Skip to main content

Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ “chỉ thở”

16 Tháng Mười Một, 2023

Phản hồi phát ngôn “Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi” của ông Nguyễn Đức Tài, đại diện một chuỗi bán lẻ ICT khẳng định “vẫn hít thở đều” và sẵn sàng chạy nước rút để rút ngắn khoảng cách với những “người khổng lồ” trong ngành.

Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ "chỉ thở"
Chủ tịch MWG: Cuộc chiến về giá khiến các đối thủ “chỉ thở”

Tại cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư hôm 13/11, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) cho biết, cuộc chiến giá giữa các nhà bán lẻ thiết bị điện tử, công nghệ (ICT) đã khiến Thế Giới Di Động mất lợi nhuận do giảm giá bán về ngang các đối thủ, thậm chí là còn bán rẻ hơn nhưng đổi lại công ty cũng được nhiều thứ, trong đó có thể dễ dàng nhận thấy nhất là thị phần.

Theo ông Tài, hiện nay thị phần mảng ICT của MWG đã dần phục hồi và thuộc hàng lớn nhất trong các công ty bán lẻ hiện nay. Doanh thu của công ty cũng đều đặn tăng trong các tháng vừa qua và khoảng cách về doanh thu giữa MWG và các đối thủ trong mảng ICT tăng trở lại với mức giãn ra khoảng 2.000 tỷ đồng sau quý III vừa qua. Khả năng thu hút được khách hàng và gia tăng doanh số đang củng cố sự đúng đắn của chiến lược này.

Lãnh đạo MWG khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược giá rẻ nhưng sẽ có điều chỉnh. Công ty sẽ phối hợp chặt với các hãng để đem đến những sản phẩm vượt trội hơn, độc quyền, giá cạnh tranh hơn và các sản phẩm vệ tinh như phụ kiện, gia dụng. “Với sự tiếp sức từ hãng, Thế Giới Di Động vẫn sẽ sống khoẻ còn các đối thủ giờ chỉ thở thôi”, ông Tài nói.

Advertisement

Cũng theo ông Nguyễn Đức Tài, năm 2024 MWG sẽ chỉ làm những thứ hiệu quả. Trong thời gian qua MWG đã phải đóng một số cửa hàng và sẽ tiến hành đóng những cửa hàng không có được hiệu quả kinh doanh cao để giảm gánh nặng chi phí cho công ty.

“Nếu những đứa con nào là gánh nặng cho gia đình thì buộc phải đóng”, ông Tài nhấn mạnh và cho biết thêm công ty sẽ cố gắng xử lý dứt điểm trong năm nay, điểm rơi nằm trong quý IV và từ năm sau trở đi sẽ chỉ nhìn về tương lai.

Các đối thủ của MWG có chỉ đang “thở”?

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Lạc Huy, Giám đốc truyền thông CellphoneS cho biết, là một trong những chuỗi bán lẻ công nghệ lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, CellphoneS cũng khó có thể đứng ngoài cuộc chiến giá được bắt nguồn từ chuỗi bán lẻ có thị phần lớn nhất tới ngưỡng trên cả mức được định nghĩa độc quyền tại Việt nam.

Theo đó, trong quý II/2023 – quý đầu tiên của cuộc chiến giá, CellphoneS cũng đã chịu những tổn thất trong hoạt động kinh doanh như nguyên cả quý II, mặc dù kinh doanh không có lợi nhuận nhưng doanh số cả quý chỉ giữ nguyên mà không tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, thậm chí còn giảm tới 20% so với quý I/2023.

Advertisement

Tuy nhiên, việc giữ được doanh thu đi ngang vẫn là nỗ lực giữa bối cảnh doanh thu quý II của nhà bán lẻ lớn nhất thị trường (MWG) giảm tới 14% so với cùng kỳ 2022, biên lợi nhuận ròng đạt 0,06% – mức thấp nhất kể từ khi niêm yết năm 2014.

Sang quý III/2023, CellphoneS ghi nhận sự tăng trưởng trở lại hơn 3% so với 2022 và 16% so với quý II nhờ những nỗ lực điều chỉnh, thay đổi quyết liệt từ quý II và một số yếu tố thuận lợi từ mô hình hoạt động tinh gọn của các cửa hàng CellphoneS cũng như đối tượng khách trẻ nhạy cảm về giá bán và hiểu rõ những giá trị mà CellphoneS mang lại.

Trong khi đó, bà Phương Phùng, đại diện truyền thông Di Động Việt cho biết, “chiến giá” không ảnh hưởng nhiều đến chuỗi này bởi vốn dĩ Di Động Việt là một hệ thống đã có mức giá rẻ hơn các loại rẻ từ trước nên khi “chiến giá” rộ lên tại các chuỗi khác thì chiến lược giá rẻ của Di Động Việt càng thêm phần vượt trội. Đến hiện tại thị phần của Di Động Việt đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dù có “chiến giá” hay không, thì giá bán các sản phẩm tại Di Động Việt vẫn rất cạnh tranh trên thị trường với những chính sách bán hàng vượt trội khi hệ thống đặt trải nghiệm của khách hàng lên đầu. Di Động Việt không ủng hộ việc “chiến giá”, phá giá để giành thị phần, vì về lâu dài, không chỉ ngành bán lẻ, mà người dùng công nghệ, người lao động đều sẽ bị ảnh hưởng”, bà Phương nói.

Advertisement

“Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, chỉ có “thở” thôi doanh số bán của Di Động Việt vẫn tăng trưởng liên tục trong những tháng qua”, bà Phương nói và dẫn chứng doanh số quý III/2023 cao hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt sự xuất hiện sớm của iPhone 15 vào những ngày cuối tháng 9 đã giúp cho doanh số bán trong tháng 9 năm nay cao hơn 50% so với năm ngoái. Và với tín hiệu tích cực trong tháng 10 vừa qua, dự kiến quý IV doanh số tại Di Động Việt sẽ tiếp tục tăng 40% so với cùng kỳ.

Đại diện truyền thông Di Động Việt cũng khẳng định, Di Động Việt hiện đang vẫn “hít thở đều”, vận động nhanh, chạy nước rút để từng bước tăng tốc rút ngắn khoảng cách với những người khổng lồ. Đặc biệt trong bối cảnh các “ông lớn” đang lao đao, nhịp thở dồn dập, ngắt quãng, Di Động Việt vẫn sẽ tiếp tục trụ vững với những giá trị vượt trội sẵn có để từng bước giành lợi thế.

“Cứu tinh” iPhone 15 và cuộc đua nước rút cho cao điểm mua sắm cuối năm.

Không chỉ Di Động Việt, sự xuất hiện của iPhone 15 cũng được xem là “cứu tinh” doanh số cho các nhà bán lẻ trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua. Báo cáo kết quả kinh doanh tháng 9 của MWG cho thấy, với hơn 18.000 sản phẩm bán ra, iPhone 15 đã đóng góp gần 600 tỷ đồng vào tổng doanh thu 7.200 tỷ đồng của hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

Với CellphoneS, ông Nguyễn Lạc Huy cho hay, tới thời điểm hiện tại doanh thu iPhone của chuỗi này tăng gần 6% so với cùng thời gian 2022, thị phần của CellphoneS cũng tăng thêm khoảng 2,1% giữa bối cảnh thị trường điện thoại năm nay ước tính sụt giảm hơn 20%.

Advertisement

“Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt về giá cả, khách hàng của CellphoneS vốn là những người khá nhạy cảm về giá bán và am hiểu về thị trường vẫn tiếp tục lựa chọn CellphoneS. Thêm vào đó, việc cạnh tranh giá cũng giúp các chuỗi lớn như CellphoneS tiếp cận được thêm nhiều khách hàng hơn và giành thêm được thị phần”, ông Huy lý giải.

Ông Huy cho biết thêm, dịp 11/11 vừa qua, dù không làm chương trình sale riêng song theo xu hướng chung của cả thị trường, đặc biệt là bán hàng online nên doanh số của CellphoneS vẫn tăng 150% so với ngày thường, điều này cũng tương tự như năm 2022.

Với tín hiệu hồi phục của sức cầu, đại diện CellphoneS tiết lộ trong những tháng cuối năm, chuỗi bán lẻ này sẽ dồn toàn lực cho chương trình sale lớn nhất năm, quan trọng nhất năm là Black Friday vào ngày 20-23/11 tới và dịp Tết Nguyên đán.

Theo đó, trong hai chương trình sale lớn này CellphoneS sẽ đầu tư lớn cùng các hãng, nhà phân phối, đối tác tài chính hỗ trợ các ưu đãi thanh toán. Khách hàng sẽ được mua nhiều sản phẩm ở các nhóm điện thoại, laptop, gia dụng, âm thanh… với giá thấp nhất năm.

Advertisement

Tương tự, đại diện Di Động Việt cho biết, dịp 11/11 là đợt bán hàng mang về doanh số bán hàng cao thứ hai trong năm 2023 của chuỗi với kỷ lục tăng gấp 3 lần doanh số ngày bình thường.

“Đây là một dấu hiệu tích cực để đội ngũ Di Động Việt tiếp tục đem tới cho khách hàng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn chỉ có duy nhất tại Di Động Việt”, đại diện Di Động Việt nói và cho biết, để kích cầu mua sắm, những tháng cuối năm Di Động Việt sẽ mang đến cho người dùng những sản phẩm công nghệ với mức giá rẻ hơn các loại rẻ mỗi ngày và các kỳ sale lớn nhất trong năm sắp diễn ra Black Friday, Noel, sale Tết Dương lịch, sale cuối năm…

Cuộc chiến về giá bao giờ đến hồi kết?

Có thể thấy, sau hơn 6 tháng “chiến giá” với những tổn thất, dù không còn cạnh tranh khốc liệt như hồi quý II, song các chuỗi bán lẻ ICT vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc “chiến giá” mới để đón đầu cao điểm mua sắm cuối năm, hướng đến sự phục hồi trong quý cuối năm và năm sau.

Nói về cuộc chiến giá rẻ này, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng: “Cuộc đua về giá không bao giờ là cuộc đua dài hạn, đó chỉ ngắn hạn vì không ai đi kinh doanh mà chịu lỗ mãi. Cuộc đua này có thể kéo dài đến cuối năm 2024 mới hết nhưng mức độ cạnh tranh đang giảm dần, không khốc liệt như hồi tháng 4 và tháng 5/2023”.

Advertisement

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lạc Huy nhận định cuộc chiến giá chưa dừng ngay, tuy nhiên mức độ và quy mô sẽ có sự thay đổi, một số nhóm hàng, mặt hàng sẽ có sự điều chỉnh về mức giá bán cao hơn để giữ lợi nhuận, một mặt một số nhóm hàng sẽ tiếp tục “chiến giá”.

Theo ông Huy, sau 6 tháng của cuộc “chiến giá”, đã có dấu hiệu rõ ràng về tổn thất của các nhà bán lẻ có quy mô lớn, chi phí vận hành lớn, hiệu suất/cửa hàng vốn đã kém. Trong đầu quý IV, các nhà bán lẻ này đã bắt đầu đóng cửa khá nhiều cửa hàng, xu hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra tới đầu năm 2024.

“Và về lâu dài, khi thị trường phục hồi, các chuỗi lớn hơn hồi phục được doanh thu, lợi nhuận, mà theo dự báo là nửa cuối 2025 thì cuộc chiến giá này mới có thể chuyển về trạng thái bình thường như trước được”, ông Huy nhìn nhận.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Advertisement

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement