Skip to main content

Thẻ: Golden Gate

CEO Golden Gate: Đã sẵn sàng IPO và không chịu sức ép từ nhà đầu tư

Ông Đào Thế Vinh – CEO Golden Gate tỏ ra lạc quan về thị trường chuỗi nhà hàng tại Việt Nam trong năm 2024, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh về việc doanh nghiệp cần những thay đổi lớn và quyết liệt để sẵn sàng cho nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.

Với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, nhà máy thực phẩm thứ hai của Golden Gate tại Khu công nghiệp Thạch Thất có diện tích rộng gần 2ha đã chính thức đi vào hoạt động với 3 dây chuyền sản xuất gồm: cốt canh, kem và đồ viên.

Ông Đào Thế Vinh – CEO Golden Gate gọi đây là bước chuyển mình của doanh nghiệp, khi hệ sinh thái Golden Gate đang dần được hoàn thiện, từ sơ chế, chế biến cho tới phục vụ tại bàn ở các nhà hàng ăn uống.

Tất nhiên, để có thể từng bước làm chủ quy trình khép kín này, vị CEO cho biết Golden Gate đã phải trải qua giai đoạn “cắt tỉa cành khô” một cách dứt khoát và coi đây là động lực để doanh nghiệp sẵn sàng cho những nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.

Ban lãnh đạo Golden Gate đánh giá thế nào về năm 2023 vừa qua, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: Xét về hiệu quả kinh doanh, Golden Gate đã đạt được 80% doanh thu so với trước đây, nhưng về mục tiêu lợi nhuận thì còn xa. Năm 2023 có thể xem là một cú sốc với nhiều doanh nghiệp, khi quý 1/2023 bắt đầu với đầy hứng khởi, thì giai đoạn sau đó nền kinh tế lại bước vào suy thoái.

Tuy nhiên, bối cảnh này đã giúp chúng tôi học được cách thích nghi và thu được nhiều lợi ích từ tình thế khó khăn. Cụ thể, đây là cơ hội để Golden Gate tập trung hơn vào thế mạnh cốt lõi, cũng như nhìn lại những điểm kinh doanh chưa đạt hiệu quả.

Năm vừa qua, ai cũng nói về hành động “cắt tỉa cành khô” trong kinh doanh chuỗi. Nhưng để hành động này dứt khoát, thì cần một cú hích, và năm 2023 là thời điểm tốt.

Như Golden Gate, nếu nhìn vào các chỉ số bên ngoài, chắc chắn sẽ chưa thấy ngay kết quả. Nhưng bên trong, chúng tôi đã có nhiều thay đổi lớn để sẵn sàng cho những nhịp phục hồi tiếp theo của nền kinh tế.

Một trong những thay đổi bên trong của Golden Gate có phải là việc đầu tư vào nhà máy thực phẩm thứ hai tại Khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: Với Golden Gate, quyết định đầu tư nhà máy ở thời điểm này là một hành động thực sự quyết liệt. Chúng tôi coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai với tầm nhìn 20-30 năm.

Tôi cho rằng, thời điểm đầu tư nhà máy không quá quan trọng, vì việc mở rộng là tất yếu với một chuỗi nhà hàng. Khi càng mở rộng quy mô, thì càng cần đầu tư cho công nghệ. Và quá trình này xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp, chứ không riêng Golden Gate.

Ban lãnh đạo Golden Gate đã kì vọng gì vào nhà máy mới này, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: Trước hết, nhà máy mới sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của Golden Gate, còn xa hơn là mở rộng ra các mảng khác.

Cách đây 8 năm, chúng tôi đã có thương hiệu iCook, với ý tưởng mang cả nhà hàng về tới bếp ăn trong gia đình. Tuy nhiên, iCook lại không phải ưu tiên của Golden Gate trong giai đoạn trước đó.

Thời gian gần đây, chúng tôi đã tập trung cho iCook nhiều hơn. Thương hiệu này hiện đã có mặt tại nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại. Chúng tôi kì vọng mảng thực phẩm đóng gói sẽ đóng góp 30-50% vào doanh thu chung của Golden Gate trong tương lai.

Kì vọng mảng thực phẩm đóng gói tăng trưởng có đồng nghĩa dư địa phát triển cho mảng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng đang thu hẹp lại không, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: Thực tế hoàn toàn ngược lại. Theo báo cáo gần đây của iPos.vn, số lượng chuỗi nhà hàng ở Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 5% trên tổng số nhà hàng toàn thị trường, nên dư địa mảng này còn rất lớn.

Ngoài ra, nếu chúng ta để ý đến quá trình đô thị hóa ở Việt Nam, thì tỉ lệ này vẫn còn thấp so với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc. Do đó, tôi tin chắc chắn sẽ còn nhiều cơ hội cho các chuỗi bán lẻ phát triển, bao gồm cả lĩnh vực chuỗi nhà hàng.

Khi tình thế khó khăn hiện tại qua đi, xu hướng phát triển của các chuỗi nhà hàng tại Việt Nam sẽ còn mở ra nhiều dư địa mới.

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, Golden Gate có chịu sức ép từ các quỹ đầu tư đã rót vốn vào doanh nghiệp?

Ông Đào Thế Vinh: Chúng tôi may mắn có các đối tác đầu tư đồng hành thực sự hiểu biết về ngành và thị trường, nên Golden Gate hiện không chịu sức ép nào.

Một trong những động lực phát triển của chúng tôi đến từ yếu tố chất lượng, chứ không phụ thuộc vào các KPI, hay những điều kiện vô lý.

Vậy còn kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán của Golden Gate thì sao, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: Về mặt kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc này từ lâu, nhưng về mặt thời điểm thì còn phụ thuộc vào thị trường, cũng như ý kiến của các cổ đông.

Quan điểm của các nhà sáng lập Golden Gate là chúng tôi hiện không có nhu cầu thoái vốn, nên thời điểm doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán là không quá quan trọng.

Thời điểm năm 2023, nhiều chuỗi bán lẻ đã rơi vào cuộc chiến về giá. Các chuỗi nhà hàng của Golden Gate có trải qua cuộc chiến này?

Ông Đào Thế Vinh: Chắc chắn là có, bởi doanh nghiệp nào cũng cần giữ chân khách hàng. Nhưng khác với các doanh nghiệp bán lẻ một sản phẩm cụ thể, Golden Gate là doanh nghiệp bán lẻ dịch vụ.

Tại đây, cuộc chiến về giá đã biến thành cuộc chiến về “giá trị”, bao gồm cách doanh nghiệp chăm sóc khách hàng, cung cách phục vụ và tạo ra cảm xúc.

Golden Gate có phải cạnh tranh với các thương hiệu ngoại không, thưa ông?

Ông Đào Thế Vinh: (cười) Bất kì thương hiệu ngoại nào gia nhập Việt Nam và đạt được thành công, chúng tôi đều chúc mừng họ. Vì ngay ở những mảng mà họ tham gia, thị phần của Golden Gate đều có sự tăng trưởng. Đây là một ví dụ điển hình của câu chuyện nếu thị trường phát triển, tất cả doanh nghiệp đều hưởng lợi.

Cá nhân tôi không thích sự so sánh, mà chỉ muốn tập trung vào việc doanh nghiệp cần cố gắng làm thật tốt, để đạt được vị thế. Chúng tôi không hề lo lắng, mà cảm thấy sân chơi này rất thú vị, vì điều đó chứng tỏ thị trường chung sẽ tốt lên.

Để không phải cảm thấy “lo lắng” khi có sự cạnh tranh, ông có thể chia sẻ phương pháp quản trị tại Golden Gate?

Ông Đào Thế Vinh: Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng doanh nghiệp luôn cần định sẵn các kế hoạch kinh doanh, nhưng quy trình lên các kế hoạch này cần phải ngắn lại, vì chúng ta không thể biết trước được những diễn biến tiếp theo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần để mắt tới yếu tố dòng tiền. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã phá sản không phải vì thua lỗ, mà phá sản vì không có dòng tiền.

Cuối cùng là đầu tư mạnh mẽ vào nội tại doanh nghiệp, bao gồm công nghệ, văn hóa, kĩ năng, con người. Đồng thời tìm cách tinh gọn bộ máy, tổ chức…

Khi thị trường thuận lợi, doanh nghiệp chủ yếu đầu tư mở rộng kinh doanh. Nên trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào nội tại doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo The Leader

Golden Gate mua lại nhà hàng Sumibi Việt Nam

Điều đáng chú ý là Sumibi Việt Nam – doanh nghiệp mới được Golden Gate thâu tóm chỉ được thành lập từ tháng 11/2023, với hoạt động kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Golden Gate mua lại nhà hàng Sumibi Việt Nam
Golden Gate mua lại nhà hàng Sumibi Việt Nam

Công ty CP Tập đoàn Golden Gate đã công bố nghị quyết HĐQT về việc phê duyệt mua 79,9% cổ phần của Công ty CP Sumibi Việt Nam, thời gian thực hiện trong 2023 hoặc 2024.

Điều đáng chú ý là Sumibi Việt Nam mới được thành lập từ tháng 11/2023, do bà Vũ Thị Phương làm người đại diện pháp luật, có trụ sở đặt tại Ba Đình, Hà Nội, với hoạt động kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.

Như vậy, Golden Gate sẽ sớm bổ sung thêm một nhà hàng mới vào danh mục hơn 23 thương hiệu cùng hơn 450 nhà hàng trên gần 50 tỉnh thành, phục vụ hơn 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Trước Sumibi, tài liệu họp ĐHĐCĐ 2023 cũng nhắc tới một lĩnh vực mà Golden Gate mới tham gia gần đây, là “đồ ăn giao hàng”.

Theo tìm hiểu, đây là mảng kinh doanh có tên “GDeli” – bắt nguồn từ sáng kiến của Golden Gate trong bối cảnh đại dịch bùng phát, khách hàng không thể tới ăn trực tiếp các nhà hàng mà phải sử dụng dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nhà.

Điểm khác biệt của GDeli so với các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay, đó là Golden Gate chỉ phục vụ các món ăn, thức uống của thương hiệu F&B trực thuộc hệ thống công ty.

Các thương hiệu này bao gồm: Manwah, Gogi, Kichi-kichi, Ashima, Daruma, Yu Tang, Shogun, Icook,…

Cuối năm ngoái, Golden Gate cũng thông qua việc góp thêm 90 tỷ đồng vào Công ty TNHH Đầu tư Tây Hồ – Vĩnh Phúc. Được biết, đây là công ty do ông Trần Việt Trung – Chủ tịch HĐQT Golden Gate – làm tổng giám đốc.

Trước đó, Golden Gate đạt doanh thu 6.965 tỷ đồng trong năm 2022, gấp hơn 2 lần so với năm 2021. Lợi nhuận gộp về bán hàng của Golden Gate cũng tăng lên mức 4.314 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 58% tăng lên 62%.

Ngoài ra, Golden Gate cũng đẩy mạnh xây dựng công nghệ chuyển đổi số (các ứng dụng bán hàng, quản lý thông tin khách hàng, quản lý tài sản và quản lý vận hành nhà hàng) làm nền tảng cho việc nâng cao hiệu quả vận hành, chăm sóc khách hàng, tối ưu chi phí.

Ngoài ra, công ty đã bước vào những mảng kinh doanh mới như cung cấp suất ăn tại bệnh viện Bạch Mai, bổ sung ngành nghề cửa hàng tiện lợi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo The Leader

Chủ thương hiệu Gogi House, Kichi Kichi…đóng cửa 39 cửa hàng toàn quốc

“Gã khổng lồ” ngành F&B Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu như Gogi House, Kichi Kichi… cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Chủ thương hiệu Gogi House, Kichi Kichi...đóng cửa 39 cửa hàng toàn quốc
Chủ thương hiệu Gogi House, Kichi Kichi…đóng cửa 39 cửa hàng toàn quốc

HĐQT CTCP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa phê duyệt chấm dứt hoạt động 39 chi nhánh của Công ty tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.

HĐQT giao và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT Công ty hoặc người được Chủ tịch HĐQT ủy quyền quyết định thời gian cụ thể triển khai việc chấm dứt hoạt động của từng chi nhánh.

Theo giới thiệu trên website, Golden Gate được thành lập từ năm 2005, hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng gần 400 nhà hàng đa phong cách trên 40 tỉnh thành, phục vụ 18 triệu lượt khách hàng mỗi năm.

Một số chuỗi nhà hàng tiêu biểu của Golden Gate có thể kể đến như lẩu băng chuyền Kichi Kichi (lẩu tự chọn giá rẻ cho khách hàng trẻ), nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), nướng (Gogi House, Sumo BBQ), pizza cho giới trẻ (Cowboy Jack’s), chuỗi nhà hàng bia (Vuvuzela, Citybeer Station)…

Trong tháng 10/2022, Golden Gate đã khai trương cụm dịch vụ tiện ích gồm các dịch vụ căng tin, cà phê, siêu thị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Về kết quả kinh doanh, giai đoạn 2012-2019, Golden Gate đạt chỉ số kinh doanh cực kỳ ấn tượng: doanh thu tăng gấp 16 lần từ hơn 300 tỷ lên 4.776 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6,4 lần lên 255 tỷ đồng.

Năm 2021, do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19, Golden Gate lần đầu tiên lỗ 431 tỷ đồng. Năm 2022, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng 107,3% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là 375 tỷ đồng sau khi công ty có thêm sự tham gia của nhóm cổ đông từ Singapore.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Huyền Trang | Markettimes

Golden Gate sắp kinh doanh cửa hàng tiện lợi

Việc bổ sung ngành nghề cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh, khi bán lẻ vốn là thế mạnh của doanh nghiệp F&B hàng đầu này.

Golden Gate sắp kinh doanh cửa hàng tiện lợi
Golden Gate sắp kinh doanh cửa hàng tiện lợi

Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa công bố thông tin lấy ý kiến cổ đông về việc bổ sung 4 ngành nghề kinh doanh bao gồm: Hoạt động tư vấn quản lý; Bán lẻ nhiều loại mặt hàng trong cửa hàng tiện lợi (minimarket); Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, đồ tổng hợp khác qua website và ứng dụng điện thoại; Bán lẻ hình thức khác chưa được phân vào đâu.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng dự kiến đổi tên từ Công ty Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng thành Tập đoàn Golden Gate.

Đáng chú ý, việc bổ sung ngành nghề cửa hàng tiện lợi cho thấy tham vọng của Golden Gate trong việc vực lại hoạt động kinh doanh, khi bán lẻ vốn là thế mạnh của doanh nghiệp F&B hàng đầu này.

Thời gian gần đây, thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam được đánh giá là “sáng cửa” khi chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của nhiều thương hiệu như: Circle K, FamilyMart, GS 25, 7- Eleven, Ministop…

Cuối năm ngoái, GS25 – liên doanh giữa Tập đoàn Sơn Kim và GS Retail, vận hành hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi theo mô hình của Hàn Quốc được cân nhắc đầu tư khoảng 20 triệu USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới.

Sau 4 năm kể từ ngày ra mắt, GS25 là chuỗi có số lượng cửa hàng tiện lợi đứng thứ hai tại Việt Nam – khoảng 200 cửa hàng. Với việc Golden Gate có thể tham gia vào thị trường này, tới đây “cuộc đua” cửa hàng tiện lợi sẽ trở nên rất hấp dẫn.

Golden Gate được cho là đang nằm trong giai đoạn tái cấu trúc, sau khi có thêm sự xuất hiện của cổ đông ngoại với gần 33% vốn góp của nhà đầu tư cũ Prosperity Food Concepts và một phần nhỏ vốn góp của hai nhà đồng sáng lập công ty đã chuyển đổi sang cho nhóm cổ đông mới bao gồm Temasek; SeaTown Private Capital và Periwinkle.

Năm 2021, Golden Gate thu về 3.318 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 1.241 tỷ, tương ứng giảm 27,2% so với năm 2020. Công ty lỗ sau thuế hơn 430 tỷ đồng, trong khi năm 2020 có lãi hơn 64 tỷ. Đây cũng là lần đầu tiên công ty thua lỗ kể từ năm 2008.

Năm ngoái, Golden Gate đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 7.002 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 375 tỷ đồng và có lãi trở lại.

Trong đó, việc mở rộng quy mô các chuỗi cửa hàng ăn uống được xem là chiến lược cốt lõi. Ngoài các thương hiệu đã thành danh như: Kichi Kichi, Manwah, Gogi House…, Golden Gate đã bước chân vào một thị trường ngách mới là cơm suất bệnh viện với cụm dịch vụ Căng tin – Cà phê – Siêu thị tiện ích Benhvientot.vn.

Golden Gate hiện sở hữu hơn 22 thương hiệu cùng hơn 400 nhà hàng ở hơn 45 tỉnh thành. Lãnh đạo Golden Gate từng cho biết có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, nâng con số tổng cộng lên trên 1.000 điểm và hướng tới doanh thu 1 tỷ USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Việt Hưng

The Leader

Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu 6.878 tỷ đồng năm 2022

Vào năm 2021, doanh thu thuần bán hàng và dịch vụ của Golden Gate đạt hơn 3000 tỷ đồng và mục tiêu đạt hơn 6000 tỷ đồng trong năm 2022.

doanh thu golden gate
Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu 6.878 tỷ đồng năm 2022

Mới đây khi bị UBCKNN phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định, Golden Gate đang nhận được nhiều sự chú ý của không ít bên liên quan.

Theo đó, UBCKNN phạt Golden Gate 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán theo quy định. Doanh nghiệp này phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật.

Cụ thể vào năm 2021, Golden Gate đã thu hồi cổ phiếu của người lao động nghỉ việc làm cổ phiếu quỹ nhưng không báo cáo cơ quan quản lý.

UBCKNN yêu cầu chủ chuỗi Gogi, Vuvuzela, Manwah khắc phục hậu quả bằng cách nộp hồ sơ đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán cho Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con trong thời hạn tối đa 60 ngày. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/7.

Năm 2021, “ông trùm” lẩu nướng ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.317 tỷ đồng, giảm 27% so năm 2020.

Dù sụt giảm mạnh về doanh số nhưng tổng các chi phí kinh doanh vẫn còn lớn hơn 3.700 tỷ đồng. Điều này đã khiến Golden Gate ghi lỗ 431 tỷ đồng, lần đầu tiên kể từ khi công khai tài chính năm 2008 đến nay.

Năm nay, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 6.878 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thực hiện năm 2021; đồng thời công ty dự kiến có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế đạt 376 tỷ đồng.

Hiện nay, cơ cấu cổ đông của Golden Gate gồm: Công ty cổ phần Golden Gate Partners (44,22% cổ phần), Công ty TNHH Prosperity Food Concepts (32,92% cổ phần), ông Đào Thế Vinh (5,11% cổ phần), ông Trần Việt Trung (4,43% cổ phần), ông Nguyễn Xuân Tường (3,98% cổ phần), các cổ đông khác (8,53% cổ phần), cổ phiếu quỹ (0,81% cổ phần).

Golden Gate được thành lập năm 2008 với số vốn 32 tỷ đồng, sau khi mua Công ty Dịch vụ Thương mại Hoàng Thành.

Theo công bố trên website, Golden Gate sở hữu 22 thương hiệu như Manwah, isushi, Kichi-Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Ashima, Vuvuzela, Hutong… với 400 nhà hàng, hiện diện trên 40 tỉnh thành.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh  | MarketingTrips