Skip to main content

Thẻ: VUCA

Mô hình kinh tế số trong bối cảnh VUCA

Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội thúc đẩy kinh tế số phát triển trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ (VUCA).

Biến động và cơ hội.

Môi trường kinh doanh hiện đại ngày càng có nhiều biến động bất ngờ và khó kiểm soát. Từ năm 1987, Warren Bennis và Burt Nanus đã đề cập đến khái niệm VUCA là gì – viết tắt của sự biến động (Volatility), sự không chắc chắn (Uncertainty), sự phức tạp (Complexity) và sự mơ hồ (Ambiguity), trong lý thuyết lãnh đạo hiện đại được các doanh nghiệp hàng đầu cũng như quân đội nhiều nước ứng dụng.

Một thế giới hội nhập, toàn cầu hóa đi lại tự do đã gần như buộc phải dừng lại, tê liệt và suy thoái vì dịch bệnh Covid-19 được xem là những biến động, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ hơn bao giờ hết của VUCA 3.0.

Cũng trong dịch bệnh, Việt Nam được một số doanh nghiệp ưu tiên chuyển dịch đầu tư vì có nền kinh tế, chính trị ổn định.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có những chính sách rất hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Vì vậy, Việt Nam chỉ là một lựa chọn đầu tư được xem xét.

Qua đại dịch, các doanh nghiệp thương mại điện tử (eCommerce) tại Việt Nam đã chứng kiến một cơ hội mới, khi Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang môi trường Internet để hạn chế sự lan tràn của dịch bệnh.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam thì người dân mua sắm trực tuyến nhiều hơn, sản lượng chuyển phát tăng 47%.

Thanh toán trực tuyến thẻ nội địa qua hệ thống của Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tăng so với năm 2019 là 185% về số lượng giao dịch và 200% về giá trị.

Các ví điện tử cũng tăng trưởng đáng kể như MoMo hết năm 2021 đã tăng lên 31 triệu người dùng, gấp gần ba lần năm 2019. Xu hướng doanh nghiệp đưa các sản phẩm dịch vụ lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng tăng.

Năm 2021, môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục bị tác động mạnh mẽ của dịch bệnh. Chính vì vậy hoạt động kinh doanh truyền thống đã gặp khó khăn hơn năm 2020.

Tuy nhiên, eCommerce tại Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển chủ yếu dựa vào sự chuyển đổi số của người dùng.

Với dân số trẻ có nhu cầu sử dụng mạng xã hội cao nên eCommerce trên các nền tảng mạng xã hội và trên các nền tảng sàn eCommerce sẵn có phổ biến, với những hình thức bán hàng trực tuyến của các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp nhỏ ngày càng tăng.

Phát triển thương mại điện tử: Mô hình thích ứng.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam trong và sau bối cảnh dịch bệnh là một chiến lược quan trọng khi điều kiện kinh doanh vô cùng biến động. Các doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình thích ứng chiến lược VUCA như sau:

Nâng cao tầm nhìn trong điều kiện phức tạp, tập trung vào giá trị khách hàng và gắn kết khách hàng.

Tạo điều kiện cho trí tuệ trong đổi mới sáng tạo, tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ mới, hoặc thị trường mới, phân khúc mới, chuyển đổi mô hình kinh doanh thương mại điện tử để có tầm nhìn xa hơn về thị trường.

Tập trung các nguồn lực để thâm nhập vào thị trường số, uốn nắn hoạt động thương mại điện tử khi thị trường còn mới theo hướng tạo giá trị mới, trải nghiệm mới cho khách hàng.

Cần tranh thủ thời gian để học tập nâng cao tri thức kinh doanh. Nỗ lực để đồng cảm, chấp nhận những quan điểm khác nhau và cố gắng phối hợp để làm việc cùng nhau sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tạo môi trường nội bộ khuyến khích sự phong phú của các ý tưởng sáng tạo, hỗ trợ những ý tưởng vẫn đang hình thành, học tập hiệu quả từ các nguyên mẫu.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trước tiên phải thực sự hiểu được điểm mạnh và điểm yếu tiềm năng của tổ chức để chọn ra những chiến lược tốt nhất phù hợp với lợi thế của mình. Kiên trì thử nghiệm các mô hình kinh doanh số cho đến khi vào được thị trường.

Nắm vững hệ thống pháp luật trong thương mại điện tử như Luật Giao dịch điện tử, Nghị định thương mại điện tử để kịp thời cập nhật những thay đổi quan trọng, nhằm quản lý thương mại điện tử hiệu quả hơn.

Can đảm vượt khó, lãnh đạo doanh nghiệp cần sự can đảm để đối diện với những thử thách và dám đưa ra các quyết định táo bạo, đầy rủi ro, thậm chí kết cục có thể là thất bại.

Vì vậy, cần định hướng truyền thông nội bộ nhằm truyền đạt quyết tâm và ý chí của doanh nghiệp đến mọi thành viên.

Động viên và củng cố tinh thần làm việc cho toàn doanh nghiệp để đoàn kết trở nên kiên cường và can đảm để quyết tâm thực hiện các mục tiêu mang giá trị đến cho khách hàng và xã hội, trở thành doanh nghiệp có ích cho cộng đồng và được khách hàng tin tưởng.

Hỗ trợ các hoạt động đổi mới sáng tạo, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào phát triển thương mại điện tử. Mạnh dạn hợp tác các đối thủ cạnh tranh, gọi vốn  đầu tư, hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ nhất là thương mại điện tử tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử có chất lượng, có tinh thần.

Tích cực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để cung cấp nhân lực thương mại điện tử theo yêu cầu. Đẩy mạnh hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực hiện có từ trong doanh nghiệp.

Thích ứng linh hoạt.

Các doanh nghiệp phải cần linh hoạt để thích ứng với môi trường kinh doanh thay đổi liên tục. Cần chấp nhận sự thay đổi luôn xảy ra và không thể cưỡng lại để mọi thành viên trong doanh nghiệp có thể chấp nhận làm việc tại nhà, hoặc sống tại nhà máy và tương tác ảo trong công việc và cuộc sống như một giải pháp sẵn sàng, không chỉ vài tháng mà có thể nhiều năm.

Xây dựng một số chính sách nhất quán tập trung vào cung cấp giá trị khách hàng nhằm ứng phó với tình huống kinh doanh liên tục thay đổi.

Tạo môi trường thuận lợi để người dùng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch thương mại điện tử trong mọi lĩnh vực của công việc và cuộc sống.

Dịch bệnh Covid-19 là cơ hội tốt để nhân viên và doanh nghiệp tích cực hợp tác, cùng tham gia chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cần tạo môi trường thuận lợi để khách hàng có thể tiếp tục tích cực tham gia giao dịch thương mại điện tử.

Phải dần quen và muốn tiếp tục tận dụng các hệ thống thương mại điện tử đa kênh hay hợp kênh tạo nên sự kết hợp rất tốt cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tận dụng nguồn lực sẵn có của các sàn thương mại điện tử hiện nay để tiếp cận khách hàng.

Cần định hướng cung ứng sản phẩm có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc đầy đủ. Sử dụng các công cụ marketing số một cách bài bản có sự phối hợp, khai thác các công cụ mới đang có hiệu quả cao như video ngắn, livestream, lan tỏa thông qua các mạng xã hội.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

VUCA là gì? Tổng quan về Thế giới hay Thời đại VUCA

Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng làm rõ: VUCA là gì? Liệu thế giới có thực sự ngày càng VUCA hơn hay không? Những tác động của trạng thái VUCA đối với kinh doanh là gì? và hơn thế nữa.

vuca là gì
VUCA là gì? Thế giới VUCA là gì?

VUCA là khái niệm chủ yếu được sử dụng trong phạm vi kinh tế vĩ mô dùng để mô tả sự bất ổn, mơ hồ hay biến động của yếu tố môi trường kinh doanh. Thuật ngữ VUCA được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1987, dựa trên những gì về lý thuyết lãnh đạo của Warren Bennis và Burt Nanus – để mô tả sự biến động, bất ổn, phức tạp và mơ hồ trong thế giới nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng. Dù là một nhà lãnh đạo, sinh viên mới ra trường hay bất cứ ai đều cần phải sẵn sàng đón nhận những sự bất ổn của thế giới mới. 

Những nội dung sẽ được MarketingTrips đề cập trong bài:

  • VUCA là gì?
  • Các thành phần của VUCA có ý nghĩa là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

VUCA là gì?

VUCA là một từ viết tắt của Volatility – Biến động, Uncertainty – Bất ổn, Complexity – Phức tạpAmbiguity – Mơ hồ.

VUCA là khái niệm chủ yếu được dùng trong phạm vi kinh doanh dùng để mô tả một thế giới hay một bối cảnh kinh doanh luôn luôn biến động, nơi các doanh nghiệp và thương hiệu cần thích ứng nhanh hơn.

Trong suốt những thập kỷ qua, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, chúng ta có lẽ đã thấy nhiều thuật ngữ trên báo chí kinh doanh và tài liệu học thuật đề cập đến việc con người và doanh nghiệp ngày càng không có khả năng nắm bắt thế giới và đối phó với những điều xảy ra xung quanh chúng ta.

Những thuật ngữ như sự biến động, bất ổn, thay đổi nhanh chóng, năng động, gián đoạn, phá bĩnh, phức tạp, siêu cạnh tranh, mơ hồ.

Trong một vài năm trở lại đây, khái niệm VUCA đang trở nên phổ biến như một thuật ngữ dùng để chỉ các khía cạnh khác nhau của một môi trường hay thế giới “không thể kiểm soát” này.

Thế giới VUCA gắn liền với thế giới của các nhà lãnh đạo.

Các thành phần của VUCA có ý nghĩa là gì?

vuca
Các thành phần của VUCA có ý nghĩa là gì?

Volatility – Biến động.

Thành phần đầu tiên trong khái niệm VUCA là Volatility (Biến động), thuật ngữ đề cập đến tốc độ thay đổi trong một ngành, thị trường hoặc thế giới nhất định.

Nó gắn liền với những biến động về nhu cầu của khách hàng hay những gì khách hàng mong đợi từ các thương hiệu, sự hỗn loạn và vòng đời của thị trường ngày càng trở nên ngắn hơn. Thế giới càng biến động, mọi thứ càng thay đổi nhanh chóng.

Uncertainty – Bất ổn.

Sự bất ổn hay không chắc chắn đề cập đến mức độ mà chúng ta có thể tự tin dự đoán về tương lai. Một phần của sự bất ổn sẽ được nhận thức và nhiều phần khác liên quan đến việc mọi người không thể hiểu được những gì đang xảy ra.

Tuy nhiên, sự bất ổn cũng là một đặc tính khách quan hơn của môi trường. Một môi trường bất ổn thực sự là môi trường không cho phép có bất kỳ dự đoán nào, cũng không dựa trên các cơ sở thống kê nhất định. Thế giới càng bất định, càng khó dự đoán.

Complexity – Phức tạp.

Thành phần thứ 3 trong VUCA là Complexity (Phức tạp), mức độ phức tạp đề cập đến số lượng các yếu tố mà chúng ta cần tính toán đến, sự đa dạng của chúng và các mối liên hệ giữa chúng.

Khi có càng nhiều yếu tố, sự đa dạng của chúng càng lớn và chúng càng liên kết chặt chẽ với nhau, thì môi trường càng phức tạp. Dưới một môi trường hay thế giới có sự phức tạp cao, bạn không thể phân tích đầy đủ về môi trường và đưa ra các kết luận hợp lý.

Thế giới càng phức tạp thì càng khó phân tích.

Ambiguity – Mơ hồ.

Sự mơ hồ đề cập đến sự thiếu rõ ràng hay minh chứng để giải thích một điều gì đó. Đó có thể là một tình huống không rõ ràng, ví dụ, khi thông tin không đầy đủ, mâu thuẫn hoặc quá không chính xác để có thể đưa ra các kết luận rõ ràng.

Nói một cách tổng quát hơn, nó đề cập đến sự mờ nhạt và mơ hồ trong các ý tưởng và thuật ngữ. Thế giới càng mơ hồ thì càng khó giải thích.

Trong thực tế hay thế giới kinh doanh, bốn thuật ngữ này có liên quan khá mật thiết với nhau. Ví dụ, một ngành càng phức tạp và dễ biến động thì càng khó dự đoán và do đó nó càng bất ổn.

Cả 4 yếu tố trong thuật ngữ VUCA đại diện cho một thế giới, thị trường, một ngành nghề kinh doanh, một nhóm khách hàng… khó nắm bắt và kiểm soát hơn. Chúng ta có thể nhận ra những thuật ngữ này dễ dàng hơn bằng cách hình dung chúng:

vuca là gì
VUCA là gì?
vuca là gì
VUCA là gì – Tìm hiểu các thành tố của thuật ngữ VUCA

Như minh họa trong hình trên, trong một thế giới hoàn toàn biến động (nhưng không bất ổn, phức tạp và mơ hồ), có rất nhiều sự thay đổi nhanh chóng, nhưng có thể dự đoán được.

Mặt khác, trong một thế giới hoàn toàn bất ổn (nhưng không biến động, phức tạp và mơ hồ), thật khó để biết mọi thứ đang được phát triển như thế nào.

Và trong một thế giới hoàn toàn phức tạp (nhưng không biến động, bất ổn và mơ hồ), mọi thứ thật khó để hình dung và hiểu.

Cuối cùng, trong một thế giới hoàn toàn mơ hồ (nhưng không biến động, bất ổn và phức tạp), mọi thứ thật khó để phân biệt.

Kết luận.

Khi thế giới liên tục biến đổi với một tốc độ nhanh hơn, để có thể có được các lợi thế cạnh tranh và xây dựng sự bền vững, việc hiểu được khái niệm VUCA là gì hay luôn giữ trong mình tâm thế VUCA là những gì bạn nên làm.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Tra Nguyen | MarketingTrips