Skip to main content

Thẻ: facebook là gì

Facebook là gì? Tìm hiểu toàn diện về mạng xã hội Facebook

Cùng tìm hiểu tất cả các nội dung về mạng xã hội Facebook như: Facebook là gì? Lịch sử hình thành của mạng xã hội Facebook? Những tính năng chính của Facebook là gì? Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook và hơn thế nữa.

facebook là gì
Facebook là gì? Tìm hiểu về mạng xã hội lớn nhất thế giới

Facebook là gì? Facebook là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu với khoảng 3 tỷ người dùng tính đến năm 2022. Cùng với các nền tảng mạng xã hội khác như Instagram, LinkedIn, WhatsApp, TikTok hay Twitter, Facebook nằm trong một bức tranh tổng thể lớn hơn là mạng xã hội (Social Networks) với quy mô hơn 5 tỷ người dùng toàn cầu đến năm 2022.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Facebook là gì?
  • Mạng xã hội là gì?
  • Lịch sử hình thành của mạng xã hội Facebook.
  • Những tính năng chính hiện có trên Facebook là gì?
  • Facebook hoạt động như thế nào hay cách sử dụng Facebook ra sao.
  • Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook.
  • Facebook phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
  • Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.
  • Facebook (Meta) Business Manager là gì?
  • Facebook (Meta) Business Suite là gì?
  • Facebook Ads là gì?
  • FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng Facebook.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Facebook là gì?

Facebook là mạng xã hội (Social Network) thuộc Meta Platforms Inc (trước đây là Facebook Platforms Inc), là một công ty truyền thông xã hội có trụ sở chính tại Menlo Park, California, Mỹ.

Mặc dù không phải là mạng xã hội đầu tiên trên thế giới, tính đến năm 2022, Facebook là nền tảng mạng xã hội lớn nhất toàn cầu với khoảng 3 tỷ người dùng.

Theo số liệu từ Statista, tính đến năm 2022, Facebook có khoảng gần 3 tỷ người dùng (MAU) toàn cầu, trong đó Ấn Độ, Mỹ và Indonesia là 3 thị trường lớn nhất.

Không giống như TikTok là nền tảng video ngắn giải trí hay Instagram chuyên về chia sẻ hình ảnh, mạng xã hội Facebook có thể được gọi là “nền tảng mạng xã hội tích hợp”, nơi người dùng có thể kết nối với bạn bè, trò chuyện, giải trí, tìm kiếm thông tin, phục vụ công việc chuyên nghiệp, hay cả việc kinh doanh.

Mạng xã hội là gì?

Thuật ngữ mạng xã hội (Social Network) đề cập đến việc sử dụng các trang web hay ứng dụng truyền thông xã hội (Social Media Sites, platforms) để kết nối với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp dựa trên môi trường chính là Internet (trực tuyến).

Mạng xã hội có thể được sử dụng với mục đích xã hội, giải trí, mục đích kinh doanh và hơn thế nữa tuỳ vào từng bối cảnh cụ thể.

Tính đến năm 2022, Facebook (thuộc Meta) là mạng xã hội lớn nhất và phổ biến nhất toàn cầu với gần 3 tỷ người dùng. Bên cạnh Facebook, một số nền tảng mạng xã hội lớn khác có thể kể đến như Instagram, YouTube, TikTok hay Twitter.

Tổng số lượng người dùng mạng xã hội toàn cầu hiện là khoảng hơn 5 tỷ người.

Để có thể tìm hiểu toàn diện về khái niệm mạng xã hội cũng như các nội dung liên quan, bạn có thể xem tại: mạng xã hội là gì

Lịch sử hình thành của mạng xã hội Facebook.

Về mặt tổng thể, lịch sử của Facebook có thể được chia thành 6 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1:  Hình thành, đổi tên và nhận được đầu tư.
  • Giai đoạn 2: Chính thức giới thiệu ra công chúng và bắt đầu tăng trưởng.
  • Giai đoạn 3: IPO và đạt 1 tỷ người dùng đầu tiên.
  • Giai đoạn 4: Sửa đổi giao diện và thuật toán.
  • Giai đoạn 5: Cơ cấu lại tầm nhìn của doanh nghiệp.
Giai đoạn 1:  Hình thành, đổi tên và nhận được đầu tư (2003-2006).

Vào năm 2003, tiền thân của mạng xã hội Facebook ngày nay có tên là “FaceMash” chính thức được hình thành bởi ý tưởng của nhà sáng lập Mark Zuckerberg, khi anh đang theo học tại Đại học Harvard.

Cái tên FaceMash được lấy ý tưởng từ website “Hot or Not” (hotornot.com), một website cho phép người dùng đánh giá “độ hot” của hình ảnh, cụ thể là người dùng sẽ được hỏi và bình chọn đâu là hình ảnh “Hot nhất”.

FaceMash đã thu hút 450 người truy cập và 22.000 lượt xem ảnh trong bốn giờ đầu tiên.

Website này sau đó đã được gửi đến một số nhóm trong trường, nhưng chỉ sau vài ngày, nó đã bị ban quản trị Harvard “cấm cửa”.

Mark Zuckerberg khi này phải đối mặt với việc bị trục xuất và bị buộc tội vi phạm bảo mật, vi phạm bản quyền và vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Vào tháng 1 năm 2004, Zuckerberg đã viết một website mới, được gọi là “TheFacebook” với ý tưởng chủ đạo là tạo nên một website tập trung (centralized Website), thứ có thể mang lại rất nhiều lợi ích.

Zuckerberg tiếp đó đã gặp một vài sinh viên khác tại Harvard để kêu gọi đầu tư, và mỗi người trong số họ sau đó đã đồng ý đầu tư 1.000 USD.

Vào ngày 4 tháng 2 năm 2004, Zuckerberg ra mắt “TheFacebook” với tên miền (domain) chính thức là thefacebook.com.

Về bản chất, TheFacebook hoạt động như một thư viện trực tuyến nội bộ, nơi cho phép các sinh viên trong trường kết nối với nhau.

Vào tháng 3 năm 2004, TheFacebook được mở rộng sang các trường danh tiếng khác như Columbia, Stanford và Yale. Sau đó là Ivy League, Đại học Boston, NYU, MIT, và tiếp nữa là hầu hết các trường đại học tại Mỹ và Canada.

Vào giữa năm 2004, TheFacebook đã nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ người đồng sáng lập của PayPal, Peter Thiel.

Vào năm 2005, TheFacebook được đổi tên thành Facebook sau khi nền tảng này mua lại tên miền Facebook.com với giá 200.000 USD.

Vào tháng 5 năm 2005, Accel Partners đã đầu tư 12,7 triệu USD vào Facebook.

Giai đoạn 2: Chính thức giới thiệu ra công chúng và bắt đầu tăng trưởng (2006-2012).

Vào tháng 9 năm 2006, Facebook chính thức ra mắt nền tảng tới công chúng, cho phép tất cả mọi người ít nhất từ 13 tuổi và có địa chỉ email hợp lệ sử dụng.

Vào cuối năm 2007, Facebook đã có khoảng 100.000 Trang (Page hay Fanpage), nơi các tổ chức hay nhà quảng cáo có thể sử dụng để khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.

Vào tháng 10 năm 2007, Microsoft thông báo rằng công ty này đã mua lại 1,6% cổ phần của Facebook với giá 240 triệu USD, giá trị của Facebook đạt mức khoảng 15 tỷ USD.

Vào thời gian này, Facebook cũng bắt đầu sửa đổi khá nhiều lại giao diện của mình.

Vào tháng 11 năm 2010, theo SecondMarket Inc, giá trị của Facebook là 41 tỷ USD, vượt qua cả gã khổng lồ thương mại điện tử lúc bấy giờ là eBay, và là website lớn thứ 3 của Mỹ sau Google và Amazon.com.

Vào tháng 3 năm 2011, Facebook cho biết đã xóa khoảng 20.000 tài khoản mỗi ngày vì vi phạm điều khoản của nền tảng như spam, không đủ độ tuổi sử dụng và hơn thế nữa.

Thống kê cho thấy Facebook đã đạt 1.000 tỷ lượt xem trang (pageviews) trong tháng 6 năm 2011 và là website được truy cập nhiều thứ 2 ở Mỹ sau Google (Theo Nielsen).

Giai đoạn 3: IPO và đạt 1 tỷ người dùng đầu tiên (2012-2013).

Vào ngày 17 tháng 5 năm 2012, Facebook chính thức IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) với giá mỗi cổ phiếu là 38 USD. Facebook được định giá 104 tỷ USD.

Vào đầu tháng 10 năm 2012, Facebook thông báo nền tảng có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (MAU), bao gồm khoảng 600 triệu người dùng di động, 219 tỷ lượt tải lên ảnh và 140 tỷ kết nối bạn bè (Friend Connections).

Giai đoạn 4: Sửa đổi giao diện và thuật toán (2013-2020).

Vào tháng 1 năm 2013, Facebook ra mắt Facebook Graph Search, một công cụ tìm kiếm theo ngữ nghĩa của Facebook, khi người dùng nhập vào thanh tìm kiếm một từ khoá nào đó, công cụ sẽ trả về các câu trả lời “chính xác” thay vì là một loạt các liên kết (link) mà người dùng phải nhấp vào rồi xem thêm.

Vào tháng 6, tính năng hashtag (thẻ hashtag) chính thức được giới thiệu, người dùng có thể thêm thẻ hashtag vào nội dung bài đăng hoặc sử dụng nó để tìm kiếm các bài đăng khác có cùng hashtag đó.

Tính đến tháng 6 năm 2014, điện thoại di động chiếm 62% doanh thu quảng cáo của Facebook, tăng 21% so với năm trước. Đến tháng 9 cùng năm, vốn hóa thị trường của Facebook đã vượt quá 200 tỷ USD.

Giai đoạn 5: Cơ cấu lại tầm nhìn của doanh nghiệp (2020 đến nay).

Vào tháng 6 năm 2021, Facebook công bố Bulletin, một nền tảng xuất bản nội dung trực tuyến dành cho những người biên tập hay nhà sáng tạo nội dung tự do.

Không giống với các đối thủ cạnh tranh như Substack, Facebook không cắt hay giữ lại một phần doanh thu từ những người này (phí subscription).

Vào tháng 10 năm 2021, Facebook, Inc. đã được đổi tên thành Meta Platforms, Inc. nhằm mục tiêu hướng tới vũ trụ ảo Metaverse.

Vào tháng 11 năm 2021, Facebook tuyên bố sẽ ngừng việc nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên các dữ liệu liên quan đến sức khỏe, chủng tộc, dân tộc, niềm tin chính trị, tôn giáo và khuynh hướng giới tính.

Vào tháng 2 năm 2022, lượng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU) của Facebook lần đầu tiên sụt giảm sau hơn 18 năm. Theo Meta, công ty mẹ của Facebook, DAU đã giảm xuống chỉ còn khoảng gần 2 tỷ người dùng.

Những tính năng chính hiện có trên Facebook là gì?

Những tính năng chính hiện có trên Facebook là gì?
Những tính năng chính hiện có trên Facebook là gì?

Cũng tương tự như các nền tảng mạng xã hội khác, bên cạnh các tính năng cơ bản của một nền tảng mạng xã hội, Facebook cũng có nhiều tính năng mà các nền tảng khác không có.

Dưới đây là một số tính năng chính mà người dùng có thể thực hiện trên mạng xã hội Facebook (có thể hành động sau khi đăng ký tài khoản).

  • Post – Đăng bài.

Khác với TikTok, khi người dùng chỉ có thể đăng video hay với Instagram, chủ yếu là hình ảnh, người dùng Facebook có thể đăng tải video, hình ảnh, văn bản hay cả liên kết (link).

  • Hashtag – Gắn thẻ cho bài đăng.

Như đã có đề cập trong các phần ở trên, hashtag là tính năng mà người dùng có thể sử dụng trong các bài đăng để nội dung được khám phá nhiều hơn, hoặc cũng có thể sử dụng nó để tìm kiếm hay theo dõi các chủ đề cụ thể.

Để sử dụng hay tìm kiếm các thẻ hashtag, người dùng chỉ cần thêm dấu thăng # vào ngay trước cụm từ, ví dụ #marketingtrips hay #marketing, lưu ý không sử dụng khoảng trắng.

  • Facebook Watch.

Là nơi người dùng có thể khám phá tất cả các nội dung video trên nền tảng. Facebook cũng chia Facebook Watch thành các phần (tab) khác nhau như Gaming (video về game), Following (video từ các Trang mà người theo dõi) hay For You, nơi mà nền tảng sẽ đề xuất các video mà người dùng có thể thích.

  • Add Friend.

Add Friend có thể nói là một trong những tính năng phổ biến nhất khi nói đến các nền tảng mạng xã hội nói chung và đặc biệt là Facebook.

Nếu như người dùng chỉ có thể “Follow” nhau trên TikTok thì với Facebook, đa phần mọi người sẽ muốn “kết bạn” với nhau, hiện Facebook giới hạn mỗi người chỉ có tối đa 5000 “bạn bè”, những tài khoản sau ngưỡng này sẽ chuyển thành “Following”.

  •  Stories (Câu chuyện).

Cũng tương tự Instagram Stories, Facebook Stories là phần mà người dùng có thể đăng các Câu chuyện ngắn của mình, họ cũng có thể chỉnh sửa, thêm hiệu ứng vào hình ảnh trước khi đăng. Stories sẽ tự động biến mất sau 24h kể từ khi đăng.

Facebook hoạt động như thế nào hay cách sử dụng Facebook ra sao.

Một khi bạn đã hiểu thực sự Facebook là gì, bạn có thể cần tìm hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của mạng xã hội này.

Sau khi đăng ký tài khoản (sẽ được đề cập trong các phần tiếp theo bên dưới) và thêm các thông tin cho tài khoản của mình, người dùng có thể bắt đầu kết bạn, đăg bài, tương tác với các thương hiệu hay người dùng khác trên nền tảng và hơn thế nữa.

Về bản chất, vì là mạng xã hội, ứng dụng Facebook hoạt động tương tự các nền tảng khác như Instagram hay TikTok, tuỳ vào từng sở thích hay hành vi của người dùng mà thuật toán của nó sẽ đề xuất những nội dung khác nhau.

Tuỳ vào từng mục đích khác nhau, người dùng có thể sử dụng mạng xã hội Facebook để tương tác với bạn bè, để tìm kiếm thông tin, để theo dõi các thương hiệu mình yêu thích, để bán hàng và nhiều công việc khác.

Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook.

Một khi đã có thể thấu hiểu Facebook là gì và nhận thấy nó phù hợp với bạn, bạn có thể bắt đầu đăng ký và sử dụng mạng xã hội với gần 3 tỷ người dùng này thông qua các bước đơn giản bên dưới.

  • Bước 1: Truy cập https://www.facebook.com/ để bắt đầu điền thông tin đăng ký hoặc tải xuống ứng dụng trên iOS và Android.
Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook.
Cách đăng ký tài khoản và bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook.
  • Bước 2: Điền các thông tin như bạn có thể thấy ở trên.
  • Bước 3: Bấm chọn “Đăng ký”.
  • Bước 4: Xác nhận hoàn tất đăng ký qua email hoặc số điện thoại.
  • Bước 5: Hoàn thành việc đăng ký.

Facebook phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?

Facebook phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?
Facebook phân phối và xếp hạng nội dung dựa trên những thành phần chính là gì?

Về tổng thể, Facebook dựa trên 4 tín hiệu sau để phân phối và xếp hạng nội dung, hay nói cách khác đây là cách mà Facebook quyết định ai nên xem nội dung gì.

  • Relationship – Mối quan hệ giữa người đăng và người xem: Bài đăng đó có phải từ một người, doanh nghiệp, nguồn tin tức hoặc nhân vật công chúng mà người dùng thường tương tác hay không? Bạn càng tương tác nhiều từ một thương hiệu thì nội dung từ họ càng được ưu tiên hiển thị.
  • Content Type – Loại nội dung được đăng: Loại nội dung nào trong bài đăng và loại phương tiện truyền thông nào mà người dùng tương tác nhiều nhất? (là video, ảnh hay liên kết, v.v.). Facebook hiện ưu tiên hiển thị các kiểu nội dung theo thứ tự: video, hình ảnh, liên kết, và các bài đăng thuần về văn bản (text).
  • Popularity – Mức độ phổ biến của bài đăng: Những người đã xem bài đăng đó phản ứng với nó như thế nào? (Đặc biệt là bạn bè của bạn). Có phải họ đang chia sẻ nó, bình luận về nó, bỏ qua nó, hay tỏ ra không đồng tình với nó hay không? Những nội dung càng được nhiều người tương tác (đặc biệt là bạn bè của bạn) thì càng có cơ hội được hiển thị nhiều hơn.
  • Recency – Mức độ mới mẻ của nội dung: Bài đăng đó được đăng khi nào? Bài đăng càng mới thì càng được ưu tiên hiển thị.

Lượng người dùng và doanh số của một số mạng xã hội lớn toàn cầu như Instagram, Facebook, YouTube, LinkedIn, TikTok và Twitter.

  • Instagram – khoảng 1.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 50 tỷ USD.
  • Facebook – khoảng gần 3 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng 120 tỷ USD.
  • YouTube – khoảng hơn 2.5 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là khoảng gần 30 tỷ USD.
  • LinkedIn – khoảng 800 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 rơi vào khoảng 10 tỷ USD.
  • TikTok – hơn 1 tỷ người dùng với doanh thu năm 2021 là hơn 5 tỷ USD.
  • Twitter – hơn 350 triệu người dùng với doanh thu năm 2021 là gần 5 tỷ USD.

Facebook (Meta) Business Manager là gì?

Là trình quản lý doanh nghiệp của Facebook, nơi nhà quảng cáo có thể quản lý tất cả các tài sản quảng cáo của doanh nghiệp trên hệ sinh thái Facebook.

Đó có thể là các Trang (Page) được doanh nghiệp quản lý, các tài khoản quảng cáo (Ad Account), phương thức thanh toán, thông tin về doanh nghiệp, các tệp đối tượng mục tiêu và hơn thế nữa.

Bạn có thể bắt đầu đăng ký và sử dụng Facebook Business Manager tại: https://business.facebook.com/

Facebook (Meta) Business Suite là gì?

Facebook đóng vai trò như công cụ quản lý các tác vụ trên Facebook, sau khi tuy cập vào công cụ, bạn có thể sử dụng trình công cụ này để đăng bài, quản lý các nội dung bài đăng, đặt lịch đăng bài hay quản lý phần tin nhắn.

Bạn có thể bắt đầu đăng ký và sử dụng Facebook Business Suite tại: https://www.facebook.com/business/tools/meta-business-suite

Facebook Ads là gì?

Facebook Ads hay quảng cáo Facebook là một hình thức quảng cáo trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Facebook, thuộc sở hữu của Meta Inc.

Cũng tương tự các nền tảng quảng cáo khác như Google hay TikTok, quảng cáo trên Facebook là hình thức quảng cáo có trả phí (Paid Ads), tức nhà quảng cáo phải trả tiền để được hiển thị nội dung quảng cáo tới các nhóm đối tượng mục tiêu mong muốn.

Điểm khác biệt thú vị của Facebook Ads so với Google Ads là trong khi với Google Ads, nhà quảng cáo chỉ phải trả phí khi có ai đó nhấp vào hay tương tác với quảng cáo (PPC), với Facebook Ads, nhà quảng cáo phải trả phí ngay cả khi không có bất kì ai tương tác với các nội dung quảng cáo (CPM).

Facebok Ads Manager là gì?

Là trình quản lý quảng cáo của Facebook, nơi nhà quảng cáo có thể khởi chạy tất cả các chiến dịch quảng cáo trên tất cả các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram, Messenger hay Audience Network.

Bạn có thể truy cập trình quản lý quảng cáo của Facebook tại: https://business.facebook.com/adsmanager

Facebook Pixel là gì?

Còn được gọi là Meta Pixel, Facebook Pixel là một đoạn mã (code) của Facebook mà các nhà quảng cáo có thể sử dụng để đặt lên website của mình với mục tiêu chính là thu thập dữ liệu từ các chiến dịch Facebook Ads (quảng cáo Facebook).

facebook pixel là gì
Facebook Pixel là gì?
Định dạng của Facebook Pixel.

Thông thường, các nhà quảng cáo sẽ sử dụng Facebook Pixel để đo lường các hành động của người dùng sau khi nhấp vào quảng cáo, tối ưu hoá các chiến dịch quảng cáo dựa trên từng chuyển đổi có được hay xây dựng các tệp khách hàng tiềm năng để tiếp thị lại (re-marketing) trong tương lai.

Bạn có thể truy cập Facebook từ trong trình quản lý quảng cáo cá nhân (Ad Manager) hoặc trình quản lý doanh nghiệp (Business Manager).

FAQs – Một số câu hỏi thường gặp với mạng xã hội hay ứng dụng Facebook.

  • Facebook ID là gì?

Cũng tương tự như Twitter ID hay Instagram ID, Facebook ID là phần nhận diện tài khoản và do đó nó là duy nhất cho từng tài khoản. Bạn có thể sử dụng nó để tìm kiếm hay chia sẻ tài khoản.

Như bạn có thể thấy, phần nội dung “MarketingTripsVietnam” chính là Facebook ID, phần này là duy nhất trên Facebook, nghĩa là sẽ không có bất cứ tài khoản nào khác được sử dụng lại ID này.

  • Via Facebook là gì?

Cũng là tài khoản cá nhân trên Facebook (Profile), tuy nhiên thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu cho những Facebooker hay Nhà quảng cáo với mục tiêu gian lận hoặc lạm dụng.

Thay vì sử dụng một tài khoản “chính thống”, họ đăng ký nhiều “tài khoản ảo” (chính là Via Facebook) để sử dụng cho mục đích quảng cáo (đăng ký và sở hữu nhiều tài khoản quảng cáo) và tương tác (ảo, seeding).

  • Facebook Reels là gì?

Là tính năng video ngắn của Meta. Hiện Reels khả dụng trên cả Facebook lẫn Instagram.

  • Facebook Marketing là gì?

Là khái niệm bao gồm tất cả các hoạt động Marketing trên nền tảng Facebook.

  • Facebook Page hay Fanpage là gì?

Là Trang trên Facebook, công cụ các thương hiệu có thể sử dụng để đăng bài và chạy quảng cáo cho các sản phẩm và dịch vụ của họ. Ngược lại với Page là Profile hay tài khoản cá nhân, bạn không thể chạy quảng cáo với kiểu tài khoản này.

  • Link Facebook là gì?

Là đường dẫn (URL) tới một tài khoản cá nhân hay Trang nào đó, ví dụ https://www.facebook.com/MarketingTripsVietnam chính là Link Facebook của MarketingTrips Page.

  • Tường Facebook hay Facebook Wall là gì?

Chính là toàn bộ phần nội dung có trên giao diện chính của trang cá nhân của một tài khoản Facebook (Profile) nào đó. Tất cả các nội dung mà người dùng chia sẻ và đăng lên Facebook sẽ nằm ở đây.

Kết luận.

Khi mạng xã hội được xem là xu hướng giải trí, mua sắm và hơn thế nữa, các nền tảng như Facebook hay TikTok sẽ tiếp tục là điểm đến ưu tiên của người dùng.

Với tư cách là người làm marketing, bằng cách hiểu rõ bản chất của facebook là gì, nó có những tính năng gì hay nên làm gì để tối ưu nội dung trên ứng dụng, bạn có thể sử dụng Facebook một cách hiệu quả hơn và có nhiều lợi thế hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Nguồn: MarketingTrips