Skip to main content

Thẻ: Jack Dorsey

Các nhà sáng lập Big Tech lần lượt rời “sân khấu”

Nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu như Twitter, Amazon, Microsoft… đang dần rút lui, nhường chỗ cho thế hệ trẻ hơn.

Source: CNBC

Chỉ riêng tuần này, người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức CEO và chuyển giao trọng trách cho nhân vật trẻ hơn là Parag Agrawal.

Marc Benioff, đồng sáng lập kiêm CEO của Salesforce – một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới – cũng chia sẻ quyền lực khi bổ nhiệm Bret Taylor ngang cấp với mình.

Trong một thập kỷ gần đây, làn sóng từ chức của những người sáng lập trong các công ty công nghệ diễn ra ngày một nhiều.

Từ tháng 7, Jeff Bezos chính thức trao vị trí CEO Amazon cho Andy Jassy để tập trung cho các sứ mệnh khác, gồm công ty hàng không vũ trụ Blue Origin và các công việc từ thiện.

“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc ByteDance – công ty mẹ của TikTok – cũng chia tay người sáng lập. Trong thông báo vào tháng 5, Zhang Yiming cho biết đã từ chức CEO với lý do “lo lắng về việc công ty phụ thuộc quá nhiều vào những ý tưởng có từ khi thành lập”.

Đầu tháng 11, Bloomberg đưa tin Yiming cũng đã rời ghế chủ tịch và người thay ông là Liang Rubo cùng đội ngũ quản trị mới với 5 thành viên.

Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates đã giữ vai trò CEO từ khi thành lập Microsoft năm 1975 và từ chức vào năm 2000. Tuy nhiên, ông vẫn đóng vai trò quan trọng tại công ty trong suốt nhiều năm, trước khi chính thức rời khỏi hội đồng quản trị vào tháng 3/2020. Hiện tại, Microsoft được điều hành bởi Satya Nadella với vai trò Chủ tịch kiêm CEO.

Tương tự, Jack Ma, người tạo ra Alibaba vào năm 2013, thôi chức Giám đốc điều hành vào năm 2019. Lúc đó, ông vẫn nắm quyền lực đáng kể trong công ty. Dù vậy, khi Ant Group không thể IPO do bất đồng với chính phủ Trung Quốc, ông chọn cách rút lui.

Trước đó, vào tháng 9/2018, hai nhà đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger thông báo từ chức và rời công ty. Hành động này được cho là xảy ra sau những bất đồng lớn của cả hai với Facebook và Mark Zuckerberg.

Tháng 8/2015, Larry Page và Sergey Brin, cùng sáng lập Google, chuyển sang vai trò giám sát tập đoàn Alphabet. Người được chọn cho vị trí CEO Google là Sundar Pichai. Đến năm 2019, Pichai cũng tiếp quản vị trí CEO Alphabet.

Riêng Apple là một trường hợp đặc biệt. Năm 2009, Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, rời vị trí lãnh đạo để đi chữa bệnh và quay lại vào 2011.

Cùng năm này, ông mất và người kế nhiệm là Tim Cook. Gần đây, Cook cũng chia sẻ ý định rút khỏi vai trò điều hành Apple trong một thập kỷ nữa.

Ngược lại, Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Facebook, hiện vẫn kiểm soát hoàn toàn công ty Meta và chưa có ý định chuyển giao bớt quyền lực.

Ngoài ra, một số nhà sáng lập khác cũng vẫn điều hành công ty là Jensen Huang của Nvidia, Ma Huateng của Tencent hay Evan Spiegel của Snapchat.

“Rõ ràng, các công ty công nghệ vẫn tồn tại và phát triển mạnh mà không cần đến người sáng lập. Microsoft và Apple – hai công ty đại chúng có giá trị nhất trên thế giới – là minh chứng”, The Verge bình luận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | Theo The Verge

Jack Dorsey rời bỏ vị trí CEO của Twitter

Ông Parag Agrawal, Giám đốc công nghệ (CTO) của mạng xã hội 400 triệu người dùng này sẽ thay thế Jack Dorsey trong cương vị mới.

Jack Dorsey rời bỏ vị trí CEO của Twitter
Former CEO Twitter Jack Dorsey

Jack Dorsey, người đồng sáng lập của mạng xã hội Twitter, vừa tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí CEO và Ông Parag Agrawal, hiện là CTO sẽ trở thành người kế nhiệm.

Theo Dorsey:

“Tôi đã quyết định rời khỏi Twitter vì tôi tin rằng công ty đã sẵn sàng để tiếp tục phát triển từ những người sáng lập khác. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào Parag trong cương vị mới.”

Quyết định từ chức của Dorsey được đưa ra sau gần hai năm gặp trục trặc với nhà đầu tư Elliott Management, khi công ty này muốn loại bỏ ông ra khỏi vị trí vì cho rằng ông bị phân tâm rất nhiều khi vừa đồng thời điều hành cả Twitter và Square, một công ty chuyên về thanh toán khác của ông.

Hội đồng quản trị của Twitter cho biết Ông Agrawal, người đang giữ chức giám đốc công nghệ của công ty từ năm 2017, sẽ là giám đốc điều hành mới. Ông Bret Taylor cũng sẽ trở thành chủ tịch mới của hội đồng quản trị.

CEO Twitter Parag Agrawal | Source: The Economic Times

Ông Taylor cho biết: “Jack Dorsey đã trở lại Twitter và giúp xoay chuyển công ty vào những thời điểm quan trọng nhất. Dorsey đã mang đến cho thế giới một thứ gì đó vô giá và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển nó.”

Giá cổ phiếu của Twitter dưới thời Jack Dorsey

Về phía nhà đầu tư Elliott Management, công ty này hiện có 4% cổ phần tại Twitter và trước đó cũng từng đã bày tỏ lo ngại không chỉ về vai trò của Dorsey mà còn về cả phong cách lãnh đạo của ông.

Jack Dorsey đồng sáng lập Twitter vào năm 2006 và giữ chức vụ giám đốc điều hành cho đến năm 2008, khi thành viên hội đồng quản trị Ông Fred Wilson tuyên bố ông không còn đủ khả năng để lãnh đạo công ty.

Sau đó, Dorsey tiếp tục quay trở lại Twitter với tư cách là giám đốc điều hành vào năm 2015, sau khi người tiền nhiệm Dick Costolo từ chức.

Đối với Dorsey, sự trở lại Twitter của ông cũng giống như sự trở lại của Steve Jobs tại Apple vào năm 1997, với sứ mệnh là phải xoay chuyển công ty bằng một tầm nhìn mới nhằm mục tiêu đối phó với một thế giới truyền thông mạng xã hội ngày càng cạnh tranh.

Một cổ đông lớn tại Twitter cho biết Dorsey thực sự nỗ lực trong quá trình điều hành Twitter, nhưng khi tài sản ở Square của ông tăng vọt và ông cũng tính đến việc sẽ chuyển đến châu Phi, thì sự gắn bó của ông đã suy yếu đi rất nhiều.

Doanh thu quảng cáo của Twitter đã tăng 14% trong năm ngoái lên mức 2,99 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với mức tăng 24% của năm trước. Dorsey hiện sở hữu 13% cổ phần tại Square và 2% cổ phần tại Twitter.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | Theo Financial Times

Đoạn tweet đầu tiên trên thế giới được bán với giá 2,9 triệu USD

CEO một công ty blockchain ở Malaysia đã chi 2,9 triệu USD để mua dòng tweet đầu tiên trên thế giới.  

Jack Dorsey, đồng sáng lập và CEO Twitter. Ảnh: Bloomberg

Sina Estavi – CEO công ty blockchain Bridge Oracle đã mua dòng tweet đầu tiên của nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey với giá 2,9 triệu USD. Dòng tweet này đã được mã hóa bằng công nghệ kỹ thuật số NFT (Non-fungible token).

Theo Valuables by Cent, nền tảng tổ chức phiên đấu giá dòng tweet, doanh nhân Malaysia đã thanh toán cho thương vụ trên bằng đồng tiền điện tử Ether.

Dòng tweet đầu tiên có nội dung “Just setting up my twttr” được Dorsey đăng vào ngày 21/3/2006. Sự kiện bán đấu giá diễn ra từ ngày 6/3.

“Đây không chỉ là một dòng tweet. Tôi nghĩ nhiều năm sau, mọi người sẽ nhận ra giá trị thực sự của dòng tweet này, giống như bức tranh Mona Lisa”, Sina Estavi chia sẻ.

Dorsey cho biết sẽ chuyển số tiền thu được từ cuộc đấu giá thành Bitcoin và tặng chúng cho GiveDirectly, một tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ những người nghèo nhất thế giới.

NFT là chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm – sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin.

Việc sở hữu NFT được ví như việc mua một món hàng sưu tầm có một không hai. Nhà đầu tư mua NFT gắn với một sản phẩm nào đó, nhằm biến mình trở thành người sở hữu duy nhất, hoặc kỳ vọng sản phẩm tăng giá và bán kiếm lời.

Song song với cơn sốt tiền điện tử, NFT cũng trở thành mặt hàng mới, được giới đầu tư quan tâm thời gian gần đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo NDH

Dòng tweet đầu tiên của CEO Twitter được đấu giá 2 triệu USD

Giám đốc điều hành và cũng là nhà đồng sáng lập mạng xã hội Twitter Jack Dorsey vừa mang ra đấu giá dòng chia sẻ (tweet) đầu tiên với mức trả giá cao nhất tính đến ngày 6/3 lên tới 2 triệu USD.

Xu hướng sưu tầm những kỷ vật ảo, được xác thực quyền sở hữu và giá trị nhờ công nghệ chuỗi khối (blockchain), đang dần trở nên thịnh hành trong thời đại công nghệ số.

Ngày 5/3, ông Dorsey chính thức giới thiệu đường dẫn (link) tới trang “Valuables @Cent,” chợ điện tử chuyên rao bán các tweet, trong đó các nhà đầu tư hoặc sưu tầm có thể mua và bán các dòng tweet có chữ ký của chủ nhân tạo ra tweet đó.

Người sẵn lòng chi 2 triệu USD để mua dòng tweet của CEO Dorsey chính là Justin Sun, nhà sáng lập của TRON, nền tảng công nghệ blockchain đứng sau sự ra đời của các loại tiền điện tử.

Theo giải thích của Valuables, chủ nhân của các dòng tweet sẽ quyết định có “đúc” (mint) dòng tweet của mình trên blockchain để tạo ra một phiên bản tương tự có chữ ký xác nhận hay không.

Theo đó, việc mua tweet đồng nghĩa rằng người mua có được chứng nhận điện tử sở hữu dòng tweet, đây là bản độc nhất vì được chính chủ nhân của dòng tweet ký và xác nhận.

Trong trường hợp tweet của Giám đốc điều hành Twitter Dorsey, người dùng Twitter sẽ vẫn có thể nhìn thấy dòng tweet này hiển thị nếu chủ nhân và mạng Twitter vẫn để dòng tweet ở chế độ trực tuyến.

Với cách làm khá tương đồng, những khoảnh khắc ấn tượng trong các trận đấu của Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) cũng được bán theo kiểu đấu giá trên chợ thương mại điện tử Top Shot.

Các đoạn video ngắn về những giây phút tỏa sáng ở các trận bóng rổ vẫn được phát miễn phí trên mạng nhưng vẫn có “Non-Fungible Token” (NFT- một loại token mã hóa trên blockchain đại diện cho một tài sản duy nhất), để đảm bảo tính xác thực và nguồn gốc rõ ràng của video.

Hồi tháng trước, một đoạn clip dài khoảng 10 giây ghi lại khoảnh khắc tỏa sáng của siêu sao LeBron James lập kỷ lục khi được trả giá tới 208.000 USD trên chợ NBA Top Shot.

Theo Dapper Labs, đối tác cùng với NBA tạo ra Top Shot, riêng trong năm 2020, tổng trị giá giao dịch trên Top Shot đạt hơn 200 triệu USD.

Các NFT ngày càng trở nên phổ biến, đỉnh điểm là hồi tháng trước hãng đấu giá tên tuổi Christie đã bán được một tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn kỹ thuật số nhờ NFT đảm bảo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo TTXVN

Những tỷ phú công nghệ làm từ thiện nhiều nhất 2020

Trong một năm đầy biến động vừa qua, không ít tỷ phú làng công nghệ đã sẵn sàng cho đi một phần tài sản của mình để giúp đỡ cộng đồng.

Ảnh: twitter

Bill Gates

Bill Gates là một trong tỷ phú quyên góp nhiều tiền nhất cho các hoạt động từ thiện. Năm 2000, ông và vợ, bà Melinda Gates, đã đồng sáng lập quỹ Bill & Melinda Gates và hiện ông tập trung toàn thời gian cho hoạt động từ thiện của quỹ này.

Nhà Gates, cùng tỷ phú Warren Buffett, đã đề xuất chiến dịch “Cam kết cho đi” nhằm khuyến khích những người giàu có cống hiến ít nhất một nửa tài sản cho các hoạt động từ thiện.

Cải thiện chất lượng y tế ở các nước đang phát triển là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động từ thiện của Bill Gates.

Quỹ Bill & Melinda Gates đã tài trợ hàng tỷ USD để đảm bảo tiến trình phát triển các loại thuốc chống lại HIV, sốt rét, bại liệt và các bệnh khác. Năm 2020, ông đã quyên góp 100 triệu USD cho các tổ chức y tế để chống lại đại dịch Covid-19.

Tỷ phú cùng vợ cũng đã công bố cam kết trị giá 1,6 tỷ USD trong 5 năm cho Liên minh vaccine (GAVI) để cung cấp chương trình tiêm chủng mở rộng cho hơn 300 triệu trẻ em ở các cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới.

Thông qua GAVI, quỹ Bill & Melinda Gates đã hỗ trợ 150 triệu USD cho Viện Serum Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, để cung cấp 100 triệu liều vaccine Covid-19 với giá 3 USD/liều cho các nước nghèo.

Elon Musk

Mục tiêu của Musk là thay đổi thế giới, cải thiện môi trường và giúp đỡ nhân loại. Musk đã quyên góp rất nhiều tiền để làm từ thiện, quỹ của Musk ưu tiên tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, giáo dục khoa học và kỹ thuật cũng như sức khỏe trẻ em.

Thông qua quỹ này, Musk đã quyên góp tiền bảo tồn địa điểm phòng thí nghiệm của Nikola Tesla bằng cách tu sửa nó thành Bảo tàng và Trung tâm Khoa học Tesla.

Vị tỷ phú giàu thứ hai thế giới cũng đang tham gia vào một loạt dự án quyên tặng hệ thống năng lượng mặt trời cho những khu vực chưa có điện lưới thông qua công ty năng lượng mặt trời của mình, Solar City.

Các khoản đóng góp của Musk trong năm nay cho các hoạt động từ thiện liên quan tới Covid-19 hầu như không đáng kể.

CEO của Tesla thậm chí thường xuyên xem nhẹ rủi ro của Covid-19, nghi ngờ những số liệu về sự lây lan và tỷ lệ tử vong của bệnh này, cũng như đưa ra dự báo rất lạc quan về tiến trình của bệnh dịch.

Jack Dorsey

Thành tích đóng góp từ thiện của CEO Twitter cho đến nay vẫn khá khiêm tốn, nhưng ông là người có khả năng tận dụng tốt sức mạnh truyền thông để gây quỹ từ thiện.

Sau khi tổ chức IPO thành công cho công ty Square, Dorsey đã cam kết sẽ tặng 20% cổ phần của mình cho “Start Small Foundation”, một tổ chức từ thiện mà ông thành lập để phục vụ các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn.

Trong năm qua, Dorsey cũng đã trao 3 triệu USD cho tổ chức “Know Your Rights Camp” nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống của các cộng đồng người da màu thông qua giáo dục.

Tháng 4 năm nay, Dorsey đã cam kết chi 1 tỷ USD, hơn 25% tổng giá trị tài sản hiện có, cho các nỗ lực cứu trợ Covid-19.

Phần lớn số tiền này đã được chuyển tới các tổ chức, như ngân hàng thực phẩm, trường học nhằm cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho những nhóm dân cư bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Jack Ma

Tỉ phú Jack Ma, nhà đồng sáng lập Alibaba, thành lập quỹ từ thiện mang tên ông từ năm 2014. Sau lần phát hành cổ phiếu của Alibaba trên sàn giao dịch chứng khoán New York, Jack Ma đã cam kết dành 35 triệu cổ phiếu cho quỹ từ thiện của mình.

Hiện Quỹ Jack Ma có 23 triệu cổ phiếu của Alibaba, trị giá khoảng 4,6 tỉ USD.

Kể từ khi thành lập, Quỹ Jack Ma đã đóng góp ít nhất 300 triệu USD cho các hoạt động từ thiện và chiến dịch bảo vệ môi trường khác nhau tại Trung Quốc. Năm 2019, quỹ đã chi 14 triệu USD để bảo vệ và tái tạo vùng đất ngập nước ở Hàng Châu.

Đầu năm nay, quỹ Jack Ma đã công bố khoản quyên góp 14,4 triệu USD để giúp các nhà khoa học phát triển vaccine ngừa Covid-19.

Theo đó, 40% khoản đóng góp của Jack Ma sẽ được chia đều cho Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Học viện Kỹ thuật Trung Quốc nhằm phát triển vaccine ngừa virus.

Phần còn lại sẽ dành để hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu tham gia vào nỗ lực kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.

Jeff Bezos

Dù trước đó từng bị chỉ trích vì quyên tặng rất ít so với những tỉ phú khác, Jeff Bezos trong năm qua đã thực hiện một số khoản tài trợ cực lớn.

Tiêu biểu là cam kết 10 tỷ USD, tương ứng gần 10% tổng giá trị tài sản và là khoản từ thiện lớn nhất mọi thời đại tính đến nay, cho Quỹ Trái đất Bezos, nhằm chiến đấu chống lại biến đổi khí hậu.

Tháng 9/2018, tỉ phú giàu nhất thế giới từng quyên tặng 2 tỷ USD để giúp đỡ các gia đình vô gia cư và xây dựng hệ thống trường mầm non cho trẻ em.

Tháng 9/2019, khi đối mặt với sức ép từ nhân viên, Bezos cũng đã cho ra mắt Cam kết khí hậu để Amazon có thể hoàn thành mục tiêu mà Hiệp định khí hậu Paris và xóa bỏ khí thải vào năm 2040.

Trong nỗ lực hỗ trợ các thành phần bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Bezos đã trao 100 triệu USD cho Quỹ Phản ứng Covid-19 của Feeding America nhằm hỗ trợ 200 ngân hàng thực phẩm thành viên trên khắp đất nước.

Ông cũng quyên góp 25 triệu USD để bắt đầu Quỹ cứu trợ Amazon, cung cấp các khoản tài trợ từ 400 đến 5.000 USD cho các đối tác của Amazon vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg và Priscilla Chan là những nhà tài trợ lớn trong lĩnh vực từ thiện trên thế giới. Vào năm 2015, cặp đôi đã cam kết cống hiến 99% tài sản cho các hoạt động vì lợi ích công cộng.

Đồng thời, họ đã khởi động Sáng kiến Chan Zuckerberg (CZI), với sứ mệnh “thúc đẩy tiềm năng con người và thúc đẩy cơ hội bình đẳng”.

Giáo dục là trọng tâm chính trong hoạt động tài trợ của Chan và Zuckerberg. Kể từ khi đại dịch bùng phát, CZI đã cấp hơn 9 triệu USD để hỗ trợ các nhà giáo dục và học sinh thông qua học tập từ xa, bao gồm cam kết tài trợ 5 triệu USD để giải quyết vấn đề sức khỏe tinh thần và xã hội của học sinh và gia đình.

Năm 2020, Chan và Zuckerberg cam kết chi 3 tỷ USD trong thập kỷ tới cho một dự án y tế nhằm chữa trị, ngăn ngừa và kiểm soát một số bệnh gây ra tỷ lệ tử vong cao ở trẻ em. Hai vợ chồng cũng đã ủng hộ 30 triệu USD cho các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trong đại dịch COVID-19.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Huy Lâm | MarketingTrips 

Theo: VnExpress

CEO Twitter kết hợp với thị trưởng Mỹ để ‘tặng thu nhập’ cho cư dân

Trong lĩnh vực công nghệ siêu cạnh tranh ở Thung lũng Silicon, với đầy những bản ngã và triệu phú lớn, Jack Dorsey thực sự khác biệt. Ông là CEO của cả Twitter và Square. Ông cũng là một trong những người tiên phong nghĩ về các vấn đề xã hội.

Gần đây nhất vị CEO này cho phép nhân viên có thể làm việc tại nhà vĩnh viễn, trước đó cũng đã cam kết 1 tỷ USD để chống lại Covid-19.

Trên một đoạn tweet Ông viết: ‘Tôi vừa tặng 1 tỉ USD vốn chủ sở hữu của tôi (28% giá trị tài sản của Ông) để chống lại Covid-19, Sau khi chúng tôi giải quyết xong đại dịch này, trọng tâm sẽ chuyển sang giáo dục, chăm sóc sức khỏe và UBI”.

Tiền ủng hộ sẽ đến từ cổ phần của ông tại Square. Theo Wall Street Journal, lời cam kết hào phóng của Dorsey là một trong những đóng góp tài chính lớn nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19 của một CEO.

Cùng thời điểm đó Ông cũng tweet: “Tại sao lại là bây giờ? Nhu cầu ngày càng cấp thiết và tôi muốn đóng góp ‘chút ảnh hưởng’ trong cuộc đời mình. Tôi hy vọng điều này sẽ truyền cảm hứng cho những người khác để làm một cái gì đó tương tự. Cuộc sống này quá ngắn ngủi, vì vậy hãy làm mọi thứ chúng ta có thể làm ngày hôm nay để giúp mọi người ngay bây giờ”.

Trong một nỗ lực vị tha tương tự, Dorsey đã kết hợp với một nhóm gồm 14 thị trưởng Mỹ để tiến hành một thử nghiệm cung cấp ‘thu nhập cơ bản toàn cầu’ (Universal Basic Income – UBI) cho cư dân của họ.

UBI là một khái niệm được Andrew Yang kêu gọi hưởng ứng trong cuộc tranh cử dân chủ cho chức tổng thống. Ông này gọi nó là một ‘cổ tức tự do’ và hứa sẽ trả cho mỗi người lớn Mỹ 1.000 USD mỗi tháng.

Cả Dorsey và Yang đều chia sẻ nỗi sợ hãi về những gì sẽ xảy ra với người lao động Mỹ khi tự động hóa, học máy, công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang khiến tất cả các loại công việc dần bị thay thế.

Dorsey sẽ cung cấp 3 triệu USD cho một nhóm có tên là ‘Mayors for a Guaranteed Income – MGI’ tạm dịch là ‘Những thị trưởng vì một thu nhập được đảm bảo’, trong nỗ lực khởi động chương trình thí điểm ở 14 thành phố của Mỹ.

Theo thông tin từ website của MGI, thu nhập được bảo đảm là một khoản thanh toán bằng tiền mặt hàng tháng cho các cá nhân. Nó là vô điều kiện và không có yêu cầu gì thêm.

Thu nhập được đảm bảo có nghĩa là để bổ sung chứ không phải thay thế, dùng để đảm bảo an toàn xã hội hiện có và có thể là một công cụ cho sự công bằng chủng tộc và giới tính.

Các thị trưởng tuyên bố rằng nó sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người được nhận mà còn cho cả các thành phố. Nhóm thị trưởng tranh luận, nhiều tiền mặt hơn trong túi giúp các gia đình an toàn về tài chính và kích thích nền kinh tế địa phương.

Đặc biệt là sau Covid-19 và suy thoái kinh tế, thu nhập được đảm bảo sẽ kích thích chi tiêu và tạo ra doanh thu rất cần thiết cho các tiểu bang và địa phương để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trên cả nước.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công, chúng ta đã phải chứng kiến ​​gần 50 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Một số lượng đáng kinh ngạc của các công ty mang tính biểu tượng của Mỹ, chẳng hạn như J.C. Penney, Hertz, Neiman Marcus, Brooks Brothers, GNC, J. Crew và Pier 1, nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Hàng ngàn công ty vừa và nhỏ được coi là không cần thiết đã được yêu cầu đóng cửa và nhiều công ty có thể không bao giờ mở lại.

Trong bối cảnh như các sự kiện hiện tại, hành động này của vị CEO Twitter như ‘nắng hạn gặp mưa’. Ngay cả khi lần thử nghiệm này của UBI không thành công, nó cũng có thể được điều chỉnh tốt hơn sau này. Đây dường như là thời điểm hoàn hảo cho những người có tư duy cầu tiến đưa ra những ý tưởng được cân nhắc kỹ lưỡng để giúp mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Tham khảo: Forbes