Nhận dạng đúng kỹ năng của bản thân để chọn đúng nghề
Chọn nghề gì thích hợp nhất cho bản thân là chuyện phức tạp, vì thật ra mình phải hiểu bản thân nhất mới có thể biết mình phù hợp với nghề gì.
Ai cũng bảo theo đuổi đam mê, nhưng 80% những bạn trẻ mình gặp đều không biết đam mê của bản thân là gì.
Nếu biết thì đỡ quá rồi, nhưng không biết thì tới đó tắt luôn, không biết làm sao nghĩ tiếp. Có bạn thì chọn nghề vì thích, nhưng thích liệu có là điều kiện đủ để chọn nghề?
Không phải chỉ có các bạn trẻ sắp vào đời là loay hoay với câu hỏi chọn nghề gì, rất nhiều bạn giữa đường sự nghiệp vẫn nhắn tin cho tôi, trong trạng thái chán nản, mệt mỏi, kiệt sức vì không muốn làm thứ mình đang làm nữa vì nó chẳng mang lại cho bạn chút niềm vui hay năng lượng nào.
Họ làm, chỉ vì đã quen làm, vì cơm áo gạo tiền, vì trách nhiệm, vì đủ thứ khác nhưng chưa bao giờ là vì lựa chọn.
Khi ở trong tình trạng cạn kiệt về năng lượng, bạn biết rất rõ việc bạn đang làm nó sai, vì nó bào mòn năng lượng, vì nó lấy đi tất cả niềm vui, sự hứng khởi, tinh thần và sự nhiệt thành của bạn.
Và bạn lê lết qua từng ngày một cách cam chịu, thôi thì hy sinh đời mình vì cái gì gì đó khác. Khi một người đang ở trong trạng thái này, năng lượng và sự sống không còn để cống hiến, và làm gì cũng chỉ để đáp ứng vừa đúng, nếu không phải là kém hơn yêu cầu của tổ chức. Như vậy thật ra là không công bằng chút nào đối với tổ chức và cả với bản thân.
Trong cuốn “U-turn: What if you woke up one morning and realized you were living the wrong life”, tạm dịch “Quay đầu – Nếu bạn thức dậy một buổi sáng và nhận ra mình đang chọn sai cuộc đời thì sao?” của tác giả Bruce Grierson, tác giả đưa ra khái niệm 10 bộ kỹ năng cốt lõi mà chắc chắc bạn có ít nhất 1 và có người sở hữu đến 2, 3.
Khi sở hữu nhiều hơn một thì sẽ có thứ tự ưu tiên là kỹ năng nào trội nhất và kỹ năng nào phụ. Khi bạn chọn nghề sai với kỹ năn cốt lõi của bản thân, bạn sẽ lâm vào tình trạng chán nản, mệt mỏi như trên.
Tương tự, khi bạn chọn nghề thuộc kỹ năng cốt lõi không phải hàng đầu vì bạn có nhiều hơn 1 kỹ năng, bạn sẽ cảm giác không tới, không đã, không phát huy tối đa khả năng của bản thân mình.
Giờ bạn thử xem qua 10 kỹ năng cốt lõi và suy nghĩ xem mình thuộc tuýp nào trong 10 hay nếu có nhiều hơn một thì có bao nhiêu và đâu là kỹ năng hàng đầu của bản thân nhé.
Cứ thứ gì mang lại cho bạn năng lượng thay vì lấy đi năng lượng khi thực hiện thì đó là kỹ năng cốt lõi.
1. Innovation – Sáng tạo.
Đây là người luôn tự khởi đầu mọi thứ, là doanh nhân, là người chuyên đi giải quyết vấn đề, một người biến không thành có, và không ngừng suy nghĩ, không ngừng tạo ra những ý tưởng mới, giải pháp mới, cách làm mới, sản phẩm và dịch vụ mới, tổ chức mới, vv.
Đối với họ, sống là sáng tạo, là tạo dựng cái mới, là không bao giờ chịu dừng lại hay thoả mãn với những gì đang có.
Những nghề nghiệp hợp nhất với người có kỹ năng này có thể là doanh nhân, nhà sáng lập, phát triển sản phẩm, nhà sáng tạo nội dung (Content Creator) hay một Marketer…
Cứ nghề gì cần sáng tạo và tự khởi đầu từ zero là họ sẽ làm tốt nhất.
2. Building – xây dựng.
Đây là kỹ năng cốt lõi của những người thích lắp ráp, xây lên, tạo ra từ những thứ hiện hữu như kỹ sư máy, kỹ sư xây dựng, hoặc ngay cả xây kênh, xây website.
Người có kỹ năng xây dựng sẽ rất thích cứ đưa cho họ nguyên liệu, công cụ và họ sẽ xây lên một cái gì đó mới.
3. Words – Ngôn ngữ.
Đây là kỹ năng biến lời nói thành giá trị. Họ chỉ cần nói hay viết thôi là đã tạo ra giá trị cho bản thân và tổ chức.
Những nghề liên quan có thể là diễn thuyết, tác giả, người viết nội dung, bán hàng, phát triển thị trường, vv.
Tất cả những nghề cần kỹ năng giao tiếp, nói, thuyết phục, trình bày là nghề của họ, vì điểm mạnh của họ là biết cách nói, viết và giao tiếp.
4. Motion – Vận động.
đây là kỹ năng cốt lõi của những người thích động tay động chân, chuyển động trong công việc, ví dụ như làm vận động viên, PT – huấn luyện viên, hướng dẫn viên du lịch, vv.
Đối với họ, chuyển động tạo ra năng lượng. Không thể ép họ vào những công việc chỉ ngồi một chỗ nhìn màn hình máy tính, vì họ cần chuyển động cơ thể.
5. Service – Dịch vụ.
Đây là những nghề làm dịch vụ dành cho người thích làm việc và giao tiếp với người, thích giúp đỡ người khác, thích cộng đồng, xã hội. Đối với họ, làm nghề gì mà nhốt ru rú trong phòng không gặp ai thì họ sẽ rất bức bối, chán nản, mất hết năng lượng.
Còn nghề gì mà cho họ ra ngoài gặp và giao tiếp với người khác, giúp đỡ hỗ trợ người khác thì họ như cá gặp nước.
Những nghề liên quan có thể là chăm sóc khách hàng, tiếp tân, quản trị quan hệ khách hàng, điều dưỡng, y tá, chuyên viên công tác xã hội, vv. Cứ được tham gia giúp đỡ ai đó là họ có năng lượng.
6. Coordination – Tổ chức, sắp xếp.
Người có kỹ năng này đặc biệt thích tổ chức các kiểu từ chương trình, hội họp tới sự kiện, hội thảo hội nghị, vv.
Họ là những người cực kỳ chi tiết, logic, sắp xếp mọi thứ đâu ra đó nên rất hợp làm các nghề liên quan đến vận hành, tổ chức sự kiện, quản lý dự án, vv.
7. Analysis – phân tích.
Người có kỹ năng này thích phân tích tất tần tật. Họ có tài nghiên cứu, họ là học giả, nghiên cứu từ kinh tế học đến khoa học, vật lý, giáo dục, và cả khoa học dữ liệu, vv.
Cứ cái gì cần nghiên cứu sâu, rộng, đắm mình trong sách vở, tài liệu, số liệu để tìm ra một lý thuyết, học thuyết hay khái niệm nào đó mới là họ cực kỳ hứng thú và hạnh phúc.
8. Numbers – Con số.
Có người thích chơi với chữ thì cũng có nhiều người thích sống với số. Đối với họ, cứ chạm vào con số là họ đã đời, thích thú, nhiều năng lượng.
Người có kỹ năng này sẽ thích hợp với tất cả những nghề nhảy múa với số như kế toán, tài chính, ngân hàng, đầu tư, vv.
9. Technology – Công nghệ.
Đây là kỹ năng của những bạn làm nghề liên quan tới IT, kỹ thuật số, và các kiểu công nghệ. họ là kỹ sư phần cứng, phần mềm, nhà phát minh, ứng dụng công nghệ để tạo ra những giải pháp mới, vv. Cứ thứ gì mà chạm tới công nghệ thì họ có mặt ngay.
10. Beauty – Làm đẹp.
Đây là kỹ năng cốt lõi của người thích tạo ra tác phẩm mang tính mỹ thuật. Họ là nhà thiết kế thời trang, trang sức, phụ kiện, hoạ sỹ, thiết kế công nghiệp, vv. Cứ được làm gì mà tạo ra tác phẩm đẹp, có giá trị mỹ thuật là họ cảm thấy thoả mãn nhất.
Rồi giờ bạn suy nghĩ đi, và hỏi cả những người xung quanh cho nó khách quan, là bạn có nhiều năng lượng nhất khi làm gì.
Và đâu trong số 10 kỹ năng cốt lõi trên đây là thứ bạn sở hữu. Có khi bằng cách đơn giản nhận dạng được kỹ năng cốt lõi này, bạn sẽ định hướng nghề nghiệp tốt hơn cho bản thân.
Còn nếu bạn lỡ nửa đường ở đâu đó không phải là cuộc sống của mình thì có khi bạn nên U-turn, quay lại và tìm về kỹ năng cốt lõi của mình để bắt đầu một hành trình mới.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh