Skip to main content

Thẻ: Chagee

Liệu Chagee có tiếp tục làm nên chuyện như Mixue đã từng làm

Nối gót Mixue, thương hiệu khác từ Trung Quốc là Chagee cũng sắp đổ bộ thị trường Việt Nam, tuy nhiên thành bại của “ông lớn” này vẫn là một ẩn số.

Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2023 của iPOS.vn đã nhận định trong năm 2024, thị trường sẽ đón nhận nhiều làn sóng kinh doanh F&B mới từ các thương hiệu Trung Quốc. Xu thế này không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà trên toàn Đông Nam Á.

Thực tế, trong những năm gần đây, riêng mảng trà và cà phê đã đón nhận nhiều cái tên đáng chú ý như Mixue, Cooler City hay Cotti Coffee. Chagee – cái tên được ví như “kẻ thách thức” Starbucks – cũng đã có những động thái đáng chú ý thể hiện sự quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Lợi thế của thương hiệu Trung Quốc

Ông Trần Xuân Trung – Giám đốc kinh doanh miền Bắc của iPOS.vn nhấn mạnh Mixue chính là nhân tố giúp định hình lại thị trường trà sữa Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Thương hiệu này đóng vai trò rất lớn trong việc mở rộng phân khúc đồ uống bình dân dành cho ngành trà sữa, cùng chiến lược nhượng quyền mạnh mẽ trên toàn quốc.

Mixue chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2008 thông qua Công ty TNHH Snow King Global, với trụ sở chính tại Thanh Xuân, Hà Nội. Đáng chú ý, chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, đến tháng 4/2023, thương hiệu này đã cán mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam.

Sản phẩm chủ lực của Mixue là trà sữa và kem, nổi bật với lợi thế cạnh tranh về giá cả phải chăng, trung bình rơi vào khoảng 25.000-35.000 đồng. Đây là mức giá gây ấn tượng mạnh vì khá rẻ so với sản phẩm tương đương trên thị trường.

Số liệu của Vietdata chỉ ra Mixue đã đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng trong năm 2023 với doanh thu gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 160% so với năm 2022.

Bên cạnh Mixue, thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của các thương hiệu từ Trung Quốc khác như Bingxue, Cooler City…

“Các thương hiệu kể trên ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới thị trường trà sữa tại Việt Nam, bao gồm cả các thương hiệu phân khúc tầm trung và bình dân, do tính cạnh tranh về giá. Người tiêu dùng được hưởng lợi lớn khi có nhiều lựa chọn khác nhau”, ông Trung nhận định.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School, các thương hiệu F&B Trung Quốc sở hữu hệ thống nhà máy sản xuất hiện đại, giúp kiểm soát chi phí và duy trì chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng khả năng phản hồi nhanh với nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, các thương hiệu này có thể nắm bắt nhanh thị hiếu của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt trong phân khúc giá rẻ với các sản phẩm dễ tiếp cận như trà và kem. Đổi mới sản phẩm liên tục cũng là điểm mạnh giúp họ duy trì sức hút và sự trung thành của người tiêu dùng.

Bài toán với thương hiệu trung và cao cấp

Tiếp nối các “đồng hương”, một thương hiệu nổi tiếng khác từ Trung Quốc là Chagee cũng sắp đổ bộ Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng đây minh chứng cho thấy thị trường trong nước đang có nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, sự thành bại của Chagee vẫn còn là một ấn số và thương hiệu này cần rất nhiều yếu tố để chinh phục khách hàng.

Xét theo giá bán của Chagee tại Thái Lan, ông Trần Xuân Trung ước tính giá các sản phẩm của thương hiệu này khi về Việt Nam có thể dao động từ 65.000 đến 100.000 đồng, tức ở phân khúc cận cao cấp và cao cấp.

Theo ông Trung, ở phân khúc này, khả năng mở rộng chuỗi sẽ gặp nhiều thách thức, đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm và cơ sở vật chất, không như phân khúc bình dân của Mixue.

Mặt khác, ông Trung cho rằng giai đoạn đầu các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam khá thận trọng. Vị này lấy ví dụ như Cotti Cafe, một thương hiệu có hơn 5.000 cửa hàng tại Trung Quốc đã gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2023. Thương hiệu chỉ mở một vài chi nhánh sau hơn 1 năm thâm nhập, và đa số là cửa hàng nhượng quyền.

“Chúng ta cần thời gian để quan sát thêm về tác động của Chagee tới thị trường đồ uống”, ông Trung nhận định.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Duy Thanh cho rằng mặc dù có nền tảng vững mạnh, Chagee cũng sẽ đối mặt với những thách thức khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nơi đã có nhiều đối thủ nội địa và quốc tế cùng văn hoá trà – cà phê đa dạng.

Ngoài ra, các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Chagee đều áp dụng mô hình nhượng quyền, giúp họ mở rộng số lượng cửa hàng nhanh chóng và tăng sự hiện diện trên toàn quốc. Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng nhanh, việc kiểm soát chất lượng đồng nhất và duy trì trải nghiệm tích cực tại tất cả cửa hàng cũng là bài toán mà Chagee cần giải quyết.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews

Chân dung đối thủ của Starbucks tại Trung Quốc và Việt Nam

Chagee – gã khổng lồ ngành F&B nổi tiếng của Trung Quốc – đang có những động thái gia tăng nhận diện tại thị trường Việt Nam. Trước đó, chuỗi trà sữa xứ Trung đã liên tục bành trướng tại khu vực Đông Nam Á sau khi mở một loạt cửa hàng tại Malaysia, Thái Lan và Singapore, nâng tổng số cửa hàng toàn cầu lên 4.500 cửa hàng.

Chagee được coi là “Kẻ thách thức Starbucks”

Trên Linkedln – mạng xã hội tuyển dụng lớn nhất toàn cầu, Chagee đã đăng tuyển dụng vị trí Training Manager cho thị trường Việt Nam.

Trước đó, thương hiệu này cũng liên tục đăng tải thông tin tuyển dụng cho các vị trí Marketing & Branding Director và HR Country Head, được xem là những bước đi đầu tiên để Chagee gia nhập thị trường Việt Nam.

Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director và Horeca Business School cho biết Chagee đã tạo dựng được tên tuổi nổi bật tại Trung Quốc, được mệnh danh là “kẻ thách thức Starbucks” nhờ đầu tư vào hình ảnh thương hiệu, thiết kế cửa hàng cao cấp và bao bì sang trọng.

Thương hiệu này có thực đơn chuyên về trà với phong cách hiện đại, tập trung vào phân khúc trung cấp nhưng vẫn đáp ứng trải nghiệm chất lượng cao. Những yếu tố này sẽ giúp Chagee thu hút sự chú ý của người tiêu dùng Việt khi gia nhập thị trường.

Với mức giá trung cấp và chất lượng cao, Chagee sẽ tạo ra một sự lựa chọn mới, hấp dẫn cho người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt khi nhu cầu về sản phẩm chất lượng đang tăng cao.

Sự xuất hiện của Chagee cũng có thể tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cho các thương hiệu hiện tại, khuyến khích các thương hiệu cải tiến dịch vụ và sáng tạo sản phẩm để giữ chân khách hàng.

Chuyên gia dự đoán Chagee không chỉ mang đến sự đa dạng, mà còn có khả năng nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ và trải nghiệm cho toàn ngành trà – cà phê tại Việt Nam.

Dù có tiềm năng là “kẻ thách thức” mới của thị trường Việt Nam, Chagee cũng sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn.

“Có nền tảng vững mạnh nhưng Chagee cũng sẽ đối mặt với những thách thức khi tham gia vào thị trường Việt Nam, nơi đã có nhiều đối thủ nội địa và quốc tế cùng văn hóa trà – cà phê đặc biệt”, ông Thanh đánh giá.

Vị chuyên gia cho hay việc hiểu rõ thị hiếu người tiêu dùng Việt và đáp ứng nhu cầu này là điều quan trọng để Chagee có thể thành công và phát triển bền vững.

“Chông gai” của Chagee

Dù chưa chính thức hiện diện tại thị trường Việt Nam, Chagee đã phải đối mặt với những “chông gai” bước đầu.

Theo đó, trên thị trường hiện có một loạt thương hiệu trà sữa với cách truyền thông và bao bì sản phẩm khiến khách hàng dễ nhầm với chuỗi trà sữa tới từ Trung Quốc.

Một thương hiệu có tên Chacee tự giới thiệu là thương hiệu nổi tiếng đến từ Trung Quốc, có hàng nghìn cửa hàng trên khắp châu Á và đang mở rộng tại Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. Chacee sử dụng logo tone màu đỏ – trắng với hình cô gái mặc cổ phục Trung Quốc, tương tự như cô gái hí kịch trên logo của Chagee.

Thương hiệu Chacee đã mở 15 cửa hàng nhượng quyền tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương và hướng tới mục tiêu mở 200 cửa hàng trong tương lai.

Đại diện Chacee cho biết chuỗi có lịch sử 20 năm hoạt động tại Trung Quốc và có dịch vụ nhượng quyền với chi phí ban đầu từ 10 triệu đồng. Khi được hỏi về các clip quảng bá có sử dụng hình ảnh một số thương hiệu khác của Trung Quốc mà không phải là Chacee, người này không giải đáp được câu hỏi.

Một thương hiệu khiến khách hàng hiểu nhầm khác là Chamee đã mở 4 chi nhánh tại TP.HCM. Thương hiệu này cũng từng sử dụng bao bì là chiếc ly giấy có họa tiết hoa văn màu trắng đen được vẽ cầu kỳ, tỉ mỉ – một đặc trưng của thương hiệu Chagee.

Ngoài ra, trên các ứng dụng giao đồ ăn như Shopee Food, Grab… còn xuất hiện thương hiệu Chahee – Trà sữa bá vương với bao bì tương tự Chagee.

Chị Hồng Anh (Hà Nội) cho biết đã đặt trà sữa Chahee vì hiểu nhầm đây là thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc nhưng sau đó rất thất vọng vì chất lượng sản phẩm không như mong đợi.

Với Chagee, dù chưa chính thức hiện tại thị trường Việt Nam, chuỗi đã phải đối mặt với bài toán nhận diện thương hiệu.

Khác với các chuỗi đồ uống ngoại từng gia nhập thị trường Việt Nam như Starbucks, Mixue… việc có nhiều thương hiệu “na ná” đang hoạt động khiến việc định vị thương hiệu, hình ảnh của Chagee với người tiêu dùng khó khăn hơn.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews

Chiến lược sản phẩm của trà sữa Chagee là thứ giúp thương hiệu phát triển bền vững

Độ lệch vị trong sản phẩm của Chagee chỉ ở mức 0,2%, đảm bảo mỗi ly trà đều ngon như ly trước đó kèm với chiến lược sản phẩm và thương hiệu hướng tới sức khỏe đã giúp thương hiệu này phát triển nhanh chóng.

Ly trà Thiết Quan Âm tiếp theo của bạn có thể sẽ được phủ một lớp kem vani tươi và những mẩu hạt hồ đào nướng. Đây là một trong những cách mà Chagee mang đến sự đổi mới cho trà ô long theo phong cách hiện đại, theo Straits Times.

“Tương lai luôn thuộc về giới trẻ”, CEO Chagee, ông Trương Tuấn Kiệt, chia sẻ. “Nếu giới trẻ không uống trà, trà sẽ không có tương lai”.

“Giới trẻ uống trà khác gì so với việc uống cà phê ? Điều đó khiến tôi suy nghĩ về cách làm cho trà trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với giới trẻ trên toàn cầu” vị CEO nói thêm, nhấn mạnh việc biến trà trở thành một phần của cuộc sống người trẻ.

Chagee không chỉ cập nhật thực đơn với các hương vị hợp xu hướng mà còn mang đến trải nghiệm uống trà mới mẻ cho hàng triệu người tiêu dùng tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Vào ngày 21/5, cũng là ngày Quốc tế Trà, ông Trương Tuấn Kiệt, 31 tuổi, đã chia sẻ tầm nhìn của mình tại một hội nghị ở Trung tâm Triển lãm Thượng Hải. Sự kiện này thu hút khoảng 1.000 người tham dự, bao gồm nhân viên, đối tác kinh doanh và nhượng quyền của Chagee, cùng với 5 triệu người xem trực tuyến. Một cuộc thảo luận bàn tròn với các chuyên gia cũng đã được tổ chức.

Ông Vương Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp thị Trà Trung Quốc, nhận xét trong buổi thảo luận: “Sự thành công của các loại đồ uống mới đã giúp đưa trà Trung Quốc ra thế giới. Chagee đã thu hẹp khoảng cách giữa văn hóa trà truyền thống và nhịp sống hiện đại, đồng thời nâng cao hiểu biết của quốc tế về trải nghiệm uống trà”.

Với hơn 4.500 cửa hàng toàn cầu kể từ khi ra đời tại Vân Nam cách đây 7 năm, Chagee hiện là một trong những thương hiệu trà hàng đầu Trung Quốc. “Năm 2023, chúng tôi đạt doanh số kỷ lục 108 tỷ nhân dân tệ, một bước nhỏ hướng tới mục tiêu trở thành công ty trà lớn nhất thế giới,” ông chia sẻ.

Chagee hiện có hơn 100 cửa hàng tại Malaysia và ở Singapore với 3 cửa hàng mới tại Raffles City, Plaza Singapura và Orchard Gateway. Người hâm mộ thương hiệu có thể mong đợi không gian quán trà yên tĩnh, ấm cúng cùng thực đơn được cải tiến, bao gồm cả bánh ngọt được làm từ chính trà của Chagee.

Ông Kiệt kể, một chuyến công tác đến Kuala Lumpur vài năm trước đã khơi dậy niềm đam mê mang trà Trung Quốc ra thế giới của ông. Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, ông đã nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của các cửa hàng trà sữa tại một trung tâm mua sắm địa phương.

Trải nghiệm này đã gieo vào tâm trí ông ý tưởng về việc tạo ra một thương hiệu trà toàn cầu, kết nối con người giữa các nền văn hóa, giống như trà đã từng làm qua các con đường tơ lụa xưa kia, từ Vân Nam đến Bắc Á, Ấn Độ, châu Âu và Bắc Mỹ.

“Phạm vi lan tỏa rộng lớn của trà Trung Quốc là điều chúng ta cần suy nghĩ: Làm sao để các thương hiệu trà Trung Quốc có thể vươn ra thế giới?” ông nói.

Ngay từ đầu, ban lãnh đạo Chagee đã chú trọng vào việc sử dụng nguyên liệu chất lượng cao và kỹ thuật pha chế sáng tạo để tạo ra các sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng trong ngành thực phẩm và đồ uống. Điều này bao gồm việc cho phép đặt hàng nhanh chóng và các chương trình khách hàng thân thiết. Hiện tại, Chagee có hơn 130 triệu thành viên đăng ký trên ứng dụng WeChat.

Mặc dù trà sữa trân châu đã trở thành xu hướng toàn cầu, ông Kiệt muốn trà là yếu tố chính trong đồ uống của Chagee, chứ không phải trân châu hay nước trái cây. Chagee sử dụng lá trà tươi để pha chế, thay vì trà bột, kết hợp với sữa tươi để tạo ra hương vị đậm đà và tự nhiên. Họ đã loại bỏ việc sử dụng bột kem không sữa.

Hương vị bán chạy nhất của Chagee là trà sữa nhài xanh – với khoảng 438 ly được bán ra mỗi phút trên toàn thế giới. Để có thể sản xuất hàng loạt trà sữa một cách đồng đều và giữ vững chất lượng, cần có sự chính xác tuyệt đối trong quy trình sản xuất. Quy trình sản xuất tự động của công ty đã giúp thực hiện điều này.

Công nghệ hiện đại đã đóng vai trò quan trọng trong thành công của Chagee. Để đạt được điều này, ông Kiệt phải nhớ lại những gì ông từng làm khi còn làm việc ở một chuỗi trà sữa từ năm 17 tuổi. Ông đã từ vị trí quản lý cửa hàng, quản lý khu vực, nhượng quyền và sau đó trở thành người sáng lập Chagee.

Kinh nghiệm từng làm việc trực tiếp tại cửa hàng giúp ông nhận ra những khó khăn mà các bên liên quan phải đối mặt, từ đó đưa ra các quy trình hiệu quả hơn. Những cải tiến này đã dẫn đến việc áp dụng thiết bị tự động và các công cụ quản lý hiện đại.

Những đổi mới này giúp tăng hiệu quả và đảm bảo tính nhất quán của sản phẩm mà không làm giảm chất lượng. Độ lệch trong sản phẩm của Chagee chỉ ở mức 0,2%, đảm bảo mỗi ly trà đều ngon như ly trước đó.

Ngoài ra, chagee cũng đã loại bỏ các thành phần không lành mạnh như axit béo chuyển hóa ra khỏi sản phẩm. Năm 2023, thương hiệu đã giới thiệu “thẻ dinh dưỡng” chi tiết cho mỗi loại đồ uống, bao gồm thông tin về calo, protein, carbohydrate và chất béo.

Theo giới thiệu, Chagee là một trong những thương hiệu đầu tiên tại Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận này, phù hợp với chương trình thí điểm dán nhãn dinh dưỡng cho đồ uống có đường của Thượng Hải, tương tự Nutri-Grade của Singapore và Nutri-Score của Anh.

Chagee cũng cung cấp công cụ tính calo trên ứng dụng của mình để giúp khách hàng đưa ra lựa chọn phù hợp.

Mới đây, Chagee đã đăng tin tuyển dụng HR, marketing và quản lý dự án tại Việt Nam – báo hiệu việc thương hiệu trà sữa này muốn vào thị trường, cạnh tranh với những tên tuổi hiện có như KOI Thé hay Gong Cha.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

Hiện tượng trà sữa Trung Quốc sắp tràn về Việt Nam, đối đầu KOI Thé và Gong Cha

Chagee vốn nổi tiếng nhờ cách làm marketing độc đáo có thể hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp như KOI Thé, Gong Cha,… tại Việt Nam.

Mới đây trên Linkedin xuất hiện thông tin tuyển dụng HR, marketing và quản lý dự án cho Chagee tại Việt Nam. Điều này cho thấy chuỗi trà sữa Trung Quốc đang tiến hành những bước đi để mở chuỗi tại thị trường này.

Chagee là một thương hiệu trà sữa nổi tiếng tại Trung Quốc, ra đời năm 2017 ở Vân Nam. Theo giới thiệu, Chagee được thành lập bởi một nhóm những người đam mê trà và có thế mạnh kinh doanh, muốn thử sức với loại đồ uống đang có nhiều cạnh tranh. Trà sữa Chagee mang nét pha trộn giữa hương vị truyền thống và hiện đại mang đến cho người dùng những trải nghiệm độc đáo về hương vị.

Tại thị trường Trung Quốc, Chagee có mặt ở nhiều thành phố lớn và bắt đầu mở rộng sang Malaysia, Thái Lan và Singapore. Hiện nay, số lượng cửa hàng trên toàn cầu của hãng vượt 4.500 điểm bán.

Chagee có gì đặc biệt?

Sự cam kết về chất lượng, đổi mới trong trải nghiệm người dùng, ly trà ấn tượng từ bao bì tới hương vị,…Đó chưa phải là tất cả đưa Chagee thành một thương hiệu trà sữa “bá vương” tại Trung Quốc và nổi đình nổi đám trên toàn cầu

Định hướng phân khúc khách hàng và sản phẩm ở tầm cao cấp nên mỗi nguồn nguyên liệu đều được trà sữa Chagee chọn lọc kỹ càng. Thực đơn của thương hiệu trà sữa này đa dạng là sự kết hợp giữa các loại trà truyền thống của Trung Quốc và cách pha chế hiện đại với nhiều topping mới lạ đi kèm. Từ trà ô long đến trà lài và các loại trà trái cây khác đều đáp ứng được yêu cầu khó tính về khẩu vị của khách hàng.

Thương hiệu này rất chú trọng xây dựng hình ảnh, níu chân khách hàng bằng lối thiết kế cửa hàng hiện đại kết hợp với văn hóa trà Trung Quốc.

Một điểm đặc biệt hơn nữa của thương hiệu này là chiếc ly giấy trà sữa mang nét hoa văn rất giống với những thiết kế của chiếc túi xách mang thương hiệu Dior. Vì vậy chúng có vẻ ngoài bắt mắt và được nhiều người quan tâm.

Tuy nhiên, sự phát triển vượt bậc của thương hiệu nằm ở khả năng mở rộng và thâm nhập thị trường. Chỉ một năm sau khi ra mắt cửa hàng đầu tiên ở Vân Nam, tháng 10/2018, công ty đã thành lập bộ phận kinh doanh ở nước ngoài, tập trung chủ yếu vào thị trường Đông Nam Á.

Tháng 8/2019, công ty mở cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại Kuala Lumpur, Malaysia. Thương hiệu này phát triển nhanh chóng và nhanh chóng có hơn 100 cửa hàng tại Malaysia.

Sau 5 năm, Chagee ra khỏi Vân Nam, tiếp tục hạ cánh ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Chiết Giang, Quảng Đông, Giang Tô, An Huy, Quý Châu, Hà Nam, Thiểm Tây, Sơn Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Tây Tạng, Phúc Kiến và các khu vực khác. Đồng thời, thương hiệu mở hơn 70 cửa hàng tại các quốc gia như Malaysia, Thái Lan và Singapore.

Chuỗi luôn ưu tiên mở các cửa hàng tại các khu vực đô thị có mật độ giao thông cao để tận dụng lượng người qua lại và khả năng quảng cáo thương hiệu.

Mặt khác, tính nhất quán về chất lượng sản phẩm trên tất cả các cửa hàng, điều chỉnh thực đơn để đáp ứng sở thích của địa phương, bắt kịp xu hướng và sở thích người dùng, tiếp cận các nền tảng kỹ thuật số trong tiếp thị và đặt hàng,…đều là những yếu tố quan trọng đưa Chagee trở thành thương hiệu trà hàng đầu trên thế giới.

Khả năng mở rộng thần tốc

Một trong những động lực cho Chagee mở rộng nhanh và tạo thành xu hướng đó là quản lý chuỗi cung ứng. Trong đó, Chagee ưu tiên mua nguyên liệu tại chính thị trường sở tại, giúp rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguyên liệu luôn tươi ngon.

Chuỗi áp dụng mô hình bếp trung tâm để mua, chế biến và phân phối nguyên liệu theo cách thống nhất. Điều này đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và tăng hiệu quả hoạt động.

Chageei sử dụng công nghệ số để quản lý chuỗi cung ứng theo thời gian thực, giúp tăng cường minh bạch và phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường. Đồng thời xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài và ổn định với các nhà cung cấp, giúp đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng tốt, đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm mới.

Cuối cùng là kênh phân phối, Chagee phát triển nhiều kênh bán hàng, bao gồm cửa hàng trực tiếp, cửa hàng nhượng quyền và kênh bán hàng online, giúp mở rộng mạng lưới và đáp ứng nhu cầu đa dạng.

Để đáp ứng xu hướng tiêu dùng lành mạnh, Chagee Ji đã giới thiệu “thẻ ID sản phẩm” trong ứng dụng, cung cấp thông tin về thành phần của hơn 30 sản phẩm. Thương hiệu cũng ra mắt tính năng “kiểm soát đường” và “tính calo” để người tiêu dùng dễ dàng theo dõi lượng calo trong các loại trà sữa.

Những sáng kiến này giúp Chagee khác hẳn so với những tên tuổi trà sữa giá rẻ khác trên thị trường. Năm ngoái, họ đã bán hơn 230 triệu ly trà sữa, trung bình mỗi cửa hàng bán 24.000 ly trà mỗi tháng.

Dự kiến Chagee sẽ mua khoảng 15 triệu kg lá trà trong năm 2024. Trong ba tháng đầu năm, Chagee đã đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) lên đến 5,8 tỷ nhân dân tệ, và dự kiến cả năm sẽ vượt 20 tỷ nhân dân tệ.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh