Những xu hướng của thương mại điện tử năm 2022
Sự dịch chuyển về hành vi tiêu dùng, nhu cầu mua sắm cũng như xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm mua hàng hứa hẹn thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam lên một tầm cao mới.
Báo cáo về thị trường thương mại điện tử gần đây của Lazada ghi nhận, bất chấp những thách thức từ đại dịch Covid-19, năm 2021 được xem là một năm khởi sắc với nền kinh tế số trên toàn Đông Nam Á, trong đó thương mại điện tử là động lực tăng trưởng chính.
Theo Statista, giá trị thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, báo cáo ghi nhận động lực đến từ xu hướng mua sắm hàng bách hóa trên sàn thương mại điện tử, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới (đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhà bán mong muốn phát triển kinh doanh trên kênh online), và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí).
Độ tuổi người tiêu dùng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử đã được mở rộng, họ dành nhiều thời gian trên các nền tảng thương mại điện tử hơn, và sẵn sàng đặt đơn hàng có số lượng và giá trị lớn hơn
Cụ thể, 58% người tiêu dùng Việt cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hoá trên nền tảng thương mại điện tử bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% cho biết mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Dữ liệu cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến mua sắm trên 5 triệu đồng trong năm 2020 tăng lên đáng kể so với năm 2019.
Báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng nhìn nhận, dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử, trong đó vừa thúc đẩy người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, vừa gia tăng số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số.
Kết quả khảo sát 4 sàn thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu Việt Nam cho thấy số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn giai đoạn tháng 6 – 9/2021, thời điểm làn sóng Covid-19 thứ tư bùng phát đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% tới 50%.
Kết quả trên tương đồng với xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát. Theo kết quả khảo sát 9 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chuyển phát, hầu hết các đơn vị đều có mức tăng trưởng đơn hàng ngang bằng hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 12%.
Ngoài ra, dưới tác động của đại dịch, đông đảo thương nhân đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới và người tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Đánh giá về sự phát triển của thương mại điện tử trong thời gian tới, báo cáo của Lazada dự đoán một số xu hướng mới sẽ lên ngôi. Cụ thể, Social commerce sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Theo đó, các phương thức bán hàng sử dụng nội dung tương tác cao, giao tiếp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng như livestream, trải nghiệm gian hàng ảo, hoạt động Shoppertainment sẽ giúp thúc đẩy doanh số bán hàng.
Doanh thu từ bán hàng qua livestream được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, kéo theo đó là nhu cầu cao về các bài đánh giá (review) các sản phẩm để hỗ trợ quyết định mua hàng.
Đa kênh sẽ trở thành hình thức bán lẻ mới. Các nhãn hàng sẽ tận dụng cả kênh trực tuyến và truyền thống bằng cách tham gia các nền tảng thương mại điện tử, sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến có sẵn.
Hành trình mua sắm của khách hàng sẽ dần được cá nhân hóa. Đây sẽ là chìa khóa để thu hút sự chú ý và giữ chân người tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử hiện đã đầu tư vào AI và Big Data để tổng hợp và xử lý thông tin, từ đó thiết kế những trải nghiệm riêng dành cho họ.
Cuối cùng, đa dạng hóa phương thức thanh toán mang lại sự tiện lợi và đảm bảo an toàn.
Để tăng cường tiện lợi cho người tiêu dùng, thanh toán bằng ví điện tử đang trở nên phổ biến hơn và có khả năng chiếm ưu thế hơn phương thức thanh toán khi nhận hàng (CoD) trong thời gian tới.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh