Skip to main content

SEO là gì? Tổng quan về SEO (Search Engine Optimization) trong Marketing

16 Tháng Năm, 2022

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu tất cả các thông tin về thuật ngữ SEO (Search Engine Optimization) như: SEO là gì, SEO Web là gì, SEO là gì trong Marketing, Vai trò và tầm quan trọng của hoạt động SEO Website trong doanh nghiệp, các chiến lược phát triển SEO, các kỹ năng quan trọng nhân viên SEO cần biết 2024 và nhiều nội dung khác.

seo là gì
SEO là gì? Top các kỹ năng nhân viên SEO cần biết 2024

Đối với hầu hết các thương hiệu, khi các yếu tố về công nghệ thay đổi, hành vi của người tiêu dùng thay đổi, các chiến lược ưu tiên của họ cũng cần thay đổi. Đa dạng và toàn diện là những từ khoá trong bối cảnh mới. SEO Web là chiến lược các doanh nghiệp cần theo đuổi với mong muốn bắt gặp khách hàng trong quá trình họ tìm kiếm về thương hiệu. SEO (Search Engine Optimization) là một phần không thể thiếu trong Marketing.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài về chủ đề SEO bao gồm:

  • SEO Web là gì?
  • SEO là gì trong Marketing?
  • SEOer là ai?
  • Làm SEO là làm gì?
  • Vai trò của SEO trong doanh nghiệp hay với thương hiệu là gì?
  • Phân loại SEO.
  • Một số thuật ngữ chính liên quan đến SEO hay tối ưu hoá công cụ tìm kiếm.
  • Bộ máy tìm kiếm là gì?
  • Giới thiệu các công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới.
  • Các công cụ tìm kiếm như Google xếp hạng nội dung dựa trên những yếu tố nào?
  • SEO hoạt động như thế nào.
  • Chiến lược SEO là gì?
  • Black Hat SEO là gì?
  • White Hat SEO là gì?
  • Grey Hat SEO là gì?
  • SEO và Inbound Marketing.
  • SEO và Content.
  • Lượt truy cập tự nhiên (Organic Traffic) là gì?
  • Lượt truy cập trực tiếp (Direct Traffic) là gì?
  • Phân biệt SEO và SEM hay PPC.
  • Paid Search Engine Marketing là gì?
  • Cách thức triển khai hoạt động SEO trong doanh nghiệp.
  • Cách lựa chọn một Agency dịch vụ hay đơn vị làm SEO.
  • Các công cụ theo dõi và đo lường hiệu suất SEO phổ biến trên thế giới là gì?
  • FAQs – Những câu hỏi thường gặp trong ngành SEO.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

SEO là gì?

SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization, trong tiếng Việt có nghĩa là Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm, khái niệm đề cập đến việc những người làm marketing nói chung hoặc cụ thể là các SEOer tìm cách để hiển thị nội dung nhiều hơn hay có thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo hoặc Bing.

seo là gì
Khái niệm SEO là gì?

Để có thể dễ dàng hiểu bản chất của SEO hay SEO Web là gì, bạn có thể xem hình ảnh ở trên.

Khi bạn lên các công cụ tìm kiếm như Google và bạn nhập một truy vấn hay từ khoá vào ô tìm kiếm, chẳng hạn như trong trường hợp này là marketing là gì, bạn có thể thấy một kết quả tìm kiếm trả về là một bài viết về chủ đề Marketing của MarketingTrips.

Các trang kết quả được trả về từ công cụ tìm kiếm này được gọi là SERPs (Search Engine Results Pages).

SEO Web là gì trong Marketing?

Trong Marketing, SEO Web hay SEO Website đơn giản là việc tối ưu hoá các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo để website có thứ hạng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm với mục đích cuối cùng là tìm kiếm khách hàng tiềm năng và bán hàng.

SEOer là ai?

Cũng tương tự như Marketer, là khái niệm đề cập đến những người làm Marketing, SEOer dùng để chỉ những người làm SEO hay tối ưu hoá thứ hạng của nội dung (website) trên các công cụ tìm kiếm.

Về bản chất, vai trò của các SEOer là kết hợp các thuật toán của các công cụ tìm kiếm với những nội dung (Content) có trên website hay ứng dụng của thương hiệu để từ đó tối đa hoá khả năng hiển thị của nội dung trên các trang kết quả tìm kiếm.

Mục tiêu cuối cùng của các SEOer là thúc đẩy lưu lượng truy cập vào website (traffic) hoặc các chỉ số cao hơn như lượng khách hàng tiềm năng (Lead) hoặc doanh số bán hàng.

Làm SEO là làm gì?

Mặc dù tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau hay các cấp độ SEO khác nhau, những người làm SEO có thể thực thi những công việc khác nhau, dưới đây là những công việc chính mà các SEOer thường làm.

  • Nghiên cứu về sản phẩm, dịch vụ hay ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp mà họ chuẩn bị làm SEO.
  • Phân tích chi tiết về các website của đối thủ cạnh tranh bao gồm traffic, từ khoá, thứ hạng, backlinks và nhiều thứ khác.
  • Xây dựng danh sách từ khoá và kế hoạch SEO tổng thể (bao gồm các KPIs cụ thể).
  • Tối ưu cấu trúc website sao cho thân thiện hay phù hợp với thuật toán ưu tiên của công cụ tìm kiếm (on-page).
  • Xây dựng nội dung cho website.
  • Xây dựng hệ thống backlink từ những website uy tín và chất lượng (off-page).
  • Xây dựng hệ thống site vệ tinh cho website chính của thương hiệu.
  • Kiểm tra và tối ưu thứ hạng (ranking) của các từ khoá cũng như hiệu suất có được.
  • Cập nhật liên tục các thuật toán mới của các công cụ tìm kiếm.
  • Duy trì lặp lại các công việc nói trên.

Vai trò của SEO trong doanh nghiệp hay với thương hiệu là gì?

Như đã phân tích ở trên, tuỳ vào từng doanh nghiệp khác nhau, vai trò của các SEOer có thể khác nhau từ đó họ có thể mang lại những giá trị khác nhau cho doanh nghiệp.

Dưới đây là một số vai trò chính của hoạt động SEO.

SEO giúp xây dựng độ nhận biết về thương hiệu (brand awareness).

Vì mục tiêu của SEO là giúp nội dung có khả năng hiển thị cao hơn trên các công cụ tìm kiếm, nó cũng giúp thương hiệu có nhiều cơ hội được nhìn thấy và khám phá hơn.

Trong khi có được thứ hạng cao hơn hay nhiều traffic hơn từ công cụ tìm kiếm (Organic Traffic) không đồng nghĩa với việc “có thương hiệu”, việc khách hàng tìm thấy thương hiệu với các từ khoá hay truy vấn liên quan có thể khiến họ dần biết và tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu.

SEO giúp tăng lượng khách hàng tiềm năng.

Điều này thì quá rõ ràng và dễ hiểu, một khi khách hàng tìm kiếm và xem nội dung trên website của thương hiệu, thương hiệu có thêm cơ hội để gia tăng lượng khách hàng tiềm năng, những người có nhu cầu về những sản phẩm hay dịch vụ từ doanh nghiệp.

SEO giúp doanh nghiệp tiết kiệm ngân sách Marketing nói chung.

Thông thường ở các doanh nghiệp, SEO sẽ thuộc bộ phận lớn hơn là Marketing hoặc Digital Marketing, trong khi các hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội hay thậm chí là Google Ads có thể tiêu tốn của doanh nghiệp một khoản ngân sách tương đối lớn, SEO cũng có đầu tư về ngân sách nhưng tiết kiệm hơn rất nhiều.

Ở góc độ dài hạn, SEO càng có lợi thế hơn và tiết kiệm nhiều hơn.

SEO giúp xây dựng lòng tin với khách hàng.

Giả sử rằng khách hàng vô tình xem một mẫu quảng cáo hoặc biết đến thương hiệu của bạn từ một kênh khác ngoài công cụ tìm kiếm nhưng không nhớ rõ tên thương hiệu, điều gì sẽ xảy ra nếu họ lên các công cụ tìm kiếm để tìm hiểu thêm và không tìm thấy bạn.

Hiển nhiên, có thể họ sẽ hiểu rằng doanh nghiệp hay thương hiệu đó chưa đủ phổ biến để họ có thể tìm thấy một cách dễ dàng hay có nhiều thông tin viết về nó.

Thúc đẩy doanh số bán hàng cũng là những gì mà SEO có thể mang lại.

Từ các phân tích ở trên, khi SEO giúp website được hiển thị nhiều hơn, nhiều khách hàng tiềm năng tìm thấy và nghiên cứu về thương hiệu hơn, doanh nghiệp có thể thúc đẩy doanh số bán hàng được nhiều hơn.

Bằng cách kết hợp với Content Marketing, SEO có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng, tức là tạo ra nhiều giá trị hơn cho doanh nghiệp.

Phân loại SEO.

Về măt tổng thể, các hoạt động SEO có thể được phân chia thành 2 nhóm chính là SEO Onpage và SEO Offpage.

Onpage SEO là gì?

Onpage SEO hay còn được gọi là SEO trên trang là hoạt động tối ưu hóa nội dung và cấu trúc website cho các công cụ tìm kiếm và người dùng.

Các công việc chính liên quan đến SEO Onpage như tối ưu hóa các thẻ (tag), nội dung (content), liên kết nội bộ (internal link) hay các đoạn mã code của website sao cho thân thiện với các công cụ tìm kiếm.

Onpage SEO có thể bao gồm chi tiết các công việc dưới đây.

1. Tối ưu hoá về mặt kỹ thuật (Technical SEO).

Nằm trong tổng thể các công việc liên quan đến việc tối ưu hoá trải nghiệm của người dùng và cũng là những gì các công cụ tìm kiếm ưu tiên khi xếp hạng nội dung, những người làm SEO cần tối ưu hoá các khía cạnh kỹ thuật như tăng tốc độ tải trang và tối ưu source code.

2. Tối ưu hoá nội dung (SEO Content).

Vì người dùng là mục tiêu cuối cùng của các công cụ tìm kiếm, chúng ưu tiên cho những nội dung có chất lượng cao và phù hợp với các ý định tìm kiếm (search intent) của người dùng.

Các công việc về tối ưu hoá nội dung có thể là tối ưu hoá từ khoá, tối ưu hoá tiêu đề, tối ưu hoá mật độ từ khoá, tối ưu hoá các thẻ hình ảnh (alt tags) hay tối ưu hoá chất lượng nội dung liên quan đến chủ đề đang viết.

3. Tối ưu hoá liên kết nội bộ và cấu trúc bài viết.

Ngoài các yếu tố kỹ thuật và nội dung, tối ưu hoá các liên kết nội bộ (internal link) cũng là một công việc hết sức quan trọng của các SEOer với SEO Onpage.

Đối với các công cụ tìm kiếm, một nội dung hay website chất lượng là website có các nội dung hay chuyên mục được liên kết chặt chẽ với nhau, cũng như external link, internal link cũng là các backlink có giá trị cao đối với website.

Offpage SEO là gì?

Trái ngược lại với SEO Onpage, SEO Offpage không tập trung đến các yếu tố nội bộ trên website, mà thay vào đó là các thành phần bên ngoài website.

Offpage SEO có thể bao gồm chi tiết các công việc dưới đây.

1. Xây dựng các liên kết cho website (backlink).

Như đã phân tích ở trên, bằng cách liên kết website của thương hiệu với nhiều các website chất lượng và uy tín khác, các nội dung hay website có cơ hội có được thứ hạng cao hơn.

Theo thuật toán của các công cụ tìm kiếm, khi một website càng nhận được nhiều backlink từ các website (uy tín hơn) khác, website hay webpage đó càng có chất lượng cao hơn.

Tất nhiên, các công cụ tìm kiếm như Google cũng rất nghiêm ngặt với những hành động như mua bán hay trao đổi backlink.

Về bản chất, các nội dung càng được giới thiệu một cách “tự nhiên” thì càng có giá trị, ngược lại nếu nó là hành động “cố ý” từ những người làm SEO, điều này là vi phạm.

2. Xây dựng các website vệ tinh.

Ngoài việc nhận được các backlink từ các website chất lượng khác, những người làm SEO cũng có thể chủ động tự xây dựng các website giới thiệu cho riêng họ và sau đó nhận các liên kết tương tự như các website khác.

Ví dụ, nếu bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ với website chính của thương hiệu là brandabc.com, bạn có thể xây dựng các website vệ tinh với các tên miền khác như banle.com hay retail.com và sau đó xây dựng nội dung cho các website này.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các nền tảng phổ biến như WordPress hay Wix để xây dựng các website hoàn toàn miễn phí.

3. Chia sẻ và lan truyền nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngày nay, với các công cụ tìm kiếm như Google, chúng coi trọng mức độ phổ biến của các nội dung hay website trên các nền tảng như mạng xã hội và xem đây là một dấu hiệu để xếp hạng nội dung.

Bằng cách liên tục chia sẻ các nội dung của thương hiệu trên các nền tảng như Facebook hay YouTube, website có được mức độ tin tưởng cao hơn và có thứ hạng tốt hơn.

Ngoài các công việc chính nói trên, SEO Offpage còn có thể bao gồm các công việc khác như xây dựng thương hiệu, guest posting, content marketing.

Một số thuật ngữ chính liên quan đến SEO hay tối ưu hoá công cụ tìm kiếm.

seo là gì
Một số thuật ngữ chính liên quan đến SEO hay tối ưu hoá công cụ tìm kiếm.

Sau khi có thể hiểu SEO là gì cũng như các cách thức làm SEO, dưới đây là một số thuật ngữ bạn có thể bắt gặp khi thực thi SEO.

  • Keywords – Từ khoá: Chính là những cụm từ hay truy vấn mà người dùng sẽ nhập vào các công cụ tìm kiếm với mong muốn tìm thấy các nội dung họ cần. Như ví dụ “marketing là gì” nói trên, đây chính là một từ khoá.
  • Backlink – Liên kết ngược: Là thuật ngữ dùng chung cho các liên kết như internal link, external link, outbound link hay inbound link.
  • Internal Link – Liên kết nội bộ: Là những liên kết hướng người dùng (hoặc bot tìm kiếm) đến các nội dung khác trong nội bộ website.
  • External Link – Liên kết ra bên ngoài: Là khi bạn liên kết website của mình đến một website có tên miền (domain) khác. External Link còn được gọi là Outbound Link.
  • Inbound Link: Là những liên kết từ các website khác trỏ về website của bạn. Trong không ít các trường hợp, người ta gọi backlink chính là các Inbound Link tức là các liên kết có được từ các website khác.
  • Anchor Text: Trong SEO, Anchor Text có thể được hiểu là “Văn bản neo”, khái niệm đề cập đến phần văn bản (Text) mà khi người dùng nhấp chuột vào, nó sẽ điều hướng họ đến một liên kết khác. Nói một cách dễ hiểu, Anchor Text chính là phần hiển thị đại diện cho một liên kết (không phân biệt Internal hay External).
  • DA hay Domain Authority: Theo MOZ, Domain Authority hay mức độ tín nhiệm của tên miền là điểm xếp hạng của các công cụ tìm kiếm với một tên miền cụ thể. DA có thang điểm từ 1 đến 100 với ý nghĩa là các website có DA cao hơn thì được ưu tiên xếp hạng tốt hơn.
  • PA hay Page Authority là gì trong SEO: Cũng tương tự như DA nhưng thay vì đánh giá mức độ tín nhiệm của một website hay tên miền (domain), PA chỉ đánh giá một Trang hay Webpage cụ thể. PA cũng được xếp hạng từ 1 đến 100 giống như DA.
  • Tag – Thẻ: Tag hay các thẻ là những phần mà người làm SEO sử dụng để tối ưu Onpage, một website có thể có các Tag khác nhau như Alt tag (thẻ mô tả hình ảnh), Title tag (thẻ mô tả tiêu đề), Description tag (thẻ mô tả bài viết hoặc chuyên mục hoặc web).
  • Ranking – Thứ hạng: Chính là thứ tự bài viết hay website được sắp xếp trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERPs). Top từ 1 đến 10 là mục tiêu của SEO.
  • Chuẩn SEO là gì: Nói một cách dễ hiểu nhất, vì SEO gắn liền với thuật toán xếp hạng của các công cụ tìm kiếm, chuẩn SEO là chuẩn theo những yêu cầu mà bộ máy tìm kiếm sử dụng để phân tích và xếp hạng nội dung.
  • Nghề SEO là gì: Cũng giống như nghề Marketing hay nghề Kế toán, SEO cũng có thể được xem là một ngành nghề, tức người làm SEO có thể phát triển sự nghiệp của họ với SEO từ vị trí nhân viên lên quản lý.
  • Nhân viên SEO là gì: Tất cả những ai làm các công việc liên quan đến SEO có thể được gọi là nhân viên SEO nói chung (không phân biệt cấp độ).

Bộ máy hay công cụ tìm kiếm là gì?

Mục tiêu của SEO là tối ưu hoá hay “thân thiện hoá” website với các công cụ tìm kiếm, vậy công cụ hay bộ máy tìm kiếm là gì?

Bộ máy tìm kiếm hiểu một cách đơn giản là hệ thống kỹ thuật nơi có thể thu thập, lọc, xếp hạng và trả về các nội dung dựa trên các thuật toán riêng.

Giả sử rằng khi bạn cho phép bộ máy tìm kiếm như Google thu thập và xếp hạng nội dung của bạn, nó có thể sử dụng bộ máy phân tích của nó để cung cấp nội dung cho người dùng thông qua các từ khoá tìm kiếm liên quan.

Các bộ máy tìm kiếm khác nhau có những cách thu thập và xếp hạng nội dung khác nhau.

Giới thiệu các công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới.

Ngoài Google là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới với hơn 95% thị phần tìm kiếm trên toàn cầu, dưới đây là một số công cụ khác.

  • Yahoo Search.
  • Bing Search.
  • Brave Search.
  • DuckDuckGo Search.
  • MSN Search.

Các công cụ tìm kiếm như Google xếp hạng nội dung hay thứ hạng SEO dựa trên những yếu tố chính là gì?

Các công cụ tìm kiếm như Google xếp hạng nội dung hay thứ hạng SEO dựa trên những yếu tố chính là gì?
Các công cụ tìm kiếm như Google xếp hạng nội dung hay thứ hạng SEO dựa trên những yếu tố chính là gì?

Cũng tương tự như các cách thức tiếp cận marketing, chúng không ngừng thay đổi theo hành vi của người tiêu dùng và thị trường vĩ mô nói chung, các thuật toán xếp hạng nội dung theo đó cũng liên tục thay đổi.

Với hầu hết các công cụ tìm kiếm, dưới đây là những yếu tố hay dấu hiệu mà chúng sử dụng để đánh giá và xếp hạng nội dung.

  • Nội dung (Content): Vì mục tiêu của các công cụ tìm kiếm không phải là thương hiệu hay người làm SEO, mà là người dùng, nội dung được xem là yếu tố quan trọng nhất. Bạn có thể hiểu là khi khách hàng nhập một cụm từ khoá vào công cụ tìm kiếm, các nội dung phù hợp nhất với ý định của họ sẽ được đánh giá cao nhất.
  • Backlink: Mặc dù trước đây, backlink là ưu tiên hàng đầu khi nói đến việc ưu tiên xếp hạng website hay bài viết, trong những năm gần đây, nó ít quan trọng hơn so với nội dung. Một phần vì không ít các SEOer lạm dụng nó, một phần các công cụ tìm kiếm đang có xu hướng ưu tiên nhiều hơn cho những nội dung có giá trị.
  • Thuật toán xếp hạng của các bộ máy hay công cụ tìm kiếm (Rankbrain): Như đã phân tích ở trên, các công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo đều có những thuật toán xếp hạng riêng, có nghĩa là cùng một từ khoá nhưng Google và Yahoo lại trả về những kết quả khác nhau. Về bản chất, nội dung hay website càng phù hợp với thuật toán của bộ máy tìm kiếm thì càng có thứ hạng cao hơn.
  • Ngoài các yếu tố chính nói trên, các công cụ tìm kiếm cũng sử dụng các dấu hiệu khác để xếp hạng nội dung như: DA, PA, mức độ phổ biến của nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, thời gian người dùng ở lại trên bài viết và website hay tốc độ tải trang (page speed).

SEO hoạt động như thế nào.

Các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing sử dụng trình thu thập thông tin (được gọi là crawlers hoặc bots) để thu thập tất cả nội dung chúng được phép và có thể tìm thấy trên môi trường internet.

Một khi được phép thu thập, các trình thu thập này bắt đầu hành trình của mình, chúng liên tục (hàng tỷ lần mỗi ngày) len lỏi vào các webiste, đi theo các liên kết nội bộ (internal link) đến các trang trong website cũng như các liên kết bên ngoài (external link) để kiểm trà và thu thập nội dung.

Với những thông tin có được, các trình thu thập thông tin hay bot tìm kiếm có thể hiểu nội dung của từng trang và cách nó được kết nối về mặt ngữ nghĩa với tất cả các trang khác trong cơ sở dữ liệu khổng lồ của công cụ tìm kiếm, quá trình này được gọi là lập chỉ mục (index), bạn có thể tìm hiểu thêm trong các công cụ như Google Search Console.

Khi người dùng nhập hoặc đọc (tìm kiếm bằng âm thanh) một truy vấn hay từ khoá vào hộp tìm kiếm, công cụ tìm kiếm sử dụng các thuật toán phức tạp của riêng chúng để “lấy ra” từ cơ sở dữ liệu những gì mà chúng cho là chính xác và hữu ích nhất cho truy vấn đó.

Và đây cũng chính là những gì mà những người làm SEO đang cố gắng có được, tìm cách để bộ máy tìm kiếm “lấy” đúng mình và xếp hạng mình cao hơn.

Như đã từng phân tích ở các phần trước đây, các thuật toán của công cụ tìm kiếm không ngừng thay đổi và cũng không có bất cứ một công thức chuẩn xác nào cho nó, tất cả các thông tin mà Google cung cấp liên quan đến cách nó xếp hạng nội dung chỉ mang tính tương đối.

Điều này cũng giải thích một phần vì sao thứ hạng của các kết quả tìm kiếm trong rất nhiều trường hợp không đi theo các mong muốn chủ quan của người làm SEO.

Mặc dù các thuật toán liên tục thay đổi nhưng về bản chất, các công cụ tìm kiếm luôn thay đổi vì người dùng chứ không phải vì bất cứ doanh nghiệp hay SEOer nào khác.

Chiến lược SEO là gì?

Cũng tương các chiến lược khác như chiến lược Inbound Marketing hay chiến lược Social Media, chiến lược SEO là một bản kế hoạch mô tả toàn diện về những gì mà SEO sẽ làm và các kết quả có được kèm các giai đoạn thời gian cụ thể.

Một bản kế hoạch hoặc chiến lược SEO sẽ có những thông tin như:

  • Mục tiêu của SEO là gì?
  • Chiến lược từ khoá ra sao?
  • Sẽ làm gì với SEO Onpage và SEO Offpage?
  • Chiến lược xây dựng và phân phối nội dung của SEO là gì?
  • Thứ hạng mục tiêu của các từ khoá cụ thể ra sao?
  • Tổng lưu lượng truy cập tự nhiên (organic traffic) từ SEO là bao nhiêu?
  • Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng trên lưu lượng SEO có được.

Trong bối cảnh mới, khi giá trị của nội dung và trải nghiệm của người dùng với nội dung đó mới là điểm quyết định (trước đây là backlinks), chiến lược SEO cũng có thể cần bao gồm các hiểu biết sâu sắc về người tiêu dùng mục tiêu (Customer Insight) của họ, về ngành hàng họ đang kinh doanh và hơn thế nữa.

Ngoài ra, những gì mà một chiến lược SEO thông minh nên có là xây dựng các nội dung theo các chủ đề xoay quanh người dùng thay vì chỉ là các từ khoá đơn thuần.

Black Hat SEO là gì?

Liên quan đến các chiến lược hay cách tiếp cận SEO, SEO cũng được chia thành các loại như Black Hat SEO, White Hat SEO và Grey Hat SEO.

Black Hat SEO còn được gọi là SEO mũ đen, khái niệm đề cập đến các cách làm SEO đi ngược lại với các chính sách hay thuật toán tự nhiên của công cụ tìm kiếm.

Vì là đi ngược với công cụ tìm kiếm, Black Hat SEO là cách làm không an toàn và mang nhiều rủi ro về dài hạn, với những doanh nghiệp coi trọng thương hiệu, họ không nên sử dụng chiến thuật SEO này.

Với cách tiếp cận này, thông thường các SEOer sẽ dùng các biện pháp như sử dụng công cụ (tools) gian lận để kéo traffic hay xây dựng backlink tự động, tất cả các hành động này đều đi ngược lại với quy định của các công cụ tìm kiếm như Google.

White Hat SEO là gì?

Trái ngược lại gần như hoàn toàn với Black Hat SEO, White Hat SEO hay SEO mũ trắng là cách tiếp cận an toàn và thân thiện với các công cụ tìm kiếm.

Mục tiêu của White Hat SEO là tạo ra những nội dung có giá trị cho người dùng hoặc làm họ thích thú với những nội dung đó, bởi vì nó có giá trị nên các website khác sẽ muốn liên kết với nó và tạo ra khái niệm gọi là backlink (hoặc inbound link).

Grey Hat SEO là gì?

Grey Hat SEO là gì?

Là chiến thuật trung lập nằm ở giữa ranh giới của Black Hat SEO và White Hat SEO, Grey Hat SEO hay SEO mũ xám là sự kết hợp giữa 2 chiến thuật này.

Khi áp dụng Grey Hat SEO, những người làm SEO vừa tập trung vào khách hàng và tạo ra những nội dung có giá cho họ, vừa sử dụng các biện pháp “gian lận” nhưng ở cấp độ nhẹ hơn và ít bị công cụ tìm kiếm “phạt” hơn.

Theo quan sát của MarketingTrips, phần lớn các website về SEO của Việt Nam đều sử dụng SEO mũ xám hoặc có phần nghiêng về SEO mũ đen.

Nếu bạn truy cập các website đó, bạn sẽ để ý và thấy rằng họ lặp từ khoá một cách “vô lý”, sử dụng nhiều các hình ảnh và chèn thẻ (tag) với mục tiêu hoàn toàn là vì bot tìm kiếm và thứ hạng chứ không phải vì người dùng hay giá trị của nội dung.

Đơn giản là người dùng không cần những thứ đó khi tìm kiếm.

SEO và Inbound Marketing.

Nằm trong chiến lược tổng thể là Inbound Marketing hoặc Marketing, mục tiêu của SEO là tạo ra những nội dung có giá trị cho người dùng và giữ chân họ ở lại lâu và dài hơn với website của thương hiệu.

Bằng cách tích hợp các hoạt động SEO vào chiến lược inbound marketing tổng thể, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo rằng SEOer đang triển khai SEO mũ trắng tức những thứ có lợi cho người dùng mà còn có thể thúc đẩy các hiệu suất chung của thương hiệu.

SEO và Content.

Như đã phân tích ở trên, cùng với các thành phần khác như backlink (chất lượng và tự nhiên) và thuật toán tìm kiếm (rankbrain), Content hay nội dung là yếu tố quan trọng nhất khi nói đến các hoạt động tối ưu SEO bền vững.

Trước khi quyết định xây dựng nội dung cho SEO, bạn có thể tự hỏi các câu hỏi dưới đây:

  • Khách hàng mục tiêu của mình là ai?
  • Họ cần những nội dung gì hay nỗi đau của họ là gì?
  • Khi tìm kiếm một từ khoá nhất định, ý niệm chính của họ là gì (Search Intent) là gì?
  • Bộ máy hay thuật toán tìm kiếm của các công cụ như Google hay Yahoo đang ưu tiên những điều gì? Đâu mới là thứ mà chúng cho là có giá trị với người dùng?
  • Mục tiêu của doanh nghiệp hay thương hiệu với SEO là gì hay nói cách khác khi nội dung hay website có được thứ hạng tốt, doanh nghiệp cần gì sau đó?

Bằng cách kết hợp tất cả các yếu tố nói trên khi xây dựng nội dung, bạn có thể đảm bảo rằng mình đang cung cấp những thông tin hay nội dung có giá trị với các nhóm đối tượng mục tiêu, tập trung giải quyết các vấn đề hay nỗi đau của họ để từ đó họ sẽ sớm trở thành khách hàng của mình.

Lượt truy cập tự nhiên (Organic Traffic) là gì?

Những lưu lượng truy cập (users) có được từ SEO được gọi là Organic Traffic.

Trái ngược với các traffic đến từ các kênh quảng cáo hay cụ thể ở đây là SEM (Google Ads) khi doanh nghiệp phải trả phí, Organic Traffic mang lại những traffic tự nhiên.

Organic Traffic có thể bao gồm các traffic đến từ SEO (Organic Search Traffic) hoặc các lưu lượng truy cập không phải trả phí khác từ mạng xã hội hay email.

Lượt truy cập trực tiếp (Direct Traffic) là gì?

Nếu như ai đó tìm kiếm các từ khoá bất kỳ và nhìn thấy bạn, website của bạn có thể có các Organic Traffic, Direct Traffic là những lưu lượng người dùng truy cập trực tiếp vào website bằng cách nhập thẳng tên miền vào trình duyệt của họ hoặc sử dụng cookies đã lưu để xem lại (retention) website.

Như đã phân tích ở trên, những gì mà SEO nên tập trung vào là lượng người dùng ở lại lâu trên website và quay lại sau đó chứ không phải là chỉ là chuyện thứ hạng cao hay thấp.

Giả sử rằng, website của bạn bằng một cách nào đó có được thứ hạng cao trên các trang kết quả tìm kiếm và khách hàng nhấp vào nó, điều gì sẽ xảy ra nếu nội dung hay các trải nghiệm họ có được không phù hợp với họ, hiển nhiên, đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bạn có thể “gặp” họ.

Với các công cụ tìm kiếm như Google, nó coi trọng Direct Traffic và cũng coi đây là một dấu hiệu để xếp hạng DA và PA, đơn giản là bởi vì, chỉ khi website của bạn có giá trị họ mới nhớ và quay lại nhiều đó nhiều lần.

Trừ các website mới, hoặc một số kênh như các nền tảng truyền thông mạng xã hội (Social Media) có lượng truy cập cao do nội dung chất lượng khiến lượng traffic từ đây cao hơn hẳn Direct hay thậm chí là Organic Search Traffic, Direct Traffic của website thường là cao nhất với các website uy tín và có thương hiệu.

Chẳng hạn với các website lớn như Báo VnExpress hay Báo Thanh Niên, khoảng 60% lượng người dùng đến từ Direct Traffic. Bạn có thể xem trực tiếp số liệu này từ trong tài khoản Google Analytics của mình hoặc các công cụ hỗ trợ khác.

Phân biệt SEO và SEM hay PPC.

Với một số bạn mới, cần phân biệt các khái niệm trông có vẻ khá giống nhau là SEO và SEM cùng với đó là PPC.

  • SEO hay Search Engine Optimization là tối ưu hoá công cụ tìm kiếm với mục tiêu là tạo ra những Organic hay Organic Search Traffic.
  • SEM hay Search Engine Marketing là khái niệm chung đề cập đến tất cả các hình thức marketing thông qua công cụ tìm kiếm. Điều này có nghĩa là, SEM bao gồm cả SEO và các hình thức quảng cáo có trả phí khác trên công cụ tìm kiếm (PPC/Google Search Ads).
  • PPC hay Pay Per Click là những nhình thức quảng cáo phải trả phí khi có ai đó nhấp vào quảng cáo, Google Ads bao gồm cả Google Search Ads là một hình thức PPC.

Paid Search Engine Marketing là gì?

Paid Search Engine Marketing hay Tiếp thị có trả phí trên các công cụ tìm kiếm là khái niệm đề cập đến các quảng cáo có trả phí cho mỗi lần nhấp chuột.

seo
Paid Search Engine Marketing là gì?

Như bạn có thể thấy thông qua hình ảnh mà MarketingTrips chụp lại từ công cụ tìm kiếm Google nói trên, khi người dùng nhập một từ khoá bất kỳ vào ô tìm kiếm, các thương hiệu có thể marketing đến họ thông qua Paid Search Engine Marketing.

Tuỳ vào từng mục tiêu của doanh nghiêp là gì, bạn có thể chọn các hình thức hay định dạng quảng cáo khác nhau như Google Search Ads, Google Shopping hay các chiến dịch thông minh có thể tiếp cận người dùng tìm kiếm trên YouTube.

Cách thức triển khai hoạt động SEO trong doanh nghiệp.

Mặc dù các doanh nghiệp khác nhau có thể lựa chọn các cách thức hay chiến lược triển khai SEO khác nhau, dưới đây là những gì mà các SEOer có thể làm.

1. Phân tích website.

Bước đầu tiên trước khi thực hiện bất cứ hoạt động SEO nào là phân tích và đánh giá hiện trạng của website nơi mà sẽ làm SEO. Các chỉ số phân tích có thể là cấu trúc website, thứ hạng và backlink hiện tại, tốc độ tải trang hoặc các chỉ số kỹ thuật khác.

2. Xây dựng chiến lược từ khoá.

Bằng cách sử dụng các công cụ nghiên cứu từ khoá như Google Keyword Planner, những người làm SEO có thể lựa chọn các từ khoá phù hợp với website của mình.

3. Ước tính thứ hạng và lưu lượng truy cập có được từ các từ khoá.

Sau khi lựa chọn từ khoá, bạn cũng cần dự báo về thứ hạng (Ranking) của nó trong tương lai (gần) và lượng người dùng có được.

4. Bắt đầu xây dựng và tối ưu nội dung.

Có thể kết hợp với các Content Marketer, SEOer bắt đầu xây dựng và tối ưu hoá nội dung theo các từ khoá đã chọn, đây chính là phần quan trọng nhất của Onpage SEO.

5. Chia sẻ nội dung lên các nền tảng khác như mạng xã hội hoặc Guest Posting.

Như đã phân tích ở trên, các công cụ tìm kiếm coi trọng mức độ phổ biến của nội dung trên các nền tảng khác nhau khi xếp hạnh nội dung trên các trang kết quả tìm kiếm (SERPs).

Bằng cách phân phối nội dung của bạn tới càng nhiều người, bạn càng có nhiều cơ hội được khám phá và xếp hạng cao hơn.

6. Theo dõi hiệu suất của website cũng như các từ khoá liên quan.

Sau khi xuất bản nội dung được một khoảng thời gian, công việc tiếp theo của những người làm SEO là theo dõi hiệu suất có được của các từ khoá tương ứng chẳng hạn như thứ hạng, lưu lượng người dùng có được hoặc chuyển đổi khách hàng tiềm năng.

7. Liên tục lặp lại các quy trình hay công việc nói trên.

Bởi vì SEO là một quá trình hay thậm chí là dài hạn chứ không phải một hành động hay sự kiện nhất thời, bằng cách liên tục tối ưu hoá nội dung và website của mình, thương hiệu trở nên thân thiện hơn trong mắt các công cụ tìm kiếm.

Cách lựa chọn một Agency về dịch vụ SEO.

Agency dịch vụ SEO là gì?

Cũng như các Agency trong lĩnh vực Digital hay Marketing, các Agency cung cấp dịch vụ SEO có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tối ưu website, tối ưu thứ hạng từ khoá hoặc tối ưu các chuyển đổi khác.

Lựa chọn các Agency về dịch vụ SEO cần chú ý đến những thông tin nào?

Nếu bạn thử tìm kiếm một từ khoá bất kỳ liên quan đến dịch vụ SEO hẳn là bạn thấy rằng thị trường này đang khá sôi động.

Trong khi hầu hết các đơn vị này đều sử dụng những “từ khoá” mang tính thuyết phục cao cho những bên đang cần dịch vụ, dưới đây là những nội dung bạn cần đánh giá khi lựa chọn một Agency tốt về SEO.

  • Lưu lượng truy cập tự nhiên (Organic Search Traffic): Nếu các Agency đó cam kết các thông số về SEO cho website của bạn, thì bạn cũng nên xem liệu họ có đang SEO được cho chính website của họ. Liệu bạn có tin tưởng họ nếu họ còn không tự SEO được cho chính mình. Nếu website của Agengy đó rất ít người dùng truy cập và có mức độ tương tác khá kém trên các nền tảng khác, bạn cần cân nhắc lại.
  • Direct Traffic: Như đã phân tích ở trên, với các website hay doanh nghiệp uy tín lâu năm, Direct Traffic của họ thường khá cao vì người dùng đã biết và tin tưởng họ do đó họ tiếp tục quay lại website. Nếu đơn vị cung cấp dịch vụ SEO của bạn có người dùng chủ yếu đến từ SEO, bạn cũng cần nên đánh giá lại.
  • Social Proof: Chính là những đánh giá hay thông tin phản hồi mà bạn có được từ những khách hàng khác đã từng sử dụng dịch của họ hoặc có nhu cầu về SEO. Nếu khi bạn tìm kiếm một Agency SEO A chẳng hạn và bạn thấy rằng có rất nhiều khách hàng (bên cần làm SEO) phàn nàn về dịch vụ của họ. Có lẽ Agency đó không đủ giá trị.
  • Trải nghiệm trên Trang: Nếu bạn có ý định chọn Agency SEO A để thực thi các hoạt động SEO chẳng hạn, có thể bạn rất cần thử trải nghiệm website của họ vì cách họ xây dựng website của họ cũng chính là cách họ làm cho website của bạn. Nếu bạn thấy rằng nội dung của họ ít có giá trị hay thậm chí là sử dụng các thủ thuật Black Hat SEO như đã phân tích ở trên để có được thứ hạng cao hơn, có lẽ họ sẽ Spam nhiều hơn là mang lại giá trị cho khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp của bạn.

Các công cụ theo dõi và đo lường hiệu suất SEO phổ biến trên thế giới là gì?

Để có thể phân tích và theo dõi thường xuyên hiệu suất SEO của bạn trên các công cụ tìm kiếm, dưới đây là một số công cụ bạn có thể tham khảo.

  • Moz
  • Ahrefs
  • SEMRush
  • Hoặc bạn cũng có thể theo dõi trực tiếp trên Google Analytics và Search Console bằng cách liên kết Google Search Console vào trực tiếp trong Google Analytics.

FAQs – Những câu hỏi thường gặp trong ngành SEO.

  • SEO Spam hay Buff SEO là gì?

Là hình thức gian lận trong ngành SEO. Người làm SEO tức các SEOer sử dụng các thủ thuật gian lận để có được các thứ hạng cao hơn trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs), hình thức này đi ngược lại với các hướng dẫn hay chính sách của Google và do đó website rất dễ bị phạt khi sử dụng thủ thuật này.

Trên thực tế, vì nó đi ngược lại với quy định của các công cụ tìm kiếm, hầu như rất hiếm (hoặc không có) Team SEO nội bộ nào của doanh nghiệp sử dụng hình thức SEO này mà chủ yếu được sử dụng bởi các đơn vị dịch vụ SEO (SEO Agency) hoặc các website được sinh ra với mục đích gian lận (không cần thương hiệu).

  • Phần mềm hay công cụ SEO là gì?

Là các phần mềm (software/tools) được sử dụng để gia tăng thứ hạng của từ khoá trên trang kết quả tìm kiếm. Về bản chất, các phần mềm SEO cũng là những cách thức gian lận trong SEO và đi ngược lại với quy định của các công cụ tìm kiếm.

  • Chuẩn SEO là gì?

Chuẩn SEO nghĩa là đạt chuẩn các yêu cầu cần thiết trong SEO.

Về bản chất, các tiêu chuẩn SEO gắn liền với các yêu cầu, bản cập nhật thuật toán hay chính sách của công cụ tìm kiếm như Google hay Yahoo. Bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn hướng dẫn đó, thứ hạng của website hay từ khoá sẽ phát triển tốt và bền vững hơn.

  • Tối ưu SEO là gì?

Chính là hoạt động tối ưu theo các hướng dẫn nói trên từ các công cụ tìm kiếm với mục tiêu là có được thứ hạng từ khoá cao hơn.

  • Technical SEO là gì?

Là hình thức SEO kỹ thuật, những nguời làm SEO tối ưu hoá thứ hạng tìm kiếm của website và ứng dụng bằng cách tối ưu các yếu tố kỹ thuật như: tốc độ tải trang, mã code trên trang (css, scrip…), sitemap (sơ đồ trang), các thẻ như meta, header và hơn thế nữa.

  • Nhân viên SEO trong tiếng Anh là gì?

Nhân viên SEO có thể được hiểu là SEO Executive. Tuỳ vào từng cấp độ hay từng doanh nghiệp mà tên gọi của nhân viên SEO có thể khác và bao gồm các tên gọi như: SEO Specialist, SEO Leader hay SEO Manager.

  • SEO website (SEO Web) là gì?

Cũng tương tự như SEO App (ASO), thuật ngữ SEO web đề cập đến nền tảng (platforms) mà những người làm SEO tức SEOer sẽ tiến hành tối ưu hoá thứ hạng tìm kiếm.

  • SEO Agency là gì?

Là đơn vị cung cấp các dịch vụ liên quan đến SEO như tối ưu website, cung cấp SEO Content, SEO từ khoá…và hơn thế nữa.

  • Negative SEO là gì?

Là bất kỳ hoạt động độc hại nào nhằm phá hoại thứ hạng tìm kiếm của đối thủ cạnh tranh trên công cụ tìm kiếm. Đây thường được coi là “SEO mũ đen” vì bản chất vi phạm của nó.

  • SEO Content là gì?

Là các nội dung được được xây dựng với mục đích làm SEO, tức tối ưu hoá công cụ tìm kiếm hay có được thứ hạng cao hơn trên các trang kết quả tìm kiếm (SERPs).

  • Social SEO là gì?

Là các hoạt động SEO trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Instagram. Thông qua các hoạt động thường thấy như tối ưu nội dung trên trang (fanpage/profile), sử dụng đoạn mô tả trang (Page Description) hay tối ưu các thẻ hashtag, những người làm SEO cũng có thể tối ưu các Trang này cho công cụ tìm kiếm.

Kết luận.

Hy vọng với bài phân tích khá sâu và toàn diện nói trên của MarketingTrips xoay quanh câu hỏi “SEO là gì”, bạn có thể nắm được các thông tin cơ bản về ngành SEO như khái niệm SEO là gì trong Marketing, cách thức làm SEO Web cũng như các tư duy khác về tối ưu hoá nội dung và công cụ tìm kiếm. Chúc website của bạn sẽ có thứ hạng tốt hơn trên Google hay Bing trong tương lai nhé.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Funding Societies của Singapore vừa huy động được 25 triệu USD

22 Tháng Mười Hai, 2024
Funding Societies, công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore, vừa huy động…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …