Skip to main content

Thẻ: Nhảy việc

5 “chiến thuật” thương lượng lương mà bạn cần biết

Thương lượng lương cũng như đánh trận, bạn không biết cách bày binh bố trận thì rất dễ rơi vào “lưới giặc” đấy!

Một thực tế mà chúng ta ai cũng hiểu rõ, nhảy việc là cơ hội để tăng lên mức lương mà bản thân mong chờ đã lâu.

Nhưng nếu bạn bước vô vòng phỏng vấn mà vẫn “gà mờ”, chưa nắm rõ các chiến thuật khi thương lượng lương thì đừng mong lần nhảy việc mới này sẽ đạt được mức lương kịch trần nhé!

Và các bạn đang muốn “yên bình” bước qua mùa nhảy việc bằng cách ngồi yên một chỗ cũng đừng cho rằng bản thân không cần phải thỏa thuận lương.

Nếu bạn không chủ động đề xuất và thương lượng để được tăng lương, thì hãy tự ngẫm xem sau một thời gian, liệu mức lương của bạn đang giảm đi bao nhiêu phần trăm nhé!

Đừng vội “Say yes” ngay lần đầu

Ngay sau khi nhận được offer từ nhà tuyển dụng trong lần đầu, bạn cần trả lời email sớm nhất có thể. Tuy nhiên, đừng vội Say Yes. Thay vào đó, email này mang tính chất thông báo rằng bạn đã nhận được thông tin và hẹn sẽ hồi đáp lại trong vòng 1-2 ngày tới.

Trong thời gian đó, bạn sẽ suy nghĩ thật nghiêm túc về JD và mức lương đã được đề xuất xem đã thực sự phù hợp với bản thân hay chưa.

Nếu cảm thấy chưa thật sự thỏa mãn, bạn có thể đề xuất trực tiếp hoặc 1 cuộc hẹn khác để trao đổi cùng người quản lý cũng như đơn vị tuyển dụng để thương lượng lương với mức mà bạn cho là hợp lý hơn.

Không chia sẻ mức lương nếu chưa được hỏi 

Nhiều ứng viên thật thà đến nỗi chia sẻ thẳng thắn mức lương ngay trong “buổi dạo đầu” của cuộc phỏng vấn, thậm chí ngay cả khi người tuyển dụng còn chưa đề cập đến mức lương.

Bạn biết không, lương của bạn phải được cộng hưởng từ cả 2 phía: phía của bạn và phía của nhà tuyển dụng.

Vì thế, hãy cùng nhau ngồi trao đổi để nắm các thông tin về nhau. Sau đó, đàm phán lương mới là công việc cuối cùng sau khi bạn đã hiểu rõ về yêu cầu của công ty và khả năng đáp ứng cũng như tạo ra giá trị của chính bạn thân mình khi làm việc tại đó.

Kiểm soát được cảm xúc của bạn 

Công cuộc đàm phán lương quả thực còn căng thẳng hơn cả lúc công ty “tra hỏi” về chuyên môn của bạn.

Bởi lương, trong văn hóa của người Việt, có thể vẫn còn làm một yếu tố nhạy cảm và bản thân người ứng tuyển vẫn còn thái độ khá rụt rè khi đề cập đến vấn đề ngày cùng nhà tuyển dụng.

Trong buổi đàm phán, bạn không nên để lộ sự thiếu tự tin khiến cho nhà tuyển dụng nắm thóp được điểm yếu. Bạn cũng không nên quá cứng nhắc và đẩy giá trị bản thân lên đến con số vô lý khiến họ cảm thấy ngán ngẩm.

Nói tóm lại, điều bạn cần là giữ một thái độ thực sự thiện chí, vui vẻ, tích cực và đôi bên công bằng. Ngay cả khi không thỏa thuận được như mong đợi, bạn cũng đừng tỏ ra bực dọc hay thể hiện sự mất hứng thú vì như thế thật sự rất thiếu chuyên nghiệp.

Đừng quên những chính sách và phúc lợi ngoài lương 

Đúng! Lương rất quan trọng. Nhưng nếu chưa thể thỏa thuận đến mức lương như bạn kỳ vọng, nhà tuyển dụng vẫn sẵn sàng đáp ứng những phúc lợi vượt sự mong đợi của bạn. Và điều đó thực sự rất quan trọng.

Những ngày nghỉ có lương, chính sách chăm sóc sức khỏe cá nhân và người thân, cơ hội được đào tạo miễn phí, khoản thưởng vào các ngày Lễ Tết hoặc thưởng hiệu quả kinh doanh, thời gian xem xét tăng lương…

Đấy chính là những chính sách và phúc lợi mà nếu cộng hưởng vào thì có thể còn hơn cả mức lương mà bạn đề xuất cùng với nhà tuyển dụng đấy.

Tìm điểm chung giữa những gì bạn đáng có được và những gì công ty có thể chi trả cho bạn 

Đàm phán lương cần giữa trên một nguyên tắc: sự hợp lý. Hợp lý ở đây là gì? Là mức lương hợp lý với giá trị của bạn. Là mức lương hợp lý với định mức của công ty.

Bạn không nên làm việc ở một nơi mà nhà tuyển dụng không đánh giá đúng giá trị của bạn và luôn kỳ kèo với những đóng góp thật sự có ý nghĩa. Thế nhưng bạn cũng không thể đòi hỏi một mức lương quá cao so với những gì mình có thể làm được.

Chỉ cần bạn hiểu rõ chính mình, xác định chính xác giá trị của mình, định hướng sự nghiệp tương lai và hiểu rõ thứ tự ưu tiên là bạn đã xác định được phần nào mức lương phù hợp.

Còn ở buổi phỏng vấn, đây chỉ là cơ hội để bạn nắm bắt hạn mức chi lương của công ty như thế nào? Kết hợp cùng 5 “chiến thuật” trên, bạn sẽ có thể đưa ra một con số hợp lý khiến nhà tuyển dụng có khả năng xem xét lại và đồng ý tiếp tục thương thảo cùng bạn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Nhảy việc: Tôi thấy mình bản lĩnh và dày dặn kinh nghệm hơn

Không phải là biện hộ cho thói quen nhảy việc của bản thân nhưng đứng trước các bạn chỉ ở yên một công ty từ khi mới ra trường, tôi dám chắc rằng mình bản lĩnh và dày dặn kinh nghiệm hơn.

Ai cũng nói người thường xuyên nhảy việc không đáng tin cậy và thiếu năng lực, kiến thức chuyên môn.

Nhưng tôi dám chắc rằng, những người trung thành với một công ty trong suốt thời gian dài cũng không có nhiều kinh nghiệm!

Bạn có thể nói tôi phiến diện khi đưa ra nhận định này nhưng thực chất, tôi đã thấy rất nhiều bạn bị huyễn hoặc về kinh nghiệm, kiến thức của bản thân và khi ra ngoài thực tế lại hoàn toàn bị bỡ ngỡ.

Tự định hướng sự nghiệp, không bị lệ thuộc vào bất kì ai!

Việc học hành ở trường đại học thực chất chỉ là một phần nhỏ của bước chân đầu tiên của sự nghiệp.

Một người sếp cũ của tôi đã từng nói: “Anh chọn em không phải vì em có bằng cấp cao nhất hay kinh nghiệm nhiều nhất trong số các bạn anh phỏng vấn, anh chọn em vì em mau mắn nhất và đó là yếu tố anh cần!”

Tôi vẫn nhớ ngày đó đi phỏng vấn, tôi vừa mới nghỉ việc ở công ty đầu tiên, nơi tôi chỉ làm việc được vỏn vẹn có một năm.

Nhưng trước khi đến buổi phỏng vấn và gặp anh sếp ấy, tôi đã trải qua ít nhất 5 cuộc phỏng vấn khác nhau.

Ở mỗi cuộc phỏng vấn, tôi đều có cơ hội được trò chuyện, trao đổi cùng các anh/ chị tuyển dụng và cả cấp trên trực tiếp, thông qua mỗi lần đó tôi hiểu rõ hơn ở một vị trí cấp cao hơn, tôi cần có kiến thức gì, cần phải làm gì?

Nên khi về nhà, tôi lên mạng, đọc kiến thức về vấn đề đó để tạo cho mình một vỏ bọc nền tảng cho lần phỏng vấn tiếp theo.

Các bạn có thể thấy việc này hơi “lươn lẹo, giả trân” nhưng thực ra nó giúp tôi rất nhiều trên con đường sự nghiệp sau này.

Nhờ có những lần tự tìm kiếm và mở ra kiến thức bằng thông tin mạng xã hội, khả năng chắt lọc thông tin của tôi tốt hơn và dần dần, tôi định hình được đâu là công việc tôi muốn làm tiếp theo.

Nhờ vậy mà tôi tự tin hơn trước mỗi quyết định, lựa chọn của mình. Và tin tôi đi, thất nghiệp độ 2 – 3 tháng là bạn sẽ hiểu rõ hơn “tại sao phải nỗ lực học hỏi”.

Kinh nghiệm chuyên môn từ đâu mà ra?

Trong 4 năm đầu tiên đi làm, tôi nhảy 3 công ty và mỗi công ty là một lĩnh vực khác nhau. Nên câu hỏi phỏng vấn mà tôi thường gặp nhất là: “Mỗi năm làm một công ty, liệu em có đủ kinh nghiệm chuyên môn không, hay chỉ là mức chung chung?”  

Đối với quan điểm này, tôi hoàn toàn không đồng ý! Bởi với tôi, chuyện đi làm nhiều chỗ đâu có liên quan gì đến không được làm chuyên môn đâu.

Câu chuyện của tôi là một ví dụ điển hình, nhờ sự thay đổi thường xuyên, dưới cương vị là nhân viên tôi đã được trải nghiệm và thực làm rất nhiều, hiểu thêm về thị trường và có cái nhìn bao quát về lĩnh vực, nghành nghề, mô hình khách hàng khác nhau.

Bên cạnh đó, việc phải thường xuyên thay đổi khiến tôi rèn luyện được cho mình khả năng học hỏi nhanh, thích ứng nhanh với môi trường mới, quy trình làm việc mới. Và đừng ai nói với tôi là tôi không được làm sâu một vấn đề.

Thực chất làm sâu hay không là do lúc đó, bạn có dám lăn xả hay không? Tại khi nhảy việc và tìm kiếm công việc mới, chẳng phải là bạn đang tìm kiếm nơi để mở rộng trải nghiệm, kiến thức chứ đâu có tìm một nơi chỉ làm những công việc đã làm để “quen lại thêm quen”.

Lòng trung thành của bạn quá ngắn hạn?

Lại một ý kiến nữa mà tôi hoàn toàn phản bác, chuyện làm ngắn hay làm dài ở một công ty chẳng thể nào là một thước đo cho lòng trung thành được.

Tôi có thể chỉ làm một công ty trong chưa tới 1 năm nhưng đâu có nghĩa tôi làm việc hời hợt, thiếu nhiệt huyết? Càng không có chuyện tôi làm ở công ty này nhưng đi báo cáo lại cho công ty đối thủ?

Còn nếu luận về lòng trung thành thì lúc đi làm tôi sẽ trung thành với ai, trung thành với điều gì? Cốt lõi cơ bản của mỗi người khi đi làm, tôi nghĩ vẫn là hướng đến bản thân, trung thành với ý định của bản thân.

Có thể là ích kỷ nhưng tôi nghĩ chúng ta thật lòng nhất vẫn nên trung thành với bản thân và hướng đến những gì tốt đẹp nhất cho mình. Và tôi sẽ nhảy việc nếu cảm thấy công ty không đáp ứng được nguyện vọng về phúc lợi, lương thưởng và cả cơ hội học hỏi, thăng tiến.

Lời cảnh tỉnh cho những người ở lại quá lâu!

Tôi không dám so sánh hay lên tiếng chê bai các bạn đi làm lâu năm tại một công ty nhưng thực sự tôi vẫn muốn khuyên các bạn hãy thử một lần giương buồm ra khơi. Đặc biệt là các bạn trẻ, đang muốn trải nghiệm nhiều hơn.

Việc làm lâu ở một công ty sẽ khiến bạn bị gò bó, giới hạn về các kỹ năng chuyên môn, không được va chạm nhiều do công việc có xu hướng cố định hoặc hạn chế do ngành nghề.

Bên cạnh đó, nếu bạn không được cấp trên mở đường thăng tiến, học hỏi các kỹ năng quản lý cũng như phân tích thị trường mà chỉ vòng quanh các công việc như triển khai, thực hiện kế hoạch theo chỉ thị của cấp trên, về lâu dài, chính bạn sẽ hạn chế cơ hội và kiến thức của mình.

Như câu chuyện của M.K – người bạn đồng môn của tôi là một ví dụ điển hình. Bạn ấy ngay từ lúc ra trường đến nay chỉ làm một công ty duy nhất về lĩnh vực may mặc.

Đây là một may mắn nhưng cũng là một rào cản của cô ấy. Công ty chế độ, đồng nghiệp và cả cấp trên đều rất tốt.

Trong suốt 6 năm làm việc, cô ấy vẫn được thăng chức, tăng lương nhưng công việc chỉ quanh đi quẩn lại với những hạng mục cố định, lập đi lập lại.

Có thể, cô ấy sẽ rất giỏi trong việc triển khai các công việc này do đã quá quen thuộc nhưng vô hình chung, cô ấy cũng mất đi khả năng phân tích và so sánh công việc của chính mình.

Cách đây ít hôm, cô ấy đã tâm sự với tôi rằng: “Tao muốn nhảy việc và làm bên lĩnh vực khác, nhưng kinh nghiệm tao không đủ nhưng để bắt đầu từ con số 0 hay chấp nhận một mức lương thấp hơn, tao lại không dám!”

Thật tình mà nói, tôi không thể đưa ra một lời khuyên hay an ủi nào cho cô ấy. Bởi chức vụ tôi hiện tại thấp hơn, mức lương có lẽ cũng thấp hơn nhưng rõ ràng là tôi rất tự tin, hiểu rõ điều mình có, thứ mình muốn và cách để đạt được trong tương lai.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Theo HR Insider

Nhảy việc thường xuyên không gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp như bạn tưởng

Khi nhắc đến nhảy việc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến đây là việc tiêu cực, sẽ chẳng đem lại lợi ích gì hoặc ảnh hưởng xấu cho sự nghiệp thế nhưng bên cạnh đó nó vẫn có những ưu điểm nhất định nếu ai biết tận dụng thì chắc chắn sẽ có lợi cho bản thân.

Tôi đã nghe hầu hết những ý kiến khuyên bảo những người trẻ về chuyện đổi việc trong những năm đầu sự nghiệp, trong đó có kiểu như: “Nếu bạn làm một công việc nào đó dưới một năm, đừng dại mà viết vào hồ sơ xin việc. Hãy trụ lại ở một công ty ít nhất 02 năm. Đừng thay đổi nếu không bạn sẽ không bao giờ có thể thăng tiến được đâu”.

Tôi ở đây để nói cho các bạn biết một điều là chẳng có lời tuyên bố nào là sự thật cả.

Tôi đã thay đổi vai trò công việc của mình 4 lần trong 05 năm vừa qua và biết chắc rằng những lời khuyên hoa mỹ xung quanh chuyện nhảy việc đều sai – đặc biệt là ý kiến cho rằng những người lao động trẻ trong khoảng 25 – 34 tuổi nên tập trung trung bình khoảng 2,8 năm cho một công việc.

Và 55% số nhà tuyển dụng nói họ không có vấn đề gì với việc tuyển những ứng viên thường xuyên nhảy việc cả.

Vấn đề nằm ở chỗ nhảy việc mới sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm, hiểu thêm về năng lực bản thân, tự tin hơn và sẽ nâng cao vị thế của chính bạn trong sự nghiệp. Nên thay vì lo sợ hồ sơ xin việc của bạn bị ảnh hưởng xấu thì tôi khuyên bạn nên mở lòng đón lấy những cơ hội mới.

Dưới đây là những lý do tại sao nhảy việc lại tốt cho sự nghiệp của bạn, thay vì ảnh hưởng xấu khiến bạn chết chìm giữa biển người.

Đổi công việc giúp bạn thoát ra khỏi vùng an toàn

Khi bạn quá thoải mái ở một vị trí nhất định, lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ quên đi việc phải học tập, trau dồi.

Điều này có nghĩa là, một khi bạn đã tìm hiểu rõ tính chất công việc, trải qua muôn vàn khó khăn và dành được những kết quả khả quan sau một thời gian thì đến lúc này, bạn sẽ đi vào trạng thái thoải mái, mọi sự sáng tạo trong người bỗng bốc hơi đi đâu mất.

Đây chính là thời điểm cần phải thay đổi, dù cho chỉ đơn giản là đảm nhiệm một vị trí mới trong công việc hiện tại, nhất định bạn phải nhận lấy thử thách mới. Đừng sợ, hãy bắt đầu học thêm bất cứ điều gì để trau dồi bản thân.

Với tôi, chuyển đổi công việc không những gây ảnh hưởng xấu mà đã kéo tôi ra khỏi vùng an toàn, điều này đã dạy tôi thành công trong một số vài trò và ngành nghề khác nhau.

Càng linh động, tôi lại càng trở nên tự tin và có kỹ năng hơn để hiểu được khách hàng muốn gì, nghĩ ra các chiến lược mới, chủ động lên tiếng và thay đổi.

Trải nghiệm môi trường làm việc khác nhau giúp bạn học được những thứ cần thiết để phát triển mạnh

Tôi học được điều này khi làm việc cho một công ty không mấy cởi mở trong chuyện trải nghiệm những thứ mới lạ. Lúc đó, tôi hồn nhiên nghĩ rằng: “Chỉ cần mình tiếp tục đưa ra ý tưởng mới, đến thời điểm nào đó, họ sẽ nhìn nhận và sẵn sàng thử một cái gì khác biệt hơn”. 

Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng nhận ra thay đổi không phải là một phần của văn hóa công ty này, song, tôi thậm chí còn nhận về một điều giá trị hơn: tôi hiểu được đâu mới là môi trường làm việc phù hợp mà tôi cần để phát triển bản thân.

Trải nghiệm ở nhiều môi trường làm việc khác nhau, bạn sẽ biết cách đánh giá các nhà tuyển dụng như cách họ từng đánh giá bạn

Sau mỗi lần thay đổi công việc, bạn sẽ nhìn ra công ty nào không hỗ trợ bạn trên con đường đạt được mục tiêu cá nhân và thay vì tốn thời gian 8 tiếng một ngày cho một công ty như thế, bạn sẽ lựa chọn được bến đỗ có thể giúp bạn vươn lên dẫn đầu trong nghề nghiệp.

Trung thực sẽ giúp sự nghiệp thuận lợi

– Đừng giả vờ chỉ để có được một công việc tạm bợ: Bạn phải là chính bạn, điều đó rất quan trọng. Hãy tự đặt ra thật nhiều câu hỏi để biết chắc là công việc bạn đang hướng tới sẽ phù hợp.

Và nếu công ty không muốn tuyển dụng vì bạn là chính mình thì chắc chắn đó không phải là nơi bạn muốn cống hiến đâu. Bạn càng thành thật với bản thân bao nhiêu thì sẽ càng có nhiều cơ hội để được hạnh phúc trong công việc.

– Hiểu mình muốn gì từ công việc sẽ khiến bạn trung thực với bản thân và nhà tuyển dụng: Càng biết rõ yếu tố giúp bạn tiến nhanh trong công việc bao nhiêu, bạn sẽ càng thoải mái hơn khi đề cập nhu cầu của mình với nhà tuyển dụng hiện tại và trong tương lai.

– Sống đúng với bản thân sẽ khiến bạn tự tin hơn, đây là điều rất tốt cho sự phát triển chuyên nghiệp: Khi những nhà quản lý tuyển dụng nhận thấy tôi từng nhảy việc nhiều, tôi đã chuẩn bị tất cả để giải thích cho họ hiểu từng bước đi, từng thay đổi của mình.

Kết quả là không có ai phản đối niềm tin cốt lõi của tôi rằng nếu không học tập được gì từ một công việc thì đó là lúc cần ra đi.

Tự tin là chìa khóa mở rộng cánh cửa sự nghiệp

Khi tự tin với con đường chuyên nghiệp mình đã chọn, bạn sẽ tìm được lối đi. Bạn sẽ biết cách trả lời bất cứ câu hỏi hay lời bình luận nào liên quan đến kinh nghiệm nghề nghiệp mà nhà tuyển dụng đề cập. Điều tương tự cũng đúng với công việc hiện tại của bạn.

Không có gì sai khi nói với sếp rằng bạn đã chán và muốn có điều gì đó mới lạ, muốn được thử thách ở dự án mới, chắc chắn một người sếp tốt khi nghe thấy bạn đề cập như thế, sẽ không bao giờ tỏ thái độ tiêu cực hoặc gây ảnh hưởng xấu đến bạn cả.

Nhưng nếu ai đó sẵn sàng từ chối bạn chỉ vì lịch sử nhảy việc thì có lẽ họ đã giúp bạn rất nhiều. Bởi đây không phải là mẫu quản lý quan tâm đến người thích tìm kiếm những thứ khác nằm ngoài khuôn khổ sự nghiệp.

Và nếu giống tôi, bạn hãy cứ tiếp tục chăm chỉ làm việc đi, quý nhân sẽ đến giúp bạn phát huy hết khả năng của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider

Harvard Business Review: Bạn cần nhảy việc nếu có đủ 5 dấu hiệu này

Theo Harvard Business Review , không phải lương thưởng, 5 dấu hiệu sau đây mới chính là nguyên nhân để bạn biết đã đến lúc phải nhảy việc.

Cho dù năm nay bạn bao nhiêu tuổi, xuất thân từ hoàn cảnh nào và có những thành tựu gì, trên hành trình sự nghiệp, sẽ luôn có những thời điểm mà bạn cảm thấy mình cần một sự thay đổi cũng như có những cơ hội mới xuất hiện và hấp dẫn bạn.

Một báo cáo của LinkedIn cho thấy chỉ 25% trong số 313 triệu người dùng của họ thuộc trường phái tích cực chủ động tìm việc.

Còn 60% người dùng đều có xu hướng thụ động hơn. Họ sẽ không chủ động nhảy việc, nhưng họ cũng sẽ nghiêm túc xem xét các cơ hội mới.

Truy ngược về cội nguồn, bản chất con người thiên về sợ hãi và trốn tránh sự thay đổi. Giống như triết học Đan Mạch Soren Kierkegaard đã phát hiện ra: “Lo âu là căn bệnh gắn liền với sự tự do”.

Ngay cả khi hoàn cảnh hiện tại khiến chúng ta không hài lòng, chúng ta vẫn sẽ cố gắng thích nghi với điều đó trước khi chủ động thay đổi.

Thật vậy, phân tích tổng hợp cũng cho thấy rằng mặc dù môi trường làm việc có tình trạng thái độ tiêu cực, khó gắn kết với công việc, văn hóa doanh nghiệp cũng khó hòa nhập, nhìn chung mọi người vẫn tiếp tục giữ vị trí hiện có thêm một thời gian dài.

Hơn nữa, bởi vì không ít người nhảy việc chủ yếu là do yếu tố cảm tính chứ không phải lý trí, nên mọi người càng dễ thất vọng về kết quả. Sau đó, họ lại càng rơi vào suy nghĩ rằng, một môi trường quen thuộc vẫn thoải mái và đảm bảo hơn.

Nghiên cứu học thuật chỉ ra rằng, sự không ổn định trong công việc và sự bất an trong nghề nghiệp là những nguyên nhân chính dẫn đến áp lực tâm lý của con người hiện đại.

Do đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế Thế giới cũng không ngạc nhiên khi coi an ninh nghề nghiệp là một phần quan trọng của chất lượng cuộc sống.

Tất cả những điều trên giải thích rằng, cho dù một công việc nhàm chán đến đâu, chúng ta cũng khó có thể hạ quyết tâm để lập tức buông bỏ nó.

Để giúp bạn quyết định xem mình có thể thay đổi công việc vào thời điểm thích hợp nhất hay không, nghiên cứu tâm lý cung cấp cho bạn 5 dấu hiệu sau để phân biệt.

5 dấu hiệu cho thấy bạn cần nhảy việc thật sớm

1. Bạn đã không còn học hỏi được gì từ công việc hiện tại

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một trong khoảnh khắc hạnh phúc nhất đối với người lớn trưởng thành là khi họ có thể liên tục học hỏi những điều mới mẻ trong công việc và cảm thấy rằng mình đang tiến bộ hơn mỗi ngày.

Điều này đặc biệt đúng đối với những người vốn có tính tò mò, sáng tạo và luôn khao khát kiến ​​thức về những điều mới mẻ.

2. Bạn thể hiện hiệu suất kém trong công việc

Nếu bạn đang cảm nhận rõ sự trì trệ của mình, làm việc mà giống như một chiếc xe không người lái, thì mãi mãi sẽ chẳng thể đi được đến đâu.

Không sớm thì muộn, trạng thái này sẽ làm thui chột khả năng, hạ thấp giá trị con người trên thị trường tuyển dụng và hồ sơ xin việc của bạn có thể sẽ trở nên xấu hổ.

Nếu bạn muốn làm việc tràn đầy năng lượng và vui vẻ hơn, tốt hơn hết, bạn nên thử thay đổi môi trường và tính chất công việc để tìm ra một khía cạnh có thể kích thích sự nhiệt tình của bạn. Bằng cách này, khả năng làm việc của bạn mới có thể được phát huy tối đa.

3. Giá trị của bạn bị đánh giá thấp

Ngay cả khi nhân viên hài lòng với mức lương và cơ hội thăng tiến, họ vẫn không thể tận hưởng tốt công việc của mình, trừ khi họ nhận được sự công nhận, đặc biệt là công nhận đến từ cấp trên trực tiếp của mình.

Ngược lại, những người thường xuyên bị đánh giá thấp trong công việc dễ cạn kiệt nhiệt huyết và có thể sinh ra những hành vi gây tác động tiêu cực, chẳng hạn như bỏ việc không làm, làm lấy lệ cho có, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Và trong trường hợp một lãnh đạo bị đánh giá thấp, rủi ro sẽ cao hơn nhiều so với những nhân viên bình thường. Nếu họ sinh lòng ức chế, thực hiện một số hành vi xấu, hậu quả để lại có khả năng ảnh hưởng tới toàn bộ công ty.

4. Bạn làm việc chỉ để kiếm tiền

Mặc dù hầu hết thời gian, quyết định của mọi người về công việc được đánh giá dựa trên lý do tài chính. Nhưng một công việc chỉ nhằm duy nhất một mục đích kiếm tiền là công việc không đáng làm nhất.

Theo “Đánh giá nghiên cứu: Tiền có ảnh hưởng đến động lực” từng được đăng trên Harvard Business Review trước đây, khen thưởng có tác động tới tinh thần bao giờ cũng đem tới tác dụng khích lệ cao gấp 3 lần so với khen thưởng chỉ có tác động về vật chất đối với công nhân viên.

Trong một số trường hợp, giá trị vật chất không như ý cũng có thể phản tác dụng, khiến mọi người mất động lực, giảm ham muốn học tập hoặc thử thách cá nhân, dập tắt nhiệt tình với công việc và trở nên tiêu cực.

5. Bạn không thích sếp của mình

Có câu nói rằng: Chúng ta gia nhập vì công ty và rời đi vì ông chủ.

Trong một khảo sát về khả năng lãnh đạo, người ta phát hiện ra rằng 75% nhân viên cho thấy phần căng thẳng nhất trong công việc của họ đến từ người lãnh đạo trực tiếp hoặc gián tiếp. Đại đa số nguyên do của những người lựa chọn nhảy việc cũng xuất phát từ sếp của họ.

Do đó, việc xây dựng phong thái lãnh đạo vừa có tâm, vừa có tầm cần phải đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên, 5 dấu hiệu này không phải là tất cả những gì bạn cần chú ý.

Có nhiều yếu tố khác cũng đem tới tác động rất lớn khiến bạn buộc phải đưa ra quyết định nhảy việc, chẳng hạn như: sự mất cân bằng và xung đột giữa công việc với cuộc sống, áp lực kinh tế, áp lực cắt giảm nhân sự và các yếu tố địa lý.

Nhưng hầu hết các yếu tố này là do môi trường xung quanh gây ra chứ không phải do yếu tố tâm lý, và rất ít có sự thay đổi chủ quan.

Dù vậy, vẫn phải khẳng định rằng, quyết định “đi hay ở” của bạn có chính xác hay không phải dựa vào kết quả sau cùng và mức độ hài lòng của chúng ta với kết quả đó.

Cả hai điều này chỉ có thể xác định sau khi quyết định đã thực sự đưa ra chứ không thể dự đoán trước.

Đó là lý do mà Lincoln đã nói: “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó”. Do đó, cách duy nhất để biết sự thay đổi của bạn có chính xác hay không là bạn phải tự quyết định.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo HR Insider

Xử lý thế nào khi vừa nhận việc, bạn lại có offer mới tuyệt vời hơn

Mới đi thử việc “dăm ba bữa” mà bảo với nhân sự là không phù hợp và muốn xin nghỉ thì cũng kì. Nhưng có một offer béo bở trước mặt, liệu bạn có thể từ chối hay không?

Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh “Vừa mới đi thử việc ở công ty mới được vài hôm, mọi thứ đều đang tốt đẹp thì lại nhận được một offer tuyệt vời hơn?” Lúc này, bạn sẽ ra quyết định như thế nào? Quay ngắt thái độ và lựa chọn bên nào có mức lương cao hơn, cơ hội thăng tiến, phúc lợi nhiều hơn. Hay ngại ngùng từ chối offer mới và hài lòng với lựa chọn hiện tại?

Nhận offer tốt hơn sau khi đồng ý thử việc?

Thông thường, các công ty khi chấp nhận tuyển dụng một nhân sự mới thì sẽ dành thời gian khoảng 1-2 tháng để thử việc. Đây là thời gian dùng để đánh giá năng lực chuyên môn thực tế của ứng viên so với hồ sơ cung cấp tại vòng phỏng vấn.

Trong thời gian này, bạn sẽ làm việc như một nhân viên chính thức nhưng chưa có hợp đồng lao động ràng buộc.

Điều này đồng nghĩa với việc bạn có quyền từ chối làm việc nếu nhận thấy công việc ấy không phù hợp và công ty cũng có quyền không nhận ứng viên nếu nhận thấy ứng viên không đáp ứng được công việc mà không có bất kỳ ràng buộc về mặt thời gian hay giấy tờ.

Vì thế, việc bạn nhận được một offer mới tuyệt vời hơn và cân nhắc giữa hai lựa chọn trong thời gian thử việc là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, quyết định ở thời điểm mấu chốt thường ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của bạn. Vì sao?

  • Thứ nhất, bạn rất dễ bị đánh giá thấp về tinh thần trách nhiệm & thái độ. Nếu lúc ra đi có những hành xử không phù hợp.
  • Thứ hai, offer mới chưa chắc tuyệt vời hơn công việc hiện tại.

Vì không một công ty hay nhà tuyển dụng nào muốn vụt mất ứng viên mà họ đã dành thời gian tìm kiếm, phỏng vấn và trao offer công việc hoàn tất.

Bạn hoàn toàn có thể thương lượng lại mức lương, chính sách phúc lợi sau khi quá trình thử việc kết thúc. Do đó, khi quyết định từ bỏ công việc hiện tại để chọn một offer khác, bạn nên cân nhắc thật kỹ để có quyết định đúng đắn nhất.

Những yếu tố cần xem xét khi quyết định thay đổi

1. Vị trí đó có “vừa vặn” với bạn

Khi chấp nhận một offer công việc mới, bạn cần hiểu rõ động lực và mục tiêu của bản thân bởi đó phải là công việc phù hợp với năng lực, kỹ năng và kiến thức hiện tại của bạn.

Công việc có mức lương cao hay cơ hội hấp dẫn đến mức nào đi nữa nhưng nếu không phù hợp với những điều bạn đang có thì bạn cũng sẽ chẳng trụ vững dài lâu.

Đồng thời, đây cũng chính là yếu tố tiên quyết quyết định khả năng thăng tiến và phát triển của bạn tại công việc đó trong tương lai.

2. Tìm hiểu người sẽ quản lý bạn

Người quản lý trực tiếp sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trên con đường sự nghiệp của bạn. Nếu muốn phát triển nhanh với kỹ năng cứng cáp, bạn hãy lựa chọn môi trường làm việc có người quản lý giỏi và tạo điều kiện để nhân viên phát triển.

Thực tế có đến 75% nhân viên quyết định từ bỏ công việc hiện tại vì cách quản lý của người sếp. Nếu công việc hiện tại của bạn đang phải làm việc với người sếp không thỏa mãn được tiêu chí này, bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ về việc chấp nhận hay từ chối offer mới, hấp dẫn hơn.

3. Tiềm năng phát triển sự nghiệp

Khi đánh giá các offer công việc mới, bạn nên dựa trên những kỹ năng nào mình có cơ hội thực hành và học hỏi, đồng thời mối quan hệ nghề nghiệp sẽ được rộng mở ra sao.

Điều này chính là thước đo chuẩn xác nhất cho lộ trình phát triển nghề nghiệp của bạn tại nơi đó.

Hãy đánh giá xem: Doanh nghiệp đó có đang trên đà phát triển không? Có cơ hội để thăng tiến và học tập trong nghề nghiệp lâu dài hay không? Tất cả những yếu tố này có thể giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt nhất.

4. Cân nhắc kế hoạch rút lui trong tương lai

Thực tế là không một nhân sự nào có thể gắn bó “trường tồn” với một công ty cả quãng đời của mình. Thậm chí đó có là CEO đi nữa.

Do đó, bạn cần tự hỏi bản thân rằng mình sẽ như thế nào trong 5 năm, 10 năm hay thậm chí 15 năm tới và bạn cần những gì để đến được các cột mốc đó. Những kĩ năng và kinh nghiệm bạn cần là gì?

Bạn cần quen biết với ai trong các mối quan hệ xã hội của mình? Sau đó, hãy so sánh các lời mời làm việc với nhau, cân nhắc xem đâu là nơi có cánh cửa mở rộng nhất, ai sẽ là người luôn ở bên xung quanh bạn và liệu rằng các kinh nghiệm mà bạn thu được có đem lại thành công khi mà bạn quyết định chọn hướng đi khác hay không.

Trên đây là bài viết chia sẻ giúp nhân sự định hướng đúng đắn khi vừa nhận công việc mới nhưng lại có được offer tốt hơn. Hy vọng bài viết đã giúp các bạn có được những cơ sở nền tảng để đánh giá và xem xét để đón nhận cơ hội vàng cho bản thân.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo HR Insider

Nhảy việc: Thời điểm NÊN và KHÔNG NÊN!

Nhảy việc cuối năm là đánh đổi tất cả những cố gắng của bạn trong suốt một năm qua. Điều này là đúng hay sai? Nhảy việc thời điểm nào thì sẽ phù hợp?

Đến hẹn lại lên, không ít bàn dân công sở lại cảm thấy “đau đầu” với bài toán muôn thuở: Nên nhảy việc cuối năm hay không? Nóng vội dẫn đến những quyết định cảm tính đôi khi sẽ dẫn đến sai lầm.

Nhưng trì hoãn và cứ mải đắn đo thì cơ hội sẽ chẳng đợi chờ. Vậy thời điểm nào và khi nào mới thích hợp để nhảy việc?

Thời gian nhảy việc phù hợp 

Các chuyên gia về tuyển dụng và nhân sự trên thế giới cho rằng ở bất cứ quốc gia nào và thị trường lao động nào, các doanh nghiệp hầu như đều ít nhiều gặp biến động về nhân sự thời điểm đầu năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực tế nếu xét về góc độ thời gian, có lẽ đây là lúc khá phù hợp nếu bạn đang có dự định nhảy việc bởi một vài lý do như:

Một là, bạn đã trải qua một kỳ nghỉ Tết đủ dài để refresh bản thân và đang rất sẵn sàng cho một nơi làm việc mới với những đồng nghiệp mới.

Hai là, nếu nghỉ vào giữa năm hoặc cuối năm, bạn rất khó để nhận được khoản thưởng Tết một cách trọn vẹn. Do đó, đầu năm mới sẽ là thời điểm thích hợp nhất đi kèm với tâm lý “năm mới sẽ dễ dàng để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ một cách thuận lợi hơn”.

Ba là, đầu năm là thời điểm các công ty tuyển dụng sôi nổi, việc làm cũng nhiều hơn đồng nghĩa với việc cơ hội để bạn lựa chọn công ty phù hợp nhất với nguyện vọng của bản thân cũng rộng mở hơn.

Tuy nhiên, nếu không phải vì khoản thưởng Tết hấp dẫn thì cuối năm cũng có thể xem là thời điểm đáng xem xét nếu bạn đã có một offer tốt hơn từ nơi làm mới. Bởi lẽ đây là thời điểm là “tỷ lệ chọi” thấp nhất trong năm khi nhu cầu tuyển dụng vẫn có nhưng hồ sơ thì lại rất hiếm hoi.

Trong khi đó, việc bạn chuyển công ty vào những tháng cuối năm cũng sẽ giúp bạn hoàn thành 2 tháng thử việc trong năm cũ và sẽ thuận lợi cho việc tính thưởng Tết đủ tháng làm việc chính thức/năm ở công ty mới.

Quyết đoán nhảy việc vì “nước đã tràn ly” 

Thời gian chỉ là vấn đề cần cân nhắc khi bạn có một khoản thưởng đủ lớn và thực sự vẫn chưa tìm được một nơi làm việc mới đủ sức hấp dẫn. Ở câu chuyện của cảm xúc có lẽ sẽ có nhiều việc đáng bàn.

Nghỉ việc không phải là chuyện nhỏ, đặc biệt là khi bạn đã qua tuổi 30 hoặc đã có gia đình với nhiều mối lo về kinh tế.

Nhưng nếu ngay lúc này, dù có đang ở thời điểm nào đi chăng nữa, dù bạn đã có thâm niên với công ty đi chăng nữa nhưng vẫn cảm thấy không có tiếng nói chung với quản lý và đồng nghiệp trong công việc, không cảm thấy bản thân được ghi nhận và những nỗ lực của bạn dường như không có nhiều giá trị đối với nơi làm việc ấy.

Hãy chấp nhận sự thật và dũng cảm tìm một nơi làm việc mới.

Đặt câu hỏi: “Tương lai của mình 2-3 năm nữa tại nơi này sẽ như thế nào?” Nếu không thể thăng tiến về cấp bậc thì mức độ thăng tiến về chuyên môn, kỹ năng và mối quan hệ của bạn có đi lên hay vẫn đi ngang?

Việc đi làm chỉ trở nên có động lực khi bạn được học hỏi những điều mới mẻ, các vấn đề về lương bổng được đáp ứng ở mức xứng đáng.

Bạn biết mỗi ngày sẽ phải làm gì, mình tạo ra được những giá trị gì và hạnh phúc vì sau mỗi giai đoạn nhìn lại sẽ thấy bản thân giỏi giang, trưởng thành hơn.

Nếu một công ty không tạo cho bạn cơ hội để làm được những điều đó, để phát triển bản thân thì rõ ràng ra đi để tìm một cơ hội mới là điều nên làm.

Cuối cùng, lương bổng cũng chính là yếu tố rất quan trọng. Bạn đã làm ở một công ty đủ lâu nhưng không nhận lại được mức thù lao xứng đáng? Bạn đã nhiều lần đề xuất nhưng vẫn chỉ ở “diện xem xét” hoặc mức tăng quả thật không làm bạn hài lòng?

Có quá nhiều vấn đề về văn hóa doanh nghiệp khiến bạn cảm thấy không thể hòa nhập? Vậy thì việc nấn ná ở lại không có nhiều ý nghĩa dù là ở thời điểm nào.

Hãy nhớ rằng, chỉ nên hành động khi đã có định hướng

Bạn có thể chờ đầu năm mới nhảy việc. Bạn cũng có thể nhảy việc vào một tháng rất lưng chừng như tháng 6, tháng 7, thậm chí là tháng 9, tháng 10. Thế nhưng, điều mà bạn rất cần phải có ngay thời điểm phát sinh suy nghĩ nghỉ việc là: Mình sẽ làm gì tiếp theo?

Hãy tìm hiểu trước về vị trí mới và công ty mới để tìm một công việc phù hợp. Thậm chí, nếu bạn là type người theo “chủ nghĩa an toàn” thì hãy chắc chắn đã tìm được một công việc mới rồi mới quyết định nghỉ việc tại công ty cũ.

Bạn có thể đi làm ngay sau khi nghỉ, cũng có thể dành ra một khoảng thời gian để tận hưởng, nghỉ ngơi hoặc thực hiện những dự án cá nhân. Dù thế nào cũng cần phải có định hướng cụ thể cho tương lai rồi mới nghỉ việc.

Bởi xét cho cùng, nhảy việc là để tìm một nơi mới thích hợp hơn, tìm những đồng nghiệp mới phù hợp hơn, một mức lương mới khiến bạn hài lòng hơn và một cuộc sống mới giúp bạn “dễ thở” hơn.

Mong bạn dù là ở thời điểm nào và ra đi trong trạng thái cảm xúc ra sao thì vẫn sẽ tìm được niềm vui, sự tận hưởng ở nơi làm việc mới và không hối tiếc về quyết định của mình. Đó mới là thời điểm nhảy việc lý tưởng nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo HR Insider

Nhảy việc thời điểm cuối năm và những điều bạn nên biết

Bạn đang muốn nhảy việc vào thời điểm cuối năm? Bạn muốn tìm một môi trường mới tốt hơn? Nhưng liệu có nên nhảy việc vào thời điểm cuối năm hay không? Và bạn cần chuẩn bị những gì nếu muốn nhảy việc vào thời điểm này?

Nhảy việc vào bất kỳ thời điểm nào cũng cần có sự chuẩn bị và nhất là giai đoạn cuối năm. Bạn từ bỏ công việc đã làm từ đầu năm đến nay, từ bỏ mức lương thưởng đang được nhận để tìm đến môi trường mới. Vậy bạn có biết mình sắp phải đương đầu với những gì hay không? Bạn đã sẵn sàng để đối mặt với những tình trạng mà đa số những ai nhảy việc cuối năm đều vướng phải?

1. Có thể bị “ép” giá vì tình hình thị trường 

Vào thời điểm cuối năm, đa số các công ty đều không có sự biến động lớn về tình hình nhân sự, chính vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp cũng dần ít đi. Tuy cũng có một số công ty tuyển dụng nhưng thông thường là công việc không có tính ổn định lâu dài.

Đặc biệt, sau thời gian dài bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19 khiến nhiều công ty rất ngại chi thêm khoản tiền lớn vào việc tuyển dụng. Vì thế, họ sẽ ưu tiên chọn một ứng viên phù hợp yêu cầu nhưng chi trả mức lương thấp hơn.

Tuy nhiên, mặt tích cực của vấn đề nhảy việc cuối năm chính là việc tỷ lệ cạnh tranh thấp hơn giữa các ứng viên.Theo một báo cáo của VietnamWorks, tại TP. Hồ Chí Minh, để có việc làm, 1 lao động phải “chọi” với 48 người khác. Trong đó, những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao là hành chính/thư ký, tiếp theo là kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành.

Vì thế, có thể nói thời điểm cuối năm giúp bạn giảm tỷ lệ chọi của mình xuống thấp, đặc biệt là ở các vị trí cấp quản lý.

Do đó, nếu bạn quyết định nhảy việc trong thời gian này, bạn phải chứng minh được mình là người có ích cho công ty mới và họ phải tuyển dụng bạn, như thế bạn mới có thể thương lượng được mức lương như mong muốn.

Để làm được như vậy, bạn cần phải tự luyện tập trước vòng phỏng vấn và chuẩn bị một số cách để thu hút nhà tuyển dụng. Thay vì sợ hãi, hãy tự tin thể hiện bản thân mình và khẳng khái đưa ra mức lương mà bạn nghĩ là xứng đáng để không bị ép giá.

2. Tài chính của bản thân bị ảnh hưởng 

Khi từ bỏ công ty đang làm ở thời điểm cuối năm, đồng nghĩa với việc bạn sẽ vứt bỏ khoản lương thưởng tháng 13, thậm chí 14, 15 và 16. Những nỗ lực trong cả năm của bạn cũng không được đáp đền xứng đáng vì quyết định này.

Hơn thế, thời gian xin việc có thể sẽ kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng thậm chí đến 6 tháng do tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng kinh tế của năm nay. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị một khoản tiền để trang trải trong thời gian đó, nếu không áp lực đặt lên tìm việc và cuộc sống sẽ đè nặng lên bạn.

Còn chưa kể đến khi chuyển đến một nơi mới, bạn có chắc mình sẽ êm đềm vượt qua 2 tháng thử việc không hay sẽ phải tiếp tục hành trình xin việc ở nơi khác?

Vậy nên, hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, đừng vì giây phút bốc đồng mà đưa ra quyết định nghỉ việc. Bởi có thể bạn sẽ gánh lấy hậu quả cho những lúc nóng nảy thế đấy!

3. Rạn nứt trong mối quan hệ 

Quả thật không dễ dàng khi đưa ra quyết định thôi việc vào thời điểm cuối năm, bởi không chỉ đối mặt với thị trường nhân sự hay tài chính cá nhân, mà bạn còn phải đương đầu với đồng nghiệp.

Bởi đồng nghiệp sẽ phải gánh vác thêm phần công việc của bạn khi bạn rời đi, điều này khiến họ không mấy dễ chịu. Do đó, bạn hãy ôn tồn bàn giao công việc và nhờ mọi người giải quyết tiếp giúp mình.

Cho dù bạn không thích họ, bạn vẫn nên niềm nở, cư xử lịch sự đến ngày cuối cùng và không được đánh mất thiện cảm từ mọi người. Vì trái đất này rất tròn, biết đâu bạn và họ sẽ lại một lần nữa là đồng nghiệp ở một nơi khác.

Tóm lại, nếu bạn đã có suy nghĩ nhảy việc vào cuối năm, bạn hãy cân nhắc cẩn thận những vấn đề trên, đừng vội vàng đưa ra quyết định. Và nếu đã sẵn sàng, thì hy vọng rằng bạn sẽ tìm được một công việc như những bạn mong muốn.

Hãy chứng minh bản thân là người có lựa chọn thông minh để con đường sự nghiệp của bạn luôn suôn sẻ và thăng tiến.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider

3 câu hỏi cần tự vấn trước khi quyết định nhảy việc

Dù bạn nhảy việc vì lý do gì cũng hãy cân nhắc đến những câu hỏi sau đây nhé!

Câu 1: Tại sao bản thân nên nhảy việc vào thời điểm này?

Khi đã trưởng thành, bạn không thể quyết định một vấn đề chỉ bằng cảm tính mà thiếu đi sự suy xét, nhảy việc cũng vậy. Bạn đừng vì chỉ “không ưa cấp trên, ghét đồng nghiệp” hay “chán việc, tự nhiên thấy lương ở đây thấp” mà lựa chọn nhảy việc để rồi không biết bản thân sẽ phải làm gì tiếp theo.

Hãy tự hỏi chính mình rằng, nếu nhảy việc vào thời điểm này, bản thân sẽ được gì, có lợi ích gì? Liệu sự ra đi này có giúp bạn đạt được mục tiêu của mình hay không?

Bạn có được thăng chức – tăng lương hay được học hỏi nhiều hơn, phát triển trong lĩnh vực mình muốn hay không? Nếu câu trả lời là có, bạn có thể tự tin hơn với quyết định của bản thân.

Nhưng nếu câu trả lời của bạn là không hay thậm chí bạn còn chưa biết bản thân sẽ làm gì tiếp theo thì bạn hãy khoan nghĩ đến chuyện nhảy việc. Vì một khi không chuẩn bị trước, bạn hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái thất nghiệp lâu dài và khiến sự nghiệp bản thân có một khoảng trống vô nghĩa.

Câu 2: Thời gian qua, bản thân đã học hỏi được những gì?

Một điều mà bạn cần cân nhắc trước khi nhảy việc chính là bản thân đã tích lũy được kinh nghiệm, kiến thức gì trong thời gian làm việc vừa qua.

Những điều bạn học có giúp ích gì cho việc bạn thăng tiến trong tương lai hay không? Hãy liệt kê những điều này ra giấy và cân nhắc lại một lần nữa, liệu những kiến thức, kinh nghiệm này có đủ để bạn tìm được công việc mới tốt hơn hay không?

Và đừng quên hỏi bản thân rằng, tại sao lúc ban đầu mình lại chọn công việc này? Liệu những gì bản thân mong muốn trước lúc làm việc tại đây đã đạt được chưa? Nếu chưa đạt thì nguyên nhân là do đâu?

Hãy suy xét vấn đề này một cách khách quan nhất để chính bản thân bạn hiểu được mình cần phải làm gì tiếp theo, ra đi hay ở lại? Lựa chọn nào sẽ giúp bạn thực hiện được các mong muốn của mình.

Câu 3: Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có thu nhập trong ít nhất là 6 tuần?

Một điều vô cùng quan trọng mà hầu hết các bạn trẻ đều quên cân nhắc khi nhảy việc chính là vấn đề thu nhập. Khi trưởng thành, bạn không thể tiếp tục “sống bám” vào cha mẹ mà phải tự chi trả các khoản chi phí trong cuộc sống.

Vì vậy, trước khi nhảy việc bạn hãy đặt câu hỏi và nghiêm túc suy nghĩ về việc cuộc sống của bản thân sẽ ra sao nếu hoàn toàn không có thu nhập trong ít nhất là 6 tuần? Lúc này, bạn sẽ biết rõ nhất bản thân mình cần làm gì tiếp theo và có sự chuẩn bị tốt nhất nếu muốn nghỉ việc.

Để nhảy việc không phải là một “ván bạc” hên xui may rủi, bạn hãy cân nhắc thật nghiêm túc trước khi ra quyết định.

Tuyệt đối đừng chỉ vì những cảm xúc nhất thời mà nhảy việc để rồi khiến sự nghiệp rơi vào khoảng thời gian khó khăn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips 

Theo HR Insider

6 nguyên tắc vàng trước khi quyết định nhảy việc

Đối với những nhân sự trẻ, nhảy việc dường như là “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi hiếm có ai lại tìm được công việc như ý ngay từ lần đầu tiên.

Ở lứa tuổi mà bạn còn nhiều tiềm năng để khai phá, nhiều cơ hội để học hỏi, nhiều đỉnh cao muốn chinh phục, bạn thường rất dễ đi đến quyết định “nhảy việc” để tìm kiếm những thử thách mới cho bản thân.

Tuy nhiên, “nhảy việc” như thế nào cho khôn ngoan? Hãy lưu ý 5 điều dưới đây để đảm bảo bạn sẽ không hối hận về quyết định của mình nhé.

1. Giữ vững chuyên môn

Trên thực tế, nhiều người khi nhảy việc không chỉ thay đổi về chức vụ mà còn thay đổi về chuyên môn nghề nghiệp. Chẳng hạn: bạn chán làm sale ở công ty A, bạn apply vào công ty B để thử sức với vị trí marketing, sau một thời gian, bạn lại muốn thử “lấn sân” sang mảng nhân sự với công ty C,…

Bạn cho rằng bạn còn trẻ, bạn muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, và làm như vậy thì bạn có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hay trở thành một người “đa di năng” trong mắt Nhà tuyển dụng.

Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, một ứng viên với lịch sử làm việc “loạn xì ngầu” như vậy chưa chắc đã được đánh giá cao.

Người ta nói, “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, cách tốt nhất để phát triển sự nghiệp là bạn hãy trung thành với những kỹ năng chuyên môn, định rõ phương hướng nghề nghiệp, kiên trì “nhất nghệ tinh” để trở thành chính chuyên gia giỏi trong chuyên ngành của bạn. Có như vậy bạn mới có cơ hội thăng tiến trong công việc.

2. Đừng nhảy việc chỉ vì lương thấp

Dù cho bạn đang phải đối mặt với sức ép về kinh tế, khi muốn thay đổi công việc; bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất cho công việc mới, ngoài việc đơn thuần chỉ xem xét mức lương.

Nếu chỉ coi trọng đến tiền lương, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có và thường xuyên phải nhảy việc.

Ngoài tiền lương, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về thực lực của công ty, cơ hội học hỏi, thăng tiến, môi trường làm việc,… Bởi chính những nhân tố này sẽ quyết định mức lương của bạn trong tương lai.

3. Không nên nhảy việc vì bất mãn, đố kỵ cá nhân

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều có những ưu nhược điểm nhất định; do vậy; dù có đi đến đâu, bạn cũng sẽ vấp phải những vấn đề chung đó.

Nhiều người chỉ vì lý do không hài lòng với công việc đang làm hoặc đồng nghiệp trong công ty mà nhanh chóng nhảy việc. Họ không biết rằng, đến nơi làm mới, tình cảnh tương tự rất có thể xảy ra. Lẽ nào lúc ấy họ lại nhảy việc?

Trong tình huống này, hãy bình tĩnh đối mặt và tìm cách giải quyết triệt để những bất mãn còn tồn đọng. Đó cũng là cách chứng tỏ năng lực xử lý vấn đề thông minh và nhanh nhạy của bạn.

4. Thời gian chuyển việc tốt nhất là 2 – 3 năm trở lên

Ít nhất cần thử sức với công việc khoảng 2 – 3 năm, có như vậy bạn mới có thời gian và khả năng tích lũy những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng và cả năng lực cạnh tranh.

Hơn thế nữa, CV của bạn cũng sẽ đáng tin cậy hơn rất nhiều, so với 1 CV mà kinh nghiệm làm việc thì dài, trải nghiệm ở rất nhiều công ty, nhưng không có nơi nào ở lại được quá 1 năm.

5. Trường hợp nên nhảy việc: không có cơ hội phát triển, nâng cao kỹ năng, công ty đang trên bờ vực phá sản.

Khi thực sự nhận thấy những “nguy cơ” không lành có thể xảy ra; bạn cũng có thể chủ động đề nghị thôi việc. Đặc biệt khi công ty đó không có đủ không gian phát triển; không thể giúp bạn nâng cao kỹ năng làm việc hay cơ cấu quản lý quá lạc hậu; đứng trên bờ vực phá sản.

6. Nên biết điểm dừng khi nhảy việc

Mục đích của bạn là tìm được một công việc tốt tại một công ty có môi trường phát triển tốt, có mức lương cao, giờ giấc linh động và phù hợp với năng lực.

Một khi bạn đã tìm được công việc mới có những điều kiện giống và tương tự điều kiện đã đề ra thì nên chấp nhận và gắn bó lâu dài với công việc đó.

Bạn biết đấy, cơ hội không phải lúc nào cũng đến và chúng ta không thể nào biết đâu là cơ hội lớn nhất, hãy tận dụng mọi cơ hội và hạn chế suy nghĩ đến hai từ “nhảy việc”.

Cho dù quyết tâm thay đổi nhưng bạn cũng không nên cố chấp kiên định thời gian nhảy việc. Trước khi đưa đơn xin thôi việc hãy đảm bảo rằng bạn đã phân tích kỹ càng tình hình tài chính, khả năng tìm việc mới để không bị động trong khoảng thời gian chưa có việc làm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Nhảy việc mang đến cho tôi động lực để thay đổi

Tìm được một công việc thích hợp với thu nhập hấp dẫn và cơ hội thăng tiến cao luôn là niềm mơ ước của rất nhiều người. Chính vì thế mà họ không ngừng ngại chuyện nhảy việc, để tìm cho mình một cơ hội phát triển trong sự nghiệp. Họ tin rằng nhảy việc là một cơ hội tốt để nhìn nhận lại năng lực của bản thân và hơn thế nữa là lúc để xác định ngành nghề mà mình muốn đi xa hơn trong tương lai.

Có nên nhảy việc? Đó luôn là một câu hỏi khiến bạn phải cân nhắc, thận trọng rất nhiều để đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta e dè, thậm chí sợ hãi chuyện nghỉ việc chỉ vì những mối lo lắng như không kiếm được việc mới, không đủ khả năng… Bởi vì nhảy việc có thể không mang lại kết quả như mong muốn, nhưng ít nhất nó đem đến cho bạn động lực để thay đổi.

Không dám nhảy việc vì những nỗi sợ mơ hồ

Các nghiên cứu, báo cáo liên tục cho thấy xu hướng chung của giới trẻ ngày nay là nhảy việc, tần suất có khi là vài ba tháng lại đổi việc một lần. Điều này không quá khó hiểu bởi ngày nay, giới trẻ có nhiều lựa chọn công việc, họ cũng không ngại thay đổi, không ngại làm mới mình để làm những gì bản thân yêu thích.

Tuy nhiên, song song đó cũng có những người muốn nhảy việc nhưng ngần ngừ không dám chỉ vì những nỗi sợ mơ hồ.

Với nhiều người, lý do lớn nhất khiến họ không dám nhảy việc đó là sợ không kiếm được công việc mới như mong muốn. Chắc gì công việc mới sẽ ổn định như hiện tại? Biết đâu công việc mới, công ty mới cũng mông lung như hiện tại thì sao? Đó là những thắc mắc họ tự đặt ra cho chính mình và rồi không thể thoát khỏi suy nghĩ đó.

Một số người khác không dám nhảy việc để đi tìm việc mới chỉ vì ngại thay đổi, ngại phải làm quen với môi trường mới, đồng nghiệp mới. Họ cảm thấy trình độ tiếng Anh của bản thân không thể đáp ứng yêu cầu từ công ty mới hay CV, portfolio của mình lại chưa đủ sức thuyết phục trong khi bản thân lại quá lười để làm lại chúng…

Chính những điều này khiến rơi vào trạng thái ‘tiến thoái lưỡng nan”, muốn đi không được mà muốn ở cũng không xong. Họ tự đánh lừa bản  thân vẫn đang ổn với công việc hiện tại. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ của bạn trong công việc, lâu dài hơn là đến sự thăng tiến nghề nghiệp.

Rõ ràng, bạn chỉ làm tốt nếu bạn hào hứng, yêu thích, đam mê công việc. Một khi suy nghĩ nhảy việc xuất hiện trong bạn cũng là lúc đam mê, nhiệt huyết của bạn lung lay. Lúc này, bạn chỉ đang cố duy trì công việc trong trạng thái mỏi mệt, cầm chừng.

Nhảy việc có thực sự đáng sợ?

Không ai có thể chắc chắn rằng nhảy việc là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, công việc mới, mức lương mới, đồng nghiệp mới sẽ giống như bạn mong đợi. Thế nhưng, nhảy việc, ngoài những rủi ro – hay nói cách khác là những nỗi sợ mơ hồ do chính bạn tạo ra – còn mang đến nhiều cơ hội để bạn thay đổi, khắc phục nhược điểm của bản thân.

Chẳng hạn, khi bạn quyết định nhảy việc từ vị trí hiện tại đến một vị trí mới cao cấp hơn, hoặc làm việc cho một công ty đa quốc gia, bạn bắt đầu kế hoạch trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm để phù hợp với vị trí đó.

Nếu chưa tự tin về trình độ tiếng Anh, hãy đăng ký một lớp học tiếng Anh. Nếu thấy mình thiếu kỹ năng hay kiến thức chuyên môn lĩnh vực nào, tích cực học hỏi từ sách vở, từ công việc hiện tại… để từng bước hoàn thiện mình trước khi chinh phục một công việc mới như mơ ước.

Chỉ khi đặt bản thân vào tình huống khó khăn, căng thẳng, bạn mới thực sự khai phá hết giới hạn của mình. Và lúc này, bạn đã đạt được thành công đầu tiên: đó chính một phiên bản tốt hơn của chính mình, sẵn sàng thay đổi bản thân và tự tin cho mọi cơ hội mới. Vòng an toàn khiến bạn yên tâm nhưng lại rất khó đưa bạn đến với những cột mốc cao hơn.

Khoa học đã chứng minh rằng, những người thông minh có một đặc tính chung đó là luôn biết thay đổi bản thân để thích nghi với môi trường mới. Khi họ đã quyết định chọn hướng đi nào, họ sẽ tập trung cao độ để đạt được nó và loại bỏ tất cả những ngại ngần, e dè không đáng có.

Biết lọc những thông tin quan trọng và biết nắm bắt các cơ hội sẽ giúp bạn đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn cũng như chủ động trong hành trình chinh phục các đích đến mới của mình.

Đương nhiên, không có nhà tuyển dụng nào thích ứng viên có quá khứ nhảy việc dày đặc. Nhưng điều đó không phải lí do khiến bạn chấp nhận an phận tại một nơi chốn mà bản thân không còn hứng thú, đam mê hay phù hợp.

Nhảy việc với một “cái đầu lạnh”, có mục đích, có lí do, biết mình cần làm gì tiếp theo sẽ mang lại những hiệu ứng tuyệt vời. Thông qua đó, bạn cũng phần nào chứng minh được sự độc lập, quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao với những lựa chọn của chính mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

via HR Insider