4 lý do “chính đáng” người nghỉ việc thường dùng và tác dụng phụ
Bạn muốn xin nghỉ việc và đang tìm một cái cớ “thích đáng” để việc ra đi trở nên nhẹ nhàng hơn? Cùng tìm hiểu về những lý do mà chúng ta vẫn thường dùng để trả lời cấp trên khi được hỏi “Tại sao bạn lại quyết định nghỉ việc?” qua bài viết sau đây nhé!
Đối diện với cấp trên để xin nghỉ việc trong thời gian sắp tới vốn không hề dễ dàng, đặc biệt là những bạn đang được cấp trên yêu quý và tin tưởng.
Nhưng quyết định thì không thể thay đổi, vậy làm sao để bạn có thể mở lời với cấp trên và “ra đi” trong êm đềm đây?
Vì hoàn cảnh gia đình
Gia đình là lý do chính đáng nhất dù cấp trên muốn hay không vẫn phải duyệt đơn xin thôi việc đúng hạn mà chẳng thể níu kéo. Mà lý do càng “lâm ly bi đát” thì cấp trên, đồng nghiệp sẽ càng dễ mủi lòng hơn.
Giả sử, trong thời gian công ty lao dốc, rất cần người sẵn lòng ở lại nhưng bạn lại chẳng thể vì gia đình có chuyện thì chắc chắn chẳng ai có thể trách bạn được.
Vì làm sao có thể giận một người vì hoàn cảnh gia đình, không được lựa chọn hay đoán trước được đúng không nào?
Nhưng bạn tuyệt đối đừng quên rằng “chơi dao thì có ngày đứt tay” nhé! Những lý do “quá đáng” có thể khiến bạn gánh những hậu quả nặng nề đấy! Hãy thử tưởng tượng một ngày, sếp và đồng nghiệp phát hiện bạn, người đang “phải chăm ba ung thư ở nhà” lại đang làm việc tại công ty đối thủ thì mọi chuyện sẽ đáng sợ thế nào.
Lúc này, bạn sẽ không bao giờ có thể lấy lại được lòng tin của mọi người được nữa đâu!
Muốn làm trái nghành
Đây cũng là một lý do được nhiều bạn dùng để xin nghỉ việc. Cấp trên không thể và cũng không muốn níu kéo một người quyết định rẽ hướng sự nghiệp.
Thậm chí, nhiều cấp trên còn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ cho nhân viên của mình định hướng, cách để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực mới.
Nhưng tương tự lý do trên, sẽ thật “muối mặt” nếu một ai đó ở công ty cũ bắt gặp bạn làm việc trong cùng một lĩnh vực.
Lúc này, bạn không chỉ đánh mất một người cấp trên tốt mà còn đánh mất cả danh dự của bản thân nữa đấy! Vì thế, đừng bao giờ đem sự nghiệp của bản thân ra để làm một cái cớ cho những tình huống này nhé!
Bạn đã tìm được cơ hội làm việc tốt hơn
Sự thật luôn trần trụi và dễ làm mích lòng nhau. Tuy nhiên, nếu thật sự bạn đã tìm được cơ hội việc làm tốt hơn công việc hiện tại, bạn đừng ngại bày tỏ sự thật với cấp trên của mình. Bởi cấp trên nào cũng rất mong muốn nhân viên của mình trưởng thành, tiến bộ và có bến đỗ như ý.
Hãy dùng thái độ lịch thiệp và mạnh dạn nói rằng mình đã tìm được công ty mới có đãi ngộ cùng mức lương cao hơn, công việc cũng có cơ hội để bạn thể hiện bản thân và thăng tiến.
Tuy nhiên, lý do này sẽ khiến bạn bị làm phiền bởi đồng nghiệp sẽ hỏi han rất nhiều về công việc mới đấy! Thậm chí, sẽ có trường hợp tỏ ra ganh ghét hoặc có người còn muốn bạn làm trung gian để giới thiệu họ vào làm cùng.
Vì thế, hãy thận trọng trong việc chia sẻ thông tin về chặng đường mới của mình để tránh những điều không hay ho gì diễn ra nhé!
Bạn cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc
Nếu bạn gặp nhiều trở ngại trong công việc hiện tại, bạn gây rắc rối cho các đồng nghiệp khi làm việc nhóm, bạn hãy đưa ra lý do rằng bản thân không phù hợp với công việc hiện tại. Nên thành thật rằng mình chưa có được nhiều chuyên môn để hoàn thành tốt công việc.
Bạn hy vọng bản thân sẽ tìm được một công việc mới phù hợp với sở trường và năng lực. Đừng quên gửi lời cảm ơn đến sếp và đồng nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ trong thời gian qua và xin lỗi nếu bạn làm ảnh hưởng đến họ.
Cách xin nghỉ việc này tuyệt nhiên không gây ra tác dụng phụ, nhưng nó khiến bạn tự ti về chính bản thân mình. Bạn sẽ cảm thấy bế tắc khi không biết đâu mới là công việc thích hợp. Do đó, cần bình tĩnh và chấp nhận để học hỏi nhiều hơn, không nên bỏ cuộc vì bất cứ lý do gì.
Trên đây, là các lý do xin nghỉ việc thuyết phục nhất cùng ưu và nhược điểm của nó. Hy vọng bạn có thể tìm được một công việc tốt hơn và giữ được hòa khí với cấp trên cũng như đồng nghiệp cũ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo HR Insider