Nhà sáng lập Huawei: ‘Tôi chỉ là lãnh đạo bù nhìn’
Tự nhận là lãnh đạo bù nhìn nhưng ông chủ Huawei Nhậm Chính Phi lại luôn tạo ra tầm ảnh hưởng tuyệt đối với tất cả nhân viên.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi hy vọng đến một lúc nào đó, ông ấy sẽ bị lãng quên.
“Tôi chỉ là một ông già. Chẳng có điểm gì để nhớ về tôi cả. Mọi người nên nghĩ nhiều hơn về tương lai và thế giới. Ước mong lớn nhất của tôi là được ngồi uống cà phê mà không ai nhận ra cả”, vị CEO 75 tuổi của Huawei trả lời phỏng vấn tờ SCMP.
Đó là một điều ước đơn giản nhưng lại ngoài tầm với với lãnh đạo cao cấp nhất của nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei. Công ty hiện đang gặp khó khăn trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việc Huawei chịu những đòn trừng phạt từ Mỹ trong năm qua đã buộc ông Nhậm – một người vốn ít xuất hiện trước truyền thông phải xuất đầu lộ diện.
Đầu tiên là việc bắt giữ con gái ông Nhậm – CFO của Huawei Mạnh Vãn Châu tại Canada vào tháng 12/2018. Hiện tại bà Mạnh vẫn đang ở tại Canada và bị giam lỏng trong nhà riêng. Bà dự định sẽ tham gia phiên tòa quyết định xem mình có bị dẫn độ về Mỹ hay không trong thời gian tới.
Tháng 5 năm ngoái, Washington đã đưa Huawei vào danh sách đen, cáo buộc công ty này đe dọa tới an ninh quốc gia. Chính quyền ông Trump cũng tiếp tục thúc giục các liên minh ở châu Âu loại Huawei ra khỏi kế hoạch phát triển mạng lưới 5G của họ.
Trước vụ bắt giữ bà Mạnh, ông Nhậm chưa từng phỏng vấn trên truyền hình và hiếm khi trả lời phóng viên. Nhiều nhân viên Huawei – cả những người làm việc tại trụ sở chính ở Thâm Quyến nói họ chưa bao giờ gặp CEO của mình ngoài đời.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng tuyệt đối của ông trong nội bộ Huawei có thể được thấy rõ thông qua diễn đàn online nội bộ của công ty mang tên Xingsheng Community. Ở đây, những bài đăng về ông Nhậm như bài nói chuyện của ông với các lãnh đạo công ty về đổi mới và những quan điểm cá nhân về nhiều chủ để luôn được đặt ở vị trí trung tâm.
Nhà lãnh đạo này nổi tiếng là người nói thẳng. Một nhân viên lâu năm đã nhớ lại bị ông Nhậm mắng ngay tại một buổi triển lãm sau khi không thể trả lời các câu hỏi vê sản phẩm và hợp tác.
Ở một lần phỏng vấn, ông Nhậm cũng thoải mái chia sẻ mọi thứ và nhân viên của ông không bao giờ dám chen ngang dù đôi khi cảm thấy câu trả lời của ông “không phải là câu trả lời tốt nhất trên phương diện quan hệ truyền thông và có thể tạo ra một vài ảnh hưởng tiêu cực”.
“Nhậm Chính Phi là một nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei”, một nhân viên có thâm niên trên 10 năm ở Huawei nhận định.
Nhưng ông Nhậm phản bác ý kiến đó. “Tôi không phải là nhà lãnh đạo tinh thần của Huawei. Tôi chỉ là một nhà lãnh đạo bù nhìn thôi”.
“Tôi chỉ có vai trò tượng trưng, giống như một bức tượng đất sét trong một ngôi đền. Nếu không có bức tượng, ngôi đền sẽ trở nên trống trải nhưng sự thật là bức tượng không thật sự có vai trò gì. Tôi có ở Huawei hay không cũng không có tác động gì”.
Theo ông, đóng góp của mình với Huawei chủ yếu liên quan tới “nghiên cứu khoa học và sản xuất liên tục”.
Giải thích tại sao ông không bao giờ phỏng vấn để quảng bá Huawei, ông nói rằng: “Sự sống sót không chỉ được thể hiện khi bạn trò chuyện, nó còn nằm ở nhiều vấn đề khác nữa. Vì vậy tôi luôn chú ý nhiều hơn tới những vấn đề nội bộ. Đóng góp lớn nhất của tôi là giúp duy trì điểm mạnh của công ty trong những thời gian khó khăn”.
Lớn lên ở thị trấn vùng núi ở tỉnh nghèo của Trung Quốc, ông Nhậm cũng có khoảng thời gian rất khó khăn. Là con trai của một giáo viên, ông sống trong giai đoạn đói kém nhất của Trung Quốc từ 1958 đến 1961. Sau đó ông gia nhập quân đội như một kỹ sư vào năm 1974 trong thời kỳ đổi mới của Trung Quốc. Sau này ông cho rằng đó là lựa chọn tốt nhất trong một khoảng thời gian mà hàng triệu người Trung Quốc không được học hành vì tình hình xã hội hỗn loạn.
Kinh nghiệm trong quân đội đã giúp ông trở thành người có trách nhiệm và điều đó được ông áp dụng triệt để khi điều hành Huawei – tập đoàn được ông thành lập từ 21.000 NDT vào năm 1987.
Ý thức trách nhiệm cộng đồng là lý do vì sao các kỹ sư của Huawei luôn nhanh chóng nỗ lực giúp đỡ Sichuan trong động đất năm 2008 và tại Nhật Bản trong trận động nhất 2011 hay vụ rỏ rỉ hạt nhân ở Fukushima. Gần đây hơn, công ty cũng là đơn vị lắp đặt mạng 5G cho 2 bệnh viện dã chiến chống Covid-19 ở Vũ Hán.
“Là một công ty viễn thông, chúng tôi có trách nhiệm góp phần cấp thiết vào giải cứu thế giới. Đây là trách nhiệm của chúng tôi. Khi có một việc cần, chúng tôi không phải là một công ty mà là những người lính tham gia giải quyết vấn đề. Đối khi chúng tôi được nhận lại, đôi khi không. Nhưng điều đó không phải là vấn đề”.
Vào thời điểm tạo dựng nên Huawei, ông đã chia sẻ một căn phòng nhỏ chỉ 10 m2 với cha mẹ và em mình. Vì thiếu vốn và không được tiếp cận các khoản vay ngân hàng, công ty không thể trả lương cho nhân viên. Thay vào đó, nhân viên được trả cổ phiếu và hứa sẽ chia cổ tức, tạo nên cấu trúc cổ đông là nhân viên đặc biệt tại Huawei thời nay.
“Khi Huawei hoạt động được 5 năm, mọi thứ còn rất khó khăn nhưng ông Nhậm đã nói với nhân viên rằng họ sẽ trở thành một trong những công ty quan trọng nhất trong ngành công nghiệp viễn thông toàn cầu trong 20 năm tới”.
Tuyên bố đó giờ đã trở thành sự thật. Tuy nhiên, điều đó được đánh đổi bằng rất nhiều năm tháng làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí không có thời gian dành cho gia đình của ông Nhậm.
Ông Nhậm thừa nhận mình đã không thể chăm lo cho gia đình một cách tốt nhất bởi công việc đã chiếm hết phần lớn thời gian của ông. “Các con tôi đã lớn lên mà tôi chẳng thể cùng chúng cùng chơi một trò chơi hay trốn tìm. Đó là điều tiếc nuối nhất của tôi”.
Trái lại, nhà sáng lập Huawei lại được đánh giá là người rất ân cần với nhân viên. “Ông ấy luôn chú ý tới từng chi tiết nhỏ”, một nhân viên nhận định.
Tính cách này cũng đặc biệt thể hiện rõ khi ông được hỏi về cách Huawei phản ứng với dịch Covid-19, ông Nhậm trả lời: Gửi những hộp đồ ăn nhẹ cho lái xe tải là một trong những biện pháp quan trọng nhất tại công ty chúng tôi.
“Thời gian này, không dễ gì để các lái xe tải gửi hàng hóa của Huawei mua được thức ăn trên tuyến đường đi của họ. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị những hộp đồ ăn nhẹ cho họ. Có gì trong đó? Một ly cà phê hay cốc trà nóng, sữa chua, sandwichs và khẩu trang. Chúng tôi cũng dựng lều ở những nơi họ bốc dỡ hàng hoá. Họ có thể ăn ở đó. Bằng cách này, những người lái xe tải có thể vận chuyển hàng hóa cho chúng tôi”.
Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link
Theo Hà Anh | MarketingTrips via SCMP