Skip to main content

Retail là gì? Tìm hiểu toàn diện về ngành Retail

7 Tháng Mười, 2022

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu toàn bộ các thông tin cần biết về thuật ngữ Retail (Tiếng Việt có nghĩa là Bán lẻ) như: Retail là gì, Retailer là ai, Retail được hiểu như thế nào, các sản phẩm hay danh mục có trong ngành hàng Retail, ngành công nghiệp Retail, các loại hình bán lẻ phổ biến tại Việt Nam và trên thế giới, một số thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong ngành Retails và hơn thế nữa.

retail là gì
Retail là gì? Tìm hiểu toàn diện về ngành hàng Retails (Bán lẻ)

Với giá trị thị trường (Market Size) đạt mức hơn 26.000 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ chạm mốc hơn 30.000 tỷ USD vào năm 2025, Retail hay Bán lẻ được xem là một trong những ngành hàng có giá trị lớn nhất toàn cầu, vậy ngành Retail là gì và ngành Retail bao gồm những thành phần nào.

Các nội dung sẽ được phân tích trong bài bao gồm:

  • Retail là gì?
  • CPG là gì?
  • FMCG là gì?
  • Sự khác biệt giữa Retail và CPG là gì?
  • Sự khác biệt giữa FMCG và Retail là gì?
  • Sự khác biệt giữa Retail và Wholesaling là gì?
  • Một số lưu ý về khái niệm Retail mà bạn nên hiểu.
  • Mô hình Retail hay Retail Model là gì?
  • Thuật ngữ Retail nên được hiểu như thế nào.
  • Các kiểu hay danh mục Retail chính là gì?
  • Ngành công nghiệp Retail.
  • Toàn cảnh về thị trường Retail tại Việt Nam.
  • Mối quan hệ giữa Retail và thương mại điện tử (eCommerce) là gì?
  • Các doanh nghiệp hay thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong ngành hàng Retail.
  • Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ngành hàng Retail là gì?

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Retail là gì?

Retail  khái niệm đề cập đến một mô hình kinh doanh trong đó các doanh nghiệp bán lẻ hay còn được gọi là Retailer sẽ bán trực tiếp hàng hoá và dịch vụ đến người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp retail hay retailer này có thể nhập hàng (thường là với số lượng lớn) trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc thông qua các nhà bán buôn trung gian để sau đó bán lại cho người tiêu dùng cuối (với số lượng nhỏ hơn), và kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch về giá (chiết khấu) trong quá trình mua và bán.

Trải qua nhiều khoảng thời gian hình thành và phát triển, cùng với đó là sự ảnh hưởng và chi phối bởi các yếu tố công nghệ, ngành bán lẻ đã có những sự thay đổi vượt bậc.

Từ những cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ và “thô sơ” hay các chợ truyền thống, đến các cửa hàng tạp hoá hiện đại, siêu thị mini, đại siêu thị, đến các gian hàng bán lẻ thương mại điện tử.

Ngành hàng retail hiện đại nói chung vô cùng đa dạng.

Theo thống kê từ Statista, dung lượng thị trường của ngành Retail toàn cầu có giá trị hơn 26.000 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến chạm mốc hơn 30.000 tỷ USD trong năm 2025.

Retail trong tiếng Việt có nghĩa là Bán lẻ.

CPG là gì?

CPG là từ được viết tắt từ Consumer Packaged Goods, có nghĩa là hàng hoá đóng gói tiêu dùng hoặc hàng đóng gói tiêu dùng, khái niệm đề cập đến các sản phẩm mà người tiêu dùng mua sắm thường xuyên như mỹ phẩm, quần áo, đồ ăn hay thức uống.

FMCG là gì?

FMCG là từ viết tắt của Fast Moving Consumer Goods, trong tiếng Việt có nghĩa là hàng hoá tiêu dùng nhanh hoặc hàng tiêu dùng nhanh, thuật ngữ đề cập đến các sản phẩm được bán hay tiêu thụ trong một khoảng thời gian tương đối ngắn với chi phí thấp.

Các sản phẩm thuộc ngành FMCG chủ yếu được phân phối tại những nơi mà người tiêu dùng tiện mua sắm chẳng hạn như các cửa hàng tạp hoá, siêu thị, chợ (truyền thống), hay các cửa hàng tiện lợi.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG tại: FMCG là gì

F&B là gì?

F&B là từ viết tắt của Food and Beverage, trong tiếng Việt có nghĩa là Thực phẩm và Đồ uống. F&B còn được viết là FnB hoặc F and B.

Về mặt tổng thể, F&B là khái niệm mô tả tất cả các sản phẩm, thương hiệu hay doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm là thực phẩm (Food) và đồ uống (Beverage) ra thị trường cho người tiêu dùng.

Cũng tương tự như các sản phẩm trong ngành hàng FMCG, các sản phẩm F&B cũng được bán đa dạng ở nhiều nơi khác nhau như cửa hàng tạp hoá, siêu thị, cửa hàng tiện lợi (như Circle K), tại siêu thị, trên các sàn thương mại điện tử (như Shopee) và hơn thế nữa.

Bạn có thể tìm hiểu chi tiết về ngành hàng thực phẩm và đồ uống tại F&B là gì

Sự khác biệt giữa Retail và CPG là gì?

Trong khi cả Retail và CPG đều liên quan đến các hoạt kinh doanh mua bán, tức hàng hoá được chuyển từ người bán (seller) tới người mua (buyer), 2 thuật ngữ này lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Như đã phân tích ở trên, ngành hàng Retail mô tả các doanh nghiệp bán trực tiếp hàng hoá và dịch vụ tới người tiêu dùng (thường là người tiêu dùng cuối), những sản phẩm này có thể tiêu dùng được (consumable) và cũng có thể là không.

Ví dụ như nhà bán lẻ Walmart bán các sản phẩm có thể tiêu dùng được nhưng nhà bán lẻ Ikea lại bán mặt hàng nội thất và tất nhiên là không tiêu dùng được.

Ngược lại, với CPG (Consumer Packaged Goods), cụm từ “Consumer” mang ý nghĩa là tiêu dùng được (cũng tương tự chữ cái “C” trong ngành hàng FMCG), CPG có mối quan hệ chăt chẽ với FMCG và là “tập cha” của FMCG.

Các doanh nghiệp CPG cũng có thể là các doanh nghiệp Retail, tức Retailer và ngược lại, các doanh nghiệp Retail cũng có thể là doanh nghiệp CPG.

Ví dụ, các gã khổng lồ bán lẻ như Amazon cũng tự sản xuất và bán các nhãn hàng riêng (Private Label), điều này có nghĩa là họ vừa là doanh nghiệp bán lẻ vừa là doanh nghiệp CPG khi họ cũng có sản xuất, đóng gói và bán cho người tiêu dùng (cuối).

Tuy nhiên, trong thực tế, các doanh nghiệp này thường tập trung chính vào ngành hàng chính của họ, tức là các doanh nghiệp CPG sẽ chỉ tập trung sản xuất đóng gói sau đó bán hàng thông qua hệ thống các doanh nghiệp Retail.

Ngược lại, các doanh nghiệp Retail thường ít khi tự sản xuất và đóng gói (vì không hiệu quả – bạn có thể tự kiểm chứng điều này bằng việc khi bạn đi các siêu thị như Big C, có rất nhiều nhãn hàng mang thương hiệu riêng của Big C nhưng dường như rất ít người tiêu dùng quan tâm) mà thay vào đó họ chỉ đóng vai trò chình là Retailer, nhập hàng từ doanh nghiệp CPG và bán lại cho người tiêu dùng cuối.

Do đó, một trong những điểm khác biệt nữa giữa Retail và CPG đó là đối tượng khách hàng mà các doanh nghiệp này bán hàng và phục vụ.

Đối tượng khách hàng của Retail thường là người tiêu dùng cuối. Còn đối tượng của các doanh nghiệp CPG hay FMCG là các nhà bán lẻ hay đại lý phân phối trung gian khác.

Sự khác biệt giữa FMCG và Retail là gì?

Sự khác biệt giữa FMCG và Retail là gì?
Sự khác biệt giữa FMCG và Retail là gì?

Vì FMCG là “tập con” của CPG, sự khác biệt giữa FMCG và Retail cũng tương tự như cách mà CPG tách biệt với Retail.

Trong khi các doanh nghiệp FMCG như Vinamilk hay Masan liên quan đến việc bán hàng hoá thông qua các doanh nghiệp Retail (chẳng hạn như Big C hay Co.op Mart), Retailer là đơn vị bán lại hàng hoá đó cho người tiêu dùng cuối (chẳng hạn như việc bạn đi siêu thị Big C và mua sữa Vinamilk).

Về mặt tổng thể trong toàn bộ chuỗi cung ứng (supply chain), Retail là mắt xích cuối cùng cung cấp hàng hoá và tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng.

Sự khác biệt giữa Retail (Retailer) và Wholesaling (Wholesaler) là gì?

Retail hay Retailer sẽ là đơn vị bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cuối và do đó họ thường bán với số lượng nhỏ và giá bán là mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả.

Ngược lại, Wholesaling hay Wholesaler tức các doanh nghiệp bán buôn (bán sỉ) sẽ bán với số lượng lớn và thường là kèm mức giá chiết khấu cho các đơn vị bán lẻ khác (hoặc cũng có thể là cá nhân người tiêu dùng muốn mua với số lượng lớn).

“Khách hàng” của Wholesaler là Retailer, còn khách hàng của Retailer là End-consumer, tức người tiêu dùng cuối.

Một số lưu ý về khái niệm Retail mà bạn nên hiểu.

  • Ngành hàng Retail là thuật ngữ đề cập đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh có liên quan đến việc bán lẻ hàng hoá là sản phẩm hoặc dịch vụ tới người tiêu dùng cuối.
  • Các sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp Retail có thể là hàng tiêu dùng được (consumable) hoặc cũng có thể là không (non – consumable), như MarketingTrips đã đưa ra ví dụ ở trên.
  • Các doanh nghiệp Retail tức Retailer thường đóng vai trò như là trung gian phân phối cho các sản phẩm từ doanh nghiệp FMCG hay CPG. Trong khi họ hoàn toàn có thể “đóng cả 2 vai”, tuy nhiên vì tính hiệu quả thấp mà điều này ít khi diễn ra trong thực tế.
  • Với tư cách là những người làm Marketing, bạn có thể làm việc ở các doanh nghiệp Retail chẳng hạn như cho Tiki (bán lẻ thương mại điện tử) hoặc cho các thương hiệu được phân phối bởi các doanh nghiệp đó, chẳng hạn như cho Nike (được bán trên Tiki).

Mô hình kinh doanh Retail hay Retail Business Model là gì?

Cũng tương tự bất cứ doanh nghiệp nào khác và hiện đang kinh doanh trong ngành hàng chính là gì, các doanh nghiệp Retail cũng có các mô hình kinh doanh riêng.

Khái niệm mô hình doanh Retail đề cập đến cách thức một doanh nghiệp bán lẻ (Retailer) nào đó xây dựng giá trị cho khách hàng của họ, cho chính doanh nghiệp họ và cao hơn nữa là cho cộng đồng.

Mô hình doanh Retail tập trung vào các hoạt động hay chiến lược bán lẻ, cách thức bán hàng, quảng cáo, hay tương tác với nhóm người tiêu dùng cuối.

Tổng quan về ngành công nghiệp Retail (Retail Industry).

Như đã đề cập ở phần đầu bài, toàn bộ thị trường Retail toàn cầu có giá trị khoảng 27.000 tỷ USD vào năm 2022, trong đó, doanh số đến từ các cửa hàng bán lẻ vật lý (Physical Retail) là khoảng gần 20.000 tỷ USD, phần còn lại thuộc về bán lẻ thương mại điện tử (eCommerce Retail).

Ngành Retail liên quan đến việc bán hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng. Các giao dịch mua bán diễn ra thông qua các kênh phân phối khác nhau trên một loạt các ngành công nghiệp ngày càng phát triển, chẳng hạn như thực phẩm, xe hơi, may mặc hay điện tử.

Trong khi Physical Retail (in-store Retail) vẫn là kênh thống trị trên thị trường này, các hình thức bán lẻ phi cửa hàng khác cũng đang ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Các kênh Retail trực tuyến hay thương mại điện tử đang dần chiếm thị phần lớn hơn ở nhiều ngành hàng trên các thị trường khác nhau trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, để mở rộng quy mô kinh doanh, nhiều Retailer chọn cách vận hành theo mô hình đa kênh (omni channel), nhằm mục tiêu tích hợp cả các kênh trực tuyến lẫn ngoại tuyến một cách liền mạch nhất.

  • Các thị trường Retail (Retail Market) hàng đầu thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường Retail lớn nhất toàn cầu, trong đó có gã khổng lồ Walmart, Amazon và Costco.

Vào năm 2021, tổng thị trường Retail của Mỹ đạt doanh thu hơn 6500 tỷ USD, đứng trước thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc với giá trị khoảng 2000 tỷ USD vào năm 2020.

Ấn Độ là thị trường lớn thứ 3 với giá trị ước tính đạt 1200 tỷ USD vào năm 2021.

Tại Châu Âu, Vương quốc Anh và Đức là hai trong số các thị trường Retail hay Bán lẻ hàng đầu. Năm 2021, doanh số bán lẻ ở Anh đạt hơn 465 tỷ bảng Anh, tương đương khoảng 560 tỷ euro, trong khi Đức ghi nhận doanh thu bán lẻ trị giá khoảng 586 tỷ euro.

  • Xu hướng trọng tâm của thị trường Retail toàn cầu là: Tính bền vững

Trong những năm gần đây, tính bền vững đã trở thành một trong những thước đo quan trọng đối với cả các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Trong khi với nhiều người tiêu dùng, họ xem việc mua các sản phẩm gắn liền với tính bền vững không chỉ có lợi cho họ mà còn cho cả động đồng, với các doanh nghiệp, tính bền vững cùng với đó là ESG hay CSR là những quy tắc cần có để có được sự chú ý của các nhà đầu tư cũng như tuân thủ các quy định từ phía chính phủ.

Trong một cuộc khảo sát, hơn 1/3 người tiêu dùng cho biết nếu giá cả là tương đương, họ sẽ ưu tiên lựa chọn các sản phẩm bền vững nhiều hơn.

Các loại hình kinh doanh Retail chính phổ biến nhất hiện nay là gì?

Các loại hình kinh doanh Retail chính phổ biến nhất hiện nay là gì?
Các loại hình kinh doanh Retail chính phổ biến nhất hiện nay là gì?

Hiện nay, có 3 loại hình kinh doanh Retail chính:

brick-and-mortar Retail.

Là loại hình kinh doanh trong đó các doanh nghiệp bán hàng hoá trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng vật lý (Physical Stores/Outlets). Theo số liệu từ Statista, thị phần của loại hình này vẫn chiếm thế chủ đạo với khoảng gần 75% tổng doanh số của toàn ngành Retail.

Những đại siêu thị như Walmart, hay siêu thị Co.op Mart tại Việt Nam là những ví dụ cho loại hình kinh doanh hay phân phối này.

Online hay eCommerce Retail.

Chiếm khoảng 25% thị phần còn lại trong ngành Retail, eCommerce Retail, tức Bán lẻ thương mại điện tử (Bán lẻ trực tuyến) cũng là loại hình đang phát triển với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu.

Ở nhiều thị trường, doanh số bán lẻ thương mại điện tử còn cao hơn cả doanh số đến từ các cửa hàng vật lý truyền thống.

Tính đến 2022, doanh số eCommerce Retail toàn cầu có giá trị khoảng hơn 5000 tỷ USD.

Mobile Retail.

Ngoài 2 loại hình phổ biến mang tính đại diện nói trên, ngành Retail còn có một loại hình khác đó là Mobile Retail, đề cập đến tất cả các giao dịch mua bán trên thị trường bán lẻ được thực hiện thông qua thiết bị đi động.

Về bản chất, Mobile Retail là 1 phần của eCommerce Retail (bao gồm cả PC, Tablet… Retail và Mobile Retail), tuy nhiên khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động làm phương tiện giải trí và mua sắm chính, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng (app/platforms) thương mại điện tử, Mobile Retail dần được tách ra như là một loại hình kinh doanh Retail riêng.

Mối quan hệ giữa Retail và Thương mại điện tử (eCommerce) là gì?

Nếu như trước đây, ngành hàng Retail hay Bán lẻ gắn liền với thương mại truyền thống (Traditional Commerce), tức người tiêu dùng chủ yếu mua hàng từ các cửa hàng tạp hoá (gần nhà), các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, chợ và hơn thế nữa, thì giờ đây, khi người tiêu dùng toàn cầu đang ưu tiên mua sắm từ các kênh thương mại điện tử, khi thương mại điện tử (eCommerce) đang mang lại những tiện ích mà các cửa hàng truyền thống không thể có được, mọi thứ đã thay đổi tương đối nhiều.

Theo một báo cáo của Nielsen, các hàng hóa phổ biến nhất được mua qua các kênh trực tuyến liên quan đến thời trang, sản phẩm điện tử hay thậm chí là xe hơi, những sản phẩm vốn trước đây chỉ được mua tại các cửa hàng vật lý.

Trong khi có vô số các thị trường trên toàn cầu, nơi người tiêu dùng ưu tiên mua sắm qua thương mại điện tử nhiều hơn, thậm chí là vượt qua doanh số của các cửa hàng truyền thống, một bài toán đặt ra cho hầu hết các doanh nghiệp Retail đó là cần quan tâm nhiều hơn đến thương mại điện tử, dù chỉ là một phần hay toàn bộ hệ thống kinh doanh.

Các doanh nghiệp hay thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu trong ngành hàng Retail.

Theo bảng xếp hạng mới nhất tính đến 2022 từ Forbes, Top 10 doanh nghiệp Retail tức Retailer có giá trị nhất toàn cầu bao gồm:

  • Amazon – Mỹ
  • Walmart – Mỹ
  • Alibaba – Trung Quốc
  • CVS – Mỹ
  • Home Depot – Mỹ
  • Costco – Mỹ
  • Target – Mỹ
  • Walgreens – Mỹ
  • Lowe’s – Mỹ
  • Inditex – Tây Ban Nha.

Hầu hết các thương hiệu Retail lớn nhất toàn cầu đều đến từ Mỹ.

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến ngành hàng Retail là gì?

  • Retail Strategy là gì?

Là chiến lược bán lẻ. Trong ngành Retail, khái niệm chiến lược hay kế hoạch chiến lược đề cập đến các sứ mệnh, tầm nhìn hay định hướng chung nhằm mục tiêu tối ưu hoá sự kết hợp giữa cả sản phẩm và dịch vụ bán lẻ để từ đó nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng.

Bởi yếu tố môi trường kinh doanh, các nhà xây dựng Retail Strategy thường sẽ tổ chức các đợt nghiên cứu thị trường sâu rộng cùng với đó là các bản phân tích cơ hội, xu hướng (vĩ mô và vi mô) cũng như điểm mạnh yếu của doanh nghiệp (theo mô hình ma trận SWOT) trước khi đưa ra các quyết định chiến lược cuối cùng.

  • Retail Marketing là gì?

Cũng có phần tương tự Digital Marketing hay eCommerce Marketing, khái niệm Retail Marketing đề cập đến các hoạt động marketing trong các doanh nghiệp bán lẻ.

Các hoạt động marketing tại các doanh nghiệp bán lẻ thường diễn ra theo mô hình marketing hỗn hợp tức Marketing Mix hoặc IMC, người làm marketing theo đó thực thi tất cả các hoạt động liên quan đến chiến lược giá bán, khuyến mãi, phân phối, sản phẩm, quảng cáo, email marketing và hơn thế nữa.

  • Retail Store là gì?

Là các cửa hàng bán lẻ, nơi người tiêu dùng có thể mua sản phẩm với số lượng nhỏ (hoặc cũng có thể nhiều hơn) với giá bán cuối cùng (giá bán lẻ) mà họ phải trả.

  • Giá Retail là gì?

Là giá bán lẻ, chính là mức giá cuối cùng mà người tiêu dùng phải trả để có được một sản phẩm nào đó. Ngược lại với giá bán lẻ là giá bán sỉ hay giá bán buôn (Giá Wholesale), nơi người mua có thể nhận được một khoản chiết khấu (discount) nhất định. Người mua sỉ với giá sỉ có thể bán lẻ lại với giá bán lẻ để kiếm lời từ khoản chiết khấu chênh lệch.

  • Retail Sales là gì?

Retail Sales có thể hiểu là kinh doanh ngành hàng bán lẻ hoặc doanh số bán lẻ, khái niệm đề cập đến các hoạt động kinh doanh trong ngành Retail hoặc quy mô (tính bằng tiền) của toàn ngành.

  • Physical Retail là gì?

Là sự kết hợp giữa bán lẻ vật lý (physical) và bán lẻ kỹ thuật số (digital).

  • Never Pay Retail là gì?

“Never Pay Retail” là một câu nói phổ biến tạm hiểu là bạn nên luôn cố gắng để có thể mua các sản phẩm với giá thấp hơn giá bán lẻ thông thường. Ý tưởng chính ở đây là nếu bạn sẵn sàng tìm kiếm và trả giá, bạn thường có thể tìm thấy cùng một sản phẩm nhưng với giá thấp hơn. Never Pay Retail thường được sử dụng trong bối cảnh hàng tiêu dùng (FMCG) như quần áo, đồ điện tử và đồ gia dụng.

  • Retail management là gì?

Retail management có nghĩa là Quản trị bán lẻ, khái niệm thường được sử dụng trong ngành Retail để mô tả toàn bộ quá trình kinh doanh bán Bán lẻ hoặc trong các trường đại học hoặc cao đẳng (như là một ngành nghề đào tạo).

  • Retail Sector là gì?

Retail Sector là phân khúc, mảng hay khối bán lẻ. Khái niệm thường được sử dụng để mô tả về ngành retail trong một bối cảnh so sánh với một ngành hay mảng kinh doanh khác ví dụ Wholesale (Bán sỉ).

Kết luận.

Thông qua bài viết phân tích tương đối chi tiết từ MarketingTrips ở trên, hy vọng bạn có thể hiểu được những lý thuyết căn bản về một trong những ngành kinh doanh có giá trị nhất toàn cầu đó là Retail hay còn được gọi là Bán lẻ. Từ việc hiểu bản chất của Retail là gì, các mô hình kinh doanh trong ngành hàng Retail đến các nội dung bổ sung khác trong ngành.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …