Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)
Trong khi người hướng nội (introvert) thường được gắn liền với các cụm từ như ngại giao tiếp, suy nghĩ nhiều, ít năng động với thế giới bên ngoài, sự thật là gì?
Khi nhắc đến những “Người hướng nội”, nhiều người cho rằng người hướng nội thường gặp khó khăn trong công việc, trong giao tiếp, trong tương tác với thế giới bên ngoài.
Người hướng nội hay Hướng nội cũng là nguyên nhân bị gán cho việc không hội nhập với môi trường làm việc, không được thăng tiến hay không thành công trong cuộc sống.
Thật ra, những người thành công trên thế giới này đa số là người hướng nội đó mọi người.
Vì là người hướng nội nên họ suy nghĩ sâu sắc, tận cùng của vấn đề, sự bình tâm trong quan sát và có được góc nhìn đa diện nhờ quan sát, điều này giúp họ nhìn nhận và hiểu rõ hơn nguồn căn của vấn đề.
Người hướng nội theo đó đang được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn chưa đúng đắn, dưới đây là một số hiểu lầm thường thấy về người hướng nội.
(Bài viết được sử dụng theo phong cách ngôn ngữ đời thường và cá nhân).
Người hướng nội hay bị rối.
Trong cái thế giới ồn ào, quấy nhiễu đa diện sức khoẻ tinh thần này bằng overload thông tin và ý kiến nhân loại, việc lèo lái quan hệ của bản thân với thế giới bên ngoài trở nên quá khó. Hồi xưa, mình chưa biết mình là ai đã đành.
Mình từ từ đi tìm, từ từ chiêm nghiệm, không đụng chạm gì tới ai. Bây giờ, cái sự quá nhanh quá nguy hiểm của ảo ảo thực thực nó đẩy con người ta vô nhiều đoạn khó đỡ.
Mình chưa biết mình là ai mà cả thiên hạ họ xúm vào còm như đúng rồi, tự họ quyết định mình là ai, mình cần phải làm gì, mình cần phải sống ra sao, mình tệ bạc, ngu ngốc, thất bại thế nào theo tiêu chuẩn của họ, vv. Và mặc dù họ cũng không biết họ là ai nhưng có vẻ họ có quyền năng phán lung tung người khác là ai.
Thế là, bạn rối, và càng sợ hãi hơn nữa vì không biết đã đành, giờ lại biến thành hoang mang. Mình là như thế thiệt sao, như họ nói thiệt sao, không ra gì vậy sao…?
Bạn sợ quá, rối quá, sợ quá, rút vào cái vỏ ốc của đời mình rồi dán cho mình cái nhãn “người hướng nội” vì chưa biết phải giải quyết sao với đời, với người, với cái thế giới ồn ào và ác mồm ở ngoài kia.
Đừng có dán nhãn “hướng nội” như thế tội cho chính mình và người khác. Mình chưa xử lý được thì phải tìm cách, bắt đầu bằng chuyện quay về và kết nối với bản thân, hiểu rõ bản thân, biết mình là ai, mục đích và giá trị là gì.
Khi mình đã trong veo về bản thân thì tự nhiên mọi sự lu xu bu ngoài kia cũng sẽ biến mất.
Thế là mình hết hướng nội, mà trở nên kết nối.
Không có kỹ năng giao tiếp không có nghĩa là người hướng nội.
Nhiều khi, do mình không biết phải giao tiếp sao với đời, gặp người khác không biết nói gì, gặp sếp thì sợ không dám nói sợ nói sai, gặp đồng nghiệp thì tránh vì sợ nói xong người ta đánh giá mình, lỡ có gì không đúng thì đỡ ngại, vv.
Thế là mình dán nhãn “người hướng nội” để khỏi phải nói, khỏi phải giải thích tại sao mình không mở miệng, để làm bình phong che đậy cho cái việc mình thiếu kỹ năng giao tiếp.
Nhưng cách này xài lâu không được, vì không lẽ cả đời mình không giao tiếp, tương tác với thế giới bên ngoài?
Cứ như vậy thì làm sao phát triển bản thân, làm sao làm việc, làm sao tham gia các hoạt động xã hội, vv? Mà không tương tác gì hết, không kết nối gì hết thì làm sao thành công?
Chẳng lẽ cứ mãi đổ thừa vì mình là người hướng nội (introverts)?
Lười phát triển bản thân nên “hướng nội”.
Ngồi một mình quẹt quẹt điện thoại, lướt lướt mạng, bấm nút theo sự tiện lợi của các loại app, nền tảng, website có sẵn quen rồi, cần gì thì hỏi ChatGPT, Google, nên không có nhu cầu phải tương tác gì với ai. Ngồi kế bên cũng nhắn tin chớ không thèm nhìn vào mặt nhau.
Ngồi ăn chung bàn cũng mỗi người một cái máy quẹt quẹt, cười cười tương tác ảo chớ không thèm để ý tới người thịt người xương đang ngồi trước mặt.
Cứ như vậy, riết rồi cả xã hội chẳng ai cần kết nối hay tương tác với ai, riết rồi đâm ra lười biếng, không muốn phát triển các kỹ năng xã hội vì cũng chẳng cần chúng để tương tác với ai làm gì. Vậy, thì dán nhãn là “người hướng nội” nghe cho nó sang. Chớ không lẽ gọi là thiếu kỹ năng xã hội thì nghe nó củ chuối quá, không hợp với dáng em?
OK, thời này mình không cách nào phủi chuyện không sử dụng mạng xã hội và sống ảo.
Này nó đã là một phần của cuộc sống. Nhưng chuyện gì ra chuyện đó.
Đời nó vẫn rất thật ở ngoài kia. Người vẫn sinh lão bệnh tử chứ không sống mãi trong máy tính. Cho nên, nếu sống thật mà mơ ảo thì tỉnh dậy đi. Bạn cần kết nối cả hai cuộc đời ảo thật đang đứt gãy kia của mình nếu bạn thật sự muốn sống hạnh phúc và vui vẻ.
Bằng không thì, bạn sẽ chỉ trốn vào thế giới ảo, và co rút trong cái vỏ “người hướng nội” ngoài đời thật để trốn tránh thực tế, trốn tránh trách nhiệm làm người, trốn tránh cái job phải phát triển bản thân để thành công trong đời thật. Mình chỉ có một đời để sống thật rạng rỡ. Đừng phí nó vào sự trốn tránh chớ!
Hướng nội thật sự là người có nhiều nội lực để thành công.
Tôi là người cực hướng nội, và hay nói với mọi người là nhốt tôi trong nhà 6 tháng không gặp ai tôi cũng OK. Nhưng khi ra public thì ai cũng tưởng tôi là người hướng ngoại vì học được kỹ năng giao tiếp.
Thế thôi! Chính khả năng có thể quay về với bản thân, an yên trong thực tại, quan sát cuộc sống và bình tĩnh nhìn đời đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Nếu hỏi hướng nội có lợi không thì chắc tôi sẽ trả lời là lợi thế rất lớn của bất kỳ ai, nhất là trong thời đoạn này, khi thế giới và loài người đang rối lên với sự hỗn độn.
Người đời nông cạn, mình sâu sắc. Người đời lướt qua nhau trên bề mặt, mình kết nối sâu.
Người đời xài ChatGPT, mình vẫn giữ khả năng tư duy và suy nghĩ. I think, therefore I am –
Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại.
Chớ cái gì tôi cũng hỏi ông AI hết thì tôi thành con lười, thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo, thành công dân hạng hai. Không còn biết suy nghĩ sâu, suy ngẫm về sự tồn tại và chữ why trong đời thì còn gì là con người nữa.
Cho nên, các bạn ạ, đời này thời này hướng nội nó lợi hại lắm, nó trở thành lợi thế cạnh tranh á. Cho nên, đừng xài nó một cách tiêu cực nữa. Hãy xem đó là lợi thế nếu bạn thật sự hướng nội. Còn nếu bạn đang là “người hướng nội fake” thì thôi đi nha.
Làm ơn đừng có dán nhãn lung tung để biện minh cho những sự không ổn của chính bản thân mình. Lo mà đi phát triển bản thân và sống một cuộc đời rực rỡ đi kìa.
Vậy mới gọi là sống chớ!
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips