Skip to main content

Thẻ: tiktok ads manager

Trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager) là gì?

Trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager) là nơi nhà quảng cáo có thể bắt đầu tạo và quản lý tất cả các chiến dịch quảng cáo của họ.

trình quản lý quảng cáo tiktok
Trình quản lý quảng cáo TikTok

Cũng tương như các trình quản lý quảng cáo của các nền tảng khác như Facebook, Google hay LinkedIn, trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager) là nơi chứa đựng tất cả các tài sản quảng cáo, đối tượng mục tiêu, chiến dịch quảng cáo và hơn thế nữa của nhà quảng cáo.

Để có thể hiểu chi tiết về khái niệm trình quản lý quảng cáo nói chung, bạn có thể xem tại trình quản lý quảng cáo, còn dưới đây là các nội dung liên quan đến trình quản lý quảng cáo của riêng TikTok.

Bài viết sẽ bao gồm một số nội dung như:

  • Trình quản lý quảng cáo TikTok hay TikTok Ads Manager là gì?
  • Cách đăng ký và tạo trình quản lý quảng cáo TikTok.
  • Các bước cơ bản để thiết lập hay khởi chạy một chiến dịch quảng cáo TikTok.
  • Trình quản lý kinh doanh TikTok hay TikTok Business Center là gì?
  • Một số thuật ngữ nhà quảng cáo nên hiểu trong trình quản lý quảng cáo của TikTok.
  • Một số lưu ý trước khi bắt đầu sử dụng trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager).

Dưới đây là nội dung chi tiết.

Trình quản lý quảng cáo TikTok hay TikTok Ads Manager là gì?

Trình quản lý quảng cáo TikTok hay TikTok Ads Manager là nơi cung cấp toàn bộ các công cụ mà các nhà quảng cáo cần để tạo và quản lý quảng cáo trên TikTok.

Từ trình quản lý này, nhà quảng cáo có thể tiếp cận các nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau trên toàn cầu trên TikTok lẫn các ứng dụng có liên quan khác của TikTok.

Cũng tương như các nền tảng quảng cáo khác, trình quản lý quảng cáo của TikTok giúp nhà quảng cáo tạo chiến dịch (Ad Campaign), xây dựng các nhóm quảng cáo (Ad Group) và các mẫu quảng cáo (Ads).

Sau khi khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, nhà quảng cáo có thể xem tất cả các số liệu hiệu suất quảng cáo từ trình quản lý quảng cáo.

Để tránh các trường hợp quảng cáo khó được duyệt, quảng cáo bị từ chối hay thậm chí là bị khoá tài khoản, các nhà quảng cáo nên tìm hiểu kỹ chính sách quảng cáo của TikTok.

Dưới đây là giao diện từ trang tổng quan trong trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager).

Dưới đây là giao diện từ trang tổng quan trong trình quản lý quảng cáo TikTok – TikTok Ads Manager.

Cách đăng ký và tạo trình quản lý quảng cáo TikTok – TikTok Ads Manager.

Quy trình đăng ký tài khoản trên trình quản lý quảng cáo của TikTok khá đơn giản, bạn có thể tham khảo các bước bên dưới:

  • Bước 1: Bạn truy cập vào https://ads.tiktok.com (chính là trình quản lý quảng cáo) và điền các thông tin như bên dưới.
Cách đăng ký và tạo trình quản lý quảng cáo TikTok.

Sau khi đăng ký thành công, bạn có thể nhìn thấy giao diện tổng quan như bên dưới.

  • Bước 2: Sau khi đã vào được giao diện chính, bạn điền đầy đủ các thông tin về tài khoản tại phần “Cài đặt tài khoản”. Một số thông tin bạn cần điền như: tên tài khoản, mã số thuế, kiểu thanh toán, thông tin liên hệ và nhiều thông tin khác.
  • Bước 3: Để có thể khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, bạn cần thêm vào phương thức thanh toán, bạn có thể sử dụng thẻ tín dụng cả kiểu thẻ Debit và Credit như hình bên dưới.
Thêm các phương thức thanh toán vào trình quản lý quảng cáo của TikTok.
  • Bước 4: Sau khi đã hoàn tất các bước trên, bạn đã có thể bắt đầu khởi chạy các chiến dịch quảng cáo từ phần “Chiến dịch” (Campaign) trong trình quản lý quảng cáo như bên dưới.

trình quản lý quảng cáo tiktok

  • Bước 5: Bạn bắt đầu lựa chọn các mục tiêu quảng cáo, cài đặt các thông số và xây dựng nội dung quảng cáo trong từng phần “Chiến dịch”, “Nhóm quảng cáo” và “Quảng cáo”.

Các bước cơ bản để thiết lập hay khởi chạy một chiến dịch quảng cáo TikTok.

Về cơ bản, có 5 bước trong quy trình khởi chạy một chiến dịch quảng cáo trên TikTok.

Bước 1: Chọn mục tiêu.

Tuỳ vào từng mục tiêu hay chiến lược khác nhau, nhà quảng cáo có thể lựa chọn các mục tiêu chiến dịch cụ thể khác nhau như:

  • Xây dựng nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness).
  • Tăng lưu lượng truy cập vào website (traffic).
  • Tăng lượt cài đặt ứng dụng (App Install).
  • Xây dựng tệp khách hàng tiềm năng (Lead Generation).
  • Thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến.
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi trên website (Conversion).

Để có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn sau khi các quảng cáo được phân phối, điều quan trọng là thương hiệu hay doanh nghiệp phải xác định chính xác nhu cầu của họ hay đâu là hành động mà họ muốn khách hàng thưc hiện khi nhìn thấy các mẫu quảng cáo.

Chẳng hạn, nếu nhu cầu là thu hút được nhiều khách hàng truy cập vào website, thương hiệu có thể chọn mục tiêu là tăng lưu lượng truy cập vào website (traffic) hay nếu doanh nghiệp cần khách hàng tiềm năng, mục tiêu có thể là thúc đẩy khách hàng tiềm năng.

Về mặt tổng quan, có thể chia mục tiêu của các chiến dịch quảng cáo trên TikTok thành 3 loại: thay đổi nhận thức (Awareness), thúc đẩy sự cân nhắc về thương hiệu (Consideration) và gia tăng chuyển đổi (Conversions).

Bước 2: Chọn đối tượng mục tiêu (Target Audience).

Tiếp theo bước 1, tuỳ vào từng mục tiêu quảng cáo khác nhau, doanh nghiệp hay nhà quảng cáo cũng có thể cần nhắm mục tiêu tới các nhóm đối tượng khác nhau.

Hiện TikTok cung cấp một số tuỳ chọn nhắm đối tượng mục tiêu như:

  • Nhắm mục tiêu theo địa điểm: Bạn có thể chọn các khu vực hay thành phố cụ thể mà bạn muốn quảng cáo của mình xuất hiện.
  • Nhắm mục tiêu theo sở thích và hành vi: Tuỳ vào sản phẩm hay dịch vụ của bạn là gì, bạn có thể lựa chọn các sở thích hay hành vi tiêu biểu của khách hàng như thích thời trang, thích công nghệ hay thích marketing chẳng hạn.
  • Nhắm mục tiêu vào các nhóm đối tượng tuỳ chỉnh: Nếu bạn đã từng chạy quảng cáo trước đây và có một lượng khách hàng đã tương tác với mình trên website hay fanpage chẳng hạn, bạn có thể tương tác lại (re-marketing) với nhóm đối tượng này.
  • Nhắm mục tiêu vào các nhóm đối tượng tương tự (Lookalike): Nếu bạn đã có các tệp khách hàng (gốc) của riêng mình như tệp đã truy cập website hay tệp đã mua hàng, bạn có thể sử dụng tệp đối tượng này để mở rộng ra các tệp tương tự.
  • Nhắm mục tiêu đến các nhóm đối tượng tích hợp (Audience Integrations): Ngoài các cách tiếp cận đối tượng mục tiêu nói trên, bạn cũng có thể sử dụng tính năng tích hợp đối tượng để mở rộng hay tương tác lại với khách hàng. Chẳng hạn như nếu bạn đang sử dụng các nền tảng thu thập dữ liệu của bên thứ ba (third party data), bạn có thể tích hợp các tệp đối tượng này vào trình quản lý quảng cáo của TikTok.

Bước 3: Thiết lập ngân sách.

Với phần thiết lập ngân sách, hiện nhà quảng cáo có thể sử dụng tuỳ chọn ngân sách theo ngày hoặc trọn đời tuỳ theo nhu cầu của mình.

Một số mẹo nhỏ khi thiết lập ngân sách quảng cáo:

  • Đối với ngân sách chiến dịch, bạn nên để ngân sách mở.
  • Bạn nên dùng ngân sách hằng ngày thay vì tổng ngân sách cho ngân sách nhóm quảng cáo.
  • Khi chọn Giới hạn giá thầu hoặc Giới hạn chi phí làm chiến lược đấu thầu, bạn nên thiết lập ngân sách ban đầu tối thiểu là gấp 20 lần CPA mục tiêu.
  • Nếu bạn đang chạy chiến dịch Cài đặt ứng dụng và muốn tối ưu hóa chiến dịch để thúc đẩy các hành động cụ thể trong ứng dụng của bạn, thì bạn nên sử dụng Tối ưu hóa sự kiện trong ứng dụng (AEO). Khi sử dụng AEO, bạn nên thiết lập ngân sách ban đầu không dưới 100 USD và tối thiểu phải gấp 20 lần CPA chuyển đổi mục tiêu.
  • Khi bạn chạy chiến dịch Lượt chuyển đổi và chọn Chuyển đổi làm Mục tiêu tối ưu hóa, Chi phí thấp nhất làm Chiến lược giá thầu, ngân sách ban đầu của bạn tối thiểu phải gấp 20 lần CPA mục tiêu và không dưới 100 USD. 

Bước 4: Xây dựng và thiết kế quảng cáo.

Khi nói đến quy trình khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, thiết kế hay xây dựng nội dung quảng cáo là một trong những phần quan trọng nhất.

Bạn có thể tham khảo tất cả những thông tin về TikTok và quảng cáo TikTok tại đây.

Như đã phân tích ở trên, quy trình xây dựng quảng cáo của TikTok có 3 phần là thiết lập chiến dịch quảng cáo, nhóm quảng cáo và quảng cáo.

Trình quản lý quảng cáo của TikTok hiện đang cung cấp 2 định dạng nội dung quảng cáo chính đó là video hoặc hình ảnh và với mỗi nhóm quảng cáo, TikTok cho phép nhà quảng cáo thêm tối đa 20 mẫu quảng cáo.

Bước 5: Xuất bản quảng cáo và chờ duyệt.

Sau khi đã hoàn tất tất cả các bước nói trên, bạn bấm chọn xuất bản quảng cáo và gửi nó tới hệ thống kiểm duyệt nội dung quảng cáo của TikTok.

Bước 6: Theo dõi báo cáo dữ liệu và tối ưu quảng cáo.

Bước cuối cùng trong quy trình khởi chạy quảng cáo trên TikTok đó là theo dõi hiệu suất quảng cáo và tối ưu quảng cáo.

Từ trình quản lý quảng cáo TikTok, nhà quảng cáo có thể lựa chọn xem dữ liệu ở các cấp độ khác nhau như xem tổng quan ở phần Trang tổng quan (Dashboard) hoặc xem chi tiết số liệu ở từng phần như Chiến dịch, Nhóm quảng cáo hay Quảng cáo.

Chẳng hạn như bên dưới là giao diện trong phần Quảng cáo (Ad).

trình quản lý quảng cáo tiktok
Theo dõi báo cáo dữ liệu và tối ưu quảng cáo từ trình quản lý quảng cáo của TikTok.

Tuỳ vào từng chế độ xem hay bộ lọc dữ liệu, bạn có thể xem các số liệu hiệu suất quảng cáo như, ngân sách đã chi tiêu, chi phí trên mỗi lần nhấp chuột (CPC), chi phí trên mỗi 1000 lần hiển thị quảng cáo (CPM), tỷ lệ nhấp chuột (CTR), số lần chuyển đổi (Conversions) và nhiều số liệu khác.

Trình quản lý kinh doanh TikTok hay TikTok Business Center là gì?

Cũng tương tự như trình quản lý kinh doanh (BM) của Facebook, trình quản lý kinh doanh của TikTok là nơi chứa hầu hết các tài sản quảng cáo của doanh nghiệp hay thương hiệu bao gồm cả các tài khoản quảng cáo.

Trình quản lý kinh doanh TikTok hay TikTok Business Center là gì?

Một số tính năng cơ bản của trình quản lý kinh doanh của TikTok như:

  • Quản lý các thành viên hiện đang phụ trách các hoạt động quảng cáo.
  • Quản lý tất cả các tập đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp.
  • Quản lý tất cả các tài khoản quảng cáo hiện có của doanh nghiệp bao gồm cả các tài khoản được chia sẻ quyền từ các bên thứ 3 (chẳng hạn như từ Agency).
  • Quản lý các tài khoản TikTok của doanh nghiệp.

Một số thuật ngữ liên quan đến trình quản lý quảng cáo của TikTok (TikTok Ads Manager).

  • Campaign: Là các chiến dịch quảng cáo của doanh nghiệp.
  • Ad Group: Là các nhóm quảng cáo thuộc chiến dịch.
  • Ad: Các mẫu quảng cáo nơi chứa nội dung quảng cáo.
  • Advertiser accounts: Các tài khoản quảng cáo được sử dụng để khởi chạy các chiến dịch quảng cáo. Một trình quản lý kinh doanh có thể chứa nhiều tài khoản quảng cáo bao gồm cả các tài khoản thuộc sở hữu của doanh nghiệp lẫn tài khoản được chia sẻ quyền từ các bên thứ 3 khác.
  • TikTok account: Chính là các tài khoản TikTok của doanh nghiệp được sử dụng để phân phối các mẫu quảng cáo.
  • Dashboard: Trang tổng quan hiển thị hiệu suất quảng cáo trong trình quản lý quảng cáo.

Một số lưu ý khi bắt đầu sử dụng trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager).

Cũng tương tự như các nền tảng quảng cáo khác, trước khi khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, nhà quảng cáo cần thiết lập các sự kiện theo dõi quảng cáo (TikTok Pixel).

 

Từ phần Tài sản (Assets) trong giao diện của trình quản lý quảng cáo, bạn bắt đầu thiết lập các mã theo dõi sự kiện dành cho website hoặc ứng dụng (App).

Mục tiêu cuối cùng của quá trình này là bạn có thể theo dõi các hành động hay chuyển đổi của khách hàng sau khi nhấp vào các mẫu quảng cáo.

Hiện TikTok đang cung cấp 2 tuỳ chọn để bạn có thể theo dõi sự kiện đó là TikTok Pixel và TikTok API. Bạn có thể sử dụng trình quản lý thẻ của Google là Google Tag Manager để thiết lập các mã theo dõi sự kiện lên website hay ứng dụng của mình.

Kết luận.

Đối với các nhà quảng cáo, trước khi khởi chạy bất cứ chiến dịch quảng cáo nào trên TikTok, điều quan trọng là họ cần hiểu những nền tảng rộng hơn cụ thể ở đây là trình quản lý quảng cáo TikTok (TikTok Ads Manager) và các tính năng đi kèm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips

Trình quản lý quảng cáo là gì? Mọi thông tin Marketer cần biết

Cùng tìm hiểu các nội dung về thuật ngữ Trình quản lý quảng cáo (Ads Manager) như: Trình quản lý quảng cáo là gì? Các trình quản lý quảng cáo của các nền tảng quảng cáo phổ biến nhất thế giới hiện nay như Facebook, Google, TikTok, LinkedIn, Twitter, Zalo, Cốc Cốc và hơn thế nữa.

trình quản lý quảng cáo là gì
Trình quản lý quảng cáo (Ads Manager) là gì?

Trình quản lý quảng cáo trong tiếng Anh có nghĩa là Ads Manager (hoặc Ad Manager), là nơi quản lý toàn bộ các tài khoản và nội dung quảng cáo (mẫu quảng cáo) của các nền tảng quảng cáo như Facebook, Google hay TikTok. Không chỉ là nơi nhà quảng cáo có thể xem và phân tích hiệu suất quảng cáo, trình quản lý quảng cáo còn là nơi cài đặt, phân tích, tích hợp và hơn thế nữa. Để có thể tối đa hoá hiệu suất quảng cáo, người làm quảng cáo cần thấu hiểu về cách thức sử dụng các tính năng hiện có trong các trình quản lý quảng cáo của các nền tảng quảng cáo. Bài viết dưới đây của MarketingTrips sẽ giúp bạn hiểu rõ toàn bộ các kiến thức về Trình quản lý quảng cáo.

Trình quản lý quảng cáo là gì?

Nằm trong bối cảnh của ngành Quảng cáo nói chung, Trình quản lý quảng cáo là nơi nhà quảng cáo có thể quản lý hầu hết các tài sản quảng cáo như chiến dịch quảng cáo (Campaigns), nhóm quảng cáo (Ad sets), mẫu quảng cáo (Ads) và hơn thế nữa.

Sau khi đăng ký tài khoản thành công, từ giao diện của trình quản lý quảng cáo, nhà quảng cáo thể tiến hành thiết lập và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, phân bổ các nhóm quảng cáo và mẫu quảng cáo cho từng nhóm quảng cáo.

Trong hầu hết các trình quản lý quảng cáo phổ biến trên thế giới như Google, Facebook hay TikTok, phần chiếm nhiều thời gian nhất của các nhà quảng cáo hay marketer đó là phần nhóm quảng cáo và quảng cáo.

Trong khi bạn có thể dễ dàng chọn mục tiêu chiến dịch hay mục tiêu kinh doanh của thương hiệu ở phần Chiến dịch, để đạt được các mục tiêu (KPIs) đề ra, bạn cần rất rất nhiều thời gian cho việc thiết lập và tối ưu hoá quảng cáo ở phần Nhóm quảng cáo và Quảng cáo.

Trình quản lý quảng cáo là nơi nhà quảng cáo cũng có thể xem chi tiết các chỉ số hiệu suất quảng cáo theo thời gian thực (real-time).

Dưới đây là một số trình quản lý quảng cáo phổ biến nhất trên thế giới.

Các trình quản lý quảng cáo của các nền tảng quảng cáo phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam.

1. Trình quản lý quảng cáo của Facebook – Facebook Ads Manager.

Theo Meta, trình quản lý quảng cáo Facebook là điểm khởi đầu để chạy quảng cáo trên các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, Facebook Messenger hoặc Mạng lưới đối tượng (Audience Network).

Đây là một công cụ ‘all-in-one’ để tạo quảng cáo, kiểm soát về thời gian và vị trí chúng sẽ chạy cũng như theo dõi kết quả của các chiến dịch.

Với ứng dụng quản lý quảng cáo (Ads Manager app) dành cho iOS và Android, bạn có thể theo dõi chiến dịch của mình ở bất cứ nơi đâu, dù bạn ở đâu, bạn cũng sẽ có quyền tạo và chỉnh sửa quảng cáo, theo dõi hiệu suất và nhiều tính năng khác.

Dưới đây là hình ảnh giao diện chính của trình quản lý quảng cáo Facebook (để các bạn có thể dễ dàng theo dõi các thuật ngữ gốc, bài viết sẽ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ mặc định trong các giao diện cài đặt).

trình quản lý quảng cáo facebook
Giao diện chính của trình quản lý quảng cáo Facebook – Facebook Ads Manager.

Như bạn có thể thấy ở trên, từ giao diện chính của trình quản lý, bạn có thể lựa chọn các mục tiêu khác nhau tuỳ theo doanh nghiệp ở phần chiến dịch.

Nếu bạn muốn xây dựng độ nhận biết thương hiệu bạn có thể chọn mục tiêu là Awareness hay nếu thương hiệu của bạn cần các chuyển đổi bán hàng, bạn có thể chọn là Conversions.

Tuỳ vào mỗi mục tiêu khác nhau ở phần chiến dịch, các thông số ở phần nhóm quảng cáo và quảng cáo sẽ thay đổi.

Ví dụ, nếu bạn chọn mục tiêu là Awarenss (Độ nhận biết thương hiệu), bạn không thể thiết lập biểu mẫu khách hàng tiềm năng (Lead Forms) ở phần quảng cáo và ngược lại.

Cũng bởi lý do này, chất lượng quảng cáo hay các mục tiêu kinh doanh của thương hiệu có đạt được hay không cũng phụ thuộc không nhỏ vào tư duy tổng thể của các nhà quảng cáo từ những giai đoạn đầu khi hình thành mục tiêu.

trình quản lý quảng cáo facebook
Trình quản lý quảng cáo Facebook – Phần Chiến dịch.

Ở phần mục tiêu của chiến dịch như bạn có thể thấy ở trên, hiện Facebook cung cấp 6 lựa chọn khác nhau bao gồm: Độ nhận biết thương hiệu (Awareness), lưu lượng truy cập (Traffic), tương tác với khách hàng mục tiêu (Engagement), tìm kiếm khách hàng tiềm năng (Leads), thúc đẩy ứng dụng (App promotion) và thúc đẩy doanh số bán hàng (Sales).

Theo cập nhật mới nhất từ Facebook, các mục tiêu của quảng cáo sẽ tiếp tục được cập nhật trong 2022 nhằm mục tiêu giúp thương hiệu dễ dàng quản lý các chiến dịch của họ nhiều hơn nữa.

Facebook cho biết:

“Để có thể hướng dẫn các nhà quảng cáo một cách hiệu quả về cách thiết lập chiến dịch, chúng tôi đang thiết kế lại trải nghiệm lựa chọn mục tiêu khi tạo một chiến dịch mới trong Trình quản lý quảng cáo.

Chúng tôi đang chuyển sang mô hình trải nghiệm quảng cáo dựa trên kết quả đầu ra (ODAX), nơi các nhà quảng cáo có thể lựa chọn kết quả kinh doanh đầu ra mong muốn của họ (ví dụ: Xây dựng nhận thức thương hiệu, Lưu lượng truy cập, Tương tác, Khách hàng tiềm năng…) và giao diện thiết lập chiến dịch mới sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn họ cách để đạt được các mục tiêu đó.”

Như đã phân tích ở trên, các nhà quảng cáo thường không mất quá nhiều thời gian ở phần chiến dịch, thay vào đó, phần lớn các nỗ lực tối ưu hiệu suất quảng cáo nằm ở phần nhóm quảng cáo và quảng cáo.

trình quản lý quảng cáo facebook
Trình quản lý quảng cáo Facebook – Phần Nhóm quảng cáo

Hầu hết các thông số cài đặt quảng cáo như ngân sách và thời gian chạy quảng cáo, lựa chọn đối tượng mục tiêu, vị trí phân phối quảng cáo (Ad Placements), chiến lược giá thầu hay kiểu phân phối quảng cáo đều được hiển thị ở đây.

Trình quản lý quảng cáo Facebook
Trình quản lý quảng cáo Facebook – Phần Quảng cáo

Và cuối cùng là phần quảng cáo, nơi bạn có thể thiết lập tất cả những thứ liên quan đến nội dung quảng cáo. Cũng tuỳ vào từng mục tiêu khác nhau của chiến dịch mà phần thiết lập quảng cáo cũng có các tính năng khác nhau.

Liên quan đến khái niệm trình quản lý quảng cáo, Facebook cũng cấp trình quản lý kinh doanh (BM – Business Manager), nơi nhà quảng cáo có thể tạo và quản lý tất cả các tài khoảng quảng cáo, đối tượng mục tiêu hay các tài sản quảng cáo khác.

Giao diện chính của Facebook Business Manager

Như bạn có thể thấy ở trên, từ giao diện chính, bạn có thể truy cập ngay vào các phần khác như trình quản lý quảng cáo, Audience (đối tượng), trình quản lý sự kiện (Events Manager) và nhiều tính năng khác của doanh nghiệp.

Hiện tại, với mỗi trình quản lý kinh doanh bình thường, Facebook cấp tối đa (chủ yếu phân bổ theo ngưỡng chi tiêu) là 5 tài khoản quảng cáo con.

Nếu doanh nghiệp của bạn có nhiều thương hiệu hoặc sản phẩm, tốt nhất bạn nên bắt đầu với trình quản lý doanh nghiệp tức BM hơn là tài khoản quảng cáo cá nhân hay trình quản lý quảng cáo.

2. Trình quản lý quảng cáo của Google – Google Ad Manager.

Giao diện chính của trình quản lý quảng cáo của Google
Giao diện chính của trình quản lý quảng cáo của Google – Google Ads Manager.

Cũng tương tự như Facebook, trình quản lý quảng cáo của Google cũng khá phức tạp với nhiều tính năng khác nhau.

Google Ad Manager là một nền tảng trao đổi quảng cáo hoàn chỉnh của Google tạo điều kiện thuận lợi cho cả việc mua và bán quảng cáo trên nhiều mạng lưới quảng cáo và địa điểm khác nhau, bao gồm AdSense và (trước đây) AdExchange.

Nếu trước đây bạn đã từng sử dụng các công cụ quảng cáo của Google, bạn có thể nhận thấy rằng Google Ad Manager kết hợp các tính năng được cung cấp bởi DoubleClick for Publishers và DoubleClick AdExchange, (đã được Google mua lại vào năm 2007).

Google Ad Manager cho phép các nhà quảng cáo tạo ra một mạng lưới rộng hơn và tăng tính cạnh tranh cho các quảng cáo bằng cách quản lý quảng cáo và không gian quảng cáo trên nhiều mạng lưới quảng cáo (ad networks).

Tuy nhiên, vì Google Ad Manager được xem như là nền tảng tổng cho các doanh nghiệp lớn, các nhà xuất bản lớn hay các Media Agency, nền tảng này ít khi được các đơn vị nhỏ chú ý.

Liên quan đến thuật ngữ trình quản lý quảng cáo của Google, có không ít marketer hay nhà quảng cáo (mới) nhầm lẫn với khái niệm tài khoản quảng cáo hoặc chạy quảng cáo trên Google (Google Ads) vốn được triển khai trên một nền tảng hoàn toàn riêng.

Giao diện tổng quan của trình quản lý tất cả các quảng cáo của nhà quảng cáo
Giao diện tổng quan của trình quản lý tất cả các quảng cáo của nhà quảng cáo

Với những bạn mới, các bạn cần phân biệt tài khoản quảng cáo dành cho người quản lý (Manager Account) và tài khoản quảng cáo (Ad Account).

Tài khoản dành cho người quản lý (tên gọi trước đây là MCC – My Client Center), là tài khoản tổng dùng để quản lý các tài khoản quảng cáo con, hiện tại theo giới hạn của Google, bạn có thể tạo tối đa 20 tài khoản quảng cáo con này trong mỗi tài khoản tổng.

Để có thể dễ hình dung hơn, nếu như với Facebook bạn dùng tài khoản doanh nghiệp (BM – Business Manager) để quản lý các tài khoản quảng cáo thì với Google cũng tương tự, bạn dùng Google Ads (Manager Accounts) để quản lý các Ad Account.

Cũng giống với cấu trúc của Facebook, để có thể tiến hành khởi chạy các chiến dịch quảng cáo, bạn cần thao tác trên 3 phần chính là chiến dịch, nhóm quảng cáo và quảng cáo. 

Như bạn có thể thấy ở trên, ở phần thiết lập chiến dịch, Google cho phép bạn lựa chọn các mục tiêu khác nhau như bán hàng, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, xây dựng độ nhận biết thương hiệu và một số mục tiêu khác. 

Sau khi lựa chọn được mục tiêu, Google cho phép bạn lựa chọn các kiểu chiến dịch, tức cách mà các quảng cáo sẽ được chạy và hiển thị.

Bạn có thể chọn cách hiển thị trên công cụ tìm kiếm, trên các website và ứng dụng, chạy các chiến dịch mua sắm hay video.

Trình quản lý quảng cáo của Google – Phần nhóm quảng cáo

Sau khi đã chọn xong các thông số ở phần chiến dịch, lại một lần nữa tương tự như Facebook, nhóm quảng cáo (ad group) và quảng cáo (ads) là những phần tốn nhiều thời gian và công sức nhất.

Với mục tiêu là hiển thị quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm (Search), tại phần thiết lập nhóm quảng cáo, từ khoá (keywords) là một trong những phần quan trọng nhất.

Bên cạnh các yếu tố khác của công việc tối ưu quảng cáo, một chiến lược lựa chọn từ khoá đúng có tác động rất lớn đến thành cộng của một chiến dịch nhất định.

Tuỳ vào từng từng mục tiêu kinh doanh khác nhau, bạn có thể chọn các chiến lược từ khoá khác nhau, hiện Google cung cấp các kiểu đối sánh từ khoá như đối sánh chính xác, đối sánh rộng và đối sáng cụm từ.

Cuối cùng, phần thiết lập nội dung quảng cáo của Google cũng có gì đặc biệt.

Ngoài Google Ads, trình quản lý quảng cáo của Google, nếu bạn là người làm marketing cho các doanh nghiệp vừa và lớn, bạn cũng nên tìm hiểu và sử dụng nền tảng marketing tích hợp của Google (Google Marketing Platforms), nơi bạn có thể quản lý tất cả các sản phẩm khác của Google như Google Search Ads 360, Analytics 360, Google Tag Manager…

3. Trình quản lý quảng cáo của TikTok – TikTok Ads Manager.

So với các trình quản lý quảng cáo của Facebook và Google, TikTok Ads Manager có phần đơn giản và dễ sử dụng hơn.

Trình quản lý quảng cáo của TikTok - TikTok Ads Manager.
Trình quản lý quảng cáo của TikTok – TikTok Ads Manager.

trình quản lý quảng cáo của tiktok - giao diện

Cấu trúc tài khoản của TikTok cũng có 3 phần chính là chiến dịch, nhóm quảng cáo và quảng cáo, nơi các nhà quảng cáo có thể thiết lập và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.

trình quản lý quảng cáo của tiktok- chiến dịch

Trước hết, ở phần cài đặt mục tiêu của chiến dịch, TikTok cho phép bạn lựa chọn các mục tiêu khác nhau như kết nối với khách hàng, tăng lượng người dùng truy cập website, tìm kiếm khách hàng tiềm năng và thúc đẩy chuyển đổi bán hàng.

trình quản lý quảng cáo tiktok - lựa chọn đối tượng mục tiêu

Tiếp theo, bạn có thể lựa chọn các nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau và mức ngân sách bạn muốn cho chiến dịch. Và cuối cùng là kết nối tài khoản và thiết lập chi tiết nội dung quảng cáo.

Cũng tương tự như tài khoản doanh nghiệp (Business Manager) trong Facebook và tài khoản người quản lý (Manager Accounts) trong Google, TikTok cũng cung cấp trình quản lý doanh nghiệp riêng.

Tại đây, nhà quảng cáo có thể cài đặt và quản lý các tài sản quảng cáo của doanh nghiệp như đối tác, người dùng, và cả các tài khoản của các nhà quảng cáo.

Theo TikTok, dưới đây là một số tính năng nổi bật của trình quản lý doanh nghiệp TikTok Business Center:

  • Khi bạn thêm một tài khoản của nhà quảng cáo (Advertiser Account) vào trình quản lý doanh nghiệp, bạn có thể xem các dữ liệu, insights, quản lý các quyền truy cập tài sản quảng cáo, và có thể truy cập ngay trình quản lý quảng cáo (Ads Manager).
  • Bạn có thể mời và phân quyền tài sản cho các nhà quảng cáo khác nhau.
  • Bạn cũng có thể thêm các trình quản lý doanh nghiệp khác vào tài khoản của bạn như là đối tác quảng cáo.
  • Cuối cùng, vì bạn có thể quản lý tất cả các tài sản quảng cáo tại một nơi duy nhất, bạn có thể dễ dàng truy cập và phân tích hiệu suất của các tài khoản quảng cáo khác nhau.

4. Trình quản lý quảng cáo của LinkedIn – LinkedIn Ads Campaign Manager.

Trình quản lý quảng cáo của LinkedIn - LinkedIn Campaign Manager.
Trình quản lý quảng cáo của LinkedIn – LinkedIn Campaign Manager.

Ngoài các nền tảng phổ biến như Google, Facebook và TikTok, với gần 800 triệu người dùng tính đến năm 2022, LinkedIn là một trong những nền tảng quảng cáo lớn nhất toàn cầu đặc biệt là trong ngành B2B.

Sau khi tạo Trang (LinkedIn Company Page) và truy cập vào trình quản lý quảng cáo, bạn sẽ thấy giao diện như bên dưới.

Sau khi tạo chiến dịch, LinkedIn cũng cho phép nhà quảng cáo lựa chọn các mục tiêu khác nhau tương tự Facebook hay TikTok, như độ nhận biết thương hiệu, lượng truy cập website, lượng tương tác hay thúc đẩy khách hàng tiềm năng (Lead generation).

Tiếp đó, bạn có thể cài đặt hàng loạt các tính năng khác như định dạng quảng cáo, nơi hiển thị quảng cáo, ngân sách hoặc đo lường chuyển đổi.

Trình quản lý quảng cáo LinkedIn - Quảng cáo

Cuối cùng bạn có thể tiến hành thiết kế nội dung quảng cáo cho các mục tiêu và chiến dịch đã chọn. Nếu xét về giao diện tổng thể, LinkedIn Campaign Manager có phần tương tự Facebook Ads Manager nhất.

5. Trình quản lý quảng cáo của Twitter – Twitter Ads Manager.

Giao diện trình quản lý quảng cáo của Twitter - Ads Manager của Twitter.

So với các nền tảng quảng cáo khác như Google, Facebook, TikTok hay LinkedIn, quảng cáo trên Twitter có phần ít phổ biến hơn.

Tuy nhiên, với hơn 200 triệu người dùng trên toàn cầu tính đến năm 2022, nếu đối tượng mục tiêu của bạn ở ngoài phạm vi của thị trường Việt Nam thì Twitter cũng là một nền tảng đầy hứa hẹn.

Như giao diện bạn có thể thấy ở trên, về cơ bản quảng cáo trên Twitter cũng tương tự như các nền tảng quảng cáo khác, cấu trúc chiến dịch được tách thành chiến dịch, nhóm quảng cáo và cuối cùng là các mẫu quảng cáo.

Hiện Twitter cung cấp các hình thức (format) quảng cáo như quảng cáo bài đăng (Promoted Tweets), quảng cáo tài khoản nhằm mục tiêu gia tăng lượt người theo dõi (Promoted Accounts), quảng cáo xu hướng (Promoted Trend) và quảng cáo các khoảnh khắc (Promoted Moments).

6. Trình quản lý quảng cáo của Zalo – Zalo Ads Manager.

Mặc dù chỉ hoạt động chủ yếu tại thị trường Việt Nam và không mấy phổ biến, Zalo cũng được không ít các nhà quảng cáo để ý đến.

So với các nền tảng quảng cáo như Google, Facebook hay TikTok, Zalo có cấu trúc cài đặt và khởi chạy chiến dịch khá đơn giản và ít tính năng.

Như bạn có thể thấy ở trên, ở phần chọn mục tiêu chiến dịch, Zalo cũng cho phép nhà quảng cáo chọn các mục tiêu phổ biến như tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tăng lưu lượng truy cập website, tăng mức độ tương tác hoặc thúc đẩy khả năng tiếp cận với khách hàng mục tiêu.

Nằm trong hệ sinh thái của VNG, sau khi cài đặt và khởi chạy chiến dịch, quảng cáo chủ yếu hiển thị trên Zalo Feed (nguồn cấp dữ liệu của Zalo với khoảng hơn 10 triệu người dùng), Zing News, Báo mới và một số nền tảng liên kết khác của.

Cũng tương tự như các trình quản lý quảng cáo khác, tuỳ vào mỗi mục tiêu chiến dịch khác nhau, nhà quảng cáo có thể chọn các kiểu quảng cáo khác nhau như quảng cáo bài viết, quảng cáo điền biểu mẫu khách hàng hoặc quảng cáo video.

7. Trình quản lý quảng cáo của Cốc Cốc – Cốc Cốc Ads Manager.

Là nền tảng quảng cáo chạy trên hệ sinh thái của trình duyệt Cốc Cốc, Cốc Cốc Ads hiện cung cấp nhiều định dạng quảng cáo khác nhau như: quảng cáo tìm kiếm, quảng cáo banner (hiển thị trên trang chủ của trình duyệt Cốc Cốc), quảng cáo icon (hiển thị icon của thương hiệu trên trang chủ của trình duyệt) và quảng cáo mua sắm.

Trình quản lý quảng cáo của Cốc Cốc - Cốc Cốc Ads Manager.

Cũng tương tự như Zalo, trình quản lý quảng cáo của Cốc Cốc khá đơn giản và không có quá nhiều tuỳ chọn.

Một số lưu ý cho các nhà quảng cáo hoặc người làm marketing khi sử dụng trình quản lý quảng cáo (Ads Manager) là gì?

Như bạn có thể thấy qua các phân tích ở trên, để có thể tối ưu hoá được các tài sản quảng cáo theo thời gian, nhà quảng cáo nên tiến hành xây dựng từng bước cấu trúc của tài khoản, hãy bắt đầu từ việc xây dựng các tài khoản doanh nghiệp, sau đó mới đến các tài khoản quảng cáo con.

Nếu bạn là doanh nghiệp lớn và có nhiều sản phẩm hay thương hiệu, việc chuẩn bị cho mình nhiều tài khoản quảng cáo có thể giúp ích rất nhiều cho bạn sau này.

Bên cạnh đó, với những trình quản lý quảng cáo như Facebook, vì số lượng các tài khoản quảng cáo sẽ được mở rộng biến thiên dựa theo ngân sách chi tiêu và mức độ cung cấp các thông tin liên quan đến doanh nghiệp.

Việc xây dựng từ sớm các tài khoản doanh nghiệp thay vì chỉ là các tài khoản quảng cáo cá nhân có thể giúp cho bạn có nhiều tài khoản quảng cáo hơn, chủ động phân bổ sản phẩm và nguồn lực dễ dàng hơn.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ giải đáp của MarketingTrips cho câu hỏi Trình quản lý quảng cáo hay Ads Manager là gì? Cách sử dụng Trình quản lý quảng cáo.

Như đã phân tích, công việc đầu tiên và quan trọng nhất của các nhà quảng cáo hay Digital Marketer không phải là vận hành các chiến dịch quảng cáo mà là thấu hiểu tất cả các trình quản lý quảng cáo, các tính năng hiện có và hơn thế nữa.

Hy vọng với bài viết tương đối toàn diện nói trên từ MarketingTrips, bạn sẽ có những kiến thức căn bản nhất trước khi bắt tay vào công việc.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips