Chủ động – Kỹ năng dẫn bạn đến với sự thăng tiến
Có bao nhiêu người đi làm nghĩ rằng, cho là, tập trung vào chuyện giao gì làm đó? Mà giao thì cũng phải giao thật cụ thể, đếm task đàng hoàng thì mới vận hành được.
Rồi cũng chỉ loanh quanh trong mớ gạch đầu dòng được giao đó mà thôi chứ không nghĩ ra thêm được thứ gì khác để làm cho công việc của mình hay ho hơn, xuất sắc hơn, hiệu quả hơn. Hoặc giả có thể nghĩ hoặc đã nghĩ, nhưng không thèm làm, vì thêm việc là thêm cực chứ có thêm đồng lương nào đâu mà phải cố.
Người đi làm như thế, họ hoàn toàn bị động, giống như lên lớp chờ cô giáo kêu lên trả bài, kêu sao làm vậy, chỉ đâu đánh đó, đẩy bản thân vào thế xếp hàng chờ lãnh task như những con robot vô hồn. Người như thế trong xã hội đi làm này thì nhiều lắm, và đó là lý do vì sao họ không thành công.
Người thành công là người luôn chủ động. Với họ, chỉ cần gọi tên mục tiêu, họ sẽ nghĩ ra 1001 cách đề đạt được một cách xuất sắc nhất, 1001 cách khác để vượt ngoài mong đợi, và 1001 mục tiêu khác nữa để biến công việc vốn dĩ bình thường của vị trí họ hiện đang nắm giữ thành công việc của siêu nhân.
Họ sẽ thách thức bản thân tạo ra nhiều giá trị hơn, đặt ra nhiều đỉnh cao mới hơn, thách thức những giới hạn hiện có, làm không chỉ vì mục tiêu ngắn hạn trước mắt mà còn vì sự phát triển bền vững của đội ngũ và tổ chức.
Họ quản trị hiện tại, quản trị tương lai, quản trị sếp trên, người dưới và cả những quan hệ hàng ngang với tất cả các phòng ban, đội nhóm khác. Game này là của họ. Bàn cờ này là bàn cờ của họ. Hiện tại này thuộc về họ.
Và người thành công hoàn toàn chủ động làm chủ cuộc chơi do chính bản thân bày ra, trong luật lệ của tổ chức, để tạo ra điều kỳ diệu cho chính hành trình và sự nghiệp của mình.
Họ chẳng bao giờ ngồi chờ, chẳng bao giờ xếp hàng nhận task, lại càng không bao giờ chỉ biết lui cui, loanh quanh với vài cái gạch đầu dòng mà ai đó đã phát cho.
Họ không bao giờ hài lòng với hiện tại vì hiểu rằng luôn có khoảng không tự do để làm tốt hơn, xuất sắc hơn, xịn sò hơn….
Sự chủ động khiến cho họ phá banh mọi giới hạn, thách thức mọi thành tích hiện hữu, vượt qua tất cả ràng buộc hữu hình hay vô hình của một tổ chức để bứt phá. Và vì vậy mà họ thành công. Và vì vậy mà tổ chức đương nhiên phải trân quý và gìn giữ họ.
Và vì vậy mà họ tạo ra giá trị vô song trên thị trường và được săn đón bởi những lãnh đạo có tầm nhìn. Và vì vậy mà dù có làm thuê, họ cũng làm chủ cuộc chơi sự nghiệp của mình.
Và vì vậy, ở một mức độ nào đó, họ có thể đặt ra luật chơi riêng cho những cuộc game mới của mình. Vậy, gọi là đi làm chủ động.
Vậy, để rèn luyện cho bản thân tâm thế đi làm chủ động, bạn cần lưu ý những gì? Dưới đây là một số câu hỏi bạn cần tự hỏi và trả lời.
-
Có bao nhiêu cách khác, việc khác có thể làm để đạt được mục tiêu và KPI được giao một cách hiệu quả hơn?
-
So với khả năng của bản thân & đội ngũ, lịch sử phát triển của tổ chức trong ngành và trên thị trường, có bao nhiêu cách để có thể vượt xa mục tiêu đặt ra?
-
Để tạo nên kỳ tích so với mục tiêu được giao, tôi cần tự bày biện ra thêm những trò gì? Và tôi sẽ vay mượn, vận động nguồn lực nào để làm cho nó tới?
-
Những khó khăn, thử thách tôi có thể phải đối diện khi tạo nên kỳ tích là gì? Vậy thì kế hoạch chặt chém yếu tố hay nhân tố cản trở hành trình của tôi là gì?
-
Có những cơ hội đổi mới, sáng tạo nào để khiến cho công việc hiện tại của tôi đỉnh hơn, bứt phá hơn, wow hơn, tạo ra impact – ảnh hưởng siêu to hơn không? Ví dụ như thay đổi cách làm, thay đổi kênh tiếp cận, thay đổi cách vận động nguồn lực, thay đổi qui trình, vv?
-
Nếu vậy, có bao nhiêu dự án mới tôi có thể tạo ra thêm và kế hoạch cụ thể là gì để các dự án này đạt được thành công?
-
Tôi sẽ đặt vấn đề và trình bày sao để nhận được sự ủng hộ của tổ chức?
-
Nếu không được ủng hộ vì bất kỳ lý do gì thì tôi sẽ xử sao? Đâu là plan B để tiếp tục pilot và chứng minh cho bằng được sự khả thi trong giải pháp mà tôi đề nghị?
Nói chung, người giỏi họ giống như cây đèn không cam chịu cạn dầu. Họ cứ tự đổ nhiên liệu và cứ cháy, cứ cháy bùng bùng, càng cháy càng hăng và đốt sạch mọi cản trở trên đường đi cho đến khi làm được thì thôi.
Họ không chịu tắt đèn, cũng không chờ ai đó đến châm dầu. Sự chủ động này mang đến cho họ không ít vấn đề, không ít lời ra tiếng vào từ đám nay-sayers – phái chuyên nghiệp lắc đầu và nói không.
Cho nên, thật ra không phải ai cũng dám dấn thân, vì chẳng ai tự nhiên kéo việc vào thân, tự nhận thêm rắc rối về mình, hay “làm không công” những thứ mà bên thuê người ta không đòi hỏi.
Họ khác người bình thường chỗ đó, vì họ là người xuất sắc. Mà người xuất sắc thì luôn sáng tạo, luôn chủ động tìm thêm việc, vì mục tiêu của họ là vươn tới sự xuất sắc của bản thân, không phải là một kẻ đi làm phổ thông, với một vị trí phổ thông, trong một môi trường phổ thông.
Mọi giới hạn và tiêu chuẩn hiện hữu đối với họ là để làm bàn đạp mà bứt phá.
Vậy thôi! Một cách cực kỳ chủ động.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen