Skip to main content

Dự báo tác động của đại dịch Covid-19 lên hành vi tiêu dùng của người Việt

12 Tháng Tư, 2019

Theo ông Jason Yu, Giám đốc điều hành Worldpanel Division, Kantar China, tác động của đại dịch virus COVID-19 (hay còn gọi là coronavirus) đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ có một vài điểm tương đồng với đại dịch SARS năm 2003.

Tại Trung Quốc, Kantar cũng đang triển khai một chương trình khảo sát online toàn quốc về sự thay đổi trong hành vi và thái độ của người tiêu dùng Trung Quốc trong giai đoạn dịch bùng phát.

Với dữ liệu thu thập từ Consumer Panel, hiện nay chúng tôi đã có thể đo lường được tác động ban đầu của dịch Covid-19 lên ngành hàng FMCG trong mùa tết truyền thống ở Trung Quốc vừa qua(*).

Những diễn biến tương tự cũng có thể xảy ra với Việt Nam. Dưới đây là những dự đoán của Kantar về sự tác động của đại dịch Covid-19 lên hành vi người tiêu dùng Việt trong thời gian dịch bùng phát cũng như giai đoạn sau khi dịch đi qua.

Trong ngắn hạn.

Sự lây lan của coronavirus trở thành một vấn đề khẩn cấp mang tính toàn cầu. Do đó, ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Để giữ an toàn và bảo vệ bản thân, người tiêu dùng hạn chế bớt các hoạt động hàng ngày có mức độ tương tác nhiều với đám đông.

Tần suất đi mua sắm sẽ có thể giảm đi thay vào đó kích thước giỏ hàng tăng lên cho mỗi lần mua hàng, tuy nhiên điều này vẫn có thể ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ và doanh số hàng tiêu dùng nhanh trong ngắn hạn.

Chi tiêu cho ăn uống (F&B) và các hoạt động tiêu dùng khác bên ngoài nhà có xu hướng bị cắt giảm trong giai đoạn bùng phát dịch do người dân hạn chế ra đường hay đến các khu vui chơi, mua sắm, giải trí.

Dù vậy, việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh tại nhà dự kiến vẫn sẽ duy trì tăng trưởng và bị ảnh hưởng ít hơn so với tiêu dùng bên ngoài.

Chất tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân được tiêu thụ nhiều hơn do tăng nhu cầu tự bảo vệ bản thân, bao gồm nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, khăn giấy ướt; và có thể kéo theo sự gia tăng của kem dưỡng da tay do người tiêu dùng rửa tay thường xuyên hơn dẫn đến việc làm khô da.

Thực phẩm lành mạnh như trái cây, nước ép trái cây, rau củ giúp tăng khả năng miễn dịch sẽ có chiều hướng tăng. Người tiêu dùng cũng có xu hướng dự trữ các loại thực phẩm ăn liền tại nhà như mì ăn liền, xúc xích, đồ ăn nhẹ, v.v…, đặc biệt là ở những khu vực có trường hợp nhiễm bệnh hay cách ly.

Về mặt bán lẻ, trong giai đoạn này, các địa điểm quy mô nhỏ, cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi sẽ được ưu tiên hơn so với chợ truyền thống hoặc siêu thị/đại siêu thị. Ngoài ra, sự bùng phát của dịch cũng đang làm tăng đáng kể số lượng giao dịch mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi.

Mặt khác, việc chậm trễ của các hoạt động xuất nhập khẩu do sự bùng phát của coronavirus đang tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp và người bán hàng trong khâu sản xuất, phân phối và dự trữ hàng hóa.

Chính vì vậy, trong cuộc chiến chống lại Covid-19, lượng cung suy giảm, dẫn đến nhiều khả năng đẩy giá cả leo thang, khiến người tiêu dùng cũng hạn chế và cân nhắc hơn trong chi tiêu.

Trong trung và dài hạn.

Tác động của đợt bùng phát dịch năm 2020 có thể đẩy nhanh các xu hướng mà chúng ta đã quan sát thấy trong năm 2019.

Thứ nhất, ý thức về sức khỏe và vệ sinh của người tiêu dùng Việt sẽ nâng cao, điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm vệ sinh, chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình bao gồm xà phòng, nước rửa tay, nước rửa tay khô diệt khuẩn, sản phẩm tẩy rửa nhà cửa, khăn giấy, v.v…

Những mặt hàng này hiện vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng người dùng lẫn lượng tiêu thụ, nhưng dự kiến sẽ trở nên phổ biến hơn khi ngày càng nhiều người bắt đầu quen với việc mua các mặt hàng này và sử dụng thường xuyên hơn.

Thứ hai, trong năm 2020, thị phần thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tăng lên do tính tiện lợi và việc ít tương tác trực tiếp khi mua hàng, mô hình mua sắm từ trực tuyến đến ngoại tuyến (OTO) và mua sắm thương mại điện tử phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Việt trong thời gian này.

Các nền tảng mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu, nhờ vào (1) thu hút người mua mới chưa bao giờ mua sắm trực tuyến trước đó (hiện nay đến 3/4 hộ gia đình Việt Nam tại 4 thành phố chính(**) chưa mua bất kỳ sản phẩm tiêu dùng nhanh nào trực tuyến, theo dữ liệu Consumer Panel cập nhật đến hết năm 2019) và (2) gia tăng mức chi tiêu từ những người đã và đang mua hàng trực tuyến.

Cuối cùng, việc các kênh mới nổi ngày càng phổ biến, bao gồm các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử, phản ảnh những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt.

Từ việc mua sắm truyền thống ở 1 hoặc 2 kênh chính, người mua hàng dần chuyển sang mua sắm đa kênh, tích hợp nhiều kênh, củng cố xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng tăng lên trong lĩnh vực bán lẻ và thị trường hàng tiêu dùng nhanh trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 dự đoán sẽ có những tác động nhất định đến các ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG trong Quý 1 và có thể cả Quý 2 năm 2020.

Để thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng, Kantar sẽ tiếp tục theo dõi tác động của coronavirus lên hành vi tiêu dùng thông qua các báo cáo FMCG Monitor hàng tháng.

Chúng tôi mong sẽ chia sẻ và cập nhật thêm nhiều thông tin mới tới độc giả trong những tháng tới.

* Nguồn: Kantar Worldpanel

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …