ro bảo mật và quyền riêng tư.

Ứng dụng họp trực tuyến JioMeet thuộc mảng kỹ thuật số đang mở rộng thần tốc của tỷ phú Ấn Độ. Hôm 3/7, Reliance công bố Intel Capital đã đầu tư 253 triệu USD vào đơn vị Jio Platforms của tập đoàn.

“JioMeet sẽ là một tay chơi mới đáng gờm. Chỉ riêng việc các cuộc gọi của nó không giới hạn thời gian đã là một thách thức lớn đối với Zoom”, Bloomberg dẫn lời Giám đốc điều hành Utkarsh Sinha tại Bexley Advisors nhận định.

Jio Platforms đã mở rộng một loạt dịch vụ từ truyền phát nhạc đến bán lẻ và thanh toán trực tuyến. Giống như nhiều nơi khác, các ứng dụng họp trực tuyến trở thành “phao cứu sinh” cho hàng triệu người Ấn Độ bị mắc kẹt ở nhà vì dịch Covid-19.

zoom-marketingtrips

Đúng vào thời điểm này, Zoom đang bị người dùng cáo buộc về lỗi bảo mật. Ứng dụng bị buộc tội đứng về phía Trung Quốc sau khi hủy kích hoạt tài khoản của các nhà hoạt động dân chủ tại Mỹ và Hong Kong.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips via Zing

Có gì ‘lạ’ ở chiến lược quảng cáo mới của Apple khi ra mắt chip Silicon

Apple thường giữ bí mật sản phẩm của mình cho đến khi sẵn sàng để bán, nhưng ngày 22/6 là một ngoại lệ.

CEO Tim Cook của công ty cho biết, Apple sẽ sản xuất máy tính Mac mới với một tính năng đột phá vào cuối năm nay.

Sản phẩm được đề cập là máy Mac đầu tiên sau 15 năm không có bộ xử lý được thiết kế và sản xuất bởi Intel, gã khổng lồ về công nghệ chip của Mỹ. Thay thế cho Intel là một chip được phát triển và sản xuất bởi chính Apple.

Quyết định này là một chiến thắng lớn của ARM, hãng thiết kế các bộ xử lý đến từ Cambridge (Anh). Công nghệ nền tảng của công ty này sẽ được dùng để xây dựng chip của Apple dùng cho MacBook.

Người tiêu dùng có thể hình dung lượng công việc sẽ lớn thế nào khi Apple thực hiện chuyển đổi này. Hàng nghìn nhà phát triển phần mềm sẽ phải thích ứng, viết lại code để điều chỉnh phù hợp với sự chuyển đổi. Về phần mình, Apple phải đầu tư hàng triệu USD vào chip silicon của riêng mình.

Chiến lược quảng cáo của Apple khi ra mắt

Việc Apple phải phụ thuộc vào Intel khiến công ty luôn cảm thấy khó chịu. Chip của Intel đã giúp Microsoft trở thành đối thủ truyền kiếp của Apple trong những năm 1990.

Khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997, ông đã phê duyệt một loạt các quảng cáo châm biếm nhằm vào Intel và so sánh nhược điểm các thiết kế của Intel với các chip PowerPC của Mac do IBM phát triển.

Ví dụ trong một quảng cáo, Apple dùng một chiếc xe lu chèn qua máy tính Intel, thể hiện cách Apple “nghiền nát đối thủ cạnh tranh”. Ở một quảng cáo khác, kỹ thuật viên Intel cần chữa cháy sau khi bị “hun khói” bởi máy tính Mac dùng chip PowerPC của IBM.

Năm 2005, Hợp tác giữa IBM và Apple chấm dứt. Jobs tuyên bố chuyển sang dùng chip của Intel, nhưng công ty đủ tầm ảnh hưởng để yêu cầu các nhãn dán “Intel Inside” không xuất hiện trên máy Mac. Nhưng cùng năm đó, Intel đã từ chối lời đề nghị phát triển chip cho iPhone vì không thấy được tiềm năng của thị trường điện thoại thông minh.

Apple đã phải đặt hàng bộ xử lý sử dụng kiến trúc chip ở ARM và Samsung sản xuất. Năm 2008, một năm sau khi iPhone ra mắt, hãng đã mua công ty bán dẫn PA Semi, bắt đầu hành trình tự phát triển và đi đến đích cuối là thông báo vừa qua.

Kể từ khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Apple đã dần trở thành một trong những công ty bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.

Các sản phẩm của công ty chủ yếu sử dụng linh kiện tự mình thiết kế thay vì các linh kiện có sẵn của Intel. Công ty tự hào rằng iPad có thể sánh ngang với máy chơi game cầm tay. Các nhà phân tích so sánh iPhone với máy tính để bàn khi nói đến sức mạnh xử lý.

Hiện nay, máy tính xách tay MacBook và máy tính để bàn iMac của Apple là hai sản phẩm duy nhất phải dựa vào bộ xử lý máy tính được thiết kế bởi một công ty khác. Thay đổi điều này sẽ thúc đẩy ưu điểm cho máy tính Mac.

Phó chủ tịch Apple, Johny Srouji, cho biết, các máy tính Mac mới sẽ mang lại hiệu suất cao nhất, với mức tiêu thụ điện năng thấp nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ vẫn thất vọng do thiếu bằng chứng thống kê.

Các bản demo ấn tượng cho thấy các phần mềm ngốn tài nguyên như Photoshop và Tomb Raider chạy hoàn hảo trên công nghệ mới.

Điều quan trọng là các chip riêng của Apple có chi phí thấp hơn rất nhiều so với mua từ Intel. Tóm lại, các máy tính mới của Apple sẽ rẻ hơn, mạnh hơn, thời lượng pin dài hơn và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Chris Caso, nhà phân tích tại Raymond James, cho biết, ông dự kiến Intel sẽ mất 4 tỷ USD doanh thu một năm.

Intel đã bị bỏ rơi, mặc dù việc chuyển đổi dự kiến sẽ mất vài năm, và mất rất nhiều chi phí. Các nhà phát triển sẽ phải viết lại code của họ để hỗ trợ các thiết kế mới.

Thêm nữa, hiện chưa rõ bằng cách nào các tính năng được đánh giá cao như khả năng mô phỏng Windows của Microsoft sẽ hoạt động. Các tính năng này vốn là lợi thế của chip Intel.

Apple còn một mục tiêu khác

Chuyển đổi máy Mac sang chip dựa trên cấu trúc ARM sẽ không chỉ phân biệt chúng với hầu hết các máy Windows mà còn đưa máy tính Apple đến gần hơn với công nghệ nền tảng dùng cho thiết bị di động.

Thỏa thuận này là một cú hích đối với ARM. Công ty này đã phát triển và chiếm lĩnh thị trường bộ xử lý của điện thoại thông minh. ARM tạo và cấp phép cho các thiết kế cơ bản trong các bộ xử lý.

Nhưng việc thâm nhập vào máy tính đại diện cho một thị trường mới, nơi công ty phải đối đầu với Intel. Theo các nhà phân tích của IDC, ARM mới chỉ có 0,4% thị trường bộ xử lý của máy tính.

Apple tiết lộ rằng lợi ích ngay lập tức của việc chuyển đổi là các máy Mac sẽ có thể chạy hàng triệu ứng dụng dành cho iPhone và iPad.

Cùng lúc đó, hệ điều hành máy tính mới của Mac (MacOS Big Sur) được thiết kế lại để trông và cảm thấy giống iPhone iOS hơn, làm mờ đi ranh giới giữa các thiết bị Apple về trải nghiệm cũng như công nghệ.

Hợp nhất iPhone, iPad và Mac là trọng tâm trong chiến lược của Apple, lấy đó làm trung tâm của cuộc sống số cùng với các dịch vụ, như trợ lý giọng nói Siri, bảng điều khiển sức khỏe, dịch vụ âm nhạc và truyền hình.

Nó có thể thúc đẩy doanh số của Mac, hiện chỉ chiếm 6,9% doanh số máy tính bán ra trong quý đầu tiên của năm nay.

Trong khi đó, iPhone chiếm 13,7% doanh số điện thoại thông minh, theo Gartner. Doanh số bán hàng của Mac còn bị trì trệ nhiều năm bởi sự cố bàn phím thiếu độ tin cậy, mới chỉ được sửa chữa gần đây.

Điều quan trọng là Apple có thể tăng cường kiểm soát máy tính Mac. Đây là các thiết bị duy nhất của Apple cho phép cài đặt phần mềm mà không cần thông qua App Store của Apple, nơi công ty kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động bán ứng dụng.

Geoff Blaber, nhà phân tích của CCS Insight cho biết, đây là một lợi thế lớn trong việc đảm bảo sự phát triển liên tục của Mac, giống iPhone hiện nay đã trở thành công cụ tạo ra doanh thu và lợi nhuận khổng lồ. Đã có các doanh nghiệp khác được xây dựng nhờ vào đó. Theo thời gian, điều này sẽ củng cố lợi thế của hệ sinh thái Apple.

Máy tính Mac của Apple thường bị coi như sản phẩm thứ yếu so với iPhone. Bằng cách đưa Mac ngang bằng với người anh em nhỏ hơn của mình, Tim Cook hi vọng sẽ làm mới được nó.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips

Intel dùng AI để tìm kiếm khách hàng tiềm năng

Làm thế nào mà Intel, công ty đang kỳ vọng thị trường phần cứng phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2017 lên 10 tỷ USD vào năm 2022, tìm ra những khách hàng tiềm năng mới cho mình trong tương lai? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến nhiều người bất ngờ về sự… đơn giản của nó: dĩ nhiên là dùng AI rồi!

Trong một bài đăng blog xuất bản hôm qua, Intel đã trình bày chi tiết một công cụ mà nhóm IT Advanced Analytics của họ đã phát triển trong nội bộ để khai thác hàng triệu trang thông tin trực tuyến về kinh doanh được đăng tải công khai, và lên danh sách các phân khúc thị trường hiện tại và “có tiềm năng trong tương lai” mà công ty có thể tiếp cận và hợp tác được.

Công ty sản xuất chip Mỹ tuyên bố rằng các nhân viên bán hàng và tiếp thị của họ đã sử dụng hệ thống này để “khám phá” ra các khách hàng tiềm năng mới với tốc độ nhanh hơn và độ chính xác cao hơn trước.

“Các nhân viên tiếp thị và bán hàng của Intel thường sử dụng các công cụ tìm kiếm thủ công và thông qua các nhà cung cấp để xác định các đối tương khách hàng tiềm năng; tuy nhiên, các phương pháp này không thể đồng bộ với kế hoạch nội bộ được các nhân viên Intel áp dụng để phân chia hợp lý và điều chỉnh kế hoạch tiếp cận cộng đồng khách hàng của họ,” Intel viết trong bài blog.

“Ngoài ra, trong thời đại toàn cầu hóa kinh doanh, các khách hàng hiện tại thường mở rộng sang các lĩnh vực mới, đòi hỏi nhân viên bán hàng và tiếp thị phải liên tục cập nhật các thay đổi trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.”

Như giải thích của phía Intel, hệ thống tập trung vào hai khía cạnh phân loại chính: (1) một phân khúc ngành bao phủ từ những ngành dọc (chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe) cho đến các lĩnh vực cụ thể hơn như “phân tích video”; (2) vai trò chức năng với tư cách “nhà sản xuất” hoặc “nhà bán lẻ”, giúp phân biệt rõ hơn các cơ hội bán hàng và tiếp thị tiềm năng của các đối tượng khách hàng.

Mô hình AI thu thập các luồng dữ liệu dạng văn bản liên tục từ hàng triệu trang web, cập nhật biểu đồ kiến thức với hàng triệu “nút” (node) thêm hàng gigabyte dữ liệu mỗi giờ; sau đó những dữ liệu này được chuyển qua một bộ mô hình học máy để phân khúc khách hàng tiềm năng.

Các trang web được đưa vào một mô hình phân loại văn bản, với sự hỗ trợ của mô hình ngôn ngữ BERT đa ngôn ngữ đã được xử lý trước để giúp mở rộng quy mô xử lý trên nhiều ngôn ngữ và nhiều “lớp” dữ liệu khách nhau (BERT, công cụ đã được Google mở mã nguồn vào tháng 11 năm 2018, cho phép các nhà phát triển đào tạo một mô hình ngôn ngữ tự nhiên hiện đại, dựa trên các dữ liệu chưa được phân loại hay gắn nhãn).

Intel đã làm bổ sung thêm ngân hàng dữ liệu sử dụng để huấn luyện mô hình máy học bằng cách thu thập dữ liệu từ hàng chục ngàn trang web của công ty cùng thông tin bổ sung từ Wikipedia.

Đối với các công ty chưa được gắn nhãn, hệ thống đã tận dụng lợi thế từ nguồn thông tin trên Wikipedia thông qua việc sử dụng phương pháp học “bán giám sát”, đòi hỏi cần kết hợp một lượng nhỏ dữ liệu đã được gán nhãn với một lượng lớn dữ liệu không được gắn nhãn trong quá trình đào tạo AI.

“Hệ thống phân khúc khách hàng của chúng tôi chỉ là một trong hàng ngàn ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được sử dụng để cải thiện doanh nghiệp của chúng tôi trong những năm tới”, Intel viết. ” [Chúng tôi hy vọng] sẽ tìm ra những phương thức mới và thú vị để khai thác các công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ việc di chuyển, lưu trữ và xử lý dữ liệu ở bất cứ nơi nào phù hợp nhất.”

Hãy tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

 

Hà Anh | MarketingTrips

Theo VnReview