Skip to main content

Thẻ: highlands

Vòng xoay thị trường F&B Việt Nam 2023: Phúc Long vươn lên vị trí thứ 2

Năm 2023 sẽ là một năm đầy khó khăn nữa cho các doanh nghiệp Việt, trừ mảng F&B. Highlands Coffee vẫn cấp tập mở quán và cả nhà máy trị giá 500 tỷ đồng, Starbucks đạt cột mốc 100 cửa hàng, Phúc Long sau khi về tay Masan cũng kịp có gần 150 cửa hàng và 45 kioks, Katinat tiệm cận 60 cửa hàng. Mỗi The Coffee House là gần như dậm chân tại chỗ với 156 cửa hàng.

Vòng xoay thị trường F&B Việt Nam 2023: Phúc Long vươn lên vị trí thứ 2
Vòng xoay thị trường F&B Việt Nam 2023: Phúc Long vươn lên vị trí thứ 2

CUỘC ĐUA KHÔNG MỆT MỎI CỦA CHUỖI CỬA HÀNG F&B TRUNG VÀ CAO CẤP.

Nền kinh tế Việt Nam đã có chút dấu hiệu khởi sắc trong năm quý III/2023, nhưng về cơ bản thị trường vẫn rất khó khăn, đặc biệt là với các startup công nghệ đang trong giai đoạn đốt tiền. Sau 1 năm tìm người mua nhưng không thành công, Baemin đang cho thấy khả năng có thể sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, những khó khăn đó dường như không liên quan đến các chuỗi F&B ở phân khúc trung và cao cấp. Với nguồn lực khổng lồ từ công ty mẹ, những Starbucks, Highlands Coffee, Phúc Long, Trung Nguyên Legend hay Katinat muốn đầu tư chỗ nào sẽ đầu tư chỗ đó. Chỉ mỗi The Coffee House là không thể thoải mái tiêu tiền, do đứng sau họ là Seedcom vẫn đang huy động vốn khắp nơi và có nhiều ‘đứa con’ khác phải lo lắng.

Highlands Coffee vẫn vô đối.

Hôm nay 6/10, Highlands Coffee vừa làm lễ khởi công xây dựng Dự án nhà máy rang cà phê Cao Nguyên tại KCN Phú Mỹ II – Bà Rịa Vũng Tàu với diện tích 24.000m2. Nhà máy có tổng đầu tư 500 tỷ đồng, công suất có thể đạt tới gần 10.000 tấn cà phê/năm trong giai đoạn đầu, 75.000 tấn cà phê/năm trong giai đoạn tiếp theo.

“ Đây sẽ là nhà máy rang cà phê có quy mô lớn hàng đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng như tại Việt Nam. Với việc đầu tư các công nghệ sản xuất hàng đầu thế giới, chúng tôi muốn khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực sản xuất cà phê rang xay đậm chất Việt cũng như đạt tiêu chuẩn thế giới.

Đồng thời, đây cũng là bước đi chiến lược của thương hiệu trong cuộc đua cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu cà phê toàn cầu ”, đại diện Highlands Coffee cho hay.

Cũng theo tiết lộ từ chuỗi cà phê này, hiện họ có 700 cửa hàng tại Việt Nam và 50 cửa hàng tại Philippines tính đến tháng 9/2023.

Cuối năm 2022, Highlands Coffee có 605 cửa hàng. Số lượng cửa hàng khổng lồ của Highlands Coffee còn nhiều hơn tổng số cửa hàng của các đối thủ của họ cộng lại.

Highlands Coffee hiện là hệ thống chuỗi cà phê mạnh nhất ở phân khúc của mình trong nhiều năm liền và tiến lên với tốc độ khủng khiếp sau quyết định bán mình của SuperFoods Group (đơn vị sở hữu và vận hành hai thương hiệu F&B nổi tiếng Việt Nam là Highlands Coffee và Phở 24) cho Jollibee Group trong năm 2012.

Có thể nói, chỉ thông qua nhượng quyền, Highlands Coffee mới có thể mở gần 100 cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2023, điều mà dù Masan – Phúc Long có dốc toàn lực vẫn rất khó để thực hiện.

Nhượng quyền là nghiệp vụ tưởng như đơn giản trong ngành F&B nhưng không phải ai cũng làm tốt và đi được đường dài, trường hợp chuỗi Mixue gần đây là một ví dụ tiêu biểu.

Vậy nên, kinh nghiệm về nhượng quyền dày dạn qua 45 năm của chuỗi gà rán toàn cầu đến từ Philippines – Jollibee đóng vai trò quyết định trong việc phát triển của Highlands Coffee.

Highlands Coffee không phải là chuỗi duy nhất biết chọn địa điểm đắc địa hay có concept cửa hàng đẹp nhất, menu nước uống của họ cũng khá đơn giản và đồ uống cũng không phải là ngon nhất, phục vụ khách hàng cũng không thân thiện nhất hay nhanh nhất.

Tuy nhiên, nếu tính tổng thể tất cả các khía cạnh, thì chất lượng của chuỗi này vẫn đứng top của thị trường.

Phúc Long vươn lên vị trí thứ 2.

Sau khi về tay Masan, Phúc Long bây giờ không còn là Phúc Long trước đây. Phúc Long không chỉ thay đổi lãnh đạo mà định hướng sản phẩm cũng rất khác.

Vào tháng 5/2021, Masan – thông qua công ty con trực tiếp là công ty TNHH The Sherpa mua 20% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage với giá 15 triệu USD (khoảng 352 tỷ đồng), tương ứng định giá 75 triệu USD.

Nửa năm sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.

Tháng 8/2022, Masan tiếp tục mua thêm 34% vốn cổ phần của Phúc Long với giá 155 triệu USD để sở hữu 85% Phúc Long. Như vậy, Phúc Long đã được Masan định giá khoảng 455 triệu USD.

Tháng 9/2022, Phúc Long đã ra mắt cửa hàng Premium ở Thảo Điền – Quận 2, với diện tích gần 2.000m2 và có khu rang xay cà phê tại chỗ. Vì là cửa hàng cao cấp, nên giá các món trong menu của Phúc Long Thảo Điền được định vị ngang bằng với Starbucks.

Sau khi bán xong Phúc Long, ông Lâm Bội Châu đã ra đi và nhường chiếc ghế CEO lại cho bà Lee Joanne Jihyun vào tháng 11/2022.

Bà Lee Joanne Jihyun là người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B, từng điều hành các chuỗi như Gong Cha, Baskin Robin, Krispy Kreme tại nhiều thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Úc…

Hiện tại, trên website của mình, Phúc Long cho biết họ có khoảng gần 150 cửa hàng flagship trên toàn quốc và 45 kioks. Trong năm 2022, Phúc Long đã khai trương 44 cửa hàng flagship để nâng tổng số cửa hàng lên 132 cửa hàng flagship.

Ở BCTC giữa kỳ, Phúc Long cho biết họ sẽ mở thêm 25 cửa hàng flagship trong 6 tháng cuối năm 2023. Mục tiêu trở thành chuỗi đồ uống lớn thứ 2 Việt Nam của Phúc Long đã đạt được.

Trung Nguyên xuất ngoạị, Starbucks và The Coffee House thủ thế.

Đứng thứ 3 về quy mô chuỗi cửa hàng là The Coffee House. Họ vẫn giữ nguyên con số trên dưới 155 cửa hàng cuối năm 2022 và chỉ mở thêm đúng 1 cửa hàng SIGNATURE by The Coffee House cho đến thời điểm này.

Với những động thái gần đây, nhiều khả năng Seedcom và The Coffee House sẽ không tăng thêm số lượng cửa hàng trong năm nay.

Đặc biệt nhất trong tất cả phải kể đến chuỗi Trung Nguyên Legend của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Họ khuấy động thị trường cà phê Việt không bằng cách mở đua với Highlands Coffee mà chọn mở rộng ra nước ngoài. Hiện họ đã có 2 quán cà phê lớn tại Trung Quốc và mới khai trương 1 quán mới tại Mỹ bằng hình thức nhượng quyền.

Theo website của Trung Nguyên Legend, hiện họ có 108 cửa hàng: 78 cửa hàng tự mở và 30 cửa hàng nhượng quyền.

Cuối năm 2022, Trung Nguyên Legend có 77 cửa hàng và với số lượng hiện tại, thương hiệu này gần như đã hồi phục như trước Covid-19, cuối 2019 họ có gần 100 cửa hàng.

Trung Nguyên cho biết: họ đang lên kế hoạch phát triển 1.000 không gian cà phê Trung Nguyên Legend tại thị trường tỷ đô Trung Quốc và mở rộng 100 không gian tại Mỹ.

Trong năm nay, Starbucks cũng vừa đạt cột mốc quan trọng khi cán đích 100 cửa hàng tại Việt Nam đúng thời điểm tròn 10 năm gia nhập thị trường, trong đó có 50% tập trung tại TP.HCM.

Cuối năm 2022, thậm chí họ còn mở được cửa hàng tại phố cổ Hội An – nơi được bà CEO Patricia Marques đánh giá là ‘rất khó để thuê được địa điểm phù hợp với các tiêu chí của Starbucks’.

Trong khi Việt Nam có thị trường cà phê lớn nhất ở Đông Nam Á về giá trị và số lượng cửa hàng, thì chỉ có 1 cửa hàng Starbucks trên 1 triệu dân – con số thấp nhất trong 6 nền kinh tế lớn trong khu vực.

Một “em út” mới nổi của thị trường là Katinat Saigon Cafe vẫn đang say mê nhân rộng chuỗi của mình. Katinat hiện có 58 cửa hàng trên toàn quốc (3 tại Hà Nội) và họ gần như đã “thay áo mới” cho các cửa hàng đầu tiên với thiết kế màu xanh dương. Katinat cũng vừa đóng cửa hàng đầu tiên tại Đồng Khởi ra mắt cách đây 7 năm để tân trang lại.

Đến cuối năm 2021, Katinat chỉ là một chuỗi thường thường tầm trung tại thị trường TP.HCM với 10 cửa hàng cà phê nhỏ nằm rải rác ở 2 Quận 1 và 3. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm, Katinat đã bành trướng rất nhanh.

Dù số lượng cửa hàng dù chưa nhiều, nhưng tất cả các cửa hàng của họ đều có diện tích mặt bằng rất lớn và hoặc là mặt bằng cửa hàng cao 2 đến 3 tầng. Tốc độ mở cửa hàng này của Katinat chỉ đứng sau Highlands Coffee và Phúc Long.

Cuối cùng, một trong những ông lớn thế giới cũng đang rất e dè sự khó tính của thị trường F&B Việt Nam là Amazon Cafe đến từ Thái Lan. Chính thức mở cửa hàng đầu tiên ở thị trường Việt vào gần cuối 2020 và đến cuối năm 2022, Amazon có 20 cửa hàng và trong 9 tháng đầu năm 2023, họ mới chỉ mở thêm 3 cửa hàng.

CÁC CHUỖI ĐANG KÈN CỰA NHAU TRONG VIỆC TẠO RA XU HƯỚNG ẨM THỰC & ĐỒ UỐNG.

Với sự phát triển rất nhanh của thị trường F&B Việt Nam, sự cạnh tranh giữa các chuỗi bây giờ không còn đến từ vị trí đẹp hoặc concept hiện đại và độc đáo, vì ai cũng đã làm được điều đó chỉ cần đầu tư tiền. Chất lượng sản phẩm, chủ yếu là thức uống, mới là chiến trường chính của các thương hiệu kể trên.

Có thể nói, sự gia nhập của Starbucks đã góp công rất lớn vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm của các chuỗi cà phê ở thị trường Việt Nam.

Trước khi Stabucks đến Việt Nam, các chuỗi đồ uống Việt khá chậm trễ trong việc ra món mới. Nhưng kể từ khi The Coffee House xuất hiện và vận dụng phong cách đổi mới sáng tạo từ Starbucks, thì mọi chuyện đã khác.

The Coffee House đã chịu khó liên tục ra mắt các sản phẩm mới – đặc biệt là dòng sản phẩm theo mùa giống Starbucks. Ngoài việc, 1 năm có ít nhất 4 đợt giới thiệu bộ sưu tập thức uống theo mùa, họ cũng khá thường xuyên thay đổi menu ở tất cả các cửa hàng.

Nhờ vậy, The Coffee House đã nhiều lần dẫn dắt xu hướng thị trường với nhiều dòng sản phẩm như Trà đào cam sả, Trà sữa nướng hoặc Trà sữa hạt macca.

Các thức uống của các thương hiệu cà phê hiện nay đều đòi hỏi nguyên liệu và cách pha chế vừa cao cấp vừa độc đáo, vừa phải phù hợp với khẩu vị riêng của người Việt. Đặc biệt hơn, đó là còn phải có câu chuyện đằng sau.

Bên cạnh đó, cả The Coffee House, Phúc Long và Trung Nguyên Legend đều ra concept cao cấp để thăm dò thị trường và làm thương hiệu (Brand), mức giá thức uống trong các cửa hàng này “đắt đỏ” không thua gì Starbucks.

Theo đó, ở mùa thu này, Katinat đang tổng lực truyền bá cho sản phẩm mới độc đáo trên thị trường là Bơ già dừa non và trước đó là Trà sữa chôm chôm.

Còn The Coffee House đang cố gắng lăng xê cho trà xanh Tây Bắc với các sản phẩm như Latte trà xanh – Trà xanh Espresso Marble hay Phin sữa tươi bánh flan.

Phúc Long thì có Trà sữa hạt đác oolong, Trà Silky Osmanthus Oolong và Trà sữa Osmanthus Oolong (trà oolong được ướp với hoa quế – một loại hoa không phổ biến ở Việt Nam).

CHUỖI NÀO ĐANG LÀM ĂN HIỆU QUẢ NHẤT?

Về hiệu quả kinh doanh, chúng ta chỉ có chỉ số của Highlands, The Coffee House và Phúc Long, chứ không có của Starbucks hay Katinat.

Năm 2021, doanh thu Highlands Coffee đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Hai năm trước đó 2019 – 2020, doanh thu của họ đều trên 2.100 tỷ đồng. BCTC năm 2022 của Tập đoàn Jollibee cho thấy, Highlands Coffee đóng góp 3% tổng doanh thu tập đoàn, tương đương khoảng 3.569 tỷ đồng.

Do Covid-19, năm 2021 Highlands Coffee thông báo khoản lỗ hơn 19 tỷ đồng, đây là mức lỗ lịch sử sau nhiều năm công ty kinh doanh có lãi. Ngay năm 2022, họ đã lấy lại phong độ khi lợi nhuận sau thuế hơn 265 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận của Highlands Coffee thường sẽ tỷ lệ thuận theo số lượng tăng cửa hàng.

Năm 2022, chuỗi Phúc Long thu về 1.579 tỷ đồng doanh thu, với lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) đạt 195 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cửa hàng flagship của Phúc Long mang về 518 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Masan đã đặt ra mục tiêu cho Phúc Long Heritage sẽ phải mang về mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng.

Masan cũng chia sẻ, năm 2022, Phúc Long đứng thứ 2 về doanh thu và đứng đầu về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. Năm 2019, biên lãi gộp của Phúc Long quanh mức 35%. Đến thời điểm hiện tại, kết thúc quý II/2023, con số này ở Phúc Long đang là 64,4%, tốt nhất trong số các mảng kinh doanh của Masan.

Phần The Coffee House, năm 2019, doanh thu thuần của chuỗi này đạt gần 862 tỷ đồng, tuy nhiên đã giảm xuống còn 735 tỷ đồng năm 2020 và 475 tỷ đồng vào năm 2021. 9 tháng đầu năm 2022, The Coffee House ghi nhận 564 tỷ đồng doanh thu, tương đương 2 tỷ đồng/ngày.

Biên lợi nhuận gộp của The Coffee House đều trên 70% trong ba năm từ 2018 đến 2020. Tỷ lệ này của Starbucks Việt Nam năm 2019 vào khoảng 19,3% và đến năm 2021 chỉ là 1,3%.

Tuy nhiên, The Coffee House vẫn lỗ do chi phí bán hàng cao. Trong hai năm Covid-19 (2020 và 2021), chi phí bán hàng của chuỗi này đều lớn hơn lợi nhuận gộp.

Theo đó, The Coffee House ghi nhận khoản lỗ 80,6 tỷ đồng vào năm 2019; đến năm 2020, chuỗi này lỗ 111 tỷ đồng; và tiếp tục lỗ 249,3 tỷ đồng vào năm 2021. Lỗ lũy kế của công ty tính đến cuối năm 2021 là gần 434 tỷ đồng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Quỳnh Anh | Markettimes

Doanh thu của Highlands Coffee đạt mức kỷ lục 3.700 tỷ

Trong khi doanh thu của Highlands Coffee đạt mức kỷ lục 3.700 tỷ, “người anh em” Phở 24 mới bị Jollibee bán lại cho cha đẻ.

Highlands Coffee đạt doanh thu 3.700 tỷ
Highlands Coffee đạt doanh thu 3.700 tỷ

Chuỗi Phở 24 vừa bị Jollibee Group bán lại cho công ty của ông Thái Phi Đán, một trong hai anh em họ Thái sáng lập cả thương hiệu Highlands Coffee và Phở 24.

Tính đến hết năm 2022, chuỗi cà phê Highlands Coffee có 605 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại thị trường Việt Nam, theo thông tin từ Jollibee Group.

Jollibee Group là tập đoàn F&B với độ phủ toàn cầu, sở hữu hơn 6.400 cửa hàng và 17 thương hiệu. Năm 2012, Jollibee Group mua lại 50% SuperFoods Group, đơn vị sở hữu và vận hành hai thương hiệu F&B nổi tiếng Việt Nam là Highlands Coffee và Phở 24. Năm 2017, Jollibee Group mua thêm 10% SuperFoods, nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%.

Năm ngoái, Jollibee Group đạt tổng doanh thu gần 297 tỷ Peso Philippines, tương đương khoảng 125.000 tỷ đồng. Trong đó, Highlands Coffee đóng góp 3% tổng doanh thu tập đoàn. Theo ước tính, doanh thu mà chuỗi cà phê Việt Nam đạt được trên dưới 3.700 tỷ đồng.

Đây là mức kỷ lục của Highlands Coffee, tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2021 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid. Highlands Coffee tiếp tục củng cố vị thế chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam.

Năm 2021, doanh thu Highlands Coffee đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Hai năm trước đó 2019 – 2020, doanh thu đều trên 2.100 tỷ đồng.

Tăng trưởng doanh thu của Highlands được góp phần bởi việc gia tăng số lượng cửa hàng. Đến hết năm 2021, chuỗi cà phê mới chỉ có khoảng 480 cửa hàng khắp Việt Nam.

Trong khi Highlands Coffee có sự trở lại hết sức mạnh mẽ, “người anh em” Phở 24 mới đây bị Jollibee Group bán cho East- West Restaurants Concepts, Business World dẫn thông tin từ tập đoàn Philippines. Phở 24 vận hành 14 nhà hàng phở tại Việt Nam. Đồng thời, Jollibee Group cũng cho biết sẽ chấm dứt thoả thuận nhượng quyền Phở 24 tại Phillipines.

Đơn vị mua lại Phở 24 lại không phải ai xa lạ. Người đại diện pháp luật của East – West Restaurants Concepts là ông Thái Phi Đán, một trong hai anh em sáng lập thương hiệu Highlands Coffee và Phở 24.

Ông Thái Phi Đán ít nổi tiếng hơn so với người anh em Thái Phi Điệp, còn được biết là David Thái. East – West Restaurants Concepts là công ty mới được thành lập đầu năm nay.

Năm 2012, Jollibee Group chi khoảng 25 triệu USD mua cổ phần công ty sở hữu Highlands Coffee và Phở 24. Cuối năm ngoái, Reuters đưa tin tập đoàn Phillipines dự định bán 10 – 15% chuỗi cà phê Highlands với mức định giá 800 triệu USD.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Doanh thu của Highlands Coffee đạt mức hơn 1700 tỷ năm 2021

Chỉ hai năm sau, doanh thu của Highlands Coffee vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Báo cáo kết quả kinh doanh lập đỉnh trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, năm 2021, chuỗi tăng trưởng liên tục của thương hiệu này bị phá vỡ khi doanh thu giảm gần 20%, chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng.

Doanh thu của Highlands Coffee
Doanh thu của Highlands Coffee đạt mức hơn 1700 tỷ năm 2021

Chủ Highlands Coffee – chuỗi F&B dẫn đầu về doanh thu và số cửa hàng tại Việt Nam ghi nhận lợi nhuận âm 19 tỷ năm 2021, lần đầu kể từ năm 2014.

Mô hình chuỗi cà phê bùng nổ những năm gần đây và vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, tác động từ đại dịch Covid-19 và sức ép cạnh tranh từ tên tuổi mới đang phả hơi nóng vào những cái tên đứng đầu như Highlands Coffee.

Xét về quy mô doanh thu, Highlands Coffee vẫn là chuỗi đứng đầu thị trường, nhưng kết quả kinh doanh của thương hiệu này đang có dấu hiệu đi xuống.

Doanh thu của Công ty cổ phần Dịch vụ cà phê Cao Nguyên – chủ sở hữu chuỗi cà phê Highlands Coffee đã tăng liên tục nhờ chiến lược mở rộng sự hiện diện tại các thành phố lớn, lần đầu vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng vào năm 2017.

Chỉ hai năm sau, doanh thu của Highlands Coffee vượt ngưỡng 2.000 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh lập đỉnh trong giai đoạn 2019-2020.

Tuy nhiên, năm 2021, chuỗi tăng trưởng liên tục của thương hiệu này bị phá vỡ khi doanh thu giảm gần 20%, chỉ còn hơn 1.700 tỷ đồng. Đồng thời, Highlands Coffee cũng báo lỗ hơn 19 tỷ đồng. Lần gần nhất trước đó chuỗi này lỗ là năm 2014.

So với những chuỗi khác trên thị trường, quy mô biên lãi gộp của Highlands luôn ở nhóm cao nhất, duy trì khoảng 70% trong ba năm gần đây. Tuy nhiên, lợi nhuận của chuỗi này tương đối khiêm tốn do chi mạnh tay cho chi phí bán hàng.

Theo báo cáo doanh thu, lãi ròng của Công ty Dịch vụ cà phê Cao Nguyên ghi nhận gần 100 tỷ đồng trong hai năm 2017 và 2018, giảm xuống còn 55-80 tỷ trong hai năm tiếp theo dù doanh thu lập kỷ lục. Năm 2021, công ty này báo lỗ.

Cuối năm 2021, Highlands Coffee liên tiếp vướng lùm xùm với một số chủ mặt bằng khi chuỗi này bị tố nợ tiền thuê nhiều tháng, tới hàng tỷ đồng.

Công ty cổ phần Nhà Hòa Bình đã gửi đơn tố cáo vì bị Công ty cổ phần Dịch vụ cà phê Cao Nguyên nợ gần 5 tháng tiền mặt bằng tại tòa nhà Pax Sky (đường Ung Văn Khiêm).

Trước khi xảy ra tranh chấp với Nhà Hòa Bình, chuỗi cà phê này cũng từng nợ 6 tháng tiền thuê mặt bằng tại tòa nhà Artemis (Thanh Xuân, Hà Nội) trên một tỷ đồng.

Trả lời báo chí, Highlands Coffee xác nhận có thuê mặt bằng và gặp khó khăn về kinh doanh trong giai đoạn các thành phố áp dụng giãn cách.

Thương hiệu Highlands Coffee ra đời từ năm 1999, khởi đầu với sản phẩm cà phê đóng gói tại Hà Nội.

Năm 2002, thương hiệu này bắt đầu mở rộng sang mô hình chuỗi cà phê, với quán Highlands Coffee đầu tiên ra đời tại TP HCM.

Kể từ đó, chuỗi này không ngừng phát triển, trở thành thương hiệu cà phê nổi tiếng, không chỉ hoạt động trong nước mà còn lấn sân sang thị trường quốc tế.

Năm 2012, Highlands Coffee được mua lại bởi Jollibee Foods – một tập đoàn nhà hàng tại Philippines. Cuối năm 2016, Jollibee Foods Corp (JFC) và đối tác là Công ty Việt Thái Quốc tế (VTI) lên kế hoạch niêm yết chuỗi cửa hàng Highlands Coffee lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, ý định này vẫn chưa được thực hiện.

So với những đối thủ khác trên thị trường F&B (Food and Beverage), Highlands Coffee đi lên nhờ đánh vào tính bao phủ, không gian phù hợp để làm việc thay vì khẩu vị của khách hàng.

Duy trì một thực đơn đồ uống đơn giản, dễ chọn nhưng Highlands len lỏi khắp các tòa nhà lớn và trung tâm thương mại, hiện diện ở những vị trí đắc địa. Đặc trưng này của Highlands Coffee cũng phần nào phản ánh qua các chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Doanh thu của Starbucks Việt Nam đạt hơn 500 tỷ vào năm 2021

Dù số lượng cửa hàng chỉ bằng một nửa, doanh thu năm 2021 của gã khổng lồ F&B Starbucks Việt Nam là 555 tỷ đồng, cao hơn mức 475 tỷ đồng của The Coffee House.

Không mở rộng ồ ạt như nhiều chuỗi cafe khác, số lượng cửa hàng của Starbucks khá nhỏ nếu so sánh với Highlands Coffee, Trung Nguyên hay The Coffee House.

Công ty vận hành Starbucks tại Việt Nam lỗ gần 102 tỷ đồng vào năm ngoái. Thay vì chọn những vị trí đắc địa như trước đây, chuỗi cafe này đang mở những cửa hàng nhỏ hơn cũng như bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Starbucks là một trong những chuỗi cafe nổi tiếng nhất thế giới với hơn 33.000 cửa hàng tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Thương hiệu Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2/2013, ở ngã sáu Phù Đổng (Q1, TP HCM).

Chiến lược ban đầu của Starbucks Việt Nam là mở quán tại những nơi có vị trí đắc địa và chú trọng vào việc đem lại không gian trải nghiệm cho khách hàng. Không mở rộng ồ ạt như nhiều chuỗi cafe khác, Starbucks xác định đi theo hướng “chậm mà chắc”.

Theo số liệu Statista cập nhật đến tháng 4 năm nay, Starbucks hiện có 76 cửa hàng tại Việt Nam – đứng trong Top những chuỗi có số lượng cửa hàng nhiều nhất.

Tuy nhiên con số này vẫn khá nhỏ nếu so sánh với các đối thủ như Highlands Coffee (478), Trung Nguyên (454) và The Coffee House (146). Quy mô của Starbucks Việt Nam cũng kém xa chuỗi này tại một số nước Đông Nam Á khác như Indonesia (487 cửa hàng) hay Thái Lan (425) (số liệu của Statista tính đến tháng 10/2021).

Dù số lượng cửa hàng chỉ bằng một nửa, doanh thu năm 2021 của Starbucks Việt Nam là 555 tỷ đồng -cao hơn mức 475 tỷ đồng của The Coffee House.

Giống như nhiều thương hiệu cafe khác, doanh thu của cả hai chuỗi trên đều có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Đại dịch Covid-19 buộc các chuỗi thức ăn và đồ uống phải đóng cửa trong một thời gian dài để thực hiện quy định về giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp ngành F&B Việt Nam phải chật vật để tồn tại trong hơn 2 năm qua.

Năm 2021, Highlands Coffee – chuỗi cafe lớn nhất về quy mô và doanh thu tại Việt Nam – ghi nhận khoản lỗ 19 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên Highlands báo lỗ trong 8 năm qua.

Trong khi đó, theo số liệu mà Người Đồng Hành có được, công ty vận hành Starbucks tại Việt Nam lỗ gần 102 tỷ đồng vào năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế năm 2019 và 2020 của chuỗi lần lượt là gần 39 tỷ đồng và 4,3 tỷ đồng. Hết năm 2021, vốn chủ sở hữu của công ty này là âm 51,8 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp của Starbucks Việt Nam năm 2019 vào khoảng 19,3% và đến năm 2021 chỉ là 1,3%. Tỷ lệ này khá thấp nếu so sánh với Highlands Coffee hay The Coffee House.

Biên lợi nhuận gộp của Highlands Coffee nằm trong khoảng 60-70% trong 3 năm gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là Starbucks Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô – khiến giá vốn chiếm phần lớn doanh thu.

Tháng 10 năm ngoái, chuỗi này đã đóng cửa Starbucks Rex, chi nhánh nằm trong khách sạn Rex tại đường Nguyễn Huệ (Q1, TP HCM) và đến cuối năm, đóng thêm cửa hàng Starbucks Press Club, nằm tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tháng 7 vừa qua, Starbucks Lan Viên – quán đầu tiên mở tại Hà Nội cũng ngừng hoạt động. Điểm chung của 3 cơ sở này là đều nằm ở những vị trí “vàng” tại các thành phố lớn.

“Sở dĩ chúng tôi đóng cửa Starbucks ở khách sạn Rex là vì nó không mang lại hiệu quả rõ rệt và không thuận lợi cho vận hành. Địa điểm không thuận lợi cho logistics vì câu chuyện làm đường và kẹt xe ở khu vực đó trong vài năm qua.

Vì Covid-19 nên khách du lịch cũng không nhiều như trước kia và xung quanh khu vực đó cũng có rất nhiều cửa hàng Starbucks.

Trong kinh doanh chuỗi F&B, đóng hay mở cửa hàng nào đó là điều hết sức bình thường và không có gì to tát”, bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam nói với truyền thông trong một sự kiện đầu năm nay.

Thực tế, dù đóng cửa các cơ sở có mặt tiền đắc địa nhưng Starbucks không hề thu hẹp quy mô mà đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam.

Chuỗi này đóng 3 cửa hàng trong năm 2021 nhưng mở thêm 9 địa điểm mới. Riêng giai đoạn chuyển giao giữa năm ngoái và năm nay (tức tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay), họ mở thêm 6 cửa hàng với 3 ở Hà Nội, 2 tại TP HCM và một tại Bình Dương.

Mô hình của Starbucks Việt Nam hiện hướng đến sự tinh gọn, mở thêm các cửa hàng nhỏ, săn tìm các mặt bằng xa trung tâm, các khu đô thị mới, cao ốc hay các cộng đồng địa phương – thay vì tập trung vào những địa điểm đẹp nhưng chi phí tốn kém như trước kia.

“Chúng tôi có mở những cửa hàng nhỏ hơn, phục vụ khách hàng chỉ mua đi chứ không ngồi lại. Nhưng định hình của Starbucks vẫn là không gian nơi khách hàng đến trải nghiệm, thưởng thức cùng gia đình và bạn bè.

Nguyên tắc đó sẽ không đổi”, Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam chia sẻ về chiến lược của Starbucks trong năm 2022.

Bên cạnh đó, công ty này cũng đẩy mạnh bán online trên nền tảng giao hàng trực tuyến như ShopeeFood hay Grab.

Starbucks cũng mở gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử như Lazada hay Shopee để tập trung bán các sản phẩm đi kèm như cốc, bình đựng nước, túi vải…

Có thể thấy dù chưa thật sự bùng nổ, Starbucks đã đạt được những thành công nhất định tại thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều chuỗi cafe ngoại rất nổi tiếng nhưng đã sớm phải nói lời dừng cuộc chơi.

Vì sao Starbucks thành công khắp thế giới nhưng chưa bùng nổ tại Việt Nam.

Năm 2019, CNBC từng có bài viết lý giải tại sao Starbucks thành công khắp thế giới nhưng chỉ chiếm chưa tới 3% thị phần cafe ở Việt Nam.

Trang này đưa ra 3 lý do. Thứ nhất là người Việt Nam có quá nhiều lựa chọn địa phương để thưởng thức cà phê. Thứ hai là hầu hết các cửa hàng cà phê phương Tây phục vụ cà phê làm từ hạt Arabica – loại chiếm tới 75% cà phê thế giới.

Cà phê Việt Nam được ủ bằng hạt cà phê Robusta, có vị đắng hơn, ngon hơn và hàm lượng caffeine cao hơn so với hạt Arabica, và rẻ hơn.

Lý do thứ ba được CNBC đưa ra là người Việt Nam đã quá trung thành với lối thưởng thức cũ để thử thứ gì đó mới, và thậm chí là tự phục vụ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips